18/06/2018, 11:31

Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Ất Mùi niên hiệu Hồng Đức năm thứ 6 (1475)

Nước Hoàng Việt đổi niên hiệu Hồng Đức đến năm thứ 6, đúng lúc mở khoa thi lớn, sĩ tử tới kinh đô dự thi đông đến trên ba nghìn. Qua bốn trường, lấy trúng cách được 43 người. Ngày 11 tháng 5, Hoàng thượng ngự điện Kính Thiên, xuống chỉ hỏi thi sách vấn. Sai Vinh tiến trấn quốc Thượng ...

Nước Hoàng Việt đổi niên hiệu Hồng Đức đến năm thứ 6, đúng lúc mở khoa thi lớn, sĩ tử tới kinh đô dự thi đông đến trên ba nghìn. Qua bốn trường, lấy trúng cách được 43 người.

Ngày 11 tháng 5, Hoàng thượng ngự điện Kính Thiên, xuống chỉ hỏi thi sách vấn. Sai Vinh tiến trấn quốc Thượng tướng quân Phò mã Đô uý Đô đốc phủ Tả Đô đốc Đông quân Đoan võ Bá trụ quốc Trịnh Công Lộ, Phụng trực đại phu Thượng thư Bộ Lại Hoàng Nhân Thiêm, Phụng trực đại phu Thái tử Thiếu bảo Ngự sử đài Đô Ngự sử Trần Phong, Triều liệt đại phu Hàn lâm viện Thị độc kiêm Đông các Học sĩ Thân Nhân Trung, Hiển cung đại phu Đông các Hiệu thư Đỗ Nhuận, Mậu lâm lang Đông các Hiệu thư Quách Đình Bảo chia giữ các việc.

Khi dâng đọc quyển thi, Hoàng thượng ban cho bọn Vũ Tuấn Chiêu đỗ Tiến sĩ cập đệ, Tiến sĩ xuất thân, đồng Tiến sĩ xuất thân có thứ bậc khác nhau. Ơn vinh trên dưới đều tuân theo thể thức. Duy việc dựng bia quan Hữu ty chưa kịp cử hành. Nay Bộ Lễ vâng mệnh, sắp xếp họ tên theo thứ tự mà truy khắc bia. Lại ban sắc bảo thần là (Lê) Ngạn Tuấn soạn bài ký. Thần kính vâng tuân mệnh sáng, bất giác mồ hôi ướt đầm, kính cẩn cúi đầu rập đầu dâng lời rằng:

Hiền tài đối với quốc gia, cũng như nguyên khí con người ta không thể một ngày không có. Việc tuyển chọn ắt phải có đường lối, khuyến khích ắt phải có phương châm. Xưa ở đời Thành Chu, trong làng bàn chọn người ưu tú trong số người có học, rồi dâng lên quan Tư đồ, gọi là Tuyển sĩ. Quan Tư đồ lựa chọn hạng ưu tú trong đám Tuyển sĩ rồi dâng lên triều đình, gọi là Tạo sĩ. Quan Đại tư nhạc lại lựa chọn hạng ưu tú nhất đem tâu lên vua và đưa tên lên quan Tư mã, gọi là Tiến sĩ. Tất phải bàn bạc lựa chọn xong rồi mới bổ chức quan, bổ quan rồi mới phong tước. Lựa chọn kỹ càng, khuyến khích đến nơi đến chốn như thế. Cho nên bấy giờ thơ Quyển a có câu: "Kẻ sĩ đông nườm nượp", thơ Vực phốc có câu: "Kẻ sĩ tốt rườm rà". Kinh Thi nói: "Nhớ nhiều kẻ sĩ, sinh ở nước vua", lại nói: "Kẻ sĩ dồi dào, Văn Vương yên ổn", há phải việc ngẫu nhiên đâu! Về sau, các triều Tuỳ, Đường rồi tới các triều Tống, Nguyên trên triều đình tìm kiếm, dưới dân gian tiến dâng, đều là mượn danh nghĩa đó, nhưng thực chất được người giúp cho nền trí trị thì vẫn còn có chỗ đáng bàn.

