18/06/2018, 16:43

Ảo tưởng Phạm Quỳnh

Nguyễn Thị Thu Nguyên “ Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách ” Thế hệ tôi rất ít biết về Phạm Quỳnh. Giữa những dư luận lâu đời còn nhiều mập mờ, gần đây, đột ngột trên một số tờ báo, tạp chí như báo Tiền Phong, tạp chí Xưa và Nay có những bài về những uẩn khúc ...

pham-quynh-la-ai-khoahocthuvinet-1438.jpg

Nguyễn Thị Thu Nguyên

“ Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách ”

Thế hệ tôi rất ít biết về Phạm Quỳnh.

Giữa những dư luận lâu đời còn nhiều mập mờ, gần đây, đột ngột trên một số tờ báo, tạp chí như báo Tiền Phong, tạp chí Xưa và Nay có những bài về những uẩn khúc Phạm Quỳnh và về cái chết của Phạm Quỳnh, khiến độc giả trẻ tuổi thế hệ tôi phải nghĩ lại đôi điều đã cố định trong tâm trí.

Tình cờ có được những tư liệu của cuốn Tiểu luận Phạm Quỳnh, tôi đã lựa chọn 4 tiểu luận chính trị để tìm cách hiểu Phạm Quỳnh qua một số cách tân tư tưởng của ông.

Bốn tư liệu chúng tôi chọn sử dụng là:

  1. Chính sách tôn trọng nhau
  2. Điều kiện để Pháp – Nam xích lại gần nhau
  3. Tiến tới một bản hiến pháp
  4. Thư ngỏ gửi ngài Bộ trưởng thuộc địa

Tư liệu này được trích trong tập Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922–1932, NXB Trí thức, 2007, Phần III : Chủ nghĩa dân tộc và chế độ bảo hộ Pháp, dịch giả Ngô Quốc Chiến.

Trước hết, xin giới thiệu vắn tắt nội dung bốn tư liệu :

Trong tiểu luận thứ nhất với tiêu đề Chính sách tôn trọng nhau, Phạm Quỳnh đã thừa nhận một sự thật :

“Khi một dân tộc đến một dân tộc khác với tư cách đô hộ và làm chủ, thì xét cho cùng dân tộc đó sẽ áp dụng chính sách bạo lực. Chiếm đất nước khác bằng vũ lực, dân tộc này chỉ đứng vững ở đó bằng bạo lực. Bàn tay sắt có thể được đeo găng lụa, nhưng nó vĩnh viễn vẫn là bàn tay sắt.”

Phân tích sự thật đó, để nói đến sự “chung sống” nửa thế kỷ giữa kẻ đi xâm chiếm và kẻ bị xâm chiếm, coi như một sự thật không cần thay đổi và không thể thay đổi. Song, Phạm Quỳnh có cái nhìn tích cực đối với sự “chung sống” đó :

“Thời gian phải thực hiện tác phẩm của nó trong các mối quan hệ giữa người Pháp và người An Nam; nó đã thực hiện tác phẩm ấy trong một chừng mực nhất định, và cần phải thừa nhận rằng các mối quan hệ này ngày một nhiều thêm và trở nên thân thiện và tin cậy hơn trong quá khứ.”

Từ những khẳng định đó, ông đề ra chính sách tôn trọng nhau.

Sau khi tiếp tục phân tích rằng chính sách tôn trọng này phù hợp với cả người Pháp – những người phải thực thi nó, lẫn người An Nam – những người thụ hưởng nó, tác giả nói đến những xu hướng mà cả người Pháp lẫn người An-Nam cần tránh để thực thi được chính sách này. Điều đáng nói là, khi xem xét kỹ những “xu hướng” đó, ta thấy Phạm Quỳnh nhấn mạnh nhiều đến những điều người Pháp cần tránh hơn là những điều “căn dặn” người An-Nam, thí dụ: xu hướng coi các nhược điểm của một vài cá nhân là nhược điểm của cả dân tộc, (nói tới những cá nhân hào lý tiếp xúc với người Pháp mà Phạm Quỳnh biết đó là những người không thể là “dân tộc Việt Nam”), hoặc xu hướng “dưới cớ biểu dương sự nghiệp Pháp, tìm cách hạ thấp giá trị của dân tộc An Nam, coi thường toàn bộ lịch sử của An Nam hay hiểu lịch sử đó với một định kiến rõ ràng.”

