18/06/2018, 15:58

Nguyên sử /Liệt truyện /Ngoại Di /An Nam

Tích Dã dịch/ viethoc.org guoxue.com Nước An Nam, đất Giao Chỉ ngày trước vậy. Nhà Tần chiếm thiên hạ, đặt các quận Quế Lâm, Nam Hải, Tượng. Nhà Tần mất, Nam Hải Úy Triệu Đà đánh chiếm đất ấy. Nhà Hán đặt 9 quận, Giao Chỉ là một trong đó. Sau có người con gái là Chinh ...

1200px-Chongquannguyenlan1.svg

Tích Dã dịch/ viethoc.org

guoxue.com

Nước An Nam, đất Giao Chỉ ngày trước vậy. Nhà Tần chiếm thiên hạ, đặt các quận Quế Lâm, Nam Hải, Tượng. Nhà Tần mất, Nam Hải Úy Triệu Đà đánh chiếm đất ấy. Nhà Hán đặt 9 quận, Giao Chỉ là một trong đó. Sau có người con gái là Chinh Trắc phản, sau Mã Viện đánh dẹp Chinh Trắc, lập cột đồng làm biên giới của nhà Hán. Nhà Đường bắt đầu chia đất Lĩnh Nam làm hai đạo Đông, Tây, đặt quan Tiết độ, lập Ngũ quản, An Nam lệ thuộc vào đó. Nhà Tống phong Đinh Bộ Lĩnh làm Giao Chỉ Quận Vương, con của Đinh Bộ Lĩnh cũng làm Vương, truyền được 3 đời thì bị Lí Công Uẩn đoạt ngôi vị, liền phong Công Uẩn làm Vương. Họ Lí truyền 8 đời đến Hạo Sảm, Trần Nhật Cảnh làm con rể của Hạo Sảm, bèn có nước nay. 

Ngày qúy sửu năm thứ 3 thời Nguyên Hiến Tông, Ngột Lương Cáp Thai theo Thế Tổ đánh Đại Lí. Thế Tổ về, giữ Ngột Lương Cáp Thai ở lại đánh các nước Di chưa hàng phục. Tháng 11 ngày đinh tị năm thứ 7, quân của Ngột Lương Cáp Thai đến phía bắc Giao Chỉ, trước sai hai sứ giả đến chiêu dụ, không trở về, bèn sai bọn Triệt Triệt Đô cùng đem 2,000 người, chia đường tiến binh, đến đóng ở trên sông Thao ở phía bắc kinh đô của An Nam, lại sai con là A Thuật đến giúp mình, dò xét thật giả của nước này. Người Giao cũng bày nhiều quân giữ gìn. A Thuật sai quân về báo, Ngột Lương Cáp Thai gấp đường tiến lên, sai Triệt Triệt Đô làm tiên phong, A Thuật đi sau làm thanh viện. Tháng 12, hai quân tụ hội, người Giao giật mình kinh hãi. A Thuật thừa cơ đánh bại quân thủy của người Giao, bắt được thuyền chiến đưa về.

Ngột Lương Cáp Thai cũng phá quân bộ của người này, lại cùng A Thuật hội đánh, đại phá chúng, rồi vào nước này. Nhật Quýnh chốn chạy vào biển đảo. Bắt gặp sứ giả ngày trước ở trong ngục, bị dây tre trói lằn vào da thịt, lúc cởi trói ra, một sứ giả chết, do đó làm cỏ thành này. Ở lại nước này 9 ngày, vì khí trời nóng bức, bèn rút quân. Sai hai sứ giả quay lại chiêu dụ Nhật Huyên đến hàng phục. Nhật Quýnh trở về, thấy kinh đô của mình đã tan hoang, rất giận, ép hai sứ giả quay về. 

Tháng 2 ngày mậu ngọ năm thứ 8, Nhật Cảnh truyền nước cho con trưởng là Quang Bính, đổi niên hiệu Thiệu Long. Mùa hạ, Quang Bính sai con rể cùng người nước này đem phương vật đến, Ngột Lương Cáp Thai hộ tống đến sở quan, sai riêng Nột Lạt Đinh đến dụ chúng nói: “Trước ta sai sứ giả đến giao hảo, các ngươi bắt giữ mà không cho quay về, ta do đó phát binh năm trước. Vì vua của nước ngươi đứng trốn ở đồng cỏ, lại lệnh cho hai sứ giả đến gọi về nước, ngươi lại ép sứ giả ta trở về. Nay sai riêng sứ giả đến dụ, nếu các ngươi thực lòng nội thuộc, thì vua nước ngươi phải tự mình đến, nếu vẫn không chừa, sớm đến báo cho ta”. Quang Bính nói: “Nước nhỏ thật lòng thờ Nhà vua, thì nước lớn lấy gì đối đãi nước nhỏ?”. Nột Lạt Đích về báo. Bấy giờ Vương chư hầu là Bất Hoa giữ Vân Nam, Ngột Lương Cáp Thai nói với Vương, lại sai Nột Lạt Đinh đến dụ, sai sứ gủa cùng đến. Quang Bính bèn thực lòng nạp thuộc, lại nói: “Đợi ban ân đức, liền sai con em làm con tin”. Vương lệnh cho Nột Lạt Đinh lên ngựa đưa tin vào tấu lên. 

Thnág 12 năm Trung Thống thứ đầu thời Thế Tổ, lấy Mạnh Giáp làm Lễ bộ Lang trung, xuống phương nam là sứ giả chiêu dụ, Lí Văn Tuấn làm Lễ bộ Thị lang, làm Phó sứ, cầm chiếu thư đến dụ nước này. Đại khái nói: “Tổ tông lấy võ công dựng nghiệp, chưa sửa văn hóa. Trẫm nối nghiệp dở, thay mới bỏ cũ, công việc vừa làm. Vừa rồi quần thần giữ đất Đại Lí là An phủ Niếp Chỉ Mạch Đinh ruổi ngựa dâng biểu đưa tin, nước ngươi có lòng thực mộ nghĩa, nhớ đến xưa kia khanh thờ triều trước, đã từng thần phục, cống phương vật nhiều lần, cho nên đem chiếu chỉ đến, báo cho dân chúng quan lại của nước ngươi biết: Tất cả mũ áo, phép lễ, phong tục đều phải theo phép tắc cũ của nước ta, rồi nữa tướng ngoài biên không được tự tiện dấy binh giáp, lấn chiếm bờ cõi, làm loạn dân chúng. Dân chúng, quan lại của nước khang, đều nên giữ yên phép tắc như cũ”. Lại bảo cho bọn Giáp, nếu Giao Chỉ sai con em vào gặp, phải giao hảo họ, chớ được nóng lạnh làm trái tiết lễ, làm chúng khổ sở vậy.

Năm thứ hai, bọn Mạnh Giáp về, Quang Bính sai người trong họ là Thông thị Đại phu Trần Phụng Công, Viên ngoại lang Chư vệ Kí ban Nguyễn Sâm, Viên ngoại lang Nguyễn Diễn đến cửa khuyết dâng thư, xin 3 năm cống 1 lần. Đế theo lời xin, rồi phong Quang Bính làm An Nam Quốc Vương. 

Tháng 9 năm thứ 3, lấy 3 tấm gấm Tây, 6 tấm gấm thêu vàng ban cho nước này, lại ban chiếu lệnh nói: “Khanh đã giao con tin làm quần thần, từ năm Trung Thống thứ 4 làm đầu, mỗi 3 năm cống 1 lần, có thể chọn Nho sĩ, thầy thuốc, cùng thầy bói âm dương, các người đẹp, thợ khéo mỗi nhóm 3 người, cùng các vật là dầu tô, quang hương, vàng, bạc, chu sa, trầm hương, đàn hương, sừng tê, đồi mồi, ngọc qúy, ngà voi, gấm, đá từ cùng đến”. Vẫn lấy Nột Lạt Đinh làm Đạt lỗ hoa xích, đeo phù hổ, qua lại giữa nước An Nam.

Tháng 11 năm thứ tư, Nột Lạt Đinh quay về, Quang Bính sai Dương An Dưỡng làm Viên ngoại lang cùng bọn Nội lệnh Vũ Phục Hoàn, Thư xá Nguyễn Cầu, Trung dực lang Phạm Cử dâng biểu vào tạ ân, Đế ban thưởng cho sứ giả dải ngọc, lụa dày, thuốc, yên, dây cương ngựa. Tháng 7 năm Chí Nguyên thứ 2, sứ giả về, lại ban chiếu thư vỗ về nước này, vẫn ban cho lịch cùng chiếu thư báo cho biết đã đổi niên hiệu.

Tháng 12 năm thứ 3, Quang Bính sai Dương An Dưỡng dâng 3 tờ biểu, 1 trong đó đến dâng phương vật, 2 trong đó xin miễn dâng người tài, thợ khéo, 3 trong đó xin lập Nột Lạt Đinh làm Đạt lỗ hoa xích của nước này.

Tháng 9 năm thứ 4, sứ giả về, đáp chiếu thư cho phép, vẫn ban Quang Bính các vật dải ngọc, lụa thêu vàng, thuốc, yên, dây cương ngựa. Chưa bao lâu, lại ban chiếu dụ có 6 việc: 1, quân trưởng phải tự mình vào chầu; 2 con em làm con tin; 3, ghi chép số dân chúng; 4, ra phục dịch quân đội; 5, chuyển nạp tô thuế; 6, vẫn đặt quan Đạt lỗ hoa xích thống trị nước này.

Tháng 11, lại ban chiếu dụ Quang Bính, vì nước này có nhà buôn người Hồi Cốt, muốn bắt chước theo việc của Tây Vực, lệnh phải sai đi đến. Tháng đó, chiếu lệnh phong Hoàng yuwr làm Trấn Nam Vương, đến giữ các nước Đại Lí, Thiện Xiển, Giao Chỉ.

Tháng 9 năm thứ 5, Quang Bính dâng thư bày tỏ, nói: “Bọn nhà buôn Hồi Cốt, có một người tên là Y Ôn chết đã lâu ngày rồi, một người tên là Bà Bà, vừa rồi cũng bệnh chết. Lại theo lời Hốt Lung Hải Nha cống nạp cho Bệ hạ mấy con voi. Con vật này thân thể rất lớn, đi bộ rất khó, không bằng ngựa của nước Bệ hạ, cúi nhận chiếu lệnh, đến năm sau sẽ đến dâng vậy”. Lại chuẩn bị biểu thư vào cống nạp, riêng dâng biểu tạ ân trao gấm Tây, tiền lụa, thuốc.

Tháng 11 năm thứ 7, Trung thư tỉnh đem thư đến cho Quang Bính, nói là y nhận chiếu mà không bái, lúc chờ sứ giả đến mà không dùng lễ của bậc Vương, rồi dẫn phép tắc thời “Xuân thu” ra mắng y, lại lệnh cho nước này đem voi và phương vật cống hằng năm cùng đến, lại nữa các vật cống là thuốc mùi không ngon, thuế thu được của người Hồi Cốt, lừa dối từ chối, từ nay về sau, phải xem xét việc này.

Tháng 12 năm thứ 8, Quang Bính lại dâng thư nói: “Nước thần nhận lệnh thiên triều, đã phong cho tước Vương, há không lấy lễ của bậc Vương sao? Sứ giả của thiên triều đến nói: Bậc Vương cùng với sứ giả thì đáp lễ ngang nhau, sợ làm nhục triều đình. Huống chi nước thần lúc trước nhận chiếu chỉ, lệnh phải theo tục cũ, phàm là nhận chiếu lệnh, nhận ở điện giữa nhưng lui ra ở nhà sau, đấy là phép tắc cũ của nước thần vậy. Đến dụ đòi voi, lúc trước sợ trái ý chỉ, sợ có lỗi mà chưa trả lời, thực ra vì tên quản voi không nỡ rời voi, nên khó sai bảo. Lại nữa dụ đòi nhà Nho, thầy thuốc, thợ khéo, thì quần thần của thần là bọn Lê Trọng Đà vào ở dưới bậc thềm, gần Bệ hạ gang tấc, còn không nghe được chiếu dụ, huống chi năm Trung Thống thứ 4 đã rộng lượng tha thứ rồi, nay lại đến dụ, ngạc nhiên sao xiết, chỉ có kẻ dưới gác này nhớ việc này”. 

Năm thứ 9, lấy Diệp Thức Niết làm An Nam Đạt lỗ hoa xích, Lí Nguyên theo giúp. Tháng giêng năm thứ 10, Diệp Thức Niết chết, lệnh cho Lí Nguyên thay Thức Niết, rồi lấy Cáp Tát Nhi Hải Nha làm phó. Trung thư tỉnh lại đưa thư đến Quang Bính nói: 

“Năm nay sứ giả trở về nói, Vương thường nhận chiếu lệnh của của Thiên tử, nhưng chỉ đứng chắp tay mà không bái, cùng sứ giả gặp nhau uống rượu, ngồi vị trí trên sứ giả. Nay xem thư đến, tự bảo là đã nhận tước Vương rồi, há không lấy lễ bậc Vương sao? Xét phép “Xuân thu” bậc Vương ngồi trên chư hầu, “Thích lệ” nói: Bậc Vương hơn hạ sĩ vậy. Vua của nước hàng thứ thứ 4, người tôn qúy của quần thần bên ngoài vậy. Hạ sĩ, kẻ thấp hèn trong hàng quần thần bên trong vậy. Lấy kẻ thấp hèn ngồi trên người tôn qúy, đại khái là lệnh mệnh vua làm trọng. Đời sau Vương chưa hầu lập tước, người tôn qúy trong hàng chư hầu, xem đi há có vì tước của Vương là là người này chăng? Vương sao không biết mà nói như vậy, hay là quần thần dùng thư từ là lời này sao? Đến như chiếu lệnh của Thiên tử, quần thần phải bái nhận, đấy là lễ nghĩa dùng xưa nay, không cho làm khác vậy.

Lại nói lúc trước nhận chiếu chỉ, đều theo phép cũ, nước ngươi tuân theo mà làm, lúc nhận chiếu lệnh, nhận ở điện giữa mà lui vào nhà sau, đấy là lễ phép cũ vậy. Đọc đến đây, thực là sửng sốt. Vương nói ra lời này, có thể làm yên lòng mình chăng? Lời nói của chiếu chỉ lúc trước, đại khái nói là giữa đất trời không chỉ có vạn nước, nước đều có tục, thường xuyên thay đổi, có chỗ không thuận, cho nên dùng tục của nước ngươi, há lại không bái nhận chiếu lệnh của Thiên tử và làm theo tục lệ sao? Vả lại giáo hóa của Vương ra lệnh ở trong nước, nếu quần thần có kẻ nhận lệnh mà không bái, thì Vương cho là như thế nào? Quân tử cốt ở sửa lỗi, suy nghĩ sâu rộng, phải xét rõ việc này”. 

Năm thứ 11, Quang Binh sai Đồng Tử Dã, Lê Văn Ẩn đến cống. Tháng giêng năm thứ 12, Quang Bính dâng biểu xin bãi chức Đạt lỗ hoa xích của nước này. Lời văn nói: 

“Kẻ quần thần hèn mọn này ở góc biển, được tiếp xúc với giáo hóa thánh hiền cùng bao bọc, vui thích đánh trống múa hát. Xin nghĩ cho thần từ lúc hàng phục nước lớn, hơn 10 năm rồi, tuy nhận lệnh 3 năm cống 1 lần, nhưng thay nhau sai sứ giả, mệt mỏi vi qua lại, chưa từng 1 ngày được nghỉ ngơi. Quan Đạt lỗ hoa xích mà thiên triều sai đến, làm nhục đất thần, sao có thể yên ổn, huống chi người làm, lúc động thì có chỗ dựa, khinh thường nước nhỏ. Tuy Thiên tử sáng rõ cùnng với Mặt trời, Mặt trăng, sao có thể chiếu đến chỗ chậu úp. Vả lại Đạt lỗ hoa xích đặt ra ở đất Man nhỏ bé ngoài biên, há có thần đã nhận phong Vương làm phên dậu một phương nữa, va lại lập Đạt lỗ hoa xích đến xem xét nước thần, há không bị nước chư hầu cười sao? Sợ hãi quan này xem xét mà sửa việc cống nạp, sao có thể khiến trong lòng vui vẻ sửa việc cống nạp đây. Thần cung kính thiên triều thu nạp, sau khi ban phong, ân lớn tràn đầy, lan khắp bốn biển, liền dám kêu buồn, cúi mong Bệ hạ nhân từ thương xót. Nay sau khi 2 lần sai sứ giả đến cống theo phép tắc, một lần đến Thiện Xiển cống nạp, một lần đến Trung Nguyên bái dâng. Tất cả quan lại mà Thiên triều sai đến, xin được đổi làm sứ giả dẫn đường đến cống, mới mong bỏ được cái xấu của Đạt lỗ hoa xích, không những là cái may mắn của thần, mà còn là cái may mắn của một nước vậy”. 

Tháng 2, lại ban chiếu lệnh, vì vật cống không giúp ích, dụ 6 việc, lại sai Cáp Tản Nhi Hải Nha làm Đạt lỗ hoa xích, vẫn lệnh cho con em vào hầu. Tháng 2 năm thứ 13, Quang Bính sai Lê Khắc Phục, Văn Túy vào cống, vì nhận lệnh đến Thiện Xiển nạp cống, người làm việc không cung kính, dâng biểu tạ lỗi, đều xin miễn 6 việc. 

Năm thứ 14, Quang Bính chết, người trong nước lập Thế tử của Quang Bính là Nhật Huyên, sai Trung thị Đại phu Chu Trọng Ngạn, Trung lượng Đại phu Ngô Đức Thiệu vào chầu. Tháng 8 năm thứ 15, sai Lễ bộ Thượng thư Sài Xuân, Hội đồng quán sứ Cáp Lạt Thoát Nhân, Công bộ Lang trung Lí Khắc Trung, Công bộ Viên ngoại lang Đổng Đoan, cùng bọn Lê Khắc Phục cầm chiếu thư đến dụ Nhật Huyên vào chầu nhận mệnh. Lúc đầu, qua lại sứ giả vậy, chỉ theo đường nước Thiện Xiển, Lê Hóa qua lại, Đế lệnh cho Sài Xuân từ Giang Lăng đến thẳng Ung Châu để đến Giao Chỉ.

Tháng 11 nhuận, bọn Sài Xuân đến trại Vĩnh Bình thuộc Ung Châu, Nhật Huyên sai người dâng thư, nói: “Nay nghe tin ông đến đất tệ này, dân ngoài biên không ai không kinh hãi, không biết sứ giả người nước nào mà đến ở chỗ này, xin đem quân theo đường cũ để đi”. Xuân đáp thư nói: “Các quân Lễ bộ Thượng thư nhận mệnh của Nhà vua cùng với bọn Lê Khắc Phục của nước ngươi theo đường từ Giang Lăng đến Ung Châu mà vào An Nam, quân sĩ các chỗ đi qua dẫn đường hộ tống, cùng lập trạm dịch, nên đến biên giới đón tiếp”. Nhật Huyên sai Ngự sử Trung trung tán kiêm Tri thẩm Hình viện sự Đỗ Quốc Kế đến trước, Thái úy của nước này đem trăm quan từ bờ sông Phú Lương ra đón vào quán sở.

Ngày thứ 2 tháng 12, Nhật Huyên đến quán sở gặp sứ giả. Ngày thứ 4, Nhật Huyên bái đọc chiếu thư. Bọn Xuân truyền chiếu chỉ nói: “Nước ngươi nội thuộc hơn 20 năm, gần đây 6 việc thưa thấy theo. Ngươi nếu không chầu, thì sửa thành của ngươi, chỉnh đốn quân sĩ của ngươi để đợi quân của ta”. Lại nói: “Cha ngươi nhận mệnh làm Vương, ngươi không xin mệnh mà tự lập, nay lại không chầu, ngày kia triều đình xét tội, sẽ lấy gì để trốn tội? Mong nghĩ kĩ việc này”. Nhật Huyên vẫn theo phép cũ đặt tiệc ở dưới mái hiên, bọn Xuân không đến dự tiệc. Rồi về quán sở, Nhật Huyên sai Phạm Minh Tự đem thư tạ lỗi, đổi đặt tiệc ở điện Tập Hiền. Nhật Huyên nói: “Vua cha lìa đời, ta mới lập vị.

Sứ giả Thiên triều đi đến, chiếu thư mở dụ, khiến cho ta vừa vui vừa sợ lẫn lộn ở trong ngựa. Trộm nghe vua Tống trẻ con, Thiên tử thương xót, còn phong tước Công, với nước nhỏ cũng hẳn thương xót hơn. Xưa dụ 6 việc, đã được tha bỏ. Nếu lấy lễ tự thân đến chầu, ta lớn lên ở cung sâu, không tập cưỡi ngựa, không quen phong thổ, sợ chết trên đường. Con em từ quan Thái úy trở xuống cũng đều cho là đúng. Sứ giả thiên triều về, kính cẩn dâng biểu bày tỏ, dâng thêm vật lạ”. Xuân nói: “Vua Tống chưa đến 10 tuổi, cũng sống ở cung sâu, cớ sao cũng đến kinh sư?

Nhưng chiếu chỉ ở ngoài, không dám nghe lệnh. Vả lại bốn người chúng ta đi đến gọi ngươi, không dám gọi người khác”. Bọn Xuân trở về, Nhật Huyên sai Phạm Minh Tự, Trung tán Đỗ Quốc Kế dâng biểu bày tỏ, nói: “Thần vốn sức yếu nhược, sợ đi đường khó khăn, uổng công bỏ xương trắng, nhỡ không may thì khiến cho Bệ hạ thương xót mà không có ích cho thiên triều. Cúi mong Bệ hạ thương nước nhỏ xa xôi, lệnh cho thần được cùng vợ ở lại giữ mạng sống này, để thờ Bệ hạ trọn đời. Đấy là điều rất may mắn của thần, cũng là cái phúc lớn của sinh linh nước nhỏ vậy”. Đem thêm phương vật cùng 2 con voi thần phục cống. 

Tháng 3 năm thứ 16, bọn Xuân đến kinh sư trước, lưu Trịnh Quốc Toản lại đợi ở Ung Châu. Xu mật viện nói: “Vì Nhật Huyên không chầu, nhưng sai sứ giả báo mệnh, giả bộ từ chối, kéo dài thời gian, xảo nịnh đã nhiều, lại trái chiếu chỉ, có thể đem binh đến trên cõi, sai quan lại hỏi tội”. Đế không theo, lệnh cho sứ giả đến chầu. Tháng 11, giữ sứ giả nước này là Trịnh Quốc Toản ở lại Hội đồng quán. Lại sai 4 người bọn Sài Xuân cùng Đỗ Quốc Kế cầm chiếu thư lại dụ Nhật Huyên đến chầu, nếu quả thực không thể tự mình vào hầu, thì đúc vàng để thay thân mình, hai viên ngọc châu để thay mắt mình, kẻ theo giúp thì lấy hiền sĩ, phương kĩ, con gái, thợ khéo mỗi nhóm 2 người để thay dân chúng của mình. Không như vậy, thì sửa thành trì của mình, để đợi xét xử.

Tháng 10 năm thứ 18, lập An Nam Tuyên úy ti, lấy Bốc Nhan Thiết Mộc Nhi làm Tham tri Chính sự, Hành Úy sứ Đô Nguyên suý, lập riêng quan lại giúp việc các cấp bậc. Tháng đó, chiếu lệnh lệnh vì Quang Bính đã chết, con của y là Nhật Huyên không xin mệnh mà lại tự lập, sai sứ giả đến gọi, lại lấy cớ mắc bệnh mà từ chối, chỉ ra lệnh cho chú của y là Di Ái vào hầu, cho nên lập Di Ái thay làm An Nam Quốc Vương. 

