Nguyên nhân Điện Biên Phủ thất thủ
Trọng Đạt I. Từ toàn quốc kháng chiến tới Điện Biên Phủ Ngày 9-3-1945 Nhật đảo chính pháp tại Đông Dương, Đại sứ Nhật yết kiến nhà vua và tuyên bố trao trả độc lập cho Việt Nam . Bảo Đại bèn tuyên bố độc lập ngày 10-3-1945 và gia nhập khối Đại Đông Á, nhà vua ra tuyên ngôn độc ...
Trọng Đạt
I. Từ toàn quốc kháng chiến tới Điện Biên Phủ
Ngày 9-3-1945 Nhật đảo chính pháp tại Đông Dương, Đại sứ Nhật yết kiến nhà vua và tuyên bố trao trả độc lập cho Việt Nam . Bảo Đại bèn tuyên bố độc lập ngày 10-3-1945 và gia nhập khối Đại Đông Á, nhà vua ra tuyên ngôn độc lập ngày 11-3-1945. Ông mời Giáo sư Trần Trọng Kim làm Thủ Tướng thành lập nội các ngày 7-4-1945, lấy bài Tiếng Gọi Thanh Niên của Lưu Hữu Phước làm quốc ca, lấy cờ vàng quẻ ly gồm hai vạch liền và một gạch gẫy ở giữa làm quốc kỳ.
Ngày 15-8-1945 Nhật đầu hàng Đồng minh, Thủ Tướng Trần Trọng Kim xin từ chức ngày 7-8 vì bất lực, chính phủ không có quân đội. Khi ấy tình hình trong nước rất xáo xộn, Việt Minh tổng khởi nghĩa cướp chính quyền 19-8, ngày 22-8 họ gửi điện văn vào Huế yêu cầu Bảo Đại thoái vị, họ đã cướp được chính quyền. Các vị triều thần như Thủ Tướng, Tổng Lý Ngự Tiền Văn Phòng cũng khuyên nhà vua thoái vị, vì quá sợ hãi Việt Minh đang bành trướng mạnh lại có vũ trang. Tháng 6 năm 1945 Hồ chí Minh đã được Mỹ thả dù xuống chiến khu cung cấp cho VM nhiều súng đủ các loại để chống Nhật. Chính phủ Trần Trọng Kim không có quân đội nên dù muốn chống lại phong trào cũng khó. Ngày 25-8-1945, nhà vua đọc bản tuyên ngôn thoái vị trước cửa Ngọ môn lâu
Ngày 2-9 Hồ chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập.
De Gaulle quyết định tái chiếm Đông dương để đòi lại chủ quyền những nhà máy, đồn điền, cửa hàng, mỏ than… mà Pháp cho là của họ. Tháng 9-1945 Thực dân thành lập Quân đoàn viễn chinh để tái chiếm Đông Dương, họ gặp sự kháng cự mạnh của người Việt và cường độ chiến tranh ngày một gia tăng có thể chia làm 3 giai đoạn (1)
-Chuẩn bị tái chiếm (1945-1946) – Theo dõi tình hình, móc nối Pháp kiều và những thành phần thân Pháp.
-Tái chiếm (1946-1949) – Pháp trở lại Đông Dương sau khi Nhật đầu hàng , đưa quân chiếm lại toàn cõi Đông Dương
-Chiến tranh khốc liệt- (1949-1954) Sau khi chiếm trọn vẹn nước Tầu, Trung Cộng huấn luyện và viện trợ cho Việt Minh nhiều vũ khí, đạn dược khiến tình thế ngày càng bất lợi cho Pháp, họ yếu thế và sa lầy.
Hội nghị Postdam tháng 7-1945 quyết định giao cho quân đội Trung Hoa giải giới Nhật phía trên vĩ tuyến 16, phía dưới thuộc quân Anh
Diễn tiến quân sự
Pháp theo chân quân Anh giải giới Nhật, tới Tân Sơn Nhất với 300 người lính đầu tiên ngày 11-9, sau họ đưa thêm nhiều quân sang chiếm các tỉnh dưới vĩ tuyến 16. Từ giữa tháng 10-1945 tới đầu tháng 2-1946 quân Pháp đã bình định được miền nam, chiếm lại được Vĩnh Long, Cần Thơ, Tây Ninh, Nha Trang, Ban Mê Thuột, Long Xuyên, Châu Đốc, Cà Mâu….
Trong thời gian này họ đã đưa vào 50,000 quân tham chiến, 7,425 xe cộ đủ loại , 21,000 tấn quân nhu, tổng kết Pháp có 630 người chết và mất tích, 1,037 người bị thương (2)
Đầu năm 1946, Pháp bắt đầu thương thuyết với chính phủ Tưởng Giới Thạch tại Trùng Khánh để được thay thế quân Tầu giải giới Nhật. Sau đó thương thuyết với Việt Minh
Đầu tháng 3-1946 Tướng Leclerc cho đổ bộ lên Hải Phòng , ngày 5-3 quân Pháp và Tầu đã chạm súng nhưng sau đó hai bên đã dàn xếp. Việt Minh ký với Pháp Hiệp định sơ bộ thuận cho Pháp vào BV. Họ mượn tay Pháp để đuổi Tầu về nước (3) và củng cố nội bộ, tiêu diệt các đảng phái quốc gia không CS. Theo tờ tường trình của Tướng Leclerc gửi chính phủ Pháp ngày 27-3-1946 thì tính tới cuối năm, VM đã thủ tiêu, giết hại tổng cộng khoảng 50,000 người
Ngày 18-3 Leclerc đưa quân từ Hải phòng lên Hà nội, ngày 27-3 Leclerc thảo tờ trình Chính phủ cho biết 6 tháng qua (9/1945 – 2/1946) có 600 lính Pháp bị giết, 1,000 bị thương. Từ giữa 1945 Việt Minh được Mỹ thả dù cho nhiều súng đạn để chống Nhật. Tháng 9 sau khi đầu hàng, nhiều người Nhật giúp súng đạn và huấn luyện VM chống lại Pháp vì họ cũng là da vàng. Quốc dân đảng Trung hoa không ưa Pháp và bán súng cho VM nên họ cũng thành lập được một lực lượng vũ trang đáng kể.
Theo nhận xét của Henri Navarre, cựu Tư lệnh Đông dương cuộc chiến này bị đối lập tại Pháp chống lại cho là cuộc chiến ô nhục, nhơ bẩn mà chính phủ không dám đặt tên cho nó. Những đợt tiếp viện, tăng quân yếu kém được thực hiện lén lút (4)
Theo tường trình của Leclerc VM được giúp đỡ nhiều, trước đó họ cũng đã được người Trung hoa và các phái bộ Mỹ giúp về quân sự, chính trị. Họ tuyên truyền mạnh và cả hăm dọa nên số người theo rất đông
Từ đầu tháng 4, quân Pháp lần lượt thay thế quân Tầu tại miền Bắc phía trên vĩ tuyến 16. Từ tháng 4 tới tháng 6-1946 Pháp thương thuyết với VM để giải quyết tình hình bằng ngoại giao, chính trị. Hội nghị Đà Lạt ngày 17-4 không có kết quả, Hồ chí Minh cùng Tướng Salan sang Pháp theo lời mời của chính phủ Pháp từ 22-6 tới 27-7-1946. Ngày 6-7 khai mạc Hội nghị Fontainebleau , hai bên căng thẳng, phái đoàn VN bỏ ra về phản đối Pháp không thực lòng
Hồ Chí Minh ở lại ký bản tạm ước với Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại để hoãn binh. Tình hình căng thẳng giữa Việt Minh và Pháp, nhân vụ nổ súng giữa các đơn vị VM và Pháp tại Hải phòng ngày 20-11-1946, thực dân chiếm luôn thành phố này hôm 23-11.
Leclerc từ chức Tư lệnh từ tháng 7-1946 nhưng vì tình hình căng thẳng, chính phủ Pháp cử ông sang Đông Dương điều tra ngày 18-12 nhưng đã quá trễ, hôm sau ngày 19-12-1946 chiến tranh toàn quốc bùng nổ khi VM tấn công quân Pháp tại Hà nội. Tình hình hai bên đã quá căng thẳng từ nhiều ngày trước.
Quân Pháp tại phía trên vĩ tuyến 16 có hơn một sư đoàn không đủ để bình định hết miền Bắc mà chỉ đủ giữ các thành phố. Trong mấy tháng đầu năm 1947 Pháp giải tỏa quốc lộ 5 nối Hà Nội Hải Phòng.
Chiếm Phủ lý 6-1-1947. Từ Đà Nẵng tiến ra Huế giải tỏa đơn vị Pháp bị vây tại đây, chiếm Quảng Trị ngày 18-2, chiếm Đồng Hới đầu tháng 3. Chiếm nhanh chóng mỏ than Hòn Gay. Chiếm các miền Thái thuộc Sơn La Lai Châu.
Đầu tháng 4-1947 tân Cao ủy Bollaert vận động thương thuyết với VM nhưng bất thành và chuyển sang tiếp xúc với Bảo Đại lập chính phủ Quốc gia chống Cộng Sản từ tháng 9-1947. Cựu hoàng ở Hồng kông hướng các hoạt động chính trị về quốc nội.
Tháng 10-1947 Pháp mở cuộc tổng tấn công qui mô lên miền rừng núi Việt Bắc để tiêu diệt chủ lực quân VM tại đây. Họ huy động 20 tiểu đoàn bộ binh và nhẩy dù có chiến xa yểm trợ. Trung Tướng Salan chỉ huy tổng quát chiến dịch: cánh thứ nhất từ Hà nội chiếm Sơn Tây, Hưng Hóa, Phủ Đoan Hùng, cánh thứ hai dọc theo quốc lộ 4 chiếm Thất Khê, Đông Khê. Giữa hai gọng kìm này là những cánh quân nhẩy dù chiếm Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang ngày 13-10-1947, trong cuộc nhẩy dù xuống Bắc Cạn, Pháp đã bắt hụt Hồ chí Minh. Ngoài ra còn những nỗ lực phụ chiếm Tây Bắc Việt Bắc, chiếm Phong Thổ, Chapa. Cuộc hành quân không tiêu diệt được chủ lực quân VM vì họ né tránh để bảo toàn lực lượng. Sau đó Pháp rút về đồng bằng chỉ để lại quân tại vùng Đông Bắc Việt Bắc tại khu tam giác Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn.
Sang năm 1948, Pháp mở rộng vùng chiếm đóng tại Quảng Yên, Kiến An, Hà Đông, Ninh Bình, chiếm đóng Sơn Tây và Việt Trì. Phía VM mở rộng hoạt động du kích, quấy phá đồn bót, phục kích công voa.
Pháp kiểm soát được Nam việt nhưng vùng Đồng Tháp Mười, U Minh Thượng, U Minh Hạ, Tây bắc Thủ Đầu Một… vẫn thuộc VM. Ngày 1-3- 1948 VM phục kích tiêu diệt đoàn công voa Pháp, tiêu diệt 70 xe gần La Ngà trên Quốc lộ 20. Các tỉnh Quảng Nam , Quảng Ngãi và Bình Định ở trong tay VM vì Pháp không đủ quân số để chiếm toàn thể lãnh thổ
Sang năm 1949 tháng 7 và tháng 8 Pháp mở các cuộc hành quân chiếm Bắc Ninh, Vĩnh Yên, Phúc Yên; tháng 9 chiếm Phát Diệm và Bùi Chu.
Năm 1950 tình hình biến chuyển mau lẹ, gió đã đổi chiều khi Trung Cộng chiếm trọn vẹn nước Tầu. VM được họ tiếp tế vũ khí đạn dược ồ ạt và huấn luyện tại biên giới. Trung Cộng giúp VM thành lập hai sư đoàn đầu tiên 304, 308 bằng kết hợp các trung đoàn chủ lực tại BV và Trung Việt. VM đã đủ mạnh và bước sang giai đoạn cầm cự , tháng 9-1950 họ mở chiến dịch chiến dịch Lê Hồng Phong vào vùng Tam Đảo, uy hiếp Lào Kay, và mở chiến dịch Hoàng văn Thụ chiếm Đông Khê trên quốc lộ 4 khiến Cao Bằng bị cô lập.
Trước tình hình biến chuyển, chính phủ Pháp cử Tướng Revers, Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp sang Đông Dương nghiên cứu tình hình. Revers đề nghị với chính phủ cho rút khỏi Cao Bằng và được chấp thuận, đáng lẽ thực hiện sớm cuối năm 1949 nhưng vì để trễ tới cuối năm 1950 nên đã bị thảm bại.
Tháng 10-1950 VM đánh thắng trận lớn đầu tiên mà họ gọi là chiến thắng Cao Bắc Lạng. Tại trận này quân Pháp rút bỏ Cao Bằng bị chận đánh tan nát
Giữa tháng 10-1950 Pháp bỏ Lào Kay rút về Lai châu, bỏ Hòa bình.
Hạ tuần tháng 12-1950 Chính phủ Pháp cử Đại tướng De Lattre de Tassigny sang giữ chức Cao ủy kiêm Tổng Tư lệnh quân đội viễn chinh. Ngay từ giai đoạn này quân số VM đông hơn Pháp tại miền Bắc Pháp có khoảng 23 tiểu đoàn, VM có khoảng 70 tiểu đoàn, miền Trung Pháp 14, VM 18…Tháng 3-1951 De Lattre về Pháp xin tăng viện và được chấp thuận 11tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn thiết giáp, 4 tiểu đoàn pháo binh, 2 tiểu đoàn công binh, 1 tiểu đoàn truyền tin (5)
De Lattre là người có quyết định táo bạo tại trận Vĩnh Yên khi cho lệnh ném bom napalm ngay giữa mặt trận, ông quyết định nhanh chóng đã thắng lớn trong trận này. Đầu năm 1952 De Lattre về Pháp chết vì bệnh ung thư.
Tháng 1-1951 VM đã thành lập được 5 sư đoàn bộ binh (304, 308, 312, 316, 320) và một sư đoàn pháo binh (351), họ có 81 tiểu đoàn bộ binh 12 tiểu đoàn pháo binh, 8 tiểu đoàn công binh.
Các trận đánh quan trọng và các chiến dịch lớn gồm:
Trận Cao Bắc Lạng
Từ giữa và cuối 1949, Trung Cộng thắng thế tại Hoa lục, tình hình biến chuyển, chính phủ Pháp cử Tướng Revers sang Đông dương nghiên cứu tình hình, ông đề nghị rút bỏ Cao bằng . Nếu thực hiện cuối 1949 thì thuận lợi nhưng vì để tới gần cuối 1950 mới cho rút nên đã thảm bại. Trận đánh kéo dài từ từ 29-9 tới 7-10-1950, toàn bộ quân Pháp triệt thoái gồm 7,000 người. Đại tá Charton chỉ huy đạo quân rút khỏi Cao Bằng về Đông Khê. Đại tá Lepage chỉ huy một lực lượng khoảng 5 tiểu đoàn để tái chiếm Đông Khê. Cả hai cánh quân bị một lực lượng lớn của VM khoảng 30 tiểu đoàn chận đánh tan nát.
