06/02/2018, 10:06

Luyện tập xây dựng và trình bày luận điểm

Hướng dẫn I – CHUẨN BỊ Ở NHÀ Đề bài: "Hãy viết một bài báo tường để khuyên một số bạn trong lớp cần học tập chăm chỉ hơn". 1. Phân tích đề – Thể loại: văn nghị luận (về một vấn đề trong học tập). – Nội dung: khuyên bạn học tập chăm chỉ. – Hình thức: báo tường. – Đối ...

Hướng dẫn

I – CHUẨN BỊ Ở NHÀ

Đề bài: "Hãy viết một bài báo tường để khuyên một số bạn trong lớp cần học tập chăm chỉ hơn".

1. Phân tích đề

– Thể loại: văn nghị luận (về một vấn đề trong học tập).

– Nội dung: khuyên bạn học tập chăm chỉ.

– Hình thức: báo tường.

– Đối tượng tiếp nhận: bạn cùng lớp.

Ngoài các yếu tố về thể loại, nội dung chi phối trực tiếp đến cấu trúc, ngôn ngữ, giọng điệu của bài văn thì hai yếu tố hình thức và đối tượng cũng rất quan trọng. Với hình thức báo tường và đối tượng là bạn bè, người viết có thể sử dụng nhiều giọng điệu khác nhau, nhiều từ ngữ quen thuộc, gần gũi hằng ngày.

2. Tự lập dàn ý để đối chiếu, hoàn thiện trong giờ luyện tập trên lớp.

II – LUYỆN TẬP TRÊN LỚP

1. Xây dựng hệ thống luận điểm

Trong hệ thống luận điểm mà một bạn trong lớp đưa ra, các ý chưa được sắp xếp lô-gíc, hợp lí. Ví dụ như câu (a) và câu (b) không ăn nhập với nhau ("nhiều bạn học giỏi…" thì không thể khiến cho các thầy, cô giáo và các bậc phụ huynh lo buồn).

Có thể sắp xếp lại hệ thống luận điểm trên như sau:

Câu (a) —> câu (c) —> câu (e) —> câu (b) —> câu (d).

2. Trình bày luận điểm

a) Trong những câu được dẫn, câu (3) hay hơn cả vì tình cảm, cảm xúc (lòng mong muốn bạn tiến bộ) của người viết được bộc lộ rõ ràng, do đó hiệu quả thuyết phục sẽ cao hơn.

b) Cách sắp xếp các luận cứ theo trình tự trong SGK đã thể hiện tính lô-gíc, chặt chẽ:

– Ba câu đầu là hệ thống lập luận theo hướng thuận:

+ Câu (1) nêu một vấn đề về tương lai, trong đó trình độ khoa học – kĩ thuật và văn hoá – nghệ thuật ngày một nâng cao.

+ Câu (2) xác định vai trò của tri thức trong xã hội đó.

+ Câu (3) được suy ra từ câu (2): muốn có hi thức thì phải chăm chỉ học tập.

– Câu (4) là một kết luận có tính tất yếu và giàu sức thuyết phục.

c) Cách kết đoạn như vậy có những đặc điểm:

– Tạo ra một giọng điệu tinh nghịch (thậm chí hơi suồng sã), điều đó có thê làm giảm tính thuyết phục của đoạn văn.

– Để kết luận được như vậy, cả bài văn cũng phải có một giọng điệu tương tự thì mới phù hợp. Điều này thật khó tạo được hiệu quả như ý muốn.

Nói chung, để kết thúc đoạn văn này, có thể sử dụng nhiều cách khác nhau, nhiều giọng điệu khác nhau nhưng điều chủ yếu nhất là những giọng điệu đó phải xuât phát từ (và cũng phải thể hiện được) một tình cảm bè bạn chân thành, từ lòng mong muốn thực sự cho sự tiến bộ của bạn cũng như của cả tập thể lớp.

d) Nếu kết luận theo hướng trên (câu chủ đề ở cuối đoạn) thì đây là một đoạn văn được viết theo lối quy nạp.

Có thể biến đổi đoạn văn này thành đoạn văn diễn dịch nhưng phải thay đổi cách dẫn dắt, chuyển ý. Ví dụ:

Người học sinh hôm nay càng ham chơi, không chăm học thì ngày mai càng khó có thể làm được việc gì có ý nghĩa, và do đó càng khó có được niềm vui trong cuộc sống. Điều dó dược giải thích như sau: cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học – kĩ thuật, xã hội càng ngày càng phát triển, càng đòi hỏi con người phải được trang bị hệ thống tri thức tiên tiến...

3. Trình bày các luận điểm chủ yếu đã được chuẩn bị ở nhà.

4. Với luận điểm: "Đọc sách là công việc vô cùng bổ ích, vì nó giúp ta hiểu biết thêm về đời sống", có thể viết đoạn văn theo những luận cứ sau:

– Sách là kho tàng tri thức khổng lồ của nhân loại. Sách cung cấp cho ta những tri thức về hầu hết các lĩnh vực của đời sống.

– Tiếp xúc với sách, con người có cơ hội tiếp xúc với toàn bộ kho tàng văn hoá của văn minh nhân loại. Đó là một phương tiện không gì thay thế được.

– Bởi vậy, đọc sách là công việc vô cùng bổ ích mà qua đó, con người có thể không ngừng làm giàu vốn tri thức của mình.

Mai Thu

0