06/02/2018, 10:33

Bài 15 – Bài kiểm tra tổng hợp cuối học kì I

Bài 15 – Bài kiểm tra tổng hợp cuối học kì I Hướng dẫn 1. Về phần Văn a) Xem kĩ phần hướng dẫn ôn tập trong SGK. b) Nắm được nội dung cụ thể của mỗi truyện đã học trong chương trình: nhân vật, cốt truyện, một số chi tiết tiêu biểu và ý nghĩa của truyện. Học sinh tự đọc lại các ...

Bài 15 – Bài kiểm tra tổng hợp cuối học kì I

Hướng dẫn

1. Về phần Văn

a) Xem kĩ phần hướng dẫn ôn tập trong SGK.

b) Nắm được nội dung cụ thể của mỗi truyện đã học trong chương trình: nhân vật, cốt truyện, một số chi tiết tiêu biểu và ý nghĩa của truyện.

Học sinh tự đọc lại các bài học và tự tổng kết.

Sau đây là một vài ví dụ:

Truyện Con Rồng cháu Tiên

– Nhân vật: Lạc Long Quân và Âu Cơ, các con, vua Hùng.

– Cốt truyện: Lạc Long Quân nòi rồng, nhiều phép lạ. Âu Cơ nòi tiên, xinh đẹp tuyệt trần. Hái người kết hôn. Âu Cơ đẻ ra một bọc trăm trứng, nở thành một trăm con. Hai người chia tay: Lạc Long Quân đem 50 con xuống biển. Âu Cơ đem 50 con lên núi. Người con trưởng (theo Âu Cơ) được tôn lên làm vua, lấy hiệu Hùng Vương. Do đó người Việt Nam luôn nhận nguồn gốc của mình là con Rồng, cháu Tiên.

– Một số chi tiết tiêu biểu của truyện này:

+ Sự xuất hiện khác thường của Lạc Long Quân và Âu Cơ

+ Sự kết hôn và việc sinh đẻ kì lạ của Âu Cơ

+ Việc chia con và chia tay giữa hai vợ chồng

+ Việc người con trưởng lên làm vua, lấy hiệu Hùng Vương, mở ra triều đại đầu tiên của nước Việt Nam ta.

– Ý nghĩa của truyện: Truyện Con Rồng, cháu Tiên muốn giải thích nguồn gốc giống nòi và thể hiện ý nguyện đoàn kết, thống nhất cộng đồng của người Việt.

Truyện Thạch Sanh

Các nhân vật: Bố mẹ Thạch Sanh, Ngọc Hoàng, Thái Tử (con Ngọc Hoàng), Thạch Sanh, thiên thần, Lí Thông, mẹ Lí Thông, chằn tinh, nhà vua, công chúa, hoàng tử các nước, đại bàng, thái tử (con vua Thủy Tề), vua Thủy Tề, các thầy thuốc, quân sư mười tám nước.

Trong các nhân vật đó thì Thạch Sanh là nhân vật chính.

– Cốt truyện: Thạch Sanh có tiền thân là thái tử con của Ngọc Hoàng thượng đế. Chàng được sinh ra trong một gia đình nghèo.

Vừa lớn lên thì mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống một mình bên gốc đa, dùng búa kiếm củi nuôi thân, được Ngọc Hoàng truyền dạy nhiều phép thuật

+ Lí Thông nhận Thạch Sanh làm anh em kết nghĩa.

+ Thạch Sanh bị lừa đi nộp mạng cho chằn tinh nhưng chàng đã giết chết chằn tinh, lấy được cung tên vàng. Chàng lại bị Lí Thông lừa để cướp công. Lí Thông được phong Quận công còn chàng lại trở về sống ở gốc đa.

+ Một hôm thấy đại bàng cắp một người con gái bay qua, chàng bắn đại bàng bị thương. Lần theo vết máu, chàng biết được hang đại bàng.

+ Người con gái bị đại bàng bắt là công chúa.

+ Lí Thông được vua sai đi tìm công chúa.

+ Hắn mở hội chèo, gặp lại Thạch Sanh và được biết tin về công chúa.

+ Thạch Sanh dẫn Lí Thông đi cứu công chúa.

+ Chàng diệt đại bàng, cứu được công chúa lên khỏi hang nhưng bị Lí Thông nhốt ở dưới hang.

+ Chàng gặp con vua Thủy Tề ở trong hang, cứu ra và được xuống thăm thủy cung, được ban tặng cây đàn thần. Chàng trở về gốc đa, bị hồn chằn tinh và đại bàng trả thù phải vào tù.

+ Lí Thông cướp công cứu công chúa của Thạch Sanh. Công chúa buồn bã và bị câm.

+ Trong tù ngục, Thạch Sanh đem đàn ra gẩy. Tiếng đàn đã thức tỉnh công chúa và công chúa xin vua cho gọi chàng vào cung.

+ Lí Thông bị vạch mặt. Hai mẹ con bị đuổi về quê, giữa đường bị sét đánh chết hóa thành bọ hung.

+ Thạch Sanh cưới công chúa rồi dùng tiếng đàn chính nghĩa xua tan được quần địch. Chàng dùng niêu cơm thần thết đãi chúng rồi cho chúng về nước.

+ Thạch Sanh lên làm vua.

– Một số chi tiết tiêu biểu:

+ Thạch Sanh vốn là con nhà Trời.

+ Thạch Sanh được truyền dạy nhiều phép thuật.

+ Thạch Sanh kết nghĩa anh em với Lí Thông.

+ Thạch Sanh diệt chằn tinh thu được cung tên vàng.

+ Thạch Sanh bị Lí Thông cướp công.

+ Thạch Sanh cứu công chúa và cũng bị cướp công.

+ Chàng xuống thủy cung và được tặng cây đàn thần.

+ Nhờ cây đàn này mà chàng gặp lại công chúa, đuổi được quân các nước chư hầu và lên làm vua, sống hạnh phúc cùng vợ là công chúa.

– Ý nghĩa của truyện: Truyện Thạch Sanh đề cao tài đức của người lao động. Truyện còn thể hiện ước mơ, niềm tin vào đạo đức, công lí xã hội và lí tưởng nhân đạo, yêu hòa bình của nhân dân ta.

c) Nắm được đặc điểm của mỗi thể loại truyện đã học:

– Truyền thuyết có nhiều yếu tố tưởng tượng, kì ảo và luôn gắn với các nhân vật sự kiện lịch sử thời xa xưa. Truyền thuyết có mối quan hệ chặt chẽ với thần thoại.

– Truyện cổ tích cũng có những yếu tố hoang đường nhưng gần với cuộc sống của những con người lao động bình thường hơn.

Các nhân vật trong cổ tích thường là: những người bất hạnh, những dũng sĩ và người có tài năng kì lạ; những người thật thông minh hoặc quá ngốc nghếch; những con vật được nhân hóa.

Truyện cổ tích thường thể hiện ước mơ và niềm tin của nhân dân về sự chiến thắng của cái thiện đối với cái ác, của cái tốt đối với cái xấu, của sự công bằng đối với sự bất công.

– Truyện ngụ ngôn là loại truyện kể bằng văn xuôi hay văn vần, mượn chuyện về loài vật, đồ vật hoặc về chính con người để nói bóng gió, kín đáo chuyện con người, nhằm khuyên nhủ con người hoặc răn dạy họ về một bài học nào đó trong cuộc sống.

– Truyện cười thường kể về những hiện tượng đáng cười trong cuộc sống. Để gây cười, truyện thường khai thác những nét ngược đời, trái với lẽ thông thường hoặc khai thác những mâu thuẫn đầy kịch tính ở các nhân vật.

Truyện cười nhằm tạo ra tiếng cười để giải trí, mua vui hoặc để phê phán những thói hư, tật xấu trong xã hội.

