31/05/2017, 12:32

Bộ đề chuẩn bị kì thi trung học phổ thông Quốc Gia môn Văn 2015 số 26

Cuộc sống con người vốn muôn màu muôn vẻ, không ai giống ai. Sinh ra ai cũng muốn có được những điều tốt đẹp, nhưng thực tế nhiều khi không theo ý muốn, nguyện ước của chúng ta. Những nhân tố nào tạo nên sự khác biệt? Có thể tìm câu trả lời từ phía khách quan. Nhưng phía chủ quan, vấn đề có thể ...

Cuộc sống con người vốn muôn màu muôn vẻ, không ai giống ai. Sinh ra ai cũng muốn có được những điều tốt đẹp, nhưng thực tế nhiều khi không theo ý muốn, nguyện ước của chúng ta. Những nhân tố nào tạo nên sự khác biệt? Có thể tìm câu trả lời từ phía khách quan. Nhưng phía chủ quan, vấn đề có thể được lí giải: cuộc sống của ta là thiên đường hay địa ngục, điều đó phụ thuộc phần lớn ở chính bản thân ta.

Câu1.

Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi nêu ở dưới:

Ngôn ngữ chung là cơ sởđể mỗi cá nhân sản sinh ra những lời nói cụ thể của mình, đồng thời lĩnh hội được lời nói của cá nhân khác. Muốn tạo ra lời nói (khi nói, khi viết) đểthoảmãn nhu cầu biểu hiện và giao tiếp trong những tình huống cụ thể, mỗi cá nhân phải huy động các yếu tố ngôn ngữ chung (như các từ) và vận dụng các quy tắc hoặc phương thức chung. Mặt khác, khi nghe, khi đọc, mỗi cá nhân cần tiếp nhận, tìm hiểu, lĩnh hội nội dung và mục đích giao tiếp trong lời nói người khác, lúc đó cá nhân cũng cần dựa trên cơ sở những yếu tốchung, những quy tắc và phương thức chung thuộc ngôn ngữ của cộng đồng xã hội.

(Ngữ văn 11, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014, tr. 35)

1.   Ngôn ngữ chung của cộng đồng gồm những yếu tố nào? Ai đã tạo ra những yếu tố đó?

2.   Thế nào là nhu cầu biểu hiện, thế nào là nhu cầu giao tiếp?

3.   Mối quan hệ giữa ngôn ngữ chung và lời nói cá nhân.

4.   Bài học về trau dồi tiếng Việt mà anh (chị) rút ra từ gợi ý của đoạn văn trên.

Câu 2.

Cuộc sống của ta là thiên đường hay địa ngục, phải chăng điều đó phụ thuộc phần lớn vào chính bản thân ta?

Hãy viết một bài văn (khoảng 600 từ) nêu suy nghĩ của anh (chị) về vấn đề trên.

Câu 3.

Sông Đà và người lái đò sông Đà trong mắt Nguyễn Tuân.

Hướng dẫn làm bài

Câu 1.

1.   Ngôn ngữ chung của cộng đồng gồm ngữ âm, chữ viết, vốn từ, các quy tắc và phương thức ngữ pháp, các biện pháp tu từ. Những yếu tố đó được cộng đồng bản ngữ (cộng đồng dùng chung một ngôn ngữ) tạo nên, gắn với lịch sử hình thành và phát triển của chính ngôn ngữ ấy.

2.  Nhu cầu biểu hiện là nhu cầu tự bộc lộ tư tưởng, tình cảm của cá nhân. Để thoả mãn nhu cầu này, con người có thể sử dụng các hình thức như làm thơ, ghi nhật kí... Nhu cầu giao tiếp là nhu cầu trao đổi thông tin giữa người này với người khác. Hiện nay, nhu cầu này được thoả mãn bằng nhiều hình thức phong phú, chẳng hạn: nói chuyện trực tiếp, nói chuyện qua điện thoại, viết thư hoặc sử dụng các phương tiện công nghệ thông tin.

