Bài 25 – Viết bài tập làm văn số 6 – Văn nghị luận (làm tại lớp)
Bài 25 – Viết bài tập làm văn số 6 – Văn nghị luận (làm tại lớp) Hướng dẫn Giải quyết Đề 1: Dựa vào các văn bản Chiếu dời đô và Hịch tướng sĩ, hãy nêu suy nghĩ về vai trò của những chủ tướng anh minh như Lý Công Uẩn và Trần Quốc Tuân đối với vận mệnh của đất nước. BÀI THAM ...
Bài 25 – Viết bài tập làm văn số 6 – Văn nghị luận (làm tại lớp)
Hướng dẫn
Giải quyết Đề 1:
Dựa vào các văn bản Chiếu dời đô và Hịch tướng sĩ, hãy nêu suy nghĩ về vai trò của những chủ tướng anh minh như Lý Công Uẩn và Trần Quốc Tuân đối với vận mệnh của đất nước.
BÀI THAM KHẢO
Mở bài:
Chiếu dời dô và Hịch tướng sĩ là những văn bận còn lưu lại mãi mãi trong sử sách nước nhà. Qua hai văn bản này ta thấy rất rõ vai trò của những chủ tướng anh minh như Lý Công Uẩn và Trần Quốc Tuấn.
Thân bài:
Thật vậy, trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam, các vị chủ tướng anh minh như Lý Công Uẩn và Trần Quốc Tuấn có vai trò cực kì quan trọng.
Trước hết, họ là những người yêu Tổ quốc Việt Nam thật sâu sắc nên đã hết lòng chăm lo việc nước.
Vì lo cho sự hưng thịnh lâu dài của đất nước mà Lý Công Uẩn mới quyết định chọn đất Thăng Long, một nơi có nhiều lợi thế hợp với lẽ thiên thời, địa lợi, nhân hòa để làm kinh đô mới “kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”.
Trần Quốc Tuấn cũng vì lo cho vận mệnh của đất nước mà nung nấu dạ căm thù quân cướp nước và ý chí tiêu diệt giặc.
“Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dầu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng”.
Các chủ tướng tài ba cũng đã nghiêm khắc phê phán những điều sai trái; không có lợi cho quốc gia. Lý Công Uẩn phê phán hai triều đình Đinh Lê đã không biết nhìn xa trông rộng nên đã chọn nơi không thuận lợi để đóng đô. Trần Quốc Tuấn thì phê phán lối sống ăn chơi, hưởng lạc không phù hợp với tình thế nguy ngập của non sông của một số tướng sĩ lúc bấy giờ.
Họ cũng là những người có trí tuệ và mưu lược cao sâu nên Lý Công Uẩn mới có thể nhìn rõ địa thế tuyệt đẹp của Thăng Long để quyết định dời đô và Trần Quốc Tuấn thì đúc kết binh pháp để viết ra cuốn Binh thư yếu lược dùng cho quân sĩ học tập và rèn luyện.
Kết luận:
Tóm lại, những người lãnh đạo anh minh như Lý Công Uẩn và Trần
Quốc Tuấn đã có công lao rất lớn trong việc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và xây dựng quốc gia hưng thịnh, vững bền.
Đề: Em hiểu thế nào về lời khuyên của nhân dân thể hiện trong câu ca dao:
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
Bài tham khảo
Người Việt Nam ta có một truyền thống rất quý báu đó là tinh thần tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách”, tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau “thương người như thể thương thân”. Truyền thống ấy đã trở thành đạo lí của dân tộc, được thể hiện trong tục ngữ, ca dao. Câu ca dao giàu hình ảnh dưới đây bắt nguồn từ truyền thống ấy:
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
Nói đến lòng yêu thương, đoàn kết, câu ca dao trên đã đưa ra hai hình ảnh so sánh giàu sức biểu cảm: “bầu” và “bí”. Bầu và bí tuy là giống khác nhau nhưng được trồng chung trên một mảnh đất, bắc chung một giàn tre. Chúng thường có chung môi trường, điều kiện sống. Chính vì vậy chúng càng gần gũi, thân thiết với nhau. Bầu thân mềm, bí cũng thân mềm. Bầu phải tựa vào giàn mới phát triển được. Bí cũng thế. Chung một giàn còn có ý nghĩa là bầu và bí tựa vào nhau, tựa vào giàn. Giàn đổ thì bầu gặp tai vạ, bí cũng gặp tai vạ. Bầu và bí cùng chung một phận. Vì thế bầu chớ chê bí xấu, bí cũng không chê bầu hoa trắng, không được duyên, rồi ghét bỏ, xa cách nhau. Vì sao bầu bí khác giống nhau mà vẫn phải thương yêu nhau? Nhân dân đưa ra lí do “chung một giàn”. Chung một giàn là chung nhau nơi chốn, xứ sở, quê hương, chung nhau không gian. Bầu và bí cùng chịu mưa, chịu nắng, cùng sông chung bằng những tất đất bạc màu hay trù phú, cùng được tưới những dòng nước mát hay cùng chịu những ngày hạn hán. Như vậy cảnh ngộ của chúng không khác gì nhau. Lẽ nào một mình bầu tươi xanh khi bí thì khô héo? Bầu thương bí cũng chính là thương mình. Bí cố sống thì bầu mới sống. Nếu bí cằn cỗi thì bầu cũng chẳng xanh tươi.
Câu ca dao nói về bầu và bí nhưng nhân gian không chỉ nói chuyện cỏ cây. Hình ảnh bầu bí là những ẩn dụ để khuyên nhủ người đời, con người cũng như cây bầu, cây bí, tuy khác dòng họ (không phải là anh em “cùng chung bác mẹ một nhà càng thân”), nhưng lại sống chung trong một làng, một xã. Hình ảnh cái giàn của bầu và bí chung nhau gợi cho người ta liên tưởng đến một đất nước, một tỉnh, một huyện, một vùng quê, một xã, một làng. Cũng có thể đó là một trường, một lớp học hay một xưởng máy, một cửa hàng. Bầu hãy thương lấy bí, hay là những người gần gũi trong một đơn vị tổ, nhóm hãy đoàn kết gắn bó và yêu thương nhau.
Không ai có thể sống đơn lẻ một mình, không có mối liên hệ nào với những người khác. Ai cũng có quê hương, nghĩa là có những người đồng hương chung làng, chung xóm. Ai cũng phải làm việc nên cũng phải có những đồng nghiệp. Khi còn bé đi học, bạn bè cùng lứa tuổi, cùng chung trường lớp, thầy cô. Chính những nét chung nhất ấy của họ đã giúp họ gắn bó với nhau hơn. Nhờ đó họ càng hiểu nhau, cảm thông cho nhau và giúp đỡ nhau, nhường nhịn nhau. Nhất định cuộc sống sẽ đẹp hơn nếu mọi người đều quan tâm, yêu quý nhau. Vì vậy lòng yêu thương, tinh thần đoàn kết, chia sẻ, nhường nhịn nhau là đức tính, phẩm chất quý báu cần có ở mỗi người.
Lời khuyên nhủ, kêu gọi yêu thương đoàn kết không chỉ được nhắc qua câu ca dao trên. Chúng ta còn bắt gặp trong những câu ca dao khác.
– Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng.
– Khôn ngoan đối đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.
Thực tế đã chứng minh sự đoàn kết gắn bó của nhân dân ta mỗi khi có giặc ngoại xâm. Trong những trận chiến đấu ấy, tình thương yêu, đoàn kết đã làm cho dân tộc ta có sức mạnh chiến thắng. Từ miền ngược tới miền xuôi, từ Bắc chí Nam, từ cụ già đến trẻ em, ai ai cũng đồng lòng giết giặc cứu nước, bởi vì họ đều là dân của đất nước Việt Nam, cùng chịu chung nỗi khổ mất nước, chịu chung ách nô lệ. Chính vì vậy mà nhân dân ta đã đoàn kết, yêu thương nhau, cùng nhau chiến thắng kẻ thù.
Hiện nay đất nước ta đã thống nhất, nhưng không phải mọi miền đều giàu có như nhau. Cuộc sống của mọi người cũng khác biệt. Có những người quanh năm làm việc vất vả nhưng không sao đủ cái ăn, cái mặc.. Lại có những người rất giàu sang, đầy đủ. Theo truyền thống yêu thương của dân tộc, người giàu cần phải giúp đỡ người nghèo. Những người giàu giúp người nghèo vay vốn làm ăn, góp tiền ủng hộ quỹ từ thiện, chính là thể hiện tinh thần “lá lành đùm lá rách”, truyền thống nhân ái “nhường cơm sẻ áo” của cha ông. Nếu không giúp đỡ, nương tựa vào nhau như vậy làm sao con người có thể đồng đều vươn lên trong cuộc sống?
Đọc lại câu ca dao kêu gọi lòng yêu thương đùm bọc, ta càng thấy ý nghĩa to lớn của tình thương và sự sáng suốt của người xưa. Tình thương làm cho con người vượt qua được khó khăn, hoạn nạn. Yêu thương, quan tâm giúp đỡ những người xung quanh, những người hàng xóm, bạn bè là một phẩm chất cần có của mỗi người chúng ta, người Việt Nam sẽ truyền cho thế hệ mai sau đạo lí tốt đẹp đó để làm cho cuộc đời này thêm đẹp, thêm ý nghĩa hơn.
(Tạ Nguyễn Phương Lan – Hà Nội)
Đề: Ca dao có câu:
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.
Em hãy giải thích câu ca dao trên và nêu những suy nghĩ của em về công ơn cha mẹ.
Bài tham khảo
Người Việt Nam ta rất coi trọng tình cảm gia đình. Vì thế, ca dao Việt Nam có nhiều bài diễn tả tình cảm gia đình thiêng liêng cao quý. Một trong những bài ca dao đó là:
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”
Nói về công lao to lớn của cha mẹ, bài ca dao đã đưa ra những hình ảnh so sánh giàu sức biểu cảm. Núi Thái Sơn là một ngọn núi cao nổi tiếng ở Trung Quốc. Núi Thái Sơn đã trở thành hình ảnh tượng trưng cho những gì lớn lao, vĩ đại, phi thường. Khi nói đến “công cha như núi Thái Sơn”, nhân dân ta muôn ghi nhận công ơn to lớn của người cha trong việc sinh thành và nuôi dạy con cái. Còn hình ảnh “nước trong nguồn chảy ra” lại là cách khẳng định công lao và tình yêu thương vô hạn, vô cùng của người mẹ dành cho con. Dẫu chọn hai cách diễn tả của hai hình ảnh tượng trưng khác nhau cho phù hợp vai trò, vị trí của người cha, người mẹ trong gia đình, nhưng đều hướng tới mục tiêu khẳng định công lao to lớn của cha mẹ dành cho con cái.
Trước hết, đó là công lao sinh thành. Không có cha mẹ thì không thể có bản thân mỗi người. Bất cứ một anh hùng, một vĩ nhân hay kẻ hành khất nào cũng đều được sinh ra từ cha mẹ. Cha mẹ đã sinh ra ta, đã chia sẻ một phần cốt nhục để ta có mặt trên đời. Công ơn ấy làm sao kể xiết!
Cha mẹ là người nuôi dưỡng ta từ khi chào đời đến lúc trưởng thành. Mẹ nuôi ta bằng những giọt sữa ngọt lành. Cha mẹ đã thay nhau chăm sóc ta những khi ta đau ốm. Cha mẹ cũng ra sức làm lụng để nuôi ta khôn lớn. Từ một hình hài nhỏ xíu đến khi biết đi, rồi biết đọc biết viết, biết nấu cơm quét nhà, biết làm việc để tự nuôi mình đâu phải là chuyện ngày một ngày hai. Cha mẹ đã dành cho ta tất cả sức lực của mình, công lao ấy kể làm sao cho đủ?
Không chỉ nuôi ta lớn, cha mẹ còn dạy dỗ cho ta nên người. Cha mẹ dạy ta bằng chính những việc làm của cha mẹ, bằng những hiểu biết của cha mẹ về cách cư xử, về công việc, về kiến thức… Sau này lớn dần lên, ta được thầy cô dạy dỗ bảo ban, được người đời khuyên răn, nhưng cha mẹ chính là người thầy đầu tiên, người thầy gần gũi nhất của chúng ta.
Thật hạnh phúc cho những ai được ấp ủ, được lớn khôn trong vòng tay của cha mẹ. Vậy con cái phải làm gì để đền đáp công ơn cha mẹ? Dân gian đã lưu truyền những câu chuyện cảm động về lòng hiếu thảo. Nhưng trong điều kiện bình thường, lòng biết ơn cha mẹ được thể hiện từ trong cốc nước mát trao tay khi cha mẹ vừa đi làm về, trong bát cháo nóng lúc cha mẹ ốm mệt, trong sự cảm thông với điều kiện của hoàn cảnh gia đình mà không đòi hỏi ở cha mẹ… Và điều quan trọng nhất là phải trở thành trò giỏi con ngoan, để đem lại niềm vui, niềm tự hào cho cha mẹ. Rồi đến khi trưởng thành, dù có bận bịu cuộc sống riêng đến mấy, ta cũng phải chăm sóc cha mẹ chu đáo và trở thành chỗ dựa của cha mẹ lúc tuổi già.
Lòng yêu kính cha mẹ là tình cảm tự nhiên của con người. Nhưng bổn phận, trách nhiệm, lòng biết ơn của con cái đối với cha mẹ lại là thước đo phẩm chất của mỗi con người. Chính vì vậy, bài ca dao “Công cha như núi…” đã được lưu truyền từ đời này sang đời khác như một lời nhắc nhở, dặn dò con cái phải hiếu thảo với cha mẹ.
(Nguyễn Văn Long)
Mai Thu