18/06/2018, 16:23

Việt Nam ở thế kỷ X

Ngô Quyền đánh giặc, tranh dân gian Đông Hồ Tạ Chí Đại Trường Thế kỉ X là thế kỷ xác lập nền độc lập sau hàng ngàn năm ngoại thuộc. Ít có giai đoạn nào trong lịch sử có những biến động mang cá tính thời đại lại ôm trùm gần sít sao với sự phân chia của thời gian quy ước đến như thế: ...

1226047061-1216802274-ngo-quyen

Ngô Quyền đánh giặc, tranh dân gian Đông Hồ

Tạ Chí Đại Trường

Thế kỉ X là thế kỷ xác lập nền độc lập sau hàng ngàn năm ngoại thuộc. Ít có giai đoạn nào trong lịch sử có những biến động mang cá tính thời đại lại ôm trùm gần sít sao với sự phân chia của thời gian quy ước đến như thế: từ họ Khúc cầm quyền thay thế quyền bính trung ương của đế quốc trên vùng đất phủ Đô hộ An Nam đến khi họ Lê nhường cho người khác mở một giai đoạn mới cho nước Đại Cồ Việt độc lập; thế kỷ X ghi dấu trong lịch sử Việt Nam như một bước mở đầu riêng biệt, có căn bản vững chãi mà trên bề mặt thì dao động, rung rinh.

Nhưng tìm hiểu được cái quá khứ ấy cũng thật là khó khăn bởi những lệch lạc do thời gian xa cách mà cũng còn là sự đòi hỏi chi li, chính xác của người thời bấy giờ. Đối với các thời đại xa, bao giờ sử gia ngày nay cũng chỉ có một lời than vãn. Tuy nhiên, có thể so sánh với các nước Ấn Độ hoá phía Nam để thấy ư thế về tình trạng lưu giữ quá khứ ở đất An Nam cũ. Chứ Hán kèm với thói quen ghi chép, truyền thống sử biên, triển vọng in ấn đang mở rộng ở Trung Quốc (bản in trong động Đôn Hoàng thuộc thế kỷ VIII, nhưng năm 953 triều đình mới bán kinh sách Nho in và cuối thế kỷ X mới in sử), tất cả thành quả ấy sẽ được các thủ lĩnh mới nối tiếp trong thực tế của phần đất cựu thuộc địa tận cùng phương Nam này. Trong khi đó Chân Lạp, Chiêm Thành dù có các đền đài choáng ngợp, hấp dẫn, nhưng thật hà tiện lời qua một số bia đá mang nội dung có tính cách tụng ca nhiều hơn là ghi sự kiện, và những tài liệu chép tay khá muộn, không nhiều. Truyền thống sử biên của nước Việt tuy muộn nhưng họp với các tài liệu phương Bắc lại là chiếc cầu nối cho một nước thành lập trước bám lấy để hiện diện rõ hơn:  Lịch sử Chiêm Thành, từ thế kỷ X được biểu hiện qua những giao tiếp với Đại Việt và với tình trạng tài liệu như thế người ta không thể nào chép lịch sử nước này khác hơn là đem vào một chương của Đại Việt. Vậy thì từ sự so sánh đó hãy cứ bằng lòng tạm với những gì đã ghi được trên vùng đất An Nam đang chuyển mình.

Nhưng chữ Hán chỉ có thể phát huy khả năng biểu hiện quá khứ với điều kiện có nhiều sự biến phải ghi chép, mà “sự biến đáng ghi chép” luôn luôn bao hàm sự tăng cường giá trị của chủ thể liên quan đến chúng. Nền độc lập xây dựng trên phủ Đô hộ An Nam cũ đã nâng cao giá trị của tập đoàn người ở đây và do đó đem lại ý nghĩa cần thiết phải lưu tâm ghi chép. Hãy nghĩ rằng nếu từ thế kỷ X ở đây có một thời thuộc Tống thì cũng chỉ sẽ có chuyện các ông quan thất sủng đổi tới – có thể Vương An Thạch của thế kỷ sau không cho Tô Đông Pha dừng lại ở Quảng Đông, chỉ sẽ có chuyện một số “thổ hào” nổi dậy, sẽ có loáng thoáng vài thuộc dân đỗ đạt cao… Một chính quyền tự trị rồi độc lập ở An Nam làm dồi dào thêm các vấn đề giao tiếp – trong hoà bình hay chiến tranh, để động tới các kinh đô địa phương hay trung ương của Trung Quốc, bắt buộc sử thần, quan lệnh, nho sĩ nơi đây cầm cây bút lên.

