25/05/2017, 00:26

Bình giảng bài thơ Tràng Giang của Huy Cận.

Đề bài: Em hãy bình giảng về bài thơ Tràng Giang của nhà thơ Huy Cận để thấy được tâm hồn thi sĩ của nhà thơ xuất hiện trong tác phẩm. Cù Huy Cận là một gương mặt nhà thơ tiêu biểu, ngòi bút xuất sắc bậc nhất của phong trào thơ Mới ở Việt Nam. Trước Cách mạng tháng Tám, phong cách thơ văn của nhà ...

Đề bài: Em hãy bình giảng về bài thơ Tràng Giang của nhà thơ Huy Cận để thấy được tâm hồn thi sĩ của nhà thơ xuất hiện trong tác phẩm. Cù Huy Cận là một gương mặt nhà thơ tiêu biểu, ngòi bút xuất sắc bậc nhất của phong trào thơ Mới ở Việt Nam. Trước Cách mạng tháng Tám, phong cách thơ văn của nhà thơ Huy Cận thường mang âm hưởng buồn bã, bi thảm, mang nỗi buồn của thời thế, nỗi sầu miên viễn. Một trong số những bài thơ mang cảm hứng đó có thể đến là bài thơ “Tràng Giang”, ...

Đề bài: Em hãy bình giảng về bài thơ Tràng Giang của nhà thơ Huy Cận để thấy được tâm hồn thi sĩ của nhà thơ xuất hiện trong tác phẩm.

Cù Huy Cận là một gương mặt nhà thơ tiêu biểu, ngòi bút xuất sắc bậc nhất của phong trào thơ Mới ở Việt Nam. Trước Cách mạng tháng Tám, phong cách thơ văn của nhà thơ Huy Cận thường mang âm hưởng buồn bã, bi thảm, mang nỗi buồn của thời thế, nỗi sầu miên viễn. Một trong số những bài thơ mang cảm hứng đó có thể đến là bài thơ “Tràng Giang”, đây là bài thơ thể hiện nỗi niềm, tâm sự của nhà thơ về thân phận nhỏ bé của con người của cuộc đời, đó là những sự suy tư, chiêm nghiệm của một con người đầy nhạy cảm với sự chảy trôi của dòng đời với cái ngắn ngủi, vô nghĩa của con người. Bài thơ cũng thể hiện được tấm lòng, tình yêu tha thiết của nhà thơ đối với quê hương, gia đình của chính mình.

“Tràng giang” là bài thơ mà nhà thơ Cù Huy Cận tái hiện lại cảm xúc thực tại của chính mình, đó là một buổi chiều thu năm 1939, tại bến đò Chèm, nhà thơ đã ngắm nhìn khung cảnh của sông nước và trong tâm hồn dâng lên những cảm giác mơ hồ buồn, đó là những suy nghĩ về kiếp người nổi trôi, về sự nhỏ bé của con người giữa cuộc đời bao la, rộng lớn. Bài thơ thể hiện được nỗi buồn, sự lẻ loi, đơn độc của nhà thơ song cũng thể hiện được tình yêu thầm kín của đất nước, quê hương bằng tâm hồn đầy nhạy cảm trước thiên nhiên, cùng với những khát khao giao cảm với cuộc đời. Ngay phần đề từ của bài thơ, nhà thơ Huy Cận đã thể hiện được cảm hứng chủ đạo, hé mở được cảm xúc của nhà thơ trong bức tranh thơ này.

“Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”, bâng khuâng gợi ra cảm giác vô định, có cái gì đó trống vắng, mơ hồ nhưng không thể diễn tả thành lời. “Trời rộng”, “sông dài” đều là những sự vật thuộc về tự nhiên, và những vật thể dường như vô tri, vô giác và không hề có mối quan hệ gì với nhau ấy đã được tác giả tạo ra mối liên hệ thân thiết thông qua sự cảm nhận đầy độc đáo của mình, đó là nỗi bâng khuâng do nỗi nhớ nhung, mong chờ cảu bầu trời rộng lớn với dòng sông mênh mông, bất tận. Ngay qua lời đề từ này ta cũng có thể nhận thấy được tâm sự phiền muộn, cô đơn của tác giả, bởi bầu trời và dòng sông vĩnh viễn không thể gặp mặt, giao thoa cùng nhau vì chúng thuộc những thế giới riêng biệt, và giữa chúng có sự ngăn cách của cả một khoảng không rộng lớn.

Từ đó ta cũng có thể liên tưởng đến một tâm hồn u uất, ảm đạm, luôn bức bối, luôn trăn trở và không tìm ra được sự giải thoát, không tìm thấy lối ra cho mình. Mở đầu bài thơ, nhà thơ Huy Cận đã gợi ra khung cảnh sông nước mênh mông nhưng quạnh quẽ, gợi ra cho con người cảm giác trống vắng, mơ hồ buồn, hoặc cũng có thể do tâm trạng của con người vốn đã đeo buồn, nên khi đứng trước thiên nhiên rộng lớn thì càng cảm nhận thấm thía được sự nhỏ bé của mình:

“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng”