3.   Ngôn ngữ chung và lời nói cá nhân có mối quan hệ qua lại với nhau. Trước hết, cá nhân muốn nói hoặc viết, thì phải sử dụng những yếu tố ngôn ngữ chung, cụ thể là phải dùng hình thức ngữ âm hoặc chữ viết, phải dùng từ để tạo câu, phải biết diễn đạt suy nghĩ của mình bằng các hình thức tổ chức ngôn ngữ mà cộng đồng đã đúc kết thành các quy tắc, các phương thức. Ngược lại, lời nói của cá nhân sẽ góp phần làm sinh động, phong phú ngôn ngữ chung. Nhiều nhà thơ, nhà văn đã có công rất lớn đối với ngôn ngữ dân tộc của mình, chẳng hạn, sếch-xpia đối với tiếng Anh, Pu-skin đối với tiếng Nga, Nguyễn Du đối với tiếng Việt...

4.   Đoạn văn bản giúp ta nhận thức rõ ràng mối quan hệ giữa ngôn ngữ chung với lời nói cá nhân. Bản thân mỗi người, muốn sử dụng ngôn ngữ dân tộc mình với hiệu quả cao nhất, cần thường xuyên học tập, tích luỹ, trau dồi để có được vốn từ phong phú, biết vận dụng các quy tắc giao tiếp thuần thục và nắm vững các phương thức biểu đạt.

Câu 2.

Hiểu được ý nghĩa của hai từ thiên đường và địa ngục - những từ thể hiện thực tế khác nhau của cuộc sống, hiểu được vai trò có tính chất quyết định của cá nhân đối với đời sống của chính mình.

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

-  

-   Thiên đường là viễn cảnh về một cuộc sống cực lạc trên trời theo quan niệm của Thiên Chúa giáo, nhưng ở đây được dùng nhằm chỉ cuộc sống tốt đẹp ở trần gian. Cuộc sống được xem là thiên đường khi con người được sống đầy đủ với tự do, hạnh phúc và nhân phẩm, được thoả mãn những ước vọng chính đáng cả về vật chất lẫn tinh thần. Đó cũng là cuộc sống mà con người biết yêu thương và được yêu thương, biết tôn trọng người khác và được người khác tôn trọng. Tuy nhiên, không phải bao giờ cuộc sống cũng đạt đến mức lí tưởng như thế. Vì vậy, nhiều khi con người chấp nhận mọi điều ở mức độ nào đó trong phạm vi khả năng thực tế, và thoả mãn những nhu cầu bình thường, giản dị. Nhờ đó, cuộc sống của con người dù vẫn còn những lo âu, trăn trở, nhưng vẫn được xem là một thiên đường trên mặt đất này.

-   Đối lập với thiên đường là địa ngục. Địa ngục là nơi giam giữ, trừng phạt các tội đồ phạm trọng tội, là nơi vô cùng khổ đau, tăm tối theo quan niệm của Thiên Chúa giáo, được dùng trong ngữ cảnh này để chỉ cuộc sống trần gian đầy khổ ải, nhọc nhằn. Đó là khi con người phải trải qua những ngày tháng nặng nề bởi thiếu thốn vật chất và tinh thần, bởi những áp lực khủng khiếp đè lên số phận, bởi sự chà đạp, bất công. Nhưng nhiều khi, địa ngục còn là một cuộc sống bất như ý, khi con người không được thoả mãn những ao ước của mình.

-   Liệu con người có phải tự chịu trách nhiệm khi cuộc sống của bản thân hạnh phúc hay bất hạnh? Câu hỏi này không dễ dàng có được câu trả lời dứt khoát. Muốn có sự sung sướng, hạnh phúc, trước hết con người cần được đáp ứng những nhu cầu về vật chất. Nhà cửa để ở, xe cộ để đi lại, tiền bạc để tiêu pha hằng ngày cho những công việc cần thiết, các phương tiện hiện đại để nâng cao sự thụ hưởng... Tất cả những thứ đó đều phụ thuộc vào năng lực cá nhân. Cuộc sống sẽ trở nên vẹn toàn khi bên cạnh sự đầy đủ về vật chất, con người còn được thoả mãn những đòi hỏi về tinh thần, chẳng hạn: được đi tham quan, du lịch ở những nơi mình ưa thích, được thưởng thức nghệ thuật, được giải trí một cách lành mạnh... Và những điều này cũng không tự nhiên có được, mà là kết quả phấn đấu không mệt mỏi của chính bản thân ta.

-   Trên đời này, không phải cứ giàu có, dư dật về mọi mặt mới có hạnh phúc, cuộc sống mới là thiên đường. Điều này còn phụ thuộc một phần rất lớn vào quan niệm sống, vào sự điều chỉnh của chủ thể. Ví dụ, trong những điều kiện hạn chế, nhưng người nào biết cân bằng các nhu cầu, không để cho dục vọng chi phối, bằng lòng với những gì có được, cuộc sống của họ có thể sẽ tràn ngập tiếng cười, và mỗi ngày sống là một ngày hạnh phúc. Ngược lại, có những người lắm tiền nhiều của, nhưng không biết tiết chế ham muốn, không bao giờ thoả mãn những gì mình có, luôn bất hoà với thực tế và bất hoà với mọi người xung quanh... Với những con người ấy, cuộc sống sẽ vô cùng nặng nề, không khác gì một địa ngục. Như vậy, ở khía cạnh này, quan niệm, thái độ sống của cá nhân đóng vai trò quyết định về sự sướng khổ ở đời.

-   Tuy nhiên, nhiều trường hợp, con người không thể tự quyết về số phận, về cuộc sống của mình, mà phải chịu sự chi phối nghiệt ngã của hoàn cảnh. Rơi vào những tình trạng bi thương như bệnh tật, ốm đau, tai hoạ... hay những bất trắc không lường trước được, dù con người có nỗ lực đến đâu, bản thân cũng khó có thể vượt qua tai ương. Với những số phận như thế, cuộc sống không thể là thiên đường. Đau khổ, bất hạnh của họ có vơi bót hay không phụ thuộc một phần rất lớn vào sự chia sẻ, giúp đỡ của cộng đồng.

-   Từ nhận thức như trên, mỗi cá nhân cần tự xây dựng cho mình một quan niệm sống đúng đắn: biết tạo ra sự cân bằng, hài hoà giữa nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần; nỗ lực vượt lên hoàn cảnh, song cũng cần biết chấp nhận những giới hạn của thực tại; sống đầy đủ đời sống cá nhân trong mối quan hệ với cộng đồng; không bi quan, tuyệt vọng khi gặp gian khó, ngược lại biết hướng tới tương lai bằng niềm tin và sự phấn đấu không ngừng... Thiên đường trên mặt đất này chỉ có thể được dựng nên bằng cách đó.

Câu 3.

Khi trong câu hỏi có cụm từ "trong mắt Nguyễn Tuân", cần ý thức được rằng: bài viết phải phân tích được quan niệm thẩm mĩ và góc nhìn độc đáo của nhà văn lúc ông xây dựng hình tượng. Những phẩm chất, tính cách của sông Đà và người lái đò sông Đà như ta đã thấy trong tác phẩm, không hẳn, chưa hẳn là những phẩm chất, tính cách hoàn toàn mang tính khách quan. Rất có thể dưới ngòi bút của một tác giả khác, ta sẽ có một sông Đà, một người lái đò sông Đà rất khác. Nhấn mạnh điều này chính là lưu tâm một cách thích đáng đến vai trò sáng tạo của chủ thể nhà văn. Sông Đà và người lái đò sông Đà là những đối tượng miêu tả khác nhau, nhưng tất cả đều là sản phẩm sáng tạo của một người, vì vậy, chúng có chung những đặc điểm thẩm mĩ, những vẻ đẹp được đóng dấu “Nguyễn Tuân”.

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

-   Sau chuyến đi thực tế vào vùng Tây Bắc - sông Đà vào khoảng đầu năm 1960, Nguyễn Tuân đã cho ra đời tập tuỳ bút Sông Đà - một tác phẩm đỉnh cao của nhà văn thời kì sáng tác sau Cách mạng. Trong số những bài bút kí đặc sắc nhất, có Người lái đò Sông Đà. Tác phẩm đã thể hiện được theo một cách hết sức độc đáo tình non nước đậm đà cũng như tấm lòng trung hậu hướng về những con người lao động mới của Nguyễn Tuân.

-   Nói đến Người lái đò Sông Đà, độc giả không thể nào quên hai hình tượng trung tâm đã được Nguyễn Tuân xây dựng với niềm hứng khởi cao độ là sông Đà và người lái đò. Hai hình tượng này soi chiếu vào nhau, bộc lộ đặc tính, khí chất thông qua nhau và nhờ nhau mà hiện ra đáng nhớ đến thế trong cảm nhận của người đọc.

-   Trong nền văn học Việt Nam có không ít những trang văn viết về sông nước, về các con sông quê rất đỗi mến yêu, thân thuộc. Nhưng phải nói rằng chỉ đến Nguyễn Tuân mới có con sông thực sự được nhìn như một con người có cuộc sống riêng, có đặc điểm riêng không thể nào trộn lẫn đến như thế. Dưới mắt Nguyễn Tuân, sông Đà có hai nét tính cách nổi bật vừa đối chọi, vừa thống nhất với nhau là hung bạo và trữ tình.

+ Sự hung bạo của sông Đà có nhiều biểu hiện thật đáng nhớ. Đầu tiên, Nguyễn Tuân muốn ta lưu ý đến “cảnh đá bờ sông, dựng vách thành, mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời” và “vách đá thành chẹt lòng Sông Đà như một cái yết hầu’’. Đúng là một cảnh “hù đoạ” dù nó chưa thực sự gây nguy hiểm cho con người như ở một chỗ khác. Quả nhiên sự hù doạ của sông Đà đã có kết quả. Nó khiến cho những ai “ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa hè mà cũng thấy lạnh, cảm thấy mình như đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện”. So sánh ở đây thật bất ngờ đã giúp cho độc giả trải nghiệm cảm giác ớn lạnh một cách thật cụ thể, thậm chí là dễ dàng, để từ đó có khả năng tri giác tốt hơn những điều nhà văn đã tả, kể.

+ Nói đến tính cách hung bạo của sông Đà, không thể không nói về những hút nước "quãng Tà Mường Vát phía dưới Sơn La”. Nguyễn Tuân rất công phu đưa ra hết so sánh này đến so sánh khác (mà so sánh nào cũng táo bạo, chính xác tuyệt đối) để những cái hút nước hiện lên ghê rợn gần được như trong thực tế: “có những cái hút nước giống như cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu. Nước ở đây thở và kêu như cửa cống cái bị sặc [...] những cái giếng sâu nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào”. Như sợ rằng người đọc vẫn còn chưa cảm thấy hãi hùng trước những hút nước, nhà văn đã dùng cách nhìn của điện ảnh với thủ pháp lia ngược ống kính để miêu tả nhằm thôi miên tất cả chúng ta: “Tôi sợ hãi mà nghĩ đến một anh bạn quay phim táo tợn nào muốn truyền cảm giác lạ cho khán giả, đã dũng cảm dám ngồi vào một cái thuyền thúng tròn vành rồi cho cả thuyền cả mình cả máy quay xuống đáy cái hút Sông Đà - từ đáy cái hút nhìn ngược lên vách thành hút mặt sông chênh nhau tới một cột nước cao đến vài sải. Thế rồi thu ảnh. Cái thuyền quay tít, những thước phim màu xoay tít”.

Khám phá đích đáng nhất của Nguyễn Tuân về đặc tính hung bạo của sông Đà nằm ở những đoạn tả thác nước. Thác nước bày ra một thế trận hết sức oai hùng sẵn sàng bóp nát vụn người lái đò liều lĩnh. Hãy nghe tiếng thét gào man dại của chúng đã được Nguyễn Tuân ghi âm lại: "Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng”. Và đây, hãy tận mắt nhìn trận đồ của chúng do Nguyễn Tuân vẽ nên bằng ngòi bút góc cạnh và giàu tính tạo hình để hiểu thế nào là thác nước, là thạch trận sông Đà: “Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông, hình như mỗi lần có chiếc thuyền nào xuất hiện ở quãng ầm ầm mà quạnh hiu này, mỗi lần có chiếc nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền [...]. Đám tảng đám hòn chia làm ba hàng chặn ngang trên sông đòi ăn chết cái thuyền [...]. Hàng tiền vệ, có hai hòn canh một cửa đá trông như là sơ hở, nhưng chính hai đứa giữ vai trò dụ cái thuyền đối phương đi vào sâu nữa, vào tận tuyến giữa rồi nước sóng luồng mới đánh khuýp quật vu hồi lại. Nếu lọt vào đây rồi mà cái thuyền du kích ấy vẫn chọc thủng được tuyến hai, thì nhiệm vụ của những boong-ke chìm và pháo đài đá nổi ở tuyến ba phải đánh tan cái thuyền lọt lưới đá tuyến trên, phải tiêu diệt tất cả thuyền trưởng thuỷ thủ ngay ở chân thác”.