Tổng cộng Pháp mất hai liên đoàn phải bỏ Lạng Sơn. Trận đánh rung động cả nước Pháp, thiệt hại trên 7,000 người vừa bị giết vừa mất tích, mất 13 khẩu đại bác 105 ly, 125 súng cối, gần 500 xe cộ, 3 chi đội thiết giáp, 940 đại liên, 1,200 trung liên và trên 800 súng trường . Số vũ khí này VM có thể trang bị cho 5 trung đoàn bộ binh (6)
Trận Vĩnh Yên từ 13-1-1951 tới 17-1-1951
Sau trận thảm bại Cao Bắc Lạng, ngày 7-12-1950 chính phủ Pháp hốt hoảng cử Tướng De Lattre De Tassigny sang Đông Dương vào lúc này người Pháp đang mât tinh thần. Ông vừa làm Cao ủy vừa giữ chức Tư lệnh quân viễn chinh, lần đầu tiên một Tướng lãnh chỉ huy cả dân sự và quân sự. De Lattre tới Đông Dương ngày 17-12-1950 để cứu vãn tình thế và cũng để rửa hận cho trận thảm bại nhục nhã Cao -Bắc- Lạng cách đây hai tháng.
Tân Tư lệnh dám quyết định những việc mà các Tư lệnh trước không ai dám làm như tập trung xử dụng những người dân sự Pháp để đảm nhiệm canh phòng thay thế cho người lính để ra trận (7)
Sau trận đại thắng Cao Bằng mới đây, Việt Minh thừa thắng sông lên đem binh về “lấy nốt Thăng Long”. Ngày 10-1-1951 Võ Nguyên Giáp đưa hai sư đoàn 308, 312 chuẩn bị một cuộc tấn công lớn tại Vĩnh Yên gần Hà Nội và Châu thổ Bắc Việt. Việt Minh giải truyền đơn ní “Bác Hồ về Hà Nội ăn Tết”, tình báo Pháp đã biết VM tập trung quân ở đâu và mục tiêu chọn vào ngày nào.
Lần đầu tiên trong chiến tranh Đông Dương Pháp được đánh một trận diện địa chuẩn bị trước. Võ Nguyên Giáp được cố vấn Tầu dậy cho lối đánh biển người, đẩy thanh niên vào tử địa. Trận đánh diễn ra tại một vùng đồi trọc chiều ngang 12 km, dọc 10 km, phía Bắc tỉnh lỵ Vĩnh Yên. VM tập trung quân tại vùng núi Tam Đảo, lực lượng VM gồm 2 sư đoàn 308, 312; Pháp gồm hai liên đoàn: liên đoàn bắc phi của Đại tá Edon, liên đoàn 3 của Đại tá Vanuxem đóng tại các đồn phía Tây để ngăn chận VM.
Ngày 13-1 Giáp cho tấn công chia cắt hai liên đoàn Pháp, Võ Nguyên Giáp gần hoàn thành lời hứa, Hà Nội mất tinh thần, bao chí Paris đăng tin Hà Nội sắp mất.
De Lattre bèn đích thân chỉ huy trận đánh. Ngày 14-1-1951 ông bay tới Vĩnh Yên, cho trưng dụng tất cả máy bay chở quân trừ bị từ miền nam VN ra Bắc, và cho tiếp tế từ Hà nội, từ miền Bắc. De Lattre lệnh cho hai lữ đoàn chiếm các ngọn đồi phía bắc Vĩnh Yên. Ngày 16-1 lúc 15 giờ Pháp chiếm lại đồi 101, 210, lúc 17 giờ sư đoàn 308 tập trung tấn công mạnh, lần đầu tiên quân Pháp đối diện với trận đánh biển người.
VM xung phong hết lớp này đến lớp khác cùng với yểm trợ của súng cối, hai bên đã trộn trấu. De Lattre có một quyết định thật táo bạo, ông huy động hàng trăm máy bay oanh tạc cơ và vận tải ném bom napalm, đây là trận oanh tạc lớn nhất trong chiến tranh Đông Dương, lửa cháy ngút trời giết hại đối phương và hy sinh cả binh sĩ của Pháp.
Với lối đánh táo bạo, dũng mãnh, De Lattre đánh cho Võ Nguyên Giáp và các cố vấn Tầu tả tơi, VM bị thiệt hại nặng, 6,000 bị giết, bị thương 8,000, 500 bị bắt làm tù binh, Pháp tổn thất một nửa.
VM trộn trấu tưởng là Pháp sẽ không dám pháo hay oanh tạc nhưng không ngờ De Lattre táo bạo, thí quân cả hai bên. De Lattre tung vào trận địa các đơn vị trừ bị trưa 17-1 và cho ném bom napalm đã đẩu lui những đợt tấn công cuối cùng của VM.
De Lattre đã cứu được Vĩnh yên và Hà Nội, ông cho tổ chức duyệt binh để trấn an dân chúng. Sau đó Pháp củng cố phòng thủ chờ VM. De Lattre gấp rút cải tổ quân đội và thành lập nhiều liên đoàn lưu động tại BV để phòng thủ chống VM. (8)
Võ Nguyện Giáp thất bại nặng ở Vĩnh Yên, ngày 23-1 ông ta nhận sai lầm, cũng lên án các chiến binh thiếu can đảm, hèn nhát và ca ngợi dân công đã mang tới mặt trận 5,000 tấn thực phẩm, súng đạn (9)
Trận Mạo khê.
Tháng 3-1951 Tướng Giáp cho mở trận tấn công định chiếm vùng núi Đông triều ở Tây Bắc Hải Phòng. Pháp có ba căn cứ bảo vệ khu quân sự Mạo Khê: Một đồn trên đồi mỏ Mạo Khê, một đơn vị chiên xa đóng tại khu phố Mạo Khê, một đại đội đóng tại nhà thờ Mạo Khê, tổng cộng 400 người.
Phía VM gồm sư đoàn 308, 312, 316, đêm 23-3 VM tấn công hạ 7 đồn dọc theo tỉnh lộ 18. Đêm 26-3 De Lattre tiên đoán VM sẽ tấn công đồn Mạo Khê, ông huy động gửi 3 tiểu đoàn tới, cho hải đoàn xung phong vào sông Bạch đằng yểm trợ hải pháo. Một giờ khuya 27-3 VM pháo kích, tấn công đồn mỏ Mạo Khê, sau nhiều đợt tấn công nhưng binh sĩ trong đồn chống cự và đẩy lui các đợt xung phong.
Mười giờ sáng VM tấn công đồn và cả khu nhà thờ Mạo khê, quân Pháp có máy bay và hải quân yểm trợ nhưng VM rất đông, một máy bay Hellcat bị bắn hạ. Tối 27-3, VM mở cuộc tấn công chót vào đồn và khu phố Mạo khê, phá hủy ba chiến xa Pháp. Sáu giờ sáng VM rút lui và không chiếm được mục tiêu.
VM có 500 người bị giết, Pháp khoảng 200, đây là trận thứ hai của VM đánh vào đồng bằng, De Lattre coi đây là chiến thắng quan trọng.
De Lattre sang Đông dương từ đầu năm 1951 tới nay được gần nửa năm đã phải đương đầu với hai trận lớn của VM. Sau trận thảm bại Cao Bắc Lạng, quân Pháp mất tinh thần nhưng De Lattre với chiến thuật táo bạo, dũng mãnh đã chuyển bại thành thắng nâng cao tinh thần chiến đấu quân sĩ. Ông cho lập phòng tuyến bảo vệ châu thổ BV, chuyển bớt các đơn vị đóng đồn không cần thiết thành những đơn vị lưu động.
Trận Bờ sông Đáy. (10)
Trận qui mô được Tướng Giáp chuẩn bị chu đáo phía VM đưa vào ba sư đoàn 304, 308 và 320, Pháp cũng huy động lực lượng lớn gồm: 3 liên đoàn lưu động, một liên đoàn thiết giáp, hai tiểu đoàn nhẩy dù, 3 hải đoàn, 4 tiểu đoàn pháo, 30 chiến đấu cơ. Một trận đánh kéo dài 26 ngày trên một chiến tuyến dài 80km gồm nhiều giai doạn. Sư đoàn 308 đánh Ninh Bình, sư đoàn 304 đánh Phủ lý, sư đoàn 320 đánh vào giáo khu Phát Diệm phía nam Ninh Bình.
Gồm có 4 trận:
1- Ninh Bình (29-5 tới 30-5)
2- Yên Cư Hạ (4-6 tới 18-6)
3- Phát Diệm (8-6 tới 9-6)
4- Đông bắc Phủ lý (20-6 tới 23-6)
Tại trận Ninh bình VM để lại 350 xác chết , 153 súng trường, 40 tiểu liên, 12 trung liên, 2 đại liên, 9 súng cối. Phía người Pháp chết và bị thương 1,000 người, nhiều đại bác bị phá hủy, các tầu chiến bị hư hại, con trai De Lattre tử trận tại đây.
Trận Yên Cư Hạ từ 4-6 tới 18-6-1951, đây là một đồn kiên cố, xây bằng bê tông, có hàng rào kẽm gai. Tại trận này VM chết 200 người, hai đại đội Pháp giữ đồn chỉ còn vài chục người sống sót.
Trận Phát Diệm từ 8-6 tới 9-6. Sư đoàn 320 vào giáo khu Phát Diệm, uy hiếp tinh thần, phô trương lực lượng.
Trận Đông Bắc Phủ lý từ 20-6 tới 23-6. Trận phản công qui mô của Pháp vào vùng Phủ lý, Ninh bình, VM bị thiệt hại rất nhiều.
Qua các trận đánh thấy VM chưa thể thắng ở đồng bằng nhưng địch đã mạnh hơn trước. Hai bên tổn thất nặng. Pháp huy động nhanh các lực lượng tiếp viện hải, không quân.
Trận Hòa Bình
Tháng 9-1951, De Lattre chuẩn bị đánh Thanh Hóa nhưng đoàn tầu chở quân gặp bão nên phải quay về. De Lattre đổi ý cho đánh chiếm Hòa Bình, ông huy động 15 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn nhẩy dù, 2 liên đoàn thiết giáp, 7 tiểu đoàn pháo binh, 2 tiểu đoàn công binh, 2 hải đoàn xung phong . Cuộc hành quân Hòa Bình ngày 9-11-1951 gồm 3 lực lượng và chiếm tỉnh dễ dàng. VM huy động các sư đoàn 304, 308, 312 tới mặt trận.
Đầu tháng 12 VM gây áp lực quanh Hòa Bình qua trận Tu Vũ, Xóm Phèo, họ chiếm được đồn nhưng bị thiệt hại nặng, VM phục kích đoàn tầu trên sông và bộ binh Pháp trên đường số 6, tại trận Xóm Phèo VM thiệt hại nhiều.
Salan thay thế De Lattre cho rút khỏi Hòa Bình, giữ Hòa Bình bất lợi vì địch có cao xạ bắn chính xác những máy bay hạ cánh, phục kích đoàn tầu. Binh lính hay bị sốt rét, chiến trường rừng núi không thích hợp với Pháp. Ngày 22-2-1952 bắt đầu rút để lo bảo vệ đồng bằng, tới 24-2 cuộc triệt thoái coi như chấm dứt.
De Lattre chuyển bại thành thắng, lên tinh thần quyết tâm đánh Hòa Bình nhưng tại rừng núi nhiều bệnh tật, Pháp thua VM tại rừng núi nhưng thắng tại đồng bằng. Lên rừng mất ưu thế không quân, binh sĩ không chịu nổi khí hậu rừng núi. Hòa Bình là một thất bại cho Pháp
Trận Miền Thái từ 11-10-1952 tới 1-12-1952. Xứ Thái gồm Sơn La, Lai Châu. Lực lượng VM tấn công xứ Thái gồm các sư đoàn 308, 312, 316, sư đoàn pháo 351 và các đơn vị công binh. Ngày 17-10 sư đoàn 308 đánh đồn Nghĩa lộ trong đó có 700 quân Pháp, VM pháo dữ dội rồi xung phong chiếm đồn bắt nhiều tù binh. Các đồn ở miền này bị đánh, chiếm, VM làm tan rã hệ thống phòng thủ dọc sông Hồng.
Hành quân Lorraine .
Pháp mở cuộc hành quân Lorraine ngày 29-10-1952 nhằm tấn công các tuyến giao thông, cơ sở VM tại Việt Bắc. Trung Tướng Salan lên làm Tư lệnh thay thế De Lattre, ông giao cho Tướng Linares (Tư Lệnh BV) chỉ huy và điều động chiến dịch gồm 4 liên đoàn lưu động, 3 liên đoàn nhẩy dù, 2 tiểu đoàn bộ binh, 2 liên đoàn thiết giáp, 2 hải đoàn xung phong, 2 tiểu đoàn pháo, tổng cộng 30,000 người.
Pháp tảo thanh một vùng rộng lớn giữa sông Hồng và sông Đáy. Bộ chỉ huy đóng tại Việt Trì. Ngày 9-11 các tiểu đoàn nhẩy dù xuống bao vây Phủ Đoan, thị trấn bỏ ngỏ, Pháp chiếm được một kho quân nhu lớn. Ngày 14-11 tới Phủ Yên Bình cách Phủ Đoan 60 km về hướng Bắc không gặp kháng cự, không gặp người dân nào. Pháp mệt mỏi phải rút, VM cho 2 trung đoàn về đối phó. Ngày 17-11 Pháp lọt ổ phục kích VM dài 4km tại thung lũng Chấn Mương từ sáng tới 4 giờ chiều, Pháp nhờ không quân yểm trợ mới thoát ra khỏi, Pháp thiệt hại gần một tiểu đoàn
Pháo Lũy Nasan.
Trong khi ấy, Salan cho lập pháo lũy Nasan, ông chủ trương lập những cứ điểm mạnh dựa trên các sân bay hơn là mở những cuộc hành quân phiêu lưu.
Nasan là một thung lũng dài 2km, ngang 1km, xung quanh có 24 ngọn đồi. Một vị trí chiến lược quan trọng giữa các đường tiến quân tại miền Thái, các ngọn đồi ngăn chận đường tiến quân VM, mục đích của chiến lũy.
1- Để đón các toán quân Pháp rút từ các đồn bị cô lập ở Tây Bắc và Đông Nam
2- Ngăn chận VM tiến về Lai Châu
3- Tiêu diệt chủ lực quân VM nếu họ tấn công
Mặt trận Pháp bị chia làm hai, một ở Nasan và một ở Lai Châu. Pháo lũy Nasan thiết lập đầu tháng 11-1952, được tăng cường ngày 1-11 khi các đơn vị Thái được đưa về đây, một liên đoàn lưu động VN được chở tới bằng máy bay. Ngày 21-11 có ba tiểu đoàn nhẩy dù các pháo đội được đưa tới. Cuối tháng 11-1952 pháo lũy Nasan gồm tổng cộng 10 tiểu đoàn trong đó có lính nhẩy dù, bộ binh, các tiểu đoàn Thái. Ngoài ra còn một tiểu đoàn công binh, một tiểu đoàn pháo binh với 5 pháo đội, 2 chi đoàn thiết giáp, di chuyển khó khăn, bị hạn chế nên chỉ có 10 quân xa tiếp tế, tải thương. Đại tá nhẩy dù Gilles được giao chỉ huy mặt trận này.
VM tấn công đêm 23-11-1952 nhưng bị đẩy lui, đêm 30 rạng 1-12 VM thật sự tấn công lớn nhưng thất bại. Đêm 1 rạng 2-12 VM mở cuộc tấn công quyết liệt suốt đêm, họ chiếm được hai điểm tựa 21bis và 22 bảo vệ sân bay. Pháo binh Pháp bắn liên tục, trận đánh kéo dài tới hôm sau. Pháp cho nhẩy dù xuống đỉnh đồi mới giải tỏa được , VM bỏ lại hơn 600 xác chết và tịch thu được nhiều súng, trận này VM bị thiệt hại nặng, sau đó VM chỉ pháo kích chứ không đánh. Tổng kết mặt trận Nasan Pháp cho biết VM bị mất 5,000 người. Trận miền Thái chấm dứt, Pháp giữ được Lai Châu, Nasan. Người Pháp cho rằng việc thiết lập pháo lũy Nasan là tốt và sau đó họ thiết lập thêm pháo lũy tại cánh đồng Chum, tại Séno, và cuối cùng tại Điện Biên Phủ đưa tới thất bại.
