Vài chuyện thần thoại về trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Nguyễn Bỉnh Khiêm tên chữ là Nguyễn Văn Đạt, sinh năm 1491 mất năm 1585, quê ở xã Trung Am huyện Vĩnh Lại - Hải Dương, nay là huyện Vĩnh Bảo - Hải Phòng. Cha là Nguyễn Văn Định nổi tiếng hay chữ nhưng không ra làm quan mà sống điền viên ở nơi quê nhà. Còn mẹ là Từ Thục phu nhân, con gái Thượng thư ...

Nguyễn Bỉnh Khiêm tên chữ là Nguyễn Văn Đạt, sinh năm 1491 mất năm 1585, quê ở xã Trung Am huyện Vĩnh Lại - Hải Dương, nay là huyện Vĩnh Bảo - Hải Phòng. Cha là Nguyễn Văn Định nổi tiếng hay chữ nhưng không ra làm quan mà sống điền viên ở nơi quê nhà. Còn mẹ là Từ Thục phu nhân, con gái Thượng thư Nhữ Văn Lan, cũng nổi tiếng văn giỏi thơ hay và làu thông kinh sử, lại am hiểu lý số, đoán định thời thế hơn người.

Tương truyền, khi bà còn trẻ, vào giữa thời Hồng Đức đang thịnh, vậy mà đã nói chỉ 40 năm sau nữa sẽ phải suy vi. Hoặc khi mới gặp Mạc Đăng Dung lần đầu lại chỉ thoáng qua, vậy mà cũng biết về sau người này sẽ là công hầu khanh tướng dựng nổi cơ đồ.

Là con nhà gia thế lại có nhiều tài năng nên bà cũng để ý kén chọn ý trung nhân cho mình. Vì vậy, trong nhiều năm có nhiều người đến mai mối, nhưng bà vẫn chưa nhận lời cùng ai. Chỉ đến khi gặp ông Nguyễn Văn Định, thấy là người văn chương nho nhã lại có tướng sinh con quý hiển, nên bà mới chấp thuận. Ấy vậy mà mấy tháng sau, khi Mạc Đăng Dung tưởng bà chưa có gia thất đã đến ướm hỏi, thì bà lại trả lời: “Lúc trước sao chẳng thấy đến gặp. Bây giờ còn nói làm gì nữa?”.

*

*          *

Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh vào thời Hồng Đức, nhưng khi 8, 9 tuổi thì cũng là lúc vua Lê Thánh Tông băng hà. Cái nạn tranh giành xâu xé của các vương, hầu triều Lê cũng từ đấy tái diễn và càng ngày càng trở nên quyết liệt. Hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Định, mặc dù có tài, văn chương chữ nghĩa bề bề nhưng cũng chỉ đứng bên lề thế cuộc, chứ không đua chen cào chốn danh lợi quan trường. Mọi sự quan tâm của họ là đổ dồn vào việc nuôi nấng, dạy dỗ cho con cái nên người - để dùng vào lúc khác chứ không phải lúc này, còn ngoài ra, là hưởng cái thú điền viên của nơi thôn dã. Và có lẽ, chính cách ứng xử ấy của cha mẹ, đã ảnh hưởng và làm nên cốt cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm về sau.

Tương truyền, khi mới sinh, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có thiên tư đĩnh ngộ. Chưa đầy năm mà đã biết nói. Còn 4, 5 tuổi thì đã biết đọc sách và đối đáp linh hoạt. Một hôm ông Văn Định ngồi đùa với con, ngâm rằng: “Nguyệt treo cung, Nguyệt treo cung”, chẳng ngờ Nguyễn Bỉnh  Khiêm cũng ứng khẩu đối luôn: “Vin tay tiên, Hốt hốt rung”. Ông Văn Định mừng lắm, đem chuyện ấy khoe với vợ, nhưng bà lại bực tức mà bảo: “Trăng là cái tượng của kẻ bề tôi, sao ông lại đi dạy cho con cái như thế?”.