– Truyện trung đại Việt Nam là loại truyện văn xuôi viết bằng chữ Hán, thường mang tính giáo huấn. Truyện vừa có loại hư cấu (tưởng tượng, kì ảo) vừa có loại gắn với kí (ghi chép sự việc), hoặc có loại gần với sử (ghi chép chuyện thật). Cốt truyện thường đơn giản. Nhân vật thường được kể qua ngôi thứ ba hoặc qua ngôn ngữ đối thoại của chính họ.

→ Nắm vững các đặc điểm trên thì có thể trả lời tại sao truyện ThánhGióng lại là truyền thuyết, tại sao truyện Đeo nhạc cho mèo lại là ngụ ngôn.

2. Về phần Tiếng Việt

(Ôn theo sự hướng dẫn của SGK Ngữ văn 6, tập một)

a) Cấu tạo từ: Có hai loại từ.

Từ đơn: Chỉ có một tiếng như: nhà, đen, cây…

Từ phức: Có từ hai tiếng trở lên. Từ phức gồm có từ ghép như: nhà cửa, chăn nuôi, bánh chưng…; từ láy như: xinh xinh, xinh xắn, thênh thang…

– Từ mượn: đó là những từ mượn từ tiếng nước ngoài.

Từ mượn từ tiếng Hán: học tập, hiệu trưởng, học bạ…

Từ mượn từ tiếng Pháp: xà bông, compa, êke…

Từ mượn từ tiếng Anh: mít tinh, nốc ao…

– Nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ: Nghĩa của từ là nội dung mà từ biểu thị.

Do có hiện tượng chuyển nghĩa mà có những từ nhiều nghĩa. Từ nhiều nghĩa có nghĩa gốc và nghĩa chuyển. Nghĩa chuyển là nghĩa được hình thành trên cơ sở của nghĩa gốc. Hiện tượng từ nhiều nghĩa tạo nên sự phong phú, tinh tế của tiếng Việt.

– Các từ loại:

+ Danh từ (xem trang 86, 87, 108, 109 SGK Ngữ văn 6, tập một)

+ Động từ (xem trang 145, 146 SGK Ngữ văn 6, tập một)

+ Tính từ (xem trang 153, 154 SGK Ngữ văn 6, tập một)

+ Số từ (xem trang 128, 129 SGK Ngữ văn 6, tập một)

+ Lượng từ (xem trang 128, 129 SGK Ngữ văn 6, tập một)

+ Chỉ từ (xem trang 136, 137, 138 SGK Ngữ văn 6, tập một)

+ Cụm danh từ (xem trang 116, 117, 118 SGK Ngữ văn 6, tập một)

+ Cụm động từ (xem trang 197, 198, 199 SGK Ngữ văn 6, tập một)

+ Cụm tính từ (xem trang 155, 156 SGK Ngữ văn 6, tập một)

b) Biết vận dụng kiến thức về tiếng Việt vào việc viết, đọc và hiểu các văn bản đã học cũng như vào việc tạo lập các văn bản tự sự.

3. Về phần Tập làm văn

a) Tìm hiểu chung về văn tự sự:

– Thế nào là tự sự? Mục đích của tự sự?

+ Tự sự là kể chuyện, là trình bày một chuỗi các sự việc, sự việc này dẫn đến sự việc kia, cuối cùng dẫn đến một kết thúc, thể hiện một ý nghĩa.

+ Tự sự có mục đích giải thích sự việc, tìm hiểu con người, nêu vấn đề và bày tỏ thái độ khen, chê.

– Dàn bài của một bài văn tự sự: gồm các phần: Mở bài, thân bài, kết bài.

+ Mở bài: giới thiệu chung về nhân vật và sự việc.

+ Thân bài: kể diễn biến sự việc.

+ Kết bài: kể kết cục của sự việc.

– Ngôi kể trong văn tự sự:

+ Trong văn tự sự người kể có thể xưng "tôi" tức là kể theo ngôi thứ nhất. Theo ngôi này người kể có thể trực tiếp kể ra những gì mình nghe, mình thấy, mình trải qua và có thể trực tiếp nói lên cảm tưởng, ý nghĩ của mình.

+ Người kể có thể tự giấu mình đi, có thể gọi các nhân vật bằng tên của chúng, tức là kể theo ngôi thứ ba. Theo ngôi này, người kể có thể kể linh hoạt, tự do những gì diễn ra với nhân vật.

– Thứ tự kể trong văn tự sự: Khi kể chuyện người kể có thể kể các sự việc theo thứ tự tự nhiên: việc xảy ra trước kể trước, việc xảy ra sau kể sau, cho đến kết thúc.

Người kể cũng có thể đảo lộn thứ tự: kể việc đang xảy ra trước sau đó mới dùng cách kể bổ sung, dùng hồi tưởng để kể lại các việc đã xảy ra từ trước.

b) Biết các làm một bài văn tự sự:

– Kể lại một chuyện dân gian đã học.

– Kể lại một chuyện trong đời sống hàng ngày.

– Kể lại một câu chuyện tưởng tượng.

Xem lại các bài tham khảo ở các tuần (tức là các bài) trước đây:

Ví dụ các tuần 9, tuần 10, tuần 11, tuần 12, tuần 13, tuần 14 (tức là các

bài 9, bài 10, bài 11, bài 12, bài 13, bài 14…).

Hướng dẫn kiểm tra đánh giá

Đề bài gồm hai phần:

• Phần I: Trắc nghiệm

Đọc đoạn văn sau và khoanh tròn vào chữ cái của câu trả lời đúng nhất.

"Thủy Tinh đến sau, không lấy được vợ, đùng đùng nổi giận, đem quân đuổi theo đòi cướp Mị Nương. Thần hô mưa, gọi gió làm thành dông bão rung chuyển cả đất trời, dâng nước sông lên cuồn cuộn đánh Sơn Tinh. Nước ngập ruộng đồng, nước ngập nhà cửa, nước dâng lên lưng đồi, sườn núi, thành Phong Châu như nổi lềnh bềnh trên một biển nước”.

1. Đoạn văn trên được viết theo phương thức biểu đạt chính nào?

A. Biểu cảm (B). Tự sự. C. Miêu tả D. Nghị luận

2. Người kể ở ngôi thứ mấy?

A. Ngôi thứ nhất

(C). Ngôi thứ ba

B. Ngôi thứ hai

D. Ngôi thứ nhất số nhiều

3. Đoạn văn trên có mục đích gì?

A. Tả cảnh sông nước

C. Nêu cảm nghĩ về lụt lội

(B). Kể về người và việc

D. Bàn về tác hại của lụt lội

4. Đoạn văn trên kể theo thứ tự nào?

(A). Theo thứ tự thời gian

B. Theo kết quả trước, nguyên nhân sau

C. Theo vị trí trên núi trước, dưới nước sau

D. Không theo thứ tự nào

5. Câu "Nước ngập đồng ruộng, nước ngập nhà cửa, nước dâng lên lưng đồi, sườn núi" có mấy cụm động từ?

A. Một cụm B Hai cụm (C). Ba cụm D. Bốn cụm

6. Câu "Thành Phong Châu như nổi lềnh bềnh trên một biển nước" có mấy cụm danh từ?

A. Một cụm (B) Hai cụm C. Ba cụm D. Bốn cụm

7. Đoạn văn trên có mấy từ láy?

A. Một từ (B) Hai từ C. Ba từ D. Bốn từ

8. Trong các từ sau đây, từ nào là từ mượn?

A. Dông bão (B) Thủy tinh C. cuồn cuộn D. biển

9. Nghĩa của từ "lềnh bềnh" được giải thích theo cách nào?

Lềnh bềnh: ở trạng thái nổi hẳn lên bề mặt và trôi nhẹ nhàng theo làn sóng, làn gió

(A). Miêu tả sự vật, hành động mà từ biểu thị

B. Trình bày khái niệm mà từ biểu thị

C. Đưa ra từ đồng nghĩa với từ cần giải thích

D. Đưa ra từ trái nghĩa với từ cần giải thích

• Phần II: Tự luận

Đề: Hãy đóng vai trò bà đỡ Trần để kể lại câu chuyện Con hổ có nghĩa.

Bài tham khảo

Mở bài: Tôi họ Trần, có gốc tích lâu đời ở huyện Đông Triều. Tôi làm nghề đỡ đẻ (hộ sinh) đã hơn hai chục năm nay và đã giúp cho hàng trăm phụ nữ vượt qua những khó khăn trong việc sinh nở.

Thân bài: Một đêm nọ, tôi nghe có tiếng động cửa hơi khác thường: vừa như tiếng gõ, vừa như tiếng cào cào cánh cửa. Tôi mở cửa ra xem có ai tới mời mình đi đỡ đẻ không. Chuyện này đã thường xuyên xảy ra, có khi quá nửa đêm người ta vẫn tới mời đi vì việc sinh nở đâu có định rõ giờ giấc nào. Nhưng cửa đã mở, tôi cầm ngọn đèn dầu giơ lên soi, chẳng thấy bóng dáng một ai. Tôi toan trở vào nhà, chợt từ một bụi cây gần cửa, một con hổ lao ra. Tôi sợ quá nhưng cũng vẫn còn nhìn rõ hai mắt sáng lóng lánh, những cái râu dài hai bên mép và những vết vằn trên lưng nó, rồi sau đó ngất xỉu đi, cái đèn trên tay văng ra và vỡ tan khi nào chẳng rõ. Khi tôi tỉnh lại thì đã thấy mình năm trong hang hổ. Thì ra con hổ đã vồ lấy tôi rồi khéo léo ôm tôi chạy mãi vào rừng và đưa tôi tới tận đây.

Tôi nghĩ: hổ sắp ăn thịt mình rồi, và đành nhắm mắt lại chờ chết. Nhưng lát sau, không thấy hổ cắn xé, tôi đánh bạo mở mắt ra thì nhờ ánh trăng chiếu vào cứa hang, tôi nhận ra có một con hổ nữa đang lăn lộn dưới đất. Tôi nhìn kĩ thì thấy cái bụng nó rất to và tôi hiểu ra: nó là con hổ cái đang đau đẻ và tôi được đón đến đây chính là để đỡ đẻ cho nó. Thật là một dịp đỡ đẻ khác thường! Lúc này hổ đực tỏ vẻ rất hiền lành cầm lấy tay tôi nhìn về phía hổ cái như có ý nói: "bà hãy giúp cho vợ tôi được mẹ tròn con vuông!"

Sẵn có thuốc mang theo trong túi, tôi hòa ra cho hổ cái uống rồi xoa bóp bụng cho nó. Lát sau hổ đẻ được hai con hổ nhỏ rất xinh xắn. Hổ mẹ mệt mỏi nằm ngủ thiếp đi mặc cho hai đứa con bò tìm vú để bú sữa. Hổ đực tỏ vẻ vui mừng lắm. Nó đào bới ở góc hang rồi móc lên một cục bạc lớn. Sắc bạc sáng lóng lánh dưới ánh trăng. Nó cầm cục bạc đặt vào tay tôi rồi dẫn tôi ra khỏi rừng.

Khi đã về tới gần nhà tôi thì gà xóm đã gáy vang, trời cũng sắp sáng, hổ đực cúi đầu, vẫy đuôi tỏ ý chào cáo từ rồi quay đầu chạy vụt vào rừng.

Kết bài: Năm ấy trời làm lũ lụt, mùa màng mất cả, nhiều gia đình rất cùng quẫn, đói ăn. Riêng tôi, nhờ có số bạc hổ tặng cho mà có thể sống qua những ngày tháng gieo neo. Qua chuyện này, tôi mới hiểu ra rằng, hổ là loài thú dữ, chuyên ăn thịt nhiều loài vật khác, nhưng nó cũng biết sống có tình có nghĩa.

Mai Thu


Từ khóa tìm kiếm:

  • với dàn ý hãy tưởng tượng trong một giấc mơ em được gặp thạch sanh thạch sanh đã tặng cho em cây đàn với cây đàn đó em đã làm nhiều việc có ích cho cuộc sống hãy tưởng tượng và viết lại câu chuyện của riêng mình
0