Kính nghĩ thánh triều: Thái Tổ Cao hoàng đế ra oai thần võ yên định giang sơn, mở rộng nhân văn giáo hóa thiên hạ. Thái Tông Văn hoàng đế lưu tâm nối theo phép trước, đảm nhận trọng trách của bậc vua bậc thầy, nối sáng chớp vận cơ thần võ, lò hun đúc ra sức tác thành. Từ năm Đại Bảo (1443) mở khoa thi mà quy mô chọn kẻ sĩ, dùng người hiền đã bắt đầu từ đó. Nhân Tông hoàng đế noi theo khuôn khổ, nối nghiệp thái bình. Nay Hoàng thượng1 noi theo nghiệp cả, mở rộng công xưa; lễ nhạc điển chương, khuôn phép có quy mô trật tự, tuyên bố văn vật, mới mẻ rõ ràng. Nhất là việc lập trường học, mở khoa thi, càng để lòng chăm chú hơn. Ngay từ hồi mới lên chấp chính, chưa vội làm việc khác, trước hết tới nhà Thái học, kế đó định khoa thi, ba xá2 ở Quốc tử giám tăng thêm người, chăm lo giáo dục. Thi Hương, thi Hội, thi Đình đều có sổ sách ghi chép để tỏ ý khuyến khích, khắc đá đề danh để lưu tới lâu dài, soạn bài ký để thuật lại công việc, ghi rõ sự thật. Lựa chọn kẻ sĩ ắt trước hết phải xét đức hạnh văn chương, tức là phép tốt của lệ hương cử vậy. Dùng người ắt trọng tiết tháo khí cốt rồi sau mới đến tài nghệ văn chương, tức là ý tốt bàn lựa bổ nhiệm quan chức vậy. Phép học phép thi có trật tự thứ lớp, đầy đủ như thế, lại đem tấm lòng thành thực sùng Nho, để đạt hiệu quả dùng Nho, đâu phải như các triều Tuỳ, Đường, Tống, Nguyên chỉ chuộng hư danh mà có thể sánh được. Đúng ra, đó là do nhân văn rực rỡ, trị hóa sáng đẹp, rạng trước lừng sau, vượt qua kim cổ, danh tiếng "sĩ nhiều nước thịnh" há chỉ riêng một nhà Thành Chu có được hay sao!

Bảng này là khoa thứ năm sau khi Trung hưng3, tuyên bố cầu tìm rộng rãi, lựa chọn thêm tinh, cho nên nức tiếng khen là chọn được nhiều nhân tài. Nay những người thi đỗ đều đã được bổ nhiệm khắp nơi. Có người giữ chức gián quan, có người hầu cận ở Cấm đình, có người dấn thân ở chốn phong sương, có người giữ quyền xét xử, cũng có người giữ chức biên soạn hoặc làm thày giảng dạy, có người lo việc chăn dân ở các phủ huyện, tất cả đều lo nung nấu lòng ngay, trau dồi tiết lớn, nêu cao thanh danh lừng lẫy, công nghiệp lỗi lạc, ngõ hầu trên không phụ ơn triều đình cất nhắc, dưới không phụ chí khí hoài bão trong đời. Thảng hoặc có kẻ không được như thế, đời sau sẽ có người chỉ vào tên mà bàn tán rằng: người này trung chính, kẻ kia gian tà; người này thanh liêm giữ mình, người kia tham lam mất chức; người này thẳng ngay như Cấp Ảm, Nguỵ Trưng; người kia nhu nhược như Tào Thừ, Lý Chí; người nọ làm quan mà có tiếng để đời, người kia được dùng mà truyền dạy kinh sách, ắt không tránh khỏi sự khen chê của người đời.

Thế thì bia đá này dựng lên không chỉ để nêu thanh danh và lưu tiếng tốt, khiến cho những người thi đỗ được vẻ vang nhất thời mà thôi đâu, mà thâm ý khuyên răn thực gửi vào trong đó.

Thần trăm lạy kính cẩn viết ra, cốt để dành cho những người trúng tuyển, và cũng là để tự khuyên mình.

Thần kính cẩn dâng bài ký.

Đông các Hiệu thư Mẫn sự Tá lang Lê Ngạn Tuấn4 vâng sắc soạn.

Cẩn sự lang Trung thư giám Chính tự Thái Thúc Liêm vâng sắc viết chữ (chân).

Mậu lâm lang Kim quang môn Đãi chiếu Tô Ngại vâng sắc viết chữ triện.

Bia dựng ngày 15 tháng 8 niên hiệu Hồng Đức thứ 15 (1484).

Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, 3 người:

VŨ TUẤN CHIÊU 武濬昭5 người huyện Quảng Đức phủ Phụng Thiên.

ÔNG NGHĨA ĐẠT 翁義達6 người huyện Từ Liêm phủ Quốc Oai.

CAO QUÝNH 高炯7 người huyện Đông Thành phủ Diễn Châu.

Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 13 người:

PHẠM XÁN 范燦8người huyện Đường An phủ Thượng Hồng.

TRẦN THÂM 陳深9người huyện Thiện Tài phủ Thuận An.

ỨNG NGẠN LƯỢNG 應彥亮10 người huyện Thượng Phúc phủ Thường Tín.

VƯƠNG HIỂN 王顯11người huyện Thanh Lâm phủ Nam Sách.

NGUYỄN TẤN阮晉偉12 người huyện Cẩm Giàng phủ Thượng Hồng.

LÊ QUẢNG DU 黎廣瑜13 người huyện Lôi Dương phủ Thiệu Thiên.

PHẠM HƯNG VĂN 范興 14 người huyện Thanh Lan phủ Tân Hưng.

ĐỖ TRÍ TRUNG 杜致忠15người huyện Từ Liêm phủ Quốc Oai.

KIỀU PHÚ 喬富16 người huyện Ninh Sơn phủ Quốc Oai.

NGUYỄN KIM 阮金17 người huyện Tiên Du phủ Từ Sơn.

ĐỖ TUYỀN 杜璿18người huyện Phụ Dực phủ Thái Bình.

VŨ MẪN TRÍ 武敏智19 người huyện Kim Thành phủ Kinh Môn.

NGUYỄN TUẤN 阮俊20 người huyện Đông Yên phủ Khoái Châu.

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 27 người:

ĐỖ VINH 杜榮21 người huyện Trường Tân phủ Hạ Hồng.

PHAN PHÚC CẨN 潘福謹22 người huyện La Giang phủ Đức Quang.

NGUYỄN DUY TIẾU 阮惟俏 23 người huyện Vĩnh Lại phủ Hạ Hồng.

NGUYỄN ẤU MIỄN 阮幼勉24 người huyện Quế Dương phủ Từ Sơn.

NGUYỄN QUAN HIỀN 阮觀賢25 người huyện Từ Liêm phủ Quốc Oai.

HOÀNG THIỆU 黃劭26 người huyện Từ Liêm phủ Quốc Oai.

ĐỖ TƯƠNG 杜驤27người huyện Ngọc Sơn phủ Tĩnh Ninh.

NGUYỄN MINH KHANG 阮明康28 người huyện Ngự Thiên phủ Tân Hưng.

NGUYỄN TRINH 阮楨29 người huyện Lập Thạch phủ Tam Đới.

VŨ TRIỆU DUNG 武肇容30người huyện Phụ Dực phủ Thái Bình.

NGUYỄN CUNG 阮珙31 người huyện Bình Hà phủ Nam Sách.

NGUYỄN ĐẠC 阮鐸32 người huyện Vũ Ninh phủ Từ Sơn.

NGUYỄN TĨNH 阮靖33 người huyện Kim Hoa phủ Bắc Giang.

PHAN QUÝ 潘貴34 người huyện Siêu Loại phủ Thuận An.

THÁI THUẬN 蔡順35huyện Siêu Loại phủ Thuận An.

NGUYỄN SÙNG NGHÊ 阮崇齯36 người huyện Vĩnh Xương phủ Phụng Thiên.

TRẦN MÔ 陳謨37người huyện Đan Phượng phủ Quốc Oai.

ĐOÀN MẬU 段懋38 người huyện An Lão phủ Kinh Môn.

NGUYỄN LI CHÂU 阮驪珠39 người huyện Yên Lãng phủ Tam Đới.

NGUYỄN LỄ KÍNH 阮禮敬40 người huyện Yên Dũng phủ Lạng Giang.

TẠ ĐỨC HẢI 謝德海41người huyện Vũ Ninh phủ Từ Sơn.

TẠ THÔNG 謝聰42 người huyện Sùng Yên phủ An Bình.

NGUYỄN DƯƠNG HIẾN 阮陽憲43 người huyện Kim Hoa phủ Bắc Giang.

ĐỖ CHÍNH LẠC 杜政樂44 người huyện Đường An phủ Thượng Hồng.

NGÔ LUÂN 吳綸45 người huyện Đông Ngàn phủ Từ Sơn.

NGUYỄN TƯ PHỤ 阮資輔46người huyện Chí Linh phủ Nam Sách.

NGUYỄN TƯ PHÚC 阮滋福47 người huyện Lập Thạch phủ Tam Đới.

Đề điệu:

Vinh tiến Trần quốc Thượng tướng quân Phò mã Đô uý Đông quân Đô đốc phủ Tả Đô đốc Đoan Vũ bá Trịnh Công Lộ.

