Bánh thuẫn trong ngày Tết ở miền Trung
Cùng với bánh tét, dưa món, chân giò hầm măng... bánh thuẫn là món bánh để đãi khách trong những ngày Tết của người miền Trung. Trước Tết khoảng 5 - 6 ngày, người dân ở đây bắt đầu rộn ràng với việc đổ bánh thuẫn. Nguyên liệu chính của món bánh này rất đơn giản với bột, trứng và một chiếc khuôn ...
Cùng với bánh tét, dưa món, chân giò hầm măng... bánh thuẫn là món bánh để đãi khách trong những ngày Tết của người miền Trung. Trước Tết khoảng 5 - 6 ngày, người dân ở đây bắt đầu rộn ràng với việc đổ bánh thuẫn. Nguyên liệu chính của món bánh này rất đơn giản với bột, trứng và một chiếc khuôn bánh làm bằng gang hoặc đồng. Một khuôn bánh thường có 6 đến 8 chiếc bánh nhỏ bên trong.
Khuôn bánh được làm nóng hai mặt.
Sau khi chuẩn bị xong nguyên liệu thì bắt đầu đổ bánh. Khuôn bánh rửa sạch, đặt lên lò than và làm nóng hai mặt bằng cách gắp vài cục than đang cháy đỏ để lên nắp khuôn. Một chén dầu được đặt bên cạnh, dùng cây cọ hoặc dùng cọng xanh của lá chuối đập dập một đầu, nhúng vào chén dầu và trét vào các khuôn bánh. Khi khuôn bánh đã đủ nóng, múc bột đổ vào từng khuôn nhỏ. Khi đổ phải nhớ canh lượng bột, không được đổ nhiều quá vì bánh lâu chín, lại bị dính ra xung quanh không đẹp. Nếu đổ ít quá bánh lại không đủ bột để nở bung và dễ cháy, chỉ nên đổ bột vừa ngang mép khuôn là được.
Bánh chín nở bung ra như những cánh hoa, có màu vàng ươm rất đẹp mắt.
Trong những ngày giáp Tết, đi bất cứ con đường làng quê nào ở miền Trung, bạn đều sẽ được ngửi thấy hương thơm phức của bánh thuẫn. Ngoài món bánh để cúng ông bà trong ngày Tết, bánh thuẫn được ưa thích vì có mùi thơm dịu, lại không quá ngọt như các loại bánh mứt khác.
Trong cái khí trời se lạnh ngày đầu năm, ngồi thưởng thức bánh thuẫn bên những ấm trà nóng thì không còn gì hạnh phúc bằng.