Cách hạch toán tăng tài sản cố định
Theo Thông tư 45/2013/TT-BTC , Khoản 1 Điều 2 quy định về tài sản cố định hữu hình như sau: “1. Tài sản cố định hữu hình: là những tư liệu lao động chủ yếu có hình thái vật chất thỏa mãn các tiêu chuẩn của tài sản cố định hữu hình, tham gia vào nhiều chu kỳ kinh doanh nhưng vẫn giữ ...
Theo Thông tư 45/2013/TT-BTC, Khoản 1 Điều 2 quy định về tài sản cố định hữu hình như sau:
“1. Tài sản cố định hữu hình: là những tư liệu lao động chủ yếu có hình thái vật chất thỏa mãn các tiêu chuẩn của tài sản cố định hữu hình, tham gia vào nhiều chu kỳ kinh doanh nhưng vẫn giữ nguyên hình thái vật chất ban đầu như nhà cửa, vật kiến trúc, máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải…”
Theo Thông tư 45/2013/TT-BTC, Khoản 1 Điều 3 quy định về tiêu chuẩn ghi nhận tài sản cố định như sau:
“1. Tư liệu lao động là những tài sản hữu hình có kết cấu độc lập, hoặc là một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định mà nếu thiếu bất kỳ một bộ phận nào thì cả hệ thống không thể hoạt động được, nếu thỏa mãn đồng thời cả ba tiêu chuẩn dưới đây thì được coi là tài sản cố định:
a) Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó;
b) Có thời gian sử dụng trên 1 năm trở lên;
c) Nguyên giá tài sản phải được xác định một cách tin cậy và có giá trị từ 30.000.000 đồng (Ba mươi triệu đồng) trở lên.”
Theo Thông tư 200/2014/TT-BTC, Khoản 1 Điều 35 quy định về tài sản cố định như sau:
“b) Tài sản cố định là những tài sản có hình thái vật chất do doanh nghiệp nắm giữ để sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐ hữu hình.
c) Những tài sản hữu hình có kết cấu độc lập, hoặc nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau thành một hệ thống để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định, nếu thiếu bất kỳ một bộ phận nào trong đó thì cả hệ thống không thể hoạt động được, nếu thỏa mãn đồng thời cả bốn tiêu chuẩn dưới đây thì được coi là tài sản cố định:
– Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó;
– Nguyên giá tài sản phải được xác định một cách đáng tin cậy;
– Có thời hạn sử dụng từ 1 năm trở lên;
– Có giá trị theo quy định hiện hành”
Tài sản cố định hữu hình tăng trong kỳ được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau:
- Mua sắm.
- Đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành.
- Nhận góp vốn.
- Được tài trợ, biếu tặng.
- Thừa trong kiểm kê
Sau đây, Kế toán Centax xin chia sẻ cách hạch toán tăng tài sản cố định theo Điều 35 Thông tư 200/2014/TT-BTC bằng các nghiệp vụ kinh tế chủ yếu:
1. Mua sắm
1.1. Nguyên giá tài sản cố định
Nguyên giá TSCĐ hữu hình do mua sắm bao gồm : giá mua (trừ các khoản được chiết khấu thương mại, giảm giá), các khoản thuế (không bao gồm các khoản thuế được hoàn lại) và các chi phí liên quan trực tiếp đến việc đưa tài sản vào trạng thái sẵn sàng sử dụng như chi phí chuẩn bị mặt bằng, chi phí vận chuyển và bốc xếp ban đầu, chi phí lắp đặt, chạy thử (trừ (-) các khoản thu hồi về sản phẩm, phế liệu do chạy thử), chi phí chuyên gia và các chi phí liên quan trực tiếp khác. Chi phí lãi vay phát sinh khi mua sắm TSCĐ đã hoàn thiện (TSCĐ sử dụng được ngay mà không cần qua quá trình đầu tư xây dựng) không được vốn hóa vào nguyên giá TSCĐ.
1.2. Phương pháp kế toán tài sản cố định
- Căn cứ các chứng từ có liên quan đến việc mua TSCĐ: Hợp đồng kinh tế, Hóa đơn GTGT, Biên bản giao hàng, Hồ sơ kỹ thuật;
- Nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, kế toán xác định nguyên giá TSCĐ, lập hồ sơ kế toán, lập Biên bản giao nhận TSCĐ, ghi:
Nợ TK 211 – TSCĐ hữu hình (giá mua chưa có thuế GTGT)
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1332)
Có TK 112, 331,…
Nếu thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ khi nguyên giá TSCĐ bao gồm cả thuế GTGT.
1.3. Hồ sơ, thủ tục mua sắm TSCĐ
Xem chi tiết Hồ sơ thủ tục mua sắm TSCĐ.
2. Đầu tư xây dựng cơ bản
2.1. Nguyên giá tài sản cố định
2.1.1. Nguyên giá TSCĐ theo phương thức giao thầu
Nguyên giá TSCĐ theo phương thức giao thầu là giá quyết toán công trình xây dựng theo quy định tại Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng hiện hành, các chi phí khác có liên quan trực tiếp và lệ phí trước bạ (nếu có).
