18/06/2018, 16:03

Về tiểu thuyết lịch sử

Nguyễn Vy Khanh I. Vào đầu thế kỷ XX, thể loại tiểu thuyết viết bằng chữ quốc ngữ xuất hiện và lên đường hiện đại hóa, từ Thầy Lazarô Phiền đến Hoàng Tố Oanh Hàm Oan (1910) và Tố Tâm (1925), thì tiểu thuyết lịch sử đã đồng thời xuất hiện và đến nay gần một thế kỷ sau, đã là những ...

tieu thuyet lich su

Nguyễn Vy Khanh

I.

Vào đầu thế kỷ XX, thể loại tiểu thuyết viết bằng chữ quốc ngữ xuất hiện và lên đường hiện đại hóa, từ Thầy Lazarô Phiền đến Hoàng Tố Oanh Hàm Oan (1910) và Tố Tâm (1925), thì tiểu thuyết lịch sử đã đồng thời xuất hiện và đến nay gần một thế kỷ sau, đã là những thử nghiệm và đóng góp quí báu cho văn học Việt Nam. Nhiều thế hệ người đọc đã bị lôi cuốn vì nét đẹp nên thơ của lịch sử được kể lại, văn chương hóa, hoặc vì tài người viết, dù đâu đó vẫn có người đã khó chịu với thể loại họ cho là lai căng, không văn chương thuần túy, một loại ăn bám. Nhà thơ Chateaubriand đã “kết tội” Walter Scott, ông tổ thể loại tiểu thuyết lịch sử ở Tây-phương, đã làm đồi trụy (perverti) cả tiểu thuyết lẫn lịch sử !

Văn và sử, văn chương và lịch sử, quan hệ như thế nào? Một mặt, văn chương là hư cấu và tác phẩm là một cái hoặc cách nhìn, tiên tri, dự báo, một nhận thức lịch sử – hoặc bên lề lịch sử, của một tác giả, trong khi đó, lịch sử là một nỗ lực tìm “sự thật” chính xác, khách quan, không thiên lệch, có hay có dở có mạnh có yếu, có vinh quang thì cũng có thất bại phải cáng đáng với lịch sử. Tuy vậy, chuyện viết sử cũng không dễ gì khách quan, người viết sử thường là quan lớn của một triều đại như Lê Văn Hưu nhà Trần, Ngô Sĩ Liên nhà Lê, Phan Thanh Giản nhà Nguyễn. Lê Tắc viết An-Nam Chí Lược (1333) khi phải lưu thân phương Bắc cũng là muốn để lại hậu thế một cái nhìn lịch sử ! Vả lại chuyện đọc sử cũng tùy cách đọc và người đọc, với nào hành trang, nào tư cách! Viết sử như vậy cũng là một cách nhìn lịch sử, tùy thời, bước đi lịch sử và triều đại mà có nhiều văn bản lịch sử, có khi trở thành những trò nói dối, cố tình làm sai lạc lịch sử. Vậy có thể có “bản chất lịch sử” khách quan, vượt không gian thời gian không ? Thiển nghĩ đây là không tưởng ! Về phần tiểu thuyết lịch sử, chúng là một cách tra hỏi và nghi vấn quá khứ để biện minh hiện tại và chỉ hướng cho tương lai, qua trung gian một hay nhiều tác giả. Như vậy, chúng cũng là những tiểu thuyết luận đề khi đặt lại vấn đề, dữ kiện lịch sử, đề ra luận đề mới, mượn dĩ vãng nói chuyện hiện tại, có thể có ý chống lại bước lịch sử hoặc trật tự xã hội đang có (ngoại bang đô hộ, độc tài đảng trị, v.v.). Dĩ nhiên đây là nói về những tiểu thuyết lịch sử chính loại, không thương mại!

Lịch sử như chân lý, là những sự thật “khách quan”, các nhà viết sử hay nhiều tác giả tiểu thuyết lịch sử như phải thuyết phục vì tin có những “sự thật” cần được viết lại, đặt lại. Tại sao vậy? Vì kiến thức mới, vì những dữ kiện mới phát hiện? Vì những cương tỏa chính trị xã hội cứng nhắc, vì xã hội trước mắt đang có vấn đề, bí lối hoặc có kẽ hở. Trong khi tiểu thuyết lịch sử là “chân lý” qua tâm hồn, cách hiểu, là một cách nhận thức hay cảm nhận lịch sử vì tác giả chúng có quyền hư cấu, tô nhân vật sâu hơn, rõ nét hơn, vĩ đại sống động hơn, hay hạ bệ, làm hèn kém đi. Thường các nhà viết sử vẫn theo lối bình thường “sử bình”, “cương” rồi “mục” mà không dám “nói lại”, “sửa sai” ngoại trừ những trường hợp theo “chính nghĩa” hay chính sách triều đại mới: Trần sửa sử Tiền Lê, Nguyễn sửa Hậu Lê, v.v.

II.

Thời lịch triều, chúng ta đã có một số ký sự và bút ký lịch sử vốn được gọi là chí hoặc chí truyện, viết bằng chữ Hán, như Hoan Châu Ký cuối thế kỷ XVII, Thượng Kinh Ký Sự ở thế kỷ XVIII và Việt Lam Xuân Thu, Nam Triều Công Nghiệp Diễn Chí, Hoàng Việt Hoàng Lê Nhất Thống Chí,,.. ở thế kỷ XIX (1). Thuộc tiểu thuyết chương hồi nhưng thành công nhất vẫn là Hoàng-Lê Nhất Thống Chí đã tiểu thuyết và cá thể hóa các nhân vật lịch sử một cách tài tình và cũng là cuốn tiểu thuyết lịch sử tản văn đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam! Miền Nam nơi khởi phát văn học chữ quốc ngữ, đầu thế kỷ XX đã xuất bản những tiểu thuyết lịch sử mà cuốn đầu tiên là Phan Yên Ngoại Sử Tiết Phụ Gian Truân (1910) của Trương Duy Toản, mở đường cho rất nhiều tác phẩm khác hai thập niên tiếp sau! Ngoài Bắc, có Quả Dưa Đỏ (1925) của Nguyễn Trọng Thuật dù tản văn vẫn hãy còn thi tính cũ. Giai Nhân Kỳ Ngộ (1927) của Phan Chu Trinh viết theo thể truyện thơ lục bát. Phan Bội Châu viết Trùng Quang Tâm Sử từ 1921 nhưng bằng chữ Hán và theo truyền thống chương hồi.

Theo các tác giả thời đầu thế kỷ XX thì “dã sưû” không phải là lịch sử nhưng không trái nghịch lịch sử, mà nương theo, “minh họa”, viết lại. Còn “ngoại sử” lấy khung cảnh sử nhưng nhân vật là “sáng tạo” của tác giả. Phan Yên Ngoại Sử Tiết Phụ Gian Truân (1910) của Trương Duy Toản là “ngoại sử” về một nhân vật Vương Thể-Trần đời Tây Sơn. Oán Hồng Quần tức Phùng Kim Huê Ngoại Sử (1920) của Mộng Huê Lầu “ngoại sử” chuyện thời Pháp đô hộ, nhưng nhân vật Phùng Kim Huê là tưởng tượng của tác giả. Tiền Lê Mạt Vận (1932) của Phạm Minh Kiên cũng như Việt Nam Lê Thái Tổ (1929) của Nguyễn Chánh Sắt đều là tiểu thuyết “dã sử”. Những người viết tiểu thuyết lịch sử thời này là những vị có tinh thần dân tộc cao thấy không thể thắng ngoại xâm Pháp bằng vũ khí đã dùng sách báo làm phương tiện chống thực dân. Riêng trong Nam có phong trào viết truyện sử ta để phản ứng lại sự tràn ngập của truyện Tàu. Thời đầu thế kỷ, các tiểu thuyết lịch sử nói chung phần lớn viết theo truyện Tàu, có lớp lang chương hồi, văn hãy còn biền ngẫu và “tải” những luân lý căn bản và gợi ý thức dân tộc, lòng yêu nước, đề cao tinh thần anh hùng nghĩa hiệp.

Đến hai thập niên 1930-40, tiểu thuyết lịch sử đã tiến bước “lãng mạn hóa” với Khái Hưng và Lan Khai rồi “tiểu thuyết hóa” với Nguyễn Triệu Luật, Phan Trần Chúc,… và “sử hóa” với Ngô Tất Tố, Hoa Bằng,.. Đất nước bị trị, giới trí thức đi vào con đường văn hóa, mượn chuyện quá khứ để giáo dục, ký thác tâm sự, nhắc nhở, soi gương hoặc chống lại cái trật tự xã hội đang có mà đáng ra không đáng có, như Lan Khai tâm sự trong Lời Giới Thiệu cuốn Bà Chúa Chè của Nguyễn Triệu Luật : “… Đọc nó (…) ta còn phát sinh một u hoài đối với dĩ vãng và nhớ tiếc cái tổ quốc cũ kỹ của chúng ta, với tất cả mọi điều hay dở của nó, cái tổ quốc mà nay ta không còn!…” (2). Ở đây tiểu thuyết lịch sử làm sống lại quá khứ với u hoài, tiếc nuối! Khái Hưng và Lan Khai là văn chương hơn cả. Với Lan Khai, tiểu thuyết lịch sử là chuyện tình lồng trong một khung cảnh lịch sử, với một số nhân vật xa gần với nhân vật có thật trong lịch sử. Tâm sự Lan Khai bi quan và tình yêu là động cơ của mọi biến cố và biến thiên của lịch sử ! Hai ông không có ý phản ánh trung thành lịch sử, họ đã lãng mạn hóa các nhân vật lịch sử, lãng mạn cả những hành động anh hùng, đẹp nhưng hết hợp thời, vớt vát, vẫn phảng phất khung cảnh chương hồi của Thủy Hử, Tam Quốc Chí, nhưng cũng đã thấy có sự kết hợp hài hòa với lối trường thiên tiểu thuyết của A. Dumas. Thời đệ nhị thế chiến, Chu Thiên có Bóng Nước Hồ Gươm, Bút Nghiên,… Phan Trần Chúc có Sau Lũy Trường Dục (1942), Hồi Chuông Thiên Mụ (1943),.., Hoa Bằng có “lịch sử ký sự” Quang-Trung Nguyễn Huệ (1944),..

Sau ngày “thống nhất” 1975, một loạt tiểu thuyết lịch sử uốn cong sự thật bởi kẻ thắng, hoặc do thù hận chính trị, cá nhân, hoặc vì thị hiếu độc giả; đây là một loại “văn chương” giỡn chơi với một số mảnh vụn của quá khứ, những mảnh vụn càng đầy tha hóa, bệnh hoạn, càng dễ thành tiểu thuyết: Đệ Nhất Phu Nhân của Hoàng Trọng Miên (1988, nhưng đã khởi đăng kỳ nhật báo trước 1975), Ván Bài Lật Ngửa của Nguyễn Hưởng Triều, Ông Cố Vấn (1989) của Hữu Mai, v.v. Cởi Trói (1986) là một giai đoạn tiếp nối “nền” văn nghệ sử thi, minh họa cứng ngắc của bốn thập niên trước đó, Nguyễn Huy Thiệp viết một số truyện lịch sử hoặc dã sử (Kiếm Sắc, Vàng Lửa, Phẩm Tiết) khi đăng lên báo đã là những tiếng bom làm một số ngự sử của chế độ mất ăn mất ngủ. Ông nêu vấn đề hợp lý “xét lại” nhưng không công khai “đánh giá” nhân vật lịch sử: họ đã từng hiện hữu, tốt xấu mặc họ, nếu có công hay tội là đối với dân tộc, còn “chúng ta”, hôm nay cô đơn với luật nhân quả, với trách nhiệm hôm nay! Nguyễn Huy Thiệp coi lịch sử là hài kịch, bi hài thì đúng hơn, vì người đọc “thấy” được bóng tối vẫn vây bủa hiện tại, ông “báo độngthời đại đang sống phi lý, bạo động, không văn hóa ! Một xã hội “thứ lòng tốt nhỏ, không cứu được ai” (VL), và lịch sử cũng như thế lực thế giới “nền chính trị thế giới giống như món nộm suồng sã” (VL). Sau đó ông đến gần Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Thái Học, Hoàng Hoa Thám, … Xử dụng lịch sử để nói chuyện hiện thực, Nguyễn Huy Thiệp khiến người đọc cảm nhận sự khác biệt giữa tâm tình các thế hệ: anh hùng bách chiến bách thắng và thần thánh cũng có lúc bất lực trong đời thường. Hóa ra có một lớp phấn son hay cương ẩu…! Nguyễn Huy Thiệp “đụng chạm” đến những nhân vật lịch sử bất khả xâm phạm như Nguyễn Huệ, anh hùng áo vải, anh hùng dân tộc, vì với một chế độ xem Gia Long đã “mở đầu triều đại gần 100 năm nô lệ của dân tộc ta“, do đó tiểu thuyết hóa lịch sử về Nguyễn Huệ như Nguyễn Huy Thiệp là “xúc phạm danh dự dân tộc” (3)! Nguyễn Huy Thiệp và một số tác giả bắt người đọc phải lựa chọn, bị động, tham gia vào tác phẩm, tác giả đã “dám” làm việc “nói ra” những ưu tư, tư duy về lịch sử, người đọc cũng có phần nào trách nhiệm – bằng chứng những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đã gây tranh luận trong nước và thúc đẩy tìm hiểu, không phải chỉ riêng tác phẩm của một tác giả, Nguyễn Huy Thiệp – mà còn là lịch sử, chiến tranh, đất nước, tương quan với tha nhân, với thế giới, con người Việt Nam v.v. Văn chương có tư duy vốn ngầm chứa đặc tính đối thoại và lưu tiếp 2 đường đi về.

Trước khi có hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp, ngoài nước đã có Nguyễn Mộng Giác và Trần Trung Quân và trong nước có Hoàng Công Khanh (Sớm Biệt Một Chiều Thu, Hoàng Hậu 2 Triều Dương Vân Nga, Vằng Vặc Sao Khuê, Vua Đen Mai Hắc Đế,…), Vũ Xương (Sáo Trúc Chí Linh), Hà Ân (Tổ Quốc Kêu Gọi,..), v.v ; nhưng phải đợi đến những năm cuối thế kỷ mới thật sự có hiện tượng “tiểu thuyết lịch sử”, với Trần Vũ, Trần Long Hồ, Hồ Minh Dũng, Trần Nghi Hoàng, Nam Dao, Xuân Vũ, … Hoàng Khởi Phong mới bắt đầu bộ Người Trăm Năm Cũ nhiều hứa hẹn. Yên-Tử cư-sĩ Trần Đại Sỹ viết nhiều tiểu thuyết lịch sử nhất ở hải ngoại : Anh Hùng Lĩnh Nam, Động Đình Hồ Ngoại Sử, Cẩm Khê Di Hận, Anh Hùng Tiêu Sơn, Thuận Thiên Di Sử, Bình Dương Ngoại Sử, Bảo Hòa Ngoại Truyện, Nam Quốc Sơn Hà,… Lê Minh Hà viết lại chuyện Lưu Bình Dương-Lễ với cái nhìn hiện đại và thực tế hơn (“Châu Long”. Diễn Đàn 98, 7&8-2000). Thị Lộ và Nguyễn Trãi của Hồ Minh Dũng (Thị Lộ, Câu Nam Ai Thất Lạc) cũng đem đến cho người đọc cảm tưởng mới về các nhân vật lịch sử đó! V.v. Ngự sử chế độ phê Nguyễn Huy Thiệp “xuyên tạc lịch sử” thì Sông Côn Mùa Lũ được dễ chấp nhận hơn. Trong nước, hàng loạt tiểu thuyết lịch sử được viết bởi các nhà văn cạn đề tài chiến tranh chống Mỹ Ngụy và “xây dựng xã hội chủ nghĩa” hoặc họ ý thức được những lỗi thời và vô bổ? Đại hội Nhà Văn lần thứ 6 tháng 4-2000 đã chính thức thúc đẩy “chiến dịch” viết tiểu thuyết lịch sử. Việc sáng tác về các đề tài lịch sử đã được Ban Chấp hành Hội Nhà văn đề ra như là một phương hướng nhiệm vụ cần thiết cho ngũ niên tới, 2000-2005. Phương hướng nhiệm vụ thứ năm: “Tiếp tục dòng chảy không đứt đoạn của ký ức văn hóa, Hội Nhà Văn tạo mọi điều kiện đãy mạnh sáng tác về đề tài lịch sử và chiến tranh cách mạng…” (4). Nguyễn Hữu Sơn – thuộc Viện văn-học và là người gần đây đã có một số công trình san định thơ văn cổ cũng như biên soạn một số tuyển tập như về tạp chí Tri tân, tạp chí Văn Học, v.v., trong bài “Sáng tác về đề tài lịch sử” đã ghi nhận có một phong trào viết tiểu thuyết lịch sử và ông giải thích : “…Điều này có lý do bởi sự cộng hưởng cảm hứng của dân tộc chiến thắng vừa trãi qua mấy cuộc chiến tranh lớn; bởi tâm lý tự cường mong muốn khẳng định bản lĩnh văn hóa dân tộc trong bước chuyển gia tốc giao lưu và hội nhập quốc tế; hơn nữa được kích thích bởi những định hướng lớn của Đảng và Nhà Nước trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc truyền thống dân tộc khiến cho tâm thế sáng tác ‘hướng về cội nguồn’ ở các nhà văn càng có dịp nảy nở và phát triển…”. Ông kêu gọi nên có một hội đồng văn học “quan tâm đến mảng sáng tác về đề tài lịch sử nói chung” và cuối bài đề nghị “nới rộng quan niệm “đề tài lịch sử”, việc nhìn nhận đề tài chiến tranh cách mạng trong “thời gian lớn” của lịch sử ngàn năm không chỉ tạo cho chúng ta tầm nhìn biện chứng, toàn cảnh về đề tài lịch sử nói chung mà cũng chính là sự đúc kết kinh nghiệm – một cách chuẩn bị có tính chiến lược tốt nhất cho bộ phận sáng tác về đề tài lịch sử dân tộc trong những thập kỷ tới” (5).

