31/03/2021, 15:34

Bài văn phát biểu cảm nghĩ truyện "Bánh Chưng, bánh Giầy" số 10 - 10 Bài văn phát biểu cảm nghĩ truyện "Bánh Chưng, bánh Giầy" hay nhất

Truyền thuyết là một thể loại tiêu biểu của văn học dân gian, ông cha ta đã sáng tác rất nhiều các tác phẩm truyền thuyết, phong phú về đề tài cũng như nội dung, từ truyền thuyết người anh hùng, truyền thuyết về nòi giống, truyền thuyết dựng nước…Trong đó có một mảng lớn viết về các ...

Truyền thuyết là một thể loại tiêu biểu của văn học dân gian, ông cha ta đã sáng tác rất nhiều các tác phẩm truyền thuyết, phong phú về đề tài cũng như nội dung, từ truyền thuyết người anh hùng, truyền thuyết về nòi giống, truyền thuyết dựng nước…Trong đó có một mảng lớn viết về các thói quen sinh hoạt cũng như nguồn gốc của các phong tục, thói quen đó. Truyền thuyết “Bánh chưng bánh giày” là câu chuyện giải thích sự ra đời của bánh chưng bánh giầy. Đồng thời cũng phản ánh được thành tựu của nền nông nghiệp lúa nước, thể hiện thái độ đề cao lao động, đề cao nghề nông và thể hiện được truyền thống thờ kính trời đất, tổ tiên của nhân dân ta.


Truyền thuyết bánh chưng bánh giầy xoay quanh việc truyền ngôi của Hùng Vương cho những người con trai của mình. Vì ngôi vị không thể tùy ý lựa chọn theo mong muốn chủ quan mà cần tìm ra người tài giỏi nhất, phù hợp nhất nên Hùng Vương đã ra lời chỉ dụ cho hai mươi người con trai của mình “ …Năm nay nhân lễ Tiên Vương, ai làm vừa ý ta, ta sẽ truyền ngôi cho”. Vua Hùng đã không lựa chọn con trai trưởng nối ngôi mình như bao vị vua Hùng khác, ngài đã đặt lợi ích của quốc gia dân tộc lên trên hết, đánh giá khách quan đúng tài năng, đức độ của từng người.


Qua đó mới thực hiện truyền ngôi, ta có thể thấy đây là một vị vua rất sáng suốt, công minh, tạo điều kiện cho các con của mình thể hiện tài năng, đồng thời cũng chọn được người mà mình ưng ý nhất, có thể mang lại cho dân chúng cuộc sống ấm no, thái bình.


Khi đã nhận được chỉ dụ của vua cha, các hoàng tử đều cố gắng hết sức làm vừa ý vua cha, ai cũng mong mình được truyền ngôi báu, nhưng không biết ý vua cha như thế nào nên họ chỉ biết “…đua nhau làm cỗ thật hậu, thật ngon đem đến lễ Tiên Vương”. Các hoàng tử đều rất tất bật, ngược xuôi lo chuẩn bị mọi thứ tốt nhất. Riêng chỉ có Lang Liêu là không như vậy, chàng không vui vẻ, tất bật lên rừng xuống biển chuẩn bị như các anh của mình mà rất buồn rầu. Lang Liêu là con trai thứ mười tám của vua Hùng, mẹ chàng xưa kia bị vua cha ghẻ lạnh, rồi ốm chết. Nên, so với những người anh em của mình thì Lang Liêu có phần thiệt thòi hơn rất nhiều, cả về địa vị cũng như tình cảm của vua cha.


Nhận lệnh của vua cha, Lang Liêu đã rất lo lắng, bởi chàng không biết mang những lễ vật gì đến lễ Tiên Vương, cũng là dâng lên vua cha để tỏ lòng thành. Chàng không biết đến nhiều những thứ của ngon, vật lạ cũng không biết chuẩn bị những mâm cỗ thịnh soạn, sang trọng như các anh của mình. Bởi, từ khi trưởng thành chàng đã ra sống riêng thì chàng chỉ chăm lo cho chuyện đồng áng, trồng các loại nông sản như: lúa, khoai…Có thể nói những loại nông sản này gần gũi với cuộc sống của chàng nhất, cũng là có giá trị với chàng nhất, nhưng nếu đem những thứ này đến lễ Tiên Vương thì có chút tầm thường. Tuy nhiên, vì chàng là người hiền lành, tốt bụng nên đã nhận được sự giúp đỡ của thần.


