18/06/2018, 17:05

Anh hùng phi công Đặng Ngọc Ngự

Anh hùng phi công Đặng Ngọc Ngự Vũ Ngọc Phương Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ thời kỳ 1965 – 1975, để thực hiện chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt nam bằng Không quân, Mỹ đã huy động một lực lượng lớn sức mạnh Không quân Mỹ gồm các Bộ Tư lệnh Không quân Thái Bình Dương, Bộ Tư ...

DANG NGOC NGU

Anh hùng phi công Đặng Ngọc Ngự

Vũ Ngọc Phương

Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ  thời kỳ 1965 – 1975, để thực hiện chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt nam bằng Không quân, Mỹ đã huy động một lực lượng lớn sức mạnh Không quân Mỹ gồm các Bộ Tư lệnh Không quân Thái Bình Dương, Bộ Tư lệnh Không quân Chiến lược SAC, Bộ chỉ huy Không quân chiến thuật TAC, Tập đoàn Không quân số 7, Tập đoàn Không quân số 13, Tập đoàn Không quân số 8 với các căn cứ đóng tại 10 địa điểm ở Nam Việt Nam, 7 căn cứ tại Thái Lan và các căn cứ Andersen ở Guam của Tập đoàn Không quân Chiến lược số 8, các Sư ddaonf Không quân số 3, số 57, lực lượng Không quân ở căn cứ Clack – Philippines, căn cứ Ching Chuan Kang ở Đài Loan, căn cứ Haneda, Misawa Nhật bản. Phối hợp với Không quân là lực lượng Không quân của Hải quân gồm 17 tầu sân bay trong đó có 01 tầu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân là USS Enterprise thay nhau trực chiến  ở Nam Vịnh Bắc bộ, mỗi tầu sân bay chở được 90 máy bay các loại. Không quân thuộc Thủy quân lục chiến Mỹ USMC tham chiến có 35 Phi đoàn tấn công và tiêm kích, 02 Phi đoàn trinh sát và các phi đoàn hỗ trợ,… Tổng số máy bay các loại của Mỹ lên đến hàng vạn chiếc, trung bình mỗi ngày có 250 – 300 lượt máy bay Mỹ vào đánh phá miền Bắc Việt Nam. 

Theo tài liệu tình báo nước ngoài trong thời kỳ 1961 – 1975 Không quân Nhân Dân Việt Nam được Liên xô viện trợ 361 máy bay MiG, Trung Quốc viện trợ 142 máy bay. Tổng số 503 máy bay MiG gồm MiG17, MiG19 có tốc độ cận âm thanh, hỏa lực là pháo 23mm và 37mm, không có tên lửa. MiG21 trang bị tên lửa R3S, RS2US, rocket, pháo 23mm. Số máy bay Mỹ bị lực lượng Phòng không – Không quân Nhân Dân Việt nam bắn rơi trên miền Bắc Việt Nam là 4,181 máy bay, trong đó có 36 máy bay chiến lược B52. Trong cuộc kháng chiến chống lại Không quân của Mỹ trên bầu trời  Việt Nam từ năm 1965 đến năm 1975 đã xuất hiện nhiều phi công kỳ tài của Không quân Nhân Dân Việt nam. Lực lượng phi công Nhân dân Việt Nam còn rất non trẻ vừa tốt nghiệp ra trường phi công chiến đấu với hơn 100g bay đến hơn 200g bay, không có kinh nghiệm không chiến. Nhưng với truyền thống bất khuất của Dân tộc Việt đã mưu trí, dũng cảm chiến đấu với Không quân Mỹ hiện đại bậc nhất thế giới có các phi công Mỹ đào tạo rất công phu có mấy nghìn giờ bay đến hơn 7,000g bay. Không quân Nhân Dân Việt Nam mỗi lần xuất kích thường chỉ có từ một đến hai MiG21 hoặc hai đến bốn MiG17 không chiến với hàng chục, có lúc đến hàng trăm máy bay Mỹ, . . . Không quân Nhân Dân Việt Nam đã bắn rơi nhiều máy bay Mỹ với tỷ lệ 2,2 máy bay Mỹ bị bắn rơi thì một máy bay Không quân Nhân Dân Việt Nam bị Mỹ bắn rơi trong các trận không chiến hiện đại chỉ diễn ra trong thời gian chiến đấu từ 01 phút đến vài phút. 