Điện Biên Phủ.
Tháng 5-1953, chính phủ Pháp cử Đại Tướng Henri Navarre sang làm Tư lệnh Đông Dương thay Trung tướng Salan để cứu vãn tình hình quân sự tại đây. Ông cho lập một chiến lũy, một căn cứ lớn tại ĐBP.
Theo Navarre (11) mục đích cho đóng quân tại đây để ngăn chận VM tiến đánh Thượng Lào và tạo mặt trận lớn để địch không đánh châu thổ BV. ĐBP là một khu lòng chảo có núi đồi bao quanh, là một cánh đồng dài 12 km rộng 9 km. Những đỉnh núi cao cách phi trường từ 10 tới 12 km, sẽ thiết lập đồn lũy quanh đó. Khoảng cách này ngoài tầm pháo của địch.
Chiến lũy ĐBP được xây dựng theo kiểu pháo lũy Nasan năm trước, Pháp tin tưởng cũng sẽ chống lại VM hữu hiệu và gây thiệt hại nặng cho đối phương. Navarre cho lập chiến lũy ngoài những mục tiêu kể trên còn để dụ VM lại giết một mẻ lớn làm suy yếu đối phương vì họ nay đã đông, mạnh hơn trước (12). ĐBP cách châu thổ BV 200 km, cách biên giới Tầu 300 km, cách Hà Nội 300 km.
Ngày 13-3-1954 trận đánh khởi đầu, Pháp có 12 tiểu đoàn, trong khi chiến trận diễn ra, Pháp cho nhẩy dù thêm 5 tiểu đoàn, tổng cộng toàn bộ vào khoảng 15,000 người. Phía VM tổng cộng có 5 sư đoàn chính qui vào khoảng 50,000 người, chưa kể 25,000 dân công tiếp tế . VM có 600 xe vận tải chở đạn dược tiếp liệu từ Trung Cộng sang ĐBP.
ĐBP chia làm ba khu, phía Bắc gồm hai căn cứ tại hai ngọn đồi, khu Trung ương gồm 5 trung tâm kháng cự và khu Isabelle ở phía Nam .
Hai tiền đồn phía bắc bị thất thủ vào ngày 13 và 14-3 sau một ngày giao chiến, hỏa lực địch quá mạnh, sau ngày 26-3 chỉ tiếp tế được bằng thả dù, số phận ĐBP đã được định đoạt. Tổng thống Eisenhower và các cố vấn đã nghiên cứu kế hoạch cứu nguy ĐBP bằng oanh tạc ồ ạt, Tòa Bạch ốc đã thảo luận, dự định trong suốt tháng 4-1954 nhưng kế hoạch bất thành.
Trận đánh kéo dài từ ngày 13-3 tới ngày 7-5 thì ĐBP thất thủ, 11 ngàn quân Pháp bị bắt làm tù binh, trên 2,000 bị giết chưa kể trên 2,000 mất tích, VM thiệt hại khoảng 10,000 người.
Pháp thảm bại vì lực lượng địch đông gấp 4 lần, hỏa lực phòng không và pháo binh của VM do Trung Cộng cung cấp rất mạnh. Ngoài ra không quân Pháp thiếu khả năng yểm trợ cho một trận đánh quá lớn. Navarre chưa có kinh nghiệm về Đông Dương đã sai lầm cho lựa chọn trận đánh tại một địa điểm xa xôi chỉ tiếp tế được bằng máy bay mà thực ra không quân Pháp quá yếu, toàn chiến trường Đông Dương họ chỉ có chưa tới 200 máy bay.
ĐBP là trận đánh lớn nhất và quan trọng nhất trong cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất đồng thời cũng là một trong những trận đánh quan trọng trên thế giới.
Tình hình chính trị
Việt Minh tổng khởi nghĩa cướp chính quyền 19-8. Ngày 25-8-1945, vua Bảo Đại thoái vị, ông được Hồ chí Minh mời làm cố vấn. Tháng 9-1946 ông được đưa qua Trùng Khánh để tiếp xúc với Tưởng Giới Thạch, sau đó Cựu hoàng bỏ trốn qua Hồng Kông.
Khi đã chiếm được được các thành phố tại Trung châu Bắc Việt, Trung Việt, các tỉnh cao nguyên, Nam Bộ. Pháp bằt đầu chiêu dụ dân chúng, đón tiếp người hồi cư, trả lương cho công chức. Dân tản cư kéo về ngày một đông hơn, dân quê có, dân tỉnh hồi cư cũng có, họ không tin tưởng vào cuộc kháng chiến gian khổ và đẫm máu của Việt Minh.
Người Pháp tính tới việc dùng chiến tranh tâm lý, chính trị để tranh thủ nhân tâm, họ cần một người ôn hòa, thân Pháp, được toàn quốc biết tới, giúp họ để chiêu dụ người dân. Cựu hoàng Bảo Đại là người đủ điều kiện và có thẩm quyền nhất, ông đã là vua, được nhân dân kính trọng, có tinh thần quốc gia và công nhận quyền lợi của người Pháp. Họ nghĩ tới cựu hoàng Bảo Đại và tìm cách mời ông về nước. Báo Thời sự ở Hà Nội đưa ý kiến thỉnh cựu hoàng hồi hương lãnh đạo phong trào Quốc gia chống Cộng và dành độc lập.
Nhiều cuộc biểu tình khá lớn để ủng hộ và yêu cầu cựu hoàng về nước cứu vãn thời cuộc như tại Huế ngày 12-8-1947, ở Hà nội ngày 1-9-1947 và cả Sài Gòn (13). Ngài đã là vua nay đứng đầu nước là lẽ tự nhiên , năm 1945 Ngài thoái vị để tránh đổ máu để bây giờ đất nước bị chiến tranh tàn phá.
Giải pháp Bảo Đại được nêu ra từ đầu 1947 nhưng hai năm sau mới thực hiện được.
Nhiều nhà cách mạng lưu vong taị Hồng Kông đề nghị cựu hoàng về gánh vác việc quốc gia, người Pháp cũng liên lạc với ông đề nghị tương tự nhưng ông vẫn dè dặt. Bảo Đại tuyên bố với phái đoàn quốc nội ra mời Ngài về nước, ông nói tôi vì hạnh phúc của dân mà thoái vị, nay nếu nhân dân lại muốn tôi giúp nước và điều đình với Pháp tôi sẽ sẵn sàng nhận để đòi hỏi độc lập thống nhất cho Việt Nam.
Ngày 6-12-1947 Bảo Đại nhận lời mời của Cao uỷ Bollaert và gặp ông tại vịnh Hạ Long để trao đổi nhận xét tình thế rồi lại về Hương Cảng. Ngày 19-12-1947 một phái đoàn gồm ông Nguyễn Văn Xuân, Trần Văn Hữu sang Hương Cảng thúc dục Cựu hoàng về lãnh trọng trách, ông chấp nhận và nói còn phải sang Âu châu vận động.
Kế hoạch thành tựu, ngày mồng 5-6-1948 trên một chiến hạm tại vịnh Hạ Long, Bollaert nhân danh chính phủ Pháp long trọng tuyên bố nước Việt Nam độc lập trong Liên hiệp Pháp. Cựu hoàng Bảo Đại xác nhận chính thức việc điều đình với Pháp trên căn bản đó và công nhận một chính phủ lâm thời do Thiếu tướng Nguyễn Văn Xuân điều khiển. (14)
Trong giai đoạn đầu chính phủ Quốc gia chưa có quyền, chỉ có tính cách tượng trưng, lo giúp dân hồi cư, mở trạm cứu thương, trường học, đáng kể là lập toà án, các đoàn cảnh vệ, trường Võ bị Huế, nơi huấn luyện sĩ quan Quốc Gia Việt Nam đầu tiên.