Đọc lời kết luận lá thư dưới đây, được viết từ năm 1932 và được kẻ hậu sinh trích dẫn hôm nay, tưởng đâu như đang nghe chuyện thời sự về quan hệ Việt-Mỹ :

“Chúng ta hãy khép lại quá khứ, và bởi vì chúng ta buộc phải chung sống, nên chúng ta hãy tránh những cuộc va chạm vô ích và hãy tổ chức cuộc sống chung của chúng ta dưới khẩu hiệu một chính sách thực sự tôn trọng lẫn nhau.”

Tiểu luận thứ hai

Trong tiểu luận thứ hai với tiêu đề Điều kiện để Pháp-Nam xích lại gần nhau, Phạm Quỳnh vẫn nhất quán một tư tưởng : đó là sự nhất quán của con người biết chấp nhận hoàn cảnh thực tế trong khi không thể tuỳ thích “viết” lại Lịch sử.

Phạm Quỳnh chỉ rõ con đường tất yếu người Pháp nên theo ở thuộc địa An-Nam này là tránh dùng vũ lực. Không những tránh vũ lực, còn phải có cái thay thế cho vũ lực, đó là thuyết phục và bắt tay hiệp tác : “ Các bạn ở trên đất nước này bằng quyền chinh phục. Các bạn đã chinh phục mảnh đất này. Các bạn còn phải thực hiện một cuộc chinh phục khác cao quý hơn : chinh phục trái tim và khối óc. Ngày nay, một sự thống trị chỉ có cơ hội bền vững nếu nó dựa trên sự đồng thuận các ý thức và thiện chí. Đúng là các bạn có vũ lực : nhưng chẳng lẽ các bạn lại thích sử dụng vũ lực hơn là thuyết phục ? ”

“ Vả lại chỉ mình vũ lực thôi không đủ ; vũ lực chẳng bao giờ giải quyết được vấn đề gì ; nó thường là nguyên nhân gây thù hận. Khi sống giữa một dân tộc 15 triệu người, chắc chắn không thể thờ ơ cảm thấy người ta sống ở đó bằng sự thân thiện hơn là bằng câu thúc.”

Tiểu luận thứ ba

Trong tiểu luận Tiến tới một bản hiến pháp, ông chấp nhận hiện trạng nhưng cố gắng tìm ra một lối thoát là một bản hiến pháp cho một nước Việt Nam quân chủ lập hiến : “ Chúng ta không ảo tưởng ; cải cách dự kiến sẽ không thể bỗng chốc hoàn hảo ngay ; nó sẽ không thoả mãn tất cả mọi người. Nó sẽ không thể chấm dứt ngày một ngày hai bất ổn mà đất nước đang phải chịu.

Nhưng nó sẽ tập hợp tất cả những người biết theo lẽ phải, tất cả những đầu óc điềm tĩnh, tất cả những thiện chí sẵn sàng tận tụy vì một lý tưởng quốc gia và ái quốc. Vì nó sẽ trao hoặc trao lại cho tất cả một tổ quốc để phụng sự dưới dạng cụ thể sờ nắm được, và như thế đã là nhiều.”

Tiểu luận thứ tư

Tư liệu này là một lá thư gửi Bộ trưởng Thuộc địa Pháp. Lá thư thể hiện khá rõ nét con người Phạm Quỳnh vừa lý tưởng chủ nghĩa lại vừa thực dụng chủ nghĩa. Ông tìm cách thuyết phục Bộ trưởng Thuộc địa Pháp, đồng thời thuyết phục dư luận trong nước.

“ Số phận đã an bài. An Nam từ rày gắn bó không thể tách rời nước Pháp.”

Sự chấp nhận đó không phải là sự đầu hàng vô nguyên tắc :

“ Trên góc độ quốc gia, khủng hoảng này có thể được tóm tắt như thế này : chúng tôi là một dân tộc đi tìm kiếm một tổ quốc và chưa tìm thấy tổ quốc đó.”

