18/06/2018, 16:44

Văn hóa nông nghiệp Việt Nam

Vũ Tài Lục Họ là những người quê mùa non nước Việt Sống cần lao bên ruộng lúa đồng khoai Lúa xanh rờn nhờ họ đổ mồ hôi Nước Việt sống vì mồ hôi họ đổ – Bàng Bá Lân Tìm trong non một thế kỷ luân hãm, chiến tranh và hỗn loạn, người ta vẫn thấy tất cả đều ...

vietnam xua (18).jpg

Vũ Tài Lục

Họ là những người quê mùa non nước Việt
Sống cần lao bên ruộng lúa đồng khoai
Lúa xanh rờn nhờ họ đổ mồ hôi
Nước Việt sống vì mồ hôi họ đổ
– Bàng Bá Lân

Tìm trong non một thế kỷ luân hãm, chiến tranh và hỗn loạn, người ta vẫn thấy tất cả đều hàm chứa tinh thần văn học Việt trong chứng minh rằng tinh thần văn hóa Việt vẫn tiếp tục làm chủ tể con đường lịch sử của dân tộc, mọi âm mưu nhằm phủ nhận hoặc triệt để cải tạo nó đều thất bại.

Văn hóa Việt thế nào?

Nói đến văn hóa Việt tức là nói đến văn hóa nông nghiệp.

Trên thế giới, chỗ nào chẳng có nghề nông nhưng văn hóa nông nghiệp thực sự thành thế hệ vững chắc trên mọi phương diện kinh tế, chính trị, văn học, giáo dục, quốc phòng, sinh hoạt, xã hội thì ngoài Trung Quốc ra, phải kể ngay đến Việt Nam.

Văn hóa nông nghiệp là văn hóa của sự kết hợp chân chính giữa người với đất, là văn hóa của sự khai phát đất ruộng đi cùng với sự khai phát tâm linh. Trong đó nông dân là lực lượng cốt cán và sĩ nhân là đầu não.

Kinh thánh của Gia Tô giáo chép chuyện Thượng Đế sáng tạo thế giới trong thời gian bảy ngày. Thần thoại Hy Lạp cũng chép chuyện thần nhân tạo ra thế giới. Nhưng ở Việt Nam cũng như Trung Quốc qua thần thoại Bàn Cổ khai thiên tị địa thì tin rằng thế giới này do chính bàn tay người khai phá sáng tạo và gìn giữ. Thần thoại Hy Lạp bảo sở dĩ thế giới có lửa là bởi Prométhée đã ăn trộm lửa của trời mang xuống. Trong khi dân gian Việt và dân gian Trung Quốc bảo là có lửa nhờ Toại Nhân khi cọ gỗo vào nhau mà lấy ra. Phục Hi thì dạy kết thừng làm lưới đánh cá. Ông Vũ Tắc chế cày bừa trồng thóc lúa. Bàn Cổ với hình ảnh vạm vỡ, tay cầm búa đá là sức mạnh lao động của nông dân. Toại Nhân, Phục Hi, ông Vũ Tắc với vẻ văn nhã là sức mạnh của tâm linh khai phát.

Nông nghiệp không chỉ đơn thuần là một trạng thái kinh tế mà còn là một đạo, nông nghiệp chi đạo. Đạo nông nghiệp đại biểu cho sự sống bao la, đại biểu cho đất ruộng vườn, rừng mênh mông cà đại biểu cho thời gian, khi tiết mưa thuận gió hòa hay giông tố bão lúc nào tốt, lúc nào xấu.

Công việc chủ yếu của nghề nông là trồng trọt, cày bừa, vun bón gặt hái thực vật (cây cỏ, hoa trái), đồng thời nuôi dưỡng động vật (gà, vịt, heo, trâu bò).

Kể việc làm ruộng mọi đường
Tôi xin kể được rõ ràng hử ai
Tháng Chạp là tiết trồng khoai
Tháng Giêng tưới đậu, tháng Hai cấy cà
Tháng Ba cày bửa ruộng ra
Tháng Tư bắc mạ thuận hòa vui thay
Tháng Năm cắt lúa vừa rồi
Tháng Sáu mưa xuống nước trôi đầy đồng
Tháng Bảy cày cấy đã xong
Tháng Tám thấy lúa tốt dòng vui thay
Tháng Chín tôi kể lại nay
Bắc mạ xem được mới hay trong lòng
Tháng Mười lúa chín đầy đồng
Cắt về đổ cót để phòng năm sau
Tháng Mười là tiết cấy sâu
Một năm kể cả tự đầu đến đuôi
. . . . . . . . . . . . . . . . . .
Nhờ trời mưa thuận gió hòa
Nào cày nào cấy trẻ già khuyên nhau
Chim gà cá lợn cành cau
Mùa nào thức ấy giữ màu hương quê

Vừa tài bồi (vun tỉa), vừa dưỡng dục sự sống, vừa để nuôi mình sống. Hiện tượng “sống” có ba loại:

– Sinh liễu hựu sinh (sinh sôi nảy nở)

– Do chủng nhi sinh (bởi trồng cấy mà sinh)

– Do tính nhi sinh (do tình yêu mà sinh)

Vũ trụ là một dòng “sông” dài vạn cổ đời đời kiếp kiếp. Sông nọ tiếp nối sông kia là do cơ bản nguyên tắc của dịch lý, sinh sinh chi vi dịch. Một gọng cỏ, một cành cây đâm chồi nẩy lộc mà sinh ra cây cỏ khác.

