Một số tư liệu về An Nam Cộng Sản Đảng năm 1930
MỘT SỐ TƯ LIỆU VỀ AN NAM CỘNG SẢN ĐẢNG VỚI VIỆC THỐNG NHẤT CÁC LỰC LƯỢNG CÁCH MẠNG Ở VIỆT NAM NĂM 1930 Khổng Đức Thiêm Như chúng ta đều biết, về thời điểm thành lập An Nam Cộng sản Đảng cũng như ngày thống nhất các lực lượng cách mạng ở nước ta để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ...
MỘT SỐ TƯ LIỆU VỀ AN NAM CỘNG SẢN ĐẢNG VỚI VIỆC THỐNG NHẤT CÁC LỰC LƯỢNG CÁCH MẠNG Ở VIỆT NAM NĂM 1930
Khổng Đức Thiêm
Như chúng ta đều biết, về thời điểm thành lập An Nam Cộng sản Đảng cũng như ngày thống nhất các lực lượng cách mạng ở nước ta để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930, cho đến nay còn có một số ý kiến chưa thống nhất với nhau. Trong bài viết này, chúng tôi xin cung cấp một số tư liệu về hai thời điểm lịch sử nói trên để bạn đọc tham khảo.
I. SỰ HÌNH THÀNH TỔ CHỨC VÀ MỤC TIÊU THEO ĐUỔI CỦA AN NAM CỘNG SẢN ĐẢNG
- Tháng 7-1929, Việt Nam Cách mạng Thanh niên vẫn kiên trì tổ chức cũ để tạo ra thời kỳ chuyển tiếp trong ổn định
Ngày 1-5-1929, Việt Nam Cách mạng Thanh niên (VNCMTN) đã tổ chức Đại hội lần thứ nhất họp ở Hương Cảng (Trung Quốc); và trong Đại hội này đã dẫn đến sự phân liệt trong nội bộ của VNCMTN, đa số đại biểu đều tán thành thành lập ngay Đảng Cộng sản ở Việt Nam, còn một số đại biểu khác lại chủ trương hãy tạm thời giữ lại tổ chức cũ của VNCMTN, rồi thành lập Đảng Cộng sản sau; mặc dù lúc đó (năm 1929) Đại hội đã đưa ra Chương trình, Điều lệ mới cho tổ chức này có tiến bộ hơn so với trước đó (năm 1925). Bởi vậy: “Sau Đại hội Thanh niên [Lê Hồng Sơn, Lê Duy Điếm trong Tổng bộ VNCMTN tại Hương Cảng] đã tổ chức ra một Hội gọi là Hội Trù bị tổ chức Đảng Cộng sản, do cái Hội ấy định ra Điều lệ, kế hoạch đi tổ chức các địa phương, các sản nghiệp cho có Chi bộ rồi sẽ khai hội thành lập Đảng”1.
Ngày 28-7-1929, Lê Hồng Sơn, Lê Duy Điếm ở trong Hội Thường vụ của Hội Trung ương Chấp hành ủy nhiệm đã Gửi cho tất cả đồng chí 3 Kỳ chủ trương:
“1/ Phải tạm thời duy trì T.N [Thanh niên], do Đại hội quyết định chỉnh đốn T.N, một mặt tẩy cho hết các phần tử phức tạp, trong T.N, một mặt sửa đổi Chương trình và cách hành động T.N, lấy chính sách C.S [cộng sản] mà thi hành vào trong đoàn thể T.N, đặt T.N lên con đường cộng sản.
2/ Phải tổ chức một Hội Trù bị tổ chức Đảng C.S, nhặt ra những người thật giác ngộ, thật cương quyết, thật có tư cách đảng viên C.S mà tổ chức vào Hội (không kỳ ở trong Hội hay ở ngoài Hội T.N). Có định 24 điều kế hoạch, định cuối năm sau thì chính thức thành lập Đảng C.S [KĐT nhấn mạnh].
[…] Vậy chúng tôi xin những người chân chính C.M [cách mạng] mau mau đoàn kết lại, chúng ta có mục đích đồng thì hành động phải nhất trí, không nên công kích nhau, cũng không nên lập bè phái riêng”2.
Cho đến hết tháng 7-1929, những phần tử cấp tiến nhất trong Tổng bộ VNCMTN vẫn kiên trì quan điểm duy trì tổ chức cũ, triệu tập Đại hội để chỉnh đốn và cần có thời gian ít nhất là một năm để vận động và thành lập chính đảng mới. “Nhưng vì Hội [Trù bị tổ chức Đảng C.S] thành lập chưa được bao lâu, tổ chức chưa kịp phát triển thì những đồng chí của Hội phụ trách trong nước bị bắt hoặc bị đuổi chạy”3. Do đó Hội Trù bị tổ chức Đảng C.S trên thực tế bị tan rã, chưa có một đóng góp cụ thể và thiết thực gì.
- Tháng 8-1929, Hồ Tùng Mậu thoát khỏi nhà tù, chắp nối đường dây liên lạc với phong trào cách mạng ở trong nước
Sau khi thoát khỏi nhà tù của Tưởng Giới Thạch, do không nắm vững được tình hình cách mạng ở trong nước, nhất là về vấn đề Đảng nên ngày 21-8-1929, Hồ Tùng Mậu đã viết thư về nước đề nghị:
…”3. Chúng tôi muốn một đ.c [đồng chí] nào biết việc ở trong [nước] ra, nhất là mỗi Kỳ được một người để bàn các việc, không biết ý kiến của các đồng chí thế nào?
- Chúng tôi muốn về trong [nước] cùng với các đ.c thương lượng, nhưng tình hình, hoàn cảnh ở trong [nước] không biết thế nào. Vậy xin các đ.c ở trong [nước] ra cho chúng tôi được rõ việc rồi bàn định cách về [nước] cùn với các đ.c”4.
Tiếp được bức thư trên, Trịnh Đình Cửu, Đỗ Ngọc Du và Nguyễn Đức Cảnh đã trả lời:
“1- Chúng tôi không ra được vì thời kỳ này ở trong [nước] công việc nhiều lắm.