Tháng 7 năm thứ 20, Nhật Huyên đưa thư cho Bình chương A Lí Hải Nha, xin trả sứ giả trở về, Đế liền sai về nước. Bấy giờ, A Lí Hải Nha làm Kinh Hồ Chiêm Thành Hành tỉnh Bình chương Chính sự, Đế muốn Giao Chỉ giúp binh lương để đánh Chiêm Thành, lệnh lấy ý này dụ y. Hành tỉnh sai Ngạc Châu Đạt lỗ hoa xích Triệu Chứ đem thư dụ Nhật Huyên. Tháng 10, triều đình lại sai Đào Bỉnh Trực cầm ấn thư đến dụ nước này. Tháng 11, Triệu Chứ đến An Nam. Nhật Huyên bèn sai bọn Trung lượng Đại phu Đinh Khắc Thiệu, Trung Đại phu Nguyễn Đạo Học đem phương vật theo Chứ vào hầu, lại sai bọn Trung phụng Đại phu Phạm Chí Thanh, Triều thỉnh lang Đỗ Bão Trực đến tỉnh bàn việc, lại đưa thư đến Bình chương, nói: 

Thêm quân 1 điều kiện: Chiêm Thành thần phục nước nhỏ lâu ngày, cha già chỉ làm việc lấy đức mà vỗ về nước này, đến lúc thành thân con côi, cũng nối theo chí cha. Từ lúc cha già theo về Thiên triều, 30 năm đến nay, dùng can qua thấy không tiện, quân lính bãi bỏ làm dân đinh, một lòng cống nạp thiên triều, tỏ rõ một lòng không có hai mưu, mong các hạ thương xót. Giúp lương với 1 điều kiện: Thế đất nước nhỏ gần biển, sản ra năm loại lúa mọc không nhiều, một khi sau khi đại quân đi rồi, trăm họ trôi dạt, thêm có nước cạn, sớm no chiều đói, ăn không đủ cấp; nhưng lệnh của các hạ, vốn không dám trái, phỏng theo châu Vĩnh An trên cõi Khâm Châu, đợi chờ chuyển nạp. Còn việc dụ kẻ con côi này tự thân đến cửa khuyết, ngoảnh mặt nhận giáo huấn của người hiền thánh. Cha già thời còn sống, Thiên triều thương xót, đặt ở ngoài cõi; nay cha già chết rồi, kẻ con côi này lo lắng, mắc bệnh đến nay, vẫn chưa như thường, huống chi kẻ con côi này lớn lên ở góc xa, không chịu nổi nóng lạnh, không quen đất nước, khó đi đường lối, xương trắng phơi đường. Để bồi thần của nước nhỏ qua lại, còn bị khí độc thấm hại, kẻ chết hoặc 5,6/10, hoặc quá nửa, các hạ cũng đã vốn biết. Chỉ mong hết sức bảo vệ, truyền tấu Thiên triều, xem xét cho ý sợ chết tham sống của lớp lớp quan lại, họ hàng của kẻ con côi này. Há chỉ kẻ con coi này nhận ban thưởng đâu, mà còn sinh linh cả nước được nhờ yên ổn, cùng chúc các hạ hưởng phúc lớn trong trời lâu dài vậy”. 

Tháng 3 năm thứ 21, Đào Bỉnh Trực đi sứ về, Nhật Huyên lại dâng biểu bày tỏ, lại đem thư đến Kinh Hồ Chiêm Thành Hành tỉnh, đại ý giống với thư trước. Lại theo Quỳnh Châu An phủ sứ Trần Trọng Đạt nghe của Trịnh Thiên Hữu nói: “Giao Chỉ qua lại mưu tính với Chiêm Thành, sai binh 20,000 người cùng 500 chiếc thuyền để ứng cứu”. Lại đưa thư đến Hành tỉnh, đại lược nói: “Chiêm Thành là phiên thuộc của nước nhỏ này, đại quân đến đánh, thần bị buồn rầu, mà chưa từng dám nói một lời, có lẽ thời nay người ta thờ nước nhỏ cũng biết rồi. Nay Chiêm Thành bèn làm phản trái, giữ mê muội không phục, đấy gọi là không biết trời biết người vậy. Biết trời biết người, mà lại không cùng biết trời biết người cùng mưu, tuy trẻ con cao 3 thước cũng biết là không qua lại, huống chi là nước nhỏ đây? Mong Hành tỉnh xem xét”.

Tháng 8, em của Nhật Huyên là Chiêu Đức Vương Trần Xán đem thư đến Kinh Hồ Chiêm Thành Hành tỉnh, tự nguyện nạp thuộc xin hàng. Tháng 11, Hành tỉnh Hữu thừa Toa Đô nói: “Giao Chỉ tiếp giới với các nước Chiêm Lạp, Chiêm Thành, Vân Nam, Xiêm, Miến, có thể đến đất này lập tỉnh; cùng với ba đạo Việt Lí, Triều Châu, Tì Tan mà đồn quân trấn giữ, nhân đó lấy lương hướng đất này để cấp cho quân sĩ, trừ bỏ được cái khổ của việc chuyển chở đường biển”. 

Tháng 2 năm thứ 22, Kinh Hồ Chiêm Thành Hành tỉnh nói: “Trấn Nam Vương ngày trước nhận chỉ đem quân đánh Chiêm Thành, sai Hữu thừa Đường Ngột Đáu đi nhanh đến Chiêm Thành, hẹn cùng Hữu thừa Toa Đô đem binh đến hội họp. Lại sai Lí vấn quan Khúc Liệt, Tuyên sứ Tháp Hải Tát Lí cùng bọn sứ giả của An Nam là Nguyễn Đạo Học, cầm thư của Hành tỉnh đến đòi Nhật Huyên vận lương hộ tống đến Chiêm Thành giúp quân; Trấn Nam Vương qua đường đến gần cõi, lệnh cho Nhật Huyên đến gặp”.

Kịp lúc quan quân đến huyện Hành Sơn, nghe tin Nhật Huyên cùng anh là Hưng Đạo Vương Trần Tuấn đem binh chặn ở trên biên giới. Chốc lát Khúc Liệt cùng Tháp Hải Tát Lí dẫn bọn Trung lượng Đại phu Trần Đức Quân, Triều tán lang Trần Tự Tông của An Nam cầm thư của Nhật Huyên đến, lời thư nói là từ nước này đến Chiêm Thành đường thuỷ, bộ đều không tiện, xin tuỳ theo sức mà dâng nạp lương cho quân. Đến lúc quan đến Vĩnh Châu, Nhật Huyên gửi thư đến Ung Châu, nói: “Ngày hẹn chuyển nạp khoảng vào tháng 10, xin dự bị đinh phu trước đường, đến ngày Trấn Nam Vương xuống xe, mong là có thư đến báo”. Hành tỉnh lệnh cho Vạn hộ Triệu Tu Kỉ đem ý cũ đáp thư, lại đưa công văn đến, lệnh phải mở đường chuẩn bị lương thực, tự mình đón Trấn Nam Vương. Lúc quan quân đến Ung Châu, Điện tiền Phạm Hải Nhai của An Nam lĩnh binh đồn đóng ở Khả Lan Vi để giúp các xứ. Đến châu Tư Minh, Trấn Nam Vương lại đưa thư đến nước này. Đến Lộc Châu, lại nghe tin Nhật Huyên điều binh giữ các đường ải Khâu Ôn, Khâu Cấp Lĩnh, Hành tỉnh bèn chia quân làm hai đường để đi. Nhật Huyên lại sai Thiện trung Đại phu Nguyễn Đức Dư, Triều thỉnh lang Nguyễn Văn Hàn cầm thư đến Trấn Nam Vương, nói: “Không thể tự mình đến gặp ánh sáng, nhưng trong lòng hớn hở. Vì người đi đến tiếp nhận chiếu chỉ nói có lệnh riêng là: ‘Quân ta không vào cõi ngươi’; nay thấy cầu đường doanh trạm của Ung Châu, nơi nơi tiếp nhau, thực là sợ hãi, mong làm rõ lòng trung thành, có gì thiết sót mong tha thứ”. Lại đem thư đến quan Bình chương Chính sự, xin bảo vệ sinh linh của nước này, tha miễn cho lỗi trốn chạy.

Trấn Nam Vương lệnh cho Hành tỉnh sai Tổng bả A Lí cầm thư cùng bọn Nguyễn Đức Dư đến dụ Nhật Huyên là nguyên nhân dấy binh thực là đánh Chiêm Thành, không phải đánh An Nam vậy. Đến huyện Cấp Bảo, quan Quản quân của An Nam là Nguyễn Lộc đồn binh ở châu Thất Nguyên, lại từ huyện Thôn Lí đến Vạn Kiếp đều có quân của Hưng Đạo Vương, A Lí không đi được. Hành tỉnh lại lệnh cho Vạn hộ Nghê Nhuận đến do xét thật giả, thận trọng điều quân, nhưng không được giết cướp dân chúng của nước này. Chưa bao lâu, bọn Tát Đáp Nhi, Lí Bang Hiến, Tôn Hữu nói: “Đến ải Khả Li, gặp quân Giao đến chống, Hữu đánh với chúng, bắt được Quản quân Phụng ngự của chúng là Đỗ vĩ, Đỗ Hữu, mới biết Hưng Đạo Vương quả thực lĩnh binh đón chặn”. Quan quân qua ải Khả Li, đến ải Động Bản, lại gặp quân giặc, liền đánh bại chúng, tướng của chúng là Tần Sầm bị thương chết.

