31/03/2021, 15:30

Bài văn phân tích truyện "Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng" số 9 - 10 Bài văn phân tích truyện "Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng" hay nhất

Mỗi câu chuyện là một tiếng cười, nhưng đồng thời cũng là một bài học sâu sắc. Đó là những giá trị mà mỗi câu chuyện ngụ ngôn mang đến cho người đọc. “Chân, tay, tai, mắt, miệng” là một câu chuyện như thế. Không chỉ đem đến cho bạn đọc những giây phút thoải mái, những tiếng cười sảng ...

Mỗi câu chuyện là một tiếng cười, nhưng đồng thời cũng là một bài học sâu sắc. Đó là những giá trị mà mỗi câu chuyện ngụ ngôn mang đến cho người đọc. “Chân, tay, tai, mắt, miệng” là một câu chuyện như thế. Không chỉ đem đến cho bạn đọc những giây phút thoải mái, những tiếng cười sảng khoái mà còn răn dạy những bài học thấm thía, có ý nghĩa muôn đời: đó là sự đoàn kết giữa cá nhân và cộng đồng, giữa một cá thể và một tập thể.


Ông cha ta đã thể hiện sự sáng tạo của mình khi nhân hóa chân, tay, tai, mắt và miệng thành những nhân vật có suy nghĩ, có tiếng nói và hành động cụ thể. Nhờ đó, ý nghĩa của câu chuyện được truyền tải một cách rõ ràng, cụ thể hơn. Ai cũng biết, đó là những bộ phận quan trọng trên cơ thể con người, chúng luôn hoạt động, phối hợp ăn ý với nhau giúp con người tồn tại, sinh trưởng và phát triển. Mượn hình ảnh đó, ông cha ta đã răn dạy con cháu bài học về tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của mỗi cá nhân khi sống trong một tập thể: phải biết gắn bó với nhau, hòa mình vào cộng đồng, một người vì mọi người, mọi người vì một người.


Có như vậy, xã hội mới có thể tiếp tục tồn tại và phát triển một cách hòa thuận, bình yên.Vậy nếu không có sự đoàn kết, gắn bó, tương trợ lẫn nhau, liệu mỗi cá nhân và cả cộng đồng có tồn tại được như bình thường? Câu trả lời đã được ông cha ta giải đáp trong câu chuyện “ Chân, tay, tai, mắt, miệng”. Trước đây, chân, tay, tai, mắt và miệng sống với nhau rất hòa thuận, vui vẻ, ai cũng cố gắng làm tốt bổn phận và nhiệm vụ của mình.


Câu chuyện bắt đầu khi cô Mắt nói với cậu Chân, cậu Tay và bác Tai về sự đố kỵ của mình khi lão Miệng cả ngày không phải làm việc gì cả mà vẫn được ăn ngon, trong khi cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay và bác Tai thì làm việc suốt ngày mà chẳng được hưởng thụ gì cả. Ý kiến của cô Mắt nhanh chóng nhận được sự đồng tình của mọi người. Thế là họ kéo nhau đi tìm và nói rõ sự tình cho lão Miệng nghe, rằng từ giờ họ sẽ không làm bất cứ việc gì nữa, lão Miệng phải tự đi mà kiếm cái ăn. Mặc cho lão Miệng phân bua, họ vẫn mặc kệ ra về.


Nhưng họ không biết là mình đã phạm phải một sai lầm rất lớn. Ban đầu, đúng là họ được tự do chơi đùa, vui đùa thỏa thích, nhưng mấy ngày sau, cả cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay và bác Tai đều trở nên mệt mỏi, yếu ớt. Lúc bấy giờ, họ mới nhận ra sai lầm của mình: nếu lão Miệng không có cái ăn, chính bản thân họ cũng sẽ không tồn tại được. Thế là họ nhanh chóng đi tìm lão Miệng, tìm thức ăn cho lão, xin lỗi lão và lại trở lại cuộc sống hòa thuận, vui vẻ như xưa, không có ghen ghét, đố kị và tính toán thiết hơn.


Tuy chỉ là một câu chuyện vui nhưng ông cha ta cũng đã gửi gắm một bài học rất sâu sắc. Sống trong một cộng đồng, một tập thể thì cần biết đoàn kết, gắn bó với nhau, chung sống hòa thuận, chớ nên ghen ghét, tị nạnh với nhau. Bất kì ai cũng đều có giá trị và nhiệm vụ của riêng mình, phải biết phối hợp hoạt động và làm việc có hiệu quả. Có như vậy con người, xã hội mới tồn tại và phát triển được.


Nếu vì ghen tị, đố kị mà chia bè kết phái, làm rạn nứt tinh thần đoàn kết, xã hội đó, và cả các cá nhân trong xã hội sẽ không thể phát triển được.Với kinh nghiệm tâm huyết cùng sự sáng tạo, trí tưởng tượng phong phú, ông cha ta đã gửi gắm một bài học thật sâu sắc, ý nghĩa qua câu chuyện “ Chân, tay, tai, mắt, miệng”: bài học về tinh thần tập thể, gắn kết trong một cộng đồng. Đó còn là lời nhắc nhở có ý nghĩa muôn đời với mỗi chúng ta.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

TRAN THI THU TRANG trang

208 chủ đề

2330 bài viết

Có thể bạn quan tâm
0