“ Người An Nam không thể coi nước Pháp là tổ quốc của mình, bởi vì người An Nam đã từng có một tổ quốc…”

Nội dung tư tưởng chính trị Phạm Quỳnh :

1. Vấn đề chủ quyền dân tộc

Về chính trị, sau khi kí các hàng ước, Việt Nam ở trong một tình thế bị “mẫu quốc” áp đặt mọi phương diện. Mối quan hệ giữa Nhà nước Pháp và “Nhà nước” Việt Nam (triều đình Huế), bất kể vẻ ngoài ra sao và do cá nhân nào đại diện, chỉ là mối quan hệ hoàn toàn lệ thuộc giữa thuộc địa và chính quốc. Các Hoàng đế An Nam chỉ là sản phẩm của người Pháp. Các vua triều Nguyễn không cai trị dân, không được quyết định quốc sách, cũng không có tác động gì trong những dự án khai thác thuộc địa của Pháp.

Khi thừa nhận không thể thay đổi lịch sử, không thể xoá bỏ quyền lực của chế độ thực dân, Phạm Quỳnh tỏ ra là người thực sự biết nhìn thẳng vào thực tế, dù cho thực tế đó đối với nhiều trí thức đương thời là không thể chấp nhận.

Phạm Quỳnh đã chỉ rõ :

“ Sự đô hộ của Pháp là một thực tế mà chúng ta không thể làm gì chống lại nó và chúng ta phải chú ý đến nó. Hãy chấp nhận nó với tất cả các hậu quả của nó, và hãy tìm cách rút ra từ đó mặt lợi nhất có thể.”

2. Chủ trương Pháp – Việt đề huề

Thế nào là Pháp-Việt đề huề ? Chữ “ đề huề ” là cách diễn đạt khác của “ đàng hoàng ”. Theo Phạm Quỳnh, đây là mối quan hệ không do xin xỏ mà có. Đây là mối quan hệ thực tế, do cuộc sống chỉ ra, mà nó chỉ có ý nghĩa với những ai nhận thức đựoc thực tế đó. Ta cần hiểu điều đó qua những lời lẽ mang tính thuyết phục của Phạm Quỳnh : bao giờ ông cũng tìm đường đi vào lý trí con người, chứ không đánh vào những đam mê của con người. Đam mê dẫn đến bùng nổ, đến bạo lực – trong khi lý trí dẫn đến những giải pháp ôn hoà.

Một mặt khác, nếu như giải pháp cho đam mê được tiến hành bằng vũ lực và sự lôi cuốn con người không đòi hỏi nhiều lắm đến phương diện lý trí, thì giải pháp lý trí hướng vào nhận thức của con người, hướng vào những hành động của bản thân chủ thể người. Ta sẽ dễ hiểu vì sao Phạm Quỳnh đứng ra lập Hội Khai trí Tiến đức và đứng chủ bút một tờ báo đầy uy tín : tờ Nam Phong, một ngọn “gió Nam” thổi vào đầu óc con người Việt Nam không hẳn bao giờ cũng sáng láng.

3. Xây dựng một viễn cảnh Việt Nam mới

Trong bài Về một hiến pháp và trong Thư ngỏ gửi ngài bộ trưởng các thuộc địa, Phạm Quỳnh bày tỏ mong muốn thành lập một nhà nước quân chủ lập hiến. Điều đó có nghĩa là ông từ chối nền quân chủ chuyên chế tồn tại hàng ngàn năm trên đất Việt, cùng với ý muốn giảm bớt quyền bảo hộ của chính quyền thực dân. Đây là một trong những cách tân có cơ sở của Phạm Quỳnh. Ông yêu cầu nhà nước bảo hộ trao hiến pháp cho nhân dân – điều mà ở Việt Nam hàng ngàn năm nay chưa hề có.

Bên cạnh đó, ông đưa ra những yêu cầu chi tiết để hoàn thiện ý tưởng thành lập nhà nước mà trong đó “ những người An Nam – sẽ vừa là công dân của đất nước mình, vừa là công dân của một liên hiệp ”. Cụ thể là : các dự án Luật do Quốc hội hay Chính phủ trình sẽ được thảo luận ở một Tham chính Viện gồm các chuyên gia Pháp và An Nam ; lập phòng tư vấn, gọi là “Phòng đại biểu nhân dân”, cho phép nhân dân tham gia vào đời sống chính trị, để từ đó là mầm mống của một nghị viện tương lai; một nhà nước có quốc hội và chính phủ, sẽ có các cố vấn Pháp trong các bộ, ngành nhưng họ sẽ được coi là viên chức của chính phủ An Nam chứ không phải là đại diện của nhà nước bảo hộ; các bộ chính sẽ là : Nội vụ, tài chính, tư pháp, giáo dục quốc gia, y tế, hỗ trợ và tương tế xã hội, quốc phòng, nông nghiệp, thương mại, công nghiệp, nghi lễ và hoàng gia…

Phạm Quỳnh luôn chủ trương một cuộc sống thay đổi theo chiều hướng tiến bộ, một không khí mới sẽ bao trùm lên quan hệ Pháp Việt. Chúng ta dễ thấy những lời dưới đây là một lí tưởng thật đẹp : “ Chúng ta hãy khép lại quá khứ, và (…) hãy tổ chức cuộc sống chung của chúng ta dưới khẩu hiệu một chính sách thực sự tôn trọng lẫn nhau ”.

Ảo tưởng hay thực tế ?

Giờ đây, khi mọi việc đã ngã ngũ, thật dễ dàng cho ta khi nói đến tính ảo tưởng trong các kiến nghị của Phạm Quỳnh. Song mấy ai nghĩ rằng, khi sự nghiệp không thành, mọi ước vọng đều có thể bị coi là “ảo tưởng” ! Các nhà Cần vương “phò” một triều đình rệu rã mà không ảo tưởng ? Các nhà trí thức mở trường Đông Kinh Nghĩa Thục và tổ chức phong trào Đông Du đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam thì trông đợi vào những ảo tưởng nào ? Và tất cả những chí sĩ đó cũng chẳng thua gì về ảo tưởng so với các nghĩa sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng bị bêu đầu. Hoặc giả những nghĩa sĩ cung cấp dòng suối máu trong tiếng trống Xô-Viết Nghệ-Tĩnh thì bớt ảo tưởng hơn ? Tất thảy đều là những ảo tưởng được diễn đạt theo những cách khác nhau mà thôi.

Có thể nói, ở hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ, khi quyền lực của nhà nước bảo hộ thuộc địa bao trùm lên quyền lực của nhà nước phong kiến, khi nhân dân đã mệt mỏi với các kiểu đấu tranh bạo lực, nhất là khi không có nổi ngọn cờ huy động lực lượng đấu tranh, thì chủ trương này của Phạm Quỳnh là hợp lý hơn cả tuy rằng chưa hẳn đã là và dễ thực hiện hơn cả.

Dĩ nhiên Phạm Quỳnh phải thấy là vào thời điểm đó đã từng có mấy con đường để lựa chọn: một là theo xu hướng bạo lực, khởi nghĩa (phong trào Cần Vương, khởi nghĩa Yên Bái), hai là theo những mầm mống cộng sản đầu tiên chờ cơ hội chín muồi lãnh đạo nhân dân lật đổ chính quyền, ba là đi tìm sự giúp đỡ của một thế lực thứ ba (phong trào Đông Du), bốn là từ quan, trốn Pháp, về ở ẩn để giữ gìn tư cách trí thức… Lịch sử đã chứng minh những được mất, những bài học của các con đường này. Và Phạm Quỳnh chọn con đường ít chông gai nhưng nhiều điều tiếng hơn cả, ít bạo lực nhưng có thể có hiệu quả tức thì : chấp nhận sự bảo hộ của Pháp và cố gắng thành lập một mô hình nhà nước mới để phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, để nâng cao đời sống và nâng cao dân trí…

Để làm gì ? Để chờ đợi. Chờ đợi một vận hội mới cho nước Việt Nam.

“ Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách ”. Đất nước Việt Nam, khi đứng trước họa hưng vong, mỗi con người biết lo lắng cho vận mệnh đất nước đều có cách suy nghĩ riêng và có phương thức hành xử riêng. Trên con đường đi tới thành công, sự thất bại là điều khó có thể tránh khỏi.

Thượng Chi Phạm Quỳnh dù thất bại song vẫn để lại một chữ Tâm trong sáng, thúc giục hậu thế tiếp tục tìm hiểu và tiếp tục hiện thực hoá những “ ảo tưởng ” xưa của học giả Phạm Quỳnh vào cuộc sống hôm nay…

Nguồn bài đăng

0