Nội dung cơ bản về thuế giá trị gia tăng
Để góp phần thúc đẩy sản xuất, mở rộng lưu thông hàng hoá, dịch vụ khuyến khích phát triển nền KTQD, động viên 1 phần thu nhập của người tiêu dùng vào ngân sách Nhà nước. Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, luật này quy định thuế ...
Để góp phần thúc đẩy sản xuất, mở rộng lưu thông hàng hoá, dịch vụ khuyến khích phát triển nền KTQD, động viên 1 phần thu nhập của người tiêu dùng vào ngân sách Nhà nước. Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, luật này quy định thuế GTGT
Đối tượng nộp thuế và chịu thuế GTGT.
Điều 1. Thuế giá trị gia tăng
Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên khoản giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.
Điều 2. Đối tượng chịu thuế
Hàng hoá, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, trừ các đối tượng quy định tại Điều 4 của luật này.
Điều 3. Đối tượng nộp thuế
Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế (gọi chung là cơ sở kinh doanh) và tổ chức, cá nhân khác nhập khẩu hàng hoá chịu thuế (gọi chung là người nhập khẩu) là đối tượng nộp thuế giá trị gia tăng.
Điều 4. Đối tượng không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng
Hàng hoá, dịch vụ dưới đây không thuộc diệ chịu thuế giá trị gia tăng:
Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của các tổ chức, cá nhân tự sản xuất và bán ra.
Sản phẩm muối
Hàng hoá, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt không phải nộp thuế giá trị gia tăng ở khâu đã chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng thuộc loại trong nước chưa sản xuất được mà cơ sở có dự án đầu tư nhập khẩu để làm tài sản cố định theo dự án đó.
Chuyển quyền sử dụng đất thuộc diện chịu thuế chuyển quyền sử dụng đất.
Nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước do Nhà nước bán cho người đang thuê.
Dịch vụ tín dụng, quỹ đầu tư
Bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm học sinh, bảo hiểm vật nuôi, cây trồng và các loại bảo hiểm không nhằm mục đích kinh doanh.
Dịch vụ y tế.
Hoạt động văn hoá, triển lãm và thể dục thể thao không nhằm mục đích kinh doanh, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, phát hành và chiếu phim nhựa, phim video tài liệu.
Dạy học, dạy nghề
Phát sóng truyền thanh, truyền hình theo chương trình bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước
In, xuất bản và phát hành báo, tạp chí, bản tinh chuyên ngành, sách chính trị, sách giáo khoa, giáo trình, sách văn bản pháp luật, sách in bằng tiếng dân tộc thiểu số, tranh ảnh, áp phích tuyên truyền cổ động, in tiền.
Dịch vụ phục vụ công cộng về vệ sinh, thoát nước đường phố và khu dân cư, duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố, chiếu sáng công cộng, phục vụ tang lễ v…v…
Điều 5. Nghĩa vụ và trách nhiệm thực hiện luật thuế GTGT
1. Cơ sở kinh doanh và người nhập khẩu có nghĩa vụ nộp thuế đầy đủ, đúng hạn theo quy định của luật này.
2. Cơ quan thuế trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của luật này.
3. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình giám sát, phối hợp với cơ quan thuế trong việc thi hành luật thuế GTGT.
4. Công dân Việt Nam có trách nhiệm giúp cơ quan thuế, cán bộ thuế trong việc thi hành luật này.
Cơ sở tính thuế GTGT
Gồm giá tính thuế và thuế suất thuế GTGT
Về giá tính thuế GTGT, về lý thuyết có hai cách xác định:
Giá tính thuế là giá đã bao gồm thuế GTGT, có nghĩa là thuế được tính trên giá bán đã bao gồm thuế.
Giá tính thuế là giá chưa bao gồm thuế GTGT. Cách tính này làm cho bên mua và bên bán thấy rõ ràng hơn là giá chưa có thuế và thuế GTGT
Điều 7. Giá tính thuế GTGT
Giá tính thuế GTGT được quy định như sau:
1. Đối với hàng hoá, dịch vụ là giá bán chưa có thuế GTGT.
2. Đối với hàng hoá nhập khẩu là giá tại cửa khẩu cộng với thuế nhập khẩu.
3. Đối với hàng hoá, dịch vụ dùng để trao đổi, sử dụng nội bộ, biếu tặng là giá tính thuế GTGT của hàng hoá, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh các hoạt động này.