Ngày 8-3-1949 tại điện Elysée, Cựu hoàng và Tổng thống Pháp Vincent Aurilole trao đổi văn thư thừa nhận Việt Nam Độc Lập trong Liên Hiệp Pháp. Ngày 14-6-1949 Quốc Trưởng Bảo Đại hiệu triệu quốc dân tại toà Đô sảnh Sài Gòn sau khi miền Nam sáp nhập vào lãnh thổ Quốc gia, Cựu Hoàng kêu gọi nhân dân hãy đồng tâm nhất trí. Người dân cho rằng Pháp trả được phần nào hay phần nấy, nay Ngài đã về y như nhà có nóc.
Chính phủ Bảo Đại chấp chính từ tháng 7-1949 đến đầu năm 1950, kế đó là các chính phủ Nguyễn Phan Long 1950, Trần Văn Hữu 1950-1951. Chế độ không có hiến pháp mà chỉ có hai đạo dụ ngày 1-7-1949 về tổ chức công quyền. Quốc trưởng có quyền lập pháp, ban hành đạo dụ, Thủ tướng được ủy nhiệm do Quốc trưởng bổ nhiệm.
Từ 1947, cách đây hai năm, sau khi Pháp mở rộng các khu vực chiếm đóng tại các thành phố miền Bắc và Trung bộ, người dân trong vùng Việt Minh đã trở về các thành phố ngày một đông. Cửa hàng cửa hiệu đã đầy hàng hóa nhập cảng, Pháp tạo không khí sinh hoạt ổn định và lấy lòng dân. Nay Cựu hoàng về nước trị vì đã gây được niềm tin tưởng nơi người dân y như nhà có nóc mà núp, có cột mà dựa. Từ đấy dân chúng hồi cư tấp nập về thành thị, trong tháng 7-1949 mỗi ngày có vài nghìn người, riêng ngày 30-10 tại Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây số người trở về lên tới 35,000 người. Quân Pháp lan tràn kiểm soát vùng duyên hải đông dân như Bùi Chu, Phát Diệm ngày 16-10-1949. Công chức kéo về rất nhiều, chính giới Pháp Việt đã cho giải pháp Bảo Đại đem lại thắng lợi trước cảnh hồi cư đông đúc tại nhiều tỉnh miền Bắc, người dân bỏ già Hồ về với Cựu hoàng.
Diện tích vùng thuộc Pháp tại Trung châu tăng lên gấp ba, số ruộng cầy cấy tăng lên nhiều. Gạo xuất cảng từ 59,000 tấn năm 1945 tăng lên 379,000 tấn năm 1950, nhân công dồi dào, an ninh bảo đảm hơn, các ngành sản xuất than đá, vải sợi, xi măng, đường… đều tiến bộ. Trị giá nhập cảng năm 1946 là 16 tỷ đồng quan Pháp đến năm 1949 tăng lên 73 tỷ đồng. Hàng hoá tràn ngập các cửa tiệm, chợ búa, các ngành sản xuất cũng tiến hẳn lên, lương bổng công tư chức khá cao. Cựu hoàng về nước đem theo nhiều thuận lợi, vùng chiếm đóng nay là vùng Quốc Gia mở rộng dễ dàng, Việt Minh chỉ đột kích, khủng bố chưa có trận đánh lớn. (15)
Từ 1949, chính phủ Quốc Gia Việt Nam đã được một số khá đông các nước công nhận và đã bắt đầu bước vào chính trường ngoại giao, đã được gia nhập trên 30 cơ quan quốc tế với tư cách hội viên: Ủy hội kinh tế Viễn đông Ecafe, Tổ chức Y tế quốc tế, Lao động quốc tế, Lương nông Quốc tế, Văn hóa Quốc tế Unesco… Hoa kỳ đã đặt Phái bộ viện trợ quân sự từ ngày 6-3-1950, viện trợ thương mại từ tháng 7-1950, đã ký kết hiệp ước tương trợ Việt Mỹ.
Quân đội Quốc gia được thành lập và phát triển nhanh, năm 1950 mới có 5 tiểu đoàn, năm 1951 tăng lên 26 tiểu đoàn, năm 1953 lên 6 sư đoàn gồm 167,000 binh sĩ và 3,500 sĩ quan, lương bổng do chính phủ trả tượng trưng một ít còn lại do Mỹ đài thọ. Cấp chỉ huy được đào tạo tại các trường võ bị, trường Võ bị Liên quân Đà Lạt khai giảng 5-11-1950, trường Quân y thành lập 7-8-1950, trường Không quân thành lập 24-6-1951, trường Hải quân từ 1-1-1952. Các tổ chức quân sự khác cũng được thành lập như Toà án quân sự ngày 22-11-1951, Bộ Tổng Tham Mưu ngày 12-4-1952. Nhiều luật lệ quân sự được ban hành : Qui chế Quân đội Dụ số 1 ngày 30-1-1051, Bộ Quân luật Dụ số 8 ngày 14-4-51, Chế độ Quân dịch Dụ số 29 ngày 29-6-53.
Tổ chức Tư pháp và các Toà án Việt nam do Dụ số 4 ngày 18-10-1949, Qui chế các thẩm phán, do các Sắc lệnh ngày 1-12-1950, Toà án Hành chánh được thiết lập từ 5-1-1950.
Hành chánh địa phương: Các Hội đồng đô thành, thành phố và thị xã được tổ chức từ 1952.
Các tổ chức chuyên môn hành chánh như Viện thống kê ngày 10-12-1949, Việt Nam thống tấn xã ngày 22-1-1951, Quốc gia kiến ốc cục 15-6-1951, Sổ số kiến thiết Quốc gia 16-8-1951, Sở Du lịch Quốc gia 5-6-1951, Công ty hàng không 30-10-1951, Trường Quốc Gia Hành chánh 7-4-1952.
Giáo dục văn hoá: Trường Đại Học Văn Khoa, Sở Bảo tồn cổ tích ngày 4-1-1950, Trường Cao đẳng sư phạm 16-1-1950.
Kinh tế xã hội. Bộ Luật Lao động ban hành ngày 10-7-1952, Bộ luật cải cách điền địa ngày 4-6-53.
Qui chế nghiệp đoàn 16-11-1952; Qui chế Công chức Quốc gia Dụ số 9 ngày 14-7-1950; Qui chế các Hiệp hội Dụ số 10 ngày 6-8-1950; Qui chế Thể thao thanh niên Sắc lệnh 53 ngày 17-6-1950; Qui chế Hàng hải Dụ số 6 ngày 19-4-1951; Bộ luật thuế trực thu, gián thu Dụ số 4 ngày 13-4-1953….
Từ tháng 7-1949 đến tháng 7-1954 Quốc gia Việt Nam đã có 8 chính phủ và 5 vị Thủ tướng .
Chính phủ Bảo Đại Từ 1-7-1949 đến 22-1-1950, hơn 6 tháng
Chính phủ Nguyễn Phan Long từ 22-1-1950 đến 6-5-1950, hơn 3 tháng
Chính phủ Trần Văn Hữu từ 6-5-1950 đến 21-2-1951, 9 tháng rưỡi.
Chính phủ Trần Văn Hữu từ 21-2-1951 tới 7-3-1952, 12 tháng rưỡi.
Chính phủ Trần Văn Hữu 7-3-1952 tới 25-6-1952, 3 tháng18 ngày
Chính phủ Nguyễn Văn Tâm từ 25-6-1952 tới 8-1-1953, 6 tháng rưỡi
Chính phủ Nguyễn Văn Tâm từ 8-1-1953 tới 11-1-1954, 12 tháng 3 ngày
Chính phủ Bửu Lộc từ 11-1-1954 tới 7-7-1954, gần 6 tháng. (16)
Chính phủ Ngô Đình Diệm chấp chính từ ngày song thất 7-7-1954 đúng hai tháng sau ngày Điện Biên Phủ thất thủ, hai tuần trước Hiệp định Genève ký kết ngày 20-7, sau đó chính phủ Quốc gia rút vào Nam
Trong thời kháng chiến này người dân vùng thôn quê, thượng du vô cùng gian khổ, ban ngày quân Pháp hành quân bắn phá, cướp bóc hãm hiếp. Ban đêm VM về thu thuế, bắt bớ, thủ tiêu tình nghi phản động. Nhiều người trốn lên tỉnh để thoát khỏi cảnh một cổ hai chòng.