Phụng trực đại phu Thượng thư Bộ Lại Tư chính Thượng khanh Hoàng Nhân Thiệm.

Độc quyển:

Triều liệt đại phu Hàn lâm viện Thị độc kiêm Đông các Học sĩ Tu thiện doãn Thân Nhân Trung.

Hiển cung đại phu Đông các Hiệu thư Đỗ Nhuận.

Mậu lâm lang Đông các Hiệu thư Quách Đình Bảo.

Giám thí:

Phụng trực đại phu Thái tử Thiếu bảo Ngự sử đài Đô Ngự sử Tư chính Thượng khanh Trần Phong.

Mậu lâm lang Binh khoa Đô Cấp sự trung Phí Bá Khang.

Chú thích:

1. Chỉ vua Lê Thánh Tông.

2. Ở Quốc tử giám chia học sinh ở 3 xá: Thượng xá, Trung xá và Hạ xá, gọi là Tam xá.

3. Trung hưng ở đây chỉ việc dẹp tan vụ biến loạn tiếm quyền của Nghi Dân, dẫn đến việc lên ngôi của vua Lê Thánh Tông (1460).

4. Lê Ngạn Tuấn (?-?) nguyên quán xã Vĩnh Lộc huyện Tế Giang, trú quán xã Ngọc Bộ (nay thuộc xã Long Hưng huyện Khoái Châu tỉnh Hưng Yên). Ông đỗ Hội nguyên, Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Thìn Hồng Đức 3 (1472), làm quan Thượng thư và được cử đi sứ (năm 1495) sang nhà Minh (Trung Quốc). Bia ở Văn Miếu tỉnh Bắc Minh và nhiều sách ghi ông là Lê Tuấn Ngạn.

5. Vũ Tuấn Chiêu (1426-?) nguyên quán xã Cổ Liễu huyện Tây Chân (nay thuộc xã Nam Hùng huyện Nam Trực tỉnh Nam Định), trú quán phường Nhật Chiêu huyện Quảng Đức (nay thuộc xã Đông Ngạc huyện Từ Liêm Tp. Hà Nội). Ông làm quan Tả Thị lang Bộ Lại.

6. Ông Nghĩa Đạt (?-?) người xã Phú Gia huyện Từ Liêm (nay thuộc xã Phú Thượng huyện Từ Liêm Tp.Hà Nội). Ông làm quan Phó Đô Ngự sử và được cử đi sứ (năm 1476) sang nhà Minh (Trung Quốc).

7. Cao Quýnh (1439-?) người xã Cao Xá huyện Đông Thành (nay thuộc huyện Yên Thành tỉnh Nghệ An). Ông nguyên tên là Lỗ, vua Lê Thánh Tông đổi là Quýnh và làm quan Đông các Đại học sĩ.

8. Phạm Xán (1444-?) người xã Lỗi Dương huyện Đường An (nay thuộc xã Thái Học huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Hàn lâm.

9. Trần Thâm (?-?) người xã Nhị Trai huyện Thiện Tài (nay thuộc xã Minh Tân huyện Lương Tài tỉnh Bắc Ninh). Sự nghiệp của ông hiện chưa rõ.

10. Ứng Ngạn Lượng (1456-?) người xã Hưng Hiền huyện Thượng Phúc (nay thuộc xã Hiền Giang huyện Thường Tín tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Hàn lâm viện Hiệu thảo.

11. Vương Hiển (1452-?) người xã Mặc Khê huyện Thanh Lâm (nay thuộc huyện Thanh Hà tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Hiến sát sứ.

12. Nguyễn Tấn (?-?) người xã Lôi Xá huyện Cẩm Giàng (nay thuộc xã Đức Chính huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương). Ông làm quan đến Đề hình Giám sát Ngự sử.

13. Lê Quảng Du (1437-?) người xã Lỗ Hiền huyện Lôi Dương (nay thuộc huyện Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Giám sát Ngự sử và được cử đi sứ (năm 1492) sang nhà Minh (Trung Quốc).

14. Phạm Hưng Văn (?-?) người xã Động Hối huyện Thanh Lan (nay thuộc xã Đông Vinh huyện Đông Hưng tỉnh Thái Bình). Ông làm quan Đô Ngự sử và được cử đi sứ (năm 1497) sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng chức Thượng thư Bộ Hình.

15. Đỗ Trí Trung (1439-?) người xã Hạ Mỗ huyện Từ Liêm (nay thuộc xã Hạ Mỗ huyện Đan Phượng tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Tự khanh.

