Cách đây 40 năm, Trường Trung học Giao thông vận tải V, tiền thân của Trường Cao đẳng Giao thông vận tải II ngày nay được thành lập theo Quyết định số 3355/QĐ ngày 03/9/1976 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Ngày đầu thành lập địa điểm của Trường đặt tại thôn Phú Thạnh, xã Phước Long, huyện Phước Vân, tỉnh Nghĩa Bình (nay là phường Bùi Thị Xuân, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định).
Đến tháng 10/1984, Trường chuyển về địa điểm mới, thôn Thủy Tú, xã Hòa Hiệp, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (nay là phường Hoà Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng).
Theo Quyết định số 590/QĐ/TCCB-LĐ ngày 08/4/1992 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện, Trường Trung học Giao thông vận tải V được đổi tên thành Trường Trung học Giao thông vận tải khu vực II.
Đến tháng 11/2000, Trường được nâng cấp thành Trường Cao đẳng Giao thông vận tải II theo Quyết định số 4959/QĐ-BGD&ĐT-TCCB ngày 20/11/2000 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo.
Toàn cảnh sơ sở chính Trường Cao đẳng Giao thông vận tải II
40 năm qua, với 3 lần mang tên gọi khác nhau, dù đứng chân tại Phước Long - Phước Vân - Nghĩa Bình hay trên đất Hòa Hiệp Bắc - Liên Chiểu - Đà Nẵng hiện nay, ở đâu và lúc nào, các thế hệ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động và học sinh, sinh viên Nhà trường cũng luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình.
Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, Nhà trường đã đào tạo, bồi dưỡng cho ngành Giao thông vận tải và xã hội gần 35.000 cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý và công nhân đang có mặt trên khắp mọi miền Tổ quốc, đặc biệt là khu vực Miền Trung - Tây Nguyên. Các thế hệ học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp của Trường, đang ngày đêm đóng góp sức lực và trí tuệ của mình cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong số đó, có rất nhiều người thành đạt, đã và đang nắm giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý, chuyên gia của ngành tại các địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức khác trên địa bàn Miền Trung - Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.
Uy tín và thương hiệu của Nhà trường đối với xã hội và doanh nghiệp sử dụng lao động đã được khẳng định, và ngày một nâng cao. Hiện nay, Trường là một trong những trung tâm lớn về đào tạo, nghiên cứu khoa học phục vụ cho ngành Giao thông vận tải cả nước và phục vụ kinh tế - xã hội của khu vực Miền Trung và Tây Nguyên. Trường hiện có 07 khoa, 05 phòng chức năng, 01 ban, 01 cơ sở đào tạo và 04 trung tâm; đào tạo 4 ngành (13 chuyên ngành) bậc Cao đẳng; 7 ngành bậc Trung cấp chuyên nghiệp và 19 nghề trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng; 17 chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ trong lĩnh vực Giao thông vận tải; ...
So với ngày đầu thành lập, cảnh quan, cơ sở vật chất của Trường ngày một khang trang hơn, trang thiết bị phục vụ đào tạo cùng hệ thống sân thể thao, vui chơi được đầu tư hiện đại. Trường đã xây dựng được đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng nghề giỏi, giàu kinh nghiệm thực tế và tâm huyết với nghề, với 135 thạc sỹ, 11 giảng viên chính và 15 cán bộ, giảng viên đang làm nghiên cứu sinh. Tỷ lệ giảng viên có trình độ thạc sỹ trở lên của Trường đạt trên 85%, trong đó chủ yếu được đào tạo tại các cơ sở đào tạo danh tiếng trong và ngoài nước.
Chương trình đào tạo của Trường được xây dựng theo định hướng ứng dụng và thực hành nghề nghiệp, gắn kết với doanh nghiệp và xã hội. Các chuyên ngành đào tạo thuộc thế mạnh của Trường như: Xây dựng Cầu đường, Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp, Công nghệ Ô tô, Công nghệ Cơ khí chế tạo và Kế toán doanh nghiệp được ngành Giao thông vận tải và xã hội đánh giá cao. Học sinh, sinh viên của Trường sau khi tốt nghiệp được học lên trình độ cao hơn ngay tại Trường hoặc các Trường khác theo quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo.
Để thuận tiện cho người học liên thông lên trình độ đại học, Trường đã liên kết đào tạo với các trường Đại học có uy tín trong ngành và khu vực như: Đại học Giao thông vận tải, Học viện Hàng không Việt Nam, Đại học Công nghệ Giao thông vận tải, Đại học Nha Trang. Trường cũng ký kết các thỏa thuận hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và tuyển dụng lao động với nhiều đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, đặc biệt là ký kết thỏa thuận với các Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng của các tỉnh đóng trên địa bàn Miền Trung - Tây Nguyên tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn; tổ chức đào tạo lại, đào tạo nâng cao cho doanh nghiệp, qua đó xây dựng mối quan hệ hợp tác phát triển bền vững, tạo điều kiện để học sinh, sinh viên có địa điểm thực tập và cơ hội việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra, Trường còn triển khai hợp tác đào tạo nguồn nhân lực giao thông vận tải cho các tỉnh Nam Trung Lào.
Với những đóng góp sức lực và trí tuệ cho sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực của đất nước, và của ngành Giao thông vận tải, Nhà trường đã vinh dự được đón nhận: Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1991); Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 1997); Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2003); Bằng khen của Thủ Tướng Chính phủ (năm 2008); Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2010); Bằng khen của Thủ Tướng Chính phủ (năm 2013). Nhiều tập thể và cá nhân của Nhà trường được Đảng, Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Giáo dục & Đào tạo và các cấp trên liên quan tặng nhiều danh hiệu cao quý. Nhà trường đã vinh dự có 02 thầy giáo được tôn vinh Nhà giáo Ưu tú.
Có được trang sử vẻ vang về truyền thống và thành tích ấy là nhờ các thế hệ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động và học sinh, sinh viên Nhà trường đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, vững bước đi lên. Bên cạnh đó, là sự quan tâm chỉ đạo và giúp đỡ của Đảng và chính quyền các cấp mà trực tiếp là Bộ Giao thông vận tải; sự phối kết hợp chặt chẽ của các sở, ban ngành, đoàn thể đóng trên địa bàn các tỉnh Miền Trung-Tây Nguyên, đặc biệt là ở tỉnh Nghĩa Bình trước đây và thành phố Đà Nẵng hiện nay.
Những ghi nhận, đánh giá của Nhà nước và của xã hội đã khẳng định vai trò, sứ mệnh của nhà trường đối với sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực ngành Giao thông vận tải nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung trong suốt 40 năm qua. Đây cũng chính là tiền đề, là bệ phóng quan trọng để Trường tiếp tục phát triển và gặt hái được những thành tựu lớn hơn trên con đường chinh phục những thử thách mới.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tăng cường đổi mới và hội nhập hiện nay, bên cạnh những mặt mạnh đã được phát huy như: bề dày truyền thống, sự đoàn kết - đồng thuận, năng lực, ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm trong công tác của cán bộ, viên chức v.v.., nhà trường vẫn còn những mặt tồn tại cần phải khắc phục, đặc biệt là những khó khăn trong công tác tuyển sinh. Do đó, để vượt qua những khó khăn trước mắt, thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2020 trở thành Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải II như đã đề ra trong Chiến lược phát triển Trường Cao đẳng Giao thông vận tải II đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, đòi hỏi mỗi đơn vị, mỗi cá nhân trong Nhà trường phải đoàn kết nhất trí, quyết tâm nỗ lực cao hơn nữa. Đây thực sự là thử thách mới trong bước phát triển sắp tới của nhà trường. Tin rằng với truyền thống 40 năm xây dựng và phát triển, với tinh thần tiếp tục đổi mới, quyết liệt cải cách, đồng tâm hiệp lực, thầy trò Trường Cao đẳng Giao thông vận tải II sẽ vượt qua mọi khó khăn thử thách hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, xây dựng Trường Cao đẳng Giao thông vận tải II trở thành trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải II