Bài 25 – Tìm hiểu chung về phép lập luận giải thích
Bài 25 – Tìm hiểu chung về phép lập luận giải thích Hướng dẫn I. Mục đích và phương hướng giải thích 1. Trong đời sống, người ta cần được giải thích khi muốn hiểu rõ những điều chưa biết. Ví dụ: Vì sao lại có gió thổi? Vì sao lại có thủy triều lên xuống? Vì sao “trăng quầng ...
Bài 25 – Tìm hiểu chung về phép lập luận giải thích
Hướng dẫn
I. Mục đích và phương hướng giải thích
1. Trong đời sống, người ta cần được giải thích khi muốn hiểu rõ những điều chưa biết.
Ví dụ: Vì sao lại có gió thổi? Vì sao lại có thủy triều lên xuống? Vì sao “trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa”? Vì sao ta phải tôn trọng và thực hiện luật lệ giao thông? Vì sao khi leo lên dốc cao ta lại thấy nặng nề, khó khăn hơn khi đi trên đường bằng phẳng?
2. Trong văn nghị luận, người ta thường yêu cầu giải thích các vấn đề về tư tưởng, đạo lí, các chuẩn mực hành vi của con người…
Ví dụ: Thế nào là “Trung với Đảng, hiếu với dân”? Vì sao lại “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”?
3. Đọc bài Lòng khiêm tốn. Trả lời các câu hỏi:
a) Bài văn giải thích vấn đề gì và giải thích như thế nào?
– Bài văn giải thích thế nào là khiêm tốn?
– Bài văn đã dùng nhiều lí lẽ để giải thích:
+ Trả lời câu hỏi: khiêm tốn là gì? Khiêm tốn là tính nhã nhặn, biết sống một cách nhún nhường, luôn luôn hướng đến sự tiến bộ, tự khép mình vào những khuôn thước của cuộc đời, bao giờ cũng không ngừng học hỏi, khiêm tốn là muốn tiến mãi không ngừng, nhưng không khoe khoang, tự đề cao mình trước người khác.
+ Nêu ra những biểu hiện của tính khiêm tốn: Người khiêm tốn thường hay tự cho mình là kém, còn phải phấn đấu thêm, cần học hỏi thêm, xem sự thành công của mình là bình thường thường, không đáng kể.
+ Giải thích lí do vì sao phải khiêm tốn: Vì đời là cuộc đấu tranh bất tận mà tài nghệ của cá nhân tuy quan trọng, nhưng cũng chỉ là giọt nước bé nhỏ giữa đại dương bao la, dù tài ba đến đâu cũng phải luôn học thêm, học mãi.
Nêu ra cái lợi của lòng khiêm tốn: Người khiêm tốn bao giờ cũng thành công trong việc giao tiếp với mọi người.
b) Những câu định nghĩa như:
– “Lòng khiêm tốn có thể coi là… xử thế và đối đãi với sự vật”.
– “… khiêm tốn là… tự nâng cao giá trị cá nhân của con người trong xã hội”.
– "Khiêm tốn là biểu hiện của con người đúng đắn, biết sống theo thời và biết nhìn xa."
– “Khiêm tốn là tính nhã nhặn… không ngừng học hỏi”.
Những câu viết trên đây đều nhằm giải thích từ khiêm tốn.
c) Cách liệt kê các biểu hiện của khiêm tốn, cách đối lập người khiêm tốn và kẻ không khiêm tốn đều là cách giải thích.
d) Việc chỉ ra cái lợi của khiêm tốn, cái hại của không khiêm tốn và nguyên nhân của thói không khiêm tốn cũng chính là nội dung giải thích.
Qua đó ta thấy lập luận giải thích là dùng nhiều lí lẽ (có thể kèm theo dẫn chứng) để làm cho người ta hiểu rõ vấn đề. Có thể giải thích bằng cách định nghĩa, bằng cách nêu ra các biểu hiện, so sánh, đối chiếu với các hiện tượng khác, chỉ ra các mặt lợi, hại, nguyên nhân, hậu quả, nêu ra cách đề phòng và noi theo…
Ghi nhớ:
- Trong đời sống, giải thích là làm hiểu rõ những điều chưa biết trong mọi lĩnh vực.
- Giải thích trong văn nghị luận là làm cho người đọc hiểu rõ các tư tưởng, đạo lí, phẩm chất, quan hệ… cần được giải thích nhằm nâng cao nhận thức, trí tuệ, bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm cho con người.
- Người ta thường giải thích bằng các cách: nêu định nghĩa, kể ra các biểu hiện, so sánh đối chiếu với các hiện tượng khác, chỉ ra các mặt lợi, hại, nguyên nhân, hậu quả, các đề phòng hoặc noi theo… của hiện tượng hoặc vấn đề được giải thích.
- Bài văn giải thích phải trình bày mạch lạc, lớp lang, ngôn từ phải trong sáng, dễ hiểu.
- Muốn làm được bài giải thích tốt, phải học nhiều, đọc nhiều, vận dụng tổng hợp các thao tác giải thích phù hợp.
II. Luyện tập
Đọc bài Lòng nhân đạo.
– Vấn đề được giải thích là lòng nhân đạo, lòng biết thương người.
– Phương pháp giải thích:
* Nêu câu hỏi “Thế nào là biết thương người và thế nào là lòng nhân đạo?”
Sau đó đưa ra một bằng chứng trong cuộc sống và từ bằng chứng này dẫn tới kết luận: “Những hình ảnh ấy và thảm trạng ấy khiến cho mọi người xót thương và tìm cách giúp đỡ. Đó chính là lòng nhân đạo”. Ta có thể xem như đó là điều trả lời cho câu hỏi trên.
Phần cuối của đoạn văn tác giả lại dẫn lời của Thánh Găng-đi nhằm nhấn mạnh vào ý: phải phát huy lòng nhân đạo để tạo được tình thương, lòng nhân đạo, sự thông cảm giữa con người với con người. Đó chính là tác dụng tốt đẹp của lòng nhân đạo.
CÁC BÀI VĂN THAM KHẢO
Đề bài: Trong thư gửi cho học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám, Bác Hồ viết:
“Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai cùng các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.
Em hiểu lời dạy đó như thế nào? Theo em, phải làm gì để thực hiện lời dạy đó của Bác Hồ?
Bài làm
Dù Bác Hồ đã đi xa, nhưng trong trí nhớ mỗi học sinh Việt Nam chúng ta vẫn luôn khắc sâu những lời dặn dò bao yêu thương trìu mến của Người trong ngày khai trường đầu tiên: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai cùng các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Để làm tốt lời dạy bảo sâu sắc đó, học sinh chúng ta phải hiểu đúng lời dạy đó.
Hiểu được thế nào là một đất nước vẻ vang thật khó, và để đưa đất nước lên vị trí vẻ vang trên thế giới càng chẳng dễ chút nào. Một đất nước được coi là vẻ vang với bạn bè năm châu là đất nước đạt được một số thành tựu to lớn, nổi tiếng với thế giới trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, hay chính trị… Ai Cập có một nền văn hóa lâu đời và nổi tiếng, thu hút nhiều khách du lịch, đó là một nước vẻ vang về. văn hóa. Dân tộc Việt Nam ta trong lịch sử đã đánh thắng nhiều kẻ thù thời phong kiến và đã hai lần kháng chiến thành công, đánh đuổi “hai đế quốc to” (như có lần Bác Hồ đã nói) là Pháp và Mĩ, đó chẳng phải là đáng vẻ vang về quân sự hay sao? Sự vẻ vang đó không chỉ đem vinh quang lại cho một cá nhân nào mà là niềm tự hào chính đáng cho cả một dân tộc.
Việt Nam đã là một nước vẻ vang trên lĩnh vực quân sự. Bác kêu gọi chúng ta nâng cao hơn vị trí của Việt Nam trên thế giới, làm sao để Việt Nam phát triển được thành một cường quốc. Như vậy, ý nghĩa của “cường quốc” mang tính chất toàn diện hơn ý nghĩa của từ “vẻ vang” rất nhiều. Một cường quốc phải là một đất nước phát triển khá toàn diện và phát huy được nhiều thế mạnh của đất nước đó về kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự… Thế mạnh đó phải được nâng cao hơn để có thể sánh vai với toàn thế giới. Như vậy, Bác hi vọng sẽ được xây dựng, phát triển đất nước ta mạnh hơn, khá hơn về mọi mặt. Đó mới thực sự là mục đích phấn đấu của chúng ta. Ngay sau khi đất nước độc lập, Bác đã kêu gọi chúng ta bước vào một cuộc chiến đấu mới. Lời kêu gọi của Bác đem đến cho chúng ta nghị lực phấn đấu không mệt mỏi để phát huy tiềm năng đã có sẵn như tài nguyên thiên nhiên, vị trí thuận lợi. Ngoài ra, nếu không chủ tâm xây dựng đất nước từ ngay lúc này, thì biết đâu ngày mai, chúng ta sẽ lại phải gò lưng dưới ách nô lệ của một đế quốc mới.
Suy nghĩ của Bác đúng đắn và sáng suốt biết bao! Và lại càng đáng quý hơn khi Bác đặt vấn đề lớn lao đó với học sinh, những người chủ mai sau của đất nước. Theo Bác, việc học tập của học sinh hôm nay còn đóng góp một phần lớn cho Tổ quốc mai sau. Suy nghĩ đó của Bác thể hiện sự quan tâm sâu sắc tới thế hệ trẻ; sự đánh giá cao vị trí của lớp măng non trong tương lai của đất nước. Bác khẳng định nhiệm vụ học tập của thế hệ trẻ hôm nay và mai sau là vô cùng quan trọng, vì nó sẽ đóng góp nhiều trong việc xây dựng đâ’t nước. Để xây dựng đất nước chúng ta phải cố gắng học tập khi còn ở ghế nhà trường. Ví dụ, một cường quốc phát triển là nhờ các thành tựu khoa học kĩ thuật. Để có được những thành tựu ấy thì phải có kiến thức chuyên sâu về toán học, vật lí, hóa học… Nếu không học tốt từ bây giờ thì mai sau liệu chúng ta có thể làm được gì có ích không? Ngoài ra, việc giao lưụ văn hóa, khoa học kĩ thuật, kinh tế, buôn bán trao đổi với các nước trên thế giới là vô cùng cần thiết trong công cuộc phát triển đất nước. Hơn nữa, chúng ta phải học tập những kinh nghiệm tốt của họ. Muốn thế chúng ta phải giỏi ngoại ngữ, do đó phải học tập, nghiên cứu từ bây giờ. Trong tất cả các lĩnh vực đều phải có kiến thức mới làm tốt được. Bởi thế, việc học tập là vô cùng cần thiết nếu muốn phát triển đất nước thành một cường quốc trên thế giới.
Thế nhưng học tập thế nào cho tốt thì cũng không hề dễ dàng. Trước hết việc học phải có mục tiêu trước mắt và mục đích trong tương lai, có ước mơ hoài bão lớn lao. Điều đó sẽ là động lực thúc đẩy sự phấn đấu vươn lên không ngừng trong học tập. Mỗi người có một ước mơ riêng. Xã hội cần những con người có tài năng toàn diện, không thể học cái này mà sao nhãng cái khác. Nếu đối với bất kì vấn đề gì chúng ta cũng có một vốn hiểu biết thì có thể tự lực làm được nhiều việc có ích cho xã hội. Tuy nhiên, mỗi người đều có một sở trường riêng, phải biết phát huy nó. Khi đã phát hiện được thế mạnh của mình, chúng ta phải đào sâu suy nghĩ để phát triển nó, nếu không nó mai một đi? Ngoài ra nếu chỉ nhét vào đầu những kiến thức suông trong sách vở mà không biết vận dụng ngoài thực tế thì cũng chẳng giúp gì được cho đất nước. Vì vậy, Bác Hồ cũng đã căn dặn chúng ta phải “học đi đôi với hành”. Có như vậy, kiến thức mới có thể trở thành hành trang tốt cho ta bước vào đời, vì một khi không biến nó thành những hoạt động có ích ngoài cuộc sống thì nó mãi mãi là vô dụng mà thôi. Qua lời dạy của Bác, chúng ta có thể hiểu được tầm quan trọng của việc học tập đối với đất nước và sẽ cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ vinh quanh ấy.
Lê-nin từng dạy thanh niên “Học, học nữa, học mãi”. Lời dạy của Bác Hồ “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không… chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”, nhắc nhở học sinh không thể quên nhiệm vụ quan trọng là học tập, để mai sau đủ năng lực công hiến đất nước. Lời dạy cùa Bác chúng cháu sẽ khộng bao giờ quên.
Đề bài: Nói về lòng yêu nước, nhà văn l-li-a Ê-ren-bua nói: “Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào đại trường giang Von-ga, con sông Von-ga đi ra biển. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc".
Em hiểu câu nói trên thế nào? Em hãy liên hệ với bản thân để phát biểu những suy nghĩ của mình về lòng yêu quê hương, đất nước.
Bài làm
“Ai quên cho được mái tranh nâu
Luống đất bờ ao với nhịp cầu
Mồ mả ông chôn giữa đất
Lòng người, lòng đất cảm ihông nhau”.
(Tình quê tình nước – Kiên Giang).
Con người, bất cứ ai, sinh ra, lớn lên cũng đều gắn mình với một mái ấm tình thương, một bờ ao, một luống đất, một dòng sông, một khu phố, một con đường… với biết bao tình cảm mến thương khăng khít. Chính từ tình yêu đối với những sự vật nhỏ bé cụ thể ấy góp lại trở thành tình yêu quê hương, đất nước. Thật đúng như lời nhà văn Xô Viết I-li-a Ê-ren-bua đã viết: “Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào đại trường giang Von-ga, con sông Von-ga đi ra biển. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”.
Câu nói nổi tiếng này có ý nghĩa sâu sắc như thế nào?
Ai cũng biết, tình yêu đất nước là một khái niệm trừu tượng khó hình dung. Người ta có thể tỏ bày tình yêu đất nước, Tổ quốc của mình bằng ước mơ, hoài bão. Thế nhưng để hiểu thấu cụ thể, đầy đủ, rõ ràng thế nào là lòng yêu đất nước thì thật là khó. Bởi vậy, ở đây, nhà văn giúp chúng ta hiểu thấu được khái niệm trên bằng một hình ảnh so sánh sinh động và cụ thể: đó là hình ảnh “Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào đại trường giang Von-ga, con sông Von-ga đi ra biển” cũng chẳng khác chi: “lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”.
Với hình ảnh so sánh này, nhà văn cho rằng lòng yêu đất nước được hình thành từ những biểu hiện hết sức cụ thể, từ những việc làm nhỏ nhặt nhất góp lại. Nói rõ hơn tình yêu Tổ quốc cụ thể là “lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê” góp lại. Cách “định nghĩa” của nhà văn Ê-ren-bua thật dễ hiểu. Con người, bất cứ ai cũng hiểu được là mình đang yêu đất nước mình, Tổ quốc mình, bởi vì như đã nói ở trên, ai chẳng có một tình yêu đối với mái tranh nâu, với luống đất, bờ ao, nhịp cầu, mồ mả ông bà, những người thân thuộc, nghĩa xóm tình làng và một miền quê gắn bó không rời ta từ thuở lọt lòng đến khi khôn lớn. Đúng như một nhà văn đã nói: “Người ta có thể tách bước khỏi quê hương, nhưng không thể nào tách rời con tim mình khỏi quê hương được”.
Như thế, yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê là tình cảm hết sức tự nhiên của con người. Nhưng do đâu mà nói đó là tình yêu Tổ quốc? Điều này thật dễ hiểu.
Con người, bất cứ ai – cũng sinh ra, lớn lên trong một môi trường có gia đình, làng xóm, miền quê. Đó là những con người, những cảnh vật gần gũi, gắn bó máu thịt. Bởi vậy, nếu mỗi chúng ta không có tình yêu đối với các bậc sinh thành thì làm sao có được tình yêu đối với nhân dân đất nước mình. Không có chút xúc động nào trước cảnh vật mái tranh nâu, bờ ao, luông đất, nhịp cầu… khăng khít với mình suốt tuổi bé thơ và trong cả cuộc đời thì làm gì có được tình yêu đất nước, tình yêu Tổ quốc. Bác Hồ nặng lòng yêu xứ Nghệ (đến độ trước phút đi xa, Bác còn thèm nghe một câu hò ví dặm), yêu mảnh đất xứ dân gầy non xanh nước biếc như tranh họa đồ nên Bác mới một đời tận tụy hi sinh, đấu tranh vì độc lập tự do của đất nước, vì hạnh phúc ấm no của nhân dân:
“Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta
Thương cuộc đời chung thương cỏ hoa.
Chỉ biết quên mình cho hết thảy.
Như dòng sông chảy nặng phù sa”.
(Theo chân Bác – Tố Hữu)
Nhà thơ Đỗ Trung Quân đã từng định nghĩa tình yêu quê hương:
“Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay
Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông…”
Chính tình yêu đối với chùm khế ngọt, đường đi học, con diều biếc trên đồng, con đò nhỏ ven sông… góp lại trở thành tình yêu một miền quê, tình yêu đất nước và tình yêu Tổ quốc.
Nhà văn nói: “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê” là “yêu Tổ quốc” cũng là nhằm để phê phán một thứ lòng yêu nước chung chung, mơ hồ rỗng tuếch mà không biểu hiện bằng những tình cảm, những việc làm cụ thể, thiết thực và gần gũi.
“Ai yêu nước Việt Nam hơn người Việt
Nhau rốn nhau sâu giữa đất lành”
(Tình quê tình nước – Kiên Giang)
Là người Việt Nam, chúng ta yêu đất nước Việt Nam của chúng ta hơn ai hết, dù đất nước này còn nghèo nàn, thiếu thốn. Chiến tranh đã đi qua hơn hai mươi năm, nhưng hậu quả của bom đạn tàn phá xưa đâu phải đã hết. Nhân dân ta xây dựng chủ nghĩa xã hội từ một cơ sở vật chất yếu kém, lạc hậu, nên với sự nỗ lực phi thường của toàn Đảng, toàn dân từ ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, đặc biệt là với công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo, đã bù đắp phần nào mất mát, hàn gắn lại các vết thương chiến tranh xưa, và đem lại nhiều thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, một số mặt tiêu cực trong quản lí kinh tế, trong đời sống xã hội chưa thể khắc phục ngay được. Trong tình hình ấy, tinh thần yêu nước của mỗi người chúng ta, hơn bao giờ hết, phải được thể hiện bằng những tình cảm, những việc làm cụ thể, thiết thực góp phần đổi mới và xây dựng đất nước, chứ không thể nói chung chung, phải biến tình cảm cao quý thiêng liêng này thành một vật báu trưng bày trong tủ kính chứ đừng cất giấu kĩ trong rương, trong hòm thư như trong bài Tinh thần yêu nước của nhân dân ta Hồ Chủ tịch đã nói.
Rất đỗi tự hào về truyền thống anh hùng của dân tộc, tinh thần nồng nàn yêu nước của biết bao thế hệ người Việt Nam và tin tưởng vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, mỗi người học sinh chúng ta phải làm gì để thể hiện một cách cụ thể, sinh động tinh thần yêu nước nồng nàn của mình? Chúng ta hãy yêu thương những người thân gần gũi nhất của mình là ông bà, cha mẹ, họ hàng nội ngoại, thầy cô giáo, bạn hữu và thể hiện lòng yêu thương ấy bằng thái độ chăm sóc, vâng lời, lễ độ, giúp đỡ… Phải biết vì mọi người, không nên chỉ đòi hỏi mọi người phải quan tâm chăm sóc đến riêng mình một cách vị kỉ. Ngoài ra, chúng ta còn phải biết yêu quý và có ý thức giữ gìn các vật dụng bình thường nhất, gần gũi nhất trong đời sống của mình: đồ dùng trong gia đình, tài sản công cộng, biết gắn bó với làng xóm, khu phố mình đang sống.
Trong thời đại chúng ta, yêu Tổ quốc chính là yêu chủ nghĩa xã hội, hòa mình vào mọi hoạt động đổi mới và xây dựng đất nước làm cho dân giàu nước mạnh.
Khi còn là học sinh, tình yêu quê hương đất nước của chúng ta phải biểu hiện cụ thể bằng những việc làm thiết thực như chăm học, chăm làm, tu dưỡng rèn luyện mình. Để mai sau trở thành một người công dân tốt phải biết yêu quý gìn giữ của công, tham gia tích cực vào mọi hoạt động xã hội công ích do nhà trường và địa phương tổ chức. Chính trên cơ sở đó, tình yêu đất nước nhân dân của chúng ta sẽ được bồi dưỡng ngày càng sâu sắc hơn với một nhận thức rõ rệt là lòng yêu Tổ quốc ngày nay phải gắn chặt với việc xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, tiên tiến.
Tóm lại, lòng yêu Tổ quốc là tình cảm thiêng liêng, cao quý của mỗi con người chúng ta được nhà văn Ê-ren-bua nêu lên bằng những biểu hiện cụ thể, nhằm nhắc nhở chúng ta tình yêu ấy phải gắn liền với những hành động và việc làm trong các hoàn cảnh cụ thể.
Mỗi học sinh chúng ta cần hiểu sâu sắc câu nói nổi tiếng này của nhà văn Ê-ren-bua để ra sức rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu trong những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường. Đó là biểu hiện một cách cụ thể lòng yêu Tổ quốc của mình.
Mai Thu