Vì những lý do trên mà bên cạnh các hiện tượng sách dịch, học-làm-người, tiểu thuyết ái tình “rẻ tiền”, tiểu thuyết lịch sử đang tràn ngập thị trường trong nước. Riêng đầu năm 2000 đã có nào là Câu Sấm Về Ngàn Lau Tím của Ngô Văn Phú, nào Bóng Nước Hồ Gươm của Chu Thiên và bộ Hoàng-Lê Nhất Thống Chí tái bản. Năm 1999 đã có Quận He Khởi Nghĩa của Hà Ân, Lê Văn Duyệt – Từ Nấm Mồ Oan Khuất Đến Lăng Ông, Phan Thanh Giản, Nỗi Đau Trăm Năm của Hoàng Lại Giang, Ngôi Đình Bản Chang của Đích Ngọc Lân, Ngô Quyền của Nguyễn Anh, Nữ Tướng Tây Sơn của Quỳnh Cư, Mười Hai Sứ Quân của Vũ Ngọc Đỉnh gồm 8 cuốn; Huyền Trân Công Chúa và Vương Triều Sụp Đổ đều của Hoàng Quốc Hải được tái bản lần 2 và 3. Gần toàn bộ tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Triệu Luật cũng được in lại cuối năm 1998. Nhìn chung, các tiểu thuyết lịch sử này cho thấy có một nhu cầu nhìn lại quá khứ, học hỏi, xem lại chân dung những nhân vật lịch sử, sau một thời gian dài ca một điệu, văn một bản. Hiện tượng tiểu thuyết lịch sử về một phương diện nào đó cũng giống như hiện tượng giành “chính nghĩa” và theo thiển ý chuyện đại hội nhà văn tháng 4 năm 2000 cũng chỉ là theo thời để làm chủ chuyện làm vậy thôi! Trong đường hướng thì người đọc sẽ chỉ “nhìn thấy” lịch sử đã phải-là, như trước đó người quản lý xuất bản cũng đã “thấy” hợp chỉ đạo, không có vấn đề! “Sự cố” Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn phiền hà phải chăng vì liên hệ đến lịch sử gần, nhân chứng hãy còn tại thế, “triều đại” vẫn chưa … đổi! Con người Việt Nam bén nhậy chuyện gần, thành ra thường thoải mái nói chuyện xa, đua nhau viết về thời Trịnh Nguyễn, Nguyễn Huệ, Gia Long, Mạc Đăng Dung, Thị Lộ, v.v. Đỡ hậu hoạn! Như thế phải chăng hiện tượng tiểu thuyết lịch sử như hiện nay nhằm đáp ứng một nhu cầu thực sự của người Việt đã và đang mất hết mọi gốc rễ, tin tưởng, văn hóa, mất hết mọi huyền thoại,… nên mơ ước “thoái nhập” trong một quá khứ chung?

III.

Trong phần này chúng tôi phân tích thể loại tiểu thuyết lịch sử chủ yếu qua hai bộ Sông Côn Mùa Lũ và Gió Lửa theo thiển ý có cố gắng nghệ thuật và các tác giả đều có liên hệ đến những trôi nổi của các biến cố và chế độ trong 4, 5 thập niên qua. Nguyễn Mộng Giác trước 1975 sống ở miền Nam, giáo chức, viết tiểu thuyết và phê bình truyện chưởng Kim Dung, được giải thưởng truyện dài của Bút Việt năm 1974 với cuốn Đường Một Chiều từng gây ít nhiều phản đối về chính tác phẩm và lập trường chính trị khả nghi khi ông “lên án cuộc cách mạng 1945-1954 là một sự thất bại bi đát” trong phát biểu cảm tưởng hôm lãnh giải (6). Trong bốn năm, 1977 đến 1981, ông dựa trên một số tài liệu và phát hiện mới của Tạ Chí Đại Trường, tạp chí Sử Địa, … viết bộ Sông Côn Mùa Lũ rồi vượt biển tị nạn “chính trị”, bản thảo để lại được gia đình đoàn tụ đưa qua sau, được nhà An-Tiêm in ở hải ngoại 1990-91 và đến 1998 được tái bản ở trong nước (7). Ông trong ban chủ biên và chủ bút tạp chí Văn Học (CA) những năm gần đây, cùng với Văn, Hợp Lưu đăng bài của người trong và ngoài nước. Nam Dao sinh viên miền Nam du học thập niên 1960 rồi lập gia đình ở lại dạy học ở Quebec City, Canada, thời chiến tranh ông thân Hà Nội và chống Mỹ cũng như miền Nam, thuộc nhóm Việt kiều yêu nước với linh mục TTT, LCP, NVH (anh Y Uyên), v.v. Chỉ từ khi trong nước rục rịch Đổi Mới, khoảng 1986, ông thay đổi thái độ chính trị, ủng hộ ngọn gió mới, ký Tâm thư và bị Hà Nội ghi sổ đen cấm về nước một thời gian. Nhóm Việt kiều yêu nước ở Canada và Pháp cũng nứt làm đôi, phe thân trong nước làm tài chánh, phe chính trị lọt ra ngoài quĩ đạo chính thức (8). Mấy năm trở lại đây, từ khi tái hôn, ông dịch thơ chữ Hán, làm thơ, viết tiểu thuyết và kịch; nhiều bài đã đăng tải trên tạp chí hải ngoại và đã xuất bản tập Gió Lửa – có thể xem là những kinh nghiệm văn chương viết từ kinh nghiệm sống bản thân cũng như kinh nghiệm chính trị cá nhân và nhóm của ông! Gió Lửa được viết xong vào tháng 10-1998, tác giả đã tham khảo bạn bè và thân hữu như ghi ở đầu sách!