Cho nên, về thế kỷ X ở vùng đất từ phủ Đô hộ An Nam tàn tạ qua nước Đại Cồ Việt, ta có các chứng liệu đương thời ghi nhận từ phía bắc còn dưới dạng nguyên gốc hay chuyển đạt xê dịch chút ít ở thời sau. Đồng thời cũng có những dấu vết tại chỗ do ý thức tự biểu hiện mà thời gian không thể xoá nhoà được. Trước khi có phong trào khai quật khảo cổ học, người dân đã biết đến các đồng tiền Thái Bình có chữ Đinh của Đinh Tiên Hoàng, đồng tiền Thiên Phúc có chữ Lê (hay không) của Lê Đại Hành, Lê Quý Đôn (thế kỷ XVIII) tuy dẫn chứng qua sách Trung Quốc có vẻ không biết đến đồng Thái Bình, nhưng cũng thấy tận mắt tiền Thiên Phúc “nay cũng còn, nhưng ít lắm”(1). Từ khi người ta chú ý học hỏi các vật nằm dưới đất thì các thứ tiền “ít lắm” đó cũng lần lượt xuất hiện, tuy vẫn là ít.

Dù sao thì chữ viết cũng đã xác định những địa điểm xảy ra biến cố, cho nên các khai quật khảo cổ học nơi những vùng liên hệ cũng nêu được những bằng cớ hoặc đưa sử gia ngày nay tiếp cận với đương thời, hoặc xa rời sự hoài nghi hơn.

Ví dụ, có dấu hiệu là sự phát triển đột ngột ở địa phương do tình trạng cát cứ đã được khảo cổ học chứng minh nơi di chỉ Đồng Đậu(2). Những người khai quật và khuynh hướng khảo cổ học chính thống của nhà nước muốn giải thích rằng địa điểm này “góp phần vào việc tìm hiểu diện mạo nền văn hoá đồng thau trước nền văn hoá Đông Sơn rực rỡ”. Nhưng cho dù niên đại tuyệt đối ở lớp IV là 3.330 (+/-100) cách ngày nay (1950), sự khác biệt cư dân sinh hoạt thuộc các lớp khác nhau thật lớn lao: dân cư ở các lớp dưới sống từng tập đoàn nhỏ vài ba người trong các huyệt đất sâu, rồi thay đổi như thế nào đó trong huyệt cạn dần đến khi các bếp lửa nằm ngay mặt đất mà vẫn không có dấu vết về nhà rộng, vững chãi. Xét các bảng phân loại đồ vật, ta thấy lớp II nổi bật, riêng biệt với một tình trạng phát triển đột biến: công cụ đồng dùng vào việc sản xuất – đồng thời cũng có thể là vũ khí, công cụ vũ khí (mũi tên chiếm 25% tổng số đồ vật trong lớp này), khuôn đúc (6/7 tiêu bản ở lớp II, 1/7 thuộc lớp trên, lớp dưới không có), hoa tai, đồ gốm có văn chải khuôn nhạc, những vật nghi là các linga…Điều thay đổi này có vẻ phù hợp với truyền thuyết ở địa phương ghi nhận rằng sứ quân Nguyễn Thái Bình (Nguyễn Khoan) đã từng lấy gò Đồng Đậu làm nơi trú ngụ, đóng bản doanh. Từ lớp đất II trở lên không có dấu vết đột biến chứng tỏ có sự chuyển hướng của địa điểm này qua vị thế quân sự do nhu cầu cát cứ đòi hỏi. Lớp II của Đồng Đậu có thể thuộc thế kỷ X vậy.

