31/03/2021, 15:28

Bài văn phân tích tác phẩm "Chiếu cầu hiền" số 5 - 10 Bài văn phân tích tác phẩm "Chiếu cầu hiền" của Ngô Thì Nhậm hay nhất

Ngô Thì Nhậm (1746 – 1803), hiệu là Hi Doãn, quê ở làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (cũ), nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông đỗ tiến sĩ năm 1775, từng làm quan dưới triều Lê – Trịnh; sau đi theo Tây Sơn và có nhiều đóng góp nên được Quang Trung trọng dụng. Tác ...

Ngô Thì Nhậm (1746 – 1803), hiệu là Hi Doãn, quê ở làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (cũ), nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông đỗ tiến sĩ năm 1775, từng làm quan dưới triều Lê – Trịnh; sau đi theo Tây Sơn và có nhiều đóng góp nên được Quang Trung trọng dụng. Tác phẩm Chiếu cầu hiền được viết theo yêu cầu của Vua Quang Trung, nhằm cổ vũ động viên tinh thần cho các chiến sĩ cũng như kêu gọi người tài giúp dân cứu nước.


Khi đọc tác phẩm chắc ai cũng biết là một người bình thường không thể nào có những lời văn hay, rõ ràng và có sức thuyết phục như vậy, chứng tỏ tài nhìn xa trông rộng của nhà vua anh minh Quang Trung và tình yêu nước nồng nàn của một vị vua kiệt xuất. Quang Trung xứng đáng đi vào lịch sử như một nhân vật tài ba nhất trong lịch sử trung đại nước nhà.


Mở đầu bài chiếu tác giả đã đưa được giả thuyết của bậc hiền tài rất đơn giản mà lại có sức thuyết phục cao. "Từng nghe nói rằng: Người hiền xuất hiện ở đời, thì như ngôi sao sáng trên trời cao. Sao sáng ắt chầu về ngôi Bắc Thần, người hiền ắt làm sứ giả cho thiên tử. Nếu như che mất ánh sáng, giấu đi vẻ đẹp, có tài mà không được đời dùng, thì đó không phải là ý trời sinh ra người hiền vậy".


Ở đây ý tác giả muốn khẳng định người hiền tài là một người có đức lẫn tài, được so sánh ví như ngôi sao sáng trên trời. Và các nhân tài đó sinh ra để giúp vua cứu nước. Cách dùng hình ảnh để nói lên một cách đơn giản mà dễ hiểu là: Hiền tài là tinh hoa của trời đất nên lẽ đương nhiên là tài đức của họ phải được cống hiến cho dân, cho nước.


Tiếp theo tác giả lại đưa ra những chi tiết về việc phân chia nước làm hai đàng là đàng trong và đàng ngoài thì đất nước trở nên khó khăn trong việc quản lý cũng như là sự đảm bảo hòa bình cho đất nước. Ngô Thì Nhậm đã dùng nhiều điển tích rút từ các sách kinh điển Nho gia, dùng lời dạy của Khổng Tử để đặt vấn đề và đưa ra cách ứng xử có sức thuyết phục mạnh mẽ đối với trí thức Bắc Hà.


Cách diễn đạt đó đã tạo ra ấn tượng sâu sắc, đánh trúng vào tâm lí của tầng lớp trí thức, cho nên có sức thuyết phục lớn, khiến họ không thể không mang tài đức ra giúp triều đình Tây Sơn. Tác giả còn đưa ra nhiều dẫn chứng khác để nói lên sự nhút nhát của các nhân tài, cũng như việc lẩn tránh trách nhiệm với đất nước như:


Trước đây thời thế suy vi, Trung châu gặp nhiều biến cố, kẻ sĩ phải ở ẩn trong ngòi khe, trốn tránh việc đời, những bậc tinh anh trong triều đường phải kiêng dè không dám lên tiếng. Cũng có kẻ gõ mõ canh cửa, cũng có kẻ ra biển vào sông, chết đuối trên cạn mà không biết, dường như muốn lẩn tránh suốt đời.


