22/06/2018, 09:27

Willy Brandt – Thủ tướng của trái tim

Nguồn : Historic figures, BBC (truy cập ngày 17/4/2015) Biên dịch & Hiệu đính : Phạm Hồng Anh Willy Brandt (1913-1992) là một chính khách người Đức, và giữ cương vị thủ tướng từ 1969 tới 1974. Ông được trao giải Nobel Hòa bình năm 1971 [1]. Willy Brandt sinh ngày 18 tháng 12 năm ...

?????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????

Nguồn: Historic figures, BBC (truy cập ngày 17/4/2015)

Biên dịch & Hiệu đính: Phạm Hồng Anh

Willy Brandt (1913-1992) là một chính khách người Đức, và giữ cương vị thủ tướng từ 1969 tới 1974. Ông được trao giải Nobel Hòa bình năm 1971 [1].

Willy Brandt sinh ngày 18 tháng 12 năm 1913 tại Lübeck, miền bắc nước Đức, với tên khai sinh là Karl Herbert Frahm. Cuối thập niên 1920 ông đi theo chủ nghĩa xã hội. Năm 1933 ông đổi tên họ và chạy sang Na Uy để tránh bị quân Quốc xã bắt giữ. Sau khi Đức chiếm Na Uy năm 1940, ông bỏ trốn sang Thụy Điển và sống ở đó tới năm 1945.

Brandt quay trở lại Đức sau Thế chiến thứ hai. Năm 1948, ông bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình, nắm giữ nhiều vị trí khác nhau trong Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và trở thành thành viên nghị viện.

Khi Brandt đảm nhận chức thị trưởng Tây Berlin (từ năm 1957 đến 1966), ông bắt đầu được biết đến ở bên ngoài lãnh thổ nước Đức. Đây là một thời kỳ đặc biệt căng thẳng với thành phố, với sự kiện Bức tường Berlin được dựng lên năm 1961.

Đầu thập niên 1960, Brandt đứng đầu Đảng SPD và là đại diện đảng này tranh cử thủ tướng. Ông thất bại trong hai cuộc bầu cử vào năm 1961 và 1965, nhưng tới năm 1966, ông trở thành phó thủ tướng và bộ trưởng bộ ngoại giao trong chính phủ liên minh.

Năm 1969, Brandt đắc cử chức thủ tướng Tây Đức và đảm nhiệm chức vụ này cho tới năm 1972. Chính sách chủ đạo của ông là ‘Ostpolitik’ (Chính sách hướng Đông). Brandt nỗ lực thu hẹp dần khoảng cách giữa Đông Đức và Tây Đức, và tăng cường quan hệ với Ba Lan và Liên Xô. Tại Đức, chính sách ‘Ostpolitik’ này của ông gây nhiều tranh cãi, tuy nhiên tới năm 1971, ông được trao giải Nobel Hòa bình vì những đóng góp của mình.

Tháng 4 năm 1974, một trong những trợ lý của Brandt bị bắt vì tội làm gián điệp cho Đông Đức. Brandt đã nhận trách nhiệm và từ chức ngay tháng sau đó.

Brandt vẫn lãnh đạo đảng SPD tới năm 1987 và là chủ tịch danh dự đến tận cuối đời. Từ năm 1979 đến 1983, ông là thành viên của Nghị viện Châu Âu. Năm 1977 ông được chỉ định làm chủ tịch của một ủy ban quốc tế và đã đưa ra bản Báo cáo Brandt, kêu gọi sự thay đổi mạnh mẽ trong thái độ của cộng đồng quốc tế đối với sự phát triển của Thế giới thứ ba. Cuối năm 1989, Brandt là một trong những lãnh đạo phe cánh tả đầu tiên ở Đức công khai ủng hộ việc thống nhất hai nửa nước Đức.

Brandt qua đời vào ngày 8 tháng 10 năm 1992, gần thành phố Bonn.

——————————

[1] Der Spiegel, một tờ tuần báo có tiếng ở Đức, đã đặt cho Brandt danh hiệu “Thủ tướng của trái tim” (Kanzler der Herzen). Brandt được đánh giá là một trong hai vị thủ tướng của Cộng Hòa Liên bang Đức đã tạo được nhiều ấn tượng nhất sau thời chiến: thủ tướng Đức đầu tiên là Konrad Adenauer (1949-1963) và thủ tướng Willy Brandt (1969-1974).

0