4. Đối với hoạt động cho thuê tài sản là số tiền thuê thu từng kỳ.
5. Đối với hàng hoá bán theo phương thức trả góp là giá bán của hàng hóa tính theo giá bán trả 1 lần không tính theo số tiền trả từng kỳ.
6. Đối với gia công hàng hoá là giá gia công.
7. Đối với hàng hoá, dịch vụ khác là giá do chính phủ quy định
Về thuế suất là đại lượng xác định mức độ, phạm vi, nghĩa vụ nộp thuế trên một đơn vị của đối tượng chịu thuế. Hay nói cách khác, thuế suất là định mức thu thuế trên một đơn vị của đối tượng chịu thuế. Thuế suất biểu hiện chính sách điều chỉnh kinh tế xã hội của Nhà nước, tức là thể hiện quan điểm động viên của Nhà nước với từng hoạt động sản xuất kinh doanh. Thuế suất thuế GTGT là loại thuế suất theo giá trị tức là thuế suất quy định tỷ lệ % huy động trên một đơn vị giá trị đối tượng nộp thuế.
Về mức thuế suất thuế GTGT được quy định như sau:
Mức thuế suất 0% đối với hàng hoá xuất khẩu
Mức thuế suất 5% đối với hàng hoá, dịch vụ: nước sạch, nước sinh hoạt, phân bón, thuốc khám bệnh, đồ chơi trẻ em, sách khoa học….
Mức thuế suất thông thường giao động từ 10 – 20%
Nhóm thuế suất ưu đãi giao động từ 5%- 7%
Nhóm thuế suất đặc biệt ưu đãi: dưới 5% áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ đặc biệt ưu đãi.
Nhóm thuế suất điều tiết trên 20%.
Phương pháp tính thuế GTGT
Thuế GTGT phải nộp được tính theo phương pháp khấu trừ thuế hoặc phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng.
Phương pháp khấu trừ thuế:
Số thuế phải nộp bằng thuế GTGT đầu ra trừ thuế GTGT đầu vào.
Thuế GTGT đầu ra bằng giá tính thuế của hàng hoá, dịch vụ bán ra nhân với thuế suất.
Thuế GTGT đầu vào bằng tổng số thuế GTGT đã thanh toán được ghi trên hoá đơn GTGT mua hàng hóa, dịch vụ hoặc chứng từ nộp thuế GTGT hàng hoá nhập khẩu.
Phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng
Số thuế phải nộp bằng GTGT của hàng hoá, dịch vụ nhân với thuế suất thuế GTGT.
Giá trị gia tăng của hàng hoá, dịch vụ bằng giá thanh toán của hàng hóa, dịch vụ bán ra trừ giá thanh toán của hàng hóa, dịch vụ mua vào.
Phương pháp tính trực tiếp chỉ áp dụng đối với các đối tượng sau:
Cá nhân sản xuất kinh doanh và tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh ở Việt Nam không theo bước đầu tư nước ngoài tới Việt Nam chưa thực hiện đầy đủ các điều kiện về kế toán, hoá đơn, chứng từ để làm căn cứ tính thuế theo phương pháp khấu trừ.
Cơ sở kinh doanh mua bán vàng bạc, đá quý.
Cơ chế thực hiện nghĩa vụ thuế GTGT
Việc thực hiện nghĩa vụ thuế GTGT phải thông qua một cơ chế nhất định vì vậy một trong những nội dung chủ yếu của pháp luật điều chỉnh thuế GTGT là cơ chế thực hiện nghĩa vụ thuế GTGT. Cơ chế thực hiện nghĩa vụ thuế GTGT gồm: đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế.