Trong những đoạn văn trên, tác giả đã sử dụng thường xuyên thủ pháp nhân hoá để cho thấy sông Đà thực sự là một đối thủ ghê gớm của con người. Nó cũng mưu mẹo, nham hiểm, cũng biết suy tính để sẵn sàng đánh tan xác những kẻ phiêu lưu gàn bướng. Đặc biệt rất đáng ghi nhận ở đây lối chơi ngông của Nguyễn Tuân khi ông đem lửa tả nước. Nếu không có một bản lĩnh nghệ thuật thật khác thường, hẳn nhà văn đã chẳng dám làm như thế.

+ Bên cạnh nét hung bạo, con sông Đà còn có nét trữ tình. Tuy hai nét tính cách này đối lập nhau nhưng tất cả đều có thật, đều được nhà văn khám phá và tái hiện một cách chính xác, chân thực. Từ trên cao nhìn xuống, nhà văn nhìn thấy: "Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”. Thật là một vẻ đẹp kiều diễm làm say lòng người, khơi dậy ở mỗi chúng ta một hứng thơ dào dạt. Câu văn khá dài, chỉ có một dấu phẩy, đòi hỏi người đọc phải đọc một hơi. Bằng lối viết này, phải chăng tác giả muốn nói với người đọc rằng dù ông có nói đến cạn hơi cũng không hết những nỗi niềm cảm xúc mà con sông Đà đã gợi lên.

Cái trữ tình của sông Đà còn biểu hiện ở màu nước của nó - một màu nước đầy tính biểu cảm, phản chiếu rất rõ tâm trạng của một sinh thể có cuộc sống riêng. Bằng con mắt hội hoạ sành sỏi, nhà văn nhìn thấy: “Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của Sông Gâm Sông Lô. Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về”. Công phu quan sát của Nguyễn Tuân quả thực đáng nể. Sự đối chiếu, so sánh ở đây chính xác đến tuyệt đối, tỏ ra hoàn toàn tương xứng với sự độc đáo của đối tượng được mô tả.

Sông Đà có lẽ trữ tình nhất là ở quãng trung lưu - trữ tình trong vẻ tĩnh lặng đầy mơ mộng của nó: "Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa [...]. Con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương, chăm chăm nhìn tôi lừ lừ trôi trên một mũi đò. Hươu vểnh tai, nhìn tôi không chớp mắt mà như hỏi tôi bằng cái tiếng nói riêng của con vật lành: “Hỡi ông khách Sông Đà, có phải ông cũng vừa nghe thấy một tiếng còi sương?”. Đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bụng trắng như bạc rơi thoi. Tiếng cá đập nước sông đuổi mất đàn hươu vụt biến”. Trong đoạn này, tác giả đã khéo dùng cái động để tả cái tĩnh và mỗi câu văn viết ra nghe có âm hưởng như thơ. Sự ví von ở đoạn này cũng có những nét đặc biệt. Tác giả ví một cái vốn đã trừu tượng với một cái còn trừu tượng hơn nữa (hoang dại - bờ tiền sử; hồn nhiên - nỗi niềm cổ tích tuổi xưa) khiến đoạn văn có sức hấp dẫn của một bài thơ siêu thực.

Nguyễn Tuân là người yêu đến say đắm những vẻ đẹp của non sông. Khi hân hoan cất tiếng ca ngợi sông Đà chính là khi Nguyễn Tuân muốn bộc lộ tấm tình trung hậu của một người con đất Việt đối với quê hương. Hình tượng sông Đà là bằng chứng đẹp đẽ của một tài năng và một tấm lòng thiết tha gắn bó với đất nước. Từ một phía nhìn khác, chúng ta thấy khi đem hết vốn liếng ngôn ngữ giàu có của mình ra để miêu tả con sông Đà, Nguyễn Tuân có ý thức tạo ra một bối cảnh thích hợp cho sự xuất hiện của hình tượng ông lái đò. Đồng thời với việc nhấn mạnh sự dữ dội của sông Đà, Nguyễn Tuân đã giúp người đọc cảm nhận sâu hơn phẩm chất anh hùng của người lao động trên sông nước. Còn khi tác giả cố sức tái hiện vẻ đẹp thơ mộng của con sông thì cùng một lúc ông đã làm nổi bật lên phong thái nghệ sĩ hào hoa của người lái đò. Rõ ràng, khi viết về sông Đà, Nguyễn Tuân đâu chỉ thuần tuý viết về một vẻ đẹp thiên nhiên. Ở đây, sông Đà đã tạo cho Nguyễn Tuân một cơ hội để ông phát biểu những điều tâm huyết về cuộc đời nói chung.