Lúc còn nhỏ, Nguyễn Bỉnh Khiêm học chữ với cha mẹ nhưng khi trưởng thành thì vào Hoằng Hoá - Thanh Hoá theo học Bảng nhãn Lương Đắc Bằng - một vị danh sĩ nổi tiếng đương thời. Ngoài việc học văn chương chữ nghĩa và kinh sử ra, Nguyễn Bỉnh Khiêm còn được thầy dạy cho sách “Thái ất thần kinh” - giải thích các lý lẽ huyền bí của đất, trời và vạn vật. Có lẽ chính vì vậy - do được mẹ và thầy chỉ bảo cùng sự nỗ lực của bản thân,  mà về sau, ngoài hàng ngàn bài thơ, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đã để lại nhiều bài sấm ký và câu chuyện, nói lên tài tiên đoán các việc như “thần”, xứng đáng để người đời ngưỡng mộ và truyền tụng.

Tuy nhiên, so với các vị danh sĩ khác, con đường công danh sự nghiệp của Nguyễn Bỉnh Khiêm kể ra thì cũng muộn mằn. Nếu tính từ năm Nguyễn Bỉnh Khiêm 18 tuổi (là tuổi bắt đầu trưởng thành) đến  năm 45 tuổi (là lúc ông đã đỗ Hội nguyên rồi Đình nguyên, Trạng nguyên) - thì trong khoảng 27 năm ấy, sau Lê Hiến Tông, có tới 7 vị vua nữa thay nhau “ngự” trên ngai vàng (triều Lê: 5, triều Mạc: 2). Đất nước loạn lạc. Trong triều ngoài nội, các vụ thảm sát, đánh giết nhau xảy ra liên miên.

Trong hoàn cảnh ấy, mặc dù hay chữ nhưng cũng như cha mẹ, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã không chọn cho mình con đường “dấn thân” mà lại sống cuộc đời “ẩn dật” - đứng nhìn thời cuộc. Chỉ đến khi nhà Mạc chính vị đã vững vàng, thì theo lời khuyên của mọi người, ông mới đi thi và nhập thế, khi tuổi đã 45. Sau khi đỗ Trạng nguyên, Nguyễn Bỉnh Khiêm làm quan với nhà Mạc, vài năm sau tới chức Tả thị lang bộ Lại, Đông các Đại học sĩ triều thứ hai - Mạc Đăng Doanh. Nhưng chỉ được 8 năm, thì ông lại xin về trí sĩ. Tuy nhiên, vua Mạc vẫn hay cho người lui tới thăm viếng và hỏi han các việc, rồi phong cho ông tước Trình tuyền hầu. Vài năm sau, lại mời ông tham gia triều chính - làm Thượng thư bộ Lại, tước Trình quốc công. Về sau, dân chúng các thời thường gọi ông là Trạng Trình - do đã căn cứ vào tước phong của triều Mạc.

Sau lần về hưu thứ nhất, Nguyễn Bỉnh Khiêm dựng một am nhỏ ở bên trái làng, gọi là am Bạch Vân, làm thơ và sống cuộc đời nhàn tản - dân chúng gọi ông là “Bạch Vân cư sĩ”. Còn sau lần về hưu thứ hai, ông dựng quán Trung Tân ở ngay giữa đồng làng, làm nơi mọi người đi về nghỉ ngơi và đàm đạo. Ông cũng mở trường dạy học - học trò theo học rất đông, tương truyền có tới 3000 người, mà trong số đó có những người nổi tiếng như: Trạng nguyên Giáp Hải, Tiến sĩ Lương Hữu Khánh v.v...

