24/05/2018, 11:06

Xin cho biết tục nhuộm răng đen của các cụ ta ngày xưa?

Ảnh minh họa Theo BS. Hồ Đắc Duy thì trong các truyện cổ tích, từ hàng nghìn năm trước người nước ta đã có tục nhuộm răng, theo truyền thuyết tục này đi cùng với tục xăm mình và ăn trầu. Không chỉ người Việt mới có tục nhuộm răng mà các dân tộc khác như Thái, Si La... cũng có tục ...

Ảnh minh họa

Theo BS. Hồ Đắc Duy thì trong các truyện cổ tích, từ hàng nghìn năm trước người nước ta đã  có  tục nhuộm răng, theo truyền thuyết tục này đi cùng với tục xăm mình và ăn trầu. Không chỉ người Việt mới có tục nhuộm răng mà các dân tộc khác như Thái, Si La... cũng có tục này nhưng mỗi nơi, mỗi dân tộc đều có cách nhuộm răng khác nhau về ý nghĩa, thẩm mỹ, sức khỏe và chất liệu sử dụng trong lúc nhuộm. Như người Thái ở Việt Bắc thì họ nhuộm răng và ăn trầu là làm cho răng bền chắc tránh sâu răng.

Suốt trong thời niên thiếu thì người con gái Thái chưa làm, chỉ sau khi lấy chồng mới nhuộm răng và ăn trầu. Cách nhuộm răng của họ cũng khác với người Kinh, để làm sạch răng họ phải chà sát nhiều lần bằng một miếng cau khô sau đó dùng lưỡi dao hoặc lưỡi thuổng cùn hơ cho vừa nóng, rồi rắc bột cánh kiến lên để bột nhựa cánh kiến nóng chảy ra mà không cháy thành than. Chờ cho bột nhựa cánh kiến vừa nguội mới lấy nhựa đó miết vào răng. Miết cho đến lúc chất nhựa này bọc hết hai hàm răng mới thôi. Trong vòng 7 đến 10 ngày sau  không được dùng thức ăn uống nóng, không nhai đồ ăn cứng, khi răng trở nên màu ngà họ sẽ nhuộm đen bằng nhựa cây mét non.

Tục nhuộm răng đen có từ thuở xa xưa, nhưng chỉ thông dụng ở miền Trung và miền Bắc. Một câu chuyện về nghệ thuật nhuộm răng thường được nhiều người ở Huế nhắc đến là cách đây 70 năm có một bà thầy nhuộm răng nổi tiếng nhất ở kinh đô Huế là bà thầy Thại ở làng Sư Lỗ, cách cầu Ngói Thanh Toàn và làng Đồng Di Tây Hồ một con sông. Muốn được bà nhuộm răng các cô chiêu, cậu ấm phải ghi tên và đặt tiền cọc trước, có khi mất cả hàng tháng trời mới tới phiên mình được nhuộm. Mỗi đợt nhuộm là 15 người ăn ở luôn tại nhà bà thầy trong suốt thời gian nhuộm khoảng từ 12 ngày đến nửa tháng.

Chiều chiều bà thầy thường cho các cô chiêu cậu ấm leo lên một đồi nhỏ trong làng quay mặt ra hướng đông, bảo họ há miệng to để gió biển thổi vào cho thuốc nhuộm mau khô (!) và bà cũng kể cho các cô chiêu cậu ấm đó nghe về những chuyện cổ tích, danh nhân lịch sử, lòng yêu nước, hiếu thảo với cha mẹ. Đặc biệt có một ông già mù phụ thêm hát vè Mụ Đội, vè Phạm Công Cúc Hoa, vè Lục Vân Tiên, vè thất thủ Kinh Đô... để mua vui cho các cô các cậu và những người hiếu kỳ đến xem. Thuốc nhuộm răng của bà thầy Thại càng ngày càng nổi tiếng vang khắp cả một vùng Trung kỳ, có mấy cái đại lý của bà ở chợ Đông Ba, Quảng Trị, Đông Hà vô tới Quảng Nam, Quảng Ngãi... Đến năm 1949, không hiểu tại sao ông già mù hát vè bị Tây bắt và lôi ra bắn chết dưới dốc cầu An Cựu. Cả nhà bà thầy Thại dọn đi đâu mất trong ngày hôm ấy, nghe đâu mấy năm sau có người gặp bà ở cửa Tranh Đề.

Kể từ khi nền văn minh tây phương, nền văn minh răng trắng xâm nhập mạnh mẽ vào nước ta (1862) nhất là vào những thập niên 30 thế kỷ 20. Thuở ấy trong xã hội có hai phái kình chống nhau kịch liệt, một nhóm cho rằng để răng trắng, hớt tóc là bè lũ theo tây, làm me tây... còn nhóm kia thì cho rằng bối tóc củ hành, răng đen, áo the quần vải là hủ lậu, kém văn minh... Lúc mà phong trào để răng trắng thắng thế cũng là tục nhuộm răng bắt đầu đi vào lãng quên.

0