Bài văn phân tích tác phẩm "Cha con nghĩa nặng" số 4 - 10 Bài văn phân tích tác phẩm "Cha con nghĩa nặng" của Hồ Biểu Chánh
Hồ Biểu Chánh là một gương mặt nhà văn khá tiêu biểu ở khu vực Nam Bộ, đúng như con người Nam Bộ, Hồ Biểu chánh thể hiện được những nét đặc trưng của vùng miền, đó chính là cái khẳng khái, bộc trực trong tính cách, cái giản dị, mộc mạc trong cách sống, lối sống. Vì vậy mà đọc ...
Hồ Biểu Chánh là một gương mặt nhà văn khá tiêu biểu ở khu vực Nam Bộ, đúng như con người Nam Bộ, Hồ Biểu chánh thể hiện được những nét đặc trưng của vùng miền, đó chính là cái khẳng khái, bộc trực trong tính cách, cái giản dị, mộc mạc trong cách sống, lối sống.
Vì vậy mà đọc các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh ta cảm nhận được cái gì đó rất chân thật, bởi đó đều là những câu chuyện được bắt nguồn từ thực tế cuộc sống, lại được thổi lồng hơi thở mộc mạc, chất phác của phong cách nhà thơ. Nhà văn Hồ Biểu Chánh có rất nhiều tác phẩm viết về cuộc sống của những con người Nam Bộ, một trong số đó là tác phẩm “Cha con nghĩa nặng”.
“Cha con nghĩa nặng” là một trong những tác phẩm tiêu biểu, nổi bật nhất trong sự nghiệp sáng tác của Hồ Biểu Chánh, trong đó đoạn trích chúng ta tìm hiểu dưới đây là một trích đoạn thuộc chương IX, kể về tình cảm cha con sâu lặng, đầy cảm động của hai nhân vật, đó là nhân vật người cha Trần Văn Sửu và người con tên Tí.
Vốn dĩ gia đình của Trần Văn Sửu là một gia đình hạnh phúc, tuy không giàu có nhưng có vợ chồng chăm chỉ làm lụng và ba đứa con ngoan ngoãn: Sung, Tí và Quyên. Nhưng biến cố bất ngờ đã xảy đến với gia đình của Sửu, khi người vợ là Thị Lựu đã thay lòng đổi dạ, đánh mất phẩm tiết phản bội lại chồng, gian díu với người đàn ông khác.
Đỉnh cao của bi kịch gia đình, đó là khi Trần Văn Sửu đã bắt gặp cảnh Thị Lựu cùng người đàn ông ấy gian díu ngay trong ngôi nhà của mình, vì tính tình vốn bộc trực, thẳng thắn nên Sửu đã không kiềm chế nổi sự tức giận, càng tức giận hơn khi Thị Lựu không những không có biểu hiện ăn năn, hối lỗi mà còn ăn nói hỗn hào, thậm chí còn ngăn cản không cho Trần Văn Sửu đuổi theo, mở lối cho tình nhân tẩu thoát, trong cơn tức giận, Trần Văn Sửu đã có giằng co với vợ, và thật không may, vì lỡ tay mà Thị Lựu đã ngã lăn xuống phản, chết ngay. Vì vợ chết nên Trần Văn Sửu đứng trước nguy cơ bị bắt giam, vì những đứa con nhỏ dại nên người đàn ông ấy đã bỏ trốn biệt tích.
Tha phương, ẩn náu nơi đất khách, ba đứa trẻ tội nghiệp, con của Trần Văn Sửu được cưu mang, chăm sóc bởi người ông ngoại, tuy sống tha phương nhưng tâm trí và tình cảm của Trần Văn Sửu chưa bao giờ thôi mong ngóng, hướng về những người con.
Ta có thể thấy người đàn ông ấy bỏ trốn không phải là một hành động hèn nhát, chối bỏ trách nhiệm cho những sai lầm của mình mà vì một mục đích cao cả hơn, đó là vì những đứa con, vì nếu như bị bắt giam, chịu những hình phạt thì những đứa con của anh ta sẽ ra sao, sẽ đói khổ, cơ cực, đáng thương biết mấy. Và sự trốn chạy suốt mười mấy năm ròng cũng là mong có ngày được thấy mặt con “Mười một năm nay cực khổ hết sức, song ráng mà sống, là vì trông mong có ngày được thấy mặt con..”, sợ con “bơ vơ, đói rách, mà tội nghiệp nó”.
Cũng là sợ những đứa con không hiểu chuyện mà oán trách mình “…bấy lâu nay sống lăn lóc chịu cực khổ mà sống, ấy là vì thương con, mình sợ nó không hiểu việc xưa rồi oán mình…”. Tình cảm cha con sâu nặng được thể hiện ngay ra trong một tình huống, đó chính là khi Trần Văn Sửu vì quá nhớ con mà liều lĩnh quay trở lại quê xưa, lén lút muốn quan sát cuộc sống hiện thời của những đứa con.
Dù rất yêu thương, nỗi nhớ nhung chưa bao giờ thôi da diết, nhưng Trần Văn Sửu cũng chỉ mong có thể nhìn thấy mặt con, cho thỏa thuê nỗi nhớ, còn gặp mặt, ôm ấp những đứa con yêu dấu là điều quá sức xa xỉ với anh ta. Xa xỉ không bởi là không thực hiện được, bởi Trần Văn Sửu đã đón nhận mọi sự trách móc của người bố vợ khi vô tình gây ra cái chết cho Thị Lựu và cũng được người đàn ông ấy cho phép gặp lại những đứa con, nhưng từ ý thức của người cha.
Trần Văn Sửu không làm vậy mà lại đau khổ lựa chọn cho mình một giải thoát “…bây giờ mình biết rõ nó thương mình, nó còn kính trọng mình, mà nó lại gần được giàu có sung sướng hết thảy nữa, vậy thì nên chết rồi, chết mới quên được hết việc cũ được, chết đặng hết buồn rầu cực khổ nữa”. Tình tiết xúc động của tình cha con phải kể đến cuộc gặp mặt, đối thoại của Trần Văn Sửu với người con trai của mình- Tí.
Vì khi về thăm con, dù đã rất kín đáo, bí mật không để cho những đứa con biết về sự xuất hiện của mình, và sau khi nhìn thấy các con thì người đàn ông ấy cũng lập tức rời đi. Nhưng, nhận thấy bóng dáng quen thuộc của người cha, Tí đã theo chân bóng dáng quen thuộc ấy đến tận cây cầu ven sông. Và cũng nhờ vậy mà có thể ngăn cản được Trần Văn Sửu khi có ý định nhảy xuống sông tự tử.
Chi tiết gặp mặt, tiếng gọi của Tí khiến cho người đọc cảm thấy thổn thức, vì nó quá đỗi chân thành, đó là tiếng gọi của trái tim, của những cảm xúc dồn nén trong hơn chục năm qua “Cha ôi! Cha! Cha chạy đi đâu dữ vậy”, qua những câu nói dồn dập của Tí ta có thể liên tưởng đến việc Tí đã đuổi theo cha từ rất lâu, và khi nhìn thấy cha trên cầu thì không tránh khỏi sự xúc động, hơi thở có phần dồn dập.
Bất ngờ gặp lại con, Trần Văn Sửu đã sững người lại, “..hết nghị lực, máu trong tim chảy thình thịch, nước mắt tuôn ròng ròng…đứng xụi lơ, không nói được một tiếng chi hết”. Dường như khi đã quá xúc động thì lời nói, hành động đã nhường chỗ lại cho sự tĩnh lặng. Tĩnh lặng không phải không có gì để nói mà im lặng để cảm nhận, im lặng bởi sự dạt dào của cảm xúc.
Tình cảm của Tí dành cho cha cũng không hề thay đổi, dù cha chính là người gây ra cái chết cho mẹ, Tí không những không hận thù cha mà thời gian càng làm cho tình cảm dành cho cha thêm sâu nặng. Gặp được cha sau gần chục năm xa cách, Tí không nghe lời cha là quay trở về mà một mực muốn theo cha “ …Con không về được. Bấy lâu nay con tưởng cha chết rồi, té ra cha còn sống.
Vậy thì bây giờ cha đi đâu con đi đó”, những câu nói có phần ngô nghê nhưng lại là những lời hết sức chân thật, xuất phát từ tấm lòng của người con hiếu nghĩa. Khi sự việc đau lòng xảy ra, tuy còn rất nhỏ nhưng Tí lại không bị những lời đàm tiếu của láng giềng làm ảnh hưởng mà oán trách bố, ngược lại còn nhìn nhận khá thấu đáo về chân tướng của sự thật.
Tí biết rằng má là người sai trước, người cha tội nghiệp của Tí không hề có lỗi gì cả, trốn chạy cả chục năm nay là quá đủ cho mọi sai lầm. Khi cha khuyên Tí về nhà lo cưới vợ thì Tí đã nói ngay “…Cưới vợ mà làm gì. Cưới vợ đặng báo hại như má báo hại cha hồi trước đó sao”, tuy là một người con hiếu nghĩa nhưng Tí cũng đã có những suy nghĩ sai lệch về má của mình, bị ám ảnh bởi những chuyện trong quá khứ.
Trước những suy nghĩ tiêu cực của con, Trần Văn Sửu không những không tàn đồng vì Tí bênh vực mình mà còn rất nghiêm khắc dạy dỗ con, vì Thị Lựu tuy có phản bội mình, người gây ra sự đổ vỡ của gia đình nhưng với cương vị, tư cách của một người mẹ thì chị ta hoàn toàn nhận được sự yêu thương, tôn trọng của những người con “Con không nên phiền trách má con. Má có quấy là quấy với cha, chứ không quấy với con”.
Như vậy, qua trích đoạn “Cha con sâu nặng” tác giả Hồ Biểu Chánh đã thể hiện một cách xuất sắc tình cảm cha con của Trần Văn Sửu và Tí, bởi nó quá đỗi chân thực, sống động, qua từng tình tiết của trích đoạn, người đọc còn cảm nhận được tình cảm của hai cha con cho nhau, vì vậy mà không khỏi cảm động, thương cảm trước tình cảm ấy.
Tình cha con thể hiện ở tình yêu, trách nhiệm của Trần Văn Sửu dành cho con, vì con mà chịu khổ, vì con mà sẵn sàng tìm đến cái chết để giải thoát, còn Tí lại là một người con hiếu nghĩa, bởi dù nghe bao nhiêu lời đồn đoán rằng cha đã mất nhưng trong tâm trí thì người cha ấy mãi tồn tại, chẳng vậy mà thấp thoáng thấy bóng cha mà Tí đã đuổi theo, ngăn không cho cha làm việc dại dột, dùng tình cảm để thuyết phục cha cho mình đi theo để chăm dưỡng, báo hiếu cho cha.