31/03/2021, 15:28

Bài văn phân tích tác phẩm "Tinh thần thể dục" số 8 - 8 Bài văn phân tích tác phẩm "Tinh thần thể dục" của Nguyễn Công Hoan

Nguyễn Công Hoan (1903- 1977) quê ở làng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Trước Cách mạng tháng Tám, ông vừa dạy học vừa viết văn. Là tác giả của hơn hai chục truyện dài nhưng Nguyễn Công Hoan đặc biệt thành công trong lĩnh vực truyện ngắn. Ông là một trong những nhà văn ...

Nguyễn Công Hoan (1903- 1977) quê ở làng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Trước Cách mạng tháng Tám, ông vừa dạy học vừa viết văn. Là tác giả của hơn hai chục truyện dài nhưng Nguyễn Công Hoan đặc biệt thành công trong lĩnh vực truyện ngắn. Ông là một trong những nhà văn tiêu biểu của trào lưu văn học hiện thực phê phán 1930 – 1945. sau Cách mạng, ông hăng hái tham gia hoạt động báo chí, văn học và là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa đầu tiên (năm 1957).


Tác phẩm chính: Kép Tư Bền (1935), Bước đường cùng (1938), Đời viết văn của tôi (1971),… Với những đóng góp tích cực trên nửa thế kỉ cầm bút, Nguyễn Công Hoan là một trong những nhà văn lớn của nền văn học hiện đại Việt Nam. Ông được nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I, năm 1996.


Tinh thần thể dục được sáng tác năm 1938, đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy số 251 ngày 25-3-1939. Thời gian này, viên toàn quyên Đờ-cu (Decouxđưa ra một số chủ trương lừa bịp, có tính chất mị dân. Cuộc vận động cho phong trào thể thao Đuy-cô-roa (Ducoroy) là một trong những thủ đoạn lừa bịp đó.


Nguyễn Công Hoan đã viết truyện ngắn này để vạch trần cái trò hề của thực dân Pháp hàng mua chuộc, lừa phỉnh nhân dân ta. Ông đã dùng tiếng cười phê phán mỉa mai sâu cay để lật tẩy bộ mặt giả nhân giả nghĩa của kẻ thù. Có thể xem đây là truyện ngắn tiêu biểu cho nghệ thuật trào phúng bậc thầy của Nguyễn Công Hoan trong văn xuôi trước cách mạng tháng Tám.


Bằng tiếng cười phê phán mỉa mai sâu cay, Nguyễn Công Hoan đã dựng lên cảnh bắt người đi xem đá bóng bằng cái “tinh thần thể dục” giả hiệu, hình thức của phong trào thể thao Đuy-cô-roa do thực dân Pháp vận động lúc bấy giờ để lừa bịp nhân dân ta.


Truyện ngắn Tinh thần thể dục đã vạch trần cái trò hề “vui vẻ trẻ trung của thực dân Pháp trong cảnh bắt người đi xem đá bóng mà như đi bắt giặc đã khiến họ phải tìm mọi cách để trốn tránh trước nhà chức trách. Tấn bi hài kịch đó đã tố cáo mạnh mẽ bộ mặt xảo trá, mị dân của chính quyền thực dân phong kiến đồng thời cho ta thấy số phận éo le, đáng thương của người nông dân trong cảnh đời nô lệ.


Câu chuyện “Tinh thần thể dục” đã bộc lộ mâu thuẫn giữa bản chất với hiện tượng, giữa nội dung và hình thức của phong trào thể thao này. Để được lòng bọn thực dân, quan tỉnh thức quan huyện, quan huyện ép hương lí các xã; bọn chức dịch này lại hành hạ nhân dân.


Thật là hài hước: xem bóng đá mà phải đi bắt người cho đủ số quy định bắt người đi xem đá bóng mà như đi bắt giặc bởi mọi người đều trốn không ai muốn đi xem (đi xem thì mất việc, mà mất việc thì lấy gì ăn để sống!?). Do vậy, “được” quan trên cho đi xen đá bóng mà người dân sợ như phải đi phu, đi lính, tìm mọi cách để trốn.


Làng xóm náo loạn, dân tình xao xuyến sợ sệt, bọn hướng lí thừa cơ đục nước béo cò, bòn rút từng xu của người nông dân kiết xác. Đúng là một tấn bi hài kịch cười ra nước mắt. Và đằng sau tiếng cười ấy, tác giả còn cho ta thấy cảnh đời éo le, đáng thương của người nông dân trong chế độ thực dân phong kiến trước Cách mạng tháng Tám.


Từ hiện thực có thật lúc bấy giờ của phong trào thể thao Đuy-côroa, tác giả đã xây dựng được những tình huống truyện gay cấn, giàu kịch tính và có tác dụng gây cười. Cốt truyện đơn giản nhưng lại gồm nhiều cảnh, các cảnh chuyển tiếp nhanh như trong một cuốn phim sôi động với nhiều con người, nhiều cảnh đời, nhiều tình huống đặc sắc, thú vị.


Cảnh anh Mịch nhăn nhó với ông Lí; cảnh bác Phó gái dịu dàng, đặt cành cau lên bàn, ngồi xổm ở xó cửa, gái tại, nói với ông Lí; rồi bà cụ Phó Bính, mắt kèm nhèm, vừa nói vừa cười rất vô duyên; rồi tiếng ông Lí quát tháo om sòm, tiếng dạ ran của những người tuần và những ngọn đuốc linh tinh kéo đi các ngả.


Cuối cùng là cảnh thằng co nằm ép với con ở cạnh đống rơm, phủ lên mình đầy rơm cũng bị lôi ra để bắt đi xem đá bóng. Nhưng vẫn còn thiếu sáu người, và 94 người không trốn thoát đã xếp hàng năm bị ắp giải lên sân vận động như một đoàn tù binh…


Tất cả đã tạo nên một tiếng cười trào phúng châm biếm sâu cay mang ý nghĩa phê phán mạnh mẽ. Đó là tiếng cười của Nguyễn Công Hoan, mang nét riêng của một cây bút trào phúng bậc thầy để ném tiếng cười đó vào cái chế độ thực dân phong kiến!

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Trần Bảo Ngọc

227 chủ đề

44292 bài viết

0