Vệ Thanh
Nguyên tác Hàn Tố Văn Dịch : Huỳnh Chương Hưng Vệ Thanh 卫青 (? – năm 106 trước công nguyên), tự Trọng Khanh 仲卿 . Danh tướng thời Tây Hán, người Bình Dương 平阳 Hà Đông 河东 (nay là phía tây nam Lâm Phần 临汾 Sơn Tây 山西 ). Vệ Thanh nhân vì có ...
Nguyên tác Hàn Tố Văn
Dịch : Huỳnh Chương Hưng
Vệ Thanh 卫青 (? – năm 106 trước công nguyên), tự Trọng Khanh 仲卿. Danh tướng thời Tây Hán, người Bình Dương 平阳 Hà Đông 河东 (nay là phía tây nam Lâm Phần 临汾 Sơn Tây 山西).
Vệ Thanh nhân vì có quan hệ với người chị Vệ Tử Phu 卫子夫 là Hoàng hậu nên được Vũ Đế 武帝帝trọng dụng, bái tướng chinh phạt Hung Nô thắng lợi, đắc thắng hồi triều.
Vệ Thanh vừa được Vũ Đế tán thưởng lại được tướng sĩ tôn kính.
Về sau, Vệ Thanh tuân theo hoàng mệnh, cưới công chúa Bình Dương 平阳 làm vợ, địa vị càng cao.
Vệ Thanh nhiều năm chinh chiến, đạp sương tuyết, đội gió cát, trải qua 3 chiến dịch lớn là Hà Nam, Hà Tây, mạc bắc, trừ được cái hoạn Hung Nô.
XUẤT THÂN TI TIỆN, CUỐI CÙNG TRỞ THÀNH TÂM PHÚC CỦA VŨ ĐẾ
Thời Hán Vũ Đế 汉武帝, hậu nhân của Tể tướng đầu thời Hán Tào Tham 曹参là Tào Thọ 曹寿, thế tập tước Bình Dương Hầu 平阳侯, Bình Dương chính là Phần Dương 汾阳 Sơn Tây 山西 hiện nay. Một ngày nọ, Tào Thọ đến Trường An 长安, được tuyển làm phò mã, cưới chị của Vũ Đế là trưởng công chúa Tín Dương 信阳. Sau hôn lễ, trưởng công chúa Tín Dương xinh đẹp được đổi gọi là công chúa Bình Dương.
Trong phủ của công chúa Bình Dương có một nữ bộc, do bởi chồng họ Vệ, nên mọi người gọi nữ bộc này là Vệ Ảo 卫媪. Vệ Áo có 1 trai 3 gái với Trịnh Quý 郑季. Khi Vệ Ảo còn trẻ, thông gian huyện lại Bình Dương ra vào phủ công chúa là Trịnh Quý, sinh ra Vệ Thanh. Người chị thứ 3 của Vệ Thanh là Vệ Tử Phu 卫子夫 về sau trở thành hoàng hậu của Hán Vũ Đế.
Vệ Thanh lúc nhỏ sống bên cạnh Vệ Ảo trong phủ công chúa. Lớn lên một chút, Vệ Thanh được đưa đến chỗ cha của mình là Trịnh Quý. Theo lẽ thường, con của huyện lại Trịnh Quý, lại đang tuổi đi học, phải được đến trường. Nhưng, vận số của Vệ Thanh không may, chính thê của Trịnh Quý kì thị người con riêng này, con ruột của bà ta cũng coi thường Vệ Thanh.
Vệ Thanh không có chỗ nương tựa, hàng ngày từ sáng sớm đến tối khuya bị bức leo núi vượt sông chăn dê. Vệ Thanh chịu gió mưa, chịu đói rét. Lao lực cả một ngày, về lại nhà anh chị em trong nhà coi Vệ Thanh như một tên tiểu nô, đủ cách ngược đãi. Người thân đã mang đến cho Vệ Thanh nỗi đau khổ và khuất nhục. Duy nhất chỉ có người làm cho Vệ Thanh cảm thấy được an ủi đó là đám mục đồng chân thành.
Thời gian dần trôi qua, Vệ Thanh giống như cây tùng trong tuyết, ra sức chống chọi với gian khổ rồi trưởng thành. Cuộc sống khó khăn, người nhà kì thị, khiến Vệ Thanh từ lúc còn nhỏ đã nuôi dưỡng được phẩm chất nhẫn nại chịu khổ, thân thể vô cùng tráng kiện. Có một lần, Vệ Thanh theo người nhà đến Cam Tuyền 甘泉 Thiểm Tây 陕西, trên đường gặp một tội đồ. Tội đồ này thấy Vệ Thanh lộ tướng nhân tài, thân thể khôi ngô mới khen rằng:
Thằng bé này quả là có tướng quý nhân, tương lai nhất định sẽ được phong hầu.
