Bài văn phân tích tác phẩm "Cha con nghĩa nặng" số 8 - 10 Bài văn phân tích tác phẩm "Cha con nghĩa nặng" của Hồ Biểu Chánh
Ai đã từng đọc tác phẩm cha con nghĩa nặng của Hồ Biểu Chánh hẳn không khỏi xúc động trước tình cha con thắm thiết của ông Trần Văn Sửu với hai con người là Quyên và Tí. Mặc dù gặp hoàn cảnh éo le, trôi dạt, bỏ quê hương ra đi hơn mười một năm nhưng ông Sửu vẫn luôn hướng về các con, ...
Ai đã từng đọc tác phẩm cha con nghĩa nặng của Hồ Biểu Chánh hẳn không khỏi xúc động trước tình cha con thắm thiết của ông Trần Văn Sửu với hai con người là Quyên và Tí. Mặc dù gặp hoàn cảnh éo le, trôi dạt, bỏ quê hương ra đi hơn mười một năm nhưng ông Sửu vẫn luôn hướng về các con, lo cho cuộc sống vật chất cũng như tinh thần của con mình.
Có thể nói, ông Sửu là một người cha đã chịu bao nhiêu đau khổ nhưng luôn nêu cao tình cảm thương con, luôn hi sinh vì các con. Ông là một người cha thật điển hình, gặp bao khó khăn, khổ ải, thay tên đổi họ, sống cũng như chết - mà linh hồn vẫn ngời sáng hướng về các con.
Ông Sửu là một người cha phải chịu đựng bao nhiêu nỗi đau khổ. Từ lúc còn trai trẻ, ông đã phải chịu đựng một cuộc sống chung với người vợ thiếu đạo đức. Nếu đọc từ đầu tác phẩm, chúng ta sẽ hiểu hơn điều này. Một con người thật thà, chăm chỉ, thương vợ thương con như ông mà phải sống với người vợ đàng điếm, lăng loàn, lại có ngoại tình thì thật là bất hạnh.
Ngay trong lời nói của Trần Văn Tí - người con trai ông cũng đã thể hiện rõ điều đó: “Cưới vợ làm gì? Cưới vợ đặng báo hại như má báo hại cha hồi trước đó sao?". Cũng vì người vợ thiếu đạo đức này cùng với sự nóng tính của mình, ông lại phạm tội ngộ sát vợ (do một lần Trần Văn Sửu bắt được vợ ngoại tình lại ăn nói láo xược, tức quá, Sửu xô vợ và không may vợ bị chết).
Thế rồi, ông phải bỏ quê hương đi trốn biệt, sống chui lủi mười một năm trời, thay tên đổi họ. Cuộc đời ông thật là bất hạnh, có nhà cửa, con cái mà cũng như không, phải sống đơn độc nơi đất khách quê người, từ người Kinh đến thành người Thổ. Ngay cả cái tên Trần Văn Sửu ông đã mang từ khi lọt lòng mẹ. Ông cũng không được giữ lấy mà đành phải đổi thành Sơn Rùm.
Mười một năm ấy ông cũng không được sống thanh thản với cõi lòng mình, trong ông luôn canh cánh một nỗi lo không dứt: lo cho hai đứa con còn đang ở quê nhà, lo cho nỗi oan khuất của mình chưa được giải tỏa. Tuy nhiên, cuộc đời đầy khổ ải trong mười một năm qua của ông cũng chưa được kết thúc khi ông trở lại quê nhà thăm con. Mục đích trở về làng của ông thật giản dị, trong sáng.
Vậy mà, ông vẫn không được chấp nhận. Ai đã từng là người cha chắc đều thấu hiểu nỗi đau xót của ông: xa cách con bao nhiêu năm, bây giờ chỉ chờ một lúc nữa thôi, ông sẽ thỏa lòng mong nhớ, ông sẽ gặp được con, sẽ giải đáp được bao nhiêu câu hỏi mà ông luôn mong có được ngày trả lời. Không biết giờ đây chúng có còn nhớ đến ông không? Bấy lâu nay chúng sống ra sao, giờ đây chúng lớn bằng chừng nào?
Nhưng do lời khuyên ngăn của bố vợ mà ông đành gạt nước mắt quay trở lại: “Sống làm chi, rồi quan làng họ bắt, đây sinh chuyện ra nữa. Mày thiệt là khốn nạn lắm. Đi liền bây giờ đi. Vô Rạch Giá, Cà Mau mà trốn cho biệt tích, đừng có về đây nữa...”. Như vậy, cuộc gặp gỡ không hẹn trước của ông đã tan vỡ trong sự đau xót. Bao mơ ước có ngày gặp lại con của ông đã tan tành. Nỗi đau khổ của ông không chỉ có vậy.
Ông ra đi dưới ánh trăng trong trẻo, sáng sủa lại phải hoảng hốt bỏ chạy mà người đuổi lại chính là con trai mình. “Cha chạy trước, con chạy sau, nhưng vì cha sợ chúng bắt phải chạy đặng thoát thân, nên chạy mau quá, con theo không kịp”. Ông chạy trốn con như một kẻ tội phạm bị truy bắt. Ông chạy trước để tránh gặp mặt con (điều mà ông không hề muốn); con chạy sau đuổi theo cha để kịp ngăn chặn những hành động buông xuôi của cha và mong gặp lại cha sau bao năm xa cách.