Giaỉ pháp Bảo Đại mang lại nhiều thành quả tốt đẹp, người dân từ các vùng lửa đạn đã trốn về thành, họ không tin tưởng cuộc kháng chiến đầy máu lửa của VM. Quốc trưởng Bảo Đại đã xây dựng được nền móng cho chính phủ Quốc gia Việt Nam , tiền thân của Việt Nam Cộng Hòa sau này. Người Pháp ngoan cố theo đuổi chính sách thuộc địa lỗi thời không những bị người bản xứ chống đối mà cả Hoa Kỳ và chính phủ Tưởng Giới Thạch đều không muốn Pháp trở lại Đông Dương.
Cuộc chiến đẫm máu tám năm khói lửa từ cuối năm 1946, chấm dứt giữa năm 1954 đã khiến khoảng 300,000 thanh niên tử trận, 500,000 bị thương, thường dân có 150,000 người thiệt mạng. Quân đội Liên hiệp Pháp có 75,500 người tử trận, Quân đội QGVN có 419,000 người gồm cả chết, bị thương và bị bắt (18). Miền Bắc đã trở thành bãi chiến trường, nhiều thành phố, tỉnh lỵ trung du, đồng bằng bị tàn phá. Mấy năm sau miền nam cũng biến thành bãi chiến trường tàn khốc trong một cuộc chiến khác dài và đẫm máu hơn.
Chú thích
(1) Quân Sử 4, Quân lực VNCH Trong Giai Đoạn Thành Hình, Bộ TTM VNCH trang 11, 12
(2) Sách kể trên trang 95, 96
(3) Henri Navarre, Agonie de l’Indochine trang 15 nói chúng ta công nhận VN là một nước độc lập, có Quốc hội, Quân đội, Tài chính nằm trong Liên hiệp Pháp, đổi lại chúng ta được thay 200,000 quân Tầu bằng 15,000 quân Pháp phía trên vĩ tuyến 16
(4) Sách kể trên trang 17
(5) Quân sử 4 trang 46, 47, 48
(6) Quân sử 4 trang 124, Street Without Joy trang 32, 33
Trong bài Bataille de la RC4 (wikipedia) , Việt minh có 670 người bị giết, bị thương, Pháp 2,000 ngưòi tử thương, 3,000 bị bắt làm tù binh
(7) Street Without Joy trang 36
(8) Quân sử 125-128, Street Without Joy trang 37- 40
(9) Street Without Joy trang 40
(10) Quân sử 4 trang 133-144
(11) Henri Navarre, Agonie de l’Indochine , trang 188-200
(12) Bernard Fall, Hell In A Very Small Place , Preface trang ix
(13) Đoàn Thêm, Những Ngày Chưa Quên, Quyển thượng, 1939-1954, trang 144
(14) Sách kể trên trang 158, 160, 161
(15) Sách kể trên, trang 173,174
(16) Sách kể trên trang 206-210
(17) Henri Navarre, Agonie de l’Indochine trang 13
(18) Wikipedia, Yahoo.fr: Guerre d’Indochine
II. Nguyên nhân Điện Biên Phủ thất thủ
Nguyên nhân sụp đổ Điện Biên Phủ đã được nhiều người bàn luận từ thập niên 50 cho tới nay và người Mỹ vẫn viết về chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất 1946-1954 cũng như về trận đánh này.
Tôi xin đề cập tới ý kiến của giới quân sự, các nhà sử gia nghiên cứu để có thêm nhiều nhận định ngõ hầu soi sáng vấn đề
Trước hết ý kiến giới chức quân sự
Tướng Navarre. Ông được cử làm Tư Lệnh quân viễn chinh Pháp tại Đông Dương từ tháng 5- 1953 để cứu vãn tình thế trong khi Pháp suy yếu, Việt Minh (VM) ngày càng mạnh, họ kiểm siểm soát gần hết lãnh thổ Việt Nam. Đầu tháng 6-1954 ông được triệu hồi về Pháp sau khi Điện Biên Phủ thất thủ ngày 7-5-1954. Năm 1956, Navarre viết Agonie de l’Indochine, Đông Dương Hấp Hối để bào chữa cho ông và quân đội Pháp về nguyên do bại trận tại Điện Biên Phủ đồng thời cũng qui trách nhiệm cho chính phủ Pháp đã đưa tới sự hấp hối, sụp đổ cuộc chiến Đông Dương 1946-1954.
Sau khi ĐBP thất thủ, Navarre trả lời phòng vấn trong một cuộc họp báo, nhận trách nhiệm hoàn toàn về kế hoạch, quyết định tác chiến trong trận ĐBP (1)
Ông phủ nhận một số phán đoán cho rằng quyết định đánh ĐBP trái với ý kiến của của một số vị cấp bộ trưởng trong Chính phủ, các vị chỉ huy quân sự, một số thuộc cấp của ông.
Kế hoạch quân sự tại ĐBP của Navarre đã không hề bị một cấp chỉ huy quân sự nào chống lại. Bản kế hoạch này cũng đã được sự chấp thuận của Tướng Ely, Tổng tham mưu trưởng Bộ quốc phòng và Chủ tịch ủy ban các TTM. Không hề có thuộc cấp nào của ông trong Lục quân, Không quân- ít ra những người trực tiếp liên quan- phản đối.
Trong cuốn sách kể trên (2) Navarre đã nêu rõ những nguyên nhân thất thủ của ĐBP, trước hết ông đưa ra những lý do phụ, nhỏ như.
-Tổ chức phòng thủ, chỉ đạo cuộc chiến có thiếu sót sai lầm.
-Sự phân chia các trung tâm kháng cự trong khu lòng chảo cần thảo luận lại.
-Một số đơn vị tác chiến phẩm chất kém nhất là những tiếu đoàn người Thái đáng lý phải được thay thế trước khi xẩy ra trận đánh bằng những đơn vị thiện chiến hơn lấy từ Châu thổ BV.
-Một số địa thế không được bảo vệ đầy đủ và đủ sức chống lại đạn đại bác và súng cối nặng của địch.
-Việc xử dụng quân trừ bị cần bàn lại.
-Luyện tập chống pháo binh và cao xạ địch không đủ, vì các chuyên viên quá lạc quan, đã để địch biềt quan niệm của mình, khinh địch.
-Trong một số lãnh vực, bộ chỉ huy Hà nội không tích cực đối với đồn lũy ĐBP.
-Phối hợp không quân và bộ binh không được bảo đảm hữu hiệu.
Những thiếu sót và sai lầm trên không thể qui cho cấp chỉ huy đồn lũy và bộ chỉ huy Không quân nhưng nhất là Lục quân Bắc việt, chịu tràch nhiệm chuẩn bị và lãnh đạo cuộc chiến. Navarre nhận trách nhiệm toàn bộ vì ông là Tư lệnh.
Theo Navarre những khuyết điểm trên chỉ ảnh hưởng nhẹ tới cuộc chiến.
Những khuyến điểm sâu xa về sự thất thủ ĐBP được ông nêu ra như sau.
-Pháp thiếu phương tiện chiến tranh, thiếu từ 6 tới 8 Liên đoàn lưu động mà chỉ có nó mới giải cứu được hữu hiệu.Trong khi Việt Minh thành lập được Quân đoàn chính qui gồm tương đương 9 sư đoàn lưu động, Pháp chỉ tương đương 3 sư đoàn lưu động (3), đó là cái giá phải trả vì đã để cho địch thành lập nhiều đơn vị hơn Pháp từ trước.
