31/05/2017, 12:32

Bộ đề chuẩn bị kì thi trung học phổ thông Quốc Gia môn Văn 2015 số 27

So sánh mười năm kháng chiến như ngọn lửa là so sánh rất hay, rất đắt. Ngọn lửa vốn được hình dung như cội nguồn của sự sống, đem lại hơi ấm và ánh sáng. Ví mười năm kháng chiến với ngọn lửa, nhân vật trữ tình muốn khẳng định: chính cuộc kháng chiến đã đem lại ý nghĩa cho cuộc đời mình, giúp mình ...

So sánh mười năm kháng chiến như ngọn lửa là so sánh rất hay, rất đắt. Ngọn lửa vốn được hình dung như cội nguồn của sự sống, đem lại hơi ấm và ánh sáng. Ví mười năm kháng chiến với ngọn lửa, nhân vật trữ tình muốn khẳng định: chính cuộc kháng chiến đã đem lại ý nghĩa cho cuộc đời mình, giúp mình có thêm lòng tin yêu, có nhiệt tình cách mạng và nhìn rõ con đường đi phía trước, thoát khỏi cảnh hoang mang, lạc lối.

Câu 1.

Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:

Ôi kháng chiến! Mười năm qua như ngọn lửa

Nghìn năm sau, còn đủ sức soi đường.

Con đã đi nhưng con cần vượt nữa

Cho con về gặp lại Mẹ yêu thương.

Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ

Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa,

Như đứa trẻthơ đói lòng gặp sữa.

Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa.

(Chế Lan Viên, Tiếng hát con tàu, Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, tr. 143 - 144)

1.   Nêu ngắn gọn về nội dung cảm xúc được bộc lộ trong đoạn thơ.

2.   Từ Mẹ trong đoạn thơ chỉ ai? Giá trị của từ này?

3.   Phân tích cái hay của phép tu từ so sánh trong câu thơ thứ nhất: mười năm kháng chiến như ngọn lửa.

4.   Làm sáng tỏ hàm nghĩa và cái hay của các từ đi, vượt, về trong hai câu 3, 4 của đoạn thơ.

5.   Nêu những thủ pháp nghệ thuật chính đã được Chế Lan Viên sử dụng trong 4 câu sau của đoạn thơ và ý nghĩa của chúng.

Câu 2.

Anh (chị) hãy viết một bài văn (khoảng 600 từ) nêu suy nghĩ về lời khuyên: Hãy tự biết mình.

Câu 3.

Trong bút kí Ai đã đạt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường có đoạn:

Nhưng ngay từ đầu vừa ra khỏi vùng núi, sông Hương đã chuyển dòng một cách liên tục, vòng giữa khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm, như một cuộc tìm kiếm có ý thức để đi tới nơi gặp thành phố tương lai của nó. Từ ngã ba Tuần, sông Hương theo hướng nam bắc qua điện Hòn Chén; vấp Ngọc Trản, nó chuyển hướng sang tây bắc, vòng qua thềm đất bãi Nguyệt Biều, Lương Quán rồi đột ngột vẽ một hình cung thật tròn về phía đông bắc, ôm lấy chân đồi Thiên Mụ, xuôi dần về Huế. Từ Tuần về đây, sông Hưong vẫn đi trong dư vang của Trường Sơn, vượt qua một lòng vực sâu dưới chân núi Ngọc Trản để sắc nước trở nên xanh thẳm, và từ đó nó trôi đi giữa hai dãy đồi sừng sững như thành quách, với những điểm cao đột ngột như Vọng Cảnh, Tam Thai, Lựu Bảo mà từ đó, người ta luôn luôn nhìn thấy dòng sông mềm như tấm lụa, với những chiếc thuyền xuôi ngược chỉ bé vừa bằng con thoi. Những ngọn đồi này tạo nên những mảng phản quang nhiều màu sắc trên nền trời tây nam thành phố, “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím" như người Huế thường miêu tả. Giữa đám quần sơn lô xô ấy, là giấc ngủ nghìn năm của những vua chúa được phong kín trong lòng những rừng thông u tịch và niềm kiêu hãnh âm u của những lăng tẩm đồ sộ toả lan khắp cả một vùng thượng lưu "Bốn bề núi phủ mây phong - Mảnh trăng thiên cổ bóng tùng Vạn Niên". Đó là vẻ đẹp trầm mặc nhất của sông Hương, như triết lí, như cổ thi, kéo dài mãi đến lúc mặt nước phẳng lặng của nó gặp tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga tận bờ bên kia, giữa những xóm làng trung du bát ngát tiếng gà...

(Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014, tr. 198 - 199)

Theo anh (chị), những yếu tố nào đã làm nên vẻ đẹp của đoạn văn trên?

Hướng dẫn làm bài

Câu 1.

1. Nội dung cảm xúc được bộc lộ trong đoạn thơ:

-   Bộc lộ lòng biết ơn sâu sắc đối với cuộc kháng chiến và đối với nhân dân.

-   Bộc lộ ước muốn phấn đấu không ngừng để trả nghĩa cho cuộc đời, đất nước, nhân dân.

2.  Từ Mẹ trong đoạn thơ chỉ nhân dân, cũng có thể chỉ cả cách mạng và kháng chiến nữa. Với từ này, tình cảm thương yêu, kính trọng, biết ơn của nhân vật trữ tình đối với nhân dân được thể hiện rất rõ. Trong tương quan với từ con (được nhắc đến 3 lần), từ Mẹ cho thấy nhà thơ đã nhìn nhân dân như người đã sinh ra, nuôi dưỡng, dạy dỗ mình nên người. Đây là cái nhìn, thái độ được hình thành nhờ những trải nghiệm trong mười năm kháng chiến.

3. 

4.  Các từ đi, vượt, về mang ý nghĩa ẩn dụ, chỉ cuộc hành trình cùng cách mạng, kháng chiến trong thời gian qua dưới cái nhìn hồi cố (đã đi), chỉ tâm niệm muốn phấn đấu không ngừng dưới ánh sáng soi đường của cách mạng, kháng chiến (cần vượt nữa); chỉ nhu cầu muốn được lắng lòng chiêm nghiệm về những ân nghĩa của nhân dân để được tiếp thêm niềm tin và nghị lực (về gặp lại).

5.  Trong 4 câu sau của đoạn thơ, tác giả đã sử dụng phép so sánh và trùng điệp. So sánh kéo dài cả một chuỗi suốt mấy câu và tất cả các hình ảnh, sự việc được liệt kê đều mang cùng một tính chất, chỉ niềm sung sướng khi được hồi sinh (sự trùng điệp ở đây có nét riêng độc đáo, không thể hiện dưới hình thức lặp lại nguyên xi từng từ, cụm từ, hình ảnh). Với việc dùng các thủ pháp nói trên, tác giả đã làm cho khái niệm “biết ơn" có được một sắc thái cụ thể, đầy biểu cảm, đồng thời thể hiện được mạch cảm xúc dào dạt của mình một cách tài hoa.

Câu 2.

Để giải quyết được câu hỏi này, trước hết người làm bài cần hiểu thế nào là tự biết mình, đồng thời, phải thấu hiểu việc tự biết mình sẽ giúp con người có được định hướng hành vi trong cuộc sống cũng như có được chiến lược ứng xử thích hợp trong các mối quan hệ.

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

-   Con người sinh ra vốn hơn hẳn muôn loài ở khả năng tư duy. Vì thế, con người luôn thoả mãn nhận thức bằng cách khám phá thế giới tự nhiên và xã hội, đồng thời cũng không ngừng tự khám phá bản thân mình. Ta là ai? Câu hỏi đó đã từng được đặt ra với mỗi cá thể từ bao đời nay, và không phải ai cũng có thể tìm thấy câu trả lời thoả đáng. Hãy tự biết mình - lời khuyên đó chưa bao giờ cũ.

-   Tự biết mình trước hết phải hiểu được bản chất con người của mình. Mỗi người chúng ta là một thực thể, có đầy đủ những yếu tố của một sinh vật, dù đó là sinh vật bậc cao. Hiểu được bản chất tự nhiên của mình sẽ giúp con người biết chăm sóc phần thể chất một cách khoa học. Không ít người sinh ra với thể trạng yếu đuối hoặc có những khiếm khuyết bẩm sinh, nhưng do có sự hiểu biết, họ có thể vượt lên thử thách, sống khoẻ mạnh, yên lành. Ngược lại, có những người, do thiếu tri thức, cho nên đã hoang phí sức khoẻ của mình một cách đáng tiếc.

-   Tự biết mình là hiểu được những sở trường, năng lực của bản thân. Mỗi người trong chúng ta có những tiềm năng nhất định. Biết khai thác tiềm năng, con người sẽ đạt được những kết quả tốt đẹp trong học tập, trong lao động. Thực tế, nhiều lúc ta ngạc nhiên vì sự thành công của một người nào đó mà ta ngỡ họ rất ít năng lực. Ta đã nhầm. Đó chính là những người có sự thấu hiểu bản thân rất thấu đáo, nhất là họ tự biết bản thân có thể làm được những gì. Sự thành đạt của họ đã chúng minh tất cả. Trong cuộc sống, không nên quá tự ti. Con người ta ai cũng có ít nhất một năng lực nào đó, vấn đề cốt yếu là có nhận thấy và biết phát huy hay không mà thôi.

-    Tự biết mình cũng có nghĩa là cần thấy được những yếu kém của bản thân để khắc phục. Người ta không ai sinh ra đã hoàn hậo. Mỗi người, ai cũng có “gót chân Asin”. Nếu không tự biết điều ấy, dễ có những ảo tưởng, ngộ nhận và thường là thất bại. Chẳng hạn, một học sinh Trung học phổ thông, nếu không nhận ra những sở trường sở đoản của mình, chọn thi vào những trường đại học “tốp trên” thì khó có được kết quả khả quan. Những bài học cay đắng này chắc chắn nhiều người đã nếm trải.

-   Cuộc sống luôn vận động. Mỗi cá nhân cần đồng hành với từng bước đi lên của xã hội. Nhưng để khảng định được bản thân trong cái guồng quay bất tận ấy, trước hết mỗi người hãy tự biết mình.

Câu 3.

Thực hiện câu hỏi này, không thể dựa vào vẻ đẹp “khách quan" của đối tượng (tức sông Hương) để dựng ý và triển khai bài viết, bởi những chi tiết miêu tả xuất hiện khá ít trong đoạn văn. Người viết cần chú ý đến chủ thể sáng tạo với cách nhìn riêng, cách diễn tả riêng của ông về sông Hương, vẻ đẹp của đoạn văn, do vậy, là vẻ đẹp kết tinh của ngôn ngữ, tình cảm, vốn sống, vốn văn hoá (tất nhiên, mọi yếu tố kể trên đều được thể hiện qua ngôn ngữ), cần chú ý sự kết họp khéo léo giữa cái nhìn của nhà khoa học với cái nhìn của một nghệ sĩ khi nhà văn miêu tả đối tượng.

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

-   Ai đã đặt tên cho dòng sông? là một tặng phẩm xứng đáng mà Hoàng Phủ Ngọc Tường dành cho sông Hương, cho Huế. Bút kí được viết bằng một bút pháp tỉnh táo mà đắm say, chặt chẽ mà bay bổng. Tính trữ tình, tính triết lí, tính khoa học thống nhất với nhau, tạo nên một áng văn dễ làm mê đắm lòng người. Chỉ qua đoạn trích từ “Nhưng ngay từ đầu vừa ra khỏi vùng núi...” đến "giữa những xóm làng trung du bát ngát tiếng gà”, ta đã có thể cảm nhận được điều này.

-   Nếu cả thiên bút kí kể về toàn bộ hành trình của sông Hương từ đại ngàn về châu thổ rồi xuôi ra biển cả thì riêng đoạn văn này chỉ nói về một chặng đường mà sông Hương đã đi qua - chặng nó uốn lượn giữa miền trung du “lô xô” những “đám quần sơn”. Đây cũng là chặng đường rất đáng nhớ, chuẩn bị tiền đề cho một thay đổi lớn: sông Hương, từ “cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại” trở thành “người mẹ phù sa của một vùng văn hoá xứ sở”.

-   Trước hết, bằng cái nhìn của một người biết rõ sự tồn tại về phương diện địa lí của đối tượng, nhà văn đã vẽ ra một “bản đồ” thật chi tiết, miêu tả đường đi của sông Hương với những đợt “chuyển dòng”, “uốn mình” liên tục theo các hướng khi nam bắc, khi tây bắc, khi đông bắc... Bằng cách đó, ông đưa lại một cái nhìn bao quát về sông Hương tại “toạ độ” trung du với các điểm xác định: ngã ba Tuần, điện Hòn Chén, bãi Nguyệt Biều, Lương Quán, chùa Thiên Mụ, Vọng Cảnh, Tam Thai, Lựu Bảo... Tất cả như muốn làm rõ “một cuộc tìm kiếm có ý thức” của sông Hương sau khi đã ròi bỏ đại ngàn. Hoá ra, sự tỉ mỉ, khoa học trong cách đánh dấu các vị trí trên bản đồ lại phục vụ rất đắc lực cho việc miêu tả tính cách hay khí chất đang định hình của sông Hương. Việc làm này tương tự việc các nhà văn khác đi tìm những chi tiết thật đắt để miêu tả hành trình số phận của nhân vật. Theo từng dòng văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương đã thực sự ám ảnh độc giả như một con người đích thực, với những “chuyển”, “vòng", “uốn”, “vấp”, “vẽ”, “ôm”... đầy xúc cảm.

-   Kiến thức khoa học nếu sử dụng không chắc tay dễ khiến bài bút kí khô khan, nhưng trong trường hợp này, nó đã được đưa vào hết sức nghệ thuật, làm cho mạch văn mềm mại, trữ tình mà không hề dễ dãi. “Sắc nước trở nên xanh thẳm” của Hương giang đoạn qua Ngọc Trản được lí giải là do con sông đang vượt qua một vực sâu. Sự đổi sắc của nền trời “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím” phía tây nam thành phố Huế được cắt nghĩa bằng lí do phản quang ánh nắng của những điểm cao đột ngột như Vọng Cảnh, Tam Thai, Lựu Bảo. Đọc đoạn văn, ta không chỉ được thấy mà còn được hiểu, nhờ sự giải thích khéo léo, tự nhiên nhưng rất thuyết phục của tác giả.

-   Trong lí luận hội hoạ cổ phương Đông, khi khái quát về cách diễn tả xa gần, người ta thường dùng các thuật ngữ: bình viễn, thâm viễn, cao viễn, về bức tranh mà Hoàng Phủ Ngọc Tường đã vẽ ra trước độc giả trong đoạn văn này, ta hoàn toàn có thể nói nhà văn đã rất thành thục trong việc làm nổi bật các khía cạnh cao, sâu, xa ấy của cảnh. Từ chữ nghĩa trên mặt giấy, một hình tượng hiện lên sống động, đầy cảm giác.

-   Trong đoạn trích, câu văn rất dài sau đây có ý vị thật đặc biệt, đã dồn nén được nhiều ấn tượng: “Giữa đám quần sơn lô xô ấy, là giấc ngủ nghìn năm của những vua chúa được phong kín trong lòng những rừng thông u tịch và niềm kiêu hãnh âm u của những lăng tẩm đồ sộ toả lan khắp cả một vùng thượng lưu “Bốn bề núi phủ mây phong - Mảnh trăng thiên cổ bóng tùng Vạn Niên”. Hàng loạt ấn tượng về “đám quần sơn”, về “những lăng tẩm đồ sộ”, “những rừng thông u tịch” quyện vào nhau. Từ ngữ chỉ đặc điểm của đối tượng này cũng đồng thời ám gợi đặc điểm của đối tượng khác, tạo nên một vùng cảm giác phức hợp soi chiếu vào nhau. Đây là một kiểu biểu đạt rất thơ: trùng điệp, luyến láy và biến hoá; vừa tô đậm, xoáy sâu, vừa tạo ra những vùng nhoè, mờ, mở rộng không gian và khả năng liên tưởng cho người đọc.

 

-   Câu cuối của đoạn văn vô cùng gợi cảm: “Đó là vẻ đẹp trầm mặc nhất của sông Hương, như triết lí, như cổ thi, kéo dài mãi đến lúc mặt nước phẳng lặng của nó gặp tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga tận bờ bên kia, giữa những xóm làng trung du bát ngát tiếng gà...”. Câu văn gợi nhớ những kiểu kết thúc các khổ thơ, đoạn thơ trong một bài thơ: xoa dịu tâm trí vốn chật căng những ấn tượng, tạo phút giây chùng lắng để người đọc chuẩn bị tâm thế tiếp nhận một đợt sóng mới của cảm xúc.

Nguồn: Bộ Giáo Dục & Đào Tạo
0