Đại nguyên soái Liên Quang Cai

"Thuở các vua Hùng dựng nghiệp, dân ta no ấm, đất nước thanh bình. Đến đời Hùng vương thứ 18 (tức Hùng Duệ Vương) do nhà vua chỉ sinh hai công chúa, nên về cuối, đã nhường ngôi lại cho Thục An Dương Vương. Vua Thục trị vì đất nước được 50 năm thì bị Triệu Đà người Chân Định (Trung Quốc) mang quân ...

"Thuở các vua Hùng dựng nghiệp, dân ta no ấm, đất nước thanh bình. Đến đời Hùng vương thứ 18 (tức Hùng Duệ Vương) do nhà vua chỉ sinh hai công chúa, nên về cuối, đã nhường ngôi lại cho Thục An Dương Vương. Vua Thục trị vì đất nước được 50 năm thì bị Triệu Đà người Chân Định (Trung Quốc) mang quân sang xâm chiếm. Triệu Đà đóng đô ở Phiên Ngung (Quảng Đông - Trung Quốc) truyền 5 đời được 150 năm thì bị nhà Tây Hán thôn tính. Nhà Đông Hán sau đó thay thế nhà Tây Hán, tiếp tục cai trị...

Thời vua Quang Vũ nhà Đông Hán, viên Thái thú Tô Định được cử sang. Y thi hành chính sách tận thu hà khắc, lại dùng nhiều hình phạt bạo ngược dã man, nên dân chúng cực khổ lầm than, khắp nơi sinh lòng oán hận. Người người cả nước chỉ muốn đứng lên đánh đuổi bè lũ xâm lược.

Khi ấy, tại Châu Phong có hai chị em bà Trưng anh hùng đảm lược, vốn là con một vị Lạc tướng và cháu ngoại của vua Hùng, đã đứng dậy phất cờ khởi nghĩa.

Lúc đầu bà Trưng Trắc thường cử bà Trưng Nhị đi đến các vùng lân cận, gặp gỡ với các anh hùng hào kiệt, cùng nhau bàn bạc chuẩn bị lực lượng và hẹn ngày khởi sự. Các anh hùng hào kiệt sau khi nhận lời và chuẩn bị lực lượng, lại đi đến các vùng xa hơn, để tập hợp thêm. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, vì thế đã lớn mạnh lên không ngừng. Các vị làm nhiệm vụ tiếp nối khi ấy, được gọi là các vị nội thị.

Khi bà Trưng Nhị tìm đến động Lăng Xương   thì người mà bà muốn gặp chính là ngài Liên Quang Cai, khi ấy vừa tròn 20 tuổi, là con trai của một gia đình thi thư, giàu có và có uy vọng trong vùng. Ngài Liên Quang Cai nhận làm nội thị rồi tiếp đó, tự chuẩn bị lực lượng và đi vận động các vùng xung quanh.

*

*        *

Ngài có lai lịch như sau:

Thân phụ của Ngài là Vương Liên Quang, thân mẫu là Đào Thị Hồng. Nhà Vương công khi ấy vốn là dòng dõi gia thế, có nhiều gia nhân, điền sản, nhưng khi ông bà ngoài 40 tuổi, vẫn chưa có con. Bởi vậy, đến ngày giỗ cha mẹ, ông mới chắp hai tay đứng khấn trước bàn thờ.

- Xin cha mẹ soi xét, con nay tuổi đã cao mà chưa có người nối dõi, nên xin phép cha mẹ từ nay cho được mang của nhà ra làm phúc, để mong Trời Phật phù hộ độ trì.

Thế rồi từ đấy, ông bà đem của cải ruộng nương ra chia cho người nghèo, lại hàng ngày dâng hương hoa lễ vật vào miếu thần linh và thành tâm cầu khấn. Chẳng bao lâu sau, vào một đêm ông đang nằm ngủ thì bỗng mơ thấy mây ngũ sắc xà xuống trước mặt, rồi có Rồng đen mờ ảo hiện ra, đồng thời lại có cả đôi chim quý bay đến đậu trước nhà. Một vị Thiên tướng bước xuống mình Rồng, tay trái cầm cung, tay phải cầm kiếm, dắt theo một tiểu đồng mặt mũi khôi ngô tuấn tú, đi đến trước mặt mà bảo rằng:

- Thấy nhà ngươi ăn ở phúc đức, nên ta giao cho đứa trẻ này cùng với cung kiếm, để sau này cứu đời giúp nước.

