24/06/2018, 01:04

Bài 23: Phong trào Tây Sơn và sự nghiệp thống nhất đất nước, bảo vệ tổ quốc cuối thế kỉ XVIII – Lịch sử 10

Trong tình hình phân chia hai Đàng, xã hội Việt Nam đã lâm vào tình trạng khủng hoảng, từ đó đặt ra nhu cầu giải quyết tình trạng trên. Phong trào Tây Sơn nổ ra không chỉ đánh bại quân xâm lược Thanh mà còn thống nhất đất nước thành một thể. A. Lý thuyết I. PHONG TRÀO TÂY SƠN VÀ SỰ NGHIỆP ...

Trong tình hình phân chia hai Đàng, xã hội Việt Nam đã lâm vào tình trạng khủng hoảng, từ đó đặt ra nhu cầu giải quyết tình trạng trên. Phong trào Tây Sơn nổ ra không chỉ đánh bại quân xâm lược Thanh mà còn thống nhất đất nước thành một thể.

A. Lý thuyết

I. PHONG TRÀO TÂY SƠN VÀ SỰ NGHIỆP THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (CUỐI THẾ KỶ XVIII)

–       Giữa thế kỷ XVIII chế độ phong kiến ở cả Đàng Ngoài, khủng hoảng sâu sắc, nên phong trào nông dân bùng nổ  và bị đàn áp .

–       1744 Đàng Trong chúa Nguyễn xưng vương, bắt tay xây dựng chính quyền Trung ương, nước ta bị chia làm 2 nước. Chính quyền Đàng Trong khủng hoảng suy yếu, đời sống nhân dân cực khổ. Phong trào nông dân bùng nổ ở Đàng Trong.

–       1771 khởi nghĩa nông dân bùng lên ở Tây Sơn (Bình Định) do Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lãnh đạo .Từ một cuộc khởi nghĩa nhanh chóng  thành phong trào lật đổ chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

–       1786 – 1788 nghĩa quân tiến ra Bắc lật đổ tập đoàn Lê – Trịnh, thống nhất đất nước.

Phong trao Tay Son va su nghiep thong nhat dat nuoc, bao ve to quoc

Lược đồ Tây Sơn khởi nghĩa chống các thế lực phong kiến và chống quân xâm lược nước ngoài.

Phong trao Tay Son va su nghiep thong nhat dat nuoc, bao ve to quoc

Lược đồ căn cứ địa của nghĩa quân Tây Sơn

II. CÁC CUỘC KHÁNG CHIẾN Ở CUỐI THẾ KỶ XVIII

1. Kháng chiến chống quân Xiêm 1785

–       Nguyễn Ánh cầu viện quân Xiêm , Vua Xiêm sai tướng đem 5 vạn quân thủy bộ tiến sang nước ta.

–       Cuối năm 1784 chiếm gần nửa đất Nam Bộ, ra sức cướp phá chuẩn bị tấn công quân Tây Sơn.

–     Năm 1785 Nguyễn Huệ đã tổ chức trận đánh phục kích Rạch Gầm – Xoài Mút (trên sông Tiền – Tiền Giang) đánh tan quân Xiêm, Nguyễn Ánh phải chạy sang Xiêm.

Đây là một thắng lợi lớn tiêu diệt gần 4 vạn quân Xiêm, thể hiện tài tổ chức, cầm quân của Nguyễn Huệ , đập tan mưu đồ xâm lược của quân Xiêm, nêu cao ý thức dân tộc của phong trào Tây Sơn.

Phong trao Tay Son va su nghiep thong nhat dat nuoc, bao ve to quoc

Lược đồ chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút


Phong trao Tay Son va su nghiep thong nhat dat nuoc, bao ve to quoc
Chiến thuyền Tây Sơn trong trận Rạch Gầm – Xoài Mút.

2. Kháng chiến chống quân Thanh (1789)

Sau khi đánh thắng quân Xiêm, 1786 Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc tiêu diệt họ Trịnh. Họ Trịnh đổ, ông tôn phò vua Lê  và kết duyên với Công chúa Lê Ngọc Hân (con gái Lê Hiển Tông). Sau đó ông về Nam (Phú Xuân).

– Ở ngoài Bắc, Nguyễn Hữu Chỉnh giúp vua Lê Chiêu Thống phản bội Tây Sơn. Sau khi bị quân Tây Sơn đánh vua Lê Chiêu Thống đã cầu cứu quân Thanh. Vua Thanh đã cho 29 vạn quân sang nước ta.

Phong trao Tay Son va su nghiep thong nhat dat nuoc, bao ve to quoc

Lược đồ diễn biến trận đánh Ngọc Hồi – Đống Đa (Tết Kỷ Dậu -1789)

–       Vua Lê Chiêu Thống cầu viện quân Thanh kéo sang nước ta.

–       Năm 1788 Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế (25 – 11 – 1788.), lấy niên hiệu là Quang Trung chỉ huy quân tiến ra Bắc.

–       Trên đường đi đã dừng lại ở Nghệ An, Thanh Hoá để tuyển thêm quân .

–       Đêm 30 Tết (25-1-1789) quân ta tiến công  với khí thế từ lời Hiểu dụ  của Vua Quang Trung.

–       Đánh cho để dài tóc

–       Đánh cho để đen răng

–       Đánh cho nó chích luân bất phản

–       Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn

–       Đánh cho sử tri nam quốc anh hùng chi hữu chủ. (Thể hiện tinh thần  dân tộc cao cả, ý thức quyết tâm bảo vệ độc lập).

–       Bài hiểu dụ đã cổ vũ, tạo khí thế quyết tâm chiến đấu của nghĩa quân Tây Sơn

Phong trao Tay Son va su nghiep thong nhat dat nuoc, bao ve to quoc

Phối cảnh Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế tại núi Bân

–       Sau 5 ngày  tiến quân thần tốc, mùng 5 Tết 1789 nghĩa quân Tây Sơn chiến thắng vang dội ở Ngọc Hồi – Đống Đa tiến vào Thăng Long đánh bại hoàn toàn quân xâm lược.

–       Phong trào nông dân Tây Sơn đã bước đầu hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước và bảo vệ tổ quốc.

* Công lao của phong trào nông dân Tây Sơn và Nguyễn Huệ:

–      Tiêu diệt các tập đoàn phong kiến phản động và trong cuộc kháng chiến chống Xiêm và chống quân Thanh.

–       Thống nhất đất nước và bảo vệ tổ quốc.

Phong trao Tay Son va su nghiep thong nhat dat nuoc, bao ve to quoc

III. VƯƠNG TRIỀU TÂY SƠN

–       Năm 1778 Nguyễn Nhạc xưng Hoàng đế (hiệu Thái Đức) , Vương triều Tây Sơn thành lập.

–      Năm 1788 Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế thống trị vùng đất từ Thuận Hóa trở ra Bắc.

–       Thành lập chính quyền các cấp, kêu gọi nhân dân khôi phục sản xuất.

–       Lập lại sổ hộ khẩu, tổ chức lại giáo dục, thi cử, tổ chức quân đội (dịch chữ Hán, chữ Nôm để làm tài liệu dạy học).

–       Đối ngoại hòa hảo với nhà Thanh, quan hệ với Lào và Chân Lạp rất tốt đẹp.

–       Năm 1792 Quang Trung qua đời.

–       Năm 1802 Nguyễn Ánh tấn công, các vương triều Tây Sơn lần lượt sụp đổ.

Phong trao Tay Son va su nghiep thong nhat dat nuoc, bao ve to quoc
                                                      Tượng đài Quang Trung ở Bình Định

B. Bài tập

Câu 1: Em biết gì thêm về trận Rạch Gầm – Xoài Mút ?

Trả lời:
Đầu những năm 80 của thế kỉ XVIII, sau khi chính quyền chúa Nguyễn bị lật đổ, một người cháu chúa Nguyễn là Nguyễn Ánh đã cùng tàn quân trốn chạy sang Xiêm (Thái Lan) cầu cứu. Vua Xiêm sai tướng đem 5 vạn quân thuỷ, bộ tiến sang nước ta theo sự dẫn đường của quân Nguyễn Ánh. Sau khi chiếm được gần một nửa đất Gia Định (Nam Bộ ngày nay), chúng ra sức cướp phá, hoành hành và chuẩn bị tấn công quân Tây Sơn ở vùng đất còn lại.
Được tin đó, vua Tây Sơn là Thái Đức (Nguyẻn Nhạc) đã sai em là Nguyễn Huệ đem binh thuyền vào Nam chống giặc. Được sự ủng hộ của nhân dân, đầu năm 1785, Nguyễn Huệ đã tổ chức trận Rạch Gầm – Xoài Mút đánh tan tành quân xâm lược. Nguyễn Ánh theo cánh tàn quân Xiêm chạy thoát. Miền Nam trở lại yên bình.

Câu 2: Phân tích ý nghĩa đoạn trích trong bài hiểu dụ núi trên của vua Quang Trung

Trả lời:
Bài dụ khẳng định ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, phong tục tập quán để tóc dài và nhuộm răng đen của người Việt Nam; đồng thời nói lên quyết tâm đánh giặc để bảo vệ độc lập dân tộc; tiêu diệt khiến cho quân giặc mảnh giáp không còn, không một chiếc xe nào trở về, để cho chúng biết nước Nam anh hùng là có chủ.
Nguyễn Huệ là nhà quân sự thiên tài. Trong hoạt động quân sự, ông chủ động tập trung lực lượng đánh vào những mục tiêu chiến lược trọng yếu nhất và hành động liên tục, bất ngờ, chớp nhoáng, quyết liệt làm cho đối phương không kịp đối phó.
Nguyễn Huệ còn là nhà chính trị sáng suốt. Từ mục tiêu trước mắt của phong trào nông dân là đánh đổ chế độ áp bức Trịnh – Nguyễn, Nguyễn Huệ đã vươn lên nhận thức được nhiệm vụ dân tộc là thống nhất đất nước và đánh đuổi ngoại xâm.

Câu 3: Hãy cho biết đặc điểm của cuộc kháng chiến chống quân Thanh

Trả lời:
Đặc điểm: diễn ra ngay sau khi Quang Trung-Nguyễn Huệ lên ngôi, nổ ra trong thời gian ngắn chưa đầy 10 ngày, được xem là chiến công đỉnh cao của thiên tài quân sự Nguyễn Huệ,với một lực lượng yếu hơn địch nhiều lần (hơn 10 vạn mà chọi với 29 vạn),và là cuộc hành quân thần tốc, là cuộc chiến tranh của toàn dân chống giặc,trong đó nổi bật vai trò của người nông dân với vị lãnh tụ áo vải của họ . Cuộc kháng chiến này cũng chấm dứt thời kì xâm lược của các triều đại phong kiến Trung Quốc.

Câu 4: Vương triều của Quang Trung đã làm được những gì ? Đánh giá những việc làm đó

Trả lời:
Sau khi tiêu diệt các lực lượng chúa Nguyễn, năm 1778, thủ lĩnh nghĩa quân Tây Sơn là Nguyễn Nhạc tự xưng Hoàng đế, thành lập vương triều nhưng không làm được gì thêm. Cuộc khởi nghĩa vẫn tiếp tục. Cuối năm 1788, trước khi xuất quân lên đường ra Bắc chiến đấu chống quân xâm lược Thanh, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế (Quang Trung) và sau ngày chiến thắng, chính thức xây dựng vương triều mới theo chế độ quân chủ chuyên chế, thống trị trên vùng đất từ Thuận Hoá trở ra Bắc. Chính quyền các trấn được thành lập. Vua Quang Trung ban chiếu kêu gọi nhân dân khôi phục sản xuất, lập lại sổ hộ, tổ chức lại giáo dục thi cử. Đất nước dần dần được ổn định. Quân đội được tổ chức quy củ và trang bị vũ khí đầy đủ. Vua Quang Trung đặt quan hệ hoà hảo với nhà Thanh và được nhà Thanh rất tôn trọng. Quan hệ với Lào và Chân Lạp diễn ra tốt đẹp.

Câu 5: Đánh giá công lao của phong trào Tây Sơn trong việc thống nhất đất nước.

Trả lời:

–    Lật đổ chính quyền họ Nguyễn ở Đàng Trong :

+ Năm 1771. cuộc khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra, năm 1773 đánh chiếm Quy Nhơn.

+ Năm 1777, quân Tây Sơn đã lật đổ chính quyền của chúa Nguyễn.

–     Lạt đổ chính quyền Trịnh – Lê :

+ Năm 1786, Nguyễn Huệ mang quân ra Bắc lật đổ chính quyền chúa Trịnh.

+ Năm 1788, Nguyễn Huệ mang quân ra Bắc lật đổ chính quyền vua Lê.

–   Như vây chỉ sau 17 năm (1771 – 1788), phong trào Tây Sơn đã lần lượt tiêu diệt 3 tập đoàn phong kiến Nguyễn – Trịnh – Lê, xoá bỏ sự chia cắt Đàng Trong – Đàng Ngoài hơn 2 thế kỉ. Bước đầu hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước.

Những chuyên mục hay của Lịch sử lớp 10:

  • Giải bài tập Sách giáo khoa môn Lịch sử lớp 10
  • Câu hỏi ôn tập môn Lịch sử lớp 10
  • Đáp án môn Lịch sử lớp 10
  • Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 10

Trên đây chúng tôi đã tóm tắt quá trình thống nhất đất nước và diễn biến của các cuộc đấu tranh chống quân xâm lược Xiêm, Thanh. Chúc các bạn học tập có hiệu quả!

0