OECD là gì?
Nguồn: “What is the OECD?”, The Economist , 06/07/2017 Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp Nhiều bài báo trích dẫn các báo cáo hoặc số liệu thống kê từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organization for Economic Cooperation and Development, hay OECD). ...
Nguồn: “What is the OECD?”, The Economist, 06/07/2017
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Nhiều bài báo trích dẫn các báo cáo hoặc số liệu thống kê từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organization for Economic Cooperation and Development, hay OECD). Thông thường chúng được kèm theo mô tả, “câu lạc bộ các nước giàu” (các nước này không hẳn thích được gọi như vậy). Vậy câu lạc bộ này là gì, và nó thực sự làm những gì?
OECD được thành lập vào năm 1961, có tiền thân là Tổ chức Hợp tác Kinh tế Châu Âu được thành lập năm 1948 để triển khai Kế hoạch Marshall, chương trình viện trợ của Mỹ cho một Châu Âu bị chiến tranh tàn phá. OECD bao gồm cả các quốc gia ngoài châu Âu; ý tưởng đằng sau sự hình thành của nó là nhằm khuyến khích sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa các quốc gia thành viên thông qua sự hỗ trợ của các phân tích dựa trên bằng chứng. Các thành viên cung cấp ngân sách cho hoạt động của tổ chức này.
Các quốc gia phải nộp đơn xin gia nhập và phải đáp ứng các tiêu chuẩn pháp lý tối thiểu và các tiêu chuẩn khác; họ được hưởng lợi từ các nghiên cứu của nhóm và từ uy tín của việc là một thành viên OECD. OECD hiện có 35 thành viên, với Latvia là quốc gia thành viên mới nhất gia nhập vào năm 2016. OECD đưa ra các tiêu chuẩn về (chống) hối lộ, bảo vệ người tiêu dùng và khai thác khoáng sản có trách nhiệm, bên cạnh nhiều tiêu chuẩn khác. (Việc áp dụng những tiêu chuẩn này là hoàn toàn tự nguyện.)
Câu lạc bộ của hầu hết các nước giàu có lẽ được biết đến nhiều nhất với ba điều. Điều đầu tiên là các báo cáo kinh tế thường kỳ của nó, cả về triển vọng toàn cầu lẫn từng quốc gia; những chỉ trích chính sách của nó có thể thu hút rất nhiều chú ý của báo giới. Điều thứ hai là công trình của nó về vấn đề trốn thuế (Base Erosion and Profit Shifting – BEPS), nhằm mục đích cho phép các quốc gia phối hợp chính sách về vấn đề này. Thứ ba là phân tích của OECD về các tiêu chuẩn giáo dục hay còn gọi là PISA (Chương trình Đánh giá Sinh viên Quốc tế), điều làm cho các quốc gia phải bực bội khi họ bị tụt hạng.
Có lẽ cách mô tả phù hợp hơn, và tẻ nhạt hơn, cho OECD sẽ là “một cơ quan chuyên về nghiên cứu và thiết lập tiêu chuẩn”.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD)