Bài văn phát biểu cảm nghĩ truyện "Lợn cưới, áo mới" số 3 - 10 Bài văn phát biểu cảm nghĩ truyện "Lợn cưới, áo mới" hay nhất
Truyện cười là một thể loại truyện tiêu biểu của văn học dân gian Việt Nam, thông qua việc sáng tạo ra những câu chuyện cười, những tình tiết gây cười, ông cha ta luôn có một thông điệp, quan niệm nào đó muốn truyền tải lại cho người đời sau. Thông qua sự châm biếm là hiện thực được ...
Truyện cười là một thể loại truyện tiêu biểu của văn học dân gian Việt Nam, thông qua việc sáng tạo ra những câu chuyện cười, những tình tiết gây cười, ông cha ta luôn có một thông điệp, quan niệm nào đó muốn truyền tải lại cho người đời sau. Thông qua sự châm biếm là hiện thực được chỉ ra sắc nét, tiếng cười trong những câu chuyện này chính là phương tiện để đả kích những thói hư, tật xấu trong xã hội. Vì vậy mà những câu chuyện dân gian tuy được sáng tác bởi lực lượng lao động dân gian, lưu truyền chủ yếu thông qua phương thức truyền miệng nhưng lại có độ hàm súc cao, chứa đựng những ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Một trong những tác phẩm truyện cười tiêu biểu, đó chính là "Lợn cưới áo mới".
"Lợn cưới áo mới" là câu chuyện đả kích về một tính xấu của con người, đó là sự khoe khoang, khoác lác. Những tình huống hài hước trong câu chuyện được các tác giả dân gian xây dựng rất khéo léo, tình tiết được đẩy lên cao trào khi tiếng cười ròn rã nhất. Tuy nhiên, sau tiếng cười ấy là một bài học, một triết lí được truyền tải, nhằm tác động vào sự nhận thức, vào lối sống của con người. Truyện "Lợn cưới áo mới" kể về một người đàn ông có tính hay khoe của. Mua một chiếc áo mới, anh ta mặc ngay, và vì muốn nhận được lời khen ngợi, sự trầm trồ ngưỡng mộ của những người hàng xóm mà anh ta đứng ra giữa cửa, đợi có ai đi qua thì người ta sẽ khen.
Mở đầu câu chuyện ta đã thấy vô cùng hài hước, người đàn ông trong câu chuyện đã là một người trưởng thành, nhưng lại có một tính cách rất trẻ con, đó là muốn nhận được những lời khen ngợi của mọi người. Nhưng đen đủi thay cho anh ta, vì đứng từ sáng đến tận chiều nhưng không thấy ai hỏi thăm hay đả động gì đến chiếc áo cả. Ta cũng có thể thấy anh ta khá là kiên nhẫn, bởi không nề hà thời gian hay sự mệt mỏi, vì mục đích của mình mà anh ta vô cùng quyết tâm. Sự kiên nhẫn ấy đáng quý nhưng mục đích của anh ta lại rất nực cười, thậm chí thành lố bịch, người đọc sẽ cảm thấy khó hiểu rằng vì sao chỉ vì một lời khen xáo rỗng mà anh ta chấp nhận hi sinh thời gian, và công sức một cách mù quáng như vậy. Tính khoe khoang của anh ta không dừng lại ở sự trẻ con nữa mà thành một hành động đáng chê cười, đả kích. Vì không được ai khen mà anh ta trở nên tức tối, bực bội.
Tuy nhiên, "trời không phụ lòng người", công lao đứng từ sáng đến giờ của anh ta cũng có dịp để thể hiện. Vì đúng lúc đang bực bội nhất thì có một người chạy đến, tuy nhiên, vấn đề cần nói ở đây, đó là một người cũng có tính khoe khoang y chang anh chàng này. Tình tiết gây cười của câu chuyện được đẩy lên cao trào khi hai người đàn ông này nói chuyện với nhau. Người đàn ông kia tỏ ra hớt hải chạy đến hỏi anh chàng này : "Bác có thấy con lợn cưới của tôi chạy qua đây không?". Lời hỏi han sẽ rất bình thường nếu như anh ta không cố tình nhấn mạnh từ "lợn cưới". Con lợn thì ai cũng biết, nhưng lợn cưới thì thật kì quặc, nó "đậm" mùi khoe khoang, chẳng là nhà của người đàn ông này đang có công việc, vì vậy mà việc hỏi con lợn cưới chỉ là hình thức màu mè bên ngoài. Còn mục đích chính là khoe hôm nay nhà tôi có việc, có tổ chức ăn uống rất linh đình.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, ta có thể thấy hai anh chàng khoe khoang đều gặp đúng đối thủ, đúng là "vỏ quýt dày thì có móng tay nhọn". Người đàn ông chạy đi tìm lợn hỏi với giọng điệu vô cùng hồ hởi, câu trả lời anh ta mong muốn nhận được nhất lúc này là sự hỏi thăm về con lợn cưới. Nhưng, đối thủ của anh ta lại không phải là người bình thường, anh ta trả lời nhưng cũng không giống với câu trả lời mà người đàn ông tìm lợn muốn nghe: "Từ lúc tôi mặc chiếc áo mới này, chẳng thấy con lợn nào chạy qua đây cả!". Nghe qua, câu trả lời đáp ứng được câu hỏi nhưng ai cũng có thể phát hiện ra mục đích của anh chàng kia cũng không phải trả lời mà là khoe về chiếc áo của mình.
Ta thấy, những người hay khoe khoang lại rất thích chơi chữ, họ dùng những hình ảnh để người khác phải xuýt xoa về mình và nhà mình, không nói trực tiếp có lẽ vì ngại và cố tỏ ra lời khoe khoang ấy chỉ là sự vô tình. Tuy nhiên, những hành động, lời nói này thật ngây thơ, chỉ vì một lời khen xáo rỗng mà những người đàn ông này sẵn sàng dựng lên một vở kịch, mà anh ta là đạo diễn, cũng kiêm luôn người viết kịch bản và diễn viên chính. Hành động họ cho là rất nghiêm túc, rất sống động nhưng ai cũng đều nhận ra được mục đích cuối cùng của họ, vì vậy mà tạo ra được những tình huống hài hước.
Câu chuyện cười "Lợn cưới áo mới" đã thông qua việc xây dựng hình ảnh hai anh chàng khoe khoang, khoác lác, các tác giả dân gian đã trực tiếp chế giễu, phê phán những người có tính khoe khoang một cách thái quá, lố bịch. Đây là một tính xấu của con người trong xã hội, cần được sửa chữa và chấn chỉnh. Đây cũng là một bài học cho những người đời sau nhận thức và rút kinh nghiệm.