Woodrow Wilson – Tổng thống Mỹ theo chủ nghĩa lý tưởng
Nguồn: Historic figures, BBC (truy cập ngày 4/7/2015) Biên dịch & Hiệu đính : Phạm Hồng Anh Wilson là vị tổng thống thứ 28 của Hoa Kỳ. Ông là người đẩy mạnh sự can dự của Mỹ trong các vấn đề thế giới hơn hẳn các tổng thống tiền nhiệm. Tầm nhìn mang tính lý tưởng hóa của ông góp phần ...
Nguồn: Historic figures, BBC (truy cập ngày 4/7/2015)
Biên dịch & Hiệu đính: Phạm Hồng Anh
Wilson là vị tổng thống thứ 28 của Hoa Kỳ. Ông là người đẩy mạnh sự can dự của Mỹ trong các vấn đề thế giới hơn hẳn các tổng thống tiền nhiệm. Tầm nhìn mang tính lý tưởng hóa của ông góp phần vào sự thành lập Hội Quốc Liên.
Thomas Woodrow Wilson sinh ngày 28 tháng 12 năm 1856 tại Staunton, bang Virginia. Cha ông là một mục sư của Giáo Hội Trưởng lão[1] (Presbyterian). Wilson lớn lên tại Georgia và South Caroline trong bối cảnh của cuộc Nội chiến Mỹ. Ông theo học ở trường Đại học Princeton và không lâu sau trở thành luật sư. Sau đó ông đạt được học vị tiến sĩ về lịch sử và khoa học chính trị tại Đại học John Hopkins.
Với một sự nghiệp học thuật thành công, Wilson trở thành chủ tịch Đại học Princeton từ năm 1902 đến 1910. Ông gây được sự chú ý từ những nỗ lực cải cách và được đảng Dân chủ bang New Jersey mời tranh cử chức thống đốc năm 1910. Thắng lợi trong cuộc tranh cử là khởi đầu cho sự nghiệp chính trị của Wilson. Năm 1912, ông đại diện cho đảng Dân chủ đắc cử tổng thống.
Wilson đưa ra các chính sách đối nội, bao gồm cả Đạo luật Dự trữ Liên bang 1913 đặt ra khuôn khổ điều chỉnh hệ thống ngân hàng và nguồn cung ứng tiền tệ của Mỹ cho tới tận ngày nay. Wilson tìm cách giữ vững lập trường trung lập của Hoa Kỳ sau khi Thế chiến thứ nhất nổ ra. Năm 1916 ông tái đắc cử tổng thống với khẩu hiệu tranh cử: ‘Ông ấy tránh cho chúng ta một cuộc chiến’. Tuy nhiên khi người Đức thi hành chiến lược chiến tranh tàu ngầm không hạn chế dẫn tới việc đánh chìm các tàu chở hàng của Mỹ, Wilson buộc phải đưa Mỹ tham chiến vào tháng 4 năm 1917.
Tháng 1 năm 1918, trong bài phát biểu trước Quốc hội, Wilson trình bày chương trình Mười bốn điểm, nêu rõ quan điểm rằng cần phải thiết lập nền tảng dàn xếp hòa bình ở Châu Âu. Ông tham dự các cuộc đàm phán hòa bình ở Versailles để thúc đẩy chương trình này, nhưng các hiệp định được ký lại không đáp ứng được mong đợi của ông. Wilson quay trở lại Mỹ và cố gắng đấu tranh để Mỹ phê chuẩn Hiệp ước Versailles và ủng hộ sự thành lập Hội Quốc Liên, nhưng mọi cố gắng đều vô nghĩa. Năm 1919, ông được trao giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực lập nên Hội Quốc Liên.
Tháng 9/1919, Wilson trải qua một cơn đột quỵ nghiêm trọng. Ông từ chối từ chức, nhưng không thể hoạt động hiệu quả trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ tổng thống. Ông qua đời ngày 3 tháng 2 năm 1924 tại Washington DC.
———————
[1] Giáo hội Trưởng lão: một nhánh thuộc cộng đồng Cơ Đốc giáo Kháng Cách theo thần học Calvin có gốc tích từ Anh. – ND