BÀNG AN THỜI (1042 – 1099)
Bàng An Thời, tự là An Thường, người Kỳ Thủy, Kỳ Châu (nay là Hy Thủy, Hồ Bắc), hiệu là Kỳ Thủy đạo nhân, là một y học gia trứ danh đời Bắc Tống. Ông là con nhà thầy thuốc, từ nhỏ đã thích nghề y. Thuở nhỏ đọc sách, xem thấy qua là không quên, rất thông minh. 19 tuổi theo học thuốc, Cha dạy ...
Bàng An Thời, tự là An Thường, người Kỳ Thủy, Kỳ Châu (nay là Hy Thủy, Hồ Bắc), hiệu là Kỳ Thủy đạo nhân, là một y học gia trứ danh đời Bắc Tống. Ông là con nhà thầy thuốc, từ nhỏ đã thích nghề y. Thuở nhỏ đọc sách, xem thấy qua là không quên, rất thông minh. 19 tuổi theo học thuốc, Cha dạy ‘Mạch quyết’. Ông nhận thấy sách giảng sơ lược không vừa ý, nên tự tìm đọc, nghiên cứu các sách ‘Hoàng Đế Nội Kinh, Biển Thước Nạn Kinh’ thuộc loại y điển. Không lâu, ông lĩnh hội lời giảng của các sách ấy, đồng thời có lối kiến giải độc đáo của mình. Khi thảo luận, ông dẫn cứ kinh điển, chỗ nào cũng đúng, khiến đối phương phải chịu. Cha ông rất lấy làm lạ.
Năm chưa 20 tuổi, ông mắc bệnh nặng làm điếc hai tai. Sau đó, ông bèn đóng cửa ngồi ở nhà, chuyên tâm đọc sách y, nghiên cứu rộng sách thuốc xưa, đọc nhiều học thuyết của các y gia, tổng hợp thông suốt, nhận đúng thể nghiệm thực tiễn trong lâm sàng. Đến năm hơn 20 tuổi, y thuật của ông đã rất cao siêu, tiếng tăm trội hơn các thầy thuốc ở Hoài Nam.
Một lần, một người đàn bà ở Đồng Thành sinh khó, đã bảy ngày mà đứa con không ra. Đã mời nhiều thầy thuốc, đã dùng nhiều biện pháp nhưng vẫn không được. Được rước đến trợ sản, ông bảo người nhà dùng nước nóng chườm lưng, bụng của sản phụ, đồng thời ông tự tay xoa bóp, lại dùng kim châm vào huyệt ở bụng. Không lâu, sản phụ nghe thấy bụng hơi đau, rên rỉ, sinh ra một con trai, mẹ con đều mạnh.
Ông viết đơn, dùng thuốc, không câu nệ theo xưa, kết quả trị liệu rất cao, mười bệnh trị khỏi chín. Ông chẳng những y thuật tinh thâm, mà y đức cũng cao thượng. Trị bệnh cho người, không phân biệt giàu nghèo, cũng không kể thù lao nhiều ít. Đối với ngươi ở phương xa đến xin trị bệnh, ông xếp đặt nơi ăn ở, tự đi chăm nom con bệnh uống thuốc, cho đến khi khỏi mới cho về nhà. Đối với tật bệnh không thể chữa được, cũng nói thật với người nhà để khỏi tốn tiền thuốc. Có người đến rước đi xem mạch thì đi ngay, không lần nào ngại khó nhọc.
Sách ông viết có ‘Nạn Kinh Biện’, ‘Chủ Đối Luận’, ‘Bản Thảo Bổ Di’, nhưng lưu truyền đời sau chỉ có ‘Thương Hàn Tổng Bệnh Luận’. Bộ sách này gồm có 6 quyển. Nội dung phần ‘Thương Hàn Luận’ trong sách được phân loại luận thuật, hễ có phương thuốc thì có luận; luận thuyết, ngoài việc dẫn chứng kiến giải của các y gia, còn thêm kinh nghiệm của mình khi hành nghề; phương thuốc và thuốc dùng có bổ sung và phát huy nhiều. Đây là một bộ sách nghiên cứu ‘Thương Hàn Luận’ tương đối sớm và có ảnh hưởng lớn, đã mở sớm đường lối nghiên cứu mới học thuyết Trọng Cảnh.
Ông còn thích giao du, thi họa, thường tới lui với Tô Đông Pha, Hoàng Đình Kiên, Trương Lỗi. Vì ông bị điếc, Tô Đông Pha thì nói cà lăm, cho nên Tô nói đùa rằng: ‘Bạn lấy mắt làm tai, ta lấy tay làm miệng, chúng ta đều là dị nhân vậy’.
Ông mất năm 1099, được 57 tuổi. Năm ấy, ông phát bệnh nặng. Các học trò xin thầy tự chữa trị. Sau khi tự chẩn mạch, ông nói rằng dạ dày đã hết hơi và cự tuyệt ăn, uống thuốc. Vài ngày sau, ông mất trong lúc đang đàm đạo với khách.