Trong một đêm nằm ngủ chàng đã mộng thấy thần đến, và cho chàng những gợi ý quý báu cho lễ Tiên Vương sắp tới. Theo lời của thần thì “…trong trời đất,không có gì quý bằng hạt gạo. Các thứ khác tuy ngon, nhưng hiếm,mà người không làm ra được. Còn lúa gạo thì mình trồng lấy, trồng nhiều được nhiều. Hãy lấy gạo làm bánh mà lễ Tiên Vương”. Câu nói của thần vừa sự giúp đỡ đối với hoàng tử Lang Liêu, song đồng thời đây cũng là lời của dân chúng, thể hiện được thái độ coi trọng của mình đối với hạt gạo. Bởi gạo chính là sản phẩm của nền nông nghiệp lúa nước. Nên, đối với những người nông dân thì gạo vô cùng giá trị, đó là thành tựu của nền nông nghiệp. Mượn lời của thần, các tác giả dân gian muốn đề cao vai trò của gạo trong cuộc sống sinh hoạt của người dân, cũng như thái độ trân trọng của nhân dân đối với sản phẩm lao động đó.


Được sự gợi nhắc của thần, Lang Liêu đã rất vui mừng, càng nghĩ càng cảm thấy lời của thần đúng. Chàng bắt tay ngay vào làm món bánh thần nói đến để mang đến lễ Tiên Vương, đầu tiên đó là việc lựa chọn nguyên liệu làm bánh “chàng bèn chọn thứ gạo nếp thơm lừng, trắng tinh hạt nào hạt nấy tròn mẩy, đem vo thật sạch, lấy đậu xanh, thịt lợn làm nhân, dùng lá dong trong vườn gói thành hình vuông, nấu một ngày một đêm thật nhừ”. Món bánh này được làm từ nguyên liệu chính là gạo nếp, sản phẩm mà Lang Liêu đã cần mẫn làm ra. Các thứ nguyên liệu khác như thịt lợn, lá dong đều là những nguyên liệu sẵn có, có thể dễ dàng tìm kiếm trong cuộc sống của con người. Lang Liêu sử dụng những nguyên liệu sẵn có trong cuộc sống cùng với lời hướng dẫn làm một thứ bánh làm từ gạo thì chàng đã làm ra một món bánh đầu tiên, món bánh mà sẽ dâng lên vua cha trong lễ Tiên Vương.


Món bánh thứ hai chàng chế biến, cũng từ thứ gạo nếp ấy, nhưng đổi vị, đổi kiểu đi. Như vậy là chàng đã có hai món bánh mang đến dâng vua cha. Trong lễ Tiên Vương, những món ăn ngon như nem công chả phượng, cũng như các món ăn quý hiếm, được mang đến không thiếu thứ gì. Nhưng chỉ có món bánh của Lang Liêu mới thực sự làm vừa ý vua cha, rồi hai thứ bánh ấy được nhà vua lựa chọn để đem tế Trời, Đất cùng Tiên Vương. Không chỉ vậy, Vua Hùng còn đặc biệt đặt tên cho loại bánh có hình tròn là bánh giầy, loại bánh này sẽ tượng trưng cho trời, còn bánh hình vuông là tượng trưng cho đất, các thứ thịt mỡ, đậu xanh, lá dong là tượng cầm thú, cây cỏ muôn loài gọi tên là bánh chưng.


Và cũng nhờ hai loại bánh này mà Lang Liêu được vua cha truyền cho ngôi báu.Và cũng từ đó thì dân ta hình thành nên phong tục thờ bánh chưng, bánh giầy ngày Tết “thiếu bánh chưng, bánh giầy thiếu hẳn hương vị ngày Tết”. Như vậy, truyền thuyết này cũng là cách các tác giả dân gian lí giải về nguồn gốc ra đời cũng như ý nghĩa biểu tượng của những chiếc bánh chưng, bánh giầy. Đó không chỉ đơn thuần là những chiếc bánh quen thuộc trong đời sống sinh hoạt, mà đằng sau đó còn là cả một nếp sống văn hóa của con người Việt Nam. Câu chuyện cũng thể hiện được truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, đó là tín ngưỡng thờ Trời, Đất, những vật mà con người cho rằng có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của họ, cũng như truyền thống thờ cũng ông bà tổ tiên, đó đều là những nếp sống, những phong tục tốt đẹp được duy trì đến tận ngày nay.


Như vậy, truyền thuyết “Bánh chưng bánh Giầy” là câu chuyện dân gian lí giải nguồn gốc của bánh chưng, bánh giầy. Thể hiện được niềm tự hào của dân tộc Việt Nam về thành tựu của nền nông nghiệp lúa nước, cũng như về những phong tục tập quán, truyền thống lâu đời của dân tộc từ bao đời nay, đó là truyền thống uống nước nhớ nguồn, truyền thống thờ kính tổ tiên, tín ngưỡng thờ Trời, đất.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

nhi nguyen

238 chủ đề

2591 bài viết

Cùng chủ đề
Có thể bạn quan tâm
0