Bài văn phân tích truyện "Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng" số 1 - 10 Bài văn phân tích truyện "Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng" hay nhất
Trong kho tàng truyện ngụ ngôn nước ta, Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng là một truyện độc đáo. Nhân vật không là loài vật, cũng không phải con người, mà là những bộ phận trên thân thể con người. Tác giả dân gian mượn một mẩu chuyện về mấy cơ quan của thân thể người để nói chuyện con ...
Trong kho tàng truyện ngụ ngôn nước ta, Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng là một truyện độc đáo. Nhân vật không là loài vật, cũng không phải con người, mà là những bộ phận trên thân thể con người. Tác giả dân gian mượn một mẩu chuyện về mấy cơ quan của thân thể người để nói chuyện con người. Câu chuyện vui vui, hóm hỉnh, nhưng lại hàm chứa một ý nghĩa triết lí sâu xa và một bài học thấm thía.
Năm cơ quan của thân thể người đã được ngụ ngôn hoá thành những cá nhân trong tổ chức, cộng đồng với những quan hệ nương tựa vào nhau, phụ thuộc lẫn nhau. Từ xưa họ sống với nhau thân thiết nhưng “vấn đề” đã nảy sinh khi bốn người (cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay, bác Tai) cảm thấy mình làm việc mệt nhọc quanh năm chỉ để lão Miệng ngồi ăn không. Thế là họ quyết định nghỉ ngơi không làm nữa, thử xem lão Miệng có sống được không.
Truyện kể lại khá sinh động cảnh bốn người hăm hở đến nhà lão Miệng để nói thẳng với lão như trút tất cả nỗi bất bình lên đầu lão. Nhưng điều họ “cảm thấy” dựa trên cơ sở nào và việc họ “quyết định” như vậy là đúng hay sai? Điều họ cảm thấy là có thực: Đúng là Tay, Chân, Tai, Mắt phải làm việc để Miệng ngồi ăn không. Nhưng việc họ quyết định nghỉ ngơi thì lại sai, và hậu quả đã đến sau mấy ngày họ không làm việc.
Thật là trớ trêu, nghỉ ngơi mà cả bọn lại thấy mệt mỏi, rã rời: “Cậu Chân, cậu Tay không còn muốn cất mình lên để chạy nhảy, vui đùa như trước nữa; Cô Mắt thì ngày cũng như đêm lúc nào cũng lờ đờ, thấy hai mi nặng trĩu như buồn ngủ mà ngủ không được. Bác Tai thấy lúc nào cũng ù như xay lúa ở trong”. Vì sao vậy? Chính bác Tai đã kịp nhận ra sai lầm để nói với cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay: Chúng ta lầm rồi các cháu ạ. Chúng ta nếu không làm cho lão Miệng có cái ăn thì chúng ta sẽ bị tê liệt cả. Lão Miệng không đi làm, nhưng lão có công việc là nhai. Như vậy cũng là làm việc chứ không phải là ăn không ngồi rồi. [...]. Lão Miệng có ăn thì chúng ta mới khoẻ khoắn được”.
Họ đến nhà lão Miệng thì thấy lão cũng “nhợt nhạt cả hai môi, hai hàm thì khô như rang, không buồn nhếch mép”. Nhưng khi cậu Chân, cậu Tay đi tìm thức ăn về, lão Miệng ăn xong thì dần dần tỉnh lại. Rồi bác Tai, cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay tự nhiên cũng thấy đỡ mệt nhọc và thấy mình lại khoan khoái như trước.
Đó chính là quan hệ nương tựa vào nhau, phụ thuộc lẫn nhau của những cá nhân trong một tổ chức, một cộng đồng mà truyện ngụ ngôn này đã thu nhỏ lại trong mấy cơ quan của thân thể con người một cách cụ thể, dễ hiểu nhưng cũng thật sâu sắc. Và bài học thấm thía đã được tác giả dân gian kết luận như là cách vận dụng tốt nhất mối quan hệ đó trong cuộc sống: “Từ đó lão Miệng, bác Tai, cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay lại thân mật sống với nhau, mỗi người một việc không ai tị ai cả”.