Sách có câu “Nhất dương sơ động xứ, vạn vật thủy sinh thời” (ánh dương vừa động, vạn vật sống dậy) cũng như ca dao ta có câu: “Lúa chiêm phơ phất đầu bờ, hễ nghe sấm động phất cờ lúa lên. Một hạt giống gieo xuống đất qua sự điều hòa của trời đất, hạt giống tự tách ra nẩy mầm thành một cơ thể mạnh sống và lớn lên. Cho nên mới nói: “Thiên hạ chi đại đức viết sinh” (Đức lớn torng thiên hạ là cho sự sống). Nông nghiệp thường trực hành động để thực hiện đức lớn đó.

Hoa nhờ phấn đực mà kết thành trái, động vật do tinh trùng mà sinh đẻ đều là những điều tốt rất thường thấy trong nghề nông, nhưng nó lại hàm chứa một triết lý gốc “nhất âm nhất dương chi vi đạo”, hay “càn khôn chi đạo”. Âm dương tuy cực khác nhau mà rất tương ái tương thành. Cho nên nông nghiệp văn hóa mới là thứ văn hóa trong sự hòa hợp tự nhiên. Nhiệm vụ của càn hay dương là tự cường bất tức lúc nào cũng dũng mãnh chiến đấu. Nhiệm vụ của khôn hay âm là hậu đức đới vật bao giờ cũng trải tâm tình rộng rãi. Làm trai phải anh hùng, làm gái phải hiền thục, chăm chỉ và chịu đựng.

***

Đại biểu cho đất ruộng mênh mông, cái đất đai yêu quí đã từng nuôi sống ta, từng để yên nghỉ ông cha và sinh sôi con cháu, cái đất đai mà đầu mày cuối mắt ta đều nhớ, đều quen, đều từng ghi nhớ mỗi cái khổ, cái vui, cái hy vọng, cuộc sống cuộc chết, cuộc bể dâu của đời đời nó đã nói ra bao ý nghĩa và gồm bao nhiêu giá trị. Trên tinh thần, văn hóa và đại biểu cho trạng thái vững chải và bình tĩnh và quyết ý không dời đổi, lay chuyển.

Nông nghiệp là sự nghiệp kinh tế, đồng thời cũng là sự nghiệp đạo đức, như Hiếu kinh viết: “Dụng thiên chi đạo, phân địa chi nghi, cận thân tiết dụng dĩ dưỡng phụ mẫu” (Dùng đạo trời, lựa nơi đất tốt, cần cù chăm chỉ, tiết kiệm mà nuôi cha mẹ).

Nông nghiệp là một sự nghiệp sinh sản nhưng đồng thời cũng là một sự nghiệp nghệ thuật như ca dao ta hát: “Cô kia tát nước bên đàng. Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”. Như một thi sĩ Trung Quốc muốn tả hương thơm của cánh đồng, đã hạ bút viết: “Đạp hoa qui khứ mã đđề hương” (Con ngựa trở về dẫm lên hoa mà bước khiến móng ngựa còn thơm). Chính cái tinh thần nông nghiệp bàng bạc khắp vườn tược, đồng rừng đã khiến cho văn nhân, thi sĩ làm thành thơ văn dạy cho người thích nghe giọt mưa lộp độp trên tàu lá chuối, dạy cho cảm thấy cái đẹp của ngọn khói từ mái nhà tranh tỏa lên lẫn với mây chiều ở lưng chừng ngọn đồi, dạy cho biết ngắm cái vẻ trắng nuột của hoa thỏ tí ở bên đường, nghe tiếng tu hú hót mà nhớ tới lời than thở của kẻ tha hương nhớ mẹ, mến yêu cảnh các cô thôn nữ hái trà, dạy cho biết hòa đồng với mọi vật núi sông hoa cỏ, xuân tới thì lòng dào dạt hương xuân, hè tới thiu thiu nghe tiếng ve sầu như gõ nhịp thời gian qua, thu tới thì bâng khuâng nhìn lá vàng rơi rụng và đông tới thì ngâm thơ tuyết bay.

Nông nghiệp là một sự nghiệp lao động nhưng đồng thời còn là một sự nghiệp thờ phượng và tin tưởng. Khôn ngoan nhờ ấm cha ông, làm nên phải đoái tổ tông phụng thờ. Phương ngôn ta có câu: “Tháng Tám giỗ cha, tháng Ba giỗ mẹ”. Cha đây là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, người có công đánh giặc Nguyên giữ vững bờ cõi, mẹ đây là thánh mẫu Liễu Hạnh công chúa, người đàn bà dung nhan tuyệt thế, thông minh dị thường, lúc chết hiển linh thường giáng bút bảo cho dân biết về quốc sự.

Lao động sự nghiệp không chỉ để kiếim bát cơn ăn mà còn để tạo dựng giang sơn đất nước. Bàn tay với đất đai, sức lao động và chí cần cù đem mồ hôi ra trộn với nước mắt của lòng yêu, tất cả để không dứt mở mang đất đai, xây đắp cõi sống, đem máu đào rỏ ra vì lòng yêu từ người thân với những con người mà máu chảy ruột mềm đã bén tới, máu đào đã rỏ ra để sống và thờ phụng cuộc đấu tranh với quân thù, cùng tẩm nhuần với quân thù trong đồng ruộng của xứ sở qua các thời gian. Cho nên, nói đến kinh tế nông nghiệp thì phải nghĩ ngay đến một nền tảng kinh tế, đến chính sách kinh tế hàm chứa đạo đức, không lọc lừa tranh giành để thủ lợi như kinh tế thương nghiệp và tàn bạo đổ máu như kinh tế du mục. Nói đến sinh sản nông nghiệp với vẻ đẹp của khóm cúc bên dậu, của ao thu lạnh lẽo nước trong veo, một chiếc thuyền con bé tẻo teo. Nói lến lao động nông nghiệp thì phải nhớ đến việc dồn sức vào sự nghiệp yêu nước.