Để hiểu tác phẩm nhất là loại tiểu thuyết lịch sử, thiển nghĩ người đọc cũng cần phải biết thân thế tác giả. Ngay cả thơ lãng mạn như của Tản Đà, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, … người đọc cũng đã phải cần biết về tác giả! Dĩ nhiên có những ngoại lệ văn chương tự ngã, viết cho mình, xem mình là lịch sử, hoặc thỏa mãn nhu cầu cá nhân, nhưng nói chung thơ hay văn đều có mục đích hướng tới người đọc, hoặc muốn được chia xẻ, cảm thông. hoặc có một sứ điệp, tâm sự, kinh nghiệm muốn để lại! Georg Lukács trong The Theory of Novel và nhất là trong The Historical Novel (1936). quan niệm tiểu thuyết lịch sử luôn có một tác giả và tác giả bị tác động bởi xã hội hắn sống, tác động này ảnh hưởng đến cái nhìn lịch sử của hắn, đến chính việc hắn lựa chọn viết tiểu thuyết lịch sử hoặc đề tài và thời đại lịch sử (9)! Nguyễn Mộng Giác viết Sông Côn Mùa Lũ trong không khí bi thảm của dân tộc của những ngày tháng hậu 30-4-1975: “học tập” 3 tuần thành 3, 10, 18 năm, thân phận kẻ thắng người bại, mất quyền công dân và làm người, chủ nghĩa ngoại lai mệnh danh “dân tộc”, v.v. Nam Dao viết Gió Lửa gần hai thập niên sau, và sau những kinh qua tập thể và cá nhân của những biến cố ở Việt Nam : đồng chí hôm trước trỏ thành đối lập hôm sau hay “đào ngủ”, đồng chí tại chức “dâng” kiến nghị, sửa sai, văn nghệ sĩ Nhân Văn, Trăm Hoa “được” “sống” trở lại, dù có người đã quá trễ, có người phải từ bỏ đảng tịch, xé thẻ đảng viên, bị quản thúc, mất tự do di chuyển, hội họp, cấm vận rồi bỏ cấm vận, chống Mỹ rồi làm bạn với Mỹ, chiến tranh với Trung quốc rồi trở lại đàn em trung thành của Bắc Bình, v.v. Cộng đồng người Việt ở hải ngoại phe thân Hà Nội chia hai một thân tiền và quyền lực, phe kia khi không thành “xét lại” nguy hiểm, Việt kiều “thối tha” trở thành “hai loại, có tốt có xấu” và đô la phất mùi thơm quỉ ám, rồi nào hợp tác liên doanh,…!

Sông Côn Mùa Lũ của Nguyễn Mộng Giác là một tiểu thuyết lịch sử có tính cách điều nghiên văn hóa , về “hiện tượng” Nguyễn Huệ của đất Qui Nhơn. Cái đặc biệt của bộ trường thiên non 2000 trang này là chân dung con người Nguyễn Huệ đa dạng, nhiều tương phản. Nguyễn Mộng Giác cho người đọc nhìn thấy sự sinh thành và lớn dậy cùng tâm lý, kiến thức, chính trị và tài năng khác người của người anh hùng áo vải gốc nhà nông, nhưng đồng thời là một con người văn hóa, có sở học Nho của thời đại, có cái học đạo lý làm người. Nguyễn Mộng Giác như có tham vọng chứng minh rằng Nguyễn Huệ có cái nhìn cập nhật và cả vượt quá thời đại cho nên triệt để không ngừng ở những tham vọng chính trị “trung dung vừa phải”, cổ hủ – mà đại diện là giáo Hiến. Suốt đời, dường như Nguyễn Huệ sống và hành động mâu thuẫn, nhiều bí mật và nhân cách đối nghịch trong cùng một người, lúc trắng lúc đen, lúc hợp “đạo” lúc vô đạo, vô lý, lúc tỏ ra có văn hóa đối với giáo Hiến là thầy dạy lúc trẻ, lúc khác lại phàm phu, có vẻ vô luân lý khi chống thầy, lúc có nhân nghĩa, lúc phản phúc (như chống lại anh là Nguyễn Nhạc hoặc đối xử với vua Lê bố vợ – công chúa Ngọc Hân), người võ biền điệu nghệ có bản lĩnh nhưng cũng biết chứng tỏ văn hóa cao và tàn nhẫn khi cần đến. Chịu ảnh hưởng sách vở thánh hiền và thầy dạy nhưng cũng biết vượt lên trên sách vở (phê đạo Nho và hủ nho kể cả thầy dạy mình), nhìn thấy cốt lõi của tinh túy Việt Nam qua việc đề cao chữ Nôm, chiêu hiền (La-Sơn phu-tử). Những chương viết về chiến thắng mùa Xuân năm Kỷ-dậu 1789 như một bản anh hùng ca không tì vết, oai hùng và vĩ đại! Theo Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Huệ là một con người có văn hóa mới tôi luyện của thời nhiễu nhương và là một anh hùng khác thường, có tầm nhìn xa cao, một tổng hợp mới, quyền biến theo thời là những đức tính mà các “hủ Nho” không thể nghĩ đến hoặc làm được. Ông biết “dùng” hiền sĩ và cả con buôn dù có vẻ tàn bạo trong cách dùng người nhất là vào cuối đời. Tất cả những đối lập, mâu thuẫn đó đã có thể sống chung, chung đụng trong một con người : Nguyễn Huệ. Nguyễn Mộng Giác cũng tỉ mỉ phân tích, vẽ rõ nét những nhân vật phụ (cô An bạn thiếu thời của Nguyễn Huệ, Lợi chồng cô An, giáo Hiến và những người con trai Chinh, Kiên, Lãng,… ). Từ gia đình giáo Hiến ra đến gia đình Nguyễn Nhạc. Nhưng cũng vì vậy nhiều chương đoạn có tính cách ít văn chương hơn là một phương pháp xã hội !

Sông Côn Mùa Lũ là cái nhìn tổng hợp của Nguyễn Mộng Giác về con người lịch sử Nguyễn Huệ. Bộ truyện gây suy nghĩ về vai trò người dân thường đối với lãnh tụ anh hùng, và sự “tạm bợ” của những “anh hùng trong trời đất” trong cuộc sống cũng như trong lịch sử. Nguyễn Mộng Giác dùng tiểu thuyết để vẽ lại lịch sử một thời, ở một nơi, rồi ra đến cả một nước, chi tiết tỉ mỉ một tiểu sử một nhóm người dù sao cũng đã làm nên lịch sử ! Sông Côn Mùa Lũ đại diện cho khuynh hướng tiểu thuyết lịch sử muốn trình bày trung thực một thời đại bằng cách tiểu thuyết hóa những diễn tiến tình tiết, những thái độ, trình độ trí thức, tâm tính, với những nhân vật có thật bên cạnh vài nhân vật tiểu thuyết có thể có thật, như một giả thuyết, một thử nghiệm văn chương cho đề tài lịch sử đã chọn! Kiên và Nguyễn Lữ của Nguyễn Mộng Giác là những vai tiểu thuyết trọn vẹn. Lãng và An là những gượng ép, nhưng cần thiết để làm nổi nhân vật chính. Còn Nguyễn Huệ xét cho cùng không xa Koutousov của Chiến-Tranh Và Hòa-Bình, một anh hùng đại chúng, không muốn làm khác hơn là theo những quyết định của tâm trí mình cộng với sức mạnh quần chúng ủng hộ và sự bất đồng ngày càng lớn với hai ông anh Thái-Đức và Đông-Định Vương, nhưng rồi bất lực trước lịch sử, đạt được khoảnh khắc mà không giữ được lâu. “Nguyễn Huệ nhìn xa thấy rộng, cao vọng lớn, nhưng không thể vượt lên khỏi các ràng buộc của tình ruột thịt. Làm sao được! Ngoài khối óc, ông còn có một trái tim nhạy cảm!” (tr. 1530). Như tất cả mọi gian nan, sức mạnh của định mệnh thời đại đã nhập vào ông, để trở thành Bắc bình vương và hoàng đế – dù ông chưa thật sự thống nhất đất nước. “Con đường nam tiến của ông đã bị tắt nghẽn ở Bến Ván. … Ước vọng thống nhất đành phải chịu dang dở” (tr. 1530).