Nghe tin Hưng Đạo Vương ở ải Nội Bàng, lại đem binh đến thôn Biến Trụ, dụ y thu quân mở đường, đón bái Trấn Nam Vương, không theo. Đến ải Nội Bàng, nhận lệnh đem chỉ lệnh sai người đến chiêu dụ y, lại không theo. Hưng Đạo Vượng còn có hơn hơn 1,000 thuyền quân, đóng gần Vạn Kiếp 10 dặm. Bèn sai quân sĩ đến ven sông tìm thuyền, đến tụ hội tìm ván gỗ đóng đinh, đặt bãi sân chế tạo, chọn những người quân thủy, lệnh cho Ô Mã Nhi Bạt đô thống lĩnh, mấy lần đánh với giặc, đều đánh bại giặc. Bắt được hai tờ văn vứt lại ở bờ sông của giặc, rồi Nhật Huyên đem thư đến Trấn Nam Vương và Hành tỉnh Bình chương, lại nói: “Lúc trước chiếu lệnh nói là ‘quân ta không vào cõi ngươi’, nay vì cớ Chiêm Thành đã phục lại phản, nhân đó phát đại quân, đi qua nước thần, tàn hại trăm họ, đấy là điều mà Thái tử lầm lẫn, không phải là cái mà nước thần lầm lẫn vậy. Cúi mong đừng làm khác chiếu lệnh trước, đem đại quân trở về, nước thần sẽ chuẩn bị vật cống đến dâng, trở lại như lúc đầu”.

Hành tỉnh lại đem thư đến, cho là: “Triều đình điều binh đánh Chiêm Thành, thường đem thư đến Thế tử sai mở đường trữ lương, không ngờ làm trái mệnh lệnh của triều đình, sai bọn Hưng Đạo Vương đem binh đón chống, bắn thương quân ta, khiến cho sinh linh An Nam bị hại là do nước nước làm vậy. Nay đại quân đi qua nước ngươi đánh Chiêm Thành, là lệnh của Nhà vua. Thế tử biết rõ ý nước ngươi theo về đã lâu, nên nghĩ đức thẫm đẫm thương yêu của Hoàng đế, lập tức lệnh rút quân mở đường, dụ yên trăm họ, chăm chú làm việc. Các chỗ mà quân ta đi qua, phải không có một chút phiền nhiễu nào, Thế tử nên ra đón Trấn Nam Vương, cùng bàn việc quân. Không như vậy, đại quân sẽ dừng ở An Nam mở phủ”.

Nhân đó ra lệnh sứ giả của nước này là bọn Nguyễn Văn Hàn đến. Đến lúc quan quân bắt được dân chúng, lại gặp Nhật Huyên đưa các quân Thánh dực đến, điều hơn 1,000 chiếc thuyền, giúp Hưng Đạo Vương đánh chống. Trấn Nam Vương bèn cùng Hành tỉnh tự mình đến bờ đông, sai quân đánh chúng, giết thương rất nhiều, bắt được hơn 20 chiếc thuyền. Hưng Đạo Vương thua chạy, quan quân buộc bè làm cầu, vượt bờ bắc sông Phú Lương. Nhật Huyên men theo sông bày quân thuyền, lập rào gỗ, thấy quan quân đến bờ, liền phát pháo hô lớn đánh. Đến chiều, lại sai bọn Nguyễn Phụng Ngữ đem thư đến Trấn Nam Vương và Hành tỉnh, xin đại quân rút lui. Hành tỉnh lại đưa văn thư qua trách mắng giặc, rồi tiến quân. Nhật Huyên bèn bỏ thành trốn chạy, rồi lệnh cho Nguyễn Hiệu Duệ đưa thư tạ lỗi, cùng dâng phương vật, lại xin rút quân. Hành tỉnh lại gửi thư chiêu dụ, rồi đưa quân vượt sông, đóng trại ở dưới thành An Nam. 

Ngày sau, Trấn Nam Vương vào nước này, cung điện trống không, chỉ giữ lại các chiếu lệnh dụ hàng và các tờ thư của Trung thư, xóa hủy hết cả. Ngoài có tờ văn, đều là của các tướng ngoài biên nam bắc của nước này báo tin tức cho quan quân và các tình huống chống địch. Nhật Huyên tiếm xưng Đại Việt Quốc Chủ Hiến Thiên Thể Đạo Đại Quang Minh Hiếu Hoàng Đế Trần Uy Hoảng, truyền ngôi vị cho Hoàng Thái tử, lập Thái tử phi làm Hoàng hậu, trên bày tỏ biểu chương Từ Thuận Thiên Hoàng Thái hậu, ở trên dùng “Ấn Hạo Thiên Thành Mệnh”. Nhật Huyên lại giữ ngôi Thái Thượng hoàng, lập con của Nhật Huyên nối nghiệp làm An Nam Quốc Vương, dùng niên hiệu Thiệu Bảo.

Cung thất của nước này có 5 cửa, cửa Ngạch Thư Đại Hưng, cửa dịch Tả, Hữu, điện chính có 9 phòng Thư Thiên An Ngự Điện, cửa chính nam có Thư Triều Thiên Các. Lại có bảng yết thị bày ra ở các chỗ nói: “Tất cả quận huyện trong nước, nếu có giặc ngoài đến, phải liều chết mà đánh. Nếu sức không chống nổi, phải vào đầm núi trốn tránh, không được đón hàng”. Các chỗ hiểm trở chống giữ của nước này đều có kho tàng để cất giữ đồ binh giáp. Quân của nước này bỏ thuyền lên bờ vẫn đông, Nhật Huyên dẫn họ hàng, quang lại đến Thiên Trường, Trường An tụ tập đồn đóng, Hưng Đạo Vương, Phạm Điện Tiền lĩnh thuyền binh lại tụ tập ở cửa sông Vạn Kiếp, Nguyễn Lộc trú ở đường phía tây Vĩnh Bình. 

Hành tỉnh chỉnh sửa quân sĩ để chuẩn bị đuổi theo đánh úp, cho nên binh của bọn Đường Ngột Đái và Toa Đô từ Chiêm Thành đến, hội hợp với đại quân. Từ lúc vào đất này, đánh 7 trận lớn nhỏ, chiếm đất dài hơn 2,000 dặm, 4 cung thất của vua nước này.

Lúc đầu, đánh bại quân của Chiêu Minh Vương, lại đánh Chiêu Hiếu Vương của nước ấy, nhiều liêu thuộc của chúng đều chết, Chiêu Minh Vương trốn đi xa không dám quay lại. Lại đến châu An Diễn, Thanh Hóa, Trường An bắt được hơn 400 người là bọn con rể của Trần Thượng Thư của nhà Tống đã mất, bọn Lương Phụng Ngự cùng Triệu Mạnh Tín, Diệp lang tướng của Giao Chỉ. Vạn hộ Lí Bang Hiến, Lưu Thế Anh đem quân mở đường từ Vĩnh Bình vào An Nam, mỗi 30 dặm lập một trại, 60 dặm đặt một trạm dịch, mỗi một trại một trạm đặt 300 quân giữ gìn tuần tra.

Lại lệnh cho Thế Anh lập rào lũy, chăm chú xem xét các trại, trạm dịch, rào lũy. Hữu thừa Khoan Triệt dẫn bọn Vạn hộ Mang Cổ Đái, Bột La Cáp Đáp Nhi theo đường bộ, Lí Tả Thừa dẫn Ô Mã Nhi Bạt Đô theo đường thủy, đánh bại thuyền quân của Nhật Huyên, bắt Kiến Đức Hầu Trần Trọng của nước này. Nhật Huyên bỏ trốn, đuổi đến cửa Giao Hải, không biết chỗ mà y đến. Họ hàng của y là Văn Nghĩa Hầu, cha là Vũ Đạo Hầu cùng con là Minh Trí Hầu, con rể là Chương Hoài Hầu, Chương Hiến Hầu, cùng bọn Tăng Tham Chính, con của Tô Thiếu Bảo là Tô Bảo Chương, con của Trần Thượng Thư là Trần Đinh Tôn của nhà Tống theo nhau đem quân đến hàng. Đường Ngột Đái, Lưu Khuê đều nói là Chiêm Thành không có lương, quân khó ở lại lâu.