Vệ Thanh cảm thấy không được thoải mái. Lời khen đó như đào sâu nỗi khổ của mình, mới giận nói rằng:
Tôi ở nhà giống như một tên nô lệ, không bị đánh là tốt rồi, còn dám vọng tưởng đến việc phong hầu sao?
Sau khi Vệ Thanh trưởng thành, không muốn bị kì thị, bị lăng nhục đã trở về bên cạnh mẹ mình là Vệ Ảo. Công chúa Bình Dương mừng thấy Vệ Thanh anh tuấn liền để Vệ Thanh làm kị nô cho mình. Làm gia nô trong phủ công chúa, Vệ Thanh trước tiên cần học tri thức văn hoá, học lễ nghi đối nhân tiếp vật của thượng tầng xã hội phong kiến. Lúc bấy giờ, người chị thứ 3 là Vệ Tử Phu trở thành ca kĩ xinh đẹp nhất trong phủ công chúa.
Tháng 3 Dương xuân năm 139 trước công nguyên. Một hôm, công chúa Bình Dương bày yến tiệc để chiêu đãi Hán Vũ Đế. Hán Vũ Đế Lưu Triệt 刘彻 (năm 156 – năm 88 trước công nguyên) là vị quân chủ nổi tiếng thời cổ, 16 tuổi lên ngôi hoàng đế, trị vì 53 năm. Thời gian tại vị, Hán Vũ Đế nhậm dụng rộng rãi hiền tài tướng lĩnh. Lúc bấy giờ, Hán Vũ Đế kết hôn đã được mấy năm, nhưng hoàng hậu Trần A Kiều 陈阿娇mãi không có con. Hán Vũ Đế vô cùng buồn bã.
Công chúa Bình Dương là chị ruột của Hán Vũ Đế, rất yêu quý Hán Vũ Đế. Công chúa phát hiện Hán Vũ Đế trong cung không vui nên nói với Hán Vũ Đế rằng:
Chị biết em trong cung không được như ý, thường không hưởng được hết cái vui vợ chồng, quả là đau lòng. Chị mua về một số kĩ nữ trong dân gian, em có muốn nhìn thấy không?
Vũ Đế cười nói rằng:
Người biết trẫm là chị đó!
Một lát sau, mười mấy mĩ nữ nhẹ nhàng bước ra xếp thành hàng quỳ bái. Vũ Đế nhìn lướt qua một lượt, sự cao hứng giảm đi một nữa. Công chúa Bình Dương thấy Vũ Đế không hài lòng, vẫy ta ra lệnh cho lui. Công chúa nói rằng:
Chi bằng chúng ta trước tiên uống rượu đã.
Công chúa dặn nô bộc truyền ca kĩ ra giúp vui.
Đám ca kĩ bước ra, đánh trống, thổi sáo, múa theo khúc nhạc, gian phòng biến thành cảnh tượng mùa xuân, Vũ Đế liên tiếp nâng li uống rượu.
Đột nhiên, Vũ Đế phát hiện một ca nữ. Cô nàng có vẻ mệt mỏi, thở gấp, hai má ửng đỏ, ca nữ này giống như tiên nữ mà trong giáp cốt văn miêu tả. Đôi mày tằm xanh đen, eo thon như lá liễu, bước sen lay động minh châu, tóc mai như mây, phảng phất tựa Tây Thi 西施nước Việt. Dịu dàng uyển chuyển, làm rung động lòng người.
Vũ Đế thầm nghĩ: Như giai nhân này, so với A Kiều uy phong lẫm lẫm của mình hơn gấp nhiều lần, nếu được về cung thì vui biết mấy.
Công chúa Bình Dương ho nhẹ, Vũ Đế mặt đỏ lên. Vũ Đế chỉ về phía Vệ Tử Phu hỏi rằng:
Nàng ca kĩ đó tên gì?
Công chúa Bình Dương cười đáp rằng:
Vệ Tử Phu.
Vũ Đế nhẫn không được, mượn cớ trong người nóng bức, đứng lên muốn đi thay áo. Công chúa Bình Dương sai Vệ Tử Phu theo hầu giá.
Một lúc sau, Vũ Đế tươi cười từ Thượng y hiên 尚衣轩 bước ra, Vệ Tử Phu tóc mây tán loạn. hai má đỏ rực đi theo phía sau. Công chúa Bình Dương ngầm đắc ý. Vũ Đế hạ chiếu, công chúa Bình Dương có công dâng người đẹp, ban thưởng cho 2000 lượng vàng. Khi Vũ Đế khởi giá về cung, đã dẫn theo Vệ Tử Phu.
Vệ Tử Phu sau khi tiến cung đã giới thiệu Vệ Thanh đến cung Kiến Chương 建章 làm người giúp việc. Vệ Thanh từ đứa bé chăn trâu biến thành lại dịch trong hoàng cung, địa vị đã được nâng cao.
Vệ Thanh tại biên quận triều Hán trưởng thành, chịu đựng gian nan do chiến tranh mang lại, trải qua sự rèn luyện trong cuộc sống khổ cực đã khiến Vệ Thanh nuôi dưỡng được tinh thần thượng võ dũng cảm không biết sợ. Đặc biệt là sự từng trải trong cuộc sống đã khiến Vệ Thanh có được kĩ năng kị xạ thành thạo, thích ứng với cuộc sống dã ngoại. Vệ Thanh cưỡi ngựa nhanh như bay, uy lực kinh người. Sau khi vào hoàng cung, Vệ Thanh cùng với quan quân trung và thượng cấp như Công Tôn Hạ公孙贺, Công Tôn Ngao 公孙敖 kết làm huynh đệ.
Trong đất nước phong kiến, theo truyền thống, hoàng vị do đích trưởng tử kế thừa, nếu hoàng đế không có đích trưởng tử , phi tần hậu cung sinh được con cũng có thể lập làm thái tử, mẫu thân vì con mà được tôn quý, sẽ được tấn thăng làm hoàng hậu. Vệ Tử Phu mang thai, địa vị của hoàng hậu Trần A Kiều bị uy hiếp nghiêm trọng. Trần A Kiều muốn giết Vệ Tử Phu, nhưng, Vệ Tử Phu đang được Vũ Đế sủng ái, Trần hoàng hậu không cách gì hại được, liền thường đến khóc lóc với mẹ ruột là trưởng công chúa Quán Đào 馆陶.
Trưởng công chúa Quán Đào là cô của Hán Vũ Đế, bà ta biết việc này lợi hại, sợ con gái bị thất sủng, liền mượn cớ, hãm hại Vệ Thanh, bắt Vệ Thanh, đợi xử tử.
Vệ Thanh trong ngục vô kế khả thi, chỉ mong có thể trốn thoát. Lúc bấy giờ, kị lang Công Tôn Ngao cùng mấy tên dũng sĩ giết chết ngục tốt, xông vào nhà lao cứu Vệ Thanh. Trận nạn tai này nhân có bạn xả thân liều cứu đã chuyển nguy thành an.
Sự việc Vệ Thanh gặp đại nạn nhưng không chết đến tai Hán Vũ Đế. Để an ủi Vệ Tử Phu, Hán Vũ Đế ban bố mệnh lệnh, để Vệ Thanh giữ chức Giám cung Kiến Chương, phong làm Thị trung. Chẳng bao lâu, Hán Vũ Đế ban thưởng một số lượng lớn vàng bạc cho Trịnh Quý. Công Tôn Ngao nhân đó cũng được trọng dụng. Về sau, Hán Vũ Đế phong Vệ Tử Phu làm Phu nhân, Vệ Thanh làm Thái trung đại phu. Không ngờ, Vệ Thanh xuất thân từ chăn dê trở thành tâm phúc của Vũ Đế
THÂM NHẬP PHÍA SAU QUÂN ĐỊCH, ĐỊCH QUĂNG MŨ LIỆNG GIÁP
Sau khi nhà Tây Hán kiến quốc, tiếp nhận giang san của triều Tần để lại, do bởi trường kì chiến loạn nên kinh tế suy thoái, dân tình khổ sở. Lúc bấy giờ, ngay cả hoàng đế cũng không có 4 con ngựa có sắc lông giống nhau, quan lại ngồi xe trâu cũ kĩ. Tình cảnh bách tính càng thảm hại hơn. Lại thêm các chư hầu vương khác họ thường phản loạn, triều Hán không có năng lực đối phó Hung Nô.
Thời kì nước Tần phát động chiến tranh thống nhất, Hung Nô thừa cơ xâm chiếm lãnh thổ, cướp đoạt nhân khẩu, thế lực không ngừng lớn mạnh. Sau khi nhà Tần thống nhất thiên hạ, Hung Nô trở mối lo to lớn. Để phòng ngự Hung Nô, Tần Thuỷ Hoàng điều trọng binh đồn trú phương bắc, hao phí tiền của, mở rộng việc tu sửa Vạn lí trường thành.
“Hà Nam địa” là đất phát tích của người Hung Nô, tức vùng Y Khắc Chiêu 伊克昭 ở Hà Sáo 河套 thuộc Nội Mông Cổ, nơi đây thảo nguyên xanh tốt, cách Trường An chỉ 1400 dặm. Tướng nhà Tần là Mông Điềm 蒙恬 từng công hạ đất Hà Nam (khu vực Hà Sáo). Cuối đời Tần chiến loạn, 30 vạn quân Tần đồn trú ở Thượng quận 上郡 đi trấn áp quân khởi nghĩa nông dân. Thiền vu Mạo Đốn 冒顿 của Hung Nô thừa cơ đoạt lấy đất Hà Nam, lấy đó làm căn cứ địa tập kích biên quận của triều Hán.
Năm 198 trước công nguyên, Hán Cao Tổ tiếp nhận lời tâu của đại thần Lưu Kính 刘敬, gã con gái của tông thất nhà Hán cho Thiền vu Hung Nô, hàng năm cống một số lượng lớn tài vật, thực hành chính sách khuất nhục “hoà thân”. Thời kì Lữ Hậu chấp chính, cũng uỷ khúc để cầu toàn.
Hậu kì Hán Văn Đế, thiên hạ trải qua mấy chục năm bình trị, nhân khẩu tăng thêm, sản xuất nông nghiệp được khôi phục, nhưng so với Hung Nô vẫn là nhược tiểu.
Lúc bấy giờ, Hán Văn Đế tiếp nhận kiến nghị của Triều Thố 晁错, đem chủ lực của Hán quân điều đến phương bắc trấn thủ, chiêu mộ rộng rãi nông dân đến phương bắc khẩn hoang, quốc lực được tăng mạnh. Sau khi Văn Đế qua đời, Cảnh Đế từng gã công chúa và tiến cống Hung Nô. Thời gian đầu khi Vũ Đế lên ngôi, vẫn tuân thủ cựu ước hoà thân, hướng Hung Nô tiến cống để duy trì sự hữu hảo.
Nhiều năm trôi qua, mấy vị đế vương triều Hán chịu khuất nhục, nhân dân phương bắc gặp phải sự tổn thất thảm hại. Người Hán không lúc nào quên nỗi nhục mất nước thù nhà, luôn chuẩn bị tiêu diệt Hung Nô, nhưng quốc lực không phải dễ dàng xoay chuyển.
Hán Vũ Đế áp dụng chiến lược tuần tự tiệm tiến. Đầu tiên phế bỏ cái học “Hoàng Lão” (Hoàng Lão chi học 黄老之学) thực hành chính sách vô vi nhi trị của đầu đời Hán, đẩy mạnh độc tôn Nho thuật. Sau khi thống nhất tư tưởng, Hán
Vũ đế quả đoán cắt bỏ phiên trấn, thiết lập quận huyện, thực hiện thống nhất đất nước, trọng dụng Tang Hoằng Dương 桑弘羊 cải cách tài chính, khiến quốc khố có dư.
Năm thứ 2 Hán Vũ Đế lên ngôi, đã phát khởi thế công ngoại giao. Vũ Đế trưng mộ Trương Khiên 张骞 làm đặc sứ đi sứ Tây vực, liên hợp các nước lưu vực sông Y Lê 伊犁 ở Tân Cương, chuẩn bị đánh Hung Nô từ hai phía đông tây.
Hán Vũ Đế phái Lí Quảng 李广 trấn thủ biên cảnh, cho sĩ binh gia cố những nơi hiểm yếu. Nhằm đối phó với ưu thế của kị binh Hung Nô, Vũ Đế lệnh cho các quận huyện bổ sung kị binh. Để huấn luyện kĩ năng của kị binh, Vũ Đế đã cho mời người Hung Nô giỏi về xạ kị.
Trải qua một phen sắp đặt khổ nhọc, triều Hán đã xuất hiện cục diện phồn vinh “thiên hạ giàu có, tài lực có dư, binh sĩ hùng mạnh”. Thế lực của các chư hầu vương bị đánh đổ, hoàng quyền được tăng cường. kho lẫm ở kinh thành cùng các nơi khác đều dư đầy, tiền vật của quốc khố chất nhiều như núi. Các nơi nộp tiền về nhiều vô số, đến nỗi dây xâu tiền mục đứt. Lương thực nhiều đến nỗi chảy tràn ra ngoài kho, mục nát không sao ăn được….. Nhân khẩu tăng mạnh, từ đầu đời Hán đến lúc Hán Vũ Đế lên ngôi, tỉ lệ tăng trưởng nhân khẩu cả nước là 10%, một số khu vực vượt quá 20%. Nhà Tây Hán đã tích tụ nền kinh tế hùng hậu, thực lực chính trị và quân sự, quốc lực vượt hơn Hung Nô.
Năm 134 trước công nguyên, Chủ Phụ Yển 主父偃 dâng tấu, yêu cầu chinh thảo Hung Nô. Năm đó, một trong những đề mục mà Hán Vũ Đế khảo hạch “hiền lương” đó là: Như thế nào mới có thể giống như thời Thành Khang triều Chu, thiên hạ thái bình, tám phương kính phục? để những “hiền lương”hiến dâng kế sách cho đất nước. Ngoài ra, Vũ Đế cũng thường mở hội nghị quân sự, để công khanh đại thần trình bày ý kiến việc được mất, sự lợi hại của việc hoà và chiến. Cuối cùng, Hán Vũ Đế đích thân phán quyết, xác định chiến lược tấn công.
