Chế độ Phát Xít (bài 2)
Tác giả: Jeliu Jeliev – Cựu tổng thống Bungaria Dịch giả: Phạm Văn Viêm Phần II – Những chức năng đặc biệt của nhà nước độc tài phát xít 1. Do thám tổng thể Ðể có thể hiểu được do đâu dẫn đến “do thám tổng thể” trong những điều kiện của nhà nước phát xít, ...
Tác giả: Jeliu Jeliev – Cựu tổng thống Bungaria
Dịch giả: Phạm Văn Viêm
Phần II – Những chức năng đặc biệt của nhà nước độc tài phát xít
1. Do thám tổng thể
Ðể có thể hiểu được do đâu dẫn đến “do thám tổng thể” trong những điều kiện của nhà nước phát xít, chúng ta cần xem xét lại cấu trúc độc tài của nó. Như một xã hội “được tổ chức”, nhà nước độc tài thâu tóm tất cả mọi thành viên của mình theo nghề nghiệp, giới tính hay tuổi tác vào những tổ chức quần chúng. Hệ thống tổ chức quần chúng khổng lồ này đồng thời vừa là công cụ để kiểm soát xã hội, vừa để nhồi nhét tư tưởng phát xít cho xã hội. Nhưng ở đây ẩn giấu một mặt trái của vấn đề: Trong những điều kiện nhất định, hệ thống tổ chức quần chúng này có khả năng quay lại chống nhà nước. Ðiều này đúng cho mọi tổ chức. Bởi vì một khi đã được xây dựng, tổ chức là hình thức có thể thực hiện những ý đồ chống nhà nước với sức mạnh được tổ chức sẵn, nếu vị trí lãnh đạo của nó rơi vào tay những người mang trong mình tư tưởng đối lập.
Lãnh đạo một tổ chức quốc gia và chờ thời cơ, để dùng nó chống lại chế độ sẽ hiệu quả hơn nhiều, so với việc xây dựng một tổ chức chống đối công khai. Bởi vì tổ chức chống đối công khai ít có khả năng thành công hơn do sự khủng bố gắt gao của lực lượng cảnh sát.
Vì lý do này, những người hoạt động bí mật có kinh nghiệm, làm việc trong những điều kiện của nền chuyên chính phát xít, không chống lại nhà nước một cách công khai, mà ẩn giấu trong một tổ chức nào đó. Ở đó những người này tiếp xúc với quần chúng, chiếm được lòng tin của họ và trở thành lãnh đạo của tổ chức này. Ðạt được điều đó, tổ chức quốc gia không chỉ che chở cho những người như thế, mà còn trở thành công cụ cho công tác bí mật của họ.
Nói cách khác, tổ chức quần chúng lúc này đã thay đổi ý đồ chính trị. Sự thay đổi đó càng nguy hiểm hơn cho nhà nước, nếu đây là tổ chức được vũ trang đầy đủ như quân đội hay những bộ phận của quân đội.
Ðể chống lại những hành động chống đối nhà nước công khai như bãi công, biểu tình… chính quyền phát xít có những công cụ hữu hiệu: khủng bố cảnh sát và trại tập trung cải huấn. Nhưng để chống lại những ý đồ bí mật, cảnh sát không còn giữ được vai trò hiệu quả như thế nữa. Rõ ràng cảnh sát khó có thể phân biệt được ai bí mật chống lại nhà nước và ai trung thành với nhà nước.
Từ đây dẫn đến sự cần thiết phải có thứ vũ khí mới để bảo vệ chế độ chính trị, và cụ thể đó là do thám. Nhưng đây không phải kiểu do thám truyền thống mà cảnh sát vẫn sử dụng thông qua bọn mật vụ, mà là do thám quần chúng, do thám tổng thể. Chỉ nhờ kiểu do thám này, nhà nước mới biết được tất cả những sự kiện xảy ra ở mọi nơi, mọi thời điểm, phát hiện nhanh chóngvà hủy diệt kịp thời những mưu đồ chống đối.
Rudolf Hex đã xây dựng thành những nguyên tắc cơ bản của do thám tổng thể như sau:
“- Ai cũng có thể trở thành do thám.
– Ai cũng phải trở thành do thám.
– Không có bí mật nào, mà không thể thăm dò.” (102-117)
Trên thực tế, do thám tổng thể có nghĩa là: con cái do thám bố mẹ, sau đó báo với cảnh sát, học sinh theo dõi thầy giáo, binh lính – các cấp chỉ huy, thành viên những tổ chức quần chúng – cán bộ lãnh đạo… và ngược lại. Gia đình, trường học, cơ sở nghiên cứu khoa học, công sở, quân đội, tổ chức quần chúng, câu lạc bộ thể thao, trong đảng và thậm chí cả cảnh sát – đều là những hiện trường do thám quan trọng. Nhà nước cần phải biết nguyện vọng và ý định của tất cả mọi người. Không có bí mật nào mà nhà nước không quan tâm.
Trong bối cảnh đó, không còn ranh giới giữa kẻ do thám và người bị do thám. Tất cả đều đồng thời là do thám và bị do thám. Do thám tổng thể trở thành do thám lẫn nhau.
Nhà nước phát xít khuyến khích kiểu do thám này, xem đó như dấu hiệu cơ bản cho sự tin tưởng chính trị. Kẻ nào tố cáo được nhiều với cảnh sát sẽ được tin tưởng và có ưu thế hơn để thăng cấp trong bộ máy đảng và nhà nước.
Một ưu điểm khác của do thám tổng thể là mặc dù mức độ rất rộng lớn, kiểu do thám này kinh tế hơn rất nhiều cách do thám cảnh sát thuần túy. Nhà nước không cần thành lập những tổ chức do thám đặc biệt, mà sử dụng ngay các tổ chức quần chúng sẵn có, các công sở… cho mục đích này. Những người làm việc trong mọi tổ chức đều đồng thời là do thám, nhà nước không cần trả thêm lương. Bản chất đặc biệt của nhà nước phát xít, với việc không tồn tại của các xu hướng chính trị đối lập, diễn đàn tự dọ.. cho phép nó có thể làm được điều đó.
2. Tuyên truyền trắng trợn
Trong nhà nước độc tài, diễn đàn, đài phát thanh, phim ảnh, nhà hát, văn học, các tổ chức quần chúng… đều bị đặt dưới sự thống trị toàn diện của nhà nước; mặt khác do không tồn tại xu hướng chính trị đối lập, cho phép nhà nước này thực hiện một kiểu tuyên truyền độc đoán. Tuyên truyền không tránh khỏi trở thành chủ soái tuyệt đối của nhà nước, đưa tin tức và phân tích các sự kiện theo một chiều duy nhất. Thông qua cưỡng ép một cách hệ thống, tuyên truyền mê hoặc quần chúng và kết hợp với sự khủng bố, làm nên những điều kỳ dị. Tuyên truyền có thể tạo nên một “sự thật thứ hai”, và mặc dù đó chỉ là ảo tưởng và nằm trong khuôn khổ những lời hứa hão. “Sự thật” này được quần chúng công nhận là thực sự, còn sự thật thực sự thì bị xem như không thực và vô nghĩa. Bằng cách nhồi nhét kiên trì, liên tục và duy nhất một thứ tư tưởng, tuyêntruyền biến tư tưởng này thành huyền thoại trước mắt nhân dân, dù không có cơ sở. Không phải ngẫu nhiên mà tại Ðại Hội Ðảng ở Niurnberg năm 1936, Gobelx đã nêu khẩu hiệu:
“Tuyên truyền đã giúp chúng ta giành được chính quyền.
