18/06/2018, 16:10

Việt gian bán nước trong lịch sử (bài 6: tiếp)

Về vị Việt gian Nguyễn Ánh – Gia Long Nguyễn Ngọc Lanh I. Tổ tiên việt gian Nguyễn Ánh 1. Đánh giá chưa đúng công lao Việt Nam ta từng có nhiều cuộc chiến lớn, xảy ra trong phạm vi cả nước, mà hai bên đối địch là đồng bào, cùng ngôn ngữ, màu da, cùng căm thù và do ...

Về vị Việt gian Nguyễn Ánh – Gia Long

gia long

Nguyễn Ngọc Lanh

I. Tổ tiên việt gian Nguyễn Ánh

1. Đánh giá chưa đúng công lao

Việt Nam ta từng có nhiều cuộc chiến lớn, xảy ra trong phạm vi cả nước, mà hai bên đối địch là đồng bào, cùng ngôn ngữ, màu da, cùng căm thù và do vậy cùng… thương vong cả đống. Đó là Đinh Bộ Lĩnh đánh các sứ quân, Lê đánh Mạc, Trịnh đánh Nguyễn, Tây Sơn đánh Nguyễn Ánh, VNDCCH đánh CHVN… Tất nhiên, phe bị đánh không ngồi yên chịu chết. Số dân đông lên, quy mô mở rộng, vũ khí cải tiến… nếu lại thêm sự xúi giục và viện trợ của ngoại bang, các cuộc chiến càng về sau càng đẫm máu, sự trả thù hậu chiến càng tàn khốc, oán hận càng kéo dài. Đây là điều rất khác với chiến tranh chống ngọai xâm. Dẫu “một mất, một còn” với nhau, nhưng khi nói về công lao lập quốc, cả hai bên đối địch vẫn phải đời đời nhớ ơn các vua Hùng – như môn Lịch Sử đã dạy mọi học sinh. Một hình tượng: Hai anh em ruột thịt đánh nhau chí mạng nhưng cùng khấn vái trước bàn thờ phụ mẫu, nhắc lại ơn sinh thành (dựng nước) và công nuôi nấng (mở cõi). Nghĩa là, phải dạy thêm các cháu nhớ ơn cả các chúa Nguyễn – không kém nhớ ơn Hùng Vương – mới đủ.

2. Các vua Hùng có công dựng nước.

– Hùng Vương có công dựng nước, các triều đại kế tiếp giữ lấy nước; nhờ vậy chúng ta có lịch sử ba hoặc bốn ngàn năm. Mất nước là mất Lịch Sử: Điều dễ hiểu từ ngày xưa. Nhưng câu hỏi của ngày nay: Bóp méo Lịch Sử vì mục tiêu chính trị có dẫn đến mất nước? Mất hay không, rất nên bàn, nhưng trước mắt là người ta chán ngấy cái lịch sử nhằm tuyên truyền chính trị.

– Thế còn chuyện mở rộng bờ cõi? Lịch sử phải trải qua thời kỳ các dân tộc thôn tính và đồng hóa lẫn nhau. Dân tộc nào không mở rộng được bờ cõi sẽ bị thôn tính và đồng hóa. Phải nói rằng đến cuối triều Hậu Lê, diện tích nước ta hầu như không mở rộng mà còn thu hẹp so với thời họ Khúc. Cụ thể, dưới thời thuộc Đường, giải đất chúng ta đang sống (hiện nay) có tên là Tĩnh Hải Quân, gồm 12 châu. Khi Ngô Quyền xưng vương (mở ra kỷ nguyên độc lập) nước ta chỉ còn 8 châu phía Nam – tức mất đứt 1/3 diện tích. Chả lẽ đây là cái giá phải trả để có độc lập? Tuy các triều đại kế tiếp đã cố gắng lấn dần về phía Nam, nhưng rất chậm chạp – suốt 700 năm chỉ tới được Thuận Hóa. Tính ra, trung bình mỗi năm Nam tiến được 100-150 met. Vùng mới mở vẫn chưa bù lại được diện tích đã mất từ thời còn là Tĩnh Hải Quân. Do vậy, có thể nói thời kỳ thật sự mở cõi bắt đầu từ khi các chúa Nguyễn lập nghiệp.