Nhưng phải ghi nhận sự đề cao thái quá con người Qui Nhơn, một loại ái quá thành quá khích địa phương, lãng mạn hóa con người và xã hội thời đó, thành ra mộng tranh bá đồ vương lớn hơn khát vọng ăn no mặc ấm. Văn hóa và dân tộc là những từ ngữ lớn nếu áp dụng cho Nguyễn Huệ và những anh hùng lớn bé của giai đoạn lịch sử đó. Người dân nhất là nông dân đã bất mãn thường trực nổi dậy từ 1740, đến Nguyễn Huệ thêm yếu tố văn hóa đưa đến thành công nhưng rồi cũng rơi vào thất bại có thể cũng vì yếu tố văn hóa ở con người! Nguyễn Mộng Giác cũng đã quá “tiểu thuyết hóa” chuyện chàng Lía, dù đó là cách tác giả cắt nghĩa tinh thần tranh đấu của binh lính Tây-sơn và vẽ bức tranh xã hội thời bấy giờ. Ngoài ra có những chi tiết ông cho xảy ra vào thời Nguyễn Huệ mà lại tái diễn trong Mùa Biển Động hai thế kỷ sau, như trò cắt tai kẻ thù xâu dây (tr. 286), cảnh Qui-Nhơn thất thủ (ch. 23) gần với cảnh mất miền Nam tháng Tư năm 1975 (tr. 890). Một số cảnh họp chợ, tụ tập khá gần với đời sống hai thế kỷ sau! Nguyễn Mộng Giác dài dòng về chính danh, từ khi Huệ còn học với giáo Hiến đến khi đã xưng đế, vẫn bị ám ảnh khi đối thoại với nhà Nho thức thời Trần Văn Kỷ (tr. 1865, 1661) hay với ẩn sĩ La-Sơn phu-tử và băn khoăn chính tà của Kim Dung qua những nhân vật như Lệnh Hồ Xung! Cùng thể loại với Quang-Trung Nguyễn Huệ (1944) của Hoa Bằng, Sông Côn Mùa Lũ theo thiển ý đáp ứng một số nhu cầu cho tác giả, có giá trị thời sự, có vẻ điều nghiên thật ra do chủ quan, uốn nắn, nhưng chưa hẳn đã là một tiểu thuyết lịch sử văn chương theo nghĩa hẹp. Với những sự kiện lịch sử phát hiện thêm, hoặc nếu thời thế thay đổi, thần thánh, nhân cách cũng sẽ phải … khác, như mọi lẽ tương dối, phù du!

Gió Lửa là một tiểu thuyết dã sử dựa trên không gian nước Việt Nam vào thời điểm Trịnh tàn-Lê mạt từ cuối thế kỷ 18, rộng hơn không gian của Sông Côn Mùa Lũ, chỉ một “mùa” chinh chiến và vinh quang! Nếu Sông Côn Mùa Lũ đa dạng và chú ý nhiều đến dân giả thì Nam Dao chú trọng giới trí thức nhiều hơn, còn xã hội thì hoặc trơ trẽn hoặc trở thành phớt mờ, biểu tượng. Trong Lời Ngỏ ông viết: “Những trang sử Việt Nam trên dưới năm trăm qua phơi trải chiều dài một cuộc nội chiến vẫn ám ảnh đâu đó như một thứ ác nghiệp đang còn rình rập ẩn náu chỉ đợi cơ hội là lại làm cho lệ rơi máu đổ. (… ) Nhưng lịch sử vẫn là, nói cho cùng, sản phẩm của những con người suy tư và hành động trong một mẩu hình văn hóa nhất định. …” (tr. iii).

Gió Lửa phong phú với sử liệu liên hệ đến xã hội, chính trị, văn học, việc hình thành chữ quốc ngữ, việc truyền đạo Thiên Chúa, tiếp xúc với các cường quốc thương mãi và thực dân, với Nhật Bản,… Nguyễn Mộng Giác khi viết Sông Côn Mùa Lũ đã tận dụng những nghiên cứu mới về thời Quang-Trung thì trong Gió Lửa, Nam Dao đã đi xa hơn với những tài liệu xám chưa giải mật hoặc cần giải mã, dĩ nhiên cả hai đã xử dụng nhiều tài liệu có tính chất “nổi”, đã được xếp là lịch sử ! Có những nhân vật chưa từng được sử và tiểu thuyết lịch sử trước đó nói đến như Đặng Thị Mai, Trọng Thức, quan hệ Việt-Nhật, người Pháp, linh mục, giám mục, tân tòng đạo Thiên Chúa,… Nam Dao chứng tỏ có những nỗ lực tìm kiếm ở những nguồn sử liệu khác như của giáo hội, các hội thừa sai Pháp, và cả kho tàng thơ văn. Nam Dao tìm trong mô hình văn hóa nguồn căn có thể của những cuộc nội chiến mà nạn nhân đời nào cũng vẫn là dân chúng, vẫn là “chúng ta”! Có những giả thuyết mới, rất “tiểu thuyết” như Nguyễn Trường Tộ là con Trọng Thức, một trong hai nhân vật rất tiểu thuyết của Nam Dao (người kia là Toàn Nhật) trong bức thư tuyệt mệnh đã nhắn vợ con “… Đẻ con trai, con đặt tên nó là Nguyễn Trường Tộ. Tộ có nghĩa là vận may cho cả quốc gia xã hội. Vận may đó các con hãy vun đắp lên, làm mát lòng ta nơi chín suối” (tr. 478). Ông còn giả thuyết về cái chết của Nguyễn Huệ do vợ chánh là Phạm-thị đầu độc, việc Đông Định-vương Nguyễn Lữ chán chường muốn phong vương cho Nguyễn Ánh ở Gia Định, …

Gió Lửa đặc biệt bao gồm nhiều yếu tố định nghĩa tiểu thuyết lịch sử, ngoài chuyện lịch sử còn những chuyện tình yêu (Toàn Nhật-Đằng Vân em gái Nguyễn Huệ, Trọng Thức-Đặng Thị Mai em bà chúa Chè), chạm trán giữa các yên hùng Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Ánh, … phiêu lưu và định mệnh ngoại hạng (Trọng-Thức, Nguyễn Huệ, Nguyễn Thiếp,..). Gió Lửa là một kiếm tìm chân lý trong những sự kiện, biến cố và nhân vật lịch sử có khi thành khô khan, giáo khoa (về cách mạng Pháp, Rousseau, Descartes, tuyên ngôn Quyền con người và Quyền công dân (tr. 311), công bằng, bình đẳng, tự do, dân chủ, chuyện Nhật , ý dân là trọng (Thức trình bày với Ngô Thì Nhậm “… nhưng quan niệm về một nền cương thường của đệ có những thay đổi không nhỏ. Nói gọn “ý dân là ý trời”, và vì vậy thiên mệnh chính là thể hiện của dân ý…” (tr. 374). Hay đặt trong đầu Nguyễn Huy Tự của Hoa Tiên ý tưởng rằng “… lịch sử là sự cướp bóc giành giựt quyền lực và tiền tài giữa những bạo chúa trên xương máu đám nông dân thuần hòa như gia súc trong chuồng…” (tr. 376).

Khởi từ cái chết “tiểu thuyết” của Đèo Kha và rồi của nàng Mây của bản Mê Thượng, Gió Lửa trãi dài theo lịch sử, chiều dài một cuộc nội chiến, “cứ đánh chém lẫn nhau chỉ vì dăm ba kẻ tranh nhau chiếm cái mệnh trời!” (tr 341). Cấu kết phức tạp như lịch sử trung đại và cận đại, mà tiếng vang và biết đâu hậu quả, vẫn còn vang vọng đến thời hiện đại. “Như vậy, Huệ, Sâm, Tông, Cán … làm sao có thể có gì gọi là tự ngã. Mà đã không có ngã, thì phế-lập-đánh-giết-… để làm gì ? Tạo nghiệp. Chỉ là tạo nghiệp. Rồi nghiệp sinh nghiệp. Vòng vô minh rộng ra, phủ xuống cõi nhân sinh u mê đắm đuối” (tr. 454). Như một bài học lịch sử động não, quấy rối! Thế thì phải quay ngược bánh xe lịch sử hay buông xuôi cho định mệnh?