Trải qua bao biến cố, sức đất vẫn bình tĩnh, vững chãi mà ứng phó, cả mấy ngàn năm tinh thần bình tĩnh vững chãi đó đã vượt hết các khó khăn, trở ngại để đẩy mạnh dòng sông chảy đời đời sinh sôi nảy nở. An thổ đôn hồ nhân, bám chắc lấy đất, dựng dụng tinh thần lạc quan chiến đấu. “Bất năng an thổ, tiện hội thắng không, tức bất trước địa, diệc bất trước thiên, chung ư hôn mê, chung ư nhuyễn nhược, chung ư hoành bạo, chung ư đảo hạ” (nếu không bám chắc lấy đất tất không có đất chiến đấu lại thiếu cả thiên thời tất sẽ hôn mê, nhuyễn nhược sinh ra làm rông rỡ mà sụp đổ).

***
Dịch hệ từ viết:

“Nhật vãng tắc nguyệt lai, nhật lai tắc nhật vãng, nhật nguyệt tương di nhi minh sinh yêu. Hàn lai tắc thự vãng, thự lại tắc hàn vàng, hàn thự tương suy nhi thế thành yên” Mặt trời lặn, mặt trăng lên, mặt trăng lặn mặt trời lên chuyển đổi nhau. Giữa hai vầng nhật nguyệt mà có ánh sáng. Lạnh hết đến nóng, nóng hết lại đến lạnh, lạnh nóng đuổi nhau mà thành bốn mùa năm tháng…)

Nông nghiệp gần với sinh vật, đất ruộng và cũng không lúc nào rời khí tượng tứ thời.

Tháng Giêng chân bước đi cày
Tháng Hai vãi lúa ngày ngày siêng năng
Thuận mưa lúa tốt đằng đằng
Tháng Mười gặt lúa ta ăn đầy nhà

Như vậy là cái lý “dữ thời giai hành” trong kinh Dịch.

Nông nghiệp không đi ngược với lẽ sống, không làm trái với ý muốn của đất và thứ nhất phải cho đúng thời không trái mùa. Quả nào, hoa nào kết thực khai hoa có thời gian nhất định, lúc nẩy mầm, lúc sinh trưởng và lúc chín để gặt hái. Không thể cưỡng ép thời gian sớm hơn, cũng không thể trễ nải thời gian muộn hơn.

Do lý đó đem vào chính trị mà thành nguyên tắc “thời trung”, “quân tử thời trung”, linh hoạt thích ứng với bốn điểm: Thời-Vị- Trung-Chính.

Thời là thời gian lúc nào có thể và lúc nào không thể.
Vị là không gian hay vị thế chiến lược.
Trung là giao điểm của thời gian và không gian.
Chính là hành động cho thích đáng.

***

Nông nghiệp đối với sinh mệnh là thuận, không đi trái lý thiên nhiên: nông nghiệp đối với quốc gia là gốc, là căn bản. Thuận cho nên cái học của nông nghiệp có tiết điệu tình tự như bài thơ. Gốc và căn bản cho nên cái học của nông nghiệp là thực học phác tố ít viển vông.

Bất thị nhất phiên bàn triệt cốt
Tranh đắc mai hoa phác tị hương

là một câu dân dao rất đẹp của nông dân Trung Quốc ý nói: nếu không có cơn gió lạnh buốt tận xương thì làm sao có hương hoa mai thơm ngát cả vầu trời? Gió lạnh ai không sợ, nhất là nông dân sống dầm mưa dãi tuyết? Nhưng vì thuận theo thời tiết trời đất thì gió lạnh buốt tận xương vẫn là điều cần thiết vì nhờ có mai mới nở đem hương ướp đượm cả trời đông. Vậy chẳng có gì đáng buồn, đáng trách. Cơn gió lạnh ví như một thời kỳ đánh đuổi giặc trăm ngàn gian khổ, đắng cay nhưng nhờ thế mới có ngày thanh bình, chiến thắng đẹp như mai nở.

Ơn trời mưa nắng phải thì
Nơi thì bừa cạn nơi thì cày sâu
Công lênh chẳng quản lâu lâu
Ngày nay nước bạc ngày sau cơm vàng
Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang
Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu

Thiên địa thuận nhi tứ thời đương, dân hữu đức nhi ngũ cốc sương (Trời đất thuận bốn mùa mưa nắng đúng cộng với sự chăm làm của người nên ngũ cốc nhiều). Nông nghiệp lấy thuận làm chủ lao động hòa nhịp với tứ thời để xây dựng một đời sống no ấm.

Dĩ nông lập quốc và quốc dĩ nông vi bản chuyển sang chính trị thành chính trị dĩ nhân di bản. Một thể chế chính trị xưa đặt dưới tay Thương Ưởng áp dụng chính sách “trọng nông” thế mà dân đã đuổi bắt và giết Thương Ưởng. Nhà Tần nhờ chính sách của Thương Ưởng thôn tính được lục quốc rồi cũng vì chính sách ấy chịu diệt vong. Tại sao? Tại Thương Ưởng chỉ biết cái gốc nông nhưng lại không nhìn đến gốc dân, đã xem nông như một thủ đoạn, kết quả nước giàu thịnh mà dân lại nghèo khổ, binh lực lớn mạnh mà dân lại yếu cực, tạo thành tình trạng mâu thuẫn giữa dân sinh với quốc phòng đưa đến sự đối lập của nhân dân với quân đội. Bởi vậy nông dân đã nghiến răng thề không đội trời chung với bạo chính: thời nhật yết táng dư dữ nhữ giai vong (tao sẽ cùng chết với mày).

Pháp gia Thương Ưởng và chính sách trọng nông quá chuyên chú vào lãnh vực kinh tế cốt để xây dựng một chính sách tài chính thuần túy và một chính sách quân sự tuyệt đối đã không hướng tới sự bón gốc nữa, ngược lại còn hy sinh nông dân và phá hoại nông nghiệp khiến cho gốc nước lung lay, chính quyền pháp gia phá sản đẩy đến việc nhà Tần vong. Nông nghiệp như thế là đi vào nghịch đạo trái với ý chí của văn hóa nông nghiệp vốn vẫn không ngừng đề cao chính trị dân bản và chống đối bạo chính thống trị.