Nói xong, Thiên tướng bèn trao thêm cho một quyển sách. Ông cúi đầu đón nhận rồi mở ra xem, thấy viết:

Vân thuỷ lưu thanh thuỷ lưu thanh

Nam thiên đỉnh xuất tài anh tú

Chung tú tại Đào gia thị

Sinh xuất thần minh sự nghiệp.

Đọc xong, lại đã hiểu được ý nghĩa, ông bèn cúi đầu làm lễ bái tạ, nhưng vừa xong đã thấy Thiên tướng vụt biến lên mây, và cùng lúc, có tiếng sấm vang lên ở phương Nam, khiến ông giật mình tỉnh giấc. Ông tự nhủ thầm: Nhà mình sắp có tin mừng, rồi đem chuyện trong mộng nói với bà. Cả hai ông bà đều mừng rỡ. Cũng từ đấy, bà bắt đầu có mang.

Nhiều tháng sau, vào ngày 1 tháng hai năm Đinh Mùi, từ giờ dần đến giờ thìn, thì bà trở dạ, sinh hạ một bé trai, mặt mũi khôi ngô tuấn tú như tiểu đồng mà ông đã thấy trong mộng. Lớn lên thêm em bé càng có tướng mạo khác thường: mặt vuông, mắt sáng, tai to, hai tay dài quá gối, còn về sức khoẻ thì hơn hẳn các trẻ em cùng lứa tuổi.

Hai ông bà vô cùng mừng rỡ cho rằng đã được Trời Phật báo phúc, bèn đặt tên cho con là Liên Quang Cai1 , rồi làm cỗ mời bạn bè cả vùng tới dự.

Trong vòng 10 ngày ăn mừng, trên trời thỉnh thoảng lại có tiếng chuông, điểm đúng 10 tiếng trong mỗi ngày đêm. Thế rồi, đến cuối ngày thứ 10, lại có một thiên sứ bay xuống án thư trước nhà mà bảo rằng:

- Phúc đức của nhà ngươi đã thấu tới trời xanh nên ta được lệnh ban thêm cho Thiên tướng đôi kiếm báu để sau này hộ quốc an dân.

Mọi người có mặt lúc ấy được chứng kiến, thảy đều kính cẩn bái phục, còn ông Vương  thì sau đó vội lập đàn tràng, để tạ ơn trời đất, bách thần và các vị tinh tú.

Khi Cai công lên 9 tuổi thì cha mẹ cho đi theo thày, học cả văn lẫn võ. Chỉ sau vài năm, Ngài đã kinh sử làu thông, các ban võ nghệ cao cường và trận pháp, binh thư cũng đều thực giỏi. Bạn bè và mọi người đều rất mực mến phục Ngài.

Sau nhiều năm suy nghĩ về vận nước, đến năm 20 tuổi, thì Ngài đã có ý định tập hợp binh mã trong vùng, để đánh đuổi bè lũ Tô Định bạo tàn. Nhưng vừa hay, đấy cũng là lúc bà Trưng Nhị đến gặp để bàn về việc quốc gia đại sự. Ngài nhận lời làm nội thị - tập hợp lực lượng và đi các nơi vận động, tuyên truyền...

(Xem thêm truyện truyền thuyết: Lệ Hải Bà Vương Triệu Thị Trinh (truyền thuyết bà Triệu) )

*

*        *

Thế nhưng, trong thời gian Ngài đang tiến hành các công việc thì bọn quan lại nhà Hán đánh hơi thấy, rồi chúng cho quân tới vây bắt. Hay tin Ngài cùng cha mẹ lập tức chia hết gia tài, điền sản cho dân làng, rồi lên thuyền ra sông  đi mãi về hướng nam, nói là đi du ngoạn. Khi đến xã Thượng Thanh Thần (tức Thượng Thanh) thuộc huyện Thanh Uy phủ Ứng Thiên đạo Sơn Nam (nay thuộc Hà Tây) thì dừng lại.

Hồi ấy, hồ Thanh Đàm (đầm xanh) còn là một khúc liền của con sông Đáy, bên phải là bãi bồi (hay bãi soi) bên trái có làng mạc, dân cư chủ yếu sống trên con đê viền lấy sông. Thượng Thanh thần cũng đã chia với Hạ Thanh thần (tức làng Thanh Thần) từ 300 năm trước, thời Thục An Dương Vương. Cũng thời ấy, đạo Phật đã phát triển ở nhiều nơi trên đất nước ta. Ở Thượng Thanh thần đã có Diên phúc tự (tức chùa Thượng Thanh bây giờ), một bên chùa có đường đi và có ao nước nhỏ.

Khi đến đây, Ngài cùng cha mẹ sắm sửa hương hoa lễ vật dâng vào trong chùa, rồi xin với dân làng cho làm thủ tự (trông nom chùa), dân làng đồng ý.

Ở trong chùa được khoảng 3 tháng thì Ngài cùng cha mẹ làm một ngôi nhà nhỏ ở mé trước cửa chùa, làm nơi ở, nơi tiếp khách và nơi để Ngài dạy học cho các trẻ em trong vùng. Đêm ngày cha mẹ Ngài và Ngài vẫn hằng thành tâm thờ kính Phật, dâng hương hoa lễ vật và trông nom, quét dọn quanh chùa. Dân làng được chứng kiến và lại thấy gia đình Ngài thường đem của cải ra giúp đỡ người nghèo, nên ai ai cũng đều hết lòng nể phục.

Được 7, 8 năm, khi ấy cha mẹ Ngài đã ngoài 60 tuổi, thì thật chẳng may, gặp phải lần cảm mạo đột ngột. Ngài ngày đêm thuốc thang chăm sóc, rồi lễ bái cầu xin, vậy mà đến hàng tháng ròng, bệnh tình của cha mẹ Ngài vẫn không giảm. Đến ngày mồng 7 tháng 5 thì cả hai cha mẹ Ngài đều qua đời. Ngài vật vã than khóc, bảo học trò cùng dân làng chuẩn bị lễ vật cúng tế, rồi an táng cha mẹ ở dại đất ao bên đầm (tức gò Ngô Công). Từ đấy, Ngài khói hương phụng thờ, trong lòng lúc nào nỗi thương cha nhớ mẹ cũng không nguôi.

Lúc bấy giờ Ngài đã 28 tuổi, từ nhiều năm trước vẫn mang tráng chí đánh đuổi bè lũ xâm lược bạo tàn, nên liền sau đó, đã bắt tay ngay vào việc chuẩn bị lực lượng. Ngài chiêu mộ binh sĩ, thu góp lương thực, rèn luyện cung kiếm, tập đánh trận giả...

Lúc bấy giờ, cũng là lúc Hai bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa, nên hay tin, Ngài đã bí mật lên đường ngược dòng Hát Giang, đến Phong Châu bái kiến. Bà Trưng Trắc thấy Ngài có tướng mạo phi thường lại có phong thái, cốt cách đàng hoàng, nên hết sức vui mừng, bảo Ngài hãy mau về mang quân đến tụ nghĩa. Ngài bái tạ lên đường, về Thượng Thanh thần chiêu mộ trong vòng 15 ngày, được 359 người. Sau đây là danh sách cụ thể:

- Huyện Thanh Uy: Hai làng Thượng, hạ Thanh thần: 40 người, Linh Dương 20 người, Đoàn Viên (tức Đàn viên) 50 người, Cao Bộ 5 người, Đan Thần 2 người, Quảng Nại (tức Quảng Minh) 1 người, Khê Tang 20 người, Khúc Thuỷ 10 người.

- Huyện Chương Đức (Chương Mỹ và Mỹ Đức): Ninh Sơn (tức Phụng Châu) 8 người, Diên Ứng 3 người, Lương Xá 8 người, Kim Cốc (tức Hoàng Diệu) 15 người, Ó Vực (tức Thương Vực) 7 người.

- Huyện Sơn Minh  (Ứng Hoà): Thái Đường 50 người, Trình Xá 70 người, Phí Trạch 20 người, Tế Tiêu 30 người.

Trong những ngày chuẩn bị, nghĩa quân đóng được 50 cỗ xe. Rồi lập đàn tràng, tế cáo trời đất, trên bãi đất phẳng ở ngay bờ đầm. Thời ấy, ở cạnh đấy đã có một ngôi miếu thờ thần linh.