Với Nam Dao, cũng như với Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Huệ đều sống với ảm ảnh An, người con gái của thầy giáo Hiến của anh em ông – “người đàn bà ám ảnh Huệ vào những lúc phải làm những quyết định về hạnh phúc ở đời…” (tr. 380). Đến khi trọng bệnh sắp chết- có thể bị vợ lớn là Đặng-thị vì ghen và nhục, bỏ thuốc độc, đã “cho người về Qui Nhơn tìm An, người bạn thuở niên thiếu, Huệ đợi từng ngày. Có lẽ lúc đó, Huệ biết mạng của mình đã đến chỗ tuyệt” (tr. 412). “Anh hùng” Nguyễn Huệ tài và hiểu nhiều, trong cuộc tranh hùng đó có lúc Huệ hiểu sức mạnh của nhân dân : “Kẻ chiến thắng thực sự là những người dân kia đang cười nói như mở hội, mặc dầu xác người còn đây ra ở đầu đường cuối phố, và gươm giáo cờ quạt ngả nghiêng khắp nơi. Đúng vậy. Không có Huệ này thì có Huệ khác. Nhưng nhân dân kia chỉ có một” (tr. 390). Napoléon sau ông không hiểu như vậy nên đã phải chôn đời ở đảo hoang! Nhưng Huệ lúc gần chết hiểu thêm bài học đói và qua đó, “nỗi sợ chết đói của những kẻ bình thường” (tr. 408) :”Bài học đói là bài học lớn nhất của trẫm… Từ nay, trẫm biết bụng hàng dân, hiểu ra cái lẽ thịnh, loạn. Khi đói, quả người ta mất hết nhân phẩm và lý lẽ. (…) Đúng. cái quyền tối thượng của mỗi người dân là quyền sống. Và sống có nhân phẩm thì không phải đói, phải xin, phải cầu cạnh gì ai. Câu thầy bảo làm vua phải biết là để làm gì nay trẫm đã hiểu…” (tr. 410-1). Cũng chính vì đối với lịch sử kẻ thắng thực sự là người dân cho nên khi Tây Sơn tàn mạt, mẹ con Ngọc Hân trốn chạy bị xua đuổi mà vua Cảnh Thịnh và thân thích quần thần đều bị dân bắt nộp cho “chủ” mới!

Sông Côn Mùa Lũ chứng minh lịch sử là trận tuyến nơi đó người dân qua vai ba anh em ấp Tây Sơn thượng làm xúc-tát, đã nổi dậy làm chủ, để tiến lên những chiến thắng to lớn hơn, toàn bộ hơn. Lukács cổ võ cho biện chứng pháp và duy vật lịch sử cũng chỉ làm công việc đó khi phê bình các tiểu thuyết lịch sử khác thuyết ông chủ trì trong suốt tập The Historical Novel từng trở thành chỉ nam cho nhiều thế hệ! Với Nam Dao, Nguyễn Huệ chỉ là một thế cờ “mát tay”, một tiếng nói nhất thời của một thời rất tao loạn! Hơn thế nữa, Gió Lửa muốn thuyết phục người đọc rằng lịch sử chỉ toàn một phường tàn độc, gian ác, anh hùng hay không cũng như nhau! Riêng với Nguyễn Huy Thiệp, những gì đến từ “thượng lưu” đều khả nghi, tối ám. Nói chung, đối với các tác giả, nhà Lê đều đại diện cho một “nho giáo” lỗi thời, xơ cứng, hình thức, đại diện cho một giai cấp phải triệt tiêu. Trò thoán nghịch và tàn bạo của nhà Trịnh kéo dài nhiều thế kỷ như chứng minh cho yếu tố loạn, bất thường trong đời sống dân tộc. Nhà Nguyễn 144 năm từ Gia Long muốn chính danh, chỉnh đốn giai cấp sĩ và nho, nhưng rồi hóa ra vẫn bất cập, quá trễ khi họng súng kịch liệt của văn minh cơ giới đã nổ ngoài cửa Cần Giờ và Cửa Hàn!

Nam Dao đóng vai nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử tìm chân lý lịch sử, đã tìm những lý do, nội lực, những lý lẽ sâu xa của hành động, bánh xe lịch sử , … Ông kết tiểu thuyết trong khung cảnh sám-hối giữa những lời nguyền rủa của Chế Mân: “Đã huyễn hoặc, bay lẩn quẩn tô vẽ ngay cả cái thảm kịch chém giết lẫn nhau, tự lừa chính mình bằng cách kiêu mạn đòi làm đỉnh cao cái này, tiền đồn cái nọ. Ngoài sự hợm hĩnh không coi ai ra gì, tưởng mình hơn thiên hạ mà thật chỉ hơn ở chổ lắt léo vặt vãnh, ta lại nguyền cho bay thêm căn bệnh anh hùng. Bởi anh hùng nên chỉ thấy sức mạnh. Chỉ thấy sức mạnh nên kéo dài thảm kịch chiến tranh chém giết. Bay không biết rằng một đất nước hạnh phúc có nhiều hiền triết hơn anh hùng. Một đất nước may mắn là một đất nước không có anh hùng. Không cần anh hùng. Nơi nào anh hùng quá nhiều, nơi ấy không dung kẻ hiền triết. Người có lòng tử tế, tâm ngay thẳng, tránh phải nhìn, phải nghe, đành tìm nơi rừng sâu, núi cao, hay biển vắng mà ẩn trốn. Thế là bay cứ thế hệ trước hô anh hùng để giết thế hệ sau (…) Thế là, ha ha, anh hùng nhưng nghèo, đói và dốt. Vì thế nên nhục. Nhục lắm nên lại căm, lại hiềm, lại lẩn quẩn trò khôn vặt, chỉ đợi dịp là hò hét rủ nhau làm anh hùng. Dịp nào? Cứ đợi ngoại bang đến là đất nước bay sinh ra anh hùng….” (tr. 486-7). Âm vang những tiếng nói “có lòng với Tổ quốc” như ba bài giảng Sám Hối của linh mục Chân Tín vào mùa Chay tháng 4-1990, và lời kêu gọi sám hối tháng 4 năm 2000 mới đây của hòa thượng Huyền Quang từ chốn lưu đày Nghĩa Hành!

Giới trí thức, văn nghệ cũng được mũi tên của tác giả – qua lời nguyền rủa của Chế Mân: “… bọn sĩ phu nước bay, chúng chỉ biết ngâm vịnh và lừa dối (…) Hai trăm năm nữa, chúng thời nào cũng phải sống nhục nhã, rồi chết nhục nhã. Nhục nhã sống vì hèn, cong lưng tùng phục, giả đạo đức, miệng nói một đằng lòng một nẻo. Nhục nhã chết vì hèn, bỏ vào quách rồi lưng vẫn không thẳng. Cả đời chúng không để lại được dăm chữ dẫu cứ mở miệng là ngâm là vịnh, kiêu căng cho mình hơn người, song thật ra chúng chỉ lặp lại bắt chước chẳng khác loài khỉ” (tr. 488). Nguyễn Mộng Giác qua Ngô Thì Nhậm “chua chát ngao ngán” giới nho sĩ Bắc-hà lúc biến, sa sút trở thành “những cái hình nộm múa may vụng về nhiều khi lố lăng, kệch cỡm” (tr. 1768). La Sơn phu-tử của Nguyễn Mộng Giác thoái thác không giúp Nguyễn Huệ hết lòng, phải đợi mời nhiều lần, lu mờ bên cạnh Huệ, trong khi La-Sơn phu-tử của Nam Dao có chiều sâu, ra phu-tử hơn! Nguyễn Mộng Giác đưa ra khá nhiều lời lý luận về “chính thống” hay thất chính, thời bình thời loạn, minh chủ, minh quân, truyền thống cũ mới!

Nguyễn Mộng Giác viết về sự sinh thành và huy hoàng của một triều đại, một gia đình, một gốc gác Qui Nhơn, ông cố tình không viết về thời suy tàn và cái chết của Nguyễn Huệ, “Kể tỉ mỉ làm gì những điều vụn vặt ấy!” (tr. 1530). Nguyễn Huy Thiệp, Trần Vũ, Nam Dao, … sẽ bổ túc những cái Nguyễn Mộng Giác gọi là vụn vặt đó! Hoàng-Lê Nhất Thống Chí thì có tính cách ký sự và tiểu thuyết hóa. Trong Mùa Mưa Gai Sắc của Trần Vũ, Nguyễn Huệ là một con người võ biền nhiều mưu sâu và dục vọng. Ngọc Hân trong tay Nguyễn Huệ trở thành trò chơi cho kẻ bạo dâm, nhưng Ngọc Hân nhận chịu nhục nhã vì bà muốn trả thù cho vua Lê, bà đã viết Ai Tư Vãn để tế sống Nguyễn Huệ ! Trong khi đó Gió Lửa vừa tiểu thuyết hóa vừa giả thuyết, lập luận với cái mốc hiện tại to tướng! Mối tình “tiểu thuyết” của Nguyễn Huệ đối với An trong Sông Côn Mùa Lũ làm mờ những sự kiện lịch sử liên quan đến đời tình ái của ông với hoàng hậu Phạm-thị và Ngọc Hân. Chân dung Nguyễn Huệ thay đổi tùy tác giả là Nguyễn Mộng Giác, Nam Dao, Nguyễn Huy Thiệp, Trần Vũ, Hoàng-Lê Nhất Thống Chí, cả sử Khâm-Định Việt-Sử Thông-giám Cương-mục, Trương Vĩnh Ký, “Hà Nội”, v.v. Thí dụ trong Hoàng-Lê Nhất Thống Chí, Nguyễn Huệ đã tỏ ra tàn bạo, vũ phu, đầy mặc cảm tự tôn cũng như tự ti. Tự phụ ra mặt khi nói với Ngọc Hân : “Con trai con gái nhà vua đã có mấy người được sướng như chúa” (15); hoặc tự ti khi trả lời Nguyễn Hữu Chỉnh môi giới vua Lê gả công chúa Ngọc Hân để trả công “cứu vua”: “Vì dẹp loạn mà ra, rồi lấy vợ mà về, trẻ con nó cười thì sao? Tuy vậy ta mới chỉ quen gái Nam hà, chưa biết con gái Bắc hà. Nay cũng nên thử một chuyến xem có tốt không?” (10), sau khi bất bình “được” vua Lê phong làm Nguyên súy Uy quốc-công. Nam Dao thêm “…phải thử một chuyến xem tròn hay méo” (tr. 272). Nguyễn Mộng Giác và Nam Dao đều khai thác tối đa những dữ kiện và văn liệu lịch sử về Nguyễn Huệ, ngoại trừ việc Nguyễn Huệ “khai quật lăng tẩm của các tiên sinh Chúa họ Nguyễn từ cháu nội ông Nguyễn Kim đến ông thân sinh ra Chúa là Nguyễn Phúc Luân” rồi cho liệng sông, như sử gia Phạm Văn Sơn đã viết (11)! Người đọc vẫn cần một chân dung đích thực của Nguyễn Huệ, như trường hợp Napoléon của Chiến-Tranh Và Hòa-Bình của L. Tolstoi được coi là khả tín nhất dù người viết là người Nga, nếu phải so với Napoléon trong tiểu thuyết lịch sử của A. Burdess, Bainville, Ludwig, Castelot, Guillemin,…

Nếu Hoa Bằng, Nguyễn Triệu Luật, còn giữ không khí và ngôn từ của thời lịch sử thì Nguyễn Mộng Giác và Nam Dao đã đi xa hơn, “vẽ” nhiều hơn, dùng nhiều chất liệu hơn, phân tâm moi móc nhiều hơn, ghi cả âm thanh tiếng tao loạn, chinh chiến,… hai ông lý luận nhiều hơn, bi kịch hóa hành động và anh hùng hóa hành động, đối thoại được sống lại, nâng cao, tìm tòi hơn. Riêng Gió Lửa có thêm cái vẻ “khoa học” thuần lý của tiểu thuyết trong khi khoa học chống đối, nghi ngờ trò tiểu thuyết lịch sử , trò mập mờ thực hư, trộn lẫn mộng mị và lý tưởng, lòng thành với tham vọng… vì với khoa học duy lý thì tiểu thuyết lịch sử trình bày một hình ảnh hay những vấn đề đã được thi vị, lý tưởng hóa, đã được phóng lớn, thi vị quá đáng cũng như trình những dữ kiện lịch sử với cắt nghĩa thuần lý (hay thuần tình) tài tình như có thể tin được. Người viết tiểu thuyết lịch sử như giỡn với nhà khoa học nhân văn – cần sự tỉnh trí và khách quan đặt trên căn bản lịch sử, xã hội, nhân chủng,… Nhà khoa học nhân văn cũng cần đến những giả thuyết, mô hình, … trong thực tế cũng là những huyền thoại, những giả thuyết, giả dụ, giả sử dù thuần lý.

Với Nam Dao, viết tiểu thuyết lịch sử là dịp suy tư về quá khứ. Lịch sử xưa nay vốn là sản phẩm của những con người suy tư và hành động. Con người, nhất là những con người hành và trí, như có một kích thước lịch sử tự nhiên. Con người lúc nào, nhất là trong những hoàn cảnh biến, nạn, cũng có thể, và cả phải nữa, đặt cái gia tài văn hóa lịch sử đó lên bàn giải phẫu để suy gẫm, chẩn đoán, và rồi cắt bỏ những phần nhiễm độc của tâm thức. Chỉ có như vậy, phần nào tương lai mới rõ nét hầu hiện tại cưu mang được hy vọng…Nam Dao tỏ ra cố gắng tìm kiếm trong quá khứ những câu trả lời lịch sử cho ngày hôm nay. Những lời nguyền rủa của Chế Mân “không phải là chuyện tưởng tượng mà là có thật. Thật như xác quyết rằng chỉ có sự tỉnh thức mới làm tiêu ma đi cái nghiệp chướng đã từ hai trăm năm qua vẫn cứ đâu đây ám ảnh” (tr. 493). Như vậy, lịch sử thời Trịnh tàn – Lê mạt Nguyễn sơ chỉ là cái cớ để Nam Dao vạch rõ cái mầm ác từng hiện hữu trong máu huyết văn hóa Việt suốt gần năm thế kỷ, mà lịch sử đẫm máu gần đây, hôm nay, chỉ là cái đuôi của mầm ác tích lũy ấy mà thôi. “Tránh cho cảnh lệ lại rơi máu lại đổ, không thể không đặt cả cái mẩu hình văn hóa đó lên bàn giải phẫu để suy ngẫm, hội chẩn và rồi cắt bỏ những phần nhiễm độc trong tâm thức. Chỉ có như vậy, tương lai mới phần nào rõ nét ngõ hầu hiện tại cưu mang được hy vọng để tiếp tục sống còn” (tr. iii). Chủ đích này chi phối toàn thể tiểu thuyết Gió Lửa: thế giới tiểu thuyết là địa ngục, nhân vật tiểu thuyết sống trong cơn đồng thiếp, mê sảng trong cái nhầy nhụa của dâm dật và bạo tàn, thiên nhiên cũng gió chướng, nổi cơn ba đào, từ Nam chí Bắc. “Gió lắm khi dựng dậy, giần giật quay vòng, bốc tung bụi đất lên trời như thách thức với những đấng thần linh trong đám mây trắng trên cao sững sờ nhìn xuống” (tr. 369). Những hiện tượng thiên nhiên như vậy vẫn xảy ra đều đặn trong suốt gần 500 trang của Gió Lửa! Cũng như hồn ma bóng quế vẫn thường về với Gió Lửa, cả ma bà chúa Chè đa tình “đè” kẻ chiến thắng Bắc hà Nguyễn Huệ !

Để có thể cắt nghĩa tận cùng những thua bại hủy vong, Nam Dao cũng như Nguyễn Huy Thiệp, Trần Vũ đã phải tầm thường hóa, xác thịt và con người hóa một số “anh hùng”, “thần tượng” cấm kỵ của Nguyễn Triệu Luật, Nguyễn Mộng Giác cũng như của tác giả sách giáo khoa sử hiện dùng ở trong nước! Các vị đó như muốn chứng minh lịch sử không hề có anh hùng, chỉ là những tay tứ chiếng tàn bạo, gặp thời, mà “anh hùng” nếu có cũng là những con người tầm thường, xác thịt – trong Gió Lửa, ngoài Nguyễn Huệ còn có vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc, chúa Nguyễn Ánh, Đặng Thị Huệ, Nguyễn Hữu Chỉnh,… Lê Ngọc Hân của Nam Dao toàn chịu đày đọa thể xác tâm thần chỉ vì vua Lê, “nghiệp nhà Lê trong tay con” (tr. 278). Nguyễn Huệ đói thật khi thử đói cũng đã đi lùng dán, thạch thùng (sùng?) … để ăn sống rồi nôn mửa ra (tr. 408). Vũ phu Nguyễn Huệ động phòng bằng cách dày xéo thân xác gái 16 “núm cau vừa đủ to để hái” ! Nguyễn Mộng Giác ngược lại, muốn đưa những con người nhỏ bé lên vai “anh hùng”! Mà con người hình như luôn tìm hạnh phúc nhưng lại thường muốn làm anh hùng, thời thế không tạo anh hùng thì anh hùng tạo thời thế vậy; lại “lấy trí nhân ra mà kiêu mạn. (…) Trí nhân dẫu cần, nhưng không đủ để con người đạt hạnh phúc” (tr. 470). Gió Lửa là tiếng đấm ngực của kẻ sĩ, của con người trí thức, nhưng cái tự xét lại vẫn phát ra từ miệng một người trí thức Pháp mà Thức đã gặp khi theo hoàng tử Cảnh: “Cái ghê gớm nhất là sự nô lệ của mình với chính mình. Một thứ nô lệ nhưng cứ có ảo tưởng là chủ nhân ông” (tr. 303).