-Về mặt phẩm cũng không đủ để bù vào sự yếu kém về lượng, cấp chỉ huy kém khả năng, đa số sĩ quan, hạ sĩ quan thiếu kinh nghiệm chiến trường, thiếu huấn luyện. Phía người VN (đi lính cho Pháp) tỷ lệ yếu kém cao. Suốt trận đánh cho thấy sự yếu kém về mặt phẩm của bộ binh. Pháp cũng trả giá nhiều sai lầm tích tụ lại trong quá khứ vì không chịu chi phí, chỉ muốn đánh trận rẻ tiền.
-Không quân Pháp thiếu thốn nhiều, yêu cầu tăng viện của Navarre không được thỏa mãn, hoặc gửi tới quá trễ. Nếu gửi kịp thời sẽ khiến Pháp chiến đấu trong điều kiện thuận lợi hơn, Việt Minh đã thiết lập những trang bị kiềm chế Pháp rất nhiều.
-Cung cấp cho đồn lũy giờ phút cuối khi đã hỗn loạn thì vô dụng. Khi viện trợ Trung cộng gia tăng ồ ạt là lúc Pháp cần một lực lượng không quân có khả năng mạnh hơn mười lần. Chỉ có Mỹ có thể cung cấp cho Pháp nhưng dù đã xin họ cũng vô vọng. Số lượng viện trợ lớn gia tăng ồ ạt của Trung Cộng cũng là một nguyên nhân đưa tới sụp đổ ĐBP. Pháp bị bất ngờ vì đứng trước một hình thức chiến tranh hoàn toàn mới tại Đông Dương.
-Đại bác, súng cối hạng nặng của địch pháo kích ồ ạt khiến quân trú phòng Pháp hoảng hốt, mất tinh thần. Ngay cả 1940 bộ binh Pháp bị không quân Đức tấn công phản nằm bẹp dưới đất nhưng lính Pháp tại ĐBP tinh thần còn xuống thấp hơn thế. Phản ứng của họ chậm trễ để ngăn ngừa sụp đổ và tái chiếm những điểm chính đã bị mất, nó ảnh hưởng lớn tới trận đánh.
-Máy bay trinh sát bị cao xạ VM ngăn chận khiến họ không chỉ điểm cho pháo binh Pháp. Khi bị đích pháo không phản pháo được, pháo binh Pháp bất lực không còn là ưu thế tại Đông dương như trước.
-Phi cơ Pháp bất ngờ trước màng lưới phòng không dầy đặc của VM, phải thả dù ớ độ cao, vì yếu kém do thiếu phương tiện nên hiệu quả giảm.
-Có sự bất ngờ tại ĐBP nhưng không do lỗi của sở quân báo Đông dương, khả năng chỉ có giới hạn, họ mù tịt về những chuyện bên trong Trung Cộng, không biết gì về hoạt động của Bộ chỉ huy VM.
-Ta không biết về địch, ngược lại họ lợi thế biết nhiều về Pháp vì những tin tức do báo chí Pháp tiết lộ hay rò rỉ ồ ạt như thác có tầm vóc chính phủ Pháp.
-Dù vậy, Pháp vẫn luôn có những tin tức gần chính xác về địch, về hiện tại và những chuyện sẽ sẩy tới trong thời hạn vài tuần nhưng không thể biết những việc VM dự định trong thời gian xa.
-Pháp chỉ biết kẻ địch bây giờ và xa hơn một chút ví như khi người ta xây một cây cầu 10 tấn sẽ dự liệu một giới hạn an toàn lên tới 15 hoặc ngay cả 20 tấn nhưng không thể lên tới 100 hay 150 tấn. Đó là cách Pháp đã làm tại ĐBP, nếu sức mạnh của địch chỉ nhân lên 2 hay 3 thì sẽ chịu được sự tấn công của họ vì Pháp đã bố trí xong. Nhưng thực ra nó lại là một hệ số nhân quá lớn trong nhiều lãnh vực: Khả năng vận tải và sửa chữa đường giao thông, hỏa lực pháo binh và phòng không.
-Navarre nói:
“Chính vì cái lãnh vực cuối cùng mà yếu tố bất ngờ rất lớn. Chúng tôi biết rõ VM có pháo binh và phòng không. Chúng tôi biết tầm quan trọng của nó vá cách họ bố trí đạn dược. Chúng tôi đã tiên đoán số khấu pháo và kho đạn sẽ tăng lên, nhưng chúng tôi đã định giới hạn cho khả năng gia tăng này. Đó là trong trường hợp giới hạn này dã bị vượt quá xa mà sự bất ngờ nằm trong đó. “Chỉ huy là tiên liệu”. Dĩ nhiên là thế, nhưng nếu một cấp chỉ huy chỉ tiên đoán cái xấu tệ sẽ khiến mình không dám làm gì cả”
-Vì chính phủ Pháp đã không theo ý kiến của Tư lệnh Navarre quyết định tham dự Hội nghị Genève khi đang có trận chiến lớn, quyết định đã thay đổi hậu quả của vấn đề.
-Cấp lãnh đạo VM trước đây không muốn gây thiệt hại lớn cho các đơn vị chính qui như tại Nassan, Cánh đồng Chum, nhưng vì có Hội nghị Genève họ đã liều hy sinh lực lượng lớn để lấy thế mạnh tại bàn Hội nghị.. Cũng vì có Hội nghị Genève mà Trung cộng đã viện trợ cho VM ồ ạt chưa từng có.
Vì Chính phủ Pháp tham gia Genève mà gió đã đổi chiều.
-Genève đã cho VM một cơ hội hòa bình nhanh và thắng lợi, đã nâng cao tinh thần họ và chơi liều hết mình để bảo đảm một thắng lợi huy hoàng của cơ hội bất ngờ.
-Hội nghị Genève đã khiến Trung cộng cho VM một khối viện trợ lớn lao để lấy ưu thế trên bàn hội nghị, từ nay không còn hiểm nguy nữa, nó là nguyên nhân mà những phương tiện vật chất của Pháp bỗng nhiên đứng trước một vị trí quyết định vì bị thua xa địch.
-Ngày mà Hội nghị Genève được quyết định tổ chức thì số phận của ĐBP đã được xác định rõ.
Jules Roy- Sĩ quan Không quân Pháp từ Thế chiến thứ hai, tiếp tục trong quân ngũ tới 1953. Roy giải ngũ khi mang cấp bậc Đại tá vì chống cuộc chiến tranh Đông dương mà ông ta cho là tàn bạo, cuộc chiến ngu xuẩn và bất chính. Roy tìm hiểu sự kiện, ra thăm ĐBP, viết Trận Điện Biên Phủ, cuốn sách nổi tiếng, xuất bản 1963, best seller tại Pháp.(4)
Roy chỉ trích Tư lệnh Đông dương rất nặng nề. Ông trích dẫn những danh ngôn của người xưa về quân sự, chính trị để kết án Navarre hoặc phủ nhận mọi sự bào chữa của vị Tư Lệnh này.
Khai sinh một huyền thoại
“Một vị Tư lệnh không thể biện hộ cho lỗi lầm của mình khi nhận lệnh của Quốc vương hay ông Bộ trưởng, khi mà người ra lệnh không có mặt tại chiến trường và hoàn toàn không biết gì về sự kiện, diễn tiến mới sẩy ra. Đúng lý ra, một Tư lệnh khi thi hành một kế hoạch nếu thấy nó sai lầm, ông ta phải nêu lý do, đề nghị sửa sai kế hoạch và sau cùng từ chức hơn là làm công cụ cho sự sụp đổ của đạo quân” (5)
Napoléon – Châm ngôn và tư tưởng quân sự
Cái bẫy
“Ta phải cẩn thận chọn cao điểm để ta có thể đổ xuống đánh địch rất có lợi. Nhưng điểm quan trọng nhất là đóng quân trên cánh đồng dưới chân núi mà kẻ địch có thể chiế