Sau khi chủ tướng cùng quân sĩ tế cáo trời đất xong, thì vào miếu xin thần linh âm phù. Rồi ngay ngày hôm ấy, cùng với việc cử người đến các quận huyện xung quanh kêu gọi các vị quan lang, hào trưởng hưởng ứng, thì Ngài cũng cho đoàn quân của mình lên đường. Vài ngày sau, đoàn quân đã tới Phong Châu, vào ra mắt Hai Bà Trưng, cùng với nhiều đoàn quân khác, lúc ấy cũng đã bắt đầu tề tựu đông đủ.

Quân số của cuộc khởi nghĩa lên tới trên 7 vạn người. Hai Bà Trưng cho lập đàn tràng tế cáo trời đất, rồi thề cùng nhau đánh đuổi bè lũ xâm lược bạo tàn, trả mối quốc thù. Nhận thấy Ngài có biệt tài làm tướng, nên hai Bà truyền lệnh cho Ngài ăn mặc giả gái, cho lĩnh ấn Tiên phong mang theo 3 vạn quân cùng 500 ngựa chiến, đi trước đánh mở đường.

Ngài phụng mệnh nhận mũ áo, bái tạ, rồi sau đó, chia quân lính ra hai đường thuỷ bộ, hàng ngũ chỉnh tề, nhằm thẳng hướng Luy Lâu, cùng tiến. Chẳng mấy ngày đoàn quân đã tới trước cổng thành, quân Tô Định ra nghênh chiến, nhưng sức không địch nổi, phải vội vã quay đầu vào thành rồi tháo chạy. Tô Định phải bỏ lại cả ấn kiếm, giấy tờ, rồi cắt tóc, cạo râu, ăn mặc giả làm con gái, tìm đường lẻn trốn về Nam Hải (thuộc Quảng Tây - Trung Quốc).

Các đạo quân khác của Hai Bà Trưng sau đó cũng chia ra đi đánh các huyện thành của quân Hán. Thế rồi chỉ sau thời gian ngắn, tất cả 65 thành trì ở miền Lĩnh ngoại đã thuộc quyền kiểm soát của quân ta. Về Phong Châu, bà Trưng Trắc lên làm Vua, phong thưởng cho các tướng sĩ. Bà Trưng Nhị được phong là Bình Khôi công chúa, còn Ngài được phong là Khai quốc Đại nguyên soái.

Từ đó mọi người hiệp sức đồng lòng giữ cho đất nước thanh bình, đời sống của nhân dân no ấm, không phải chịu cảnh đánh đập dã man và sưu cao thuế nặng như dưới thời nhà Hán.

*

*        *

Lại nói về đức Cai Công, sau khi nhận chức tước, Ngài đem quân bản lộ về xã Thượng Thanh thần. Nhân dân trong vùng hay tin, cùng nhau nô nức đến chào đón. Thế rồi sau đó, mọi người bàn nhau giết mổ trâu bò tế lễ thần linh và tiếp đãi đoàn quân của Ngài. Biết chuyện, Ngài bèn ngăn lại và nói:

- Dân ta còn nghèo, trâu bò thì giúp ta cày ruộng. Vậy muốn cho dân ta giàu có, thì phải giữ lại được nhiều trâu bò. Bây giờ nếu mọi người cứ nhất định phải làm cỗ bằng trâu bò, thì ta sẽ không ăn đâu.

Nghe Ngài nói như thế, dân chúng càng thêm hết lòng kính phục, rồi sau đó bàn nhau đi làm bánh trái và thổi cơm, luộc rau, để đón tiếp Ngài và quân sĩ.

Trước khi ăn cơm, Ngài sai đem bánh trái vào miếu lễ tạ thần linh.

Nhận thấy ngôi miếu đã siêu vẹo (do thời bấy giờ còn làm bằng tranh, tre, nứa, lá) nên sau đó, Ngài sai quân lính tìm vật liệu mới, dựng lại. Rồi cũng nhận thấy ngôi nhà của cha mẹ Ngài ngày trước đã bắt đầu dột nát, nên Ngài cho làm một ngôi nhà khác ở bờ đầm, để làm nơi thờ cúng cha mẹ lâu dài. Xong xuôi các việc, Ngài từ biệt dân làng, rồi cùng quân sĩ lên đường, ngược dòng sông Hát về Phong Châu, đến yết kiến Trưng Vương để làm nhiệm vụ mới...

(Đọc truyền thuyết: An Dương Vương (ngọc trai, giếng nước))

*

*        *

Ba năm sau, Hán Vũ Đế sai Mã Viện mang 5 vạn quân sang tái chiếm nước ta. Khi nghe tin bọn giặc sắp tràn qua biên giới, Trưng Vương cử Ngài dẫn đại binh lên miền Lạng Sơn trấn giữ, còn hai Bà đem quân đi tiếp ứng phía sau. Lệnh cho các miền các nơi mang quân lên Lạng Sơn trợ chiến, cũng lập tức được phát đi. Nhiều trận đánh lớn đã diễn ra ở vùng Lạng Sơn, dưới sự chỉ huy của Ngài và của Hai Bà Trưng, suốt trong hai năm cùng với giặc không phân thắng bại. Thế rồi về sau quân ta núng thế, tiếp viện khó khăn, lương thực thiếu, Hai Bà phải cho rút đại binh về Cấm Khê. Tại Cấm Khê quân ta lại bị bao vây trong nhiều tháng, lương thực cạn dần. Hai Bà bàn với các tướng sĩ dốc toàn lực lượng, đánh một trận quyết chiến, phá vây. Đạo quân của Ngài chỉ huy khi ấy, chỉ còn lại khoảng 500 người.

Trong trận quyết chiến, rất nhiều tướng lĩnh và binh lính của phía ta bị hy sinh. Hai Bà Trưng thấy thế cùng lực kiệt không thể cứu vãn được nữa, nhưng cũng không muốn bị rơi vào tay quân thù, đã cùng rút kiếm tự vẫn ở cửa sông Hát.

Đạo quân của Ngài khi ấy chỉ còn lại đúng 28 người. Lúc ấy đang là chập tối, trời đất nhá nhem, Ngài ngửa mặt lên trời, thét vang lên một tiếng. Lập tức, mây đen kéo đến, sấm ran chớp giật, rồi một trận mưa đá trút xuống bất ngờ. Đội quân của Ngài phá vòng vây, quân Hán phải dạt cả ra, nhưng sau đó chúng dồn lại, đuổi theo sau, 28 quân sĩ của Ngài, hoặc tử trận, hoặc chạy tản ra các hướng. Riêng Ngài do võ nghệ cao cường, nên vẫn một mình tả xung hữu đột, rồi phi ngựa vút qua đám quân Hán, chạy băng về hướng nam.

Trên khắp người Ngài lúc ấy, máu giặc bắn vào và máu do các vết thương thấm ra, ướt đẫm.

Nửa đêm hôm sau, Ngài phi ngựa về tới xã Thượng Thanh thần, xuống ngựa, rồi vào vọng cung (nơi thờ cha mẹ), trên tay vẫn còn nắm chặt thanh kiếm. Dân làng hay tin, chạy đến băng bó các vết thương và thuốc thang chăm sóc cho Ngài. Nhưng đúng lúc ấy, ở giữa hồ Thanh đàm có một luồng ánh sáng chói loà từ giữa trời cao hạ xuống, rồi một Rồng đen lớn hiện ra, đến bên vọng cung, đưa Ngài bay thẳng lên trời (vào đêm 7 tháng 7).

Sáng hôm sau, mọi người nhìn vào vọng cung rồi nhìn ra xung quanh, chỉ còn thấy mũ áo của Ngài để lại, ở một bên bờ hồ. Nhân dân xã Thượng Thanh thần vô cùng cảm kích, bèn lập ngôi miếu để thờ Ngài, ở ngay nơi có mũ áo để lại (tức là ở miếu Thượng Thanh bây giờ).

Về sau, khi nước nhà giành được độc lập sau ngót một ngàn năm Bắc thuộc, thì ngôi miếu thờ Ngài cũng được trùng tu rồi xây cất bằng gạch ngói (còn thời Bắc thuộc không được làm công khai). Từ đó cũng đã nhiều lần được tu sửa thêm, rồi đại trùng tu vào năm 1918, do các hiệp thợ trong làng thi công xây cất, trạm khắc và tạo tác các đồ tự khí, cùng cuốn thư, câu đối... Thật là ngôi miếu nguy nga tráng lệ, đứng vào hàng danh thắng trong vùng.

Các triều đại từ Lê đến Nguyễn, mỗi khi chính vị hoặc đổi niên hiệu đều có sắc tặng phong. Cả thảy còn 11 đạo. Tôn hiệu của Ngài là "Trưng vương công thần, Tối linh Đại vương".

0