Bài văn phân tích tác phẩm "Bắt sấu rừng U Minh Hạ" số 7 - 10 Bài văn phân tích tác phẩm "Bắt sấu rừng U Minh Hạ" của Sơn Nam
Người nông dân Việt Nam luôn phải đối mặt với cuộc sống “một nắng hai sương”, “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”. Họ phải đối diện với thiên nhiên khắc nghiệt. Thiên nhiên với sức mạnh không tưởng của mình đã trở thành rào cản ngăn cấm con người trong công cuộc lao động mưu sinh. ...
Người nông dân Việt Nam luôn phải đối mặt với cuộc sống “một nắng hai sương”, “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”. Họ phải đối diện với thiên nhiên khắc nghiệt. Thiên nhiên với sức mạnh không tưởng của mình đã trở thành rào cản ngăn cấm con người trong công cuộc lao động mưu sinh. Ngòi bút nhà văn Sơn Nam cũng đã khắc họa mối hiểm họa thiên nhiên mang tên những cá sấu với người dân miền Tây qua truyện ngắn Bắt sấu rừng U Minh Hạ.
Sơn Nam là nhà văn Nam Bộ tham gia hoạt động cách mạng từ sớm. Ông có nhiều đóng góp cho văn học kháng chiến nói riêng, văn học Việt Nam nói chung. Ông sáng tác văn xuyên suốt các thời kì lịch sử của dân tộc. Là cây bút tài năng với tài dựng truyện li kì, xây dựng nhiều chi tiết gợi cảm, ngôn ngữ đậm màu sắc Nam Bộ, nhân vật giàu chất sống.
Truyện ngắn Bắt sấu rừng U Minh Hạ là một trong mười tám truyện ngắn trong tập Hương rừng Cà Mau. Là một truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách Sơn Nam với cách xây dựng tình huống truyện độc đáo, ấn tượng.
Thiên nhiên và con người U Minh Hạ để lại ấn tượng sâu sắc trong bạn đọc khi lật mở những trang viết đầu tiên về rừng U Minh Hạ gắn liền với những con cá sấu ăn thịt người. Khu rừng nguyên sơ với vô số loài thực vật khác nhau. Ở đó có rừng tràm xanh biếc, những cây cỏ hoang dại như lau, sậy, mốp, cóc kèn….
Và điều lạ lùng là ở ngọn rạch Cái Tàu có nhiều ao cá sấu gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Đối mặt với hiểm nguy từ lũ cá sấu là thái độ ngoan cường của những con người sống trên vùng đất hoàng vu đó. Họ thương tiếc trước những hi sinh mất mát của người dân nơi đây: bị hùm tha sấu bắt.
Và khi đã gần như bất lực trước những tội ác của những “quái thú” dưới nước thì ông Năm Hên đến với U Minh Hạ như một tia ngờ vực đối với tất cả mọi người. Nhưng họ vẫn một lòng dốc sức giúp đỡ Năm Hên: câu sấu bằng lưỡi sắt, móc mồi bằng con vịt sống, Năm Hên bắt cá sấu bằng tay không, lại có người như Tư Hoạch một tay ăn ong rất rành địa thế vùng Cái Tàu, rồi những người trai lực lưỡng đã từng gài bẫy cọp, săn heo rừng…
Nhân vật Năm Hên là nhân vật trung tâm của truyện được Sơn Nam khắc họa bằng những nét đơn sơ nhưng lại làm hiện rõ bức chân dung con người miền Tây chân chất. Ông là một người giản dị, khiêm tốn, trọng nghĩa khinh tài. Là người thợ già có khả năng và bản lĩnh, ông chuyên bắt sấu. Khi nghe tin về sự độc ác của lũ cá sấu trong rừng U Minh Hạ, ông đã tự bơi xuồng đến rạch Cái Tàu với duy nhất hai thứ mang theo là một lọn nhang trần và một hũ rượu. Đó không phải dụng cụ bắt cá sấu mà là ông dùng để tưởng niệm những người bị cá sấu hại chết.
Sự mưu trí, can trường của Năm Hên khi đối diện với bầy cá sấu càng chứng minh cho sự tài ba của ông. Ông chuyên bắt sấu trên khô, không cần lưỡi câu. Ông đào sẵn đường thoát, đốt cháy sậy đế, cóc kèn, sấu bị nung nóng, cay mắt, ngộp thở bò lên, bị ông đút vô miệng một khúc mốp dính chặt hai hàm răng. Ông dùng mác xắn lưng sấu, cắt gần đuôi, trói hai chân sau, bắt sấu về.
Ông Năm Hên là người nghĩa tình. Công việc ông làm hiểm nguy nhưng với tấm lòng nhiệt thành của một trái tim giàu nhân ái, ông đã vượt trên những khó khăn để cống hiến cho cộng đồng. Bắt sấu để giúp dân làng Khánh Lâm an tâm lao động sản xuất là mục đích cao đẹp trước mắt của Năm Hên. Và ông cũng không quên tưởng niệm những người đã bị cá sấu ăn thịt.
Bài hát của ông tưởng nhớ hương hồn những người đã bị cá sấu bắt, bị chết một cách oan ức, trong đó có cả người anh ruột của ông. Lời hát gợi lên bao cảm nghĩ về cuộc sống khắc nghiệt ở vùng đất U Minh, nơi nhiều người phải bỏ thân nơi đầu bãi cuối gành vì manh áo chén cơm, đồng thời cũng cho thấy tấm lòng sâu nặng nghĩa tình đồng loại, đồng bào của Năm Hên. Ông há để tỏ lòng thương tiếc những người xấu số và bằng hành động mưu trí bắt đàn sấu dữ, rồi đã “lập đàn giải oan” cho người xưa:
Hồn ở đâu đây?
Hồn ơi! Hồn ơi!
Xa cây xa cối,
Xa cội xa nhành,
Đầu bãi cuối gành.
Hùm tha, sấu bắt,
Bởi vì thắt ngặt,
Manh áo chén cơm,
U Minh đỏ ngòm,
Rừng tràm xanh biếc!
Ta thương ta tiếc,
Lập đàn giải oan…
Bài hát tạo không khí bí hiểm và có phần rùng rợn, tràn đầy cảm xúc, tựa như lời gọi hồn hay bài kinh cầu siêu, giải oan cho những linh hồn bị hùm tha, sấu bắt… Truyện ngắn dưới ngòi bút Sơn Nam đã cho người đọc cái nhìn sâu sắc về cuộc sống người dân nơi đây. Cách kể truyện li kì, tình tiết hấp dẫn cùng với tình huống truyện độc đáo đã khiến hình ảnh Năm Hên trong phân cảnh diệt trừ những loài cá sấu càng trở nên sâu sắc hơn trong lòng người đọc.
Bắt sấu rừng U Minh Hạ giúp người đọc được thám hiểm những vùng đất xa lạ với biết bao điều bí ẩn của thiên nhiên và con người. Qua đó, người đọc thêm quý thêm yêu vùng đất và con người miền cực nam Tổ quốc, yêu quý nhân dân, đất nước mình. Trên khắp nẻo đường của đất nước Việt Nam, vẫn luôn có những con người, những vùng đất đang khao khát một cuộc sống yên bình. Và mỗi công dân đều cần có trách nhiệm để phát triển, gìn giữ quê hương, đất nước.