Về Ngô Quyền, người có hành động quyết liệt bằng trận chiến thắng quân Nam Hán (938), có bằng cớ muộn nhưng vững chắc vì khắc trên bia đá còn để lại  ở đình xã Cam Lâm, huyện Tùng Thiện, tỉnh Hà Sơn Bình(3). Bia khắc năm 1390, cách biến động đến 4 thế kỷ rưỡi nhưng ghi rõ: “trích gia phả… họ, tóm thuật ghi vào bia để truyền lại lâu đời”. Truyền thống, tài liệu trung gian nối kết (gia phả của dòng họ thứ sử Ngô Mẫn thời Nam, Bắc triều) lấp khoảng trống thời gian đòi bằng cớ trực tiếp đã xoá tan mối phân vân do An Nam chí lược, An Nam kỷ yếu (dẫn bởi Cương Mục) đem lại (“Quyền người Ái Châu”), tuy Đại Việt sử ký toàn thư đã nói đúng. Mà Toàn thư tuy có những đoạn xưa hơn bia vẫn lẫn lộn của các tác giả về sau nên có thể gây ra thắc mắc. Bia đó và Việt sử lược (1377)(4) là bằng cớ đối chiếu đồng thời, nhưng VSL không quan tâm tới việc dẫn gia phả.

Thủ đô Cổ Loa hình như không lưu giữ được gì về 5 năm cầm quyền của Ngô Quyền và 21 năm của những người kế nghiệp, nhưng kinh đô Hoa Lư thì đưa nhiều vết tích hơn về Đinh, Lê. Kết quả là do những khám phá tình cờ (1963-1964) và các cuộc “khai quật sưu tầm” 1965, 1966, 1967(5). Ở đây có những dấu vết ít ra từ thời Bắc thuộc (kết quả đo mẫu bằng C14: 1295 (+/-100) tức 655 năm sau Công nguyên(6) và người khai quật cũng nhận ra rằng Hoa Lư vẫn phồn thịnh sau khi đô đã dời về Thăng Long (1010) vì di vật Lý, Trần còn lại thật nhiều. Có điều phải bàn cãi là có thêm tác giả tán thành cho thành Hoa Lư còn lại là của họ Đinh, họ Lê xây cất(7).

Sự cả quyết thành Hoa Lư là của Đinh, Lê thật cưỡng ép bởi vì đã rõ ràng là có các viên gạch in chữ “Đại Việt quốc quân thành chuyên”, “Lý gia đệ tam đế Long Thuỵ Thái Bình niên đạo” (1057 của Lý Thành Tông), cùng một nghi chép niên đại như gạch ở chùa Phật Tích mà từ Thế chiến thứ II người ta đã căn cứ vào đó để tìm hiểu lịch sử nghệ thuật thời Lý. Các tác giả ngày nay viện dẫn truyền thuyết nói động Thiên Tôn là khu nhà tiền tế tiếp quan khách của nhà Đinh, Lê, dựa vào viên gạch vỡ chỉ còn chữ “bình” mà bảo là “(Thái) bình của Đinh, không nghĩ rằng “Long Thuỵ Thái Bình” cũng được vậy. (Sự phân tích nơi báo cáo chưa chi li thành thử không biết cỡ gạch có đủ chỗ cho 4 chữ hay không). Luận cứ có vẻ vững chắc là dựa vào sử thấy Đinh, Lê xây thành, đào hào, dựng cung điện, trong khi  năm 1057 thì không có chứng tích gì hết. Từ đó họ phải dẫn giải để huỷ bằng cớ, rằng gạch Đại Việt quốc quân thành chứng tỏ Đại Việt là từ nghiêm chỉnh của Đại Cồ Việt. Đây là một méo mó rơi rớt của quan niệm “nôm na là cha mách qué” sau này. Phải đọc lại sử về thái độ ngênh ngang của Lê Hoàn để không thể gán ghép ý tưởng tự ti đó cho ông. Còn về lý do tại sao sử không chép việc xây thành gạch (sớm nhất) vào năm 1057 đó thì ta cũng không tìm được câu trả lời, tuy có thể lưu ý rằng các kiến trúc cung đình chỉ được nói đến nhiều trong thời kỳ dời đến Thăng Long và sau đó thì chùa quán xây cất thật nhiều lấn át các xây cất thế tục.