Tuyên truyền sẽ giúp chúng ta giữ vững chính quyền.
Tuyên truyền sẽ giúp chúng ta chiến thắng toàn thế giới.” (90-153)
Trước đó 10 năm trong Cuộc Chiến Ðấu Của Tôi, Hitler đã giành vị trí đặc biệt cho công tác tuyên truyền: “Bằng cách tuyên truyền kiên trì và liên tục, ta có thể khiến một dân tộc xem thiên đường là địa ngục và ngược lại, một cuộc sống cơ cực nhất thành thiên đường.” (90-257) Nhưng điều đó chỉ có thể thực hiện được trong nhà nước độc tài, nơi mà phản tuyên truyền và thông tin khách quan hoàn toàn không thể có. Trong nền dân chủ tự do truyền thống, tuyên truyền của nhà nước (và không phải là duy nhất) không thể có được sức mạnh ghê gớm như vậy, vì nếu nó có ý định “khiến một dân tộc xem thiên đường là địa ngục và một cuộc sống cơ cực nhất thành thiên đường”, thì ngay lập tức sẽ bị diễn đàn đối lập vạch mặt.
Tại đây, diễn đàn đối lập đứng ra đại diện và bảo vệ quyền lợi cho xã hội một cách khách quan, đại diện cho nguyện vọng xã hội, và trong nền dân chủ tư sản, những nguyện vọng này thường không trùng hợp với nguyện vọng của nhà nước.
Trong chế độ độc tài phát xít, điều này hoàn toàn không thể xảy rạ ở đây, nhà nước cũng đồng thời là đại diện cho nhân dân, xã hội, quê hương, dân tộc, tiến bộ, công bằng… không có sự khác nhau giữa nguyện vọng của nhà nước và xã hội, vì không tồn tại nguyện vọng xã hội công khai.
Do có quyền thống trị, nguyện vọng nhà nước trở thành nguyện vọng xã hội, còn nguyện vọng thực sự của xã hội thì không được phép thể hiện công khai, mà chỉ lan truyền kín đáo, thông qua những câu chuyện tiếu lâm chính trị, những lời đồn đại…
Chúng ta có thể lấy những trích dẫn minh họa cho kết luận trên trong hồ sơ của tòa án Niurnberg:
“Do kiểm soát chặt chẽ diễn đàn, đài phát thanh… từ năm 1933, nhân dân Ðức đã bị ảnh hưởng nặng nề của tuyên truyền quốc xã; và không chỉ công kích thù địch, mà bất kỳ công kích nào cũng đều bị cấm đoán. Quyền tự chủ và tư duy tự do hoàn toàn không thể có,” và, “Chính phủ quốc xã có ý định thống nhất nhân dân theo đường lối chính trị của mình bằng cách sử dụng tuyên truyền cưỡng ép. ở Ðức có hàng loạt phóng viên được tuyển chọn với nhiệm vụ kiểm soát và gây ảnh hưởng đối với diễn đàn, đài phát thanh, phim ảnh, nhà xuất bản… mọi thú vui, nghệ thuật và văn hóa. Tất cả những phóng viên này phục tùng Bộ Tuyên Truyền Và Giáo Dục Nhân Dân, đứng đầu là Golbelx; kết hợp với tổ chức tương ứng trong Ðảng Công Nhân Quốc Xã và Ban Văn Hóa Quốc Gia, chịu trách nhiệm sự kiểm soát này…
Rozenberg, với danh nghĩa đại diện cho đảng quốc xã, giữ vai trò lãnh đạo công tác tuyên truyền học thuyết quốc xã, còn… Fritre cùng Gobelx thực hiện nhiệm vụ tương tự dưới danh nghĩa các tổ chức nhà nước.” (90-322)
Ở đây cần nhấn mạnh một tình tiết, mà mới thoạt nhìn có vẻ như không mấy quan trọng là, Ủy Ban Văn Hóa Tối Cao bao gồm bảy ban, thâu tóm toàn bộ cuộc sống tinh thần xã hội – phim ảnh, nhà hát, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, nhạc thơ, khoa học… – nằm dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tuyên Truyền.
Tất nhiên điều đó chưa thể nêu bật được bức tranh toàn cảnh của tuyên truyền tổng thể. Tính chất tổng thể của tuyên truyền được thể hiện rõ ràng hơn trong bộ máy về công tác này, rằng mọi tổ chức và công sở đều bắt buộc phải tham gia tuyên truyền. Ngoài các cơ quan tuyên truyền đặc biệt – Bộ Tuyên Truyền, các cơ sở ấn loát, diễn đàn, đài phát thanh – tuyên truyền còn được tiến hành bởi bộ máy đảng và nhà nước, các tổ chức quần chúng, các hiệp hội phụ nữ, trí thức… Tuyên truyền độc đoán được thực hiện thông qua mọi tổ chức, công sở và trở thành tuyên truyền tổng thể, còn các tổ chức quần chúng và công sở bị biến thành công cụ của nó.
Tương tự như “do thám tổng thể”, nhà nước không cần thành lập bộ máy tuyên truyền đặc biệt, mà sử dụng ngay những tổ chức và công sở quốc gia vào mục đích này. Mọi tổ chức, hiệp hội, cơ sở nghiên cứu… ngoài công việc chính đều phải tham gia công tác tuyên truyền và “do thám tổng thể”.
Những nguyên tắc cơ bản đặc biệt của tuyên truyền trong những điều kiện của nhà nước phát xít là:
1. Chỉ thông báo những tin tức có lợi cho chế độ, giúp chế độ chiếm được lòng tin của xã hội.
2. Những tin tức không có lợi sẽ gây ảnh hưởng xấu đến chế độ. Thí dụ, diễn đàn thế giới trong nhiều năm đã viết về các trại tập trung ở Ðức và những tội ác của bọn SS và Zetapo. Chỉ riêng báo chí và đài phát thanh Ðức là không nói gì đến chuyện này.
Trong nhật ký của mình (1.5.1942), Gobelx viết: “Tin tức chính trị là vũ khí quân sự. Ý nghĩa của chúng để thúc đẩy chiến tranh, chứ không phải đưa thông tin”. (147-210)
3. Nếu cần đưa những tin tức không có lợi trong trường hợp không thể im lặng, thì những tin tức này đã bị bóp méo, đến mức khó nhận ra sự thật.
4. Thổi phồng các sự kiện không có lợi cho dối phương.
5. Tuyên truyền được đặt trước thông tin, nghĩa là thông báo sự kiện nào đó xuất phát từ ý nghĩa chính trị của nó.
6. Khi bắt buộc phải tỏ ra khách quan, phải đưa nhiều thông tin cụ thể hơn, thì tính “khách quan” này bị biến thành nguyên nhân phụ, để tự phân tích tuyên truyền, như công cụ tìm hiểu “sự thật” cho quần chúng.
Fritre, người xếp thứ hai sau Gobelx trong hệ thống tuyên truyền quốc xã từng nói: “…Con người có thể tuyên truyền bằng mọi phương tiện; có thể nói dối trước sự thật hiển nhiên, đơn giản là đặt những thực tế ra ngoài bối cảnh tổng quát của chúng và tách đối tượng ra khỏi nhận thức của họ về toàn bộ sự thật.” (146-270)
Tuy nhiên còn tồn tại một lĩnh vực mà tuyên truyền độc đoán của nhà nước phát xít không còn giữ được sức mạnh vốn có, đó là công tác tuyên truyền ở nước ngoài. Tại đây, tuyên truyền của nhà nước độc tài không còn có thể độc đoán, mà phải cạnh tranh trong cùng những điều kiện với các đối thủ của mình. Lúc này, tuyên truyền độc tài đứng trước những khán giả biết suy nghĩ và công kích. Do đó nó phải thay đổi công thức, phải từ bỏ kiểu cách cảnh sát, đe dọa, từ chối sự giả mạo là không thể sai lầm. Cùng với những ấn phẩm trong nước, nhiều tờ báo và tạp chí bằng tiếng nước ngoài được xuất bản…
Nhưng cuối cùng thì trò lừa bịp này cũng phải bị đổ vỡ, vì nó dựa trên sự lừa dối trắng trợn. Và dầu sao, thế giới cũng có những nguồn thông tin riêng của mình – đó là các nhà báo và những phóng viên điện tín, những người không dễ gì có thể bị gạt.
3. Cần thiết phải cách ly đất nước
Tuyên truyền độc tài trong nước trở nên bất lực khi phải cạnh tranh với tuyên truyền nước ngoài. Việc phát minh ra đài phát thanh trong thế kỷ XX đã làm một cuộc cách mạng thực sự trong lĩnh vực tuyên truyền: thông tin ngay lập tức được truyền đến với hàng triệu người, không phụ thuộc vào biên giới và khoảng cách. Nhưng điều này đe dọa quyền độc đoán của tuyên truyền độc tài và gây khó khăn cho nó trong việc cạnh tranh với tuyên truyền bằng đài phát thanh của các nước khác.
Trong cùng một điều kiện, tuyên truyền này có thể thắng tuyên truyền khác chỉ bởi chất lượng, tính chính xác và khách quan của thông tin được đưa ra. Nhưng về những điểm này, thì tuyên truyền phát xít rõ ràng là kém cỏi nhất.
Vì tuyên truyền phát xít trở nên bất lực trước ảnh hưởng của tuyên truyền nước ngoài, do đó nó phải nhờ đến sự can thiệp của cảnh sát.
Ðể giúp tuyên truyền độc tài, cảnh sát dùng những biện pháp cách ly như sau:
1. Cố định các máy radio để không còn bắt được các đài khác ngoài đài phát thanh trong nước, đồng thời trừng phạt tàn nhẫn những người vi phạm.
2. Thiết lập các hệ thống gây nhiễu sóng của những đài nước ngoài phát thanh vằng tiếng của nhà nước phát xít.
3. Kiểm soát nghiêm ngặt những tác phẩm văn học và báo chí nhập từ nước ngoài vào.
4. Thiêu hủy những tác phẩm văn học mang tư tưởng tự do dân chủ.
5. Hạn chế đến mức tối thiểu việc du ngoại của các công dân. Việc đi nước ngoài chỉ giành cho những người tin cẩn hoặc những người thừa hành công vụ và đều phải thông qua sự kiểm tra của cảnh sát.
Curt Rix đã viết về vấn đề này ở Ðức như sau: “… Ðể được cảnh sát đồng ý cho đi nước ngoài, cần phải nêu rõ: đi đâu, và vì lý do gì; đi đến với ai; có bà con họ hàng gì ở nước ngoài không; quan điểm chính trị của họ thế nào… Sau khi đến vị trí đã định, ngay lập tức phải báo với đãi diện sứ quán Ðức gần nhất.” (103-43)
Những biện phát trên chứng tỏ, bản thân tuyên truyền độc tài dựa trên bộ máy đàn áp và khủng bố cảnh sát. Sự thống trị tuyên truyền trong nước được bộ máy đàn áp đảm bảo; nó hủy diệt tất cả những ai có ý định đưa thông tin, tuyên truyền.
Sự cộng tác chặt chẽ giữa tuyên truyền và bộ máy đàn áp trong cuộc đấu tranh chống tuyên truyền nước ngoài, càng làm rõ thêm mối quan hệ giữa chúng. Tuyên truyền độc đoán không tránh khỏi chuyển thành cưỡng ép và do thám, đến mức khó mà phân biệt được ranh giới giữa chúng. “Ngoài khủng bố thể chất, bọn Hitler còn sử dụng cả khủng bố tư tưởng đối với nhân dân Ðức. Bọn phát xít hủy diệt mọi quyền dân chủ của người Ðức. Toàn bộ tuyên truyền, văn học, nghệ thuật đều bị đồng hóa. Trong nhiều năm, hàng triệu người Ðức bị ảnh hưởng nặng nề của tuyên truyền Hitler, bị bưng bít mọi nguồn thông tin về sự thật và tội ác của chế độ.” (75-20)
Với bản chất phản động và vô nhân đạo, nhà nước phát xít tự xem mình là trên hết, hủy diệt toàn bộ quyền tự chủ của mọi cá nhân, cướp đi của họ quyền suy nghĩ và hành động độc lập. Cá nhân trở thành công cụ của nhà nước. Trong hoàn cảnh đó, đương nhiên các công dân mong muốn một nền tự do dân chủ hơn là chuyên chính độc tài. Bởi thế, hệ tư tưởng độc tài rất lo sợ khi phải tiếp xúc và cạnh tranh tự do với tư tưởng tư sản dân chủ. Hệ tư tưởng độc tài tất yếu sẽ bị tan rã, vì không chịu được áp lực của hệ tư tưởng tư sản dân chủ, và do đó phải dùng những biện pháp cách ly thông qua sự giúp đỡ của bộ máy cảnh sát.
Phát xít Ðức, cũng như phát xít Italia, quảng cáo hệ tư tưởng của mình là cách mạng, tiến bộ và nhân đạo hơn nhiều lần hệ tư tưởng “cá nhân” và “ích kỷ” của nền dân chủ tự do truyền thống. Thậm chí trong Học Thuyết Về Chủ Nghĩa Phát Xít, Muxolini còn nhiều lần nhấn mạnh rằng, hệ tư tưởng phát xít tượng trưng cho tinh thần thế kỷ XX, là hệ tư tưởng “tập thể”, trong khi chủ nghĩa cá nhân là tư tưởng lỗi thời của thế kỷ XIX.
Thực chất, bản chất phản động của tư tưởng độc tài nằm ngay trong nỗi lo sợ, khi phải tiếp xúc với tư tưởng tự do dân chủ; và do đó phải cách ly quần chúng khỏi ảnh hưởng của những tư tưởng này.
4. Thường xuyên cần thiết mối đe dọa quân sự từ bên ngoài
Cần có cách giải thích thỏa đáng, khi mọi quyền lợi cá nhân bị hy sinh cho nhà nước và việc đàn áp, khủng bố thường xuyên xảy ra. Từ đó dẫn đến phải có những nguyên nhân bên ngoài không thể bàn cãi.