Trấn Nam Vương lệnh cho Toa Đô dẫn quân Nguyên đến các chỗ Trường An tìm lương. Nhật Huyên đến cửa biển An Bang, bỏ thuyền, đồ áo giáp, binh khí, chạy trốn vào rừng núi. Quan quân bắt được 10,000 chiếc thuyền, chọn thuyền tốt để dùng, còn lại đều đốt bỏ, lại đổi theo nhiều lần ở trên thủy, bộ. Bắt được dân chúng, nói là Thượng hoàng, Thế tử chỉ có 4 chiếc thuyền, Hưng Đạo Vương cùng con của y có 3 chiếc, Thái sư có 80 chiếc, chạy đến phủ Thanh Hóa. Toa Đô cũng báo nói: Nhật Huyên, Thái sư chạy đến Thanh Hóa. Ô Mã Nhi Bạt Đô lấy 1,300 quân, 60 chiếc thuyền chiến, giúp Toa Đô đánh úp quân Thái sư của nước này. Lại lệnh cho Đường Ngột Đái vượt biển đuổi theo Nhật Huyên, cũng không biết được nơi mà y đến.

Em của Nhật Huyên là Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc dẫn họ hàng cùng vợ con, quan lại của mình đến hàng. Bèn sai bọn Minh Lí, Tích Ban cùng đưa Chương Hiến Hầu, Văn Nghĩa Hầu cùng em của y là Minh Thành Hầu, con của Chiêu Quốc Vương là Nghĩa Quốc Hầu vào chầu. Văn Nghĩa Hầu lên được phía bắc, Chương Hiến Hầu, Nghĩa Quốc Hầu đều bị Hưng Đạo Vương giết, Chương Hiến Hầu chết; Nghĩa Quốc Hầu thoát thân trở lại trong quân. 

Quan quân họp các tướng bàn bạc nói: “Người Giao chống cự quan quân, tuy nhiều lần thua chạy, nhưng thêm quân càng nhiều; quan quân khốn khó, chết thương cũng nhiều, quân ngựa Mông Cổ cũng không thể phát huy kĩ thuật của mình”. Rồi bỏ kinh thành của nước này, vượt bờ bắc sông, bàn bạc rút quân về đóng đồn ở châu Tư Minh. Trấn Nam Vương theo ý đó, bèn đem quân về. Ngày đó, Lưu Thế Anh cùng hơn 20,000 quân của Hưng Đạo Vương, Hưng Vũ Vương ra sức đánh. Lại nữa quan quân đến sông Như Nguyệt, Nhật Huyên sai Hoài Văn Hầu đến đánh, đi đến sông Sách, bắc cầu nổi vượt sông, quân của bọn Tả thừa Đường Ngột Đái chưa kịp vượt sông thì thì bị quân phục trong trừng ra đánh, nhiều quan quân chết đuối, ra sức đánh mới ra khỏi bờ cõi. Đường Ngột Đái nhanh chạy trạm về tấu lên. Tháng 7, Xu mật viện xin điều quân để tháng 10 năm nay hội ở Đàm Châu, theo lệnh Trấn Nam Vương cùng A Lí Hải Nha chọn quân thống lĩnh. 

Tháng giêng năm thứ 30, ban chiếu quần thần của Hành tỉnh cùng bàn bạc, bèn phát quân lớn đánh phương nam. Tháng 2, ban chiếu dụ trăm họ, quan lại của An Nam, mắng tội lỗi của Nhật Huyên, nói các việc là y giết hại chú của mình là Trần Di Ái và không thu nạp bọn Đạt lỗ hoa xích Bất Nhan Thiết Mộc Nhi. Lấy bọn Trần Ích Tắc tự đi ra trở về, phong Ích Tắc làm An Nam Quốc Vương, ban ấn phù, Tú Hoãn làm Phụ Nghĩa Công, để nhận việc bày lễ cúng tế. Lại lệnh cho Trấn Nam Vương Thoát Hoan, Tả thừa A Lí Hải Nha đánh dẹp nước này, lấy binh cấp cho Ích Tắc. Tháng 5, phát Mang Cổ Thai chỉ huy quân sĩ hội với quân của Ngạc Châu Hành tỉnh cùng đánh nước này. Quan quân vào nước này, Nhật Huyên lại bỏ thành trốn. 

Tháng 6, Hồ Nam Tuyên úy ti dâng tấu nói: “Nhiều năm đánh Nhật Bản và dùng binh Chiêm Thành, trăm họ mệt mỏi vì chuyển chở, thuế dịch phiền nhiễu, quân sĩ xông vào nơi chướng lệ chết thương rất nhiều, kẻ sống kêu than, 4 dân bỏ nghiệp, người nghèo bỏ con để xin sống, kẻ giàu bán của cung ứng mà phục dịch, khổ sở treo ngược, nào chỉ 1 ngày. Nay lại có việc Giao Chỉ, động đến 1,000,000 người, tốn đến 1,000 vàng, không phải là thương xót quân dân vậy.

Vả lại trong thời gian phát động, lợi hại không chỉ có 1, lại nữa Giao Chỉ đã từng sai sứ giả nạp cống xưng thần, nếu theo lời xin của họ, để an ủi sức dân, kế này hàng đầu vậy. Nếu không thế, thì nên cởi bớt tô thuế của trăm họ, cất chứa lương hướng, sửa binh giáp, đợi năm sau khí trời thuận lợi, rồi mới phát binh lớn cũng chưa bị trễ”. Quần thần của tỉnh Hồ Quảng là Tuyển Ca cho lời này là đúng, sai sứ giả vào tấu, lại nói: “Lính trấn giữ của tỉnh thần cả thảy hơn 70 chỗ, nhiều năm đánh đẹp, quân tinh nhuệ trong quân sõ khổ ở ngoài, kẻ còn ở tỉnh đều già yếu, mỗi 1 thành ấp, nhiều không quá 200 người. Trộm sợ kẻ gian được dịp dò xét biết thật giả. Năm trước Bình chương A Lí Hải Nha đi đánh, chuyển 30,000 thạch lương, dân đã mắc bệnh, nay lại mắc gấp bội, quan lại không dự sẵn, thu mua ở trong dân, trăm họ sắp không chịu nổi cái khó này. Nên theo lời nói của Tuyên úy ti, xin hoãn quân đánh phương nam”. Xu mật viện đưa tin, Đế liền ngày đó ban chiếu dừng quân, thả quân sĩ trở về các doanh. Ích Tắc theo quân trở về đất Ngạc. 

Tháng giêng năm thứ 24, phát 1,000 Tân Phụ theo A Bát Xích đánh An Nam. Lại ban chiếu phát 70,000 quân Mông Cổ, Hán, Khoán, 500 chiếc thuyền của tỉnh Giang Hoài, Giang Tây, Hồ Quảng, 6,000 quân của tỉnh Vân Nam, 15,000 quân Lê của 4 châu ngoài biển, Hải đạo Vận lương Vạn hộ Trương Văn Hổ, Phí Củng Thần, Đào Đại Minh chuyển 170,000 thạch lương, chia đường để đi. Đặt ra Chinh Giao Chỉ Hành Thượng thư tỉnh, Áo Lỗ Xích làm Bình chương Chính sự, Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp làm Tham tri Chính sự thống lĩnh chúng, Trấn Nam Vương làm Tiết chế. Tháng 5, lệnh cho Tả thừa Trình Bằng Phi quay về Kinh Hồ Hành tỉnh trị quân. Tháng 6, Xu mật viện lại tấu lên, lệnh cho Ô Mã Nhi cùng Phàn Tham chính đem quân sĩ thủy, lục cùng đi.

Tháng 9, lấy Quỳnh Châu lộ An phủ sứ Trần Trọng Đạt, Nam Ninh Quân dân Tổng quản Tạ Hữu Khuê, Diên Lan Quân dân Tổng quản Bồ Tí Thành đem thuyền quân giúp đánh Giao Chỉ, lệnh cho theo đi đánh. Nhật Huyên sai Trung Đại phu Nguyễn Văn Thông vào cống. Tháng 11, Trấn Nam Vương đến châu Tư Minh, giữ 2,500 quân ở lại, lệnh cho Vạn hộ Hạ Chỉ thống lĩnh quân này, để giữ đồ xe chở lương. Trình Bằng Phi, Bột La Cáp Đáp Nhi lấy 10,000 quân Hán, Khoán theo đường phía tây đạo Vĩnh Bình, Áo Lỗ Xích lấy 10,000 theo Trấn Nam Vương theo đường phía đông ải Nữ Nhi để đi.