Nhưng Hoa Lư cũng có các di vật Đinh, Lê, bằng cớ ít mà thật rõ ràng, quý giá. Xưa nhất là “gần 20 chiếc” những cột đá bát giác, đầu có ngõng(?), dài từ 20 đến 80cm, đường kính từ 15-50cm trong đó hai cột khắc chữ. Một cột dài 70cm có mỗi mặt hai dòng chữ khắc kinh và hàng chữ “Đệt tử Tĩnh hải quân Tiết độ sứ Nam Việt vương Đinh Liễn tạo bảo tràng nhất bách, tạo thời Quý Dậu tuế”(973). Cột thứ hai lớn hơn, cao 80cm, mỗi mặt ba dòng chữ khắc bài Phật chú và bài kệ chữ Hán(8). Ông Hà Văn Tấn cho biết vào năm 1969 phát hiện một cột thứ ba có thể như cột thứ hai. Theo phân tích của ông, kinh ở hai cột đều như nau, cột 2 bổ túc những dấu vết mờ ở cột 1. Kinh (bài chú) là theo một bản dịch âm của thế kỷ VIII và là một kinh phổ biến của Mật Tông.

Các cột đá Hoa Lư vì thấp nên chỉ có thể coi như trụ đá, bệ đá mà thôi. Chi tiết kiến trúc ở một đầu (cái ngõng) khiến những người khai quật nghĩ rằng chúng là bệ thờ bên trên đặt pho tượng chẳng hạn. Chúng ta cũng tiếc rằng tên của Đinh Liễn không được phát giác toàn vẹn, phần đọc được là phần đã biết rồi(9).

Nhưng năm 995, Lê Hoàn còn ở ngôi, nếu lập bào tràng thì phải dâng cho cha ông mới hợp với chữ “Lê tổ” – điều này lại không hợp với công đức tán tụng. Phải nghĩ rằng trụ tạo năm 1005 – năm ông chết, do Long Đĩnh lập, năm có sự kiện lớn liên quan là việc rước kinh Đại Tạng (“Thuyền bát nhã… vượt biển đem [kinh] về”), tuy cũng khó hiểu vì sao người xưa đã khắc thiếu chữ nhị (“nhị thập lục niên”), vì sao lại có sơ suất đến thế. Mặc khác, chữ khắc đính chính tôn hiệu của Đinh Tiên Hoàng mà Lê Hoàn kế thừa qua Dương hậu: Đại thánh minh hoàng đế chứ không phải là Đại thắng minh hoàng đế(11). Đáng chú ý là Lê Hoàn đã có tôn hiệu lòng thòng 14 chữ thế mà con cháu vẫn dùng tôn hiệu của họ trước. Cột đã rõ ràng là của Long Đĩnh lập.Không thấy nói đến dấu vết gì khác ở cột đá 3m, kính 1m, dính líu tới Lê Hoàn, tìm thấy cách khu vực cột đá Đinh 2km nên không thể đoán già rằng đó là vết tích duy nhất của một “ngôi chùa nhất trụ” còn lại. Trụ đó khắc kinh Lăng Nghiêm, và xét lời tán tụng kèm theo, người ta đoán là trụ tạo năm 995: “Đại thánh minh hoàng đế Lê tổ tự thừa thiên mệnh đại định sơn hà thập lục niên đại”(10).