Khi nhà Tây Hán tích cực chuẩn bị chiến đấu, Hung Nô không ngừng cướp bóc quận Đại 代 (nay là đông bắc huyện Uý 蔚 Hà Bắc 河北), vùng Nhạn Môn quan 雁门关.
MƯỜI NĂM CHINH CHIẾN TỪ ĐÓ GIẢI QUYẾT ĐƯỢC TRĂM NĂM NỖI LO BIÊN TÁI
Vùng Hà Nam 河南 thích nghi với trồng trọt và chăn nuôi, cách kinh thành Trường An triều Tây Hán tương đối gần, địa vị chiến lược rất quan trọng, xưa nay là trọng địa quân sự. Từ sau khi Thiền vu Mạo Đốn 冒顿 thu phục đất HàNam, mấy chục năm trở lại Hung Nô luôn uy hiếp sự an toàn của Trường An. Mùa đông năm 127 trước công nguyên, để giải trừ sự uy hiếp kinh thành, Hán Vũ Đế đã phát động chiến dịch Hà Nam.
Chiến dịch Hà Nam là lần tấn công đầu tiên do Hán Vũ Đế phát khởi từ khi lên ngôi. Nhiệm vụ nặng nề này đặt trên vai Vệ Thanh. Vệ Thanh thống lĩnh 4 vạn kị binh tinh nhuệ, xông vào cuồng phong, đạp lên bão tuyết xuất chinh. Vệ Thanh vận dụng chiến thuật “vu hồi trắc kích” 迂回侧击, sau khi vượt qua Vân Trung 云中, lập tức hướng đến tây bắc, âm thầm vây bọc phía sau của Hung Nô, công chiếm đất Hà Nam thông đến Cao Khuyết quan 高阙关, tướng Hung Nô trấn giữ vùng Hà Nam là Bạch Dương Vương 白羊王, Lâu Phiền Vương 楼烦王 bị cắt đứt quan hệ với Thiền vu. Bạch Dương Vương và Lâu Phiền Vương rơi vào cảnh cô lập. Vệ Thanh dẫn quân thiết kị hành quân mấy ngàn dặm hướng về phía nam, trên đường đi giết địch, đến Lũng Tây 陇西 (Lâm Thao 临洮Cam Túc 甘肃) bao vây Bạch Dương Vương, Lâu Phiền Vương. Bạch Dương Vương và Lâu Phiền Vương nhìn thấy toàn tuyến thất lợi, lại rơi vào cảnh bao vây, để tránh bị diệt vong, họ vội dẫn quân vượt Hoàng hà, từ ải Kê Lộc 鸡鹿 đào vong.
Vệ Thanh dẫn 4 vạn thiết kị thâm nhập, đánh mấy ngàn dặm, đoạt được đất HàNam, giành lấy thắng lợi to lớn. Chiến dịch lần này, giết hơn 2300 quân Hung Nô, bắt sống mấy ngàn tên, thu bò dê được hơn 1 triệu con. Để trọng thưởng Vệ Thanh, Hán Vũ Đế phong Vệ Thanh làm Trường Bình Hầu 长平侯, ban thực ấp 3800 hộ. Ngoài ra Hiệu uý Tô Kiến苏建 được phong làm Bình Lăng Hầu 平陵侯, Trương Thứ Công 张次公 được phong làm Ngạn Đầu Hầu 岸头侯.
Để trị lí vùng Hà Nam, Hán Vũ Đế đã thiết lập quận Sóc Phương 朔方 tại Hà Nam, giao cho Tô Kiến 10 vạn binh mã, lệnh xây thành lập đồn khai khẩn, giữ vùng Hà Nam. Mùa hè, Hán Vũ Đế buộc di dời 10 vạn bách tính đến quận Sóc Phương, khẩn hoang trồng trọt, phát triển sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, bảo vệ sự an toàn của Trường An.
Thiền vu Hung Nô không cam tâm để mất vùng đất Hà Nam phì nhiêu. Mùa hè năm 126 trước công nguyên, Hung Nô phát xuất mấy vạn quân đánh quận Đại 代, giết chết Thái thú quận Đại. Mùa thu, kị binh Hung Nô công phá Nhạn Môn quan 雁门关. Năm sau, Hung Nô chia binh làm 3 lộ, rầm rộ xâm lược. Một lộ tấn công quận Đại, lộ thứ 2 tấn công Định Tương 定襄, lộ thứ 3 tấn công quận Thượng 上, mỗi lộ đều có 3 vạn binh mã. Ngoài ra Hung Nô Hữu Hiền Vương 右贤王 thường đánh Hà Nam, tấn công thành Sóc Phương. Trong 2 năm, Hung Nô xuất binh lực có lúc đạt đến 20 vạn, giết hơn 1 vạn người Hán. Hung Nô nhiều lần xâm nhập vùng đất của triều Hán với quy mô to lớn là điều mà trước đó chưa từng có.