Khai phát đất ruộng phải đi đôi với khai phát tâm linh, trên quốc sách thì dân sinh phải hợp nhất với quân đội, sinh hoạt phải hợp nhất với chiến đấu, ch phải hợp nhất với kinh tế. Đó là căn bản của nông nghiệp chi đạo vậy.

Khai phát thổ địa đi đôi với khai phát tâm linh đã trở thành một khúc anh hùng ca tiến xuống miền Nam của dân tộc Việt.

Bài “Chuyến du khảo vào nông trại Thới Sơn” đăng trong tập san Sử Địa số 22, tác giả Nguyễn Văn Hầu đã cho độc giả một hình ảnh tuyệt đẹp của khúc anh hùng ca đấy. Tác giả viết:

“Xin hãy lùi về hơn trăm năm trước để tưởng lại cảnh vật của miền rừng núi bao la này. Xa xa một vài sóc thổ mỗi sóc thổ thì đâu lối năm bảy mái tranh, còn bao nhiêu là rừng. Cọp beo, rắn độc cùng những muỗi mòng, con ve, con vắt cùng nhau ngự trị như một giang sơn riêng. Vậy mà có người đã hướng dẫn quần chúng vào đây để khai hoang lập ấp. Người ấy là thầy Đoàn Minh Huyền tức đức Phật thày Tây An. Chính Phật thày đã thực hiện giáo lý tự tu, tự độ để gắng gổ độ tha cho nên mới hướng dẫn môn đệ khai hoang nhiều chỗ mà trước hết là ở đây giang sơn của ác thú. Thêm vào đó, một nỗi đe dọa khác nữa là phải sống bên cạnh người Mên đầy gồng ngải bùa thư, thù hằn và giận dữ.

Phật thày đã làm cách nào để động viên nhân lực mà làm nổi việc phi thường này?

Với giáo lý Tứ Ân (Ân Tổ Tiên cha mẹ- Ân Đất Nước- Ân Tam Bảo- Ân Đồng Bào Nhân Loại), Phật thày đã đưa vào lòng người một niềm tin vô biên. Qua huyền diệu của đức Phật và khả năng tu tỉnh của con người, tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương không còn biết sợ một thế lực tà mị nào khác. Do đó mà họ rất tích cực và nhờ vậy thày Tây An đã thành công.

Có hai đệ tử của Phật thày là Đình Tây tên thật là Bùi Văn Tây và cụ Tăng chủ Bùi Văn Thân đã góp tay đắc lực cho Phật thày trong việc mở ruộng và lập làng ở vùng này. Hai cụ có đức lớn, đạo pháp uyên thâm, võ dũng cũng phi thường nên rất được nhân dân tòng phục. Những người dân lam lũ, chất phác cần phải được hướng dẫn chân chính, hai cụ Tăng chủ và Đình Tây là những người có đủ tác phong đạo đức để làm nên việc đó. Ban ngày người tín đồ đi khai hoang, đêm về thì làm lễ niệm Phật, tham thiền và lĩnh hội những lời hay ý đẹp của các cụ. Những ngày sóc vong, các cụ thuyết pháp giảng kinh.

Ngôi chùa của Bửu Sơn Kỳ Hương không có tượng Phật. Ngay đại điện cũng chỉ thờ một khung vải đỏ gọi là Trần Điều mà thôi. (Vuông vải màu điều này mang ý nghĩa nhiễu điều phủ lấy giá gương, còn có thuyết nói Đức Phật thày là dòng dõi Tây Sơn đổi tên, chạy ẩn vào Nam cho nên vuông vải điều đó mang ý nghĩa non tây áo vải cờ đào).

Đi thăm chùa chúng tôi (lời tác giả) được cụ trưởng ban Quản trị của nhà chùa tiếp đãi. Cụ giảng: Nơi này xưa kia là trại ruộng của đức Phật Thày Tây An. Ngài di dân đến đây vào khoảng năm Tân Hợi để vừa mở cơ hoằng pháp vừa khai phá rừng hoang. Hồi đó, cọp beo dữ lắm mà đường sá không có. Cụ còn kể cho chúng ta nghe chuyện tăng chủ Bùi Văn Thân trị cọp như sau:

Một lần cọp về xóm vào chập tối, người ta rút lên trên gác đóng cửa kín mít, đánh mõ tre báo động vang trời. Ông Tăng một mình cầm mác trèo xuống thang rượt cọp. Dưới ánh trăng mờ, cọp nhào tới phủ lên mình ông Tăng. Ông Tăng lẹ làng ngồi xuống, một tay dựng đứng cây mác lên, một tay thủ thế chờ cọp rơi xuống. Cọp hoảng hồn khi gặp tọa bộ của ông Tăng cùng ánh sáng lấp lánh của ngọn mác, liền né sang một bên. Trong lúc cọp mất thăng bằng chao mình trên lưng chừng thì ông Tăng đấm vào hông nó một quả đấm thôi sơn và thuận chân bồi thêm vào hạ bộ nó một cú đá nặng đòn. Cọp rống lên một tiếng vang rồi ngã lăn bất tỉnh.

Ông Tăng không giết cọp, bước tới giựt nó dậy miệng lẩm bẩm: “Tao tha cho mày, từ nay phải bỏ tánh ngang tàng đừng tới đây nữa mà mất mạng”.

Cọp gầm mặt xuống đất kéo la lết cái chân què vào rừng và từ đó không còn dám bén mảng đến xóm nữa.