Không biết các chi tiết khác, ví dụ như phong cách viết chữ, tính chất, hình dạng nào đó có thể thoát ngoài tầm quan sát của nhà khảo sát không, nhưng sự kiện cột đá khắc kinh là bằng cớ hiện vật lớn – lớn hơn các đồng tiền đã biết để ta tiếp cận được thời đại của gần ngàn năm trước dù rằng đó là dấu vết của cung đình, nhưng cũng rọi sáng được một bộ phận chung quanh, bộ phận “trí thức” của thời đại, dẫn đến hiểu biết có giới hạn về ý thức tâm lý đương thời.

Về sử liệu văn bản, như đã nói, không còn dấu vết nào của chính đương thời. Ta chỉ thấy những tài liệu thứ cấp. Nhưng một thói quen của người xưa là thường sao chép nguyên văn hay gần bản cũ khiễn chúng còn bảo lưu được giá trị chứng cứ. Trên bình diện ngoại giao, khi tách rời một phương độc lập thì mối liên hệ Bắc – Namđược thể hiện trong các văn thư qua lại của hai chính quyền. Đó là các bài chế của nhà Tống phong tước cho Đinh Bộ Lĩnh (975), Lê Hoàn (986), các bài biểu gởi đi… Chứng nhân đương thời vượt ngôn ngữ ngoại giao để đi vào chi tiết thấy tận mắt, nghe tận tai là sư giả Tống Cảo đã ghi chép trong chuyến tới Hoa Lư năm 990. Tài liệu còn thấy ở Văn hiến thông khảo của Mã Đoan Lâm, một vong thần nhà Tống, ẩn sĩ dưới triều Nguyên sống vào nửa sau thế kỷ XIII, và được ghi lại một phần ở quyển sử của người Việt hơn nửa thế kỷ sau: An Nam chí lược.

Các sự kiện đương thời do chính người trong nước ghi chép không thấy có bằng cớ là đã được một cơ quan ghi lại ngay lúc đó. Nhưng Hán tự đã được truyền bá từ lâu ở Giao Chỉ – An Nam nên có thể tin rằng các lãnh tụ địa phương một khi khoác vương hiệu, xưng đế hiệu hẳn cũng biết sử dụng ngay những tay thư lại ấy để ghi dấu trường tồn cho dòng họ, để xứng đáng với địa vị muốn đạt tới. Bắc sử (Thông giám) thêm được tên Khúc Thừa Dụ để sử Việt nâng thời đại tựt rị lên gần đầu thế kỷ (906)(12). Đó là thời kỳ mờ mịt lúc ban đầu. Khi đã tách ra một nước, có biên niên sử riêng thì Việt sử cho dù với những tập họp, ấn bản về sau, vẫn chứa đựng những chi tiết mà không mong gì người Trung Quốc – lúc bấy giờ đã thành kẻ đứng ngoài, ghi chép hết được.

Sự phát triển của một quyền lực vượt trên chính quyền như Phật giáo thời đó khiến những gì liên quan đến tôn giáo này được gìn giữ kĩ hơn các sự kiện liên quan đén những con người thế tục khác. Dấu vết cột đá khắc kinh là bằng cớ giúp thêm để ta tin rằng bài ca tiễn sứ thần Lý Giác (987) của Khuông Việt đại sư Ngô Chân Lưu, ghi lại trong Toàn thư có hành trạng ít ra cũng gần đúng với nguyên cảo.

Rải rác, chúng ta cũng gặp những chuyện của thế kỷ X ở những tài liệu có thể gọi là “ngoại sử” như Việt điện u linh tập (phần sớm nhất là của trước năm 1329) trong đó trích dẫn những tác giả về trước với những bản văn không còn nữa, lẫn lộn một quan niệm lịch sử phi thời gian và một sự xếp đặt diễn biến theo thời gian đường thẳng.Lĩnh Nam chích quái (cuối thế kỷ XIV) dàn bày nhiều tưởng tượng hơn, nhưng ta vẫn thấy ở cả hai quyển ít nhiều bóng dáng của thế kỷ X(13).