Truyền thống Không chiến trên thế giới đã xếp hạng phi công có đẳng cấp Ace là phi công siêu đẳng khi đã bắn hạ được từ 05 máy bay của đối phương trở lên. Trong suốt cuộc không chiến trên bầu trời Việt Nam từ 1965 – 1975, danh sách đã được cả Mỹ và Việt Nam kiểm chứng ghi rõ họ tên, ngày tháng, năm, bắn hạ loại máy bay nào của đối phương đối với từng phi công đẳng cấp Ace của cả hai phía Việt – Mỹ cho thấy Không quân Nhân Dân Việt Nam có tới 19 phi công đạt đẳng cấp Ace, phía Mỹ chỉ có 05 phi công đạt đẳng cấp Ace, trong đó phi công Ace Mỹ nhiều nhất là bắn hạ 06 máy bay MiG Việt Nam. Phía Việt Nam có phi công bắn hạ nhiều máy bay Mỹ nhất là Anh hùng phi công – sau này là Trung tướng Không quân Nguyễn Văn Cốc đã hạ 09 máy bay Mỹ. Các phi công và các tổ bay đã lập công trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước 1965 – 1975 là 133 cá nhân và tổ bay chiến đấu.

Trong các Anh hùng phi công đó có huyền thoại Anh hùng phi công Đặng Ngọc Ngự.

Phi công Đặng Ngọc Ngự sinh ngày 01/11/1939 ( là ngày Nhâm Dần 20/9 năm Kỷ Mão) tại xóm 8, xã Xuân Thủy, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ông Đặng Ngọc Ngự nhập ngũ ngày 23/3/1959 khi tròn 20 tuổi, được tuyển chọn gửi đi học đoàn máy bay MiG21 số 1 tại Liên Xô khóa học 1961 – 1966. Sau khi về nước năm 1966, ông Đặng Ngọc Ngự trở thành phi công lái máy bay phản lực chiến đấu MiG21 tại Trung đoàn Không quân 921. 

Các kỳ tích chiến công của ông có nhiều, chỉ xin trích dẫn từ nhật ký chiến tranh trận không chiến ngày 10/05/1972. Phía Mỹ huy động 120 máy bay các loại đánh phá miền Bắc Việt Nam. Lúc 8g52 phút, Sở chỉ huy lệnh biên đội MiG21 Đặng Ngọc Ngự bay số 1, Nguyễn Văn Ngãi bay số 2 cất cánh từ sân bay Kép (Bắc Giang), khi biên đội vừa rời mặt đất đang thu càng bị 02 máy bay F4J Silver Kite do Đại úy Austin Hawkins và Đại úy Curt Dose và Thiếu tá Jemes McDevitt thuộc Phi đoàn VF92 tầu sân bay USS Constellation phát hiện bắn 02 tên lửa AIM 9G vào MiG số 2 đang lên ở độ cao 150m làm phi công số 2 không kịp nhẩy dù, Nguyễn Văn Ngãi hy sinh. 

Lúc đó số 1 Đặng Ngọc Ngự đã lên đến độ cao 600m kịp phát hiện 02 F4 liên tiếp phóng tên lửa vào MiG số 1, ông đã cơ động gấp tránh được. Phía trước lại có thêm 02 F4 đang xông lại cách số 1 là 4km. Phi công Đặng Ngọc Ngự rơi vào thế có 4 máy bay tiêm kích F4 vây quanh, bằng kỹ thuật không chiến rất điêu luyện, Đặng Ngọc Ngự đã bắn rơi 01 F4 rồi nhanh chóng thoát ly về sân bay Đa Phúc (Nội Bài) hạ cánh an toàn lúc 9g12 phút. Anh hùng phi công Lê Thanh Đạo ( Sinh năm 1944, sau này là Đại tá Không quân, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân,. Viện Trưởng Viện Kiểm sát Nhân Dân tối cao, rồi Phó Trưởng Ban dân vận Trung ương. Trong chiến tranh Việt Nam ông xuất kích 82 lần bắn rơi 06 máy bay Mỹ, ông nghỉ hưu năm 2006, hiện đang sống tại Hà Nội) đã chứng kiến kể lại:

“Lúc đó biên đội chúng tôi (Đạo – Hợp) ngồi trong buồng lái chờ cất cánh ở đầu đường băng nên chứng kiến rõ biên đội Ngự – Ngãi cất cánh, thấy rõ khi máy bay số 2 cất cánh đang thu càng bị tên lửa Mỹ bắn trúng. Lúc đó chúng tôi rất căm thù và quyết tâm cất cánh đánh thắng trả thù cho đồng đội. Cũng lúc ấy chúng tôi dùng liên lạc đối không báo cho số 1 Ngự biết có F4 đuổi theo. Nhờ được Đạo – Hợp cảnh báo, Ngự đã cơ động tốc độ lớn trên độ cao thấp tránh được 04 tên lửa của 02 F4 bắn vào MiG21 số 1 đang ở vị trí rất bất lợi, nhưng đã không làm gì được Ngự,…” 

Ngày trực chiến đầu tiên của ông Đặng Ngọc Ngự tham gia trực ban chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng Không quân của Mỹ ra miền Bắc là ngày 01/07/1966. Trong chiến tranh chống Mỹ, phi công Đặng Ngọc Ngự đã xuất kích chiến đấu hơn 100 lần, bắn rơi 07 máy bay chiến đấu phản lực tối tân của Mỹ gồm các 03 máy bay F4, 01 máy bay F105, 03 máy bay không người lái. Tháng 07/1972, ông Đặng Ngọc Ngự là Đại úy, Đại đội trưởng Đại đội 7, Trung đoàn 921. Trong trận không chiến ngày 08/07/1972, phi công Đặng Ngọc Ngự dẫn đầu biên đội 02 chiếc MiG21 chiến đấu với số đông máy bay chiến dấu Mỹ và đã anh dũng hy sinh. Đại úy Đặng Ngọc Ngự được Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân tháng 11/1973. Lúc mới hy sinh, Anh hùng Liệt sỹ phi công Đặng Ngọc Ngự được an táng tại nghĩa trang liệt sỹ huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, sau đó được chuyển về tại nghãi trang liệt sỹ Trần Hưng Đạo, huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Phúc. Tháng 12/2009, đồng đội của ông và gia đình đã đưa di hài của Anh hùng liệt sỹ – phi công Đặng Ngọc Ngự về an táng tại nghĩa trang liệt sỹ quê nhà.

Trận không chiến ngày 08 tháng 07 năm 1972 thông tin từ hai phía Việt – Mỹ:

Sau những trận không chiến bị thất bại trước MiG21 của Không quân miền Bắc Việt Nam tháng 6 và đầu tháng 7 năm 1972. Không quân Mỹ đã nghiên cứu kỹ cách đánh của MiG21 vào những ngày tháng 6/1972 để thay đổi kỹ năng, chiến thuật tác chiến bằng cách tăng cường máy bay phản lực tiêm kích (Loại máy bay phản lực chuyên để không chiến) để đối phó với MiG, đồng thời tăng thêm máy bay EC121 làm nhiệm vụ do thám điện tử và cảnh báo trên không, gây nhiễu rada. Trong hai ngày 06 và 07/07/1972 do thời tiết xấu, không quân Mỹ không triển khai đánh phá miền Bắc nhưng tăng cường trinh sát vũ trang bằng máy bay trinh sát hiện đại nhất lúc đó là SR71 để chuẩn bị đánh lớn. Căn cứ vào thông tin tình báo chiến lược, Bộ Tư lệnh Không quân nhận định không quân Mỹ sẽ đánh phá mục tiêu Đường số 1 Bắc và Đường số 2 ngày 08/07/1972. Chủ trì kíp trực tại Sở chỉ huy Không quân là Phó Tư lệnh Đại tá Nguyễn Phúc Trạch, trực dẫn đường là các sỹ quan Phạm Minh Cậy, Đặng Dũng, Phạm Công Kim.

Tại trung đoàn 921, chủ trì kíp trực là Trung đoàn trưởng Nguyễn Ngọc Độ, trực ban dẫn đường là các sĩ quan Tạ Quốc Hưng, Trần Đức Tụ, trực rada hiện hình C43 là sỹ quan Lê Thiết Hùng. 

Trực Ban chiến đấu là Biên đội phi công Đặng Ngọc Ngự số 1 máy bay số 18, phi công Trần Việt số 2 máy bay số 06. 