2- Tình hình đại khái ở trong [nước], xin hỏi đ.c Vân.
3- Trong này yên ổn, các đ.c có thể về được”5.
Người mang bức thư trên sang Trung Quốc và chịu trách nhiệm truyền đạt ý kiến của Đông Dương Cộng sản Đảng (ĐDCSĐ), bàn bạc công việc Đảng là Nguyễn Hữu Căn6. Có lẽ trong quá trình làm việc với Hồ Tùng Mậu và Châu Văn Liêm, đại diện của ĐDCSĐ kiên quyết giữ vững quan điểm của họ nên không để lại được nhiều thiện cảm. Ngày 12-9-1929, Nguyễn Hữu Căn trở về trong nước có mang theo Thư của anh em cộng sản Tầu gửi các đ.c C.S ở Bắc với nội dung như sau:
“1. Vân trước chưa hiểu tình hình, ý kiến của anh em ở ngoài này, về trong [nước] nói chuyện với các đ.c chắc sai cả.
- Ý kiến và tình hình ở trong ấy, chắc Vân cũng chưa hiểu rõ nên ra nói với chúng tôi chắc cũng sai.
- Chúng tôi đành bằng ở lời Vân mà tỏ hết ý kiến, nhưng chỉ sợ Vân chưa hiểu và chắc nói lại thế nào cũng sai.
- Chúng tôi muốn phái một người về để cùng với các đồng chí thương lượng, nhưng vì hoàn cảnh người ít, công việc nhiều nên chưa thể về được, vậy xin tóm tắt mấy ý kiến cùng các đ.c được rõ:
a/ Các đ.c cứ làm việc, chúng tôi cũng hết sức, sao cho ở Đông Dương mau mau thành lập một Đảng C.S chính thức và thống nhất.
b/ Muốn đạt được mục đích đó, chúng tôi nghĩ:
1) Những người C.S ở chỗ nào thì phải làm cho thành lập Chi bộ sản nghiệp hay địa phương ở đó.
2) Các Chi bộ C.S phải lo hợp nhất với nhau thành một Đảng C.S chính thức.
- Ý kiến của chúng tôi như vậy, ý kiến của các đ.c thế nào, có thể cho biết được, xin trả lời”7.
- Tháng 9-1929, Hồ Tùng Mậu, Châu Văn Liêm chỉ đạo việc thành lập các chi bộ ANCS để làm đối trọng với ĐDCSĐ
Như chúng tôi đã nêu ở trên, ngoài việc viết thư gửi về nước cho lãnh đạo Đông Dương Cộng sản Đảng (ĐDCSĐ) để bàn việc thống nhất hai tổ chức cộng sản ở Việt Nam lúc bấy giờ, Hồ Tùng Mậu còn viết thư cho những người có trách nhiệm trong An Nam Cộng sản (ANCS) ở Sài Gòn để bày tỏ nguyện vọng thiết tha này. Ông Nguyễn Nghĩa (tức Thiệu) – một trong những người tham gia Hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản hồi đầu năm 1930 – đã cho biết như sau:
“Viết thư về Hải Phòng thì đồng thời đồng chí Lương [Hồ Tùng Mậu] cũng gửi thư cho Sài Gòn bảo cử một đại biểu của An Nam Cộng sản ở trong nước ra để bàn việc hợp nhất với ĐDCSĐ. Ý của anh em ở ngoài muốn tránh chuyện trực tiếp đứng ra thương lượng với các đồng chí trong ĐDCSĐ mà cứ để cho một đại biểu của Nam Kỳ trực tiếp bàn bạc với đại biểu của Bắc Kỳ, cuộc nói chuyện sẽ cụ thể hơn, cân xứng hơn; vả chăng sau này rủi việc bàn bạc không thành thì giữa anh em ở ngoài với nhóm ĐDCSĐ vẫn còn có chỗ giao thiệp đi lại để tính chuyện lâu dài, chứ không vì thế mà cắt đứt giây liên lạc”8.
Sự “tính toán” trên đây của những người có trách nhiệm trong ANCS xuất phát từ thực tế thất bại của đợt trao đổi ý kiến giữa Hồ Tùng Mậu, Châu Văn Liêm với Nguyễn Hữu Căn. Mặt khác, đã hơn nửa tháng mà phía ĐDCSĐ vẫn không bày tỏ ý kiến gì sau sự rạn vỡ trên, do đó ngày 29.9.1929 Hồ Tùng Mậu (bí danh Lương), Châu Văn Liêm (bí danh Việt) đã gửi thư cho các đảng viên ở Bắc Kỳ nêu rõ:
“1. Sách báo của Đỏ Tàu lần lượt gửi về cho các đ.c xem. Quyển nào nên dịch sẽ dịch.
- Chúng tôi mới ra tờ báo Đỏ, các đồng chí xem sẽ rõ mục đích.
- Không thấy thư từ của các đồng chí gửi ra, rất lấy làm sốt ruột, vậy phải bày tỏ cho các đồng chí rõ:
- Tình hình
- Những người An Nam ở Tàu đã tổ chức lại thành Chi bộ C.S.
- Ở Nam Kỳ bao nhiêu C.S đã tổ chức vào các Chi bộ C.S cả rồi.
- Ở Xiêm, Trung Kỳ cũng bắt đầu tổ chức Chi bộ C.S cả.
- Chi bộ C.S ở ngoài này cũng đã cùng với Đảng C.S Tàu liên lạc làm việc. Tàu sẽ hết sức giúp cho ở An Nam chóng thành lập một Đảng C.S.
- Quốc tế C.S đã cho người liên lạc và sắp phái người đến điều tra.