Đăng ký thuế và cấp mã số thuế
Sự kiện pháp lý làm phát sinh nghĩa vụ đăng ký thuế GTGT là sự ra đời, thay đổi hoặc chấm dứt của chủ thể kinh doanh. Thời điểm phát sinh nghĩa vụ này được xác định kể từ ngày đối tượng nộp thuế được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Thời điểm cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là thời điểm để tính thời hạn thực hiện nghĩa vụ thuế. Việc đăng ký thuế phải tuân thủ theo những trình tự thủ tục nhất định gọi là quy trình đăng ký thuế. Kết quả của đăng ký thuế là mỗi đối tượng nộp thuế được cấp một mã số thuế. Mã số thuế là cơ sở pháp lý để nhận diện người nộp thuế, là điều kiện thiết yếu về phương diện pháp lý để quản lý và thực hiện thuế GTGT. Đối với đối tượng nộp thuế phải sử dụng mã số thuế để thực hiện nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ khác có liên quan đến thuế vì vậy phải ghi mã số thuế trên mọi giấy tờ giao dịch, hợp đồng kinh tế, chứng từ nộp thuế. Các đơn vị được sử dụng hoá đơn tự in phải in sẵn mã số của mình vào từng tờ hoá đơn.
Đối với cơ quan thuế phải có trách nhiệm sử dụng mã số thuế của đối tượng nộp thuế để quản lý đối tượng nộp thuế, theo dõi số liệu nộp thuế và ghi mã số đối tượng nộp thuế trên mọi giấy tờ giao dịch với đối tượng nộp thuế như: thông báo nộp thuế, thông báo phạt, lệnh thu, các quyết định phạt hành chính thuế, biên bản kiểm tra về thuế.
Kê khai thuế GTGT
Mỗi chủ thể khi tham gia đăng ký nộp thuế GTGT với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cấp mã số thuế thì đều phải thực hiện việc kê khai thuế theo quy định của pháp luật.
Kê khai thuế là việc khai báo tất cả những nghiệp vụ chịu thuế phát sinh trong kỳ (tháng, quý hoặc năm), số thuế GTGT đã trả khi mua hàng, số thuế GTGT thu được khi bán hàng, số thuế GTGT đã nộp, số thuế GTGT phải nộp trong kỳ cho cơ quan thuế.
Việc kê khai thuế được tiến hành theo mẫu tờ khai thuế. Người có nghĩa vụ kê khai thuế căn cứ vào các dữ liệu trên tờ khai thuế thực hiện hành vi kê khai, chịu trách nhiệm về tính chính xác của việc kê khai và nộp tờ khai cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sau khi lập xong tờ khai thuế phải nộp tờ khai cho cơ quan thuế. Sau khi tính số thuế phải nộp cho đối tượng nộp thuế, cơ quan thuế mới ra thông báo nộp thuế gửi cho các đối tượng nộp thuế. Việc kiểm tra tính đúng đắn của kê khai thuế xảy ra trước thời điểm nộp thuế. Việc sai sót trong việc tính số thuế phải nộp thuộc trách nhiệm của cơ quan thuế.
Nộp thuế GTGT
Nộp thuế GTGT là việc người cung cấp hàng hoá, dịch vụ chuyển thuế đã thu hộ Nhà nước do người tiêu dùng trả thông qua cơ chế giá khi mua hàng hoá, dịch vụ thuộc diện chịu thuế GTGT vào kho bạc Nhà nước. Đây là nghĩa vụ cơ bản nhất của mỗi đối tượng nộp thuế. Để thực hiện nghĩa vụ này một cách có hiệu quả cần điều chỉnh những vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất, về hình thức nộp thuế, có thể nộp trực tiếp cho cơ quan thuế hoặc có thể nộp thuế qua Ngân hàng, qua kho bạc.
Thứ hai, về cơ chế nộp thuế. Hiện nay trong thực tiễn tiến hành thu thuế tồn tại hai cơ chế:
* Cơ chế đối tượng nộp thuế tự tính nộp thuế: cơ chế này nâng cao tính tự chịu trách nhiệm trước pháp luật của đối tượng nộp thuế, giảm khối lượng công việc cho cơ quan quản lý thuế cũng như chi phí quản lý hành chính thuế, phân định rạch ròi trách nhiệm của cơ quan thuế, của đối tượng nộp thuế.
* Cơ chế nộp thuế theo thông báo của cơ quan thuế: tức nộp thuế theo sự tính toán của cơ quan thuế và được thực hiện bởi một quyết định quản lý hành chính của Nhà nước.
Thứ ba, phạm vi thực hiện nghĩa vụ nộp thuế GTGT. Đối với những tổ chức, cá nhân kinh doanh bất hợp pháp (không có đăng ký kinh doanh) có nghĩa vụ nộp thuế hay không ?
