Cảm nhận về tình yêu của Chí Phèo và Thị Nở bài số 6 - 6 Bài văn cảm nhận về tình yêu của Chí Phèo và Thị Nở trong tác phẩm "Chí Phèo" của Nam Ca
Tình yêu là một đề tài mà có lẽ dù có đo đếm đến hết chiều dài của thời gian người ta cũng không thể khai thác được cho đến cùng kiệt. Trong văn chương, tình yêu là đề tài nhận được rất nhiều tình cảm của giới sáng tác qua nhiều giai đoạn. Và tác giải Nam Cao cũng hướng ngòi út của ...
Tình yêu là một đề tài mà có lẽ dù có đo đếm đến hết chiều dài của thời gian người ta cũng không thể khai thác được cho đến cùng kiệt. Trong văn chương, tình yêu là đề tài nhận được rất nhiều tình cảm của giới sáng tác qua nhiều giai đoạn. Và tác giải Nam Cao cũng hướng ngòi út của mình vào tình yêu. Trong tác phẩm Chí Phèo ông không lý tưởng hóa tình yêu bằng sự lãng mạn, thơ mộng và thi vị mà ông tập trung ngòi bút vào miêu tả tình yêu chân thực.
Chí Phèo xưa và nay vẫn được xem là một truyện ngắn khắc họa tâm lý nhân vật một cách xuất sắc. Tác phẩm được chú ý khai thác ở các khía cạnh tố cáo xã hội phi nhân tính, sự áp bức của giai cấp thống trị lên số phận con người khiến con người bị tha hoá… và đặc biệt tác giả cũng đặt nhân vật dưới góc độ tình yêu, để thấy rõ hơn khao khát được yêu và muốn yêu của con người.
Chí Phèo vốn là một thanh niên hiền lành, lương thiện nhưng đã bị bọn cường hào ở làng Vũ Đại đẩy vào bước đường cùng nên đã trở thành một con quỷ dữ bị tha hóa cả về nhân tính. Tất cả dân làng Vũ Đại quay lưng với hắn, người ta không còn nhớ đến một Chí hiền lành nữa mà trong tâm trí họ, Chí giờ đây chỉ là một kẻ rạch mặt ăn vạ với đầy những vết sẹo ngang dọc gần giống như mặt thú dữ của hắn, họ sợ con quỷ trong tâm hồn hắn. Đau đớn về thể xác, bị phá nát về tâm hồn, Chí đau đớn với những vết sẹo trong trái tim, những vết sẹo đã ăn sâu, để mục rữa tâm hồn sau những tiếng rên rỉ rồi chửi đời, chửi người.
Nhưng đi sâu vào bi kịch Chí Phèo, Nam Cao nhận ra vẻ đẹp ẩn chứa trong sâu thẳm tâm hồn hắn. Chí Phèo bị hủy diệt nhân phẩm nhưng trong tâm hồn đen tối vẫn le lói một chút ánh sáng của tình yêu với mong muốn khát khao làm người. Và rồi, Nam Cao có lẽ cũng muốn dành cho Chí một món quà. Mối tình bất chợt với Thị Nở đã làm hồi sinh Chí Phèo, đánh thức lương tri và khát vọng làm người của hắn. Lần đầu tiên trong đời, hắn sợ cô đơn và hắn muốn khóc khi nhận bát cháo hành từ tay Thị Nở. Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm, những âm thanh quen thuộc của cuộc sống vọng đến tai hắn và ngân vang trong lòng hắn, khiến hắn càng thèm được làm một con người bình thường như bao người khác và khấp khởi hi vọng Thị Nở sẽ mở đường cho hắn.
Chưa bao giờ hắn tỉnh táo để “nhớ rằng hắn có ở đời” ấy thế mà khi gặp Thị Nở. Chí Phèo từ một kẻ vô cảm, vô tâm, không có ý thức về chính bản thân mình đã biết đến những kỷ niệm yêu thương đầm ấm với mùi hương từ bát cháo hành và những săn sóc ân cần của Thị Nở. Rồi hắn nhớ, hắn từng mơ tới một viễn cảnh bình yên với chồng cày thuê cuốc mướn, vợ dệt vải… hắn còn sợ già, sợ cô độc và muốn làm hòa với mọi người, muốn làm người lương thiện. Có cái gì đó thiếu thiếu khi Chí tỉnh dậy, Chí muốn được sống. Và có lẽ, Chí muốn được yêu…. Sự chuyển biến trong tâm lý này là do tình yêu đem lại. Chính tình yêu đã bù đắp khiếm khuyết trong tâm hồn, tái sinh một cuộc đời và làm giàu có đời sống nội tâm của Chí.
Có thể thấy Chí Phèo của Nam Cao không chỉ đơn giản là tình yêu thuần túy, mà tác giả còn muốn truyền đạt một vấn đề xa hơn tình yêu. “Đó là vấn đề về văn hóa, về con người và xã hội, về bản năng và vô thức, những ý niệm về thân phận con người, sự tự do thoát khỏi những buộc ràng của định kiến xã hội, khao khát làm người.”