16. Kiều Phú (1447-?) ông hiệu là Ninh Sơn và tự Hiếu Lễ, người xã Lạp Hạ huyện Ninh Sơn (nay thuộc huyện Quốc Oai tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Tham chính.

17. Nguyễn Kim (1443-?) người xã Nội Duệ huyện Tiên Du (nay thuộc xã Nội Duệ huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Quốc tử giám Tư nghiệp. Bia Văn miếu Bắc Ninh ghi Nguyễn Dao.

18. Đỗ Tuyền (1434-?) người làng An Bài huyện Phụ Dực (nay thuộc xã An Bài huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình). Ông làm quan Tham chính. Chữ “tuyền” đầu Nguyễn về trước vẫn đọc là “tuyền”, từ đời Thiệu Trị (1841-1847) vì kiêng tên huý của vua (Nguyễn Phúc Tuyền), nên các âm “tuyền” chuyển đọc thành “toàn” (như cách vẫn quen đọc hiện nay).

19. Vũ Mẫn Trí (?-?) người thôn Khuê Chương huyện Kim Thành (nay thuộc huyện Kim Thành tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Đoán sự.

20. Nguyễn Tuấn (?-?) người xã Đại Lan huyện Đông Yên (nay thuộc xã Kim Lan huyện Gia Lâm Tp. Hà Nội). Ông làm quan Hữu Thị lang.

21. Đỗ Vinh (?-?) người xã Hồng Lục huyện Trường Tân (nay thuộc xã Tân Hưng huyện Tứ Kỳ tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Công khoa Cấp sự trung.

22. Phan Phúc Cẩn (1458-?) người xã Yên Việt Hạ huyện La Giang (nay thuộc huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh). Ông làm quan Tham chính.

23. Nguyễn Duy Tiếu (?-?) người xã Đông Lại huyện Vĩnh Lại (nay thuộc xã Cao Minh huyện Vĩnh Bảo Tp. Hải Phòng). Sự nghiệp của ông hiện chưa rõ.

24. Nguyễn Ấu Miễn (?-?) người xã Lãm Dương huyện Quế Dương (nay thuộc xã Vân Dương huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Thượng thư.

25. Nguyễn Quan Hiền (1447-?) người xã Vĩnh Kỳ huyện Từ Liêm (nay thuộc xã Tân Hội huyện Đan Phượng tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Tả Thị lang Bộ Hình và được cử đi sứ (năm 1498) sang nhà Minh (Trung Quốc).

26. Hoàng Thiệu (1443-?) nguyên quán xã Tây Mỗ huyện Từ Liêm (nay thuộc xã Tây Mỗ huyện Từ Liêm Tp. Hà Nội), trú quán xã Yên Lũng cùng huyện (nay thuộc xã An Khánh huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Thượng thư Bộ Hình.

27. Đỗ Tương (?-?) người xã Phấn Tỉnh huyện Ngọc Sơn (nay thuộc huyện Tĩnh Gia tỉnh Thanh Hóa). Sự nghiệp của ông hiện chưa rõ.

28. Nguyễn Minh Khang (1443-?) người xã Phúc Hải huyện Ngự Thiên (nay thuộc xã Liên Hiệp huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình). Ông làm quan Hữu Thị lang.

29. Nguyễn Trinh (1447-?) người xã Sơn Đông huyện Lập Thạch (nay thuộc xã Sơn Đông huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phúc). Ông là người có sức khoẻ, trước khi đi thi từng giữ chức Đô lực sĩ, sau làm quan Thượng thư.

30. Vũ Triệu Dung (1442-?) người xã Tô Xuyên huyện Phụ Phụng (nay thuộc xã An Mỹ huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình). Ông làm quan đến Thị lang.

31. Nguyễn Cung (? ?) người xã Cập Nhất huyện Bình Hà (nay thuộc xã Tiền Tiến huyện Thanh Hà tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Thượng thư.

32. Nguyễn Đạc (1458-?) người xã Kim Đôi huyện Vũ Ninh (nay thuộc xã Kim Chân huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Hàn lâm viện Hiệu thảo. Bia Văn miếu Bắc Ninh ghi là Nguyễn Dịch.

33. Nguyễn Tĩnh (?-?) người xã Phù Lỗ huyện Kim Hoa (nay thuộc xã Phù Lỗ huyện Sóc Sơn Tp. Hà Nội). Ông làm quan Đô Cấp sự trung. Có người đọc là Nguyễn Tịnh.

0