Ông Tăng không muốn sát sanh mà chỉ muốn tâm phục lũ thú dữ. Việc đánh cọp vừa nói không chỉ một lần mà cả năm ba lần nữa. Lần nào ông cũng tha cho chúng. Riết rồi con nào con ấy chạy mặt lùi xa.

Cụ Quản còn dẫn chúng ta đi một vòng nội điện rồi đưa ra ngoài đến một gốc cổ thụ ở cạnh chùa, nơi một khoảng đất trống bằng phẳng, cụ trỏ tay nói: “Đây là di tích của ông Sấm ông Sét tức là đôi trâu của Phật thày. Trâu có công lớn trong việc vận tải và khai phá vùng này. Hồi Đức Phật Thày viên tịch, đôi trâu vẫn chưa già nhưng người ta quá ngưỡng mộ ngài và nhớ ơn trâu nên không bắt làm những việc nặng nề nữa. Cho đến khi trâu già người ta vẫn nuôi hoài rồi khi chết, đem chôn cất cẩn thận tại đây và xưng gọi như thế để tỏ lòng ghi nhớ”.

***

Tinh thần nông dân của dân tộc Việt là:

a) Biết sâu xa những ưu hoạn

b) Không sợ khó nhọc, gian khổ

c) Không có quan niệm về sự chết

Tại sao lại phải lo lắng sâu xa?

Gần cận với thiên nhiên nên người nông dân hiểu rằng: Khi một đứa bé chào đời, mang tiếng khóc ôm đầu mà ra, nó cần biết bao nhiêu ngoại duyên để được sinh ra. Tục ngữ có câu mang nặng đẻ đau là thế. Khi một chú gà nhỏ bé thoát vỏ trứng, kêu chiêm chiếp đau đớn, nó phải cẩn thận biết bao để chui ra ngoài vỏ trứng.

Khi một hạt giống nẩy mầm, cái mầm mềm yếu, nó pahỉ cần vô số điều kiện mới nhô lên khỏi mặt đất.

Nhất nhất đều khó khăn, nhất nhất đều phải trải qua một quá trình ưu hoạn, nào mong sao cho được mưa thuận gió hòa, mong sao cho khỏi tật bệnh tử vong.

Người nông dân do tinh thần biết sâu những ưu hoạn tích lũy mà có một tâm hồn bình dị để nhìn mọi sự, mọi vật trong trời đất rồi chọn thái độ bình tĩnh lo toan vằng lý tính.

Người nông dân do tinh thần biết sâu những ưu hoạn tích lũy mà có một tâm hồn siêu việt để chuyển thành ý thức tôn giáo nhưng là ý thức tôn giáo lý tính hóa không có tín điều giáo chỉ và hệ thống tăng lữ và giáo chủ.

Người nông dân tế trời, kính trời một cách thân mật chứ không sợ sệt như bị hầm hè đe dọa, đem đến cho tôn giáo tình vị và thi vị.

Trời mưa cho lúa chín vàng
Cho anh đi gặt cho nàng đem cơm
. . . . . . . . . . . . . . .
Chàng ơi, đi trẩy kẻo trưa
Cửa nhà cậy mẹ, nắng mưa nhờ trời
Em đi khấn Phật cầu trời
Biết than cùng trời biết thở cùng ai?
Trời ơi trời ở chẳng công
Người ba bốn vợ người không vợ nào
. . . . . . . . . . . . . . .
Lạy trời, lạy Phật, lạy vua
Cho tôi sức khỏe tôi xua con ruồi

Do biết sâu những ưu hoạn mà tinh thần nông dân mới không sợ khó nhọc gian khổ, với một tâm hồn kiên cươòng vô tỉ.

Cày sâu cuốc bẫm khai phá đất hoang tất phải khó nhọc, gian khổ, sự nghiệp của đất vốn là kết tinh của những nỗi tân khổ. Sách có câu: “An thổ đôn hồ nhân cố năng ái” (Vỡ đất xây dựng điều nhân cho nên biết thương yêu). Trải tân toan cay đắng nước mắt trộn mồ hôi mới thương người đồng cảnh. Nỗi khổ ấy giống như nỗi khổ trong bài “Thảo Từ” của Tân Giá Hiên:

Nhân gian bất thức tinh thành khổ
Tham khán thanh xuân vũ

(Nếu nhân gian chưa biết đến nỗi khổ của tấm lòng tinh thành xin hãy nhìn mưa xuân).

Càng khổ bao nhiêu càng chân thành bấy nhiêu.
Khó khăn thay công việc nhà quê
Cùng năm khó nhọc dám hề khoan thai
Tháng Chạp thì mắc trồng khoai
Tháng Giêng trồng đậu tháng Hai trồng cà
Tháng Ba cày vỡ ruộng ra
Tháng Tư bắc mạ thuận hòa mọi nơi
Tháng Năm gặt hái xong rồi
Bước sang tháng Sáu nước trôi đầy đồng
Nhà nhà, vợ vợ, chồng chồng
Đi làm ngoài đồng sá kể sớm trưa
Tháng Sáu tháng Bảy khi vừa
Vun trồng giống lúa, bỏ chừa có gianh
Tháng Tám lúa rỗ đã đành
Tháng Mười cắt hái cho nhanh kịp người
Khó khăn làm mấy tháng trời
Lại còn mưa nắng vất thời khổ trông
Cắt rồi nộp thuế nhà công
Từ rày mới được yên lòng ấm no.

Càng tân khổ nên sự đối xử thập phần thân thiết, tìm mọi cách đùm bọc lẫn nhau, sự thân thiết đùm bọc chuyển thành luân thường. Lòng tinh thành đối với luân thường chuyển thành lý tưởng. Lý tưởng ấy là đạo đức và lo khai hoang trồng cấy.

Trong tinh thần không sợ tân khổ, đạo đức luân thường dung hợp với lao động khai phá khẩn thực nên toàn dân chỉ là một người, đấu tranh thường trực tự cường bất tức.