Nam Dao có nhiều nhận xét đặc biệt, như khi nói đến việc nọc đánh những kẻ sĩ như Ngô Thì Nhậm, Đặng Trần Thường :”triều đại nào nọc kẻ sĩ của đất nước ra đánh là triều đại không thể khá được. Quả nhiên, chỉ xấp xỉ năm mươi năm sau trận đòn thù, hậu duệ của Nguyễn Ánh đã khờ khạo làm mất nước Việt Nam trong gần một thế kỷ” (tr. 450). Lý luận sắc lạnh như Nguyễn Huy Thiệp, đôi chỗ làm Gió Lửa mất thăng bằng: “Sau chiến thắng vẻ vang, bay hô hào xây dựng lại bằng năm bằng mười khi trước? Nhưng không, từ máu tham và sự mê đắm quyền lực, bay hục hặc, chia rẽ, kéo bè, kết đảng rồi sâu xé lẫn nhau…” (tr. 487). Ông cũng đã để Đông Định Vương Nguyễn Lữ có những ý nghĩ khác người – cho thời của ông, sau khi vào chùa Giác Lâm nhận pháp danh, “lập đàn làm lễ … đã ra thông lệnh tự do truyền đạo và miễn thuế cho tàu buôn vài Gia Định, đã trả lời lời khẩn cầu cấm đạo của Sư Viên Chân: “… Có bao nhiêu chùa biến thành nơi thờ đồng thiếp, rút sâm, gieo quẻ, bói toán làm mê mị lòng người? Họ tự do truyền đạo, ta cũng tự do hoàng hóa Phật pháp. Vậy bạch thầy, thầy lo gì? Trong mười điều cấm của họ, ta thấy ít ra có bốn điều trong ngũ giới của nhà Phật, cấm họ là thế nào?” (tr. 357).

Gió Lửa, cuộc phiêu lưu gần năm trăm năm của cái Ác dưới đủ bộ mặt, chủ yếu dùng lý luận – với một tâm sự, cho nên Nam Dao nhiều chỗ lý luận cao xa so với thời đại của tiểu thuyết: về thân mệnh (tr. 461-3), hay nói đến đạo Cao Đài (tr. 358) đã có “mầm gốc” ở thời Nguyễn Lữ cuối thế kỷ XVIII rồi sao? Hay nói việc Trọng Thức thuyết phục vua Quang Trung định dùng chữ quốc ngữ thay chữ Hán và Nôm “… nhưng hai thầy phải sửa soạn, cho chép lại Tứ Thư, Ngũ Kinh bằng Quốc Ngữ và tìm ra người dạy học. Chắc cũng năm bảy năm nữa mới chuyển đổi được!” (tr. 397). Nhân vật Trọng Thức lưu lạc từ đầu đến cuối tiểu thuyết, có lúc theo hoàng tử Cảnh sang Pháp với một số biến chuyển rất “tiểu thuyết” cốt cắt nghĩa tại sao giám mục Bá Đa Lộc đã không thành công, v.v. nhưng như đại diện cho tác giả, để nói và làm những cái tác giả nghĩ lịch sử phải như vậy để “sửa” lịch sử ! Rồi chuyện gốc gác Nguyễn Tây-Sơn vốn họ Hà ở bản Mê Thượng vùng Nghệ An, vì hận thù truyền kiếp phải Nam tiến vào vùng đất Chàm, bắt đem theo Thúc Khải con của Nguyễn Thiếp người giúp xem phong thủy chốn rồng có thể bay cao, … Nam Dao làm sống động một Nguyễn Huy Tự tác giả Truyện Hoa Tiên, sống chốn vương giả có thể nào đã có được tư tưởng nhìn xuống, dám có tai, biết theo khuynh hướng mới của thời đại: dân chủ, nhân quyền,… “Cách nhìn và nghĩ là nền tảng cho phép đi xa hơn sự bắt chước. Đổi mới là một vấn đề văn hóa, trong đó kinh tế chỉ là một mặt, và là mặt sơn. “Tốt gỗ hơn nước sơn…” Kỷ nguyên mới tùy thuộc sự đổi mới đó” (tr. 377). Đó là những chi tiết có nhiều tính “tiểu thuyết” của riêng tác giả !

Tuy vậy, Nam Dao có những chỗ có thể đi quá xa dù Gió Lửa tiểu thuyết và dã sử hóa lịch sử: Nguyễn Nhạc hiếp em dâu vợ vua em Nguyễn Huệ (tr. 333), Hợp tâm lý dồn nén, bị em vượt, qua mặt! Cho người đọc nghĩ giám mục Bá Đa Lộc có thể đồng tính luyến ái hoặc bệnh hoạn, trần truồng nằm bên hoàng tử Cảnh (tr. 296-7, 316). Hay đã để một bà vãi cởi truồng tự “thiện nguyện” “hộ lý” đám lính 21 người “bề hội đồng” bà trước khi ra trận, rồi tự tử không lâu sau đó (tr. 344). Ngoài ra hồn ma bóng quế xuất hiện khá nhiều mà thiên nhiên cũng hay có những hiện tượng báo trước hoặc đi nhịp nhàng với những biến cố lịch sử – một cắt nghĩa khoa học? Khi bàn đến tiểu thuyết lịch sử của A. Dumas, có nhà phê bình đã nói “Người ta có thể hiếp lịch sử nhưng với điều kiện có thể sanh cho lịch sử những đứa con đẹp đẽ!” có thể vì chính A. Dumas đã viết với quan niệm rằng lịch sử là cái đinh để ông treo hết tập tiểu thuyết này đến tập khác!

Nếu Chiến tranh & Hòa bình (1865-9) của Tolstoi là bộ tiểu thuyết muốn cạnh tranh với lịch sử, mới hơn 50 năm sau biến cố đã “vội” viết, một lịch sử đang âm ĩ vận động, đang hình thành hoặc sắp hình thành – nói như các nhà Mác-xít sau đó, với chất liệu lịch sử, Sông Côn Mùa Lũ muốn cho lịch sử một số ý nghĩa nào đó nhưng chính Gió Lửa với những kỹ thuật tiểu thuyết hóa cá nhân, trí thức, địa phương,… đã phần nào thành công cắt nghĩa rằng con người không thể thoát khỏi những biến cố thời đại mình sống, con người cũng không thể làm chủ tình hình khi chính con người dấy gió bụi và làm bùng lửa. Yếu tố tiểu thuyết đưa đến những giả thuyết mà người viết đưa ra để ông và người đọc cùng tra vấn và không hẳn dễ có câu trả lời. Sông Côn Mùa Lũ nói đến Ác để đề cao cái Thiện, Nam Dao kéo dài không khí của Ác, Ác tiềm ẩn thành một thứ văn hóa sống và hành, gió hay lửa qua 400 năm đều do đó mà ra cả!

Nguyễn Mộng Giác có dự phóng đảm bảo hóa người đọc về nội dung và chiều hướng lịch sử, nhưng thực ra không gian của bộ Sông Côn Mùa Lũ muốn làm sống lại lịch sử với chủ ý, chủ quan hơn những tiểu thuyết lịch sử trước đó. Còn tác giả Gió Lửa như muốn người đọc sống lịch sử mà bộ tiểu thuyết viết lại như họ đang sống, qua trung gian thời gian và tâm thức. Một thời gian sống và một thời gian chết! Sông Côn Mùa Lũ tiểu thuyết hóa giai đoạn anh hùng của Sông Côn trong khi Gió Lửa tiểu thuyết hóa nhưng có khuynh hướng bi kịch hóa vì Gió Lửa được đặt trong một thời gian dài hơn và tác giả nó còn muốn vang vọng lâu hơn và được viết gần hai thập niên sau Nguyễn Mộng Giác. Với Nguyễn Mộng Giác, người đọc như phải bơ vơ trước bề dày lao đ

0