Bài văn phát biểu cảm nghĩ truyện "Bánh Chưng, bánh Giầy" số 9 - 10 Bài văn phát biểu cảm nghĩ truyện "Bánh Chưng, bánh Giầy" hay nhất
Truyền thuyết là những sáng tác dân gian với cốt truyện liên quan đến các nhân vật và sự kiện lịch sử, với nhiều chi tiết kỳ ảo nhằm thể hiện thái độ, cách đánh giá của nhân dân trước các nhân vật và sự kiện lịch sử đó. Trong chương trình SGK lớp 6, em đã được học những truyền thuyết ...
Truyền thuyết là những sáng tác dân gian với cốt truyện liên quan đến các nhân vật và sự kiện lịch sử, với nhiều chi tiết kỳ ảo nhằm thể hiện thái độ, cách đánh giá của nhân dân trước các nhân vật và sự kiện lịch sử đó. Trong chương trình SGK lớp 6, em đã được học những truyền thuyết rất hay như “Con Rồng cháu Tiên”, “Sự tích Hồ Gươm”, “Thánh Gióng”,… nhưng truyền thuyết để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho em là truyện “Bánh chưng, bánh giầy” vừa giúp em hiểu được nguồn gốc của bánh chưng, bánh giầy vừa giúp em hiểu được thành tựu văn minh nông nghiệp à buổi đầu dựng nước của cha ông ta.
Trước hết, truyền thuyết này đã giúp em hiểu được một thành tựu văn minh của thời đại Hùng Vương, đó là sự phát triển rực rỡ của văn minh nông nghiệp, mà biểu hiện cụ thể ở đây là sự ra đời của bánh chưng, bánh giầy. Bối cảnh của câu chuyện là vào đời Hùng Vương thứ sáu, nhà vua đã già và muốn truyền ngôi cho một người xứng đáng. Nhưng nhà vua có đến 20 người con trai và không biết nên truyền ngôi cho ai. Vua bèn cho gọi các Lang lại và nói rõ yêu cầu: “Trong ngày lễ Tiên Vương, nấu ai làm ta hài lòng thì ta sẽ truyền ngôi cho người đó”.
Các lang bèn đua nhau sai người lên rừng xuống biển để tìm những của ngon vật lạ để mong làm vừa ý vua cha trong ngày lễ Tiên vương. Chỉ duy có Lang Liêu, chàng hoàng tử thứ mười tám là buồn bã không thôi, bởi chàng tuy là con vua nhưng mẹ chàng xuất thân không cao quý, vì vậy mà từ nhỏ, chàng đã phải sống ngoài cung, cuộc sống nghèo khổ, quanh năm chỉ làm bạn với ruộng đồng. Lang Liêu không nén được tiếng thở dài khi khắp nhà chàng chỉ toàn lúa, ngô, khoai, sắn…
Bỗng một đêm, Lang Liêu nằm mộng và được thần mách bảo: “Hãy lấy gạo làm bánh mà lễ Tiên Vương”. Nhờ lời mách bảo của thần, Lang Liêu đã có thể nghĩ ra cách làm hai thứ bánh: “Chàng chọn thứ gạo nếp thơm lừng, trắng tinh, đem vo thật sạch, lấy đậu xanh, thịt lợn làm nhân, dùng lá dong trong vườn gói thành hình vuông, nấu một ngày một đêm thật nhừ. Cũng thứ gạo ấy, chàng đồ lên, giã nhuyễn, nặn hình tròn”. Trong ngày lễ Tiên Vương, các lang thi nhau dâng của ngon vật lạ quý hiếm lên vua cha, nhưng vua Hùng đêu không vừa lòng. Đến khi nhìn thấy hai thứ bánh của Lang Liêu, nhà vua rất hài lòng, bèn đặt tên cho hai thứ bánh ấy là bánh chưng, bánh giầy. Và chính hai thứ bánh ấy đã giúp cho Lang Liêu đã được vua Hùng chọn làm người nối ngôi. Lang Liêu đã giành được ngôi báu chính nhờ sự cần cù, chịu thương, chịu khó và sự thông minh, tháo vát của con người yêu lao động, gắn bó với ruộng đồng.
Không chỉ hấp dẫn bởi việc lí giải nguồn gốc của bánh chưng, bánh giầy, truyền thuyết này còn nêu lên những bài học thật sâu sắc. Bài học đầu tiên được gửi gắm qua lời của Hùng Vương khi nhận xét về hai thứ bánh: “Bánh hình tròn là tượng trưng cho Trời, còn bánh hình vuông là tượng Đất. Các thứ thịt mỡ, đậu xanh, lá dong là tượng cầm thú, cây cỏ muôn loài. Lá bọc ngoài mĩ vị để trong là ngụ ý đùm bọc nhau”. Hai thứ bánh của Lang Liêu tuy giản dị nhưng hàm chứa triết lí về Trời – Đất, ngụ ý về sự đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau. Và đoàn kết đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Không chỉ có vậy, qua truyền thuyết này, tác giả dân gian đã ca ngợi lao động, ca ngợi nghề nông, ca ngợi những phẩm chất cao quý của người lao động như cần cù, thông minh, tháo vát,…
Những thành tựu rực rỡ buổi đầu của nền văn minh nông nghiệp đã tạo nền tảng cho sự phát triển sau này của đất nước, đó là điều mà mọi người dân Việt Nam luôn ghi nhớ, biết ơn. Sức hấp dẫn của “Bánh chưng, bánh giầy” còn nằm ở những chi tiết kì ảo trong truyện. Đó là nhân vật thần xuất hiện trong giấc mộng của Lang Liêu. Thần bảo Lang Liêu: “Trong trời đất, không gì quý bằng hạt gạo. Chỉ có gạo mới nuôi sống con người và ăn không bao giờ chán. Các thứ khác tuy ngon, nhưng hiếm, mà người không làm ra được.
Còn lúa gạo thỉ mình trồng lấy, trồng nhiều được nhiều. Hãy lấy gạo làm bánh mà lễ Tiên vương”. Sở dĩ Lang Liêu được thần giúp đỡ, bởi chàng không chỉ là chàng hoàng tử nghèo và thiệt thòi nhất, mà còn bởi Lang Liêu là người quanh năm gắn bó với ruộng đồng, với nghề nông, và vì thế lúa gạo rất gần gũi, quen thuộc với chàng. Hơn nữa, Lang Liêu còn rất xứng đáng nhận được sự mách bảo của thần bởi chàng là người thông minh, tháo vát. Thần chỉ mách bảo như vậy nhưng Lang Liêu có thể nghĩ ra cách làm hai thứ bánh để dâng lên vua cha.
Như vậy, truyền thuyết “Bánh chưng, bánh giầy” với những chi tiết kỳ ảo đã lí giải nguồn gốc của hai thứ bánh dân tộc, đồng thời cho thấy sự phát triển rực rỡ của nền văn minh nông nghiệp thời đại Hùng Vương. Hình tượng nhân vật Lang Liêu trong truyền thuyết cũng để lại ấn tượng đẹp trong lòng em bởi phẩm chất yêu lao động, cần cù, thông minh, tháo vát. Với những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật đó, “Bánh chưng, bánh giầy” mãi luôn là một trong những truyền thuyết hay trong kho tàng truyền thuyết dân tộc.