12/07/2018, 23:31

Bộ lạc sống biệt lập 55.000 năm trên quần đảo Ấn Độ Dương

Bộ lạc Jarawa đang bị đe dọa xóa sổ bởi đường cao tốc cắt ngang qua vùng đất của tổ tiên họ. Bộ lạc Jarawa chỉ còn 400 thành viên đang sinh sống trên quần đảo Andaman ở Ấn Độ Dương và các nhà hoạt động lo ngại họ có thể biến mất trong 10 năm tới, Sun đưa tin. Mối đe dọa lớn nhất đối với sự ...

Bộ lạc Jarawa đang bị đe dọa xóa sổ bởi đường cao tốc cắt ngang qua vùng đất của tổ tiên họ.

Bộ lạc Jarawa chỉ còn 400 thành viên đang sinh sống trên quần đảo Andaman ở Ấn Độ Dương và các nhà hoạt động lo ngại họ có thể biến mất trong 10 năm tới, Sun đưa tin. Mối đe dọa lớn nhất đối với sự tồn tại của họ là đường cao tốc chạy thẳng qua quê nhà, theo tổ chức từ thiện Survival International.


Người Jarawa rất giỏi săn thú. (Video: YouTube).

Con đường kéo theo nhiều du khách tới quần đảo. Những kẻ săn trộm cũng đột nhập vào các khu rừng trù phú trên quần đảo hẻo lánh và săn động vật hoang dã, nguồn thức ăn để sinh tồn của bộ lạc. Đây là một trong nhiều lý do bộ lạc Jarawa tỏ ra thù địch với người đến từ thế giới bên ngoài.


Bộ lạc Jarawa chỉ còn 400 thành viên. (Ảnh: Claire Beilvert).

Thành viên của bộ lạc du mục là những bậc thầy săn bắt. Họ chuyên bẫy lợn rừng, thằn lằn và rùa với một loại cung đặc chế. Do cư trú trên đảo, nguồn thức ăn từ biển rất quan trọng đối với họ. Đàn ông trong bộ lạc thường đánh bắt cá ở vùng nước nông.

Người Jarawa cũng thích ăn trái cây và mật ong. Họ lấy mật ong ra khỏi tổ bằng cách dùng chiết xuất thực vật để xoa dịu đàn ong. Họ am hiểu tường tận về hơn 150 loại cây và 350 động vật trên đảo. Người Jarawa là những chiến binh dũng mãnh và sẵn sàng bất chấp tất cả để bảo vệ lãnh thổ. Các chuyên gia ước tính họ đã định cư ở quần đảo Ấn Độ Dương từ cách đây 55.000 - 60.000 năm.


Người Jarawa sống du mục dựa vào nguồn thức ăn từ rừng và biển. (Ảnh: Claire Beilvert).

Bộ lạc sống sót qua thời kỳ người Anh đô hộ vào thế kỷ 19 và giai đoạn người Nhật chiếm đóng sau đó. Năm 1998, vài người Jarawa bắt đầu ra khỏi rừng lần đầu tiên mà không mang theo cung nỏ để tới thăm những khu dân cư khác. Tuy nhiên, năm 1990, chính quyền địa phương soạn thảo kế hoạch dài hạn để đưa họ tới định cư ở hai ngôi làng với kinh tế chủ yếu dựa vào đánh bắt cá. Kế hoạch cũng đề xuất phong cách ăn mặc cho bộ lạc.

"Ép buộc định cư từng gây tai họa cho các bộ lạc khác ở quần đảo Andaman", tổ chức International cho biết. Sau chiến dịch vận động của Survival và nhiều tổ chức khác tại Ấn Độ, kế hoạch tái định cư bị hủy bỏ vào đầu những năm 2000.

  • Phát hiện bộ tộc nguyên thủy còn sót lại trên trái đất
  • Bí ẩn bộ lạc tự cô lập với thế giới bằng cách... giết người lạ
0