Để giữ quận Sóc Phương, mùa xuân năm 124 trước công nguyên, Hán Vũ Đế sai Vệ Thanh xuất chinh, thống soái 10 vạn thiết kị, ra trận lần thứ tư. Vệ Thanh đích thân dẫn 3 vạn binh mã từ Cao Khuyết xuất phát, phái Công Tôn Hạ 公孙贺, Tô Kiến苏建, Lí Tự 李沮, Lí Thái 李蔡 dẫn 7 vạn binh mã từ thành Sóc Phương xuất phát, tiến hành 2 lộ giáp công đánh Hữu Hiền Vương. Đồng thời Hán Vũ Đế lệnh cho Lí Tức 李息, Trương Thứ Công 张次公 từ Hữu Bắc Bình phía đông Sóc Phương xuất chinh, ngăn cản quân chủ lực của Thiền vu cứu viện Hữu Hiền Vương.
Đại doanh của Hữu Hiền Vương đóng ở vùng sa mạc, cách thành Sóc Phương và Cao Khuyết rất xa. Hữu Hiền Vương được báo quân Hán xuất chinh, cho rằng vùng sa mạc vô cùng hoang vắng, đường hiểm trở khó đi, quân Hán không dám thâm nhập. Cứ đêm đến, Hữu Hiền Vương vẫn ngồi trong trướng, thưởng thức ca múa, uống rượu vui chơi, có lúc uống đến say khướt.
Vệ Thanh dùng chiến thuật đột kích “xuất kì bất ý”, cấp tốc hành quân 700 dặm, đêm khuya lén đánh đại doanh Hữu Hiền Vương. Quân Hán đột nhiên xông tới, lửa sáng ngút trời, tiếng kêu giết địch chấn động khắp vùng. Quân Hung Nô bị giết. Trận chiến triển khai vô cùng nhanh chóng, vòng vây dần thu hẹp. Hữu Hiền Vương dưới sự bảo vệ của mấy trăm thân binh bỏ chạy về phía bắc. Vệ Thanh sai khinh binh truy sát.
Lần tập kích này bắt sống hơn 10 quý tộc Hung Nô và hơn 15000 quân, thu được mấy chục vạn bò dê. Hán Vũ Đế nghe nói Vệ Thanh đại thắng lập tức phái sứ thần mang ấn đến trận tiền, thăng Vệ Thanh làm Đại tướng quân.
Chiến dịch Hà Nam là điểm rẻ ngoặt trọng yếu trong công cuộc chiến tranh chống Hung Nô. Trước cuộc chiến này, Hung Nô ở vào địa vị chủ động. Từ đây Hung Nô chuyển sang thế yếu. Tây Hán từ thế phòng thủ lúc ban đầu chuyển sang thế tấn công.
Vệ Thanh sau khi về đến Trường An. Hán Vũ Đế luận công ban thưởng, ban Vệ Thanh thực ấp 8700 hộ, phong con trưởng là Vệ Kháng 卫伉 làm Nghi Xuân Hầu 宜春侯, Vệ Bất Nghi 卫不疑 làm Âm An Hầu 阴安侯, Vệ Đăng 卫登 làm Phát Can Hầu 发干侯.
Tháng 2 năm 123 trước công nguyên, Vệ Thanh chỉ huy Lí Quảng, Lí Tự, Công Tôn Hạ, Công Tôn Ngao, Tô Kiến, Triệu Tín thống lĩnh 10 quân từ Định Tương xuất chinh. Đây là lần xuất chinh thứ 5 cùng với Thiền vu quyết chiến. Vệ Thanh sai Trương Khiên 张骞 từng đi sứ qua Tây vực biết rõ địa lí dẫn đường.
Lần này, Thiền vu Hung Nô hết sức tránh cuộc chiến tiến hành đại quy mô với kị binh Tây Hán. Vệ Thanh sau khi xuất phát từ Định Tương hướng đến chính bắc mấy trăm dặm, tìm không thấy quân chủ lực Hung Nô đã nghỉ tại những nơi như Định Tương, Vân Trung, Nhạn Môn chờ thời cơ xuất chinh.
Tháng 4, Vệ Thanh truyền lệnh đại quân, xuất sư bắc phạt, tìm thời cơ chiến đấu. Lộ quân do Vệ Thanh đích thân thống lĩnh giết hơn 1 vạn quân Hung Nô. Tô Kiến, Triệu Tín gặp quân chủ lực Hung Nô, binh lực của Tô Kiến, Triệu Tín chỉ có 3000 quân, ít không địch lại nhiều, huyết chiến hơn một ngày, thương vong nghiêm trọng. Triệu Tín vốn là tì tướng của Hung Nô, lại nhân cơ hội thống lĩnh hơn 800 quân đã đầu hàng Hung Nô. Tô Kiến một thân chạy về đại doanh.
