06/02/2018, 10:28

Bài 28 – Viết bài tập làm văn số 7 – Văn miêu tả sáng tạo (Làm tại lớp)

Bài 28 – Viết bài tập làm văn số 7 – Văn miêu tả sáng tạo (Làm tại lớp) Hướng dẫn Đề 1: Em hãy tả quang cảnh một phiên chợ theo trí tưởng tượng của em. Bài tham khảo Mở bài: Vào dịp cuối năm, khoảng hai mươi tám tháng chạp âm lịch, mẹ em thường đi chợ sắm Tết và em được mẹ ...

Bài 28 – Viết bài tập làm văn số 7 – Văn miêu tả sáng tạo (Làm tại lớp)

Hướng dẫn

Đề 1: Em hãy tả quang cảnh một phiên chợ theo trí tưởng tượng của em.

Bài tham khảo

Mở bài: Vào dịp cuối năm, khoảng hai mươi tám tháng chạp âm lịch, mẹ em thường đi chợ sắm Tết và em được mẹ cho đi theo. Đi chợ Tết, đó là một niềm vui lớn đối với em.

Thân bài: Nhà em cách chợ khoảng một cây số rưỡi. Đường từ xóm em tới chợ đã được đắp sửa lại nên xe ô tô cũng có thể chạy được. Trên đường, người đi chợ thật đông vui. Người thì gánh những thúng gạo nếp trắng ngần. Người thì gánh lá chuối, lá dong. Nhiều chiếc xe đạp thồ những lồng sắt lớn đang nhốt đầy gà. Rồi cam, quít, bưởi, cải bắp, cải xanh, rau thơm, hành củ… cứ ùn ùn kéo về chợ như nước của dòng sông đổ ra biển cả. Em đi sau mẹ, loáng cái đã tới chợ rồi. Chợ Tết quá đông nên khuôn viên của chợ trở nên nhỏ hẹp không còn đủ sức chứa hết người bán, người mua nên người ta tràn cả ra đường ở quanh chợ để bày hàng. Chợ Tết, so với chợ hàng ngày thì thêm rất nhiều mặt hàng như tranh tết. Phải có tới hàng chục người ngồi bên lề đường bày bán tranh tết.. Đủ thứ tranh dân gian như tranh gà, tranh heo, tranh trâu, tranh cá, tranh hoa, tranh tố nữ, tranh mèo dạy học, tranh tiến tài, tiến lộc… Màu sắc của các bức tranh thật sặc sỡ và vui mắt. Bên những bức tranh còn có đủ loại lịch, lịch nào in cũng đẹp, màu sắc thật tươi vui. Ở chợ Tết, người bán quần áo cũng nhiều. Người ta trải chiếu ra ven đường rồi xếp lên đó hàng đống quần áo may sẵn. Quần áo người lớn có, quần áo trẻ em có. Em theo mẹ len vào trong chợ. Chỗ nào cùng chật ních người. Chỗ nào cũng đầy ắp hàng hóa, nào là vải vóc, giầy dép, nào là gạo, dầu, đường, nào là gà, vịt, thịt bò, thịt heo, cá… Người mua tíu tít xem hàng. Người bán nhanh nhẹn gói hàng, đếm tiền… Ai cũng có vẻ bận rộn, vội vã.

Mẹ em chọn mua một đôi gà mái, một cân thịt heo và một chục trứng, hai quả dưa hấu lớn. Em thì mua một con heo đất, hai tờ tranh và một tờ lịch mới. Sau hơn hai giờ đi chơi chợ, hòa mình vào phiên chợ sầm uất náo nhiệt, em lại theo mẹ trở về nhà.

Kết bài: Việc đi chợ Tết luôn để trong em những ấn tượng tốt đẹp.

Được ngắm nhìn quang cảnh chợ Tết, em thấy quê hương mình thật trù phú và cũng thật thanh bình. Em cẩn thận ôm con heo đất trong tay và tự hứa: trong năm tới em sẽ hết sức chăn nuôi nó bằng tiền tiết kiệm để sang năm, khi đi chợ tết em có thể sắm được nhiều thứ đẹp hơn.

Đề 2: Em hãy tả cảnh lao động khẩn trương trên cánh đồng lúa quê em lúc gặt rộ.

Dàn bài

I. Mởbài: Giới thiệu cảnh lao động khẩn trương trên cánh đồng quê em.

II. Thân bài: Công việc trong ngày gặt rộ: cắt, gặt, bó lúa… chất lên xe chở về kho.

III. Kết bài: Suy nghĩ của em.

Bài tham khảo

"Quê em đồng lúa nương dâu

Có dòng sông nhỏ nhịp cầu bắc ngang"

Tôi sông dưới quê từ nhỏ nên biết rất rõ công việc đồng áng. Lúc này, quê tôi đang vào vụ thu hoạch, thời điểm rất khẩn trương nhưng cũng rất vui vẻ.

