18/06/2018, 16:10

Cách mạng Tân Hợi 1911 tại Trung Quốc

Khởi nghĩa Vũ Xương bắt đầu cuộc Cách Mạng Tân Hợi, 1911 Hồ Bạch Thảo I. Quân cách mệnh khởi sự lớn [1911] 1. Cuộc vận động cách mệnh trong quân tại tỉnh Hồ Bắc Hoạt động chủ yếu của đảng cách mệnh nhắm mở rộng từ các thành phần hội đảng, hiệp sĩ, trộm cướp, quân ...

Khởi nghĩa Vũ Xương bắt đầu cuộc Cách Mạng Tân Hợi, 1911

Khởi nghĩa Vũ Xương bắt đầu cuộc Cách Mạng Tân Hợi, 1911

Hồ Bạch Thảo

I. Quân cách mệnh khởi sự lớn [1911]

tan_hoi_500_01

1. Cuộc vận động cách mệnh trong quân tại tỉnh Hồ Bắc

Hoạt động chủ yếu của đảng cách mệnh nhắm mở rộng từ các thành phần hội đảng, hiệp sĩ, trộm cướp, quân phòng thủ ; từ khi tân quân thành lập, lại càng gia tăng tranh thủ. Tân quân phần nhiều tại Bắc Dương, nhưng Viên Thế Khải chú ý ngăn cấm những tư tưởng khác lạ, nên cách mệnh không dễ thấm nhập. Riêng Tổng đốc, Tuần phủ tại các tỉnh khác, không sâu sắc như Viên, lại vì nhu cầu nhân tài quân sự, nên ưu đãi giao cho các lưu học sinh Nhật Bản địa vị. Khi bộ lục quân thành lập cũng tìm cách lôi kéo nhân tài như vậy, nên trong đó không ít người thuộc thành phần cách mệnh, hoặc có cảm tình với cách mệnh.

Hồ Bắc là một trấn quan trọng của tân quân, chỉ dưới Bắc Dương mà thôi, Trương Chi Đổng tuyển dùng nhiều học sinh từng sang Nhật Bản học nghiệp binh, riêng năm 1998 có 24 người ; trong số đó có Ngô Bảo Trinh, tốt nghiệp Sĩ quan học hiệu, có tài lại nhiệt thành với cách mệnh. Năm 1903 trở về tỉnh Hồ Bắc, được Trương Chi Đổng trọng dụng, giao chức Tổng giáo tập tướng biền học đường, Giáo tập hộ quân toàn quân, liệu biện Vũ Xương phổ thông trung học đường, nên Bảo Trinh có cơ hội tuyên truyền cách mệnh. Tháng 6/1904 tại Hồ Bắc, Khoa học bổ tập sở, tổ chức đầu tiên của cách mệnh được thành lập ; kế đến tháng 2/1906 Nhật tri hội thành lập ; số người gia nhập phần đông là quân lính, học sinh tại tỉnh Hồ Bắc, thứ đến thuộc tỉnh Hồ Nam. Khoa học bổ tập sở chuẩn bị tham gia cuộc nổi dậy của Hoa hưng hội tại Trường Sa [Changsha, Hồ Nam], nhưng không kịp thì cuộc nổi dậy bị thất bại. Nhật tri hội cùng Đồng minh hội liên lạc thông tin với nhau, chuẩn bị hưởng ứng cuộc nổi dậy của quân cách mệnh tại vùng biên giới Hồ Nam, Giang Tây, nhưng cuối cùng cũng thất bại. Tại thời gian này, số đoàn thể cách mệnh lớn nhỏ không dưới 20 tổ chức.

Trương Chi Đổng, Tổng đốc Lưỡng Hồ, ra sức đề xướng tân giáo dục, học đường tại Hồ Bắc, Hồ Nam mỗi ngày một tăng ; số học sinh ra trường thích tòng quân, có kẻ vì cơm áo, có người muốn thừa dịp cứu quốc. Cứu quốc thì theo cách mệnh, như vậy lực lượng chủ yếu của cách mệnh đã nằm trong quân ngũ, vận động tân quân hướng theo cách mệnh, đó là con đường ngắn và hữu hiệu. Tháng 3/1908 thành phần cũ của Nhật tri hội liên lạc với phần tử cách mệnh trong tân quân tổ chức Hồ Bắc quân đội đồng chí hội, tháng 7 chính thức thành lập tại Vũ Xương. Họ nhận thấy sĩ quan phần lớn thiếu tinh thần mạo hiểm, nên chú trọng chiêu tập binh sĩ, hội viên ước hơn 400 người. Để tránh các quan lại nghi kỵ, sau 5 tháng đổi thành Quần trị học xã. Tháng 4/1910 dân đói tại Trường Sa bạo động, Quần trị học xã định thừa cơ nổi dậy, nhưng nhà đương cục đề phòng quá nghiêm, nên việc không thành lại bị kềm kẹp. Vào tháng 8 cùng năm, chỉnh đốn tổ chức, lại đổi tên thêm lần nữa thành Chấn vũ học xã, số xã viên trên 200 người. Chẳng bao lâu tiếng tăm tiết lộ, bị nhà đương cục áp bách ; nên tháng 1/1911 phải đổi tên lần thứ ba thành Văn học xã, để chứng tỏ không có ý hoạt động chính trị ; Tưởng Dực Vũ làm Xã trưởng, cơ quan ngôn luận, Đại giang báo, phát hành tại Hán Khẩu [Hankou, Hồ Bắc]. Trong vòng 2 tháng, số xã viên lên đến 2 000, không chỉ thế lực cách mệnh trong tân quân tỉnh Hồ Bắc tiến nhanh, mà còn tụ họp được sự thống nhất.

Còn có một đoàn thể quan trọng khác được tổ chức tại Đông Kinh, Nhật Bản, mang tên Cộng tiến hội ; với lời hiệu triệu “ Cùng liều chết, tiến không lùi, thu hồi Trung Quốc, người Hán đứng làm chủ ” ; hội viên 9/10 thuộc thành phần Đồng minh hội theo chủ nghĩa dân tộc cấp tiến. Phần lớn xã viên Văn học xã thuộc Hồ Nam, Hồ Bắc ; Cộng tiến hội hội viên cũng phần lớn thuộc hai tỉnh này ; ngoài ra còn một số tại các tỉnh phụ cận : Tứ Xuyên, Giang Tây, An Huy. Năm 1908 tích cực hoạt động tại Hồ Nam, Hồ Bắc ; lập tổng cơ quan tại Hán Khẩu, Trường Sa ; đứng đầu là Lưu Công, Tôn Vũ người Hồ Bắc, Tiêu Đạt Phong người Hồ Nam, giao kết với hội đảng cùng hào kiệt các nơi. Đầu năm 1911, có người cảm thấy phẩm nhất các hội đảng không giống nhau, lại tự thị không chịu sự gò bó, nổi dậy thì dễ nhưng thành công rất khó ; riêng tân quân trình độ văn hoá tương đối cao, đối với chủ nghĩa cách mệnh, nhận thức có phần chính xác, về kỷ luật và huấn luyện các hội đảng không theo kịp, nên hướng về tân quân hoạt động, số hội viên lên đến 2 000 người. Lãnh đạo Cộng tiến hội, có kẻ từng tham gia cách mệnh tại Hồ Bắc, hoặc từng quen biết với xã viên Văn học xã, hai bên mục đích tương đồng, chiếu lý phải cùng nắm tay tiến lên ; nhưng cũng không miễn hỗ tương cạnh tranh.

Từ 1906 đến 1911 đảng cách mệnh nổi dậy 11 lần ; trong đó có 3 vụ nổi lên tại lưu vực sông Trường Giang, gồm 1 vụ tại Lưu Dương [Liuyang, Hồ Nam], Bình Hương [Pingxiang, Giang Tây] thuộc vùng biên giới các tỉnh Giang Tây, Hồ Nam ; 2 vụ xẩy ra tại An Khánh [Anqing], tỉnh An Huy. Số còn lại 6 vụ xẩy tại Quảng Đông, 1 vụ tại biên giới tỉnh Quảng Tây, 1 vụ tại biên giới tỉnh Vân Nam. Vào tháng 2/1910 tân quân tại Quảng Châu cử sự bị thất bại, lãnh tụ Đồng minh hội tại các tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc chủ trương từ đó trở về sau sẽ mưu đồ tại miền bắc, không nên chuyên sức lực tại Quảng Đông ; ước hẹn hội trưởng 11 phân hội tập hợp hội nghị. Tổng Giáo Nhân bảo rằng thượng sách cách mệnh nổi dậy tại trung ương, liên lạc quân đội phía bắc, Đông Tam Tỉnh làm hậu viện, một lần cử sự chiếm được Bắc Kinh, sau đó hiệu triệu toàn quốc ; trung sách do các tỉnh dọc sông Trường Giang đồng loạt cử sự, thiết lập chính phủ, sau đó bắc phạt ; hạ sách là chiếm ven biên, sau đó từ từ tiến thủ. Kết quả chọn trung sách, nhân vì tại lưu vực sông Trường Giang có cơ sở vững hơn. Hồ Bắc nằm giữa Trung Quốc, cần khởi nghĩa trước, do Hồ Nam, Tứ Xuyên cùng dấy lên theo để làm vững miền thượng du ; tiếp tục Sơn Tây, Thiểm Tây khởi sự, cắt thiết lộ Kinh Hán [Bắc Kinh – Hán Khẩu], chặn quân Thanh nam bắc giao thông ; hạ du sông Trường Giang cũng cử sự nhắm khống chế sông Trường Giang và cửa biển, khiến cho quân hạm địch bị cô lập. Tống Giáo Nhân cũng đề nghị Đồng minh hội tổ chức tổng bộ tại miền trung, làm cơ quan tổng trù hoạch ; sau này sự việc phát triển cũng gần như Tống trình bày. Tháng 10 Tống và Vu Hữu Nhiệm phát hành Dân lập báo, đối với sự tuyên truyền cách mệnh tại các tỉnh dọc sông Trường Giang có tác dụng rất lớn.

Năm 1911 Đồng minh hội chuẩn bị nổi dậy lần nữa tại Quảng Châu, đợi khi thành công sẽ chia đường tiến lên sông Trường Giang. Mệnh Cư Chính người tỉnh Hồ Bắc, Đàm Nhân Phong người Hồ Nam đi trước để bố trí ; lúc này đảng cách mệnh tại Hồ Bắc có phần hưng phấn. Tháng 5 được tin Quảng Châu thất bại, Cộng tiến hội không chùn bước, vẫn theo kế hoạch cũ thi hành, liên lạc với Văn học xã, dùng Vũ Xương làm chủ lực, Hồ Nam tiếp ứng. Thế lực Văn học xã trong quân phần lớn là Cộng tiến hội, nên thành phần này không khỏi tự thị, trên nguyên tắc cộng đồng hành động, nhưng chưa có phương án cụ thể. Đồng minh hội sau khi thất bại tại Quảng Châu, coi cách mệnh tại sông Trường Giang làm trọng yếu. Tháng 7, dưới sự lãnh đạo của Tống Giáo Nhân, Đàm Nhân Phong, và Trần Kỳ Mỹ tại Chiết Giang ; chính thức thành lập Đồng minh hội trung bộ tổng hội tại Thượng Hải, quyết định khởi nghĩa tại Vũ Xương ; phối hợp tiến hành cùng Cộng tiến hội, và Văn học xã. Đồng thời ban bố tuyên ngôn nêu rõ quá khứ đảng cách mệnh không chiến thắng nỗi Mãn Thanh, do “ Có tôn chỉ cộng đồng nhưng không có kế hoạch cộng đồng, có nhân tài thiết thực nhưng không có tổ chức thiết thực… nên mấy lần nổi dậy, mấy lần bại ” ; từ nay cần tuân mệnh tổng hội, không được khinh thường phát động, bồi bổ nguyên khí, dưỡng thực lực, đồng tâm đồng đức, cùng tạo thời cơ.

Khi vấn đề tranh chấp đường sắt giữa trung ương và địa phương nổi lên, tại Dân lập báo Tống Giáo Nhân mãnh liệt công kích chính quyền nhà Thanh mượn chính sách quốc hữu để mưu đồ trung ương tập quyền ngầm hưởng lợi, không tiếc đem đường sắt do các tỉnh làm, trao quyền cho ngoại bang, khiến tệ trạng giống như Đông Tam Tỉnh trước kia ; người dân Hồ Bắc, Hồ Nam cần phải tự cứu mình. Rồi phong trào tại Tứ Xuyên bùng nổ lớn, Tống Giáo Nhân lại hô hào dân tỉnh này đừng đấu tranh cục bộ trong việc dành đường sắt ; hãy tích cực cùng nhân dân cả nước quét sạch chính quyền Thanh ác độc.

Người 3 tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc, Quảng Đông đồng thanh tương ứng, quyết vùng lên. Vào tháng 8, Tổng bộ trung bộ Đồng minh hội mệnh Văn học xã và Cộng tiến hội thực hành liên hợp. Hoàng Hưng trước đó yêu cầu Tôn Trung Sơn trù số tiền lớn, để mưu hưởng ứng vụ nổi dậy Tứ Xuyên ; đến khi biết được cuộc vận động tân quân tại Hồ Bắc thành công, thửa lúc đấu tranh đường sắt mãnh liệt, như mũi tên sắp bắn, chủ động dựa vào để hành động. Một khi chiếm được Hán Dương [Hanyang, Hồ Bắc] “ Công binh xưởng vào tay ta, tất đạn dược không lo thiếu, vũ lực đủ dựa để chống lại quân phía bắc, gửi hịch cho các vùng hạ du sông Trường Giang thì có thể định được… Nay đã có thực lực như vậy, lấy Hồ Bắc làm khu trung tâm, lấy Hồ Nam, Lưỡng Quảng làm sức mạnh hậu bị ; An Huy, Thiểm Tây, Tứ Xuyên đồng hưởng ứng để khiên chế, đại cuộc một lần dấy lên sẽ thành công. Đáng thừa cơ hội gấp, mãnh lực tinh tiến, so với việc khởi nghĩa tại Quảng Đông, nặng nhọc một nữa mà công thì gấp bội ”. Nhãn quan của đảng cách mệnh, chủ yếu về mặt quân sự, cuộc khởi nghĩa tại Vũ Hán có đầy đủ điều kiện thuận lợi.

2. Tân quân khởi nghĩa tại Vũ Xương

Đệ bát trấn tân quân tại tỉnh Hồ Bắc và Hỗn thành hiệp 1 thứ 21, ước 17 000 người ; khoảng 6 000 người từng gia nhập, hoặc liên lạc với Cộng tiến hội và Văn học xã. Vào khoảng tháng 8, 9, một số tân quân bị điều đi trấn áp phong trào dành đường sắt tại Tứ Xuyên, số khác chia ra phòng thủ tại Nghi Xương [Yichang, Hồ Bắc], Tương Dương [Xiangyang, Hồ Bắc], Nhạc Dương [Yueyang, Hồ Nam], tổng cộng 9 000 người. Còn lại giữ Vũ Hán khoảng 8 000, trong số đó một nửa liên lạc với cách mệnh, chiếu theo tỷ lệ mà bàn, tình hình có lợi cho cách mệnh. Lúc bấy giờ toàn đất Tứ Xuyên sôi sục, lòng người tại Vũ Hán bàng hoàng, lời đồn rằng “ ngày 15/8 [Tây lịch 6/10] diệt giặc Thát ”. Đảng cách mệnh xét toàn cục, việc cử sự tại Hồ Bắc không có thể đợi thêm nữa. Ngày 16/9 Văn học xã, Cộng tiến hội tập họp, thực hành hợp tác ; sai người đi Thượng Hải, Hương Cảng mời Hoàng Hưng, Tống Giáo Nhân, Đàm Nhân Phong đến Hồ Bắc chủ trì, suy cử Tưởng Dực Vũ lâm thời Tổng tư lệnh quân cách mệnh ; Lưu Công, Tôn Vũ phân giữ Tổng lý chính phủ, Tham mưu trưởng. Ngày 22, tại Vũ Xương trong quân có biến, ngày 24 pháo binh ngoài thành bạo động, tin đồn tung ra ; giáo sĩ ngoại quốc bảo rằng sắp có biến cố lớn ; cùng ngày đảng cách mệnh quyết định phát động vào ngày 6/10. Triều đình Bắc Kinh mật lệnh Tổng đốc Thuỵ Trừng đề phòng ; Thuỵ Trừng cũng nhận được báo cáo tương tự, bèn hạ lệnh giới nghiêm, chiến hạm tuần tiễu trên sông, tân quân đạn dược bị thu, nên đảng cách mệnh không thể hành động đúng ngày.

Ngày 9/10 trụ sở Cộng tiến hội tại tô giới Nga, chế tạc đạn, bất cẩn bị phát nổ, cơ quan bị người Nga khám bắt ; danh sách, văn thư, cờ xí, ấn tín bị tịch thu mang đi. Trong ngày Tưởng Dực Vũ tại Vũ Xương ban bố mệnh lệnh khởi nghĩa lúc 12 giờ đêm. Cùng trong ngày, Văn học xã tại Vũ Xương cũng bị khám phá, bắt đi hơn 30 người, sáng hôm sau 3 người bị hại. Tân quân binh sĩ nằm trong danh sách Văn học xã, Cộng tiến hội cảm thấy nguy, chỉ còn cách cầu sống trong cái chết. Vào lúc 7 giờ tối, đơn vị công binh thuộc Đệ bát trấn nổi dậy tại thành Vũ Xương, trước tiên đoạt kho vũ khí, rồi đón pháo binh vào thành, tiến đánh nha môn Tổng đốc, số người tham gia khoảng 2 000. Tổng đốc Thuỵ Trừng cùng Thống chế Đệ bát trấn Trương Bưu lần lượt bỏ trốn ; trong vòng một đêm quân cách mệnh chiếm toàn thành Vũ Xương. Lúc bấy giờ vào ngày 10/10/1911, tức ngày 19/8 năm Tân Hợi Tuyên Thống thứ 3.

Cơ quan cách mệnh thường bị khám phá, lãnh đạo tản mác mỗi nơi, không đủ khuôn mặt lớn tham gia khởi nghĩa, cục diện như rồng không đầu ; nên không thể không suy tôn người có danh vọng tại Hồ Bắc chủ trì. Trước tiên định mời Nghị trưởng Tư nghị cục Thang Hoá Long, nhưng Thang vốn không liên quan đến cách mệnh, lại tự cho rằng không am tường quân sự ; bởi vậy cần chọn một người trong tân quân, được quần chúng tín nhiệm ; mới có thể chống với quân Thanh từ phía bắc xuống và được các tỉnh hưởng ứng. Quân cách mệnh bèn mời Hiệp thống Hỗn thành hiệp Lê Nguyên Hồng [1864-1928] làm Đô đốc quân Hồ Bắc ; lúc bấy giờ Lê là sĩ quan cao cấp thứ hai tại Hồ Bắc, chỉ dưới quyền Thống chế Trương Bưu. Lê xuất thân từ Thuỷ sư học đường Thiên Tân, tính tình cẩn trọng, chăm chỉ, từng được Sư trưởng Nghiêm Phục để ý đến ; Nghiêm phê bình Lê “ Đức cao, tài sơ ” [Đức cao, tài ít]. Sau khi tốt nghiệp, phục vụ tại Quảng Đông, từng tham gia chiến tranh Trung Nhật năm Giáp Ngọ, Chỉ huy thuyền máy bị quân Nhật đánh chìm, trôi dạt trên biển, may được cứu. Sau đó theo Trương Chi Đổng, cải sang lục quân, từng qua Nhật quan sát 3 lần. Tuy không phải là đảng viên cách mệnh, nhưng Lê có địa vị, lại được lòng quân, có tư cách để hiệu triệu quần chúng. Ngày 11, Lê Nguyên Hồng với danh nghĩa Đô đốc quân tỉnh Hồ Bắc, tuyên bố khởi nghĩa này là cuộc cách mệnh dân tộc lật đổ triều Thanh, để kiến tạo chính thể cộng hoà vĩnh viễn. Thang Hoá Long liên hợp các giới, với danh nghĩa Tư nghị cục, Giáo dục hội, Vũ Xương thương hội hô hào các tỉnh khởi nghĩa. Trong vòng 2 ngày thu phục Hán Dương, Hán Khẩu [Hankou], tình hình ổn định nhiều.

Ngày 12/10 quân cách mệnh khuếch trương thành 4 hiệp ; còn có đơn vị Mã, pháo, công binh ; hiện kim trong ngân khố tỉnh hơn 400 vạn nguyên, tài chính sung túc. Trong ngày, đối ngoại thanh minh rằng điều ước trong quá khứ vẫn có giá trị, bồi khoản, tiền nợ vẫn theo cũ đảm trách, bảo hộ quyền lợi và tài sản của các nước, không có ý bài ngoại. Ngày 17/10 phân biệt công bố Đô đốc phủ quân Hồ Bắc tổ chức pháp, và Hồ Bắc ước pháp ; do Đô đốc phủ là Quân chính phủ, Tôn Vũ làm trưởng quân vụ, dưới quyền nhiều đảng viên cách mệnh ; Thang Hoá Long trưởng chính sự, dùng nhiều người thuộc phái thân sĩ lập hiến. Ước pháp Hồ Bắc quy định nhân dân có quyền lợi tự do và nghĩa vụ ; phân biệt hành chính, tư pháp, lập pháp, có thể xem đây là tiếng nói đầu tiên của hiến pháp Trung Quốc.

Ngày 18 Tổng lãnh sự các nước tuyên bố trung lập. Quân cách mệnh “ tuy không có người chỉ huy, nhưng mỗi người chuẩn bị tiến công, đồng bào Hán tộc dang tay trợ chiến ; thậm chí phụ nữ tuy ôm con cũng mang trà uỷ lạo quân sĩ ”. Ngày 19, đánh bại quân Thanh từ phía nam lại. Lê Nguyên Hồng biết thời cơ có thể làm việc lớn, bèn “ Thề quân tuyên ngôn, quyết chí khôi phục lãnh thổ nhà Hán.”

3. Mười bốn tỉnh giành độc lập

Cách mệnh tại Vũ Xương do tân quân phát động trước, Tư nghị cục phụ theo ; kế tiếp tại các tỉnh cách thức nổi dậy đại để tương đồng ; thực lực dựa vào tân quân, uy tín chính trị xã hội dựa vào Tư nghị cục. Trước đó phần lớn Nghị viên Tư nghị cục đều thuộc phái lập hiến ; một nhánh do Trương Tái lãnh đạo tương đối ôn hoà, nhánh khác do Lương Khải Siêu lãnh đạo có phần cấp tiến, thế lực lớn hơn phe Trương Tái. Trương Tái thân cận với Viên Thế Khải, hy vọng Viên xuất hiện trở lại ; lại có sự liên lạc với Thân vương Tái Trạch. Lương với Tái Đào thân cận, hy vọng bỏ việc cấm hội Bảo hoàng, cho Lương hoặc Khang chấp chính ; nhưng bị Tái Trạch cùng Long Dụ Thái hậu áp chế. Ba lần thỉnh nguyện lập quốc hội không thành, lại bị đàn áp, phái Lương Khải Siêu có ý lật đổ chính phủ, tiếp tục hợp tác với cách mệnh.

Cuộc vận động cách mệnh tại Hồ Bắc, Hồ Nam coi như một ; không ít người gốc Hồ Nam đã tham gia cuộc khởi nghĩa tại Vũ Xương. Ngày 22/10 bọn Tiêu Đạt Phong, Trần Tác Tân hưởng ứng tại Hồ Nam, đuổi Tuần phủ Hồ Nam, chia ra giữ chức chánh phó Đô đốc, Nghị trưởng Tư nghị cục Đàm Diên Khải [1880-1930] làm Viện trưởng Tham nghị viện. Tiêu, Trần đều là thanh niên tính nóng, bị các thân hào nhân sĩ bất mãn ; Đàm tính trung hoà chính trực, người đương thời khen. Vào ngày 31/10 binh biến tại Trường Sa [Changsha, Hồ Nam] Tiêu, Trần bị giết ; Đàm giữ chức Đô đốc, đối với các bên đều tương đắc, tình hình được ổn định.

Thiểm Tây khởi nghĩa cùng ngày với Hồ Bắc ; thành phần tham gia gồm tân quân, học sinh lục quân, hội đảng, Tư nghị cục ; Trương Phong Tuế, tân quân, giữ chức Đô đốc. Quân Bát kỳ trú phòng chống cự trong 2 ngày, mấy ngàn người từ Tướng quân trở xuống bị giết.

Ngày 24/10 khởi sự tại Cửu Giang, Giang Tây, Tiêu 2 thống tân quân Mã Dục Bảo làm Đô đốc, giao thông trên sông Trường Giang bị ngăn trở. Ngày 31, Tư nghị cục, thân sĩ thương gia cùng học giới tại Nam Xương tuyên bố độc lập, Tuần phủ bỏ trốn. Hiệp thống tân quân Ngô Giới Chương giữ chức Đô đốc, doanh tuần phòng và hội đảng không phục, nên thay đổi, giao cho Lý Liệt Quân, một Sĩ quan tốt nghiệp tại Nhật Bản thuộc thành phần cách mệnh giữ chức này.

Thái Nguyên, thủ phủ tỉnh Sơn Tây, cử sự vào ngày 29/10, Tuần phủ bị giết ; Tư nghị cục suy cử Tiêu thống Diêm Tích Sơn [1883-1960] làm Đô đốc ; Diêm tốt nghiệp Sĩ quan, là người thuộc cách mệnh. Tháng 12 quân Thanh đánh vào Sơn Tây, Diêm chạy vào Tuy Viễn 3 [Nội Mông] ; năm sau trở lại Thái Nguyên, từ đó thống trị Sơn Tây hơn 30 năm.

Ngày 27/10 Đằng Việt [Tengchong] tại tỉnh Vân Nam tuyên bố độc lập, ngày 30 tỉnh lỵ Côn Minh [Kunming] tiếp tục khởi nghĩa. Lãnh đạo gồm Hiệp thống tân quân Thái Ngạc [1882-1916] người tỉnh Hồ Nam, Tiêu thống La Bội Kim, Tổng biện huấn luyện vũ học đường Lý Căn Nguyên ; riêng Tổng đốc Vân Quý bỏ trốn. Thái giữ chức Đô đốc, La giữ Quân chính bộ trưởng, Lý giữ chức Viện trưởng Tham nghị viện. Thái từng học nghiệp Lương Khải Siêu, nhưng liên lạc gần gũi với cách mệnh ; riêng La, Lý thuộc Đồng minh hội ; cả 3 cùng là Sĩ quan học tại Nhật Bản.

Vào ngày 4/11 Quý Châu giành độc lập, lãnh đạo là Hội trưởng Tự trị học hội Trương Bách Lân, hội này cũng liên quan với Đồng minh hội ; ngoài ra Hiến chính dự bị hội cũng tham dự. Tư nghị cục suy cử Dương Tẫn Thân, sĩ quan tốt nghiệp tại Nhật giữ chức Giáo tập tân quân làm Đô đốc ; Trương Bách Lân và Thủ lãnh Hiến chính dự bị hội làm Chánh, Phó viện Khu mật. Tại đây Lập hiến hội và phái cách mệnh như nước và lửa ; riêng Ca lão hội khí thế khuếch trương. Thái Ngạc sai Đường Kế Nghiêu mang quân từ Vân Nam đến đoạt chức Đô đốc. Có thuyết bảo rằng Lương Khải Siêu từng ra lệnh Thái Ngạc tiến chiếm Tứ Xuyên, Quý Châu, Thái cũng muốn mang quân phát triển bên ngoài để an định nội bộ.

Tại Giang Tô, Thượng Hải cử sự sớm nhất vào ngày 3/11 ; lãnh đạo là Trần Kỳ Mỹ, người của cách mệnh, từng du học Nhật Bản. Cách mệnh có được Thượng Hải, tức có đủ lương hướng vũ khí đạn dược. Vào ngày 5/11, Tuần phủ tỉnh Giang Tô Trình Đức Toàn theo lời yêu cầu của phái lập hiến, xưng độc lập tại Tô Châu ; Trình là quan địa phương đầu tiên của nhà Thanh tham gia cách mệnh ; việc này do Trương Tái đốc thúc, muốn tìm cách khiên chế đảng cách mệnh. Theo gót là khởi sự tại Trấn Giang, quan hệ đối với Nam Kinh rất lớn. Ngày 8/11 Thống chế Đệ cửu trấn Từ Thiệu Trinh mang tân quân từ ngoài thành tấn công vào nhưng không hạ được, bèn rút về Trấn Giang. Được Giang Tô, Chiết Giang yểm trợ, tấn công lần thứ hai, qua 8 ngày chiến đấu đánh bại Đề đốc Giang Nam Trương Huân ; vào ngày 2/12 chiếm lãnh Nam Kinh, kết quả phía nam sông Trường Giang không còn tông tích quân Thanh. Lúc bấy giờ không giữ được Hán Dương, Vũ Xương nguy cấp ; thắng lợi Nam Kinh khiến thanh uy quân cách mệnh lại phấn chấn, Trần Kỳ Mỹ điều động chi viện, công lao rất lớn.

Nghị trưởng Tư nghị cục tỉnh Chiết Giang thuộc phái lập hiến, Phó nghị trưởng thuộc đảng cách mệnh, định dùng phương sách hoà bình để giành độc lập ; nhưng Tuần phủ và Tướng quân trú phòng trì nghi không quyết. Ngày 5/11 tân quân chiếm lãnh Hàng Châu, suy cử Thang Thọ Tiềm người phái lập hiến làm Đô đốc, người đảng cách mệnh giữ chức Tổng tư lệnh, cùng Chính sự bộ trưởng.

Tại Quảng Tây, Liễu Châu [Liuzhou] hưởng ứng trước ; Tuần phủ Thẩm Bỉnh Khôn cùng Tư nghị cục bị tân quân áp bách nên vào ngày 17/11 tuyên bố độc lập ; Thẩm làm Đô đốc, Bố chánh Vương Chi Tường giữ chức phó. Qua 2 ngày xẩy ra binh biến tại doanh phòng thủ, Thẩm và Vương lấy cớ đi đánh phía bắc bèn rời khỏi Quế Lâm, Đề đốc Lục Vinh Đình được nắm chức Đô đốc Quảng Tây, từ đó chiếm cứ Quảng Tây trong 10 năm.

An Huy bắt đầu hưởng ứng nổi dậy tại Thọ Châu [Fengtai]. Tư nghị cục muốn bắt chước Giang Tô, yêu cầu chuyển giao chính quyền ; cuộc bàn định chưa xong thì tân quân tại An Khánh [Anqing] tuyên bố độc lập vào ngày 8/11. Do việc tranh giành Đô đốc, nhiễu nhương hơn một tháng, cuối cùng vào tay Tôn Dục Quân, thuộc phe cách mệnh lại từng du học tại Nhật Bản.

Sau khi Vũ Xương khởi nghĩa, quan quân Thanh phòng bị Quảng Châu rất nghiêm, cách mệnh cũng hoạt động đắc lực. Ngày 24/10 viên Tướng quân Phong Sơn bị tạc đạn tại Quảng Châu chết. Tư nghị cục và thân sĩ thương nghị tự trị, viên Tổng đốc Trương Minh Kỳ lúc đầu chấp thuận nhưng sau lại hối. Quân cách mệnh rầm rộ nổi lên khắp nơi, Thuỷ sư đề đốc Lý Chuẩn liên lạc với cách mệnh. Ngày 9/11 Tư nghị cục và các đoàn thể nghị quyết độc lập, suy cử Hồ Hán Dân làm Đô đốc.

Phái lập hiến và đảng cách mệnh tại Phúc Kiến tương đối hoà hợp. Đầu tháng 11, có tin đồn rằng quân bát kỳ sắp đánh tân quân, Tư nghị cục quyết định giành độc lập, Hiệp thống tân quân Hứa Sùng Trí cử sự, Tổng đốc Mân Chiết tự tử, Tướng quân Phúc Châu [Fuzhou] bị giết. Ngày 10/11 bình định xong toàn thành, Thống chế tân quân Tôn Đạo Nhân giữ chức Đô đốc, người cách mệnh giữ chức Viện trưởng chính vụ ; Nghị trưởng Tư nghị cục thuộc lập hiến giữ chức Dân chính bộ trưởng.

Tuần phủ Sơn Đông nhân các giới tại Tế Nam [Jinan, Sơn Đông] cùng tân quân yêu cầu ; vào ngày 13/11 tuyên bố độc lập. Lúc bấy giờ Viên Thế Khải nắm trọng quyền tại Bắc Kinh, tân quân tại Sơn Đông thuộc hệ phái Bắc Dương, thái độ chuyển biến, triệt tiêu nền độc lập sau 20 ngày ; duy quân cách mệnh vẫn chiếm giữ Yên Đài [Yantai, Sơn Đông].

Thực tế cách mệnh Tân Hợi đã khởi sự tại Tứ Xuyên vào ngày 8/9 ; đảng cách mệnh, Đồng chí hội thuộc Ca lão hội bạo phát, tiến công vào Thành Đô. Hồ Bắc, Hồ Nam, Thiểm Tây, Vân Nam, Quý Châu giành độc lập ; tiếng ca chiến thắng vang rền bốn phía. Ngày 22/11 Trùng Khánh dành độc lập, viên Đốc biện thiết lộ Xuyên-Hán Đoan Phương bị tân quân Hồ Bắc giết tại Tư Châu [Zizhong, Tứ Xuyên] ; Tổng đốc Triệu Nhĩ Phong biết rằng sự việc không thể làm gì hơn, bèn thả những người đã tranh đấu đường sắt như Nghị trưởng Tư nghị cục Bồ Điện Tuấn, La Luân vv… hai bên cùng bàn bạc, Bồ giữ chức Đô đốc. Ngày 27/11 Thành Đô tuyên bố độc lập, cho quân lính tự do 10 ngày, quân kỷ lỏng lẻo. Ngày 8/12 doanh phòng thủ nổi biến, Bồ Điện Tuấn rời chức ; Tổng biện lục quân tiểu học Sĩ quan tốt nghiệp Nhật Bản Y Xương Hoành kế tục chức Đô đốc, đảng cách mệnh đương quyền, phái lập hiến thất thế.

Ngoại trừ các tỉnh nêu trên, vào tháng 10 Phụng Thiên tư nghị cục và tân quân mưu độc lập, bị Tổng đốc Triệu Nhĩ Tốn cùng viên Thống lãnh doanh tuần phòng xuất thân từ thảo khấu, Trương Tác Lâm [1875-1928], áp chế. Vào tháng 11 đổi thành Quốc dân bảo an hội, Triệu Nhĩ Tốn làm hội trưởng, vẫn ủng hộ triều Thanh ; đảng cách mệnh tiếp tục khởi sự tại địa phương nhưng ảnh hưởng không lớn. Cát Lâm, Hắc Long Giang cũng phỏng theo Phụng Thiên [Liêu Ninh], lập Bảo an hội.

Tháng 12, đảng cách mệnh khởi sự tại Lục Lâm phía tây Hà Nam, Khai Phong học hội chuẩn bị hưởng ứng nhưng không thành. Tháng giêng năm sau, tân quân dành độc lập tại Loan Châu [Luanzhou], Trực Lệ [Hà Bắc].

Hạ lưu sông Trường Giang là nơi chủ yếu quân Thanh và cách mệnh tranh giành, hải quân ra tay cao thấp. Hạm đội quân Thanh tại sông Trường Giang do Đề đốc Tát Trấn Băng thống suất ; Lê Nguyên Hồng đối với Tát là thầy trò, Thang Hoá Long với Tham mưu Hải quân Thang Hương Minh lại là anh em, chia nhau khuyến khích theo ; quan binh hải quân trí thức tương đối cao, không ít đồng tình với cách mệnh. Trung tuần tháng 11 các chiến hạm từ Vũ Xương đến Cửu Giang đều theo quân cách mệnh. Chiến hạm tại Thượng Hải, Trấn Giang thì đã theo cách mệnh trước đó, khiến quân Thanh không có cách nào nhảy vào sông Trường Giang

Chú thích:

1 Hỗn thành hiệp tức hiệp quân hỗn hợp kỵ binh, bộ binh và pháo binh. Biên chế quân đội nhà Thanh lúc bấy giờ, 1 trấn chia thành 2 hiệp ; 1 hiệp chia thành 2 tiêu. Trấn tương đương với sư đoàn, hiệp tương đương với lữ đoàn, tiêu tương đương với trung đoàn.

2 Theo biên chế tân quân thời cuối Thanh, tiêu tương đương với trung đoàn.

3Tuy Viễn : nay thuộc Hô Hoà Hạo Đặc thị, thuộc Nội Mông

II. Cơ hội của Viên Thế Khải [1911-1912]

Viên Thế Khải [1859-1916]

Viên Thế Khải [1859-1916]

0