Năm đó hai bên đều có thắng thua. Cháu gọi bằng cậu của Vệ Thanh là Hiệu uý Hoắc Khứ Bệnh 霍去病 mới 18 tuổi, dẫn 800 người mạo hiểm tìm địch. Hoắc Khứ Bệnh cách đại doanh mấy trăm dặm đã bắt được Tướng quốc, đương hộ Hung Nô và thúc tổ phụ của Thiền Vu, Tịch Nhược Hầu Sản 籍若侯产, thúc phụ La Cô Tỉ 罗姑比, giết chết hơn 2000 người rồi về lại doanh trại. Hoắc Khứ Bệnh biểu hiện tài năng chỉ huy trác việt. Hán Vũ Đế cảm thấy phấn chấn. Để khen thưởng tiểu tướng nhỏ tuổi, Hán Vũ Đế đã phong Hoắc Khứ Bệnh làm Quán Quân Hầu 冠军侯.
Ngàn quân dễ có, một tướng khó tìm. Vệ Thanh 卫青 từ thân phận nô lệ trở thành Đại tướng quân, chủ yếu là nhờ tài năng và công lao của mình. Ngoài ra, cũng có mối quan hệ với cách nhìn người và bổ nhiệm người của Hán Vũ Đế.
Khi Vệ Thanh dẫn quân ra trận, chú trọng vận dụng chiến lược chiến thuật, trong hàng tướng lĩnh của Hán Vũ Đế, Vệ Thanh đích xác là một nhân vật xuất chúng. Lúc lâm trận, Vệ Thanh không chỉ đi đầu, mà còn hiệu lịnh nghiêm minh, trị quân có phương pháp.
Khi Hán Vũ Đế phong tước cho 3 người con của Vệ Thanh, Vệ Thanh nói rằng:
– Thần viễn chinh bên ngoài, dựa vào sự thánh minh của bệ hạ mới có được thắng lợi, đó cũng là công lao của các tướng sĩ.
Vệ Thanh nhiều lần dâng tấu thỉnh cầu, tướng lĩnh theo ông xuất chinh trước sau có đến 11 người được phong hầu ban tước. Trong số đó không chỉ có anh rể Vệ Thanh là Công Tôn Hạ 公孙下, bạn là Công Tôn Ngao 公孙敖, mà còn có cả Lí Thái 李蔡, Lí Tức 李息, Lí Sóc 李朔, Triệu Bất Ngu 赵不虞, Hàn Thuyết 韩说.
Điền Nhân 田仁 là nô lệ của Vệ Thanh, rất can đảm, thường theo Vệ Thanh tùng chinh, lập nhiều chiến công. Đối với nô lệ, Vệ Thanh cũng rất kính trọng. Ông thường dâng thư lên Hán Vũ Đế, Hán Vũ Đế bổ nhiệm Điền Nhân chức Lang trung.
Vệ Thanh không tước đoạt công lao người khác, ông làm tướng thanh liêm. Mỗi khi Hán Vũ Đế và Hoàng thái hậu ban cho tài vật, Vệ Thanh đều chia đều cho bộ hạ. Vệ Thanh tác chiến, đa số là cô quân thâm nhập, chỉ huy vận động chiến quy mô. Trong 17 năm, 7 lần xuất chinh, chủ yếu dựa vào tù binh Hung Nô dẫn đường, tìm kiếm lương thảo, chưa từng bị sai lầm. Trong tình hình lương thảo trong quân không có cách gì tiếp tế, Vệ Thanh hạ lệnh cho quân tìm lương thực ngay tại chỗ, bảo đảm quân nhu một cách hiệu quả.
Trên đường dài hành quân, thể lực binh sĩ tiêu hao rất lớn. Hung Nô thường dĩ dật đãi lao, quân Hán lại gặp tình cảnh người khổ ngựa thiếu. Để tránh sở đoản của mình, Vệ Thanh dùng chiến thuật tốc chiến tốc quyết, tranh thủ tốc thắng. Trong tấn công hoặc phòng ngự, truy kích và điều chuyển, Vệ Thanh biểu hiện tài năng chỉ huy quân sự kiệt xuất. Chiến dịch viễn chinh nơi hoang mạc phía bắc, Vệ Thanh ở vào cảnh hiểm nguy, nhưng chỉ huy thích đáng, cuối cùng chiến thắng quân chủ lực Hung Nô.
Năm đó, khi Chủ Phụ Yển 主父偃 vừa mới đến Trường An, từng làm môn khách của Vệ Thanh. Vệ Thanh thường tiến cử Chủ Phụ Yển lên Hán Vũ Đế. Hán Vũ Đế căn bản không quan tâm. Về sau, Chủ Phụ Yển tự mình dâng thư cầu kiến, mới được Hán Vũ Đế triệu kiến.