*

*        *

Là người đỗ đạt và làm quan dưới triều Mạc, nên lý đương nhiên Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đã mang tài năng và công sức ra để “vun đắp” cho vương triều này. Biết Nguyễn Quyện (con Trạng nguyên Nguyễn Thiến) là một tướng tài có thể làm trụ cột cho vương triều Mạc, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã bày kế cho vua Mạc “đoạt” lấy viên tướng này từ tay nhà Lê Trung Hưng. Hoặc như việc các tôn thất nhà Mạc, sau khi bị quân Trịnh Tùng (phò nhà Lê) đánh bại ở Thăng Long, đã chạy lên vùng Phượng Nhỡn (Bắc Giang) rồi Cao Bằng để cố thủ - là do đã làm theo kế của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Còn như việc họ Trịnh không đoạt quyền nhà Lê lên làm vua, mà chỉ làm chúa, cũng là do đã nghe theo lời Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Thờ Bụt thì được ăn oản”, hoặc như việc Nguyễn Hoàng xin chúa Trịnh vào trấn giữ đất Thuận - Quảng để làm kế lâu dài - sau này có thể đương đầu với chúa Trịnh được - thì cũng vẫn là kế của Nguyễn Bỉnh Khiêm với câu nổi tiếng, nói cho người nhà của Nguyễn Hoàng biết: “Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân”.

Những câu chuyện liên quan đến chính sự kể trên - từ lâu đã được dân chúng từ nhiều đời truyền tụng.Tuy nhiên, cũng không thể căn cứ vào đó để cho rằng tình trạng đất nước bị phân chia sau thời Lê Trung Hưng là do Nguyễn Bỉnh Khiêm gây ra. Đó là tham vọng của cả ba tập đoàn thống trị lớn: Mạc, Lê - Trịnh và Nguyễn còn Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ làm cái việc của một kẻ thức giả, và nếu ông không làm thì chắc cũng có những người khác sẽ làm. Đời sống của dân chúng thời ấy, tuy thỉnh thoảng phải gánh chịu cảnh chiến tranh, nhưng nhìn chung, vẫn có những khoảng thời gian dài hoà bình và yên ổn, mà nếu đem so sánh với đời sống của dân chúng thời Hồng Đức - là giai đoạn cực thịnh của chế độ phong kiến nước ta nhưng cũng có đến hai cuộc chiến tranh lớn - thì chưa thể nói rằng giai đoạn trước đã hơn giai đoạn sau.

Là người có học vấn vào loại cao nhất lại am hiểu dân tình thế thái và sống gần gũi với dân nên xung quanh Nguyễn Bỉnh Khiêm còn có thêm những truyền thuyết rất lạ, nói lên tài tiên đoán như “thần” của ông. Các mẩu chuyện ấy như sau:

*

*          *

Thời Nguyễn Bỉnh Khiêm từ quan về trí sĩ rồi mở trường dạy học ở quê, có rất nhiều học trò đến theo học. Một hôm, trong đám học trò, có một người gốc gác nông dân làm ăn chăm chỉ, vỡ hoang khai phá được hai mẫu đất trồng lúa, đến mùa thu hoạch được mấy cót thóc đầy, nhưng gặp lúc thời giá rẻ mạt, còn băn khoăn có nên đem bán hay không, bèn đến hỏi thầy, thì Nguyễn Bỉnh Khiêm liền bảo:

- Anh cứ giữ thóc lại đã. Nay đàn voi của nhà vua đang mắc bệnh dịch có thể lấy thóc khô chữa được, vậy nếu anh đem số thóc ấy dâng lên nhà vua, thì đổi lại, ắt sẽ được những thứ khác còn nhiều hơn.

Người học trò làm theo. Về sau, quả nhiên anh ta được nhà vua ban chức tước, vì thế, được hưởng vinh hoa phú quý đến suốt đời.

*

*        *

Có một vị cống sĩ già (đã đỗ kỳ thi Hương) đến xin Trạng Trình theo học, để chuẩn bị thi  Hội. Nguyễn Bỉnh Khiêm ngắm nhìn ông ta hồi lâu, rồi thủng thỉnh đáp: “Nếu có đủ 8 lạng vàng đem đến, ta mới dạy cho”.  

Mấy ngày sau, vị cống sĩ đem vàng đến thật, Nguyễn Bỉnh Khiêm bèn giảng cho 8 chữ: “Trí trị thành pháp, bách quan sở đồng”, rồi sau đó nói thêm:

- Nay ta đã già, chỉ nhớ được có từng ấy thôi. Anh về suy ngẫm thêm cho kỹ.

Vị cống sĩ ra về, nhớ đinh ninh lời giảng của thầy, lại tìm hiểu nghĩa lý sâu xa trong các sách có liên quan. Đến hôm vào trường thi, đề bài văn sách ra lại đúng ý của 8 chữ đó, nên bài của vị cống sĩ làm hoàn toàn mỹ mãn. Quan chánh chủ khảo phê: “Tám chữ đáng giá tám lạng vàng”, rồi lấy đỗ ngay Tiến sĩ.

 

*

*        *

Ở làng An Dương bên cạnh có một lão ngư hiền lành chất phác, tuổi ngoài 70 nhưng hãy còn khoẻ mạnh, tuy nhiên nhà lại rất nghèo.

Một hôm, sau cơn động biển, Nguyễn Bỉnh Khiêm đến chơi, bảo ông lão dùng thuyền bơi ra ngoài khơi, hễ gặp người hay vật thì vớt lấy, ắt sẽ được giàu sang.

Ông lão làm theo, nhưng suốt buổi chỉ vớt được một bà già đang sắp chết đuối, mang về. Nguyễn Bỉnh Khiêm biết chuyện, lại đến, bảo ông lão hãy chăm nuôi bà ấy cho thật tử tế.

Quả nhiên, ít lâu sau có vị sứ giả người Hoa ở Quảng Đông (Trung Quốc) mang vàng bạc, lụa là đến ra mắt vua Mạc tâu rằng:

- Muôn tâu Quốc vương. Bà phu nhân của chúng tôi dong thuyền đi chơi ngoài biển, chẳng may bị sóng đánh trôi về phương Nam. Vậy xin Quốc vương cho người  đi  dò tìm tung tích giúp hộ.

Vua Mạc nhận lời, rồi sau đó “sức” giấy cho các trấn miền duyên hải. Khi tin ấy tới miền Hải Dương, Nguyễn Bỉnh Khiêm tới bảo ông lão đánh cá đưa bà già ấy trình lên, vì thế, người này đã được trọng thưởng rất hậu.

*

*         *

Nguyễn Bỉnh Khiêm mất ở quê vào năm Diên Thành thứ 8 (1585) đời Mạc Mậu Hợp, thọ 95 tuổi. Tuy nhiên, các câu chuyện kể về ông còn truyền mãi về sau.

Vào thời Lê Cảnh Hưng - nghĩa là sau khi ông mất khoảng gần 200 năm, có hai cha con một người đào ếch trong vùng tên gọi Văn Khả, đã đào hang ếch ở dưới tấm bia đá trong đền thờ của Nguyễn Bỉnh Khiêm, do vậy đã làm tấm bia này đổ nghiêng.

Dân làng Trung Am vốn rất sùng kính Nguyễn Bỉnh Khiêm, thấy bia của ông bị đổ, bèn bảo nhau ra dựng lại cho ngay ngắn. Lạ thay, hàng chục thanh niên trai tráng cùng xúm tay vào mà tấm bia chỉ lung lay chứ  không đứng thẳng được. Các vị bô lão thấy vậy, liền bảo các thanh niên giãn cả ra để xem tấm bia ấy có vết tích huyền bí gì không. Đến khi đọc được hàng chữ ở chân bia: “Cha con Văn Khả đánh ngã bia tao”, thì  các cụ liền hỏi xem trong vùng có ai có tên như thế? Được biết cha con Văn Khả ở làng bên cạnh làm nghề bắt ếch, các cụ cho người gọi đến bắt phải mang 8 quan tiền cổ tới nộp phạt. Chỉ sau khi dùng 8 quan tiền ấy làm lễ vật, tạ trước đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm, thì các thanh niên trai tráng xúm vào mới dựng tấm bia đứng thẳng lên được.

Từ đó, không còn ai dám tuỳ tiện xâm phạm tới đền thờ của Nguyễn Bỉnh Khiêm nữa.

0