A Bát Xích lấy 10,000 người làm tiên phong, Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp lấy quân theo đường biển, qua Ngọc Sơn, Song Môn, cửa An Bang, gặp hơn 400 chiếc thuyền của Giao Chỉ, đánh chúng, chém hơn 4,000 đầu, bắt sống hơn 100 người, chiếm 100 chiếc thuyền, rồi đi nhanh vào Giao Chỉ. Trình Bằng Phi, Bột La Cáp Đáp Nhi qua 3 cửa quan Lão Thử, Hãm Sa, Tì Trúc, cả thảy đánh 17 trận, đều thắng. Tháng 12, Trấn Nam Vương đến cảng Mao La, Hưng Đạo Vương của Giao Chỉ bỏ trốn, nhân đó đánh trại Phù Sơn, phá trại này. Lại lệnh cho Trình Bằng Phi, A Lí lấy 20,000 quân giữ Vạn Kiếp, vừa sửa núi Phổ Lại cùng rào gỗ Linh Sơn.

Lệnh cho Ô Mã Nhi đem quân thủy, A Bát Xích đem quân bộ, đi nhanh đến thành Giao Chỉ. Trấn Nam Vương đem các quân vượt sông Phú Lương, trú ở dưới thành, đánh bại quân giữ thành. Nhật Huyên cùng con của mình bỏ thành chạy đến lũy ảm Nôm, các quân đánh chiếm lũy này. Tháng giêng năm thứ 25, Nhật Huyên cùng con mình lại chạy vào biển. Trấn Nam Vương đem quân đuổi theo, đến cửa biển Thiên Trường, không biết chỗ mà y ở, dẫn quân về thành Giao Chỉ. Lệnh cho Ô Mã Nhi đem quân thủy theo cửa Đại Bàng đón thuyền lương của bọn Trương Văn Hổ, bọn Áo Lỗ Xích, A Bát Xích chia đường vào núi tìm lương. Nghe tin Giao Chỉ tụ tập quân ở Cá Thẩm, Cá Lê, Ma Sơn, Ngụy Trại, đem quân đến đều phá chúng, chém hơn 10,000 thủ cấp.

Tháng 2, Trấn Nam Vương dẫn quân về Vạn Kiếp. A Bát Xích đem quân tiên phong, chiếm ải, buộc cầu, phá cửa Tam Giang, đánh chiếm 32 luỹ, chém vài vạn thủ cấp, bắt được 200 chiếc thuyền, hơn 11,300 thạch gạo. Ô Mã Nhi theo cửa Đại Bàng đi nhanh đến Tháp Sơn, gặp hơn 1,000 thuyền giặc, đánh phá chúng; đến cửa An Bang, không thấy thuyền của Trương Văn Hổ, quay lại Vạn Kiếp, lấy được 40,000 thạch gạo. Đắp rào gỗ Phổ Lại, Linh Sơn xong, lệnh cho các quân ở đó. Các tướng nhân đó nói: “Giao Chỉ không có thành ao có thể giữ, kho lúa có thể ăn, thuyền lương của bọn Trương Văn Hổ không đến, vả lại khí trời đã nóng, sợ lương hết quân mỏi, không thể ở lâu, hổ thẹn với triều đình, nên đem hết quân mà về”. Trấn Nam Vương theo lời này. Lệnh cho Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp đem quân thủy về trước, Trình Bằng Phi đem quân theo sau hộ tống họ. Tháng 3, Trấn Nam Vương đem các quân trở về. 

Thuyền lương của Trương Văn Hổ đã đến trú ở Đồn Sơn vào tháng 12 năm trước, gặp 30 chiếc thuyền của Giao Chỉ, Văn Hổ đánh chúng, quân của mình bị giết cướp cũng ngang nhau. Đến biển Lục Thủy, thuyền giặc thêm nhiều, Hổ không thể chống, lại vì thuyền nặng không đi được, bèn ném gạo xuống biển, đi nhanh đến Quỳnh Châu. Thuyền lương của Phí Củng Thần từ tháng 11 đã đến Huệ Châu, gặp gió không đi được, trôi đến Quỳnh Châu, hội với Trương Văn Hổ. Thuyền lương của Từ Khánh trôi đến Chiêm Thành, cũng đến Quỳnh Châu. Cả thảy mất 220 quân sĩ, 11 chiếc thuyền, hơn 14,300 thạch lương. 

Trấn Nam Vương trú ở cửa Nội Bàng, quân giặc tụ hợp lớn, Vương đánh phá chúng. Lệnh cho Vạn hộ Trương Quân đem 3,000 quân tinh nhuệ chặn sau, ra sức đánh ra khỏi cửa. Dò xét biết Nhật Huyên cùng bọn Thế tử, Hưng Đạo Vương chia hơn 300,000 quân, giữ cửa Nữ Nhi và Khâu Cấp Lĩnh, liên tiếp hơn 100 dặm, để chặn đường quân trở về. Trấn Nam Vương bèn theo đường huyện Đan Kỉ đi nhanh đến Lộc Châu, tìm đường để ra, đến châu Tư Minh. Lệnh cho Ái Lỗ dẫn quân về Vân Nam, Áo Lỗ Xích đem các quân về phía bắc. Nhật Huyên sai sứ giả đến tạ, đưa người vàng để tạ lỗi. Tháng 11, lấy bọn Lưu Đình Trực, Lí Tư Diễn, Vạn Nô đi sứ đến An Nam, cầm chiếu dụ Nhật Huyên đến chầu. Tháng 2 năm thứ 26, quần thần của Trung thư tỉnh tấu nói là nên dừng đánh Giao chỉ, nên thu ấn phù của Hành tỉnh. Tháng 4, Nhật Huyên sai bọn Trung Đại phu Nguyễn Khắc Dụng đến cống phương vật. 

Năm thứ 27, Nhật Huyên chết, con là Nhật Tuấn sai sứ giả đến cống. Tháng 11 năm thứ 27, Trấn thủ Vĩnh Châu Lưỡng Hoài Vạn hộ phủ Thượng Thiên hộ Thái Vinh dâng thư, nói là việc quân rất trọng yếu, vì triều đình thưởng phạt không rõ, quân sĩ không theo lệnh, tướng sĩ không hòa, làm trái công việc, cái xấu này có chỗ không xét được. Thư đến, không báo. Tháng 9 năm thứ 29, sai bọn Lại bộ Thượng thư Lương Tăng, Lễ bộ Thượng thư Trần Phu cầm chiếu lại dụ Nhật Tuấn vào chầu. Chiếu nói: “Xét tấu biểu rõ hết. Năm trước Lễ bộ Thượng thư Trương Lập Đạo nói là Tăng đến An Nam, biết được việc này, xin đến dụ nước này đến chầu. Nhân đó sai Lập Đạo đến đấy. Nay tội lỗi của nước ngươi đã tự bày rõ, trẫm lại sao tin lời. Còn như nói là ngươi đang chịu tang, và sợ chết trên đường không dám đến chầu, lại nữa há có người sống an toàn lâu dài sao? Thiên hạ cũng có đất không chết sao? Đấy là điều mà trẫm chưa biết, ngươi nên chuẩn bị báo tin. Chỉ lấy lời văn sáo rỗng cống hằng năm, khéo che đậy lừa dối, thì nghĩa ở đâu?”. 

Năm thứ 30, bọn Lương Tăng đi sứ trở về, Nhật Tuấn sai bồi thần là bọn Đào Tử Kì đến cống. Quần thần triều đình cho là Nhật Tuấn cuối cùng không vào chầu, lại bàn đánh y. Bèn bắt giữ Tử Kì ở lại Giang Lăng, lệnh cho Lưu Quốc Kiệt cùng Vương chư hầu là Diệc Cát Lí cùng đánh An Nam, lệnh cho đến Ngạc Châu bàn với Trần Ích Tắc. Tháng 8, bọn Bình chương Bất Hốt Mộc tấu xin lập Hồ Quảng An Nam Hành tỉnh, cấp cho 2 ấn, mua 1,000 hộc thuyền người Đản, dùng quân 56,570 người, 350,000 thạch lương, đồ cho ngựa 20,000 thạch, muối 210,000 cân, trữ cấp bổng lộc cho quan quân, cấp thủy thủ là quân sĩ 2 thoi tiền, khí trượng cả thảy hơn 270,000 chiếc.