Trong tinh thần không sợ tân khổ, khai phá khẩn thực đi đôi với lý tưởng, người nông dân đã xây dựng cho mình một xã hội làng xã chi chít và bát ngát trên rừng, dưới biển, vừa đoàn kết chặt chẽ, vừa tự do bình đẳng. Mỗi cá nhân đều có ruộng vườn, giang sơn và nhân cách riêng biệt. Chức vị chú mõ làng thấp nhất nhưng vào hội hè đình đám, chú được trọng vọng ngồi ăn một mình một chiếu.

Trong tinh thần không sợ tân khổ, đạo đức kết hợp với luân thường, người nông dân xây dựng cho mình một nếp sinh hoạt gia tộc vững chãi.

Bằng tinh thần không sợ tân khổ, người nông dân đã bằng hai bàn tay trắng chuyển rừng thành ruộng, biến núi thành vườn suốt từ ải Nam Quan đến mỏm Cà Mau.

Chỉ vì không sợ tân khổ, mỗi người nông dân chịu đói rét nhưng vẫn canh cánh bên lòng ý niệm: “Chớ để nhà tan, nước mất, chớ để lê dân đói rách”.

Với tinh thần không sợ tân khổ, người nông dân mặc áo tơi nón lá vẫn cảm thấy mình chẳng thua kém chi kẻ mặc áo lông cừu.

Với tinh thần không sợ tân khổ, người nông dân tuy chẳng biết một chữ nhưng vẫn đường đường là con người đầy đủ nhân cách. Nhất sĩ nhì nông hết gạo chạy rông nhất nông nhì sĩ.

Thiên địa có khai phá được hay không?
Đồng ruộng có được xanh tốt màu mỡ hay không?
Đất nước có được bảo vệ hay không?
đều tùy thuộc tinh thần không sợ tân khổ.

Một con người khả dĩ đường đường chính chính ấy cũng nhờ tinh thần không sợ tân khổ. Hình ảnh đi dép cỏ vào nói chuyện với thiên tử, áo rách hở hai khuỷu tay là hình ảnh nhà thơ nông dân Đỗ Phủ. Thật là khí khái đại biểu cho lớp người mang tinh thần không sợ tân khổ.
Chỉ vì tinh thần không sợ tân khổ nên mọi hành động cướp nước trên đất Việt thường thất bại.

Nếu không nhìn thấy sức mạnh của cải tinh thần “bất yểm tân khổ” của dân Việt, người ta sẽ không hiểu tại sao người Việt với những điều kiện chiến đấu cực kỳ thiếu thốn mà vẫn hăng hái, dai dẳng vô cùng.

Nông dân bằng một tinh thần thâm hậu và một sinh mệnh cực độ kiên cường, đứng trước tình thế trời xoay đất đảo, loạn lạc lưu ly nhưng vẫn tin rằng: thế giới này từ trạng thái hoang vu đã do hai bàn tay người sáng tạo, vậy thì tất cả mọi việc đều cũng có thể do hai bàn tay người giải quyết được hết, chắc chắn trời xanh chẳng phụ khổ tâm nhân. Đời sau kế tiếp đời trước. làm mãi phải xong. Người nông dân trông trời trông đất quanh năm ngày tháng, đem tự kỷ chi tâm hòa vào với thiên địa chi tâm. Vái trời khấn đất có nghĩa là thần thánh hóa tự kỷ chi tâm, thần thánh hóa tinh thần chịu tân khổ chiến đấu. Vì đời sau tiếp đời trước nên phải lễ tổ kính tổ, không quên ông bà, cha mẹ, tổ tiên chuyển thành tổ quốc, thờ kính tổ tiên là thờ kính tổ quốc.

Một tấc đất một tấc vàng, tấc đất được bàn tay lao động tân cần canh tác trở nên tấc vàng, nguồn sống không bao giờ kiệt. Một mẫu ruộng tượng trưng của bao công lao “tân khổ” nhưng đồng thời cũng tượng trưng cho sự quang vinh của công lao tân khổ đó.

***

Tinh thần không sợ tân khổ khiến cho nông dân bước vào đấu tranh lịch sử bằng ý chí kiên cường. Không có quan niệm về sự chết khiến cho nông dân tin tuyệt đối vào sự bất hủ của tâm linh. Ngạn ngữ có câu “sống gửi thác về”. Quá trình của mỗi sinh mệnh, khởi đầu bằng sinh, trong sinh đã tiềm phục “tử”. Nó chẳng khác chi ngày với đêm, hoàn toàn là chuyện rất thường. Sống thì tận nhân lực lo toan ưu hoạn, không sợ khó nhọc, chết thì về cõi khác. Người phương Tây lúc chết, thân nhân để tang bằng khăn đen, linh sàng toàn một màu đen vì họ nghĩ chết là đen tối, tuyệt vọng bi ai. Người Việt lúc chết thân nhân để tang bằng khăn trắng, linh sàng bày biện màu sắc rực rỡ, màu trắng đại biểu cho quang minh, thuần khiết đem mọi nỗi thê thảm trong trắng hóa khiến cái chết không còn là một điều đen tối tuyệt vọng nữa.

Gậy thần của Tản Viên có một đầu sinh một đầu tử để sinh sinh hóa hóa, tử để hóa chứ không tiêu diệt. Các cụ già cứ đến tuổi 60 là bảo con cháu mua cái hòm để sẵn trong nhà làm cỗ hậu, ngày ngày các cụ sáng tối vừa uống trà vừa lau cho bóng cỗ hậu như luôn luôn săn sóc nhà mới mà mình sắp tới ở.