3. Nguyễn Hoàng  các chúa Nguyễn  công mở cõi

Năm 1558, ngay khi Nguyễn Hoàng trấn thủ đất Thuận Hóa, là thời điểm mở cõi bắt đầu. Chỉ cần trên 200 năm (so với mấy ngàn năm dựng nước), dòng họ này đã làm tăng gấp đôi cương thổ quốc gia, trong đó riêng Nguyễn Hoàng mở thêm 4500 km2 – bằng tỉnh Phú yên hiện nay. Trung bình, mỗi năm các chúa Nguyễn “mở” thêm 5000 met về phía nam – so với 100 mét trước đây.

Chú thích. Tâm trạng Nguyễn Hoàng gói trong hai câu thơ bất hủ:

           Từ thuở mang gươm đi mở cõi

            Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long

– Người con đất Việt này đi “mở cõi”, theo nguyên văn câu thơ – chứ không phải “mở nước” (để lập nước mới). Đừng giản đơn mà dùng sai từ, dẫn đến xuyên tạc ý thơ. Và “ngàn năm” sau, ông vẫn thương, vẫn nhớ đất Thăng Long.

– Thì ra, sau năm 1945 chỉ có mỗi một mình Huỳnh Văn Nghệ (1914-1977) hiểu thấu và thương cảm Nguyễn Hoàng.

– Thời nay, Thăng Long có đường Hùng Vương, nhưng Thăng Long lại không thèm biết đến Nguyễn Hoàng, mặc cho Nguyễn Hoàng cứ khắc khoải thương nhớ Thăng Long! Tuy vậy, tới nay vẫn chưa hết hạn “ngàn năm”, con cháu nếu muốn tỏ lòng nhớ tổ tiên vẫn kịp chán.  

4. Các dòng họ khác, có thể lập nên những triều đại dài hàng trăm năm, có thể có công nhiều mặt, nhưng công lớn nhất vẫn chỉ là giữ được độc lập và toàn vẹn đất đai tổ tiên để lại – ngay bên cạnh Trung Hoa nhòm ngó. Làm sao các triều đại dám so với công dựng nước và mở cõi của các vua Hùng và các chúa Nguyễn?

II. Đối xử với các chúa Nguyễn và hậu duệ

1- Đối xử độc ác nhất

Triều đại Tây Sơn, mà trực tiếp là anh hùng Nguyễn Huệ, đã đối xử độc ác nhất đối với các chúa Nguyễn, kể cả với các vị chúa đã khuất. Đó là cách nhìn hiện nay. Tuy nhiên, đây là cách đối xử theo “lệ” ngàn năm của chế độ phong kiến xưa; do vậy khó trách. Thời nay, có thể gọi cách đối xử này là “tàn bạo”, “dã man”, “tiểu nhân”…. Gọi thế, là để tránh cái “lệ”… hễ nội chiến là y như rằng “bên thắng cuộc” trả thù hàng triệu người “bên thua cuộc”, chứ không phải để trách cứ thời xa xưa. Thời quân chủ, có luật tục của nó. Nó độc tài, chuyên chế.  Gia Long đối xử với Tây Sơn năm 1802 tàn bạo có kém gì? Nhưng thời nay, tự nhận dân chủ, tự khoe công bằng, văn minh… nếu hành xử như vậy khác gì chế độ phong kiến tái sinh?

Đích thân anh hùng Nguyễn Huệ đã tận diệt cả quá khứ, hiện tại của dòng họ chúa Nguyễn; nhưng ông vẫn tâm niệm: Còn phải tiêu diệt cả tương lai dòng họ này, mà hiện thân là cá nhân Nguyễn Ánh, mới có thể yên tâm. Về thành tích cụ thể (sử sách quên chưa nêu) có thể nói gọn rằng: đấng anh hùng này đã “đào mồ, cuốc mả” bảy vị chúa Nguyễn (chưa hề gây oán với ông), giết tươi 2 vị đương chức, 1 vị thế tử (sẽ kế ngôi: Nguyễn Phúc Đồng) và 2 vị khác là em ruột Nguyễn Ánh. Đồng thời, ông tìm mọi cách truy diệt nốt (nhưng không thành công) vị tôn thất cuối cùng: tức Nguyễn Phúc Ánh.

Ở trên, cứ dài dòng kể công “mở cõi” của vị chúa khởi thủy Nguyễn Hoàng, chứ nếu anh hùng Nguyễn Huệ tìm được mồ mả vị chúa này, ắt cũng khai quật tanh bành và tung hê di cốt cho hả dạ.

Untitled 

Chú thích. Nguyễn Phúc Hiệu lẽ ra lên ngôi chúa, nhưng mất sớm. Nguyễn Phúc Luân (đã trưởng thành) lẽ ra được thay anh để lên ngôi, nhưng ông bị quyền thần Trương Phúc Loan giết, để đưa một “nhãi con” lên làm chúa: Nguyễn Phúc Thuần, 12 tuổi. Tây Sơn khởi nghĩa dưới chiêu bài chống sự lộng quyền của Trương Phúc Loan, để “lập hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương lên ngôi chúa“. Dân chúng hưởng ứng; nhưng sau đó chính Tây Sơn lại giết Phúc Dương, giết luôn cả Phúc Thuần và Phúc Đồng. Dẫu sao, hậu duệ Nguyễn Phúc Luân (4 con trai, bị Tây Sơn giết 3) vẫn còn sót lại Nguyễn Ánh – người khôi phục được sự nghiệp tổ tiên.

 2- Đối xử tàn tệ nhất

Không những lờ tịt công, mà còn vu “bán nước” để mạt sát. “Gia Long bán nước” là thành ngữ của hàng chục triệu người, từ cụ già sắp chết đến cháu bé tiểu học. Quả là kỳ tích về giáo dục. Nếu chính xác, phải hiểu rằng Nguyễn Ánh khi chưa lấy lại được nước, có thể gạ gẫm bán nước cho Tây (sẽ phân tích ở dưới), chứ khi đã thành Gia Long, lịch sử cho thấy ông không để mất tấc đất nào. Thật ra, sự xuyên tạc lịch sử chỉ nhằm bắt Nguyễn Ánh phục vụ hai mục tiêu chính trị rất “trước mắt”, nhưng thời đó chưa đáng trách lắm:  

       a- Nguyễn Ánh phải phục vụ mục tiêu ca ngợi cách mạng bạo lực.

Tây Sơn là khởi nghĩa của nông dân. Loại khởi nghĩa này xảy ra nhan nhản dưới chế độ phong kiến, bên Tàu cũng như bên ta. Theo quy luật, loại nổi dậy này không thể kiềm chế được bạo lực. Dù chúng thành công (lập triều đại mới) hay thất bại (bị gọi là giặc), thân phận nông dân rốt cuộc vẫn thê thảm như khi chưa nổi dậy. Khốn nỗi, theo quan điểm do cụ Lenin khẳng định, giới sử học cách mạng nước ta cần chứng minh khởi nghĩa Tây Sơn chính là một cuộc cách mạng; dù là cách mạng bạo lực. Cách làm dễ nhất là thuyết phục mọi người, rằng Nguyễn Ánh là “tên phản động”… Đúng vậy, nếu không có “phản động” sẽ chẳng có “cách mạng” nào hết (giống như không có khái niệm “bên phải” lấy đâu ra khái niệm “bên trái”?).    

      b- Nguyễn Ánh phải được xây dựng thành “con người mới”… bán nước  

Đây là “con người mới toe” trong danh sách Việt Gian, được “xây dựng” theo hình mẫu mà thời thế cần. Thời điểm này, mặt trận Việt Minh bắt đầu vũ trang đánh Pháp để giành lại độc lập (1942), và ngay sau đó là công cuộc chống Pháp tái xâm lược (1946-1954). Nguyễn Ánh phải là một tấm gương xấu để răn đe những ai – đã, đang, hoặc sắp – cộng tác với Pháp.

Việc “xây dựng con người mới bán nước” đã thành công ngoài mong muốn, mặc dù cách làm rất cổ điển. Té ra, đây là cách làm không những để xây dựng gương tốt, mà cả gương xấu; cả chính diện và phản diện.

Cách cổ điển xây dựng “con người mới” (chính diện và phản diện)

– Đó là gán cho “con người mới” những phẩm chất mà ta muốn (dù bịa, hoặc không thực tế) để mọi người buộc phải tỏ thái độ (yêu hoặc ghét; mến mộ hoặc khinh bỉ, khâm phục hoặc căm hận…).

– Trên thực tế, việc “xây dựng con người (Việt gian) mới” – phản diện – rất dễ thành công. Vì tiêu chuẩn rất đơn giản. Chỉ cần nói: Ông ta đã cộng tác với kẻ thù của dân tộc để mưu lợi ích riêng là xong. Một thuận lợi khác là những nhân vật này đã chết, không còn khả năng cãi lại, dù bị vu oan đến đâu. Hai điều kiện phải có, thì chúng ta có thừa: a- người dân lơ mơ hoặc được dạy sai về lịch sử; b- có các nhà sử học lấy phục vụ chính trị làm phương tiện tiến thân.

– Trái lại, việc xây dựng con người chính diện thường thất bại. Khó nhất là… họ phải đang sống sờ sờ. Bởi vì, ngoài nhiệm vụ nêu gương tốt, họ còn có nhiệm vụ trực tiếp xây dựng chế độ mới. Đất nước cần hàng triệu “con người mới” như vậy. Khó thế! Ví dụ, bốn thập niên qua, với nhiều tiêu chuẩn đã được đề xuất, cả một nền giáo dục cố kiết “xây dựng” mà vẫn chưa một ai dám tự vỗ ngực “ta đây” là con người mới XHCN… Giả sử, cố kiếm được một con người cụ thể, phong cho danh hiệu “con người mới XHCN” để làm gương, lập tức có ngàn con người “chưa mới” cười khẩy, lắc đầu, nhún vai… thậm chí bĩu môi, bịt mũi… Nhân ngày 19-5-2015 (năm nay) cụ Nguyễn Phú Trọng đành đưa một vị thánh trong quá khứ ra, nói với các bạn trẻ, đây là “mẫu mực của con người VN“. Thương cụ tổng bí thư quá!

III.  Nam Bộ: đất phục hưng cơ nghiệp

Anh hùng Nguyễn Huệ dù sống thêm chục năm, dù xóa được triều đình “vua anh” (Nguyễn Nhạc) để có cả một dải Bắc và Trung Bộ, nhưng nếu không giết được Nguyễn Ánh, ông vẫn không thể chiếm nốt Nam Bộ. Vấn đề là lòng dân. Như mọi cuộc khởi nghĩa nông dân, khởi nghĩa Tây Sơn sau cao trào, ắt phải đi vào thoái trào, tự mua lấy sự oán giận từ phía người dân. Dân đã oán, dẫu lãnh tụ có sống thêm chục năm, cũng bó tay. Sẽ nói tiếp ở các phần dưới.

Năm 1789 Nguyễn Huệ đánh đuổi giặc Thanh, nhưng trước đó (1788) Nguyễn Ánh – sau 10 năm bôn ba, thoát chết – đã vững chân vĩnh viễn ở Nam Bộ. Như vậy, chưa bao giờ Nguyễn Huệ thực hiện được hoài bão chinh phục cả nước. Và, sớm hay muộn, triều Tây Sơn sẽ bị Nguyễn Ánh xóa sổ – dù có thể muộn hơn năm 1802.

– Nhắc lại chuyện trước đó 40 năm: Năm 1744 chúa Nguyễn Phúc Khoát chia xứ Nam Hà thành 12 dinh, trong đó vùng Nam Bộ (tên gọi hiện nay) gồm 3 dinh: Trấn Biên, Phiên Trấn và Long Hồ. Riêng tên các dinh đã đủ nói lên đây là vùng đất biên viễn, còn hoang sơ, đầy sông hồ, xa trung ương, chưa kịp củng cố, khai thác và phát triển. Việc này dành cho Nguyễn Ánh. Cũng chính nhờ vậy, đất đã không phụ người: Nguyễn Ánh hưng nghiệp từ đây.

– Khi Trương Phúc Loan gây oán hận cho dân, chỉ dân Trung Bộ hứng chịu và do vậy mà nổi loạn, chứ dân Nam Bộ thì không. Vùng đất phì nhiêu này đủ nước và ánh sáng để cây cối và cá mú sinh sôi, sản vật phong phú, người dân do chúa Nguyễn đưa tới đây cứ tự do khai thác và hưởng thụ, với thuế khóa rất nhẹ. Họ chịu ơn chúa Nguyễn, chứ biết Tây Sơn là ai. Khi mỗi lần Tây Sơn tới, họ chỉ thấy có máu đổ, tan hoang, lương thực bị cướp (để tải về miền Trung nuôi quân). Mặt khác, những người Trung Quốc không thần phục sự cai trị của nhà Thanh khi xin trú ngụ ở nước ta, hầu hết được định cư ở Nam Bộ. Dám vượt trùng khơi, đây đúng là những con người quả cảm, to gan, đầy chí tự lập… đứng đầu là các tướng lĩnh, các học giả. Và trình độ văn minh cao hơn ta. Sử sách gọi họ là người “Minh Hương”. Được phép trú ngụ ở 3 dinh biên viễn, họ càng thỏa chí và đã góp công rất lớn phát triển vùng đất này. Họ biết ơn chúa Nguyễn (đạo Nho dạy thế), ra mặt chống Tây Sơn, do vậy Tây Sơn căm ghét họ không cần che dấu. Có lần Tây Sơn tàn sát tới 10 ngàn dân Minh Hương, chỉ vì điên tiết với thái độ bất hợp tác của họ. Hỏi làm sao Tây Sơn có thể cắm rễ lâu dài ở đây? Chính vì vậy, trước đó 10 năm, khi Tây Sơn khởi nghĩa, chiếm được Quy Nhơn, lại vừa lúc họ Trịnh vượt sông Gianh chiếm được Phú Xuân, triều đình chúa Nguyễn bị nghẽn ở giữa, đã ra biển dong buồm vào thẳng Nam Bộ. Đất này đã che chở và không phụ công những người đã “mở cõi”, khai thác và phát triển nó.

IV. Hành vi “bán nước”?

1- Có thể bán nước cho ai?

Bán nước không dễ, nếu trong tay không có nước, hoặc không được người mua hy vọng “sẽ có nước”. Ngoài ra, còn phụ thuộc vào vốn liếng (sức mạnh) và mức độ liều lĩnh của người mua.

a) Chúng ta sống cạnh nước lớn, từng đô hộ nước ta cả ngàn năm, đã thành “quen mui”. Sau đó, dù ta đã hết sức giữ phận, nhưng hễ hở cơ là hứng ngay nguy cơ mất nước. Với tâm thức ấy, bất cứ người Việt nào muốn cầu viện nước ngoài – dù mới là ý định – là đủ để dư luận kết tội “bán nước” – một tội cực nặng. Cũng do vậy, nhiều trường hợp kết tội bán nước quá dễ dãi. Thực tế là vu khống. Do vậy, vu khống “bán nước” cũng phải coi là tội nặng. Lơ mơ, tuy không vu khống, nhưng a dua với người vu khống, cũng chẳng hay ho gì.

b) Nhưng với các nước nhỏ ngay cạnh ta (Lào, Chiêm, Miên) thì khác. Và với nước ở xa ta (Xiêm) lại càng khác. Dù được mời mọc “mua nước Việt” các nước này cũng không đủ vốn liếng và đủ can đảm để mà mua. Thời xa xưa,Ngô Nhật Khánhcũng rao “bán nước” cho vua Chiêm Thành; nay nghe lại mà nực cười. Vua Chiêm đã động binh. Cuộc mua bán không thành là do cả đoàn thuyền chiến gặp bão. Dẫu sao, đây chỉ là chuyện người bán khéo nói (trong tay không có nước) và hứa “một tấc tới trời”, còn người mua cả tin và chưa tự lượng sức… Chứ, sau này thực tế lịch sử cho thấy không có chuyện Chiêm chiểm Việt, mà là ngược lại. Mua-bán nước kiểu này thì bên mua như đánh bạc với đứa không tiền, hoặc chỉ có bạc giả.