Tất nhiên bấy nhiêu tài liệu ít ỏi ấy thật không đủ dùng để tìm hiểu cả một thế kỷ bản lề của lịch sử đầy biến động. Đòi hỏi kiến thức hôm nay lại khiến nổi lên nhiều trách móc người xưa hơn. Trách móc trở thành quá quen thuộc là chính sử chỉ ghi chép những biến động chính trị, quân sự, những chuyện cung đình, riêng biệt hơn là chuyện của chính bản thân người cầm đầu đất nước.

Thực ra, khó có thể vượt qua trở ngại này. Quyền bính tập trung thành thử cũng tích tụ bằng cớ vật chất cao độ cho một địa phương (thủ đô), một dòng họ, một người cao nhất trong đám mà thời gian muốn tiêu huỷ hay bào mòn cũng phải tốn hao công sức nên dáu vết có hi vọng tồn tại hơn của các cá nhân, tập đoàn, địa phương bình thường khác. Một lần nữa lại có thể lấy các cột đá khắc kinh làm chứng cớ. Tất nhiên một quan hệ khảo cổ học thoát ra ngoài ràng buộc của những người tìm đồ cổ cũng giúp ta đi sâu vào cuộc sống bình thường trong quá khứ.

Sự hiểu biết trong quá khứ lại do ở khả năng của chính người đi tìm hiểu, là kết quả quá trình biện chứng của con người chuyên môn ngày nay tác động trên các tài liệu để lại. Sau một thời kỳ sao chép của người xưa, sau lúc xếp đặt các sự kiện chính trị, quân sự là nền tảng của lịch sử, thì người ta lại quay lưng đi và có phần né tránh quan niệm lịch sử biến cố coi như đã lạc hậu rồi. Thực ra, diễn biến của con người mang tính toàn diện, nên các biến cố chính trị, quân sự vẫn bao hàm ý nghĩa văn hoá. Vấn đề rốt lại, chính yếu mãi mãi vẫn là cách nâng cao trình độ giải mã cho tài liệu ngày càng mở rộng nội dung. Sử liệu thành văn chính thức của ta tuy ít ỏi nhưng thực ra chưa được khai thác đúng mức, chưa được lăn qua trở lại đủ khía cạnh để thực sự nổi lên. Ở những tài liệu mà nhà nho cho rằng nói chuyện “trâu ma rắn thần” thì giá trị phần lớn là ở tính cách biểu hiện tập thể mà sự giải thích đòi hỏi một sự dè dặt tinh tế và kết quả tất nhiên phải bấp bênh hơn nhưng không phải không có phần khả thủ.

Tài liệu qua tay người lại không im lìm mà cũng có đời sống chắp nối của nó do sử gia của các thế hệ nối tiếp đem bản thân tham dự vào: hành động của Kiều Công Tiễn, Dương Tam Kha, Dương Thái hậu, của một viên quan vô danh nào đó đã đến với ta khác đi qua lời kể của Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên…, chưa kể những chắp nối bây giờ. Các thần tích, truyền thuyết về sau lại càng phức tạp, nó mang tính cách tâm lý tập thể của thời xuất hiện hơn là chứng cứ của lịch sử về các nhân vật được trình bày. Không nên vì muốn bù đắp cho chính sử quá sơ lược mà lạm dụng các tài liệu ấy. Quá khứ của thế kỷ X đòi hỏi sự soi rọi tạm thời qua một quan niệm có giới hạn như thế.