2.1.2. TSCĐ hữu hình tự xây dựng hoặc tự sản xuất
Nguyên giá TSCĐ hữu hình tự xây dựng là giá trị quyết toán công trình khi đưa vào sử dụng. Trường hợp TSCĐ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa thực hiện quyết toán thì doanh nghiệp hạch toán nguyên giá theo giá tạm tính và điều chỉnh sau khi quyết toán công trình hoàn thành.
Nguyên giá TSCĐ hữu hình tự sản xuất là giá thành thực tế của TSCĐ hữu hình cộng (+) các chi phí trực tiếp liên quan đến việc đưa TSCĐ vào trạng thái sẵn sàng sử dụng.
2.2. Phương pháp kế toán tăng TSCĐ do đầu tư XDCB hoàn thành
Trường hợp công trình hoặc hạng mục công trình XDCB hoàn thành đã bàn giao đưa vào sử dụng, nhưng chưa được duyệt quyết toán vốn đầu tư, thì doanh nghiệp căn cứ vào chi phí đầu tư XDCB thực tế, tạm tính nguyên giá để hạch toán tăng, giảm TSCĐ (để có cơ sở tính và trích khấu hao TSCĐ đưa vào sử dụng). Sau khi quyết toán vốn đầu tư XDCB được duyệt, nếu có chênh lệch so với giá trị TSCĐ đã tạm tính thì kế toán thực hiện điều chỉnh tăng, giảm số chênh lệch.
2.2.1. Trường hợp quá trình đầu tư xây dựng cơ bản được hạch toán trên cùng hệ thống sổ kế toán của doanh nghiệp
- Khi công tác xây dựng cơ bản hoàn thành nghiệm thu, bàn giao đưa tài sản vào sử dụng cho sản xuất, kinh doanh, kế toán ghi nhận TSCĐ, ghi:
Nợ TK 211 – TSCĐ hữu hình (nguyên giá)
Có Tk 241 – Xây dựng cơ bản dở dang.
2.2.2. Trường hợp quá trình đầu tư XDCB không hạch toán trên cùng hệ thống sổ kế toán của doanh nghiệp (doanh nghiệp chủ đầu tư có BQLDA tổ chức kế toán riêng để theo dõi quá trình đầu tư XDCB).
- Khi nhận bàn giao công trình, chủ đầu tư, ghi:
Nợ TK 211– TSCĐ hữu hình
Có TK 136 – Phải thu nội bộ
Có TK 331 (nhận nợ phải trả nếu có)
2.2.3. Trường hợp TSCĐ hữu hình tự sản xuất
- Khi sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp tự sản xuất để chuyển thành TSCĐ hữu hình, ghi:
Nợ TK 211 – TSCĐ hữu hình
Có TK 155 – Thành phẩm (nếu xuất kho ra sử dụng)
Có TK 154 – Chi phí SXKD dở dang (đưa vào sử dụng ngay)
2.3. Hồ sơ, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành TSCĐ
Xem chi tiết Hồ sơ đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành TSCĐ tại đây.
3. Nhận góp vốn
3.1. Nguyên giá TSCĐ
Nguyên giá TSCĐ hữu hình nhận góp vốn, nhận lại vốn góp là giá trị do các thành viên, cổ đông sáng lập định giá nhất trí hoặc doanh nghiệp và người góp vốn thỏa thuận hoặc do tổ chức chuyên nghiệp định giá theo quy định của pháp luật và được các thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận.
3.2. Phương pháp kế toán tăng TSCĐ do nhận góp vốn, nhận lại vốn góp
- Dựa vào bộ hồ sơ, thủ tục góp vốn, kế toán ghi nhận tăng TSCĐ như sau:
Nợ TK 211 – TSCĐ hữu hình
Có TK 411 – Nguồn vốn kinh doanh.
3.3. Hồ sơ, thủ tục nhận góp vốn bằng TSCĐ
Xem chi tiết hồ sơ, thủ tục nhận góp vốn bằng TSCĐ tại đây.
4. Được tài trợ, biếu tặng
4.1. Nguyên giá TSCĐ
Nguyên giá TSCĐ do được tài trợ, biếu tặng là giá trị theo đánh giá thực tế của Hội đồng giao nhận hoặc tổ chức định giá chuyên nghiệp; Các chi phí mà bên nhận phải chi ra tính đến thời điểm đưa TSCĐ vào trạng thái sẵn sàng sử dụng như: Chi phí vận chuyển, bốc dỡ, lắp đặt, chạy thử, lệ phí trước bạ (nếu có).
4.2. Phương pháp kế toán
- Trường hợp doanh nghiệp được tài trợ, biếu, tặng TSCĐ hữu hình đưa vào sử dụng ngay cho SXKD, ghi:
Nợ TK 211 – TSCĐ hữu hình
Có TK 711 – Thu nhập khác - Các chi phí khác liên quan trực tiếp đến TSCĐ hữu hình được tài trợ, biếu tặng tính vào nguyên giá, ghi:
Nợ TK 211 – TSCĐ hữu hình
Có các TK 111, 112, 331,…
4.3. Hồ sơ, thủ tục
Xem chi tiết hồ sơ, thủ tục được tài trợ, biết tặng TSCĐ tại đây.