Từ 05 giờ 49 phút sáng ngày 08/07/1972, các mạng B1 và C43 đã phát hiện tốp máy bay Mỹ từ Sầm Nưa (Lào) bay vào Yên Châu, Hòa Bình. Sở chỉ huy Trung đoàn 921 lệnh cho Biên đội Ngự – Việt cất cánh bay ra Thanh Sơn độ cao 4,000m nhưng tốp máy bay Mỹ bay ra, Sở chỉ huy lệnh cho Biên đội Ngự – Việt quay về hạ cánh. Lúc 9g44 phút, rada và mạng tình báo 291 thông báo 03 tốp máy bay Mỹ từ Sầm Nưa bay vào tấn công sân bay Yên Bái và Nhà máy thủy điện Thác Bà, 9g54 phút, Sở chỉ huy lệnh biên đội Lương Thế Phúc bay số 1 và Đỗ Văn Lanh bay số 2 cất cánh. Lúc 10g máy bay Mỹ đổi hướng bay về Yên Châu, biên đội Phúc – Lanh được dẫn về Nam Yên Châu, 10g06 phút số 1 Phúc phát hiện tốp F4 vòng lại đối đầu với biên đội, Sở chỉ huy thấy bất lợi lệnh cho biên đội về hạ cánh sân bay Yên Bái. Đến 10g05 phút, phát hiện tốp 8 máy bay Mỹ bay từ Đông Nam Sầm Tơ vào vùng Bá Thước, Sở chỉ huy Trung đoàn 921 lệnh biên đội Phạm Phú Thái số 1, Bùi Thanh Liêm số 2 cất cánh nhưng máy bay Mỹ bay ra, biên đội trở về sân bay Đa Phúc (Nội Bài) hạ cánh. 

Vào 10g08 phút, rada C43 phát hiện 16 máy bay Mỹ bay từ Hồi Xuân lên phía Bắc, Sở chỉ huy phán đoán đây là tốp máy bay cường kích (Máy bay vừa ném bom vừa không chiến) nên quyết định cho biên đội đánh chính là Đặng Ngọc Ngự – Trần Việt cất cánh lúc 10g13 phút từ sân bay Đa Phúc về Thanh Sơn, đến 10g25 phút, Sở chỉ huy lệnh biên đội 02 máy bay MiG21 Đặng Ngọc Ngự – Trần Việt vứt thùng dầu phụ, tăng tốc lên độ cao 5,000m bay hướng 120 độ đón đánh tốp mục tiêu ở khu Suối Rút. Lúc 10g28 phút, bay hướng 90 độ, số 1 Đặng Ngọc Ngự phát hiện 30 độ bên trái cự ly 15 Km có 04 máy bay F4, đây là biên đội F4E Brenda đang bay ra khỏi vùng chiến sự ở độ cao 4,000m. Số 1 Đặng Ngọc Ngự hô bất tăng lực, vòng phải gấp vào công kích, số 1 phân công số 2 vào công kích tốp bên trái, còn mình công kích tốp bên phải. Số 2 bay theo yểm hộ số 1 và báo cho số 1 biết phía sau còn 02 chiếc F4 nữa. Trong khi bay yểm hộ số 1, số 2 thấy số 1 Đặng Ngọc Ngự đang bay bám sau 2 chiếc F4 đã bay cơ động đan chéo nhau để khó bắn trúng. Số 1 bám theo chiếc F4 bay số 1 đến cự ly thích hợp đã bắn tên lửa đúng chiếc F4 bốc cháy. Trong khi số 1 bắn xong tên lửa nhanh chóng kéo cao thoát ly điểm nổ. 

Theo phía Mỹ về trận đánh, sau khi MiG21 phóng tên lửa, do tốc độ quá lớn nên máy bay MiG21 của Đặng Ngọc Ngự đã vọt lên trước chiếc F4E số 3 do Đại úy Richard F.Hardy ngồi phía trước và Đại úy Paul T.Lewinsky thuộc Phi đoàn 4, Không đoàn 366 TFW điều khiển. Đây chính là các máy bay tiêm kích F4 bay phía sau số 1 Đặng Ngọc Ngự đã được MiG21 số 2 Trần Việt cảnh báo. Chiếc F4E nhanh chóng bám theo MiG21 số 1 và phóng liên tiếp 4 tên lửa AIM9 Sidewinder về phía MiG21 số 1 nhưng đều không trúng. Đại úy Hardry phóng tiếp 02 tên lửa AIM 7E2 Sparrow, một quả tên lửa đã trúng chiếc MiG21 không thấy phi công Bắc Việt nam nhẩy dù. Theo nhật ký không chiến của phía Việt Nam, sau khi số 1 công kích rồi thoát ra hướng 360 độ thì số 1 Đặng Ngọc Ngự mất liên lạc. Đại úy phi công dũng cảm tài ba Đặng Ngọc Ngự đã hy sinh quả cảm sau khi bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 7 trên vùng trời Suối Rút, Hòa Bình. Đại úy Anh hùng phi công Đặng Ngọc Ngự là một trong những phi công có thời gian xuất kích và tham gia chiến đầu dài nhất trong Không quân Nhân Dân Việt Nam, sự hy sinh của ông là một tổn thất rất lớn của Không quân ta lúc bấy giờ. 