-   Trong thiên bút kí đặc sắc này, hình tượng ông lái đò là hình tượng một người lao động đầy trí dũng và là một nghệ sĩ trong nghệ thuật vượt thác, leo ghềnh, ông chính là đối tượng miêu tả tâm đắc của Nguyễn Tuân. Thực ra, tư cách người lao động và tư cách người nghệ sĩ thống nhất với nhau ở ông lái đò. Cái gốc của sự thống nhất đó nằm ở chỗ: ông đã hoàn toàn làm chủ được công việc của mình - một công việc đòi hỏi sự dũng cảm, khéo léo và hiểu biết. Khi đã làm chủ được công việc, dĩ nhiên hành động phải thuần thục và đẹp, đáng được chiêm ngưỡng, ca ngợi.

Là người từng ngang dọc nhiều năm trên sông Đà, ông lái đò đã “nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá. Ông đã thuộc quy luật phục kích của lũ đá nơi ải nước hiểm trở này”. Bởi vậy ông đã bước vào cuộc thuỷ chiến với thác nước bằng một thái độ trầm tĩnh đáng khâm phục. Giữa lúc “tăng thêm mãi lên tiếng hỗn chiến của nước của đá thác”, người ta vẫn nghe rõ “tiếng chỉ huy ngắn gọn tỉnh táo của người cầm lái” trên cái thuyền sáu bơi chèo. Ngay cả khi “sóng thác đã đánh đến miếng đòn độc hiểm nhất, cả cái luồng nước vô sở bất chí ấy bóp chặt lấy hạ bộ người lái đò,...”, ông lái đò vẫn dũng cảm chịu đựng, “hai chân vẫn kẹp chặt lấy cuống lái” để vượt qua liên tiếp nhiều vòng vây của đá và thay đổi chiến thuật một cách linh hoạt nhằm đạt thắng lợi cuối cùng. Cảnh sau đầy vừa đẹp vừa hùng, trong đó ông lái đò vừa như một dũng tướng vừa như một nghệ sĩ tài hoa trong nghệ thuật vượt thác độc nhất vô nhị: “Nắm chặt lấy được cái bờm sóng đúng luồng rồi, ông đò ghì cương lái, bám chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy. Bốn năm bọn thuỷ quân cửa ải nước bên bờ trái liền xô ra định níu thuyền lôi vào tập đoàn cửa tử. Ông đò vẫn nhớ mặt bọn này, đứa thì ông tránh mà rảo bơi chèo lên, đứa thì ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến”. Quả là một trận đánh đẹp, vừa đúng bài bản, vừa biến hoá khôn lường. Mọi động thái đều hợp lí, có hiệu quả khiến chúng ta không thể không cất tiếng reo hân hoan tán thưởng.

Sau những giây phút căng thẳng đối diện với thạch trận sông Đà, người lái đò không nói một lời động đến cuộc chiến vừa trải qua mà chỉ nói chuyện về cá anh vũ, cá dầm xanh, về "những cái hầm cá hang cá mùa khô nổ những tiếng to như mìn bộc phá rồi cá túa ra đầy tràn ruộng”. Đây là chi tiết rất hay nói về vẻ đẹp bình dị của người lái đò. Người lái đò đã chấp nhận những thử thách với thái độ an nhiên, tự tại. Phải thật có bản lĩnh mới có được cách ứng xử nhẹ nhõm và đẹp đến dường ấy.

 

Qua những trang mô tả hình tượng người lái đò sông Đà, có thể thấy ở Nguyễn Tuân đã hình thành một quan niệm thật mới (ít nhất là đối với riêng nhà văn) về người lao động. Theo ông, người lao động bình thường vẫn có thể trở thành nhân vật trung tâm của những bản tráng ca. Con người, bất kể địa vị và nghề nghiệp, nếu thành thạo công việc của mình, nếu sống trọn vẹn với bản tính tự nhiên, phong phú của mình thì bao giờ cũng đáng trọng, đáng ca ngợi và tôn vinh.

Nguồn: Bộ Giáo Dục & Đào Tạo
0