Ò ó o o… Tiếng gà gáy vang vang cuối xóm. Trời tờ mờ sáng, sương phủ dày đặc. Mờ mờ ảo ảo trong màn sương là cả một cánh đồng lúa mênh mông, vàng óng ả, đang chờ tay người gặt. Một mùi thơm thoang thoảng, ngọt ngào như dòng sữa mẹ, phảng phất đâu đây. Cảm giác bồng bềnh lâng lâng tràn ngập trong lòng tôi.

Bỗng từ xa, tiếng chân đi thình thịch. Các chị, các anh xã viên vác lưỡi hái, lưỡi liềm, quang gánh trên vai đi tới. Bộ quần áo nâu giản dị, chân không giày dép, đầu đội nón lá. Những khuôn mặt xương xương của những người lớn tuổi lấp chìm trong vành nón.

Vừa tới ruộng, mọi người đã hồ hởi bắt tay vào công việc. Mọi người ùa xuống ruộng. Quần xắn cao để lộ lớp da đen nâu vì phải đội nắng, dầm mưa. Những bước chân dưới bùn nghe lõm bõm. Ruộng nước, bùn đến quá mắt cá chân.

Các nhóm tất bật làm. Mấy bà, mấy chị lom khom tay cầm liềm, tay quơ lúa, cắt giật soàn soạt. Liềm đi tới đâu, gốc lúa trơ ra đến đấy. Mấy bà, mấy chị dàn hàng ngang mà gặt.

Bên nhóm nam rất sung sức, chẳng chịu thua bên nữ. Họ hăng say gặt lúa. Họ tất bật bó lúa. Dù lúa có trốn tránh ở đâu cũng bị vạt ngọn, trơ gốc. Bùn bắn lấm tấm lên quần, lên áo, lên đôi tay rắn chắc. Lội chỗ này, gặt chỗ nọ, mọi người mải miết làm không còn biết mệt.

Có tiếng hò vang lên từ nhóm nữ như thách thức, như mời chào. Giọng nữ vừa dứt thì một giọng nam đã cất lên trả lời liền. Cứ thế, hò qua, đối lại. Có anh vỗ ngực hát. Có chị bụm miệng cười. Rồi tiếng cười lan ra khắp ruộng.

Mấy anh con trai, thân trần trùng trục, ôm từng bó lúa xếp lên xe chở về. Lúa chất cao dần lên xe. Nhìn những bó lúa vàng óng, mọi người mỉm cười khoan khoái. Tôi cũng mỉm cười như muốn chia niềm vui với họ.

Mặt trời càng lên cao, không khí càng nóng. Ánh nắng gay gắt chiếu xuống cánh đồng, chiếu trên những cái lưng lom khom. Tấm áo bỗng trở nên mỏng manh như nắng có thể xuyên qua được. Thế nhưng, các bà, các chị vẫn hăng say làm việc. Chốc chốc lại có người đưa tay quệt mồ hôi trên khuôn mặt đỏ bừng.

Lúa chất lên xe kéo về sân kho. Cái sân không rộng lắm, lát bằng xi măng, ở giữa lù lù chiếc máy tuốt lúa. Người ta lấy từng bó lúa bỏ vào miệng nó. Nó nhằn nhằn một lúc rồi nhả ra bao nhiêu là thóc, rơi tung tóe xuống gầm máy. Máy xinh xịch chăm chỉ làm. Anh con trai xoa đầu chiếc máy khen "giỏi quá!". Rồi anh đọc bài thơ chiếc máy tuốt lúa. Mọi người xung quanh phì cười. Thóc chất lên xe bò đầy ăm ắp. Hai con bò lê từng bước về. Vài hạt thóc còn vương vãi, mấy con chim gáy sà xuống. Mặt trời đứng bóng. Đã trưa quá rồi. Mọi người nghỉ tay. Lưng áo ai cũng đẫm mồ hôi, nhưng nét mặt mọi người tỏ rõ vẻ sung suớng. Tiếng cười, giọng nói hân hoan. Người ta nhẩm tính sản lượng từng thửa ruộng vừa gặt.

Ít lâu sau, tôi lên thành phố học. Nhưng cứ mỗi lần bưng bát cơm trắng lên tôi lại nhớ đến buổi gặt hôm ấy, cảnh lao động khẩn trương của bà con. Và tôi lại nhớ quê:

"Quê em đồng lúa nương dâu

Có dòng sông nhỏ nhịp cầu bắc ngang"

(Hoàng Lan Anh – Trường Trần Phú – TP Hồ Chi Minh)

Đề 3: Biển đẹp nhất thường vào buổi sáng và buổi chiều. Hãy tả lại cảnh biển đã để lại cho em nhiều ấn tượng sâu sắc nhất.

Dàn bài

I. Mở bài: Em đến biển bao giờ? Dịp nào? Khoảng thời gian nào? Buổi sáng hay chiều mà thấy biển đẹp?

II. Thân bài:

1. Biển lúc bình minh:

– Mặt biển còn tối đen nhưng chân trời đã rạng lóa ánh hồng. Biển tĩnh lặng, hơi lạnh.