Vương Long Khê đời Tống viết trong sách “Long Khê ngữ” rằng: “Sinh tử như trú dạ, nhân sở bất miễn tứ thời chi tự thành công giả thoái, nhân sinh thiên địa gian, thử thân đồng ư đại hư, nhất nhật diệc khả bách niên diệc khả”, nghĩa là: Lẽ sống chết ở đời như ngày với đêm, như bốn mùa thay đổi, hoàn thành nhiệm vụ rồi đi, con người sinh ra trong trời đất cái thân này đồng với đại hư không, một ngày cũng tốt mà trăm năm cũng xong. Câu nói ấy bắt nguồn từ triết lý nghề nông mà ra vì nông nghiệp vốn là sự nghiệp gắn chặt với chữ thời. Thiệu Nghiêu Phu (danh nho đời Tống) lúc sắp chết còn nói chuyện hài hước vui như pháo nổ.

Lục Tượng Sơn (danh nho đời Tống) biết mình sắp chết, ông đi tắm gội mặc quần áo tề chỉnh xong ngồi nghiêm trang chờ phút lâm chung. Chu Hối Âm (danh nho đời Tống) trước khi thở hơi cuối cùng thấy bốn phương trời sáng rực. La Cận Khê (danh nho đời Tống) lúc chết bảo học trò: “Thần thông biến hóa là chuyện dị đoan, thầy đây chỉ bình bình một người thường và thầy thích như thế”. Cao Bá Quát vươn cổ cho đao phủ chém mà vẫn còn làm thơ rồi ngâm vang lên.

Do tinh thần không có quan niệm về sự chết nên người nông dân Việt lập bàn thờ tổ tiên phụng dưỡng như lúc ông bà, cha mẹ còn sống và đời đời kiếp kiếp nối nghiệp tiên tổ. Nỗi đau khổ nhất của người sắp từ bỏ cõi trần là không thấy có ai nối dõi, chứ không đau khổ vì bản thân mình.

*
**

Nhà Nho nước ta thường áp dụng chính trị gốc ấy là liên kết và giáo hóa tinh thần nông dân của dân tộc để thực hiện 4 công tác:

– Dĩ nông dân vi thiên địa chi tâm (Lấy nông dân làm con tim của trời đất).

Lòng em có đất có trời
Có câu nhân nghĩa có lời hiếu trung

– Dĩ nông dân vi đại địa chi tử (Lấy nông dân làm con yêu của đất lớn).

Lạy trời mưa thuận gió đều
Cho đồng lúa tốt cho chiều lòng em

– Dĩ nông dân vi tinh thần chi thực thể (Lấy nông dân làm thực thể của tinh thần)

Nhác trông sao Đẩu về Đông
Chị em ra sức cho xong ruộng này
Lấm lem tay cắm chân cày
Hay trồng cây ngọc có ngày hữu thu

– Dĩ nông dân vi an định chi lực lượng (Lấy nông dân làm lực lượng nền móng)

Nông nghiệp là cái gốc của một nước.

Sách “Luận Ngữ” chép:

Ông Tử Lộ theo thầy học là Khổng Phu Tử, gặp một ông lão nhà quê đứng bên đường, mới hỏi: “Cụ có trông thấy Phu Tử không?”.Ông lão đáp: “Chân tay chẳng chịu làm việc, ngũ cốc chẳng biết phân biệt, có gì đáng gọi Phu Tử?”. Nói rồi chống gậy đi. Ông Tử Lộ chắp tay vái.

Ý “Luận Ngữ” muốn bảo người đọc sách không thoát ly sản xuất.

Nông dân Âu Châu từ xưa đã tập trung vào những nông trường lớn mà thời Trung Cổ gọi là lãnh thổ của quí tộc hay tăng lữ (manoir) để chịu cái kiếp nông nô. Nông nô nếu không được lãnh chúa cho phép thì không bao giờ có thể bỏ thái ấp này sang thái ấp khác. Nông nô chỉ được làm những gì lãnh chúa ra lệnh. Tất cả tài sản của nông nô từ cái bàn, cái ghế, cái giường đến thúng thóc đều là của lãnh chúa. Còn người nông dân Việt sống với mảnh đất, mảnh vườn nhỏ tự canh tác mà ăn, làm chủ mảnh đất mảnh vườn đó để đại biểu cho cái tâm của đất trời, làm con của đất ruộng cha ông đóng góp vào thực thể tinh thần dân tộc và đoàn kết, chung đúc nên lực lượng an định cho đất nước, hàng triệu mảnh đất, mảnh vườn nhỏ này chính là một pháo lũy quốc phòng hàng hàng lớp lớp vững mạnh cả mấy ngàn năm.

Giặc định phá hoại nông thôn?

Nông dân đã có quá nhiều kinh nghiệm với mọi nỗi ưu hoạn.

Giặc định khống chế sinh hoạt?

Nông dân vốn không bao giờ sợ tân khổ, sẽ chiến đấu dù hoàn cảnh ngặt nghèo đến mấy.

Giặc định đem cái chết ra dọa nạt bằng khủng bố, tàn sát tập thể?

Nông dân chẳng hề có mảy may quan niệm về sự chết thì đâu có sợ chết, đã không sợ chết thì đem cái chết ra đe dọa sao được.