Xét trên phương diện lý luận thì nghĩa vụ nộp thuế GTGT của các chủ thể chỉ phát sinh trên cơ sở các hành vi và hoạt động hợp pháp của các chủ thể vì vậy nếu đánh thuế vào những hoạt động kinh doanh không hợp pháp thì vô hình chung có một dòng tiền bất hợp pháp được chuyển vào ngân sách Nhà nước, được sự bảo trợ của Nhà nước và dòng tiền đó trở thành hợp pháp.
Quyết toán thuế
Với cơ chế tự đăng ký, tự kê khai, tự tính và nộp thuế việc quyết toán thuế hàng năm của cơ sở kinh doanh với cơ quan thuế là hết sức cần thiết. Thuế GTGT là thuế gián thu được đánh trên tất cả các khâu từ sản xuất đến tiêu dùng theo phương pháp khấu trừ thì nghĩa vụ quyết toán thuế phải được tính toán một cách chặt chẽ nhằm xác định đủ, chính xác số thuế nộp vào ngân sách nhà nước một cách kịp thời, tránh hiện tượng chiếm giữ số thuế GTGT thu được phục vụ lợi ích riêng của doanh nghiệp.
Khấu trừ và hoàn thuế GTGT
Khấu trừ thuế GTGT
Thuế GTGT mang bản chất liên hoàn vì vậy thuế GTGT đã được nộp ở giai đoạn trước sẽ được khấu trừ ở giai đoạn sau thông qua cơ chế giá cả khi thực hiện hành vi mua bán trao đổi sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ. Việc khấu trừ thuế đã nộp ở giai đoạn trước gọi là khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
Thuế GTGT đầu vào là tổng số thuế GTGT trên hoá đơn GTGT mua hàng hoá, dịch vụ hoặc chứng từ nộp thuế GTGT của hàng hoá nhập khẩu. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì khấu trừ thuế được thực hiện theo những nguyên tắc nhất định:
- Chỉ khấu trừ thuế đầu vào của hàng hoá, dịch vụ dùng vào sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế GTGT, cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng thuế đầu vào được khấu trừ và không được khấu trừ, trường hợp không hạch toán riêng thì số thuế đầu vào được khấu trừ theo phương pháp phân bổ dựa trên tỷ lệ doanh số chịu thuế so với tổng doanh số bán ra tại doanh nghiệp.
- Thuế đầu vào của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong tháng nào thì được kê khai khấu trừ trong tháng đó không phân biệt đã được xuất dùng hay chưa.
- Cơ sở mua vật tư hàng hoá không có hoá đơn chứng từ hoặc có hoá đơn nhưng không ghi riêng số thuế GTGT ngoài giá bán thì không được khấu trừ, trừ một số trường hợp có quy định riêng.
- Thuế đầu vào của TSCĐ được kê khai khấu trừ như đối với vật tư, hàng hoá khác. Nếu số thuế khấu trừ phát sinh lớn cơ sở được tính khấu trừ dần. Sau 3 tháng mà số thuế khấu trừ vẫn còn thì doanh nghiệp có thể đề nghị cơ quan thuế xét hoàn thuế.
Hoàn thuế GTGT
Do thuế GTGT “thu hộ” của doanh nghiệp bán hàng là thuế GTGT “trả hộ” của doanh nghiệp mua hàng nên việc hoàn thuế GTGT của một doanh nghiệp có liên quan đến việc nộp thuế của doanh nghiệp khác. Vì vậy, có thể nói việc hoàn thuế GTGT diễn ra trên phạm vi rộng, bao hàm nhiều mối quan hệ phức tạp và có sự liên hoàn giữa các đối tượng nộp thuế. Chính tính phức tạp của vấn đề cùng với sự mới mẻ của nghiệp vụ hoàn thuế GTGT cộng thêm sự chắp vá của các văn bản pháp luật về hoàn thuế GTGT khiến cho vấn đề hoàn thuế GTGT là một vấn đề nổi cộm lớn trong quá trình thực hiện luật thuế GTGT hiện nay.
Theo quy định của điều 16 luật thuế GTGT thì đối tượng được xét hoàn thuế GTGT trong các trường hợp sau:
- Cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế được xét hoàn thuế trong các trường hợp.
Cơ sở kinh doanh 3 tháng liên tục trở lên có số luỹ kế số thuế đầu vào được khấu trừ lớn hơn số thuế đầu ra. Số thuế được hoàn là số thuế đầu vào chưa được khấu trừ hết của thời gian xin hoàn thuế.