– Với Ai Lao cũng vậy. Nhiều người Việt (ví dụ Nguyễn Kim) từng muốn “tranh bá đồ vương” đã nhiều lần mượn đất Ai Lao làm căn cứ địa. Giả sử Ai Lao đủ lớn, đủ mạnh, sẽ thấy đây là cơ hội xâm chiếm nước ta. Nhưng điều đó không bao giờ xảy ra, vì Ai Lao bé nhỏ “lo giữ thân chưa xong”.

– Từ khi chúa Nguyễn biết tới Cao Miên, lập tức nước này toàn chịu thiệt – mà nước “đàn anh truyền thống” (tức Xiêm) không thể cứu nổi đàn em. Từ đó, Cao Miên ngả sang Việt, coi thường Xiêm, thậm chí chống lại sự xâm lấn của Xiêm. Không gì khôi hài bằng nói “bán nước cho Miên” (hoặc cho Lào).

– Trong quan hệ Việt-Xiêm thời đó, hầu hết trường hợp Xiêm đều ở thế lép vế. Xem lại lịch sử, khi Xiêm đồng ý đem quân giúp Nguyễn Ánh cũng là lúc Xiêm tạm mạnh lên, chủ quan, đồng thời đang tức giận Tây Sơn. Lịch sử không nói rõ Nguyễn Ánh đã hứa bù đắp gì cho Xiêm, do vậy chỉ có thể suy đoán. Suy đoán kiểu gì thì Xiêm không bao giờ dãm mong chiếm đất của Việt, vì vừa cách trở về địa lý, vừa thấp hơn về sức mạnh. Nói “bán nước cho Xiêm” là nói lấy được.

– Mượn quân nước ngoài không phải chuyện hiếm. Bán nước hay không phải dựa vào cách trả công đội quân đánh thuê. Nếu chúng không nhân đó chiếm đóng lâu dài nước sở tại, thì có thể… OK. Ví dụ, trước 1975, hàng trăm ngàn lính Trung Quốc sang giúp miền Bắc sửa đường phục vụ chiến tranh. Rồi hàng chục (trăm?) ngàn lính ta sang Campuchia và ở lại (không dùng chữ “chiếm đóng”), cũng có thể OK nốt… Chả lẽ trong hai trường hợp trên, cứ nằng nặc đòi tìm ra một bên là bán nước, bên kia là xâm lược?  

Để khỏi cãi vã vô ích, xin nói rằng: chuyện để quân Xiêm nhập Việt, và thêm nữa (không ngờ) chúng còn tàn bạo với dân… là vết đen trong tiểu sử Nguyễn Ánh.

2- Bán nước cho Pháp?

Thời đó, hành động duy nhất của Nguyễn Ánh bị đời sau lên án là một hiệp ước (1787) được ký kết giữa giám mục Bá Đa Lộc (thay mặt Nguyễn Ánh, có đứa trẻ 4 tuổi làm “con tin”) với triều đình Pháp, trong đó có “nhượng một đảo và một cửa biển”. Wikipedia đã nói khá rõ, khá đủ và khách quan chuyện này. Quan tòa lịch sử có thể coi đây là một trong những tư liệu để luận tội.

a) Gặp Bá Đa Lộc khi cùng quẫn nhất

Khi anh ruột, hai em ruột và chú ruột bị Nguyễn Huệ giết (1777), Nguyễn Ánh mới 17 tuổi, chưa có tiếng tăm gì. Trong khi người lùng sục để giết ông cho kỳ được đã là danh tướng bách thắng. Số phận ông thật chênh vênh. Nội tộc nhà chúa vẫn tôn ông lên ngôi “soái”, nghĩa là đặt một trách nhiệm quá nặng lên vai ông. Chỉ cần thế, không ai có thể nói dòng họ chúa Nguyễn đã tuyệt diệt, nhất là nói thế để chứng minh rằng Nguyễn Huệ là người thống nhất nước nhà. Cuộc đời chiến đấu lâu tới 25 năm của Nguyễn Ánh dài không ngờ; nhưng mức độ gian khổ và truân chuyên mới là điều không ngờ lớn nhất. Khi trốn chạy quân Tây Sơn, lúc cùng quẫn nhất, Nguyễn Ánh gặp Bá Đa Lộc ở đảo Thổ Chu. Từ đó họ gắn kết với nhau suốt đời. Cái chức giám mục của Bá Đa Lộc góp phần quan trọng để đời sau lên án Nguyễn Ánh. Khi hậu thế viết về sự việc Nguyễn Ánh cử Bá Đa Lộc sang cầu viện Pháp, cũng là thời ký đạo thiên chúa bị kỳ thị.  