Quốc Kiệt đặt 12 viên quan trong trướng, chia đường thuỷ, bộ cùng đi. Lại lấy Giang Tây Hành Xu mật viện Phó sứ Hốt Lí Man làm Hữu thừa, theo đánh An Nam, bọn Trần Nham, Triệu Tu Kỉ, Vân Tòng Long, Trương Văn Hổ, Sầm Hùng cũng lệnh cho cùng làm việc. Ích Tắc theo quân đến Trường Sa, vừa lúc dừng binh nên dừng lại. Tháng 5 năm thứ 31, Thành Tông lên ngôi vị, lệnh bỏ đánh dẹp. Sai Đào Tử Kì về nước. Nhật Tuấn sai sứ giả dâng biểu an ủi việc buồn của nhà nước, cùng dâng phương vật. Tháng 6, sai Lễ bộ Thị lang Lí Diễn, Binh bộ Lang trung Thái Đăng cầm chiếu đến vỗ về nước này, đại khái nói: “Tiên Hoàng Đế vừa bỏ thiên hạ, trẫm nối nghiệp giữ dòng đại thống, vừa mới lên ngôi, đối đãi rộng lượng, không kể gần xa. Dù là An Nam ngươi, cũng được tha miễn, đã lệnh cho quan Hữu tư bãi binh, sai bồi thần Đào Tử Kì về nước. Từ nay về sau, phải sợ trời mà thờ nước lớn, ngươi xét nghĩ việc này”. 

Tháng 2 năm Đại Đức thứ 5, bọn Thái phó Hoàn Trạch tấu nói là sứ giả An Nam là Đặng Nhữ Lâm lén vẽ bản đồ vườn cung uyển, mua riêng các vật bản đồ địa dư cùng sách cấm, lại sao chép các văn thư chép về việc đánh thu Giao Chỉ, cùng chép riêng sự tình quân đội ở biên giới phía bắc và lăng núi, sai sứ giả cầm chiếu lấy nghĩa lớn trách mắng. Tháng 3, sai Lễ bộ Thượng thư Mã Cáp Mã, Lễ bộ Thị lang Kiều Tông Lượng cầm chiếu dụ Nhật Tuấn, đại ý nói: “Bọn Nhữ Lâm làm không theo phép tắc, nên trị hết sức, trẫm vì thiên hạ mưu tính, lệnh có quan Hữu tư thả về. Từ nay sứ giả phải tuyển chọn; nếu có việc bày tỏ, phải hết sức thận trọng. Trước đã dùng lời văn sáo rỗng lừa dối, việc này há có ích gì, chớ tự tiện đổi bản đồ mà chuốc lấy hối hận về sau”. Trung thư tỉnh lại đưa thư cho 2 người bọn Vạn hộ Trương Vinh Thực, cùng đi với sứ giả trở về. 

Vũ Tông lên ngôi vị, ban chiếu dụ nước này, thường sai sứ giả đến cống. Tháng 8 năm Chí Đại thứ 4, Thế tử Trần Nhật Thận sai sứ giả dâng biểu đến chầu. 

Tháng giêng năm Hoàng Khánh thứ 2, quân Giao Chỉ khoảng hơn 30,000 người, quân mã hơn 2,000, cướp Vân Động, châu Trấn An, giết cướp dân chúng, đốt hủy kho tàng nhà cửa, lại hãm các chỗ Lộc Động, Tri Động, bắt sống dân chúng, gia súc cùng tiền của của dân chúng rồi về, lại chia binh làm 3 đường cướp châu Quy Thuận, đồn binh không rút. Triều đình bàn bạc sai Hồ Quảng Hành tỉnh phát binh đánh chúng.

Tháng 4, lại có tin báo nói: Thế tử của Giao Chỉ tự mình lĩnh binh đốt nhà dân, sở quan của châu Dưỡng Lợi, giết cướp hơn 2,000 người, lại phao tin nói: “Xưa châu Quy Thuận của vùng Hữu Giang 5 lần cướp lộ Đại Nguyên của ta, bắt hơn 5,000 dân chúng, Tri châu Dưỡng Lợi là Triệu Giác bắt nhà buôn của châu Tư Lãng ta, lấy 1 niễn vàng, lấn hơn 1,000 khoảnh ruộng, cho nên đến giết trả thù”.

Tháng 6, Trung thư tỉnh sai Binh bộ Viên ngoại lang A Lí Ôn Sa, Xu mật viện sai Thiên hộ Lưu Nguyên Hanh cùng đến Hồ Quảng Hành tỉnh xét hỏi việc này. Bọn Nguyên Hanh tự mình đến các thôn Thượng, Trung, Hạ Do, cùng xem đất đai, xét hỏi người dân cày ruộng ở đấy 5 lần, lại sai Tri châu Tư Minh là Hoàng Tung Thọ đến gạn hỏi y, bảo là do nô tì của Thái tử Thái sử Nguyễn Lộc gây nên, nhưng cũng không biết có phải hay không. Do đó gửi thư dụ nước An Nam, đại khái nói: “Xưa nhà Hán đặt 9 quận, nhà Đường lập 5 quản, An Nam thực là đất mà giáo hóa truyền đến. Huống chi lại dâng bản đồ nhận việc nạp cống, vốn phân rõ trên dưới, dày qua mỏng lại, ân huệ vỗ về cũng đến. Thánh triều nào có phụ gì nước ngươi, nay hàm hồ tự tác không yên, họa sẽ ập đến đấy. Tuy đất Do Thôn nhỏ bé, nhưng có quan hệ rất lớn đến đất đai của nhà nước. Cùng lúc bị giết bị bắt, đều là hộ tịch của triều đình, Hành tỉnh chưa dám tấu báo. Nhưng chưa xét được ai thực là kẻ chủ mưu không màng đến phép tắc?”. An Nam gửi thư lại nói: “Vùng biên chuột trộm chó cướp lén lút, tự tác không yên, nước thần sao mà biết được?”. Lại lấy tiền của hối lộ cùng đến. Nguyên Hanh lại gửi thư mắng An Nam nói dối không thật, trả tiền hối lộ về, lại nói: “Vàng, ngà voi của phương nam, nước ngươi cho là vật qúy, nhưng sứ giả lại không tham tiền của làm trọng. Vật đem đến liền trả về, mong hãy xét xét sự việc, làm rõ đến báo cho ta”. Nhưng đường lối xa xôi, gửi thư từ thì lời lẽ giả dối, rút cuộc chẳng ai biết được chính xác.

Bọn Nguyên Hanh suy xét nguyên nhân cho là: Nguyên nhân là người Giao từng lấn chiếm đất biên giới Vĩnh Bình, lại lại bắt chước thành thói quen. Vừa lúc nghe tin Thái tử Thái sử Nguyễn Lộc là kẻ ngang bướng của Giao Chỉ. Làm kế trước mắt, không bằng sai sứ giả dụ An Nam, bắt trả lại ruông đất của ta, trả lại người dân của ta, vẫn lệnh cho người nước này phải sửa lại bờ cõi, xem xét kẻ chủ mưu, người gây hấn giết cướp ở trên cõi, răn bảo quan lại ở biên giới chớ được ra lệnh xâm lấn. Liền đặt trại chiêu mộ binh ở Vĩnh Bình, đặt quan lại thống lĩnh, cấp cho đồ dùng, trâu, ruộng đất, từ nay tự cày cấy làm ăn, lập ra đội ngũ, thưởng phạt rõ ràng, lệnh cho họ nếu lúc nguy cấp thì đầu đuôi phải giúp nhau, như thế thì cõi biên mới yên ổn, mãi giữ vững không lo gì. Việc tấu lên, có chỉ lệnh đến, phải đợi sứ giả của An Nam đến, liền ra lệnh dụ chúng. 

Từ đầu năm Diên Hữu đến cuối năm Chí Trị, bờ cõi yên ổn, nạp cống không dứt. Năm Thái Định thứ đầu, Thế tử Trần Nhật Hoảng sai bồi thần là bọn Mạc Tiết Phu đến cống. 

Ích Tắc ở đất Ngạc lâu ngày, nhận việc Hồ Quảng Hành tỉnh Bình chương Chính sự cũng lâu; vào thời Thành Tông, ban cho hơn 200 khoảnh ruộng; thời Vũ Tông tặng chức Ngân thanh Vinh lộc Đại phu, ban thêm Kim tử Quang lộc Đại phu, lại thêm chức Nghi đồng Tam ti. Mùa hạ năm Thiên Lịch thứ 2 thời Văn Tông, Ích Tắc chết, thọ 76 tuổi, ban chiếu ban cho 5,000 xâu tiền. Năm Chí Thuận thứ đầu, tặng thụy là Trung Ý Vương. 

Tháng 4 mùa hạ năm thứ 3, Thế tử Trần Nhật Hỏa sai quần thần 24 người là bọn Đặng Thế Diên đến cống phương vật.

0