18/06/2018, 12:11

Bình Định - Chợ nón Gò Găng

Chợ nón Gò Găng - An Nhơn Nét văn hóa độc đáo của phiên chợ nón Gò Găng - họp từ 0 giờ cho đến tảng sáng ở địa phận xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn (Bình Định) - có lẽ là "độc nhất vô nhị". Hàng trăm năm nay, mặc bom đạn chiến tranh, mặc mưa gió, phiên chợ này vẫn sầm ...

Chợ nón Gò Găng - An Nhơn
Chợ nón Gò Găng - An Nhơn

Nét văn hóa độc đáo của phiên chợ nón Gò Găng - họp từ 0 giờ cho đến tảng sáng ở địa phận xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn (Bình Định) - có lẽ là "độc nhất vô nhị". Hàng trăm năm nay, mặc bom đạn chiến tranh, mặc mưa gió, phiên chợ này vẫn sầm uất dưới ánh sáng leo lét của những ngọn đèn dầu...

Chợ đông trên một con hẻm nhỏ, rẽ vào từ Quốc lộ 1A, không một bóng điện, không sạp kê hàng. Màn đêm đặc quánh. Ở gần cuối hẻm, một người phụ nữ lạch cạch trên chiếc xe đạp có gắn cây đèn dầu le lói, vừa đi vừa hát thầm thì:

                                       "Ai về Đập Đá quê cha

                             Gò Găng quê mẹ, Phú Gia quê chồng...".

Xưa nay vùng này chuyên làm nghề chằm nón, nổi tiếng nhất là nón Gò Găng, Đập Đá, Phú Gia. Chợ nón này có từ lâu lắm rồi, chẳng ai còn nhớ và cũng ít người còn sống biết chính xác phiên chợ đầu tiên. Như một phong tục, chợ duy trì từ thế hệ này đến thế hệ khác...

3 giờ sáng, phiên chợ bắt đầu sầm uất. Hàng trăm người từ các vùng lân cận tất bật tụ về. Người bán, người mua gọi nhau rôm rả. Mọi người nhận ra nhau nhờ những ngọn đèn dầu leo lét, những ngọn nến lay lắt trong tiếng gió. Những người buôn bán lâu năm ở đây cho biết "Phiên chợ đã thành lệ, chẳng ai còn ngại cảnh tối tăm. Chợ toàn là những nữ nông dân nghèo khó trong vùng. Nón đem ra chợ bán được họ làm trong những lúc nông nhàn. Cũng chẳng có nhiều tiền để câu điện chiếu sáng, dù đường dây đã ở trên đầu. Mà có điện chiếu sáng thì còn gì là chợ nón Gò Găng!". Họ thu mua của bà con rồi chuyển đi các tỉnh lân cận, có lúc vào tới miền Tây. Mỗi phiên chợ, số nón thu mua được có khi lên tới năm sáu ngàn (cái).

 

 Vật liệu làm nón.

4 giờ sáng, cảnh bán mua dần thưa thớt. Những lái buôn xếp nón đưa vào những cái bọc dài. Người bán nón thì "xê dịch" đến khoảng giữa con hẻm - nơi bán vật liệu làm nón gồm lá nón và những bó giang rừng được lấy từ vùng núi An Khê (Gia Lai). Cảnh "trăm người bán, vạn người mua" lại rôm rả. Những người vừa mới bán nón xong, nhanh chóng trở thành người mua. Có lẽ vì giá nón quá thấp nên vật liệu làm nón cũng thấp theo. Và số tiền bán nón không nhiều nên những người mua vật liệu cũng ít

5 giờ sáng, phiên chợ vãn. Thời đất nước trong cảnh chiến tranh loạn lạc, mỗi khi chợ đông, nghe tiếng bom đạn, bà con không ai bảo nhau, vội vã tắt hết đèn tìm chỗ trú ẩn. Tiếng bom đạn lắng xuống, chợ lại đông đúc như thường...Một bà lão ở đây đã nói về chuyện nón Ngựa Phú Gia: "Cư dân ở Phú Gia luôn tự hào về sản phẩm nón Ngựa "đặc sản" của mình (ngày xưa chỉ có tầng lớp quan lại đi ngựa sử dụng, nên gọi là nón Ngựa), nổi tiếng xưa nay mà không nơi nào làm được. Những năm 60 (thế kỷ 20), giặc Mỹ khi càn quét đến Phú Gia, thấy cả làng làm nón Ngựa, như lần đầu tiên "tiếp cận một truyền thống văn hóa mới", thay vì bắn, phá, đốt bọn chúng lại bắt toàn bộ những người biết làm nón ra đình làng biểu diễn từng công đoạn để xem và... học cách làm! Nhưng bọn chúng chẳng học được tí tẹo bí quyết nào. Bà con trong lúc "biểu diễn" đã sử dụng những thao tác khó, làm chúng bó tay...".

Mặt trời ló rạng. Hẻm nhỏ lại yên ắng. Những người đi mua, bán nón mắt đỏ hoe vì thức đêm tất bật về nhà. Bóng dáng họ khuất dần trên những ngã rẽ đường làng...

0