Julius Caesar – Nhà độc tài của nền Cộng hòa La Mã
Nguồn : Historic figures, BBC (truy cập ngày 22/4/2015) Biên dịch & Hiệu đính : Phạm Hồng Anh Caesar (100 – 44 TCN) là một chính khách và lãnh đạo quân sự của Cộng hòa La Mã thời kỳ cuối. Ông là người đã mở rộng lãnh thổ cai trị của đế chế La Mã, rồi sau đó lên nắm quyền và trở thành ...
Nguồn: Historic figures, BBC (truy cập ngày 22/4/2015)
Biên dịch & Hiệu đính: Phạm Hồng Anh
Caesar (100 – 44 TCN) là một chính khách và lãnh đạo quân sự của Cộng hòa La Mã thời kỳ cuối. Ông là người đã mở rộng lãnh thổ cai trị của đế chế La Mã, rồi sau đó lên nắm quyền và trở thành nhà độc tài của thành Rome, mở đường cho sự hình thành Đế quốc La Mã.
Julius Caesar sinh ngày 12 hoặc 13 tháng 7 năm 100 trước công nguyên (TCN) tại La Mã, trong gia đình quý tộc thuộc dòng họ Julius quyền quý. Gia đình ông có quan hệ gần gũi với nhà Marius trong chính quyền La Mã. Caesar dần thăng tiến trong hệ thống chính trị La Mã, ông lần lượt được cử làm quan coi quốc khố (năm 69), quan thị chính (năm 65) và pháp quan (năm 62). Năm 61-60 TCN, ông giữ chức thống đốc của một tỉnh thuộc quyền cai trị của La Mã ở Tây Ban Nha. Năm 60 ông quay lại Rome, và ký một hiệp ước với Pompey và Crassus,[1] những người đã giúp Caesar được bầu làm quan chấp chính tối cao vào năm 59 TCN. Năm sau đó, ông được cử làm thống đốc xứ Gaul thuộc La Mã trong vòng tám năm, chinh phạt và sáp nhập toàn bộ lãnh thổ nước Pháp và Bỉ ngày nay vào đế chế La Mã, và bảo vệ thành Rome khỏi nguy cơ xâm lược từ người xứ Gaul. Ông tiến hành hai cuộc viễn chinh tới Anh năm 55 và 54 TCN.
Sau đó Caesar quay trở lại Ý bằng cách vượt qua con sông Rubicon và không giải tán quân đội của mình, làm trái với mệnh lệnh của viện nguyên lão. Trong cuộc nội chiến nổ ra tiếp đó, Caesar đã đánh bại quân đội Cộng hòa. Tướng Pompey chạy sang Ai Cập và bị ám sát tại đây. Caesar đuổi theo Pompey và vướng vào cuộc tình lãng mạn với Nữ hoàng Ai Cập, Cleopatra.
Tại La Mã, Caesar nắm quyền lực tuyệt đối và tự phong mình là quan chấp chính tối cao và nhà độc tài. Ông sử dụng quyền lực của mình để tiến hành những cải cách cần thiết, giảm nợ, mở rộng viện nguyên lão, xây dựng Quảng trường Iulium (hay còn gọi là Quảng trường Caesar) và sửa đổi lại lịch. Danh xưng ‘nhà độc tài’ vẫn luôn được coi là một vị trí tạm thời, nhưng đến năm 44 TCN, Caesar được nhận tước vị Thống lĩnh tối cao trọn đời (Dictator Perpetuus). Thành công và tham vọng của ông đã gây bất đồng với nhiều thành viên phe cộng hòa của viện nguyên lão. Một nhóm trong số họ, đứng đầu là Cassius và Brutus, đã ám sát Caesar vào ngày 15 tháng 3 năm 44 TCN. Sự việc này châm ngòi cho thời kỳ cuối cùng của cuộc nội chiến, đánh dấu sự kết thúc của nền Cộng hòa và sự nổi lên của người cháu mà Caesar chỉ định làm người thừa kế: Octavian, hay còn được biết đến với tên gọi Augustus, vị hoàng đế đầu tiên của La Mã cổ đại.
———————————–
[1] Liên minh tam hùng lần thứ nhất (First Triumvirate) là một liên minh chính trị được thành lập bởi Julius Caesar, Marcus Licinius Crassus (người giàu nhất La Mã lúc bấy giờ) và Gnaeus Pompeius Magnus (hay Pompey, vị tướng giỏi nhất La Mã thời bấy giờ). Liên minh này không có địa vị chính thức, được giữ bí mật để phục vụ cho các mưu mô chính trị của tam hùng. Liên minh này được tạo lập năm 59 TCN và tồn tại cho đến khi Crassus mất năm 53 TCN. – ND