Vua Charles II – Người chấm dứt chế độ cộng hòa ở Anh
Nguồn : Historic figures, BBC (truy cập ngày 23/4/2015) Biên dịch & Hiệu đính : Phạm Hồng Anh Charles II (1630-1685) là Vua của nước Anh, Scotland và Ireland. Ông lên ngôi năm 1660, đánh dấu sự kết thúc của chế độ cộng hòa ở Anh. Charles sinh ngày 29 tháng 5 năm 1630, là con ...
Nguồn: Historic figures, BBC (truy cập ngày 23/4/2015)
Biên dịch & Hiệu đính: Phạm Hồng Anh
Charles II (1630-1685) là Vua của nước Anh, Scotland và Ireland. Ông lên ngôi năm 1660, đánh dấu sự kết thúc của chế độ cộng hòa ở Anh.
Charles sinh ngày 29 tháng 5 năm 1630, là con trai cả của Vua Charles I. Khi cuộc nội chiến nổ ra ông mới lên 12 tuổi, và hai năm sau đó đã được phong danh tổng chỉ huy tại miền tây nước Anh. Chiến thắng thuộc về nghị viện, vì thế ông bị trục xuất sang châu Âu lục địa. Ông sống tại Hà Lan và biết tin cha mình bị hành quyết năm 1649.
Năm 1650, Charles ký một thỏa thuận với người Scotland và được tuyên bố là Vua của xứ này. Ông dẫn dắt quân đội Scotland xâm lược Anh, nhưng rồi bị tướng Cromwell (Huân tước bảo hộ Anh) đánh bại trong Trận Worcester năm 1651. Charles một lần nữa bị trục xuất khỏi Anh. Tới tận năm 1660, ông mới được mời về quê hương để giành lại ngai vàng. Mặc dù ông trừng phạt những người đã ký lệnh xử tử cha mình là Vua Charles I, ông vẫn cho thi hành một chính sách khoan dung chính trị và chia sẻ quyền lực. Quá trình hiện thực hóa mong muốn của Charles về tự do tôn giáo (phần lớn xuất phát từ việc ông ngả nhiều theo Công giáo [Catholicism]) lại vấp phải sự chống đối. Ông nhiều lần cố gắng chính thức hóa việc chấp nhận những người theo Công giáo và người trái đạo (non-conformist), tuy nhiên phải dừng lại trước sự phản đối dữ dội từ nghị viện.
Những năm đầu triều đại của Charles chứng kiến đại dịch dịch hạch kinh hoàng (năm 1665) và vụ Đại hỏa hoạn năm 1666, khiến London phải xây dựng lại những công trình thiết yếu của thành phố. Từ năm 1665 đến 1667 diễn ra cuộc Chiến tranh Anh-Hà Lan lần thứ hai, kết thúc với thắng lợi thuộc về người Hà Lan. Năm 1670, Charles ký một mật ước với Vua Louis XIV của Pháp. Ông cam kết sẽ cải đạo sang Công giáo và sẽ hỗ trợ Pháp trong cuộc chiến chống lại Hà Lan (Chiến tranh Anh-Hà Lan lần thứ ba nổ ra từ năm 1672 đến 1674). Đổi lại ông muốn Pháp cấp thêm các khoản viện trợ, nhằm phục vụ cho kế hoạch chống lại nghị viện.
Năm 1677, Charles gả cháu gái Mary của mình cho Hoàng thân William xứ Orange (người theo đạo Tin lành), một phần để tái khẳng định bản thân theo đạo Tin lành. Mặc dù Charles có khá nhiều con cái ngoài giá thú với các nhân tình của mình, ông lại chẳng có người con nào với vợ là Hoàng hậu Catherine xứ Braganza. Vì thế người em trai theo Công giáo của ông (James) được chọn là người kế vị. Những thỏa thuận của ông với Pháp, cùng với những nỗ lực trở thành nhà cai trị tuyệt đối bị lộ, làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa ông và nghị viện. Ông giải tán nghị viện vào năm 1681. Từ đó đến khi qua đời, ông một mình trị vì vương quốc.
Triều đại của vua Charles chứng kiến sự lan rộng của các cuộc đánh chiếm thuộc địa và trao đổi thương mại ở Ấn Độ, khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Châu Mỹ (người Anh chiếm lại New York từ tay người Hà Lan vào năm 1664); và với Luật tự do hàng hải được thông qua, Anh có thể đảm bảo được vị thế cường quốc biển trong tương lai. Năm 1660 Charles thành lập Hội Hoàng gia (hay còn được gọi là Hội Khoa học Hoàng gia Anh). Charles cải đạo sang Công giáo vào ngày 6 tháng 2 năm 1685 trên giường bệnh và qua đời cùng ngày.