Bài văn phát biểu cảm nghĩ truyện "Bánh Chưng, bánh Giầy" số 8 - 10 Bài văn phát biểu cảm nghĩ truyện "Bánh Chưng, bánh Giầy" hay nhất
Nếu truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên” giúp chúng em lí giải về nguồn gốc, tổ tiên của loài người thì truyền thuyết “ Bánh chưng, bánh giầy” lại giải thích cho chúng em biết về nguồn gốc của hai loại bánh đó và truyền thống thờ cúng tổ tiên của nhân dân ta. Truyện để lại trong em ...
Nếu truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên” giúp chúng em lí giải về nguồn gốc, tổ tiên của loài người thì truyền thuyết “ Bánh chưng, bánh giầy” lại giải thích cho chúng em biết về nguồn gốc của hai loại bánh đó và truyền thống thờ cúng tổ tiên của nhân dân ta. Truyện để lại trong em những cảm nhận sâu sắc.
Truyền thuyết này đã giúp em hiểu rõ hơn về nguồn gốc của bánh chưng và bánh giầy. Truyện kể về đời Hùng Vương thứ 6, sau khi đánh đuổi được giặc Ân xâm lược, nhà vua đã họp tất cả các hoàng tử và tuyên bố rằng sẽ truyền ngôi cho người tìm được thức ngon vật lạ đặt lên bàn thờ tổ tiên trong ngày lễ Tiên vương. Trong khi các hoàng tử khác đua nhau sắm sửa lễ vật thì Lang Liêu – hoàng tử thứ 18 vẫn chưa biết dâng lên tổ tiên lễ vật gì. Một hôm, Lang Liêu nằm mơ thấy có một vị thần đến mách bảo, chàng bèn lấy đậu xanh, thịt lợn, gạo nếp gói thành hai thứ bánh. Một loại hình tròn tượng trưng cho trời, một loại hình vuông tượng trưng cho đất. Vua cha rất hài lòng về lễ vật của Lang Liêu và quyết định truyền ngôi cho chàng.
“Bánh chưng, bánh giầy” cũng phản ánh sự cần cù lao động của nhân dân ta. Lang Liêu tuy là hoàng tử nhưng chàng quanh năm lao động cần cù, vất vả. Từ khi lớn lên, ra ở riêng chỉ chăm lo việc đồng áng, trồng lúa, trồng khoai. Sau khi được vị thần chỉ bảo,“chàng chọn thứ gạo nếp thơm lừng, trắng tinh, đem vo thật sạch, lấy đậu xanh, thịt lợn làm nhân, dùng lá dong trong vườn gói thành hình vuông, nấu một ngày một đêm thật nhừ”. Chàng làm được thứ bánh hình vuông mà vua cha đặt tên là bánh chưng vì đó là tượng trưng cho đất. Cũng thứ gạo ấy, chàng đồ lên, giã nhuyễn, nặn hình tròn” mà vua cha đặt tên là bánh giầy vì đó là tượng trưng cho trời. Từ đó cho thấy chàng phải là người có óc sáng tạo thì mới nghĩ ra cách làm hai thứ bánh đó.
Qua đây, truyện cũng hàm chứa giá trị giáo dục sâu sắc. Bánh giầy tượng trưng cho trời,bánh chưng tượng trưng cho đất. “Các thứ thịt mỡ, đậu xanh, lá dong là tượng trưng cho cầm thú, cây cỏ muôn loài. Lá bọc ngoài mĩ vị để trong là ngụ ý đùm bọc nhau”. Đây thực ra là một lời nhắc nhở con cháu, nhắc nhở mọi người phải đoàn kết, đồng sức đồng lòng, đùm bọc lẫn nhau. Lời nói của vua Hùng: “Giặc ngoài đã dẹp yên. Nhưng dân có ấm no, ngai vàng mới vững” cho ta thấy nhà vua đã lấy dân làm gốc, coi trọng nghề nông và biết ơn tổ tiên.
Truyện đã sử dụng yếu tố kì ảo ở chi tiết vị thần trong giấc mơ của Lang Liêu. Thần xuất hiện và nói rằng: “Trong trời đất, không gì quý bằng hạt gạo. Chỉ có gạo mới nuôi sống con người và ăn không bao giờ chán. Các thứ khác tuy ngon, nhưng hiếm, mà người không làm ra được. Còn lúa gạo thỉ mình trồng lấy, trồng nhiều được nhiều. Hãy lấy gạo làm bánh mà lễ Tiên vương”. Vì Lang Liêu là người chịu nhiều thiệt thòi nhất nên được thần chỉ bảo cho lễ vật dâng lên Tiên vương. Chàng sẽ là một vị vua anh minh, sáng suốt và nhất định sẽ chăm lo cho cuộc sống của nhân dân.
Ngoài ra các hình ảnh: lá dong, thịt mỡ, dưa hành đều là những hình ảnh quen thuộc trong đời sống hàng ngày. Nó gợi cho ta cảm giác gần gũi, thân thuộc. Từ đó, phong tục làm bánh chưng, bánh giầy trở thành nét văn hóa đặc sắc của dân tộc ta. Mỗi dịp Tết đến xuân về,cả gia đình em quây quần bên bếp lửa để luộc những chiếc bánh chưng có màu xanh nõn của lá dong và chia sẻ với nhau những câu chuyện ở cơ quan, trường học hay ngoài cuộc sống. Hiện nay, phong tục này đã phần nào bị mai một nhưng em hi vọng rằng nó sẽ không bị mất đi mà mãi mãi trường tồn cùng thời gian.