– Tiếng sóng chợt ầm ào. Gió thổi xào xạc.

2. Biển lúc mặt trời lên: Rạng sáng, chân trời đỏ ửng, rực rỡ lạ thường. Mặt trời từ chân trởi ló dạng, nhô lên, lấp lánh muôn nghìn ánh sáng.

– Mặt biển xanh nhìn xa tưởng như phẳng lặng nhưng gần bờ, sóng vẫn đập mạnh vào bãi cát.

3. Sinh hoạt trên bờ biển:

– Trời sáng tỏ hẳn lên. Người tắm biển cũng càng lúc càng đông. Đám đông nô đùa vui vẻ mỗi khi có những đợt sóng bất chợt chồm lên.

– Dù vải nhiều màu cắm trên bãi biển cũng mỗi lúc một nhiều hơn.

III. Kết bài: Cảm nghĩ của em về biển đẹp buổi sáng.

Bài tham khảo

Ít có cảnh thiên nhiên nào đẹp thơ mộng và hùng vĩ một cách kì lạ như cảnh biển quê em vào buổi sớm.

Khi ấy, trời chưa sáng hẳn. Phía đằng đông, những tia lửa đỏ báo hiệu mặt trời sắp mọc. Mặt biển ở phía ấy trắng sáng như được tráng lên một lớp bạc. Vầng sáng đỏ đằng đông ngày một lớn, khiến chân trời đỏ rực như một đám cháy. Em đứng đợi… mặt trời chưa xuất hiện. Mãi sau, vầng đỏ ấy mới lừng lững nhô lên. Bất chợt, một ngọn gió lạnh thổi tới làm những rặng phi lao với những khóm lá hình kim ven bờ run lên khe khẽ. Tuy sóng vẫn đập ầm ào vào bờ cát và gió cũng không ngớt xào xạc, nhưng trời đất vẫn mang dáng vẻ trầm lặng, nghiêm trang.

Một điểm sáng như chớp nhoáng tung ra bao trùm cả mọi vật trong khoảng đât trời làm cho tấm màn đen tôi bị cuốn hẳn đi. Mặt trời tròn và to, uy nghi nhìn ngắm khắp phía. Sau một đêm mát mẻ, cây cỏ, con người, biển cả và vạn vật tăng thêm sức sống, lại được tắm dưới ánh sáng màu hồng ấm áp. Mặt biển lấp lánh những chiếc vảy hồng, càng xa càng nhạt đi. Mặt trời lên cao, màu hồng cũng giảm cho đến lúc chỉ còn một màu chói sáng, lấp lánh. Khi đó, mặt biển nhấp nhô những mảnh sáng chói mắt.

Tỉnh ngủ rồi, biển càng lúc càng xanh thăm thẳm. Một làn biển thở phập phồng lên xuống. Ở phía chân trời xa, bóng dáng những con thuyền nhỏ ẩn hiện, chỉ thấy rõ hình những cánh buồm nhấp nhô di động chậm chạp. Gần hơn, từng đôi hải âu rời tổ từ lúc nào, đang chao lượn trên không như đang náo nức chào mừng một ngày mới. Đây đó, thấp thoáng những con tàu rướn mình ra khơi trên những con sóng nhấp nhô, khuất dần vào một vùng không gian xanh thẳm.

Cùng lúc, gần bờ biển từng con sóng vỗ ầm ào. Trông kìa, một lượn sóng rướn cao lên hăm hở tiến vào bờ, đập mạnh vào bãi cát, vỡ vụn ra rồi từ từ rút xuống. Lượn sóng sau tiếp chồm lên lượn sóng trước. Cứ như vậy, biển tiếp tục trò chơi vô tận ấy.

Mặt trời lên dần cao, những người đi tắm biển sớm đã có mặt và ngày một đông dần. Họ lội ào ào xuống biển và bất chợt reo hò lên huyên náo mỗi khi một con sóng rướn tới nhảy qua đầu. Vui nhộn nhất vẫn là các bạn nhỏ. Vừa phập phồng lo sợ, vừa thích thú mãnh liệt, các bạn đón chờ những đợt sóng lớn ào tới để được nhảy lên. Đôi khi có bạn bị sặc, hai tay vuốt nước chảy ròng ròng trên mặt, vừa sặc sụa ho. Thế mà vẫn lấy làm thú vị lắm.

Dọc bãi cát, những chiếc dù đủ màu sắc như những chiếc nấm to đẹp mắt đã được dựng lên nhanh chóng. Người tắm biển với đủ màu quần sắc áo ngày mỗi đông hơn và náo nhiệt thêm lên.

Nắng gay gắt, biển ngập tràn ánh sáng và cũng rộn ràng nhiều thứ âm thanh.

Biển quê em thật đẹp. Những ngày nghỉ học, rỗi rãi em thường ra đó chơi đến trưa…

(Trích Những bài thực hành làm văn lớp 6, Trần Văn Sáu – Đặng Văn Khương, NXB Trẻ)

Mai Thu

0