Thời gian đầu, nhà nước độc tài đang phải thanh toán các kẻ thù thực sự nên chưa cần tuyên truyền những nguy hiểm tưởng tượng. Nhà nước liên tục gây căng thẳng thêm cho sự cuồng tín trong nhận thức chính trị bằng cách lôi kéo quần chúng chống lại một đối tượng nào đó. Ở Ðức đối tượng đầu tiên là những người cộng sản, tiếp theo là những nhà dân chủ xã hội và cán bộ công đoàn, và sau cùng khi mọi đảng phái đã bị tiêu diệt thì đến lượt người Do Thái. Bằng mọi cách, bọn quốc xã nhồi nhét cho nhân dân Ðức rằng, những người Do Thái trong nước và trên thế giới đang có âm mưu chống lại nhân dân Ðức. Mọi nguyên nhân tai họa của dân tộc hay cá nhân từng công dân Ðức đều được đổ lên đầu người Do Thái. Một chiến dịch tuyên truyền bài Do Thái toàn diện được tiến hành.
Trong môi trường bị đầu độc này, giới tiểu tư sản thí dụ như những người bán tạp phẩm, bắt đầu nhìn thấy nguyên nhân những thất bại của mình trong việc cạnh tranh với các cửa hàng của người Do Thái; kẻ trí thức không gặp may giải thích những thất bại của mình bằng việc ganh đua với các đồng nghiệp Do Thái; người bác sĩ nhìn thấy số lượng con bệnh của mình sẽ tăng lên gấp bội nếu những phòng khám tư nhân của các bác sĩ Do Thái bị đóng cửa…
Còn gì đẹp hơn là sự cạnh tranh của những người Do Thái sẽ bị loại bỏ trên danh nghĩa một mục đích xã hội “cao cả” – giữ gìn trong sạch dòng giống dân tộc, cứu dân tộc khỏi một kẻ thù số một! Nhưng để mối nguy hiểm này được xem như thật, quần chúng nhân dân cần được tham gia những cuộc đàn áp người Do Thái. Sự cuồng tín xã hội không thể căng thẳng thêm chỉ bằng cách dùng tuyên truyền thổi phồng một mối nguy hiểm tưởng tượng. Cần thiết phải để cho dân chúng tiếp xúc trực tiếp với mối nguy hiểm này và chuẩn bị một cuộc phản công nghiêm túc chống lại nó. Không phải ngẫu nhiên mà bọn quốc xã kéo dài việc giải quyết vấn đề người Do Thái trong suốt thời gian cầm quyền, mặc dù đã có thể hủy diệt hay trục xuất toàn bộ dân Do Thái ngay từ những năm 1935-1936. Nhà nước độc tài quốc xã luôn luôn cần có mối nguy hiểm nào đó, để lợi dụng vào đó mà giữ tình trạng chính trị căng thẳng và liên tục đòi hỏi nhân dân phải hy sinh.
Nhà nước độc tài Tây Ban Nha cũng sử dụng nguyên tắc này. Mặc dù đã hơn ba mươi năm trôi qua kể từ khi cuộc nội chiến kết thúc và mọi cái đều đã đổi thay, cho đến phút chót chính quyền vẫn chia dân chúng thành người thắng, kẻ thua và thổi phồng lòng căm thù giữa họ.
Sau một cuộc nội chiến tàn khốc, thông thường một nhà nước dân chủ cần phải thi hành những biện pháp làm giảm dần các mâu thuẫn vì hòa bình dân tộc, bởi ngọn lửa của cuộc nội chiến đe dọa hủy diệt nhà nước này. Ðối với nhà nước độc tài thì ngược lại, linh hồn của cuộc nội chiến cần thiết tồn tại. Vì bản thân cấu trúc nhà nước độc tài là khủng bố và không thể tồn tại nếu không khủng bố, và để khỏi bị tan rã, nhà nước cần phải tìm đối tượng cho sự khủng bố này (vì một bộ máy khủng bố, mà không khủng bố thì sẽ bị tan rã).
Khi nào những nguy hiểm bên trong đã bị mai một, nhà nước phát xít liền dùng đến mối đe dọa bên ngoài. Một nước láng giềng hay một số nước nào đó, với hệ tư tưởng khác, sẽ bị tuyên bố là mối đe dọa thực sự. Và để loại bỏ được “mối đe dọa” này, nhà nước phát xít tăng cường vũ trang quân sự và xiết chặt hơn nữa đời sống chính trị. Những mối đe dọa trong và ngoài thường được xem là liên quan nhaụ Thông thường mối đe dọa bên ngoài được sử dụng như nguyên nhân để đàn áp lực lương bên trong nào đó. Các lực lượng này bị buộc tội là bè lũ gián điệp cho những nước mà nhà nước phát xít xem là mối đe dọa bên ngoài.
Thí dụ, nước Ðức – Hitler, trong một thời gian dài tuyên bố “chủ nghĩa Bônsevic” là mối đe dọa bên ngoài, có nguy cơ tràn ngập Âu Châu và nuốt tươi nước Ðức. Sau khi điều đó đã được công nhận, dễ dàng có thể tấn công những lực lượng mácxít trong nước (cộng sản và xã hội dân chủ).
Phát xít Italia nhìn thấy mối đe dọa bên ngoài là chế độ”tài phiệt” Anh và Pháp. Do đó chúng tiến hành công kích nền dân chủ tư sản, còn ở trong nước thì mở cuộc tấn công điên cuồng chống những kẻ tôn thờ “giới tài phiệt phương Tây”. Thí dụ vào năm 1938 ở Italia, đã triển khai chiến dịch chống “ảnh hưởng ngoại lai” và “tác phong tư sản”. De Xtefan, một trong những kẻ ủng hộ tích cực nhất cho chính sách của chế độ phát xít đã viết như sau: “Còn rất nhiều vấn đề phải xem xét trong lĩnh vực nhập khẩu phi vật chất mà chúng ta thu nhập được: cách suy nghĩ, cách sống, tác phong ngoại laị.. Chế độ phát xít cần phải kiểm soát không chỉ riêng vấn đề nhập khẩu hàng hóa, mà cả tư tưởng và cách sống.” (44-112)
Thông qua mối đe dọa bên ngoài, nhà nước độc tài “bắn một mũi tên trúng hai đích”: thứ nhất, gây nỗi kinh hoàng cho nhân dân, bắt họ phải đoàn kết xung quanh nhà nước; thứ hai, tạo điều kiện thích hợp để cách ly và tiêu diệt đối thủ chính trị nào đó. Sự thống nhất nhân dân, trong nhà nước độc tài, được hình thành trên nỗi lo sợ không chỉ từ bộ máy khủng bố của nó mà còn từ những nguy hiểm bên ngoài, đã bị nhà nước thổi phồng và nhồi nhét thành công cho nhân dân, thông qua tuyên truyền độc đoán.
Nhà nước độc tài luôn luôn cần có mối đe dọa nào đó từ bên ngoài, không phụ thuộc là phía bắc hay nam, đông hay tây.