Ví dụ: Doanh nghiệp A kê khai thuế GTGT có số thuế GTGT đầu ra, đầu vào như sau:
ĐVT: triệu đồng
Tháng kê khai thuế | Thuế đầu vào được khấu trừ trong tháng | Thuế đầu ra phát sinh trong tháng | Thuế phải nộp | Luỹ kế số thuế đầu vào chưa được khấu trừ |
Tháng 12/2000 | 200 | 100 | -100 | -100 |
Tháng 1/2001 | 300 | 350 | +50 | -50 |
Tháng 2/2001 | 300 | 200 | -100 | -150 |
Doanh nghiệp A có luỹ kế 3 tháng liên tục số thuế đầu vào lớn hơn đầu ra. Doanh nghiệp A thuộc đối tượng được hoàn thuế GTGT với số thuế là 150 triệu đồng.
Cơ sở kinh doanh trong tháng có hàng hoá xuất khẩu nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ từ 200 triệu trở lên thì được xét duyệt hoàn thuế theo tháng, hoặc chuyến hàng.
- Đối với hàng uỷ thác xuất khẩu, gia công chế biến xuất khẩu qua một cơ sở khác ký hợp đồng gia công xuất khẩu, gia công chuyển tiếp xuất khẩu, đối tượng hoàn thuế là cơ sở hàng hoá đi uỷ thác xuất khẩu, cơ sở trực tiếp gia công hàng hoá xuất khẩu.
- Đối với cơ sở kinh doanh mới thành lập, đầu tư mới đã đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế nhưng chưa có phát sinh doanh thu bán hàng để tính thuế GTGT đầu ra, nếu thời gian đầu tư từ một năm trở lên được xét hoàn thuế đầu vào theo từng năm. Số thuế GTGT đầu vào của tài sản đầu tư được hoàn có giá trị lớn từ 200 triệu trở lên thì được xét hoàn thuế từng quý.
- Cơ sở kinh doanh quyết toán thuế khi sát nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, phá sản có thuế GTGT nộp thừa, cơ sở có quyền đề nghị cơ quan hoàn thuế hoàn lại số thuế nộp thừa.
- Đối với các dự án sử dụng vốn ODA chủ dự án ODA không hoàn lại mua hàng hoá, dịch vụ từ các nhà cung cấp trong nước có thuế GTGT để sử dụng cho dự án này. Nhà thấu chính thuộc đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp trừ thuế sử dụng vốn ODA không ….. cung cấp các hàng hoá, dịch vụ cho các dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại không phải tính thuế GTGT đầu ra nhưng được tính khấu trừ hoặc hoàn thuế GTGT đầu vào của hàng hoá, dịch vụ mua trong nước có thuế GTGT.
- Tổ chức Việt Nam sử dụng tiền viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại của tổ chức cá nhân nước ngoài để mua hàng hoá tại Việt Nam thì được hoàn lại tiền thuế GTGT đã ghi trên hoá đơn GTGT khi mua hàng.
Hoá đơn, chứng từ
Trong điều kiện thực hiện thuế GTGT, hoá đơn, chứng từ là cơ sở để kiểm tra thuế GTGT, là căn cứ để xác định thuế GTGT đầu vào và đầu ra để xác định số thuế GTGT được khấu trừ, miễn giảm, phải nộp hay được hoàn lại trong kỳ. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm chỉnh chế độ hoá đơn, chứng từ ở cả khâu mua và khâu bán vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu của Nhà nước và quyền lợi của doanh nghiệp. Do đó, việc kiểm soát và tự kiểm soát ở khâu lập chứng từ, hoá đơn hay tiếp nhận chứng từ hoá đơn có ý nghĩa quyết định với cơ quan quản lý chức năng trong việc tính toán số thuế phải nộp nói riêng và quản lý nguồn thu cho ngân sách Nhà nước nói chung. Trong điều kiện kinh tế thị trường ngay càng phát triển với các nghiệp vụ kinh tế phát sinh phong phú, đa dạng thì vấn đề chứng từ, hoá đơn ngày càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Vì vậy, hoá đơn, chứng từ là một nội dung hết sức quan trọng được quy định trong pháp luật thuế GTGT.