Sau đó, số 2 Trần Việt đã công kích bắn rơi một máy bay F4E, do tổ bay F4E có Trung tá R.E Rosse và Đại úy S.M. Imaye thuộc Phi đoàn 4, Không đoàn 366 đã nhẩy dù và được Không quân Mỹ cứu thoát. Hồi tưởng của Thiếu tướng, Anh hùng phi công Trần Việt ( Sinh năm 1946 tại xã Nhơn Phú, huyện An Nhơn, tỉnh Bình định nhập ngũ tháng 7/1965. Trong chiến tranh chống Mỹ ông xuất kích 52 lần bắn rơi 3 máy bay F4 Mỹ. Ông nghỉ hưu năm 2009, hiện sống tại Hà Nội) đã viết như sau:

“ Trận ngày 8/7/1972 tôi bay số 2 cho anh Ngự. Bay số 2 cho một phi công dũng cảm và tài ba, dầy dạn kinh nghiệm như anh Ngự là một sự may mắn cho những phi công trẻ như tôi. Anh Ngự luôn hướng dẫn cụ thể các kinh nghiệm chiến đấu, luôn tạo điều kiện cho phi công trẻ tự tin, chủ động lập công,… Năm 2008, khi được địa phương cho phép, gia đình và đồng đội đã đưa hài cốt của Anh về nghĩa trang liệt sỹ quê nhà. Khi cải táng, mọi người thấy di thể của anh vẫn nguyên vẹn, chỉ có một miếng thủng ở trán, điều này cho phép suy luận là vào phút cuối cùng, Đặng Ngọc Ngự đã kịp nhẩy dù ra khỏi máy bay, nhưng vì sao không thành công thì đây mãi là một câu hỏi đầy tiếc nuối,…” Trích nguyên văn sách Những trận Không chiến trên bầu trời Việt Nam 1965 – 1975 nhìn từ hai phía của tác giả Nguyễn Sỹ Hưng – Nguyễn Nam Liên và Nhóm tác giả, nhà xuất bản Quân đội Nhân dân 2014. 

Như vậy, ngày giỗ theo Âm lịch của Anh Hùng phi công Đặng Ngọc Ngự là nhằm vào Ngày Canh Tý 28 tháng Năm, năm Nhâm Tý (1972). 

Tác giả bài viết này đã biên soạn và đang biên tập được hai bộ sách Việt nam Sử Liệu 2,900 trang và bộ Khảo cứu triết học cổ Đạo Thánh Mẫu Việt với 8,970 trang để xuất bản trong năm 2018. Quá trình sưu tập có được nghe một số câu chuyện kể lại của một số Thanh đồng và Người dân đi Lễ các Giá Hầu Thánh ở Đền Phủ miền Bắc Việt Nam là “ Từ sau năm 2,000 thế kỷ XXI có nhiều người nhìn thấy, chứng kiến có một Vị Thánh trẻ, cao lớn, mặt đẹp và phúc hậu hiển linh về trong một số Lễ Thánh lớn, bao quanh người Vị Thánh là một vầng hào quang đỏ rực rỡ,… Sau này, khi họ vào tham quan Bảo tàng Không quân ở Hà Nội thấy khuôn mặt Vị Thánh đó chính là ảnh chân dung Anh Hùng Liệt sỹ Phi công Đặng Ngọc Ngự, vì truyền thống Tâm Linh của Dân, những người đã kể chứng được đều kính cẩn, không dám gọi tên mà chỉ gọi là Cụ Thánh Phi công vì đã vào Cõi Bất Tử”. Đây là một huyền thoại hay một hiện tượng Tâm linh của Nhân dân Việt với một trong những Vị Anh hùng đã hy sinh thân mình vì Độc lập – Tự do của Dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tổ quốc Việt Nam – một Dân tộc kiên cường chống ngoại xâm suốt mấy nghìn năm, một Dân tộc có nền Văn minh Việt hiện hữu từ Lịch sử cổ đại, vẫn tồn tại, phát triển từ những huyền thoại uy linh và đau thương.

 

Hà Nội, ngày 06 tháng 01 năm 2018

0