- Yêu cầu
Xin các đ.c bình tâm nghĩ:
Anh em chúng tôi có phải là tụi phản cách mạng đâu? Có phải là tụi chỉ có óc đảng phái, thủ lĩnh đâu? Mà các đồng chí đã phải bỏ hẳn đi. Chúng ta bây giờ vẫn nhiệt tâm cách mạng. Vậy phải lấy lợi ích cách mạng làm trọng. Nếu CS không mau mau tổ chức thành lập Đảng CS thống nhất thì sau này Nam một đường, Bắc một nẻo; trong một nước hình thành 2 Đảng C.S. Khi bấy giờ thì cứu chữa thế nào? Không lẽ vì một chút nội bộ nho nhỏ thế mà cũng phiền đến Q.T. [Quốc tế] giải quyết hay sao? Việc như thế chúng mình tự giải quyết lấy không tốt hơn ư? Vậy nên yêu cầu phái ngay một người đại biểu có đủ tài liệu tình hình ở trong nước để cùng với chúng tôi và đ.c của Đảng C.S Tàu hay của Q.T.C.S thảo luận về công việc c.m”9.
Rõ ràng là việc tổ chức các Chi bộ An Nam Cộng sản (ANCS) ở Hương Cảng và ở Sài Gòn do Hồ Tùng Mậu, Châu Văn Liêm tiến hành chỉ là giải pháp tình thế. Cũng vậy, sự mong muốn của Hồ Tùng Mậu, Châu Văn Liêm là tổ chức cuộc gặp gỡ giữa hai tổ chức cộng sản (ĐDCSĐ và ANCS) nhằm thành lập một Đảng Cộng sản Việt Nam thống nhất; với sự tham dự của đại diện của Đảng Cộng sản Trung Quốc hoặc của Quốc tế Cộng sản cũng chỉ là giải pháp tình thế, ít hứa hẹn đạt được mục đích đã đề ra.
- Tháng 10-1929, đại biểu của ANCS ở Nam Kỳ cùng với đại biểu của ĐDCSĐ gặp nhau ở Hương Cảng bàn việc hợp nhất không thành
Nhận được thư của Hồ Tùng Mậu, Châu Văn Liên được ít lâu, “Trung ương Đảng C.S Đông Dương gửi cho những người C.S An Nam ở Tàu” một bức thư đề ngày 4-10-1929. Bức thư này do Đỗ Ngọc Du chuyển trong chuyến đến Hương Cảng (Trung Quốc) dự cuộc gặp gỡ với đại biểu của ANCS ở Nam Kỳ. Nội dung của bức thư trên là nói lại lịch sử và công việc của Đảng để anh em ANCS ở Trung Quốc biết và nêu rõ thái độ của ĐDCSĐ đối với Thanh niên: (T.N):
“Đối với T.N, Đảng C.S.Đ.D chủ trương như sau này:
1/ Cá nhân ai có đủ tư cách một người đảng viên C.S thì Đảng C.S.Đ.D tổ chức ngay.
2/ Còn hết thảy các anh em, chị em chưa được công nhận làm đảng viên hoặc vì chưa có đủ tư cách, hoặc vì Đảng chưa xét rõ thì người thuộc giai cấp nào phải vào Hội của giai cấp ấy mà làm việc, nếu có đủ tư cách Đảng sẽ tổ chức sau. Song các anh em, chị em đó vẫn là những người giác ngộ hơn quần chúng. Nếu họ không có một cách làm việc cho thích hợp với trình độ, nếu họ không mật thiết liên lạc với Đảng thì e rằng:
- a) lâu dần sẽ kém mất tinh thần đổi mới đi.
- b) giữ mãi tính chất T.N
Vì thế cho nên Đảng C.S.Đ.D chủ trương tổ chức những người ấy vào trong các tổ xích sắc […]
Còn bao nhiêu người không có một tính chất giai cấp rõ rệt và vì hoàn cảnh, tư cách không thể vào các tổ xích sắc thì phải tự tổ chức vào các tổ ủng hộ cộng sản đảng”10.
Cuộc gặp giữa đại biểu của ANCS Nam Kỳ với Đỗ Ngọc Du ở Hương Cảng (Trung Quốc) đã được Nguyễn Nghĩa kể lại:
“Ra đến Hương Cảng, tôi gặp Phiếm Chu, tức Đỗ Ngọc Du đã từ Hải Phòng đến trước tôi mấy hôm và chúng tôi bắt đầu bàn vấn đề hợp nhất của hai nhóm cộng sản. Phiếm Chu đưa ý kiến của mình ra là: giải tán tổ chức ANCS rồi ĐDCSĐ sẽ điều tra từng người, xem ai có đủ tư cách thì kết nạp [… Anh em ở Hương Cảng] ra sức thuyết phục Phiếm Chu để mong Chu thay đổi ý kiến; song Phiếm Chu vẫn khăng khăng không hề thay đổi. Rốt cuộc việc bàn bạc hợp nhất hai nhóm cộng sản không thành.
Tuy vậy, sau ngót một tuần lễ ở Hương Cảng, tiếp tục trao đổi trên cơ sở tình đồng chí, Phiếm Chu bề ngoài có vẻ kiên trì giữ vững ý kiến, nhưng một mặt khác cũng thấy được cái chân tình của mọi người, thấy rằng mọi người thật lòng thiết tha mong muốn sự thống nhất của các tổ chức cộng sản, đấy là vì lợi ích chung của cách mạng chứ không vì một động cơ tranh chấp danh vị, quyền lợi gì cả. Khi từ biệt anh em ra về, Phiếm Chu tỏ vẻ quyến luyến, hứa đem tất cả những ý kiến của anh em ANCS báo cáo đầy đủ với anh em ở trong nước để cùng nhau suy nghĩ, bàn bạc nữa, nhất là hỏi kỹ càng thêm ý kiến của anh em nhóm ĐDCSĐ phụ trách ở Nam Kỳ. Cuộc gặp gỡ tại Hương Cảng lần này không thể nói là không mang lại kết quả gì. Hai nhóm cộng sản dã biết rõ được yêu cầu, ý kiến của nhau và biết rõ rằng: con đường đi tới vẫn là con đường mong muốn hợp nhất. Trên cơ sở đó, hai nhóm đều có những suy nghĩ, bàn bạc thêm trong nội bộ tổ chức mình”11.
- Tháng 11-1929, ANCSĐ thành lập, thoát ly hoàn toàn với VNCMTN để thúc đẩy nhanh sự thống nhất các lực lượng cách mạng
Cũng trong bản Hồi ký cách mạng của Nguyễn Nghĩa đã nêu trên, ông đã cho chúng ta hiểu biết thêm về những hoạt động tích cực của các tổ chức ANCS ở Sài Gòn và ở Hương Cảng (Trung Quốc) trước khi đi đến Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam vào đầu tháng 2-1930. Nguyễn Nghĩa viết:
“Sau cuộc Hội nghị hợp nhất không thành, ANCS thấy rằng nếu mình không có một tổ chức thật mạnh mẽ thì cũng khó mà bàn chuyện hợp nhất một cách đường hoàng với ĐDCSĐ. Vì vậy nếu từ trước tới nay chưa bao giờ tự xưng là một Đảng mà chỉ gọi là Chi bộ ANCS ở nơi này hay ở nơi kia, thì nay đã phải thành lập một Ban lãnh đạo chung, (KĐT nhấn mạnh) đóng trụ sở ở ngay Sài Gòn và lấy tên là “Lâm thời chỉ đạo” các Chi bộ ANCS. Ban “Lâm thời chỉ đạo” này đặt ở trong nước cũng chỉ chỉ đạo các tổ chức ở trong nước. Còn các đồng chí ở Hương Cảng vẫn tổ chức một Chi bộ đặc biệt của ANCS, nhưng không chịu sự lãnh đạo của Ban “Lâm thời chỉ đạo”, trái lại còn chỉ chỉ đạo mọi mặt cho Ban đó, nhất là về đường lối, chủ trương; nó phụ trách xuất bản tờ báo “Đỏ” để tuyên truyền và chủ trì một Nội san lý luận lấy tên là “Bôn-sơ-vích” để đối đáp lại những lý luận của ĐDCSĐ. Còn Ban “Lâm thời chỉ đạo” thì chỉ đạo công việc thường ngày, lúc gặp khó khăn lại viết thư hỏi ý kiến của các đồng chí ở Chi bộ Hương Cảng và thường xuyên báo cáo tình hình với Chi bộ ấy”12.
Rõ ràng là Ban “Lâm thời chỉ đạo” gồm có Châu Văn Liêm, Nguyễn Nghĩa, Ung Văn Khiêm, Đỗ Quảng, Huỳnh Quảng được thành lập ngày 7-11-1929 không phải là Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của ANCSĐ. Và ANCSĐ cũng chưa hề ra đời. Về vấn đề này, Hồ sơ mang ký hiệu IA/5/1-5 có tiêu đề Hồi ký về ĐDCSĐ (viết năm 1933), lưu tại Viện Lịch sử Đảng cho biết:
“Một mặt, Đảng “Việt Nam Thanh niên” liên hệ với ĐDCSĐ; một mặt cử đảng viên về Trung Kỳ và Nam Kỳ; các đồng chí này không tìm cách tổ chức lại Đảng “Việt Nam Thanh niên” mà tổ chức ra những Chi bộ cộng sản để gây cơ sở. Các đồng chí ấy đã đi từ Nam Trung Kỳ đến Nam Kỳ tập hợp, thanh lọc hàng trăm đảng viên của “Việt Nam Thanh niên” và tổ chức ra một “Lâm thời Chấp ủy” [đúng ra là “Lâm thời chỉ đạo” – KĐT chú thích].
Cũng vào lúc này, ĐDCSĐ viết thư sang Trung Quốc tuyên bố chỉ liên hệ với Đảng chứ không liên hệ với các cá nhân. Tiếp theo, nhóm các đồng chí ANCS ở Trung Quốc về đã nhanh chóng biến “Lâm thời Chấp ủy” thành ANCSĐ. Và từ lúc ấy đã xây dựng được quan hệ giữa hai Đảng ĐDCSĐ và ANCSĐ. Điều đáng chú ý nữa là lúc đó ở Nam Kỳ cơ sở của ANCSĐ rộng hơn cơ sở của ĐDCSĐ. Trước đây khi Đảng “Việt Nam Thanh niên” còn tồn tại, các đảng viên đã hoạt động trong các xí nghiệp lớn cho nên ANCSĐ cũng có cơ sở ở các xí nghiệp ấy.
Thời điểm mà nhóm các đồng chí ở ANCS Trung Quốc về nhanh chóng biến “Lâm thời Chấp ủy” thành ANCSĐ diễn ra vào ngày 15-11-1929, ngày mà “cánh tả của Việt Nam Cách mạng Thanh niên Hội” (VNCMTNH) thành lập ra ANCSĐ. Thế nhưng họ vẫn tiếp tục dùng Cương lĩnh của Hội đã được thông qua tại Đại hội lần thứ nhất. Tuy vậy đường lối chính trị trình bày trong các Báo cáo chính thức của Ban Chấp hành Trung ương ANCSĐ thường mâu thuẫn với Cương lĩnh của VNCMTNH. Chẳng hạn như bản Báo cáo chính thức của Ban Chấp hành Trung ương ANCSĐ đề ngày 15-11-1929″13, và trong bản Báo cáo chính thức này, Ban Chấp hành Trung ương ANCSĐ “đã trình bày đường lối chính trị của Đảng”14.
Như vậy là do những diễn biến của phong trào cách mạng ở trong nước, sau các chặng đường thành lập “Hội Trù bị tổ chức Đảng Cộng sản” – “Chi bộ ANCS” – “Lâm thời chỉ đạo”; ANCSĐ đã ra đời chính thức ngày 15-11-1929 để đảm lãnh trọng trách tiếp tục thống nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam lúc đó, tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào Mùa xuân năm 1930, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên có một điều cần nói thêm là trong bản Điều lệ của ANCSĐ, họ đã tự nhận là Chi bộ của KTQS [Quốc tế Cộng sản] rồi nên gọi là An Nam Cộng sản Đảng; Chi bộ KTQS [Quốc tế Cộng sản]”; mặc dù mãi đến ngày 14-4-1931 Quốc tế Cộng sản mới công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương (ĐCSĐD) là Chi bộ độc lập của mình.
II. THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
- Tháng 12-1929, ANCSĐ mời Nguyễn Ái Quốc, đại diện của Quốc tế Cộng sản tổ chức việc thống nhất các lực lượng cách mạng ở Việt Nam
Như chúng ta đều biết, cuộc Hội nghị bàn về việc hợp nhất giữa hai tổ chức cộng sản ở nước ta lúc đó (ĐDCSĐ và ANCSĐ) không thành, vì cả hai bên chưa hiểu biết lẫn nhau một cách đầy đủ, tuy nhiên ANCSĐ vẫn kiên trì chủ trương phải hợp nhất hai tổ chức cộng sản này lại thành một Đảng Cộng sản Việt Nam duy nhất để lãnh đạo phong trào cách mạng ở Việt Nam lúc đó đang lên cao.
Sự kiên trì đó của ANCSĐ đã khiến cho ĐDCSĐ phải thay đổi quan điểm. Điều này đã được thể hiện trong Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Lâm thời ĐDCSĐ ngày 5-12-1929 và trong Thư cùng ngày gửi ANCSĐ:
“Với PCA [Parti Communiste de l’ Annam – ANCSĐ]
1) Vấn đề hợp nhất chủ trương như sau này:
- Hai bên cùng đi làm việc cho mình có đủ điều kiện (Chi bộ sản nghiệp, h.l [huấn luyện] theo Marx và Lénine c.n [chủ nghĩa]).
- Định một thời hạn cùng làm một việc vận động, nếu cùng năng lực thì hợp nhất.
2) Nếu Quốc tế bắt hợp nhất ngay, mình nói có mấy điều khó khăn:
- Ở Nam Kỳ tổ chức phức tạp (không đấu tranh gì mà trong một thời gian rất ngắn đã tổ chức được nhiều như thế: Nam Kỳ: 60, Trung Kỳ: 40 đ.c).
- Nếu hợp nhất ngay, đ.c sẽ dao động, có thể phân ly được (vì đôi bên chưa biết nhau).
- Mình chưa điều tra rõ hành động của groupes ở Nam Kỳ. Nếu Quốc tế giải quyết được những điều khó khăn ấy thì hợp nhất ngay.
3) Nếu họ yêu cầu sáp nhập thì nhận vào dự bị cả […]”15.
Do đó ngày 13-12-1929, Hồ Tùng Mậu đã gửi thư cho ĐDCSĐ:
“1. Thư ngày 5-12-1929 đã tiếp được rồi, chúng tôi sẽ chuyển tin về cho anh em ở Nam [Kỳ] xem ý kiến thế nào sẽ tin cho các đồng chí biết.
- Chúng tôi mới nhận được tin của anh em ở Nam [Kỳ] gửi ra, đại khái nói:
- Ở Trung [Kỳ] bị bắt hết cả, không còn đồng chí nào nữa, ở Nam [Kỳ] cũng bị bắt hơn 20 đ/c nữa […].
- Còn vấn đề “Quốc tế”: a) Khi nào có tin triệu tập đại biểu, chúng tôi sẽ tin cho các đồng chí”16.
Trong Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản đề ngày 18-2-1930, Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Tôi đã cố gắng đi lần thứ ba khi một đồng chí từ Hồng Công tới Xiêm và báo tin cho tôi biết tình hình Hội An Nam Thanh niên Cách mạng đã bị tan rã, những người cộng sản chia thành nhiều phái v.v…
Lập tức tôi đi Trung Quốc, tới đó vào ngày 23-12. Sau đó tôi triệu tập các đại biểu của hai nhóm (Đông Dương và An Nam)”17.
- Tháng 1-1930 xúc tiến mọi mặt công tác nhằm thống nhất các lực lượng cách mạng ở Việt Nam
Sau khi đến Trung Quốc, được sự ủy nhiệm của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã tiến hành nhiều cuộc họp với đại biểu của hai tổ chức cộng sản hiện đang có mặt tại đây là ĐDCSĐ và ANCSĐ để thống nhất thành một Đảng Cộng sản duy nhất ở Việt Nam. Những tài liệu được trích dẫn sau đây sẽ cho thấy rõ:
“Giữa hai Ban Chấp hành Trung ương của ĐDCSĐ và ANCSĐ vẫn có sự nghi ngờ lẫn nhau, chờ đợi đồng chí Nguyễn Ái Quốc về Trung Quốc. Tại sao chờ đồng chí Nguyễn Ái Quốc? Vì đồng chí Nguyễn Ái Quốc được các đồng chí ĐDCSĐ ở trong nước rất tín nhiệm và cả những đồng chí ANCSĐ cũng vậy.
ĐDCSĐ một mặt liên hệ với Trung Quốc, mặt khác tìm cách liên hệ với Đảng Cộng sản Pháp; các đồng chí là thủy thủ [thực ra là Hoàng Quốc Việt và Lưu Bá Kỳ], tháng 11-1929 được cử đưa thư trình bày tình hình Đảng non trẻ và yêu cầu Đảng Pháp anh em giúp đỡ. Sau một thời gian dài sang Pháp, các đồng chí thủy thủ ấy không quan hệ trực tiếp được với Đảng Cộng sản Pháp mà chỉ mang về nước báo chí và sách Cộng sản.
Các đồng chí ở Trung Quốc đã cử người đi tìm đồng chí [Nguyễn Ái] Quốc ở Thái Lan trở về Hồng Công, đồng chí [Nguyễn Ái] Quốc đã cùng với các đồng chí ở Trung Quốc triệu tập các cuộc họp để xúc tiến việc hợp nhất” (KĐT nhấn mạnh)18.
Trong Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản đề ngày 18-2-1930, Nguyễn Ái Quốc cũng ghi rõ: “… Sau đó tôi [Nguyễn Ái Quốc] triệu tập các đại biểu của hai nhóm (Đông Dương và An Nam).
Chúng tôi họp vào ngày 6-1″19.
Đây là cuộc họp đầu tiên từ khi Nguyễn Ái Quốc và các đảng viên ANCSĐ từ Thượng Hải đến Hương Cảng. Cuộc họp này nằm trong một loạt các cuộc họp và gặp gỡ của Nguyễn Ái Quốc trong tháng 1-1930.
Ngày 7-1-1930, Ban Chấp hành Trung ương Lâm thời ĐDCSĐ mới họp và ra Nghị quyết, trong đó có ghi:
“Quốc tế chiêu tập đại biểu của PCI [Parti Communiste de l’ Indochine – ĐDCSĐ]. Mình sẽ cử hai đại biểu đi tiếp họp, vài hôm nữa đi, 17-18-1 sẽ đi”20.
Sau 3 ngày, hai đại biểu của ĐDCSĐ là Trịnh Đình Cửu và Nguyễn Đức Cảnh đến Hương Cảng. Hành trình như sau:
“Lên tầu Liêm Châu của Pháp, có đồng chí ta tên là Đản, phụ trách vô tuyến điện trên đó. Hai người vờ lên thăm Đản, rồi Đản mở nắp giường trong cabin riêng giấu hai người vào, đậy lại tử tế. Hai vị đại biểu đi dự Hội nghị của Đảng ở nước ngoài ngồi bó gối, gần như nằm ngủ ở bên trong hòm giường không dám cựa quậy; không dám thở mạnh, nhất là khi tên thuyền trưởng đến gặp Đản có việc. Đến khuya, Đản mới mở cho họ ra vươn vai và ăn uống rồi họ lại chui vào. Hai ngày, hai đêm như thế. Tối thứ 3 đến Hương Cảng. Hương Cảng là bến tự do, không khám xét giấy tờ, hai người trà trộn vào hành khách lên bờ; theo liên lạc đến khách sạn. Một buổi sáng, sau khi ở đó khoảng một tuần – có người đến tìm anh [Trịnh Đình] Cửu, gọi ra ngoài bảo gặp đồng chí Vương”21.
Trong bài viết Báo cáo tường thuật về Hội nghị hợp nhất ở Hương Cảng năm 1930, các tác giả Trịnh Đình Cửu và Nguyễn Thiệu cũng cho biết thêm: “Đồng chí Trịnh Đình Cửu còn nhớ là hôm đầu tiên đồng chí [Trịnh Đình] Cửu gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc là vào dịp Tết âm lịch, vì hôm ấy hai đồng chí vào một hàng cao lâu thì đồng chí Nguyễn Ái Quốc có nói “cung hỷ” (tiếng Quảng Đông là lời chào mừng năm mới). Đồng chí [Trịnh Đình] Cửu lấy làm ngạc nhiên về hai tiếng “cung hỷ”, nhưng khi hỏi ra mới rõ tục lệ của Trung Quốc vào ngày Tế gặp nhau, bất kể là quen lạ mọi người đều chúc nhau như thế mới đúng xã giao”22.
Thời điểm này là vào những ngày cuối cùng của tháng 1-1930 [18 + 3 + 7 = 28 tháng 1, cũng có thể là vào các ngày 29, 30 tháng 1, vì chưa biết đích xác ngày mà hai đại biểu của ĐDCSĐ xuất phát]. Đây cũng là ngày mà hai đại biểu ở Nam Kỳ là Nguyễn Nghĩa và Việt, tức Châu Văn Liêm đến Hương Cảng, theo sự phân công của Ban “Lâm thời chỉ đạo” của ANCSĐ. “Các đại biểu của nhóm ANCS đáp tàu từ Sài Gòn và được giấu kín ở dưới hầm than đốt của một chiếc tàu tương đối bé […]”23.
Nguyễn Nghĩa – một trong hai đại biểu của ANCSĐ đã tham dự Hội nghị hợp nhất lúc đó – kể lại: “Chúng tôi đến Hương Cảng vào dịp Tết Canh Ngọ (1930). Trước tiên chúng tôi gặp đồng chí Lương, tức Hồ Tùng Mậu, được biết rằng ĐDCSĐ đã cử đại biểu đến rồi, hiện đang gặp đồng chí Vương24. “Đến Hương Cảng vào lúc năm đã gần tàn, ngoài phố người ta bày la liệt những hoa và pháo, những món hàng Tết. Quang cảnh nhộn nhịp đón Xuân của thành phố Hương Cảng mỹ lệ khiến cho khách lưu vong trẻ tuổi lòng càng chứa chan hy vọng”25.
Vào những ngày cuối tháng 1-1930, Nguyễn Ái Quốc còn gặp gỡ một số đảng viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc:
+ Theo Nhiêu Vệ Hoa, một trong những người bạn chiến đấu của Nguyễn Ái Quốc trong những năm 20 của thế kỷ trước ở Quảng Châu, (Hoàng Tranh cũng sử dụng những tư liệu do Nhiêu Vệ Hoa cung cấp khi ông viết Hồ Chí Minh và Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, 1984), cuối tháng 1-1930, chính Nguyễn Ái Quốc đã gặp ông ở Hương Cảng và thông báo với ông về việc Người sẽ hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam, thành lập một Đảng Cộng sản thống nhất.
+ Nguyễn Ái Quốc còn tiếp Lý Phú Xuân và nữ đảng viên Thái Xương trong dịp đó. Thay mặt Tỉnh ủy Quảng Đông, chính Nhiêu Vệ Hoa đã chúc mừng trước sự kiện quan trọng sắp tới này của cách mạng Việt Nam”26.
- Tháng 2-1930, ĐDCSĐ và ANCSĐ hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam
Tiếp theo việc hai đoàn đại biểu của ANCSĐ và ĐDCSĐ đến Hương Cảng để bàn việc hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, đại biểu của Quốc tế Cộng sản, một Hội nghị hợp nhất họp kéo dài trong vài ngày đã được tiến hành vào những ngày đầu tháng 2-1930. Riêng Đông Dương Cộng sản Liên đoàn mới thành lập, không kịp cử đại biểu đến Hương Cảng dự Hội nghị này. Kết quả là Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra đời. Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng đã soạn thảo, thông qua những Văn kiện chính thức của Đảng, các Hội quần chúng.
Một số tài liệu và Hồi ký xung quanh vấn đề này đã được công bố sẽ giúp cho chúng ta hiểu đầy đủ hơn sự kiện chính trị quan trọng đó.
“Hai Đảng ĐDCSĐ và ANCSĐ đã cử đại biểu sang Hồng Công. Hội nghị đã thảo luận trong 3 ngày về vấn đề hợp nhất”27.
Như vậy là ngày 1-2-1930, các đại biểu đã bước vào Hội nghị. “Để giữ bí mật, hôm thì mấy anh em giả đánh ma chược ở khách sạn, hôm thì đến sân vận động xem đá bóng. Sau mấy buổi bàn cãi sôi nổi, đến ngày 3-2-1930 (vào dịp Tết âm lịch) ba phái đều đồng ý thống nhất thành một Đảng Cộng sản Việt Nam (thực ra chỉ có hai phái – K.Đ.T nhấn mạnh). Mọi người đều vô cùng vui mừng, phấn khởi. Để chúc mừng Đảng ra đời, Bác đãi một bữa Tết Nguyên đán vừa tiết kiệm, vừa linh đình”28.
Từ ngày 4-2-1930 đến ngày 7-2-1930 “khi đã thống nhất ý kiến về mọi mặt thì phân công thảo các Văn kiện như Chính cương, Sách lược vắn tắt, Điều lệ Đảng, các Hội quần chúng cũng mất vài ba hôm. Cuối cùng là họp để duyệt lại các Văn kiện đã thảo và bàn kỹ về cung cách về nước hợp nhất các tổ chức trong nước và phân công, phân nhiệm”29.
“Tất cả những công việc kể trên từ khi bước vào Hội nghị cho đến khi kết thúc kéo dài khoảng từ một tuần lễ đến 10 ngày.
Xong đâu đấy, chúng tôi ghi chép các Văn kiện và tài liệu và chờ có chuyến tàu thì xuống tàu về nước. Chúng tôi nhớ kỹ rằng khi còn ở Hương Cảng thì chưa biết tin Yên Bái khởi nghĩa. Chỉ khi về tới nhà mới hay. Do đó chúng tôi khẳng định rằng thời gian họp Hội nghị hợp nhất ở Hương Cảng phải tính vào khoảng từ 30 giáng Giêng năm 1930, nghĩa là sau Tết Nguyên đán năm Canh Ngọ và trước Khởi nghĩa Yên Bái”30.
Theo những cứ liệu đã dẫn, chúng tôi cho rằng Hội nghị hợp nhất họp tại Hương Cảng từ ngày 1-2-1930 đến ngày 7-2-1930, trong đó thì đúng ngày 3-2-1930 các đại biểu đã đi đến nhất trí thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Theo lời kể lại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Vừa đi đường vừa kể chuyện thì những cuộc họp này khi ở khách sạn, khi ở sân vận động bóng đá. Tuy nhiên Nguyễn Nghĩa lại cho rằng: “Buổi gặp gỡ thứ nhất của đại biểu hai nhóm cộng sản đã được đồng chí Đỗ, tức Lê Hồng Sơn, bố trí tại một căn nhà nhỏ hẹp ở xóm thợ thuyền gần Cửu Long Thành”, còn Trịnh Đình Cửu thì nói sau khi gặp đồng chí Vương, hôm sau lại có người đến gọi cả hai đi. Ngồi tàu máy sang Cửu Long đến một địa điểm. Anh Thiệu [tức Nguyễn Nghĩa], đại biểu của ANCSĐ cũng đã có mặt”31.
Sau này Nguyễn Nghĩa – Trịnh Đình Cửu đã thống nhất với nhau:
“Chúng tôi còn nhớ là họp nhiều lần, có lần họp ban ngày, có lần họp ban đêm, nhưng toàn họp trong nhà, trong những căn nhà nhỏ hẹp ở xóm thợ thuyền bên Cửu Long Thành; vì lúc ấy phải giấu Lâm Đức Thụ nên không dám họp bên Hồng Công hoặc đi ngoài đường phố ban ngày có thể rủi gặp Lâm Đức Thụ nên thường đi lại ban đêm và họp đêm”32.
Còn trong bài viết Thêm những hiểu biết về Đảng ta mùa Xuân 1930 qua một cánh cửa của tư liệu mới, PGS. PTS Đỗ Quang Hưng cho rằng: “… Trong một loạt tài liệu khác ở Học viện Phương Đông và các đồng chí Việt Nam công tác tại QTCS trong các dịp kỷ niệm thành lập Đảng từ năm 1931 đến năm 1933 đều lấy ngày 3.2.1930 là ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy thế đến tài liệu Báo cáo của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương cuối năm 1935 (H.S số 495-10A-138) và tư liệu Kỷ niệm VII năm thành lập ĐDCSĐ (H.S số 495-10A-139A) lại ghi: “Tới ngày 6 tháng Giêng năm 1930 mới là ngày chính thức thành lập Đảng”33.
Ngoài ra, có lẽ việc sửa lại ngày 6-1-1930 là ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam còn vì căn cứ vào câu: “Chúng tôi họp vào ngày 6-1” trong “Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản” của Nguyễn Ái Quốc đề ngày 18-2-1930.
Ngày 10-9-1960, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ Ba của Đảng Lao động Việt Nam đã ra Nghị quyết chỉ rõ:
“Từ mấy chục năm nay, Đảng ta lấy ngày 6 tháng 1 dương lịch là ngày kỷ niệm thành lập Đảng.
Nay căn cứ theo các Văn kiện và các tài liệu lịch sử thì ngày bắt đầu Hội nghị hợp nhất để thành lập Đảng là ngày 3-2-1930 dương lịch, tức là ngày 5 tháng Giêng theo âm lịch.
Vì vậy Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ Ba của Đảng Quyết định từ nay trở đi sẽ lấy ngày 3 tháng 2 dương lịch mỗi năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng”34.
Quyết nghị trên đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
* Chúng tôi xin nêu lên một số ý kiến khác nhau:
- Về thời điểm thành lập An Nam Cộng sản Đảng.
- Tháng 7-1929 (hoặc 25-7-1929):
– Kiều Xuân Bá – Lê Mậu Hãn. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1994, tr.47.
- Tháng 8-1929:
– Louis Marty – Góp phần vào lịch sử của các phong trào chính trị ở Đông Dương (1933), tập 10 – Đông Dương Cộng sản Đảng. IDEO. Hà Nội, 1933, tr.187.
- Tháng 9-1929
– Trần Giang – An Nam Cộng sản Đảng thành lập bao giờ?. Tạp chí Lịch sử Đảng, số 9, tháng 9-1996, tr.90.
- Tháng 10-1929:
– Trần Văn Giàu – Giai cấp công nhân Việt Nam. Sự hình thành, phát triển của nó từ tổ chức “tự mình” đến giai cấp “cho mình” (xuất bản lần thứ hai). Nxb. Sự thật. Hà Nội, 1958, tr.462.
– Trần Giang. Bđd.
– Kiều Xuân Bá – Lê Mậu Hãn – Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam tập 1: 1920-1954. Nxb. ĐHTHCN – Hà Nội, 1988, tr.47.
- Mùa thu năm 1929:
– Phương Hạnh – Về Châu Văn Liêm (1902-1930). Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 4, tháng 7 – tháng 8-1992, tr.57.
– Vũ Lân – Phương Hạnh – Châu Văn Liêm – Bí thư An Nam Cộng sản Đảng. Tạp chí Lịch sử Đảng, số 6, tháng 6-1997, tr.45.
- Cuối tháng 9 – đầu tháng 10-1929:
Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương – Những sự kiện lịch sử Đảng. Tập I: 1920-1945. Nxb. Sự thật. Hà Nội, 1976, tr.156.
- Ngày 7-11-1929:
Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (Sơ thảo). Tập I: 1920-1954. Nxb. Sự thật. Hà Nội, 1982, tr.84.
- Cuối năm 1929:
– Ngô Văn Hòa – Dương Kinh Quóc – Giai cấp công nhân Việt Nam những năm trước khi thành lập Đảng. Nxb. Khoa học Xã hội. Hà Nội, 1978, tr.386.
- Về thời điểm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
- Ngày 6-1-1930
– Các tài liệu công bố trước Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ Ba của Đảng (9-1960)
- Ngày 3-2-1930
– Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ Ba của Đảng (9/1960)
- Ngày 6-1-1930?
Ngày 3-2-1930?
Đỗ Quang Hưng – Thêm những hiểu biết về Đảng mùa Xuân 1930 qua cánh cửa tư liệu mới, Tạp chí Xưa và Nay, số 1/1995.
Chú thích:
[1]. Các tổ chức tiền thân của Đảng (Văn kiện). Ban NCLSĐTƯ, xb. Hà Nội, 1978, tr.152.
2, 5, 7, 9, 10, 15, 16, 20. Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử Đảng, KH. 1.2.3/3.
- Các tổ chức tiền thân của Đảng, (Văn kiện). Sđd, tr.255.
Xin lưu ý rằng nhiều yếu nhân của Hội lúc đó đã bị bắt: Nguyễn Sĩ Cách (28-7-1929), Phạm Văn Đồng (29-7-1929).
- Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử Đảng, đã dẫn. Nhân đây chúng tôi cho rằng một số chi tiết trong bài Hồ Tùng Mậu trong cuộc vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam của PTS. Trần Đức Cường và PTS. Phùng Đức Thắng công bố trên Tạp chí Lịch sử Đảng số 5 (69) / 1996 có lẽ chưa chính xác lắm: “Tháng 8.1928, Hồ Tùng Mậu lại bị bọn Tưởng bắt lần thứ tư cho tới tháng 11-1929 mới được trả tự do và bị trục xuất khỏi Quảng Đông (KĐT nhấn mạnh). Hồ Tùng Mậu sang Hương Cảng tiếp tục hoạt động. Tại đây Hồ Tùng Mậu gia nhập ANCSĐ” (KĐT nhấn mạnh) (tr.62).
Hồ Tùng Mậu là một trong những người sáng lập ra ANCSĐ.
- Nguyễn Hữu Căn, bí danh là Phi Vân, Ủy viên trong Ban Tỉnh ủy Bắc Ninh – Bắc Giang được giao phụ trách cơ quan liên lạc của ĐDCSĐ với hải ngoại đóng tại Hải Phòng.
8, 11, 12, 24. Nguyễn Nghĩa. Công cuộc hợp nhất các tổ chức cộng sản đầu tiên ở Việt Nam và vai trò của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 59/1964.
13, 14. Hồng Thế Công – Lược sử phong trào cộng sản Đông Dương. Bản dịch lưu tại Viện Lịch sử Đảng. KH.D3/4.
17, 19. Hồ Chí Minh – Toàn tập. Tập III. Nxb. CTQG, Hà Nội. 1995, tr.12.
18, 27. Hồi ký về ĐDCSĐ (viết năm 1933). Lưu tại Viện Lịch sử Đảng. KH.1A/5/1-5.
21, 31. Trần Cung – Trịnh Đình Cửu: Một vài nét về Chi bộ đầu tiên của Đảng và về ĐDCSĐ. Báo Nhân dân (17-12-1959). In lại trong Nhớ lại ngày sinh của Đảng. Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1961.
22, 29, 30, 32. Trịnh Đình Cửu – Nguyễn Thiệu – Báo cáo tường thuật về Hội nghị hợp nhất ở Hương Cảng năm 1930.