Chống với mọi loại giặc, nông dân luôn luôn có thái độ thật lì:

Dù ai nói đông nói tây
Lòng ta vẫn vững như cây giữa rừng
Dù ai nói ngả nói nghiêng
Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân
Lòng ta đã quyết thì đánh
Đã đẵn phải đẵn cả cành lẫn cây

Pierre Gourou nhận xét:

“Hãy nhìn sự bành trướng mở mang của dân tộc Việt trong lịch sử, với ruộng lúa xanh ngắt, làng xã khắp nơi với những con người quen bám chặt lấy đất cùng nền văn hóa nông nghiệp kiện toàn. Giống như loài hà ngoài biển tới đâu là sinh sôi nẩy nở gắn chặt lấy đó, xúm xít lại không cách gì làm cho nó rời ra. Rồi một lối sống được xây dựng chặt chẽ. Bởi vậy, dân tộc Việt, mặc dầu đã nhiều lần trong quá khứ bị giống Chàm thiện chiến, hung tợn đánh bại, nhưng kết cuộc dân tộc Việt đã tiêu diệt giống nòi Chàm. Đến nay, vết tích Chàm gần như mất hẳn, trong khi lối sống Việt đã tràn ngập, chỉ còn lại ít khác biệt còn có thể nhận thấy trên hình thù phần mộ, kiểu mái nhà ở và các loại cây mang tính chất địa phương mà thôi”.

Sức mạnh của nông dân vốn tiềm ẩn như sức mạnh của đất, trông ngoài có vẻ vô lực mà kỳ thực lại là địa lực, có vẻ yếu mà rất khỏe, có vẻ nhát mà rất gan, xưa nay chiến sĩ thường 80% thuộc thành phần nông dân. Trong khi dân du mục tác chiến trông thật là cuồng phong bạo vũ nhưng chỉ được lúc đầu, không có sức chịu đựng bền bỉ. Lý tất thắng là thế, chỉ còn chờ thêm cái thế thắng nữa thôi.

***

Đạo nông nghiệp, văn hóa nông nghiệp nay đứng trước sự thách đố của văn minh Âu Mỹ và cái đạo công thương nghiệp với tinh thần cạnh tranh bất cố nhân nghĩa thì sao?

Vấn đề đặt ra là:

Đừng để đạo công thương nghiệp phá hoại nền móng văn hóa nông nghiệp và cái đạo nông nghiệp bằng sự phủ nhận hoàn toàn giá trị cũng như ý nghĩa. Nhưng ngược lại, không nên độc tôn văn hóa nông nghiệp mà bài xích mọi giá trị cũng như ý nghĩa cần thiết của công thương nghiệp. Hãy tận lực mà học cho kỹ phương pháp tính và tổ chức tính của văn hóa công thương nghiệp để có thể khai thác tối đa những khả năng vật chất cho sinh hoạt.

Đa số khi nói đến ruộng đất thường nghĩ ngay đến danh từ lạc hậu, khi nói đến nhà máy kỹ nghệ thường nghĩ đến danh từ tiến bộ. Sự thực lạc hậu hay tiến bộ không quá đơn sơ sốc nổi như vậy. Ở văn minh công thương nghiệp tiến bộ, người ta tìm thấy nào khoa học, số học và “logique học” rồi đến vật lượng, lực lượng và tốc xuất. Nhưng quả tình là người ta không sao tìm thấy vẻ trang nghiêm trong “logique học”, âm tiết hòa trong số học và tính tình ôn hậu trong khoa học. Ở văn minh công thương nghiệp tiến bộ, sinh mệnh bị vật lượng, lực lượng và tốc xuất chèn ép đến nỗi ngộp thở. Quay cuồng vào cơn lốc sản xuất thật nhiều, tiêu thụ thật nhiều, sản xuất thật nhanh, tiêu thụ thật nhanh. Lẽ ra vật lượng phải làm cho sinh mệnh sung túc thảnh thơi trái lại vật lượng quay cuồng vào cơn lốc kia lại làm cho sinh mệnh dễ lâm vào khủng hoảng và luôn luôn khẩn trương. Sau một thế kỷ say văn minh, các kinh tế gia, triết gia và trí giả bây giờ đang phản tỉnh để đặt lại toàn bộ mọi vấn đề, hết cả tin tưởng lạc quan như trước đây. Họ cảm thấy nỗi lo âu (angoisse), họ chán ngấy sự vội vã và mong mỏi được có những phút thảnh thơi, ninh tĩnh.

“Logique học” của văn hóa công thương nghiệp đang cần có cái lý “dị giản” của văn hóa nông nghiệp để cho nó được trang nghiêm, để nó tự giảm bớt sự quá chuyên chú vào việc theo đuổi vật chất mà quay về với việc di dưỡng và tác nhân.

Toán số học của văn hóa công thương nghiệp đang cần có con tim của đạo nhân, của văn hóa nông nghiệp để nó thành âm tiết (điều độ nhịp nhàng cho con người trở lại cùng tâm linh và tình cảm).

Khoa học của văn hóa công thương nghiệp đang cần cái đạo trung thứ của văn hóa nông nghiệp để cho đời sống có tính tình ôn hậu.

Chính trị học của văn hóa công thương nghiệp đang cần triết lý được lòng người thì thắng, mất lòng người thì bại, không lấy người làm đối tượng thù hận để cho chính trị bớt tàn nhẫn.

Những danh từ “lạc hậu, chậm tiến” chỉ nhằm mục đích gây mặc cảm nhiều hơn là đánh giá thực trạng một cách tuyệt đối khách quan, rơi vào mặc cảm đó tức là rơi vào bẫy.

Theo sử gia Oswald Spengler: “Mỗi nền văn hóa đều có riêng văn minh của nó”. Vậy thì nếu phải cần một biến đổi nào thì chỉ là sự thích ứng với thời đại thôi.

Cuối thế kỷ 19, nước Việt thua Pháp trước sức hùng mạnh của máy móc, súng ống tối tân. Tuy nhiên, cái thua đó giống như thành Rome xưa kia đã bị đàn voi của Hannibal dầy xéo. Rome thua chẳng phải vì voi là một sức mạnh không có gì chống lại được mà là tại người thành Rome đã không hề có một quan niệm rõ rệt nào để chống lại sự bất ngờ này. Chỉ có thế thôi.

Trích NHỮNG QUY LUẬT CHÍNH TRỊ TRONG SỬ VIỆT (1974)

Nguồn bài đăng

0