“Tràng giang” là cách gọi chệch âm đầy độc đáo của từ “trường giang”, vì vậy mà tràng giang không chỉ gợi ra độ dài của con sông mà còn gợi mở cả về độ rộng. Trên mặt sông rộng lớn, tĩnh lặng, những con sóng nhỏ như có như không lăn tăn nhẹ trên mặt nước, và trong cảm nhận của nhà thơ thì sự chuyển động nhẹ nhàng đó như gợi ra những nỗi buồn “buồn điệp điệp”, trên dòng sông đó không chỉ có những con sóng mà còn có những con thuyền xuôi mái, nhưng không hề có sự chuyển động, tịch mịch đến tuyệt đối, vì con thuyền này xuôi mái và chảy trôi theo sự đẩy đưa của dòng nước, không có một dấu hiệu gì của sự vận động. Vì tâm trạng đeo buồn nên nhà thơ thấy ở cảnh vật những nỗi buồn, thấy nỗi đau của sự chia li “Thuyền về nước lại sầu trăm ngả”. Hình ảnh cành củi khô giữa dòng nước còn gợi ra sự nổi trôi, thăng trầm của một kiếp người, đó là cuộc sống bất định, phù du.

“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống, chiều lên sâu chót vót
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu”

Vẫn là miêu tả những cảnh vật mà nhà thơ nhìn thấy, cảm nhận bằng cái nhìn thị giác, nhưng với tâm trạng đeo sầu thì những sự khám phá, phát hiện ấy cũng theo hướng buồn thảm, thể hiện được sâu sắc tâm trạng của nhà thơ. “Lơ thơ” gợi ra khoảng cách xa, ít ỏi của những cồn cỏ, những bãi đất trống trên sông, sự hoang vắng được đẩy lên cùng cực, thì dù những cảnh vật ở gần hay xa tầm mắt thì vẫn lẻ loi, cô độc như thế, cồn đất trên sông nhỏ bé, không bóng dáng của sự sống mà chỉ có những cơn gió đìu hiu làm cho không gian thêm vắng lặng, tịch mịch. Không chỉ không gian của dòng sông đượm buồn mà ngoại cảnh xung quanh cũng dường như càng làm cho không gian tịch mịch ấy thêm đậm đặc “Nắng xuống, chiều lên sâu chót vót”, đó là khi nắng xuống, ánh chiều tà thay thế, bao trùm lấy không gian, làm cho bầu trời dường như rộng hơn, sâu hơn.

Và giữa dòng sông, bầu trời, bến sông cũng có mối liên hệ mật thiết và trạng thái, biểu cảm, khi nắng xuống, chiều lên cũng là khi dòng sông như dài ra, trời thêm rộng, bến sông càng vắng vẻ, quạnh quẽ không một bóng người “Sông dài, trời rộng, bến cô liêu”. Sự tịch mịch của cảnh vật vẫn tiếp tục được nhà thơ thể hiện qua những câu thơ sau, đó là sự hoang vắng có cảnh vật, có sợi dây liên hệ, hay nói cách khác là tác động trực tiếp đến tâm trạng của nhà thơ:

“Bèo dạt về đâu hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”

Cuối cùng, trong bức tranh khung cảnh dòng sông chỉ toàn một màu đen, trắng thì cuối cùng thì sắc xanh của cánh bèo cũng đã xuất hiện, nó gợi cho người đọc liên tưởng về sự thay đổi cảm xúc của bài thơ. Nhưng, không cánh bèo xuất hiện với trạng thái nổi trôi, gắn với hình ảnh, số phận nổi trôi của con người. Không gian sông nước mênh mông càng trở lên vắng lặng khi không có sự xuất hiện của những chuyến đò ngang, những dấu hiệu của sự sống “Mênh mông không một chuyến đò ngang”, không đò, không cầu, không có bất cứ yếu tố làm cho lòng người có thêm động lực, sự sống “Không cầu gợi chút thân mật”, hiện ra trước mắt chỉ là những bờ xanh và bãi vàng, sự tiếp xúc này cũng vô cùng lặng lẽ.

“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa
Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”

Những đám mây “lớp lớp” đan lồng, hòa quyện vào nhau, nhưng trong cái nhìn của nhà thơ Cù Huy Cận thì những đám mây đó như đang vận động, thể hiện ngay qua từ láy “đùn đùn”, gợi cho người đọc liên tưởng đến sự vận động nối tiếp, dồn dập của những đám mây để tạo thành “núi bạc”. Nếu như ở những câu thơ trên,cảnh vật chỉ hiện ra với vẻ tĩnh lặng, u sầu thì ở khổ cuối này, tuy vẫn là cảm hứng buồn, suy tư đó nhưng đã có những chuyển động, gợi ra sự vận động của cảm xúc, hình ảnh cánh chim nhỏ bé bay về tổ trong bóng chiều tà gợi cho nhà thơ nỗi nhớ thương về quê hương “Lòng quê dờn dợn vời con nước”, vì vậy mà nỗi nhớ nhà bỗng da diết, cồn cào, khắc khoải, dù không cần đến những “khói hoàng hôn”, những yếu tố gợi nhắc về quê hương.

Như vậy, bài thơ “Tràng giang” thể hiện được nỗi buồn trần thế của nhà thơ Cù Huy Cận, đó chính là những suy tư, trăn trở của nhà thơ về thân phận nhỏ bé, đơn độc của con người trước sự rộng lớn, mên mông của thiên nhiên, vũ trụ. Bài thơ thể hiện được tâm hồn đầy nhạy cảm của nhà thơ trước sự sống cũng như sự ý thức về cuộc sống của mình. Đồng thời, qua đó cũng thể hiện được tình yêu thầm kín nhưng vô cùng da diết của nhà thơ với quê nhà của mình.

0