Tiếp theo đó là những lời của Khổng Tử và nêu lên quy luật của đất trời là những người tài đức phải giúp vua dựng nước, tác giả nói đến tình cảnh của kẻ sĩ lúc bấy giờ: một số người tài đức thì đi ở ẩn trong khe núi, trốn tránh việc đời, bỏ phí tài năng. Những người ra làm quan với triều Tây Sơn thì hoặc sợ hãi im lặng, hoặc làm việc cầm chừng. Một số khác ở ẩn, khác chi như người bị chết đuối trên cạn. Thậm chí một số người tự tử để giữ lòng trung với vua Lê.


Đây là cách phê phán nhẹ nhàng và tế nhị nhưng ẩn ở phía sau là những hàm ý rất thâm thúy. Việc tập hợp người hiền tài giúp nước là công việc gấp gáp và quan trọng hơn lúc nào hết. Đây là những lời nói khiêm nhường, chân thành và lập luận có lí có tình cùng chính sách sử dụng hiền tài rộng rãi của nhà vua khiến các bậc hiền tài không thể không đem tài đức ra giúp triều đại mới.


Tác giả không nói thẳng mà dùng hình ảnh mang ý nghĩa tượng trưng lấy trong kinh điển Nho gia. Làm như vậy vừa tế nhị, vừa có tính chất phê phán nhẹ nhàng, lại tỏ ra người viết có kiến thức sâu rộng, có tài văn chương, khiến người nghe nể trọng, không những không tự ái mà còn tự cười, tự trách về thái độ ứng xử chưa thoả đáng của mình.


Vua Quang Trung không chỉ làm phận sự của một vị tướng tài là dẹp giặc, trừ bạo mà còn lo toan đến đời sống của người dân. Trong thực tế lịch sử sau khi đất nước đã hòa bình, yên ổn thì "dân khổ chưa hồi sức" nên đặt ra nhiều vấn đề lớn để ổn định và phát triển triều đại. "Dân khổ chưa hồi sức, đức hóa chưa thấm nhuần, trẫm chăm chăm run sợ, mỗi ngày muôn việc lo toan. Nghĩ rằng: sức một ngày không chống nổi tòa nhà to, mưu lược của kẻ thù sẽ không dựng được thái bình".


Đoạn văn chứa đựng tấm lòng nhà vua vì sự bình an dân chúng và sự phồn vinh nước nhà. Những lời văn chan chứa tâm huyết của vua Quang Trung cho thấy vua không lúc nào không nghĩ đến cuộc sống của người dân và lo toan cho quốc gia đại sự. Tấm lòng đó quả là rộng lớn và quý báu của một vị vua suốt đời dâng hiến cho dân tộc. Có một nhà vua với những lí tưởng cao đẹp như thế đất nước sẽ luôn được thái bình, dân chúng sẽ luôn được hưởng ấm no hạnh phúc.


Tác phẩm Chiếu cầu hiền là một bài văn nghị luận có tính mẫu mực, thể hiện ở sự chặt chẽ và tính lôgíc của các luận điểm, ở tài thuyết phục khéo léo và thái độ khiêm tốn, chân thành của người viết. Các điển cố được sử dụng trong bài chiếu cho thấy nhận thức tinh tế của người viết về đối tượng cần thuyết phục là tầng lớp trí thức. Người viết tỏ ra có trình độ hiểu biết sâu rộng, đủ khả năng thuyết phục một đối tượng như thế.


Bài Chiếu cầu hiền thể hiện tầm nhìn chiến lược của vua Quang Trung trong việc nhận thức về vai trò quan trọng của hiền tài đối với đất nước: Hiền tài là nguyên khí quốc gia.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

TRAN THI THU TRANG trang

208 chủ đề

2330 bài viết

Cùng chủ đề
Có thể bạn quan tâm
0