Chú thích. Nguyễn Ánh gặp Bá Đa Lộc (hơn ông 19 tuổi) vào lúc bĩ cực nhất. Họ cùng cộng khổ, chia sẻ gian nan, chung thủy suốt đời. Ông dám giao hoàng từ Cảnh 4 tuổi cho giám mục và ủy quyền cầu viện nước Pháp. Đáp lại lòng tin, Bá Đa Lộc đã tận tụy hết mình. Có người coi đây là tấm gương về tình bạn, về ý chí kiên định mục tiêu (một bên muốn mở rộng “nước Chúa”, một bên muốn lấy lại giang sơn). Cuối cùng, Bá Đa Lộc chết mà chưa kịp chứng kiến sự thành công của Nguyễn Ánh. Nhưng cũng có người coi đây là sự câu kết giữa kẻ bán nước và quân cướp nước. Đó là tùy góc nhìn của mỗi cá nhân.

Năm 1783 phái đoàn Bá Đa Lộc được thành lập, năm sau mới có thể lên đường. Dọc đường đầy trắc trở, sau 4 năm mới tới Pháp, cuối năm đó (1787) mới ký được hiệp ước. Hai năm sau, triều đình Pháp bị cách mạng lật đổ, hiệp ước không thể thi hành. Bá Đa Lộc phải tự đi quyên góp, huy động cả gia sản riêng (15.000 francs) để mua tàu, mua súng, mộ sĩ quan… Và cuối năm 1789 phái đoàn mới về tới Gia Định – nghĩa là bặt tin suốt 6 năm trời.

b) Việc thi hành hiệp ước

Nguyễn Ánh chưa nhìn thấy hiệp ước, chưa biết nội dung cụ thể trước năm 1789. Sau 6 năm chờ đợi, lực lượng mà Nguyễn Ánh tự gây dựng đã mạnh lên tới mức giữ vững mãi mãi Nam Bộ. Sử sách không ghi lại ý kiến của Nguyễn Ánh ra sao khi lần đầu ông được biết nội dung cái hiệp ước – nay đã thành vô giá trị, vì bất khả thi – này. Cũng không ai biết, nếu hiệp ước khả thi – giả sử triều đình Pháp không bị lật đổ – thì liệu Gia Long có “duyệt” hiệp ước hay không – sau khi cân nhắc hơn-thiệt. Chúng ta chỉ có thể suy đoán. Tha hồ suy đoán để đi tới mọi kết quả. Theo nguyên tắc đã đề ra, chỉ cần loại bỏ những suy đoán có hại cho bị cáo. Thực tế là, trong 6 năm bẵng tin sứ bộ, lực lượng của Nguyễn Ánh đã phát triển rất nhanh, chỉ do tài năng quân sự của chính ông. Từ đây, kết quả nội chiến đã được ấn định, chỉ còn vấn đề thời gian.

c) Tội đến đâu?

Hiệp ước nói trên, có thể coi là vệt tối trong tiểu sử Nguyễn Ánh, mặc dù ông chẳng nợ nần gì triều đình Pháp và nước Pháp. Chẳng bao giờ vì nó mà ông mất tấc đất nào. Nếu có tội, thì đó là tội “trên giấy” – còn quá xa để bị một lãnh tụ CS phê phán là ”Vì muốn giành làm vua mà Gia Long đem nước ta bán cho Tây. Thế là giang san gấm vóc tan tác tiêu điều, con Lạc cháu Hồng hoá làm trâu ngựa”. Chính vị lãnh tụ (và sau đó là nhiều nhà sử học) không phân biệt Nguyễn Ánh với Gia Long: Hai thời kỳ khác nhau của một con người. Khi đã thành Gia Long, ông vua này không để mất đất, và mãi mãi là người có công thống nhất đất nước. Dẫu sao, chỉ cần câu trên, đủ để Nguyễn Ánh lột xác thành “con người mới” và có cơ hội phục vụ cách mạng – như trên đã nói..

(còn tiếp )

0