24/05/2018, 22:28

Virus cúm và bệnh cúm gia cầm

Virus gây bệnh cúm bao gồm ba type: type A, type B và type C. Căn cứ vào sự hiện diện của các glycoprotein bề mặt (Glycoprotein gây ngưng kết hồng cầu: Hemagglutinin (HA) và men tan nhầy Neuraminidase (NA). , virus thuộc type A được chia ...

Virus gây bệnh cúm bao gồm ba type: type A, type B và type C. Căn cứ vào sự hiện diện của các glycoprotein bề mặt (Glycoprotein gây ngưng kết hồng cầu: Hemagglutinin (HA) và men tan nhầy Neuraminidase (NA). , virus thuộc type A được chia thành các phân type (subtype). HA và NA được gọi là các yếu tố kháng nguyên của virus.

Virus cúm với các yếu tố kháng nguyên H và N, lớp màng bao (envelop), protein liên kết (matrix protein M1, ribonucleoprotein: RNP

Các subtype của virus cúm A và virus cúm B bao gồm các chủng khác nhau.

Các yếu tố H và N do các gene quy định nên khi các gene biến đổi, những yếu tố kháng nguyên này biến đổi theo. Có hai loại biến đổi ở mức độ phân tử:

(1)Các đột biến điểm (point mutations): Thường sảy ra trên hai gene mã hóa các thành phần kháng nguyên dẫn đến các biến đổi nhỏ của H và N (người ta dùng thuật ngữ biến đổi trôi dạt - antigenic drift để mô tả các đột biến kiểu này). Kết quả hình thành nhiều kiểu kháng nguyên H và N khác nhau được ghi nhận bằng các ký hiệu H1, H2, H3 v.v. và N1, N2, N3, v.v. Vì vậy để ký hiệu mỗi loại virus ta dùng một nhóm gồm hai ký hiệu một từ H và một từ N như: H1N1, H1N2, H2N2, H5N1.... Điều đáng lưu ý là kết quả của biến đổi trôi dạt dẫn đến sự ra đời của chủng virus cúm mới mà kháng thể đối với các chủng virus trước nó không nhận ra được. Đây là nguyên nhân tại sao một người đã bị nhiễm virus cúm nhưng vẫn có thể bị nhiễm trở lại và chương trình giám sát dịch cúm phải được tiến hành chặt chẽ để đánh giá sự thay đổi của các chủng virus từ đó quyết định chủng virus nào nên được đưa vào danh sách sản xuất vaccine. Cũng chính vì thế, những người muốn miễn dịch với virus cúm cần được tiêm vaccine hàng năm.

(2) Các biến đổi lớn có tính chuyển đổi (antigenic shift) sảy ra khi virus cúm nhiễm từ loài này sang loài khác hoặc do trộn lẫn, tái tổ hợp gene của virus cúm ở các loài khác nhau (ví dụ giữa virus cúm A ở người và virus cúm A ở gia cầm). Khi loại biến đổi này sảy ra sẽ cho ra đời một phân type virus mới mà tác hại của nó khó thể lường trước được. Đây cũng là một trong những yếu tố để một đại dịch bùng phát.

1. Nhiễm virus cúm A (influenza type A):

Căn cứ vào đặc tính gây bệnh và cấu trúc di truyền , virus cúm A còn được phân thành hai loại: Loại có độc lực cao (hay tính gây bệnh cao): highly pathogenic (HPAI) và loại có tính gây bệnh thấp: low pathogenic (LHAI). Hầu hết các virus A đều có tính gây bệnh thấp và thường gây ra các triệu chứng nhẹ ở gia cầm. Ngược lại, các virus có độc lực cao có thể gây bệnh nặng và nhiều khi gây chết gia cầm mắc bệnh. Tuy nhiên có loại virus độc lực cao (như H5N1) lại không gây bệnh ở một số loài chim trong đó có vịt. Một điều phải chú ý là các loại độc lực thấp có thể biến đổi thành loại độc lực cao.

Các loài chim hoang dã, gia cầm, lợn, ngựa và một số động vật khác là đối tượng có thể trở thành vật chủ của tất cả các subtype của virus cúm A.

Các loài gia cầm như gà và gà tây khi nhiễm virus cúm A có thể biểu hiện triệu chứng cúm điển hình và nhiều khi bị chết.

Có sự khác nhau đáng kể trong bộ gene giữa các phân type A chỉ nhiễm ở người và các phân type nhiễm cả ở người và gia cầm.

Các virus cúm A đã được xác định nhiễm cả người và gia cầm bao gồm:

- Cúm A H5: Gồm 5 phân type đã được xác đinh, trong đó nhóm có độc lực cao H5N1 đã và đang lưu hành tại châu Á và châu Âu.

- Cúm A H7: Gồm 9 phân type đã được xác đinh. H7 có thể nhiễm từ các loài chim hay gia cầm mang virus sang người. Người bị nhiễm các virus H7 có thể biểu hiện triệu chứng từ viêm kết mạc mắt hay các triệu chứng tổn thương đường hô hấp trên hoặc cả hai. Đặc biệt, H7 hiện diện trong cả nhóm có độc lực thấp và nhóm có độc lực cao. Nhìn chung, H7 có thể gây bệnh cho người từ biểu hiện các triệu chứng dạng nhẹ cho đến tử vong.

- Cúm A H9: Gồm 9 phân nhóm có thể nhiễm ở người (ít sảy ra và có độc lực thấp).

2. Virus cúm B (influenza type B): Thường chỉ phát hiện thấy ở người và không bao gồm các phân type. Virus cúm B cũng có thể gây bệnh nặng cho người nhưng ít gây thành dịch như virus cúm A.

3. Virus cúm C (influenza type C): Người bị nhiễm virus cúm C có thể biểu hiện các triệu chứng ở dạng nhẹ. Virus cúm C không gây thành dịch.

Điều kiện để đại dịch cúm sảy ra

Một đại dịch cúm (mang tính toàn cầu) sảy ra nếu hội tụ các điều kiện sau:

- Một phân type mới của virus cúm A được tạo ra và lưu hành trong cộng đồng

- Loại virus này gây các triệu chứng trầm trọng

- Virus này có thể lây từ người sang người theo một phương thức truyền lây có tính ổn định.

Việc giám sát và xác định các điều kiện trên vô cùng quan trọng trong công việc phòng và trị bệnh.

0