5. Sự khác biệt giữa chế độ phát xít và nền dân chủ
Chủ nghĩa phát xít nắm chính quyền với ý nghĩ hợm hĩnh rằng, đã sáng tạo ra một nền dân chủ quần chúng và thực chất hơn nền dân chủ của “nhà nước tự do”, nền dân chủ mà thật may mắn “không bị xây dựng trên những cơ sở tài phiệt xấu xa nhất.”. Báo Berliner Tageblat,trong số ra ngày 7.6.1933 đã viết về chủ nghĩa quốc xã như sau: “Chủ nghĩa Hitler là phong trào dân chủ nhất ở Ðức trong vòng năm mươi năm gần đây.” (103-105)
Khi phát biểu trước cuộc họp quần chúng ở Coln ngày 26.3.1937, Gobelx đã tuyên bố: “Ở nước Ðức, một nền dân chủ thực sự đã trở thành thực tiễn sống động, trong đó toàn thể dân tộc tự do bày tỏ nguyện vọng của mình…” (166-115,116)
Trong Học Thuyết Về Chủ Nghĩa Phát Xít, Muxolini cũng đã viết rằng, nhà nước phát xít tượng trưng cho “một nền dân chủ có tổ chức, tập trung và pháp quyền.” (112-17)
Ðặc biệt, Hitler đã lên án gay gắt nền dân chủ phương Tây, nền dân chủ theo như chính lời ông chỉ được sử dụng “bởi một tầng lớp tư sản không đáng kể, trong khi nhân dân bần cùng thì đông hơn nhiều lắm.” (128-376). Trong diễn văn đọc trước công nhân các nhà máy vùng Berlin ngày 10.12.1940, Hitler công kích phương Tây tự do như sau:
“Trong thế giới Anh – Pháp tồn tại cái gọi là dân chủ. Nói cách khác, ở đó nhân dân điều hành chính quyền, do đó nhân dân phải có khả năng thể hiện suy nghĩ và nguyện vọng của mình. Nhưng nhìn kỹ hơn vấn đề này sẽ thấy, nhân dân không hề có được quan điểm của mình và đó chỉ là, tất nhiên – như ở mọi nơi – quan điểm giả tạo. Vấn đề cốt lõi là: ai dạy bảo và giáo dục nhân dân?
Và trên thực tế, giới tư bản đang trị vì trong những đất nước này, đó là một nhóm vài trăm người, giàu có không xiết kể và ít nhiều có vẻ được độc lập vì cấu trúc đặc biệt của những nhà nước này.
Những người này nói: “Chúng tôi có tự do”, và trước hết, họ hiểu đây là tự do kinh tế, còn tự do kinh tế thì được hiểu không chỉ là tự do tích lũy tư bản, mà là tự do sử dụng tư bản. Nói cách khác, họ chỉ cần được tự do, không bị nhà máy hay nhân dân kiểm soát trong việc tích lũy và sử dụng tư bản. Ðó chính là khái niệm của họ về tự do.” (128-374)
Trong thời gian chiến tranh, Anh là nước bị Hitler công kích dữ dội nhất:
“Tại đất nước này tồn tại những khác biệt giai cấp kinh khủng nhất mà con người có thể tưởng tượng ra. Một bên là đói nghèo, cùng cực – và một bên là giàu có không xiết kể. Ở đây không một vấn đề xã hội nào được giải quyết.
Các tầng lớp công nhân ở nước này, đất nước chiếm một phần sáu diện tích địa cầu và những kho báu dưới lòng đất của toàn thế giới đều nằm tại đây, đang phải sống bần cùng trong những ngôi nhà ổ chuột, và đại bộ phận là ăn mặc hết sức rách rưới.”(128-376)
Ðể đối ngược với nền dân chủ giả hiệu của phương Tây tự do, Hitler đã dùng nền kinh tế “thật sự” và “thực chất” của nhà nước quốc xã, nơi mà nạn thất nghiệp đã bị xóa bỏ và luân chuyển tư bản, nghĩa là phân chia và sử dụng tư bản, nằm dưới sự kiểm soát toàn diện của đảng quốc xã. Như vậy nước Ðức, từ một nền dân chủ cho “một tầng lớp không đáng kể những kẻ giàu có” đã biến thành nền dân chủ cho “toàn thể nhân dân.”. Hitler nói: “Trong thế giới tư bản dân chủ, nguyên tắc kinh tế quan trọng nhất là: nhân dân chịu trách nhiệm sản xuất, và sản xuất sinh ra tư bản. Chúng ta đảo ngược lại nguyên tắc này và nói: tư bản là để sản xuất, và sản xuất là để cho nhân dân! Trong ý nghĩa rộng nhất: trước hết là vì dân, và những cái khác là công cụ để đạt được mục đích này.” (128-373)
Ở đây cũng như những lần khác, khi công kích nền dân chủ tự do Hitler đã cố tình bỏ quên không nói đến một vấn đề cốt lõi nhất: thứ nhất, ai là sở hữu của tư bản trong nhà nước quốc xã? Thứ hai, sự kiểm soát của đảng quốc xã đã làm thay đổi những gì trong những quan hệ về sở hữủ thứ ba, nạn thất nghiệp ở Ðức đã được loại bỏ bằng cách nào và nhằm mục đích gì? Thứ tư, liệu giai cấp công nhân Ðức có khả năng kiểm tra sự luân chuyển của tư bản, mà không phụ thuộc vào sự kiểm soát của đảng và nhà nước phát xít không?
Nhưng đối với bọn quốc xã, chỉ với việc loại bỏ nạn thất nghiệp cũng đã là dẫn chứng không cần bàn cãi rằng, ở Ðức có nền dân chủ thực sự, khác hoàn toàn với nền dân chủ giả hiệu của các nhà nước tự do.
Bọn phát xít xem dấu hiệu rõ ràng nhất cho nền “dân chủ” quần chúng của mình là những cuộc duyệt binh, diễn hành chúc mừng Ðại Hội Ðảng ở Nuernberg và những cuộc mít tinh, biểu tình, tuần hành chống kẻ thù của nhà nước và thường được toàn dân tham gia… (28-28)
Một cách khách quan, chủ nghĩa phát xít khiến cho những quan niệm về nền dân chủ của chúng ta cần được bổ sung và xác định lại. Chúng ta biết rằng bắt nhân dân xuống đường, mang biểu ngữ và tuần hành hoàn toàn không phải la dân chủ, mà là sự cưỡng ép kín đáo, được tiến hành nhờ những cơ cấu của chế độ độc tài; chúng ta biết rằng, thậm chí việc xóa bỏ nạn thất nghiệp và đảm bảo mức sống tối thiểu cũng không phải là dân chủ, nếu như những việc này được thực hiện nhằm chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh ăn cướp; rằng nền dân chủ là cấu trúc xã hội, mà mọi cá nhân được đảm bảo quyền tự do công dân và tự do chính trị, và do đó cá nhân được xem là có giá trị cao hơn nhà nước và các cơ sở nhà nước.
A. Cá nhân bị dùng làm vật hy sinh cho cộng đồng phát xít
Trong nhà nước phát xít không thể có dân chủ, vì dân chủ và độc tài là những nguyên tắc thù địch và đối kháng. Bản thân cấu trúc nhà nước phát xít không cho phép có thể có dân chủ, một khi nó bắt các cá nhân phải phục tùng tuyệt đối và tước đi của họ mọi khả năng tự bảo vệ.
Ðối với chủ nghĩa phát xít, giá trị chính trị cao nhất là đảng và nhà nước phát xít, còn mọi cái khác bắt buộc phải phục tùng và phục vụ chúng. Cá nhân bị biến thành vật hy sinh cho “cộng đồng phát xít” và chỉ có quyền được tồn tại khi phục vụ cho cộng đồng này hay ít nhất là tuân theo nó.