Có thể nói, Trần Văn Sửu là một người cha chịu bao nhiêu cay đắng, bất hạnh của cuộc đời, những cay đắng, bất hạnh không biết bao giờ mới hết. Tuy phải chịu khổ cực nhưng Trần Văn Sửu vẫn luôn là người cha thương yêu các con. 11 năm trời thể xác ông như tàn tạ, như đã chết, nhưng tâm hồn, tình thương vẫn sống, vẫn lớn dần, ngời sáng hướng về các con. Có thể nói, mười một năm trời ấy, tình thương yêu, nhớ các con lớn dần lên trong ông, tích tụ lại và đến một ngày nó thôi thúc ông quay về làng tìm gặp con mình.
Động cơ trở về làng của ông Sửu là tìm hiểu cuộc sống và giải tỏa nỗi băn khoăn cho những đứa con. Đó là một người cha đầy trách nhiệm, biết quan tâm đến cuộc sống vật chất và tinh thần của con. Tuy sống trong khổ cực, sống cũng như chết, nhưng không vì thế mà ông buông xuôi, quên lãng các con. Phút đầu gặp bố vợ, ông nói: “Mười mấy năm con thương nhớ chúng nó quá tía ơi”, “Con nhớ sắp nhỏ quá”...
Qua những câu nói của ông Sửu, ta càng thấm thía hơn tình yêu thương của ông với các con. Trong câu nói của ông dường như có nước mắt, như van nài năn nỉ người bố vợ vì một mục đích duy nhất: được gặp con. Có lẽ, mười một năm qua ông đã cố sống để mong có ngày này: “Mười một năm cực khổ hết sức, sống ráng mà sống, là vì trông mong có ngày thấy được mặt con”.
Khi biết những điều lo lắng của mình đã được giải tỏa, ông đã chấp nhận cái chết để mong con mình được sung sướng, không phải liên lụy vì ông - một người cha đã từng bị người đời cho là kẻ phạm tội. Hành động của ông có thể hơi kì quặc nhưng cũng không hợp lí, đúng với tâm lí và phẩm chất của người cha luôn luôn cầu mong cho được hạnh phúc. Ông ra đi tìm cái chết trong sự sung sướng, thỏa mãn vì các con ông giờ đây đang được hạnh phúc.
Chính vì vậy, cảnh dòng sông - nơi ông định trầm mình được Hồ Biểu Chánh tả lại thật đẹp. Nó như tô đậm thêm hình ảnh đáng thương đáng quý của người cha: “Bấy giờ mình còn sống làm gì nữa! Bấy lâu nay mình lăn lóc chịu cực khổ mà sống, ấy là vì mình thương con, mình sợ nó không hiểu việc xưa (...) chết mới quên hết việc cũ được, chết đặng hết buồn rầu, cực khổ nửa”. Tuy nhiên, ý định của ông không thành vì con trai đã kịp ngăn lại.
Ông Sửu gặp được con, mừng mừng tủi tủi. Có lẽ đây là giờ phút vui sướng nhất của ông sau mười một năm. Tí tỏ ý sẵn sàng đi nuôi cha nhưng ông Sửu vẫn tỏ ra là một người cha hết lòng vì con, ông Sửu khuyên Tí về nhà với ông ngoại, còn ông lại tiếp tục cuộc đời mai danh ẩn tích, chấp nhận cuộc đời tha phương lặng lẽ, không tên tuổi, họ hàng, sống cũng như chết, bởi ông nhận ra rằng: Chỉ có như vậy hạnh phúc của con mới được trọn vẹn, các con sẽ không phải bận bịu, liên lụy vì ông.
Có thể nói, đến giây phút này, được gặp con, được biết những điều mà ông hằng mong ước cho cuộc sống của các con, ông vẫn từ chối quay trở về làng cùng chung hưởng cảnh sum họp gia đình. Ông chấp nhận cảnh chia lìa là để con được hưởng hạnh phúc trọn vẹn. Ông luôn luôn hi sinh bản thân mình để giành lấy hạnh phúc cho hai con.
Tìm hiểu nhân vật người cha - ông Trần Văn Sửu, một con người chịu đau khổ nhưng luôn mong con được hạnh phúc, hi sinh tất cả vì con, ta lại nhớ đến nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao. Lão Hạc cũng là một người cha đầy đau khổ vì nghèo quá mà đành phải để con đi làm đồn điền cao su, cuối cùng lão đã tìm đến cái chết để giữ lại cho con mảnh vườn và số tiền bấy lâu ông dành dụm được mà không muốn tiêu phí vào việc chữa chạy bệnh tật ốm đau của mình.
Tóm lại, Cha con nghĩa nặng là một tác phẩm đề cao giá trị con người. Đó là tình cha con, nêu cao ý nghĩa nhân bản, nhân văn thật xúc động. Qua tác phẩm, ta hiểu thêm về ý nghĩa “biểu chánh”, đó là đề cao tình người với người, khuyên con người sống có tình có nghĩa, thủy chung với nhau, biết hi sinh bản thân mình để đem lại, giành lại nguồn vui cho mọi người, cho những người trong gia đình cũng như những người khác.
Đặc biệt là trong tình cảm giữa những người cùng chung một gia đình: Hãy sống với nhau chân thành, tình sâu, nghĩa nặng, bỏ qua những thiếu sót sai lầm của nhau để cùng chung hưởng cuộc sống hạnh phúc. Đọc đoạn trích của tác phẩm, chúng ta thêm khâm phục Hồ Biểu Chánh - con người đạo đức cao cả; khâm phục và cảm thông với Trần Văn Sửu - người cha điển hình, của tình thương yêu vợ con, hết lòng vì hạnh phúc của người thân.