Chú thích:

  1. Phạm Vũ, Lê Hiền dịch, Vân Đoài loại ngữ, Sài Gò, 1973, tr.443
  2. Lê Xuân Diệm – Hoàng Xuân Chinh, Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu, Hà Nội, 1983. Trích văn ở trang 62. Trong khi khai quật năm 1984, báo cáo giản lược cũng cho người đọc hiểu rằng các lỗ cột, nền nhà đi theo cùng thời đại với địa điểm luyện chế vũ khí đồng (xem Chử Văn Tần – Ngô Sĩ Hồng, Khai quật Đồng Đậu lần thứ 4 (1984) trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1984, tr.82-85
  3. Vũ Văn Tĩnh, Ngô Quyền là người Hà Tĩnh hay người Tây Sơn (sic), Nghiên cứu Lịch sử 67 (4-1967), tr.6. Toàn thư, tập 1, Hà Nội ,1972) chú 14, tr.324
  4. Bản dịch của Trần Quốc Vượng, Hà Nội, 1960
  5. Nguyễn Gia Khang, Những di vật lịch sử phát hiện ở Hoa Lư từ năm 1963 đến năm 1968, Khảo cổ học 5-6 (6-1970), tr.19-23. Quý Dậu )973) là năm Liễn đi sứ về và được nhà Tống cho người phong tước như đã nói. Hai năm sau (975) Liễn được phong khác: Giao chỉ quận vương, cao cấp hơn, vốn là tước phong cho Đinh Tiên Hoàng (973)
  6. Niên đại các di tích khảo cổ học Việt Nam đã được xác định bằng phương pháp C14, Khảo cổ học số 18 (1976), tr.95. Với con số kể mà lại xác định đó là của “Văn hoá Đinh, Lê” thuộc vùng “Vương triều Đinh Lê” thì thật khó chấp nhận.
  7. Phạm Văn Kỉnh – Nguyễn Minh Chương, Thành Hoa Lư và những di tích mới phát hiện, Khảo cổ học 5-6 đã dẫn, tr. 32-47. Xem thêm bản đồ thành Hoa Lư của Nguyễn Danh Phiệt, Nhà Đinh dẹp loạn và dựng nước, Hà Nội, 1990.
  8. Nguyễn Gia Khang, bđd, Hà Văn Tấn Cột kinh Phật đời Đinh thứ hai ở Hoa Lư,Khảo cổ học 5-6 đã dẫn, tr.24-31. Chi tiết về cỡ các cột của hai tác giả có khác nhau.
  9. Các kỷ yếu Những phát hiện mới về khảo cổ học sau năm 1984 không thấy xuất hiện ở Sài Gòn. Xin ghi lại tin tức ở một tuần báo với sự dè dặt phải có đối với một ấn phẩm không thuộc lĩnh vực chuyên môn: người ta đã phát hiện trong năm 1987 thêm 16 cột đá khắc kinh ở Hoa Lư cao khoảng 50-67cm, 8 mặt khắc kinh Phật đỉnh tôn thắng đà la ni. Ba cột có chữ đọc được trình bày lý do dựng bảo tràng: Đinh Khuông Liễn cho dựng 100 cột cầu chuộc lỗi giết người em là Đại Đức Đỉnh – noa-tăng-noa vì, theo Liễn, “Tranh quan không nhường chỗ, hạ thủ trước là hay” (Văn hoá thể thao, số 49, 5-15-1987). Do đấy ta biết toàn bộ tên của Nam Việt vương và pháp danh của Hạng Lang, rõ ra là chữ Phạm dịch âm. Như vậy đây là loạt bảo tràng được dựng trong (hay sau) năm 979 vị Hạng Lang bị giết năm đó.
  10. Nguyễn Gia Khang đã dẫn, Khảo cổ học, (tháng 12-1971), mục Tin tức.
  11. Chúng ta chỉ tin theo người nghiên cứu, nhưng cũng phải thấy là may mắn khi các chữ khắc ở đây còn đọc được trong khi những bia đá thời Lý, Trần một hai thế kỷ sau này đã mờ, hoặc đã khắc lại từ lâu làm lúng túng những nhà khảo sát.
  12. Lê Quý Đôn, Sđd, tr.151
  13. Lê Hữu Mục dịch (Sài Gòn, 1960). Cùng người dịch là bản Lĩnh Nam chích quái, kể sau.

Nguồn bài đăng

0