Chủ Phụ Yến kiến nghị cho dời hào cường phú hộ đến Mậu Lăng茂陵 để dễ bề tập trung khống chế. Vệ Thanh thương tình phú hộ Quan Đông là Quách Giải 郭解 nên cầu xin, nói rằng Quách Giải nhà nghèo, đừng để tên trong số những người bị di dời. Hán Vũ Đế cười bảo rằng:
– Quách Giải có thể khiến Vệ đại tướng cầu xin cho ông ta, có thể thấy, nhà ông ta không nghèo.
Quách Giải bị dời đến Mậu Lăng. Từ hai sự kiện đó, Vệ Thanh phát hiện Hán Vũ Đế rất sáng suốt, từ đó về sau, Vệ Thanh một mực thuận tùng theo mệnh lệnh của hoàng đế.
Vệ Thanh tuy công cao cái thế, nhưng hết lòng trung với Hán Vũ Đế. Đầu đời Hán, một số Hầu vương được thụ phong cùng một số tướng lĩnh công cao thường chiêu hiền dưỡng sĩ, vun trồng thế lực, nhưng kết quả đều thân bại danh liệt. Vệ Thanh tiếp thụ bài học giáo huấn từ những người này. Khi Tô Kiến 苏建 khuyên Vệ Thanh tuyển chọn người hiền để mở rộng thế lực, Vệ Thanh nói rằng:
– Tuyển chọn người hiền là quyền lực của hoàng đế, phận làm bề tôi chỉ nên phụng mệnh hành sự, sao dám tranh thế lực cùng hoàng đế.
Trong cuộc sống, Vệ Thanh cũng hoàn toàn nghe theo mệnh lệnh của Hán Vũ Đế, thuận ứng theo tâm ý của hoàng đế. Sau khi Vệ Thanh được phong làm Đại tướng quân, chồng của công chúa Bình Dương 平阳 là Tào Thọ 曹寿 bị bệnh và qua đời, công Chúa Bình Dương cô quả. Công chúa hỏi những người bên cạnh rằng: trong số liệt hầu ở Trường An, ai có thể làm chồng của mình. Mọi người đều nói là Đại tướng quân Vệ Thanh là xứng đáng nhất. Công chúa cười bảo rằng:
– Vệ Thanh vốn là nô kị của ta, không thích hợp đâu!
Mọi người nói rằng:
– Thưa công chúa, lời nói nên cẩn thận. Hiện chị của Đại tướng quân Vệ Thanh là hoàng hậu, ba người con của ông ta cũng đều được phong Hầu, sao có thể xem thường được.
Công chúa động lòng, tìm Vệ hoàng hậu nhờ giúp. Vệ hoàng hậu chuyển cáo Hán Vũ Đế, Hán Vũ Đế cũng bằng lòng. Kết quả, Vệ Thanh cưới công chúa Bình Dương.
Năm 123 trước công nguyên, Vệ Thanh viễn chinh trở về, Hán Vũ Đế ban cho ngàn vàng. Vừa mới nhập cung môn, văn nhân Ninh Thừa 宁乘 xỏ giày không đế, đạp trên đường tuyết đến chặn xe, nói rằng phải bẩm báo lại việc này. Vệ Thanh xuống xe. Ninh Thừa nói:
– Hiện Vương phu nhân được hoàng thượng sủng ái, nhà mẹ của Vương phu nhân rất nghèo. Nếu ngài đem một nửa tiền thưởng tặng cho nhà mẹ của Vương phu nhân, bệ hạ nhất định sẽ rất vui lòng.
Vệ Thanh liền đem 500 lượng vàng tặng cho nhà mẹ của Vương phu nhân. Hán Vũ Đế rất vui, phá cách trọng dụng Ninh Thừa.
Về chính trị, Vệ Thanh cũng ở vào địa vị quan trọng. Khi Hoài Nam Vương 淮南王 âm mưu khởi sự, phái một số người đến Trường An, lén chui vào phủ của Vệ Thanh làm sai dịch, chuẩn bị đợi ngày khởi sự, lập tức giết chết Vệ Thanh. Về sau, trong số đó có người tự thú, Vệ Thanh mới may mắn thoát nạn.
Năm 106 trước công nguyên, Vệ Thanh bị bệnh và qua đời, được bồi táng bên cạnh Mậu Lăng của Hán Vũ Đế. (Hết)
Nguyên tác VỆ THANH Trong quyển HỔ CHI UY
Tác giả: Hàn Tố Văn
Bắc Kinh: Trung Quốc Trường An xuất bản xã, 1006
Dịch : Huỳnh Chương Hưng
Nguồn bài đăng