Ðảng và nhà nước phát xít được xem như những “cộng đồng” thể hiện đầy đủ nhất quyền lợi chung của mọi công dân và đồng nhất với những quyền lợi này. Do đó đảng và nhà nước phát xít đồng nhất với khái niệm nhân dân, dân tộc, quê hương… Vì vậy, giữa nhà nước và các công dân không thể có mâu thuẫn, và nếu giả sử có trường hợp ngược lại thì lỗi là do các công dân, và mâu thuẫn cần được giải quyết bằng cách trừng phạt họ.
Nhìn chung, nguyên tắc của chủ nghĩa độc tài là: sự phục tùng toàn diện của cá thể, của cái riêng cho “cái chung”; sự thống trị của “cái chung” trên cái riêng là không thể tách rời.
Ngược lại, nền dân chủ truyền thống mang một ý nghĩa hoàn toàn đối lập, dù những hạn chế và bản chất giai cấp thế nào đi nữa, nó vẫn chú trọng nhiều hơn về cái riêng, về cá thể. Ðối với nền dân chủ tự do, giá trị chính trị cao nhất là nhân cách công dân, và những giá trị khác có tính chất chung hơn như nhà nước, các đảng phái chính trị, các tổ chức quần chúng có nghĩa vụ phải phục vụ và giúp đỡ cho việc cấu thành và giữ gìn nhân cách công dân, trước hết là bảo vệ quyền tự do chính trị và tự do công dân.
Khi xem nhân cách công dân là giá trị chính trị cao nhất, nguyên tắc dân chủ xuất phát từ quan niệm rằng: sự phát triển và tính đa dạng của một xã hội (chứ không phải của nhà nước) được hình thành trên sự đa dạng về nhân cách của các công dân. Một xã hội phát triển, giàu có và đa dạng chỉ có thể được cấu thành từ những công dân tự do và phát triển đa dạng.
Ðể làm rõ hơn sự đối kháng giữa nguyên tắc dân chủ và nguyên tắc độc tài trong quá trình xây dựng nhà nước, chúng ta có thể nêu ra đây một thí dụ từ thời cổ về Ateln và Xpata. Mặc dù Xpata chưa thể là nhà nước độc tài theo tinh thần của thế kỷ XX, những nguyên tắc cơ bản của nó là độc tài. Trong chế độ quân sự này, mọi cá nhân đều phải phục tùng nhà nước, giá trị cơ bản của người dân là phục vụ nhà nước, tự rèn luyện mình để trở nên cứng cáp và được tôi luyện trong chiến tranh. Và toàn bộ cuộc sống tinh thần, toàn bộ suy nghĩ của cá nhân đều nhằm phục vụ cho mục đích này.
Trên cơ sở đó, Xpata đã đạt được những thắng lợi to lớn trong chiến trận, trở thành một trong những nhà nước Hy Lạp hùng mạnh nhất. Nhưng đó là tất cả những gì mà Xpata đạt được; trong lĩnh vực văn hóa, nó hoàn toàn không sáng tạo được gì.
Ngược lại, Ateln là một nhà nước Hy Lạp lớn khác, trong đó nền dân chủ nô lệ phát triển rực rỡ, tạo điều kiện để thu hút nhân cách cá nhân trong những công dân tự do. Hay theo lời Hegel: “Thiên tài được tự do thể hiện những quan niệm của mình – và nguyên tắc này đã tạo nên những bức họa vĩ đại với nghệ thuật thể hiện tinh vi cùng những văn phẩm thơ ca và lịch sử bất tử”. (126-389)
Trao toàn bộ tự do cho các nhà sáng tạo, Ateln như một khối nam châm khổng lồ thu hút mọi tinh hoa của thế giới Hy Lạp: Exhil, Xofocul, Arixtofan, Apoloni, Pitago… và trở thành thủ đô, thành trung tâm văn hóa của thế giới này.
Ðây là lẽ đương nhiên – nền dân chủ, với quyền tự do công dân rộng lớn mà nó trao cho các cá thể, là miếng đất màu mỡ cho nhân cách cá nhân phát triển, và xã hội dựa theo đó mà phát triển theo.
Cũng vì lý do như trên mà không một nhà nước phát xít nào trong thế kỷ XX sản sinh ra được cơ sở cho những tấm gương vĩ đại trong văn học, nghệ thuật và văn hóa nói chung. Chỉ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật quân sự, nhà nước phát xít mới vượt trước các nước khác, đạt được những kết quả đáng kể; đồng thời bóc lột tài năng của hàng nghìn nhà bác học và hàng triệu người khác. Nước Ðức – Hitler đã vượt xa trong những kỹ thuật sản xuất tên lửa tầm ngắn và tầm xa (Fau 1 và Fau 2) và chỉ thiếu chút nữa là chế tạo được bom nguyên tử. Italia với những hạn chế dân tộc đáng kể, cũng đạt được một số thành tích trong lĩnh vực quân sự hàng không. Nhưng cả Ðức, Italia và Tây Ban Nha không để lại được cho kho tàng văn hóa nhân loại ngay cả một tác phẩm nghệ thuật thô kệch.
Việc trả giá này của nền văn hóa – chính trị trong chế độ phát xít, không phải vì nhà nước thiếu quan tâm săn sóc, như đôi lúc người ta đã nghĩ như thế. Trái lại, đây là kết quả của sự quan tâm và săn sóc quá sâu sát của đảng và nhà nước phát xít. Những lãnh tụ chính trị của nhà nước này đã dạy các họa sĩ, nhà văn cần phải cảm hứng cái gì, thể hiện cái gì và như thế nào, để được chế độ công nhận là tác phẩm nghệ thuật.
Khi Hitler “tấn công” các họa sĩ tân tiến, giữa những lời ông có một điều đúng, đó là: “Thiên tài không phải là không suy nghĩ”. Nhưng ông ta đã cố quên không nhắc đến một mặt khác của thiên tài rằng: “thiên tài không thể bị lãnh đạo”. Bởi vì ai muốn lãnh đạo thiên tài, thì cần phải thiên tài hơn. Thiên tài không cần phải có thầy dạy bảo.
B. Cơ quan hành luật được đặt trên cơ quan lập hiến
Cấu trúc của nhà nước độc tài không thể trùng lặp với nền dân chủ. Việc tập trung quyền lực tuyệt đối khiến nó không thể áp dụng nguyên tắc dân chủ cơ bản khi xây dựng nhà nước: NGUYÊN TẮC CHIA QUYỀN. Về hình thức, nhà nước phát xít vẫn giữ ba cơ quan quyền lực (lập hiến, xét xử và thi hành), vẫn giữ quốc hội, tòa án và chính phủ như những cơ quan nhà nước tối cao. Nhưng đó chỉ là hình thức, vì sau khi sát nhập với nhà nước, đảng phát xít có toàn quyền kiểm soát những cơ quan quyền lực này. Trên thực tế, cả quốc hội, chính phủ và tòa án đều bao gồm từ những đảng viên phát xít, và đảng này kiểm soát họ như những thành viên của mình. Từ đây suy ra rằng, cả ba cơ quan quyền lực này đều là cơ quan của đảng, và đảng xem chúng như những công cụ để thi hành chính sách chính trị của mình trong nhà nước và xã hội.
Hoặc nếu chúng ta nhìn vấn đề một cách tổng quát hơn, sẽ nhận được bức tranh như sau: về hình thức, nhà độc tài được xây dựng giống nền cộng hòa tư sản, đảm bảo chặt chẽ nguyên tắc chia quyền. Nhưng đứng trên nhà nước, với ba cơ quan quyền lực và những tổ chức tương ứng của chúng, là đảng phát xít, đứng đầu là lãnh tụ không thể thay thế của nó. Ðảng kiểm soát cả ba cơ quan quyền lực và toàn bộ bộ máy nhà nước. Ðồng thời không ai có quyền kiểm soát lại đảng – kể cả nhà nước, kể cả các tổ chức quần chúng và xã hội. ÐẢNG LẤY QUYỀN LỰC TỪ NHÂN DÂN, GIỐNG NHƯ VUA CHÚA LẤY QUYỀN LỰC T Ừ THƯỢNG ÐẾ.
Việc biến đổi quyền lực nằm trong vòng luẩn quẩn. Vì chính phủ, quốc hội và tòa án đều thi hành chỉ thị của đảng, nghĩa là thực hiện cùng một chính sách chính trị và đều là vô quyền trước giới lãnh đạo đảng. Trong đời sống chính trị thực sự, nhà nước phát xít bắt đầu từ bỏ kiểu hình thức này bằng cách nhấn mạnh vai trò của cơ quan hành luật.
Ðể tránh được điều trái quy luật này và để bộ máy nhà nước có thể hoạt động linh hoạt, đảng phát xít trao chức năng lập hiến cho cơ quan hành luật. Còn cơ quan lập hiến – tức quốc hội – chỉ còn mang giá trị hình thức và được sử dụng để tuyên truyền cho tính chất dân chủ giả hiệu của chế độ.
Ngày 24.3.1933 chính phủ Hitler nhận được từ quốc hội (Raihxtaga) sắc luật toàn quyền đặc biệt, theo đó, “chính phủ có thể ban hành các luật lệ trong Ðế Chế.” (103-94). Với văn bản này, bản thân quốc hội không còn là một cơ quan lập hiến. Toàn bộ luật lệ có giá trị tại nước Ðức quốc xã đều do Hitler ban hành. Chính phủ Hitler là thí dụ điển hình về cách thức nhà nước phát xít trao quyền lập hiến cho cơ quan hành luật và bằng cách đó phá vỡ hoàn toàn nguyên tắc chia quyền. Sau ngày 24.3.1933, quốc hội Ðức (Raihxtaga) được sử dụng như diễn đàn để Hitler đọc diễn văn tuyên truyền trước những cán bộ ngoại giao và nhà báo nước ngoài.
Những sự kiện tương tự cũng đã xảy ra ở Italia bảy năm về trước. Sau khi ban hành “Những Sắc Luật Phát Xít Ðặc Biệt” vào năm 1925-1926, kết quả là đảng phát xít thiết lập đưọc cơ cấu một đảng quyền và điều hành toàn bộ bộ máy nhà nước, chế độ trao chức năng lập hiến cho cơ quan hành luật. Chính phủ có thể quyết định những vấn đề mà trước đây được giải quyết tại quốc hội. Những “cải cách” theo hướng này được phát xít Italia thực hiện bằng hai sắc luật:
a/ Sắc luật về quyền hạn và nhiệm vụ của Thủ Tướng chính phủ, Bí Thư Thứ Nhất Nhà Nước,
và
b/ Sắc luật về quyền của cơ quan hành luật được ban hành những quy định pháp luật. Như vậy, vai trò của quốc hội chỉ còn là con số không.
Ðiểm đặc biệt này của các nhà nước phát xít cũng được thực hiện ở Tây Ban Nha. Với sắc luật củng cố nghị viện ra ngày 17.7.1942, Franco xác định vai trò của nghị viện như sau: “Nhiệm vụ chính của nghị viện là dự thảo và ban hành luật lệ, nhưng không được ảnh hưởng đến toàn quyền của người đứng đầu nhà nước.” (20-284). Ðiều 13 của sắc luật này cho phép chính phủ “trong trường hợp chiến tranh hoặc khẩn cấp được ban hành các sắc luật và sau đó, chỉ cần thông báo lại với nghị viện.” (20-285)
Tất nhiên, chủ nghĩa phát xít không phủ nhận nguyên tắc chia quyền. Nó chỉ “điều chỉnh lại” cho phù hợp với những nhu cầu của nhà nước. Raco, một trong những nhà lý luận của phát xít Italia, đã viết về vấn đề này như sau:
“Nguyên tắc chia quyền không phải tuyệt đối, không phải là sự cần thiết để nhà nước có thể tồn tại, và nhà nước không thể vì nó mà phải hy sinh. Nguyên tắc này có thể xem như nguyên tắc cơ bản trong hiến pháp, duy trì sự sống và đảm bảo trật tự trong các hoạt động của nhà nước. Nhưng trước sự sống còn của nhà nước, thì những chức năng của các cơ quan quyền lực, đặc biệt là cơ quan lập hiến, cần phải được trao cho chính phủ – cơ quan có nghĩa vụ và trách nhiệm duy trì sự sống liên tục cho nhà nước, khi đó nguyên tắc chia quyền cần phải có một giới hạn và thay đổi nhất định. Tất cả những điều này chỉ ra rằng, chia quyền là một nguyên tắc bình thường, chứ không phải tuyệt đối và bất biến.” (112-45)
Chế độ phát xít xem việc đặt cơ quan hành luật trên cơ quan lập hiến là “ưu điểm” to lớn của mình, so với nền dân chủ tự do truyền thống, rằng cách đó, nó đạt được tính năng động là linh hoạt, có thể nhanh chóng giải quyết được những vấn đề xã hội quan trọng, không cần bàn cãi và tranh luận dài dòng trong quốc hội. Ði Xtefan, Bộ Trưởng Bộ Tài Chính trong chính phủ Muxolini, đã từng tuyên bố: “Chế độ phát xít thay tranh luận bằng hành động.” (112-112)
Trong bài phát biểu ngày 16.1.1937, Rudolf Hex cũng tán dương cho kiểu cải tổ hiến pháp, “điều chỉnh” nguyên tắc chia quyền: “Chế độ quốc xã quan tâm đến vấn đề này, vì những nhu cầu sống bức thiết của nhân dân không nên để lâu trong quốc hội và trở thành đối tượng thương mại giữa các đảng phái. Các ngài đã biết, trong chính phủ mới những quyết định mang ý nghĩa lịch sử được thống lĩnh và chính phủ thông qua – những quyết định mà ở các nước khác còn bị quốc hội bàn cãi nhiều tuần lễ.” (84-706)
Bằng cách đó, nhà nước phát xít không chỉ đặt cơ quan hành luật lên trên cơ quan lập hiến và tòa án, mà còn khiến cho những vụ bê bối chính phủ không thể xảy ra. Trong thời gian của chủ nghĩa phát xít, ở cả ba nước Ðức, Italia và Tây Ban Nha, không hề có vụ bê bối chính phủ nào. Năm 1965, Franco thành lập chính phủ thứ mười hai. Ông ta tự chọn và thay đổi các Bộ Trưởng khi cần thiết. Hitler và Muxolini mặc dù không có thời gian để thành lập chính phủ nhiều lần như vậy, nhưng nhìn chung cả hai người này cũng thực hiện theo cách đó. Chế độ phát xít tạo ra cái gọi là chính phủ quay vòng, các Bộ Trưởng có thể bị thay đổi, nhưng người đứng đầu thì vẫn giữ nguyên lãnh tụ phát xít như cũ. Chế độ phát xít xem vấn đề này là một trong những ưu điểm to lớn, so với nền dân chủ tự do, nơi vẫn thường xảy ra những vụ bê bối chính phủ. Thực chất, “ưu điểm” giả tạo này có được vì chính phủ chỉ là một công cụ mà đảng phát xít sử dụng để thi hành chính sách chính trị của đảng trong nhà nước. Do đó người đứng đầu chính phủ luôn luôn không bị thay đổi và cũng là thủ lĩnh của đảng phát xít.
C. Viện kiểm soát phục tùng cảnh sát
Ðây là một trường hợp phụ trong việc phá vỡ nguyên tắc chia quyền. Nhưng nó cũng xuất phát từ cấu trúc nhà nước phát xít, hay đúng hơn – từ việc biến đổi quyền lực thực sự của chính quyền phát xít. Các Thủ lĩnh đảng và nhà nước phát xít điều hành điều hành đất nước dựa chủ yếu vào các cơ quan khủng bố: Zetapo, SS, SA (ở Ðức), công an phát xít, tổ chức vũ trang “Những Người Phát Xít Trẻ”… (ở Italia). Ðó là chỗ dựa chính trị tin tưởng nhất của chúng trong nhà nước và cả trong đảng phát xít.
Bản thân Hitler đã nhiều lần nhấn mạnh đến vai trò khủng bố trong việc điều hành hệ thống chính trị. Trong một lần nói chuyện với các Bí Thư Khu Ủy tại biệt thự của ông ta ở Brehtexgadel, Hitler tuyên bố: “…Tôi sẽ tiến hành khủng bố một cách bất ngờ và bằng mọi phương tiện hủy diệt mà tôi có. Khủng bố là vũ khí chính trị hiệu quả nhất, và tôi sẽ không từ bỏ, nếu chỉ vì nó làm cho một vài tiểu thị dân ngu ngốc nào đó khó chịu. Thành công phụ thuộc vào quả đấm thô bạo, gây nỗi kinh hoàng khủng khiếp… Và nếu trong các ngài có những kẻ hèn nhát không chịu được điều đó, xin mời họ hãy đến nhà chùa mà sống với các thầy tu. Không có chỗ cho những kẻ như thế trong đảng của tôi.” (52-43)
Biểu đồ “lãnh tụ dân tộc – đảng phát xít – nhà nước – xã hội công dân” không phải là con đường biến chuyển quyền lực thực sự. Ảo tưởng rằng các Thủ lĩnh phát xít điều hành đất nước bằng cách dựa trực tiếp vào đảng phát xít, xuất phát từ tuyên truyền, nhằm thể hiện một cơ sở rộng rãi của chế độ, nâng cao vai trò của đảng phát xít trong việc lãnh đạo đất nước. Thực chất, các Thủ lĩnh phát xít điều hành dựa trên hệ thống khủng bố, nghĩa là dựa trên bộ phận được vũ trang và trung thành nhất của đảng phát xít, mà quyền lợi vật chất của nó liên quan đến việc củng cố chế độ. Giới cầm quyền chóp bu không thể dựa trực tiếp vào đảng phát xít, bởi vì thành phần xã hội phức tạp của đảng và điều kiện vật chất rất khác nhau của các đảng viên không tránh khỏi dẫn đến những cảm hứng và suy nghĩ khác biệt. Một công nhân, đảng viên phát xít, không thể có những suy nghĩ giống với giới cầm quyền chóp bu, với mức lương cao hơn hàng trăm lần và còn được hưởng những ưu ái vật chất khác; một trí thức hay một sĩ quan, xuất thân từ tầng lớp thượng lưu, không thể có cùng tâm lý với những cán bộ đảng hãnh tiến. Sau cùng giữa các Thủ lĩnh của giới cầm quyền chóp bu cũng có những mâu thuẫn, và với những điều kiện nhất định, có thể dẫn đến âm mưu đảo chính.
Ðiều đó giải thích tại sao giới cầm quyền chóp bu không thể dựa trực tiếp vào đảng phát xít với số lượng không lồ các đảng viên. Chúng ta không nên quên rằng, cái gọi là “xã hội phát xít” vẫn chỉ là một xã hội với sự phân chia giai cấp sâu sắc. Dấu hiệu đặc biệt này chứa đựng những bất ngờ nguy hiểm – âm mưu, xu hướng đối lập trong đảng…
Ðể có thể tránh được những nguy hiểm này, giới cầm quyền chóp bu dựa chủ yếu vào lực lượng cảnh sát chính trị (cảnh sát mật), sau đó mới đến đảng và nhà nước. Vì thí dụ, nếu trong đảng xuất hiện xu hướng đối lập, giới cầm quyền chóp bu sẽ không tranh luận hay thuyết phục, mà sẽ đàn áp thẳng thừng thông qua lực lượng khủng bố.
Như vậy lực lượng cảnh sát trở thành tổ chức tin tưởng nhất, thành chỗ dựa chính trị vững chắc nhất cho giới cầm quyền phát xít chóp bu. Và để thực hiện được vai trò của mình, lực lượng khủng bố này được trao quyền lực to lớn, có toàn quyền hành động trên danh nghĩa giới cầm quyền chóp bu.
Với cơ cấu hoạt động như thế – và không thể có cách nào khác – tòa án và viện kiểm sát, hiển nhiên bị gạt ra rìa. Tòa án thường hành động chậm chạp và ít nhiều mang tính công khai, đôi khi làm hỏng việc; còn đối với nền chuyên chính phát xít, đòi hỏi trước tiên là khẩn trương và quyết đoán, không cần đắn đo bất cứ một điều gì.
Vì lý do này, trong nhà nước phát xít, các cơ quan tư pháp thường hành động sau cảnh sát, bao che và hợp pháp hóa những việc mà lực lượng khủng bố đã làm. Nếu cơ quan tư pháp chống lại những hành vi của cảnh sát, nó sẽ phá vỡ mối quan hệ hỗ tương thực sự giữa các cơ quan quyền lực trong nhà nước phát xít; và điều đó hoàn toàn không thể cho phép. Cũng vì thế, bất cứ ai rơi vào tay cảnh sát đều có tội. Bởi nếu ngược lại thì chứng tỏ là cảnh sát có những hành vi phạm pháp – điều không thể cho phép vì quyền lợi của phát xít.
Ðể minh họa cho những phân tích trên đây, chúng ta chỉ cần nhớ lại sự kiện “Ðêm Của Những Lưỡi Gươm Dài” (ngày 30.6.1934). Chỉ trong một đêm, hàng chục nghìn Thủ lĩnh và sĩ quan SA đã bị thủ tiêu, vì bị buộc tội là có âm mưu chống lại Ban lãnh đạo đảng quốc xã, mặc dù không có cơ sở cho kết luận đó. Chiến dịch này đã được các đội SS – chỗ dựa chính trị hứa hẹn nhất của giới cầm quyền quốc xã chóp bu – thực hiện. Một vài tháng sau, tòa án mới dựa vào những “dẫn chứng” của SS để khẳng định rằng Bộ chỉ huy SA quả có